Thứ Sáu, 28 tháng 4, 2017

THẦN HỌC VỀ DI DÂN

Thời sự Thần học - Số 43, tháng 03/2006, tr. 49-78

Fabio Baggio

Linh Mục Dòng Scalabrini,
Giáo sư Học viện Giáo Hoàng Urbaniana tại Roma
và Trường Thần học Maryhill, Philippine


I. Giới thiệu

Giống như các hiện tượng nhân sinh khác, di dân là một chủ đề quan trọng đối với một suy tư thần học nghiêm túc, vượt xa mọi ranh giới lịch sử và triết học, đồng thời khẳng định một nhãn quan mới qua “con mắt đức tin.” Huấn dụ Erga Migrantes Caritas Christi (Tình yêu Đức Kitô đối với những người di dân) được Hội đồng Tòa thánh về những người di dân và du hành công bố năm 2004, muốn cung cấp một “… hệ thống đối chiếu giữa Kinh thánh và Thần học, liên kết hiện tượng di dân với lịch sử cứu độ như là một dấu chỉ thời đại, như là dấu chỉ sự hiện diện của Thiên Chúa trong lịch sử và trong cộng đồng các dân tộc để hướng tới sự hiệp nhất phổ quát” (Erga Migrantes, phần Giới Thiệu).

Trên đây là một sự khẳng định rõ ràng, cho rằng sự chuyển dời của con người là một chủ đề đạt được đầy đủ quyền lợi trong Thiên đường Thần học (Theology’s Olympus), nhất là trong lĩnh vực Thần học Mục vụ. Trong thời gian gần đây, có một số nỗ lực đáng kể về việc hệ thống hóa lý thuyết: việc hướng dẫn nghiên cứu và diễn đàn thảo luận, đây là những phát triển đầy hứa hẹn đáng lưu tâm. Nhưng cần phải có một suy tư thật sự chặt chẽ.

Trong những trang viết dưới đây, tuy không khẳng định là thấu đáo, nhưng tác giả mời độc giả xem xét ba con đường suy tư khả thi được giải thích trên nền tảng bộ ba là Kinh thánh, Truyền thống và Giáo huấn. Ba con đường này có thể được nhật biết như sau:
- Xuất hành: sự hiện hữu trên trái đất như là một tình trạng xa xứ vĩnh viễn.
- Lòng hiếu khách: sự hiện diện của Thiên Chúa nơi ngoại kiều; và
- Tính công giáo: vai trò của những người di dân trong việc hiện thực hóa Vương quốc phổ quát.

II. Xuất hành: sự xa xứ như là một tình trạng vĩnh viễn của sự hiện hữu trên trái đất

Một tác giả ẩn danh của Thư gửi Diognetus, vào thế kỷ II, nêu bật “tính xa xứ” như là một tình trạng không thể phủ nhận của những Kitô hữu trên trái đất: “Họ cư ngụ trong các quốc gia của họ, nhưng chỉ như là những người tạm trú. Xét là công dân, họ chia sẻ tất cả mọi sự với tha nhân, nhưng phải chịu đựng mọi điều như thể là những ngoại kiều. Đối với họ, mỗi vùng đất xa lạ đều là quê hương của họ, và mỗi vùng đất nơi họ sinh ra là một vùng đất của những người xa lạ” (Thư gửi Diognetus 5,9). Những bản văn Kinh thánh khác cũng nói tới tình trạng xa xứ, không chỉ của Kitô giáo mà còn của cả nhân loại. Toàn bộ Lịch sử Cứu độ được ghi dấu bởi một số kinh nghiệm di dân, một mặt nó cho thấy sự xa cách của con người với Thiên Chúa, mặt khác, nó hằng mong ước về “Đất Hứa.”[1] Những cuộc lưu đày, trục xuất, xuất hành và trở về đều kéo theo những động lực biện chứng giữa sự trừng phạt của Thiên Chúa và con đường đi tới hòa giải.

Khởi đầu nhân loại

“Cuộc di dân” đầu tiên trong Kinh thánh được trình bày trong chương ba sách Sáng thế vào lúc khởi đầu lịch sử nhân loại. Vì tội nguyên tổ, A-đam và E-và đã bị trục xuất ra khỏi vườn Ê-đen và bị lưu đày trên mặt đất:
Với A-đam, Chúa phán: "Vì ngươi đã nghe lời vợ và ăn trái cây mà Ta đã truyền cho ngươi rằng: "Ngươi đừng ăn nó", nên đất đai bị nguyền rủa vì ngươi; ngươi sẽ phải cực nhọc mọi ngày trong đời ngươi, mới kiếm được miếng ăn từ đất mà ra. Đất đai sẽ trổ sinh gai góc cho ngươi, ngươi sẽ ăn cỏ ngoài đồng. Ngươi sẽ phải đổ mồ hôi trán mới có bánh ăn, cho đến khi trở về với đất, vì từ đất, ngươi đã được lấy ra. Ngươi là bụi đất, và sẽ trở về với bụi đất." Con người đặt tên cho vợ là E-và, vì bà là mẹ của chúng sinh. ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa làm cho con người và vợ con người những chiếc áo bằng da và mặc cho họ. ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa nói: "Này con người đã trở thành như một kẻ trong chúng ta, biết điều thiện điều ác. Bây giờ, đừng để nó giơ tay hái cả trái cây trường sinh mà ăn và được sống mãi." ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa đuổi con người ra khỏi vườn Ê-đen để cày cấy đất đai, từ đó con người đã được lấy ra. Người trục xuất con người, và ở phía đông vườn Ê-đen, Người đặt các thần hộ giá với lưỡi gươm sáng loé, để canh giữ đường đến cây trường sinh (St 3,17-24).

Lúc khởi đầu, toàn bộ cuộc tạo dựng hòa hợp với con người để kế hoạch quan phòng của Thiên Chúa được thực hiện. Vườn Ê-đen xuất hiện như là quê hương đích thật cho con người, có thể cho họ thực phẩm và sự nương ẩn dư tràn. Nhưng tội ích kỷ (trở nên giống Thiên Chúa) đã phá vỡ trạng thái cân bằng của “thiên đường trần thế” tuyệt vời được Thiên Chúa thiết lập, đưa đau khổ và sự chết vào trong đời sống con người. Sự chuyển dời tới vùng đất phải làm việc vất vả, phải đổ mồ hôi được hiểu vừa là một hình phạt của Thiên Chúa vừa là một con đường thanh luyện, và cuối cùng là quê hương bị đánh mất. Theo kế hoạch ban đầu, con người sở hữu vườn Ê-đen và toàn bộ lịch sử nhân loại sẽ tìm về vùng đất mà họ đã sở hữu.[2]

Cảnh di dân thứ hai được diễn tả trong sách Sáng thế là câu chuyện A-ben và Ca-in. Ca-in, bị sự ghen tỵ dày vò không sao kiểm soát được, và đã quyết định giết em mình là A-ben. Sau khi giết em, Ca-in thấy mình bị Đức Chúa kiển trách và phạt nặng; cuộc lưu đày và sự cô đơn trong vùng đất chẳng được ai đón tiếp là những câu nói gây khiếp sợ sau đây:
ĐỨC CHÚA phán: "Ngươi đã làm gì vậy? Từ dưới đất, tiếng máu của em ngươi đang kêu lên Ta! Giờ đây ngươi bị nguyền rủa bởi chính đất đã từng há miệng hút lấy máu em ngươi, do tay ngươi đổ ra. Ngươi có canh tác đất đai, nó cũng không còn cho ngươi hoa màu của nó nữa. Ngươi sẽ lang thang phiêu bạt trên mặt đất." Cain thưa với ĐỨC CHÚA: "Hình phạt dành cho con quá nặng không thể mang nổi. Đây, hôm nay Ngài xua đuổi con khỏi mặt đất. Con sẽ phải trốn tránh để khỏi giáp mặt Ngài, sẽ phải lang thang phiêu bạt trên mặt đất, và bất cứ ai gặp con sẽ giết con." ĐỨC CHÚA phán với ông: "Không đâu! Bất cứ ai giết Ca-in sẽ bị trả thù gấp bảy." ĐỨC CHÚA ghi dấu trên Ca-in, để bất cứ ai gặp ông khỏi giết ông. Ông Ca-in đi xa khuất mặt ĐỨC CHÚA và ở tại xứ Nốt, về phía đông Ê-đen (St 4, 10-16).

Đối với Ca-in, cuộc lưu đày đồng nghĩa với việc đánh mất căn tính cá vị của mình, và tước mất của anh cơ cấu đối chiếu cần thiết cho sự đồng hóa chính mình: gia đình; bạn bè; xã hội mà anh là một phần ở trong đó; và Đức Chúa mà tình thương của Người là nguyên nhân của cảm tính ganh tỵ với người em của anh. Bị kết án là một kẻ lang thang không ngừng, không hiểu sao Ca-in lại bị khước từ sự khôi phục căn tính đã bị đánh mất ngay trong một môi trường mới. Cô đơn và không được bảo vệ, Ca-in bị một thế giới vô danh đe doạ và làm cho cuộc đời anh sợ hãi.

Chương 11 sách Sáng thế giới thiệu câu chuyện tháp Ba-ben, một câu chuyện khác nói về cuộc di dân bắt buộc. Cả nhân loại, được mô tả như là một dân tộc duy nhất với một ngôn ngữ duy nhất, và định cư ở một nơi thích hợp (vùng đất Sin-a), đã quyết định thử thách Thiên Chúa bằng cách xây một tháp có đỉnh chạm tới trời:
Thuở ấy, mọi người đều nói một thứ tiếng và dùng những từ như nhau. Trong khi di chuyển ở phía đông, họ tìm thấy một đồng bằng ở đất Sin-a và định cư tại đó. Họ bảo nhau: "Nào! Ta đúc gạch và lấy lửa mà nung! " Họ dùng gạch thay vì đá và lấy nhựa đen làm hồ. Họ nói: "Nào! Ta hãy xây cho mình một thành phố và một tháp có đỉnh cao chọc trời. Ta phải làm cho danh ta lẫy lừng, để khỏi bị phân tán trên khắp mặt đất." ĐỨC CHÚA xuống xem thành và tháp con cái loài người đang xây. ĐỨC CHÚA phán: "Đây, tất cả chúng nó họp thành một dân, nói một thứ tiếng. Chúng mới khởi công mà đã như thế thì từ nay, chẳng có gì chúng định làm mà không làm được. Nào! Ta xuống và làm cho tiếng nói của chúng phải xáo trộn, khiến chúng không ai hiểu ai nữa." Thế là ĐỨC CHÚA phân tán họ từ chỗ đó ra khắp nơi trên mặt đất, và họ phải thôi không xây thành phố nữa. Bởi vậy, người ta đặt tên cho thành ấy là Baben, vì tại đó, ĐỨC CHÚA đã làm xáo trộn tiếng nói của mọi người trên mặt đất, và cũng từ chỗ đó, ĐỨC CHÚA đã phân tán họ ra khắp nơi trên mặt đất (St 11,1-9).

Thiên Chúa trừng phạt tội kiêu ngạo của họ qua việc làm xáo trộn ngôn ngữ và làm cho dân tộc tản mác đi khắp nơi trên mặt đất. Họ đột nhiên bị tước mất những ân huệ đặc biệt: hiệp nhất như là một dân tộc và duy nhất trong ngôn ngữ. Bị phân tán khắp nơi trên mặt đất là điểm khởi đầu trong tiến trình trở về (con đường thanh luyện) khôi phục những gì đã mất.

Các tổ phụ và lời hứa

Sự lưu động ghi dấu toàn bộ lịch sử Dân Ít-ra-en ngay từ khởi đầu. Áp-ra-ham đã từng sống ở vùng Ua của người Can-đê, một thành thị ở Mesopotamia cổ thời. Sau cuộc di dân đầu tiên tới Ha-ran (miền Bắc Mesopotamia), cùng với cha mình là ông Te-ra, Áp-ra-ham được Thiên Chúa chọn như là vị sáng lập của dân “Người” và ông đã được truyền đi tới vùng đất Đức Chúa đã chuẩn bị cho ông và con cháu ông:
ĐỨC CHÚA phán với ông Áp-ram: "Hãy rời bỏ xứ sở, họ hàng và nhà cha ngươi, mà đi tới đất Ta sẽ chỉ cho ngươi. Ta sẽ làm cho ngươi thành một dân lớn, sẽ chúc phúc cho ngươi. Ta sẽ cho tên tuổi ngươi được lẫy lừng, và ngươi sẽ là một mối phúc lành. Ta sẽ chúc phúc cho những ai chúc phúc cho ngươi; Ai nhục mạ ngươi, Ta sẽ nguyền rủa. Nhờ ngươi, mọi gia tộc trên mặt đất sẽ được chúc phúc." Ông Áp-ram ra đi, như ĐỨC CHÚA đã phán với ông. Ông Áp-ram được bảy mươi lăm tuổi khi ông rời Ha-ran (St 12,1-4).

Việc hoàn tất lời hứa của Thiên Chúa đưa đến một hành trình đức tin và thanh luyện, nó đòi hỏi bỏ lại đàng sau tất cả những tiện nghi và chắc chắn về “quê hương ngẫu nhiên.” Từ một khía cạnh thần học, hơn cả một cuộc di dân, cuộc lữ hành của Áp-ra-ham là khởi đầu sự trở về, và nhắm đến khôi phục thiên đường đã bị mất.

Khi Áp-ra-ham đến “Đất Hứa” là đất Ca-na-an, thì Đức Chúa hoàn tất lời hứa của Người, và cho con cháu tổ phụ “nhiều như sao trên trời.” Con trai của Áp-ra-ham là I-xa-ác là mắt đầu tiên trong chuỗi thật dài với một tương lai hứa hẹn nơi quê hương mới. Ít ra, đây cũng là niềm mong đợi của các con I-xa-ác là E-xau và Gia-cóp. Nhưng một cuộc di dân mới chỉ quanh quẩn ở một nơi. Một trong 12 người con của Gia-cóp là Giu-se, vì sự ghen tị của các anh mà phải trở thành nô lệ và bị đưa sang Ai-cập:
Rồi họ ngồi xuống dùng bữa. Ngước mắt lên họ thấy một đoàn người Ít-ma-ên đang từ Ga-la-át tới. Lạc đà của những người này chở nhựa thơm, nhũ hương và mộc dược để đưa xuống Ai cập. Giu-đa nói với các anh em: “Ta giết em và phủ lấp máu nó, nào có ích lợi gì? Thôi, ta hãy bán nó cho người Ít-ma-ên, nhưng đừng động tay tới nó, ví nó là em ta, là ruột thịt của ta.” Các anh em nghe cậu. Những lái buôn người Ma-đi-an đi qua đó kéo Giu-se lên khỏi giếng, rồi bán cậu cho người Ít-ma-ên hai mươi đồng bạc. Những người này đưa Giu-se sang Ai-cập (St 37,25-28).

Kinh nghiệm xúc động của Giu-se đã chuyển thành lạc quan nhờ vào khả năng phi thường của mình như là “người nói vận mệnh.” Bất chấp lai lịch của mình, ông dần dần tiến lên một vị trí quan trọng trong xã hội Ai-cập. Là người cai trị đất nước, nhiều năm sau đó, Giu-se có thể tiếp đón cha và các anh em của ông vào đất Pha-ra-ô, và cứu họ khỏi nạn đói khủng khiếp đang tàn phá Pa-lét-tin. Phần cuối câu chuyện, độc giả được hướng dẫn để nhận ra rằng cuộc di dân bắt buộc của Giu-se, tuy là tiêu cực, song lại có ý nghĩa và giá trị trong bối cảnh kế hoạch quan phòng của Thiên Chúa.

Cùng với các anh em của Giu-se, toàn Dân Ít-ra-en đã di cư sang Ai-cập và định cư tại đó. Ban đầu, dường như sự xa cách khỏi đất hứa không gây khó khăn gì cho con cháu Áp-ra-ham. Nhưng vài năm sau, dân Do thái đã bị người Ai-cập biến thành nô lệ. Một kinh nghiệm di dân lạc quan đã chuyển thành nỗi thống khổ thực sự cho dân Do thái, tiếng kêu la của họ vọng đến tai Thiên Chúa. Và Đức Chúa đã chọn ông Mô-sê để cứu dân Ít-ra-en và dẫn họ trở về quê hương:
ĐỨC CHÚA phán: "Ta đã thấy rõ cảnh khổ cực của dân Ta bên Ai-cập, Ta đã nghe tiếng chúng kêu than vì bọn cai hành hạ. Phải, Ta biết các nỗi đau khổ của chúng. Ta xuống giải thoát chúng khỏi tay người Ai-cập, và đưa chúng từ đất ấy lên một miền đất tốt tươi, rộng lớn, miền đất tràn trề sữa và mật, xứ sở của người Ca-na-an, Khết, E-mô-ri, Pơ-rít-di, Khi-vi và Giơ-vút. Giờ đây, tiếng rên siết của con cái Ít-ra-en đã thấu tới Ta; Ta cũng đã thấy cảnh áp bức chúng phải chịu vì người Ai-cập. Bây giờ, ngươi hãy đi! Ta sai ngươi đến với Pha-ra-ô để đưa dân Ta là con cái Ít-ra-en ra khỏi Ai-cập" (Xh 3,7-10).

Cuộc xuất hành tượng trưng cho một con đường hoán cải và thanh luyện mới, cần thiết trước khi đi vào đất Ca-na-an. Sự hoán cải và thanh luyện phải diễn ra trong sa mạc, một nơi nguy hiểm và sợ hãi, ở đó một chuỗi những gian nan sẽ thử thách sự trung thành của dân Ít-ra-en. Đó là một “cuộc trở về” quê hương đích thật, và bỏ lại sau lưng “những củ hành Ai- cập,” vốn tượng trưng cho sự an toàn tuy bị giam cầm. Việc họ vào Đất Hứa, sau 40 năm lang thang trong sa mạc và nhiều năm chiến đấu với những người định cư mới, được cử hành bằng việc nối lại giao ước giữa Đức Chúa và dân Người (Gs 24,20-27). Tình trạng lý tưởng của một sự hòa giải dứt khoát với Thiên Chúa đã được tái lập; việc phục hồi thiên đường bị đánh mất dường như nằm trong tầm tay. Tuy nhiên, lịch sử dân Ít-ra-en, dưới sự dẫn dắt của các thẩm phán và vua chúa, còn được ghi dấu bởi những sai lầm và bất trung, và Đức Chúa đã khiển trách họ qua các ngôn sứ.

Các ngôn sứ và con đường hoán cải

Trong đất hứa, cùng với sự chúc lành của Thiên Chúa, dân Ít-ra-en đã thiết lập một vương quốc vĩ đại, được các quốc vương danh giá cai trị: vua Sa-un, Đa-vít và Sa-lô-môn. Nhưng tội thờ ngẫu tượng mà vua Sa-lô-môn cho phép đã bị Đức Chúa trừng phạt cùng với việc phân chia vương quốc thành hai: vương quốc Ít-ra-en và vương quốc Giu-đa (1 V 11,31-33). Tính duy nhất của Dân Chúa đã bị phá vỡ, và sau đó sự bất trung liên tiếp với giao ước đã khiến Đức Chúa nổi cơn thịnh nộ. Trong viễn cảnh gay cấn này, ngôn sứ I-sai-a đã được trao sứ vụ loan báo sự phá hủy của cả hai vương quốc như là sự trừng phạt cho sự bất trung của dân. Tuy nhiên, có một lối ra, đó là một “con đường hoán cải,” và Gia-vê là người chỉ dẫn:
Đây là lời ĐỨC CHÚA, Đấng đã vạch một con đường giữa đại dương, một lối đi giữa sóng nước oai hùng, Đấng đã cho xuất trận nào chiến xa chiến mã, nào tướng mạnh binh hùng: - tất cả đã nằm xuống, và không còn trỗi dậy, đã bị dập đi, tắt ngấm như tim đèn. Người phán như sau: "Các ngươi đừng nhớ lại những chuyện ngày xưa, chớ quan tâm về những việc thuở trước. Này Ta sắp làm một việc mới, việc đó manh nha rồi, các ngươi không nhận thấy hay sao? Phải, Ta sẽ mở một con đường giữa sa mạc, khơi những dòng sông tại vùng đất khô cằn. Loài dã thú, chó rừng và đà điểu, đều sẽ tôn vinh Ta; vì Ta cho nước chảy ngay giữa sa mạc, khơi những dòng sông tại vùng đất khô cằn, cho dân Ta tuyển chọn được giải khát. Ta đã gầy dựng cho Ta dân này, chúng sẽ lên tiếng ngợi khen Ta" (Is 43,16-21).

Con đường hoán cải dẫn Dân trở lại sa mạc; nhưng bây giờ nó là một nơi đã được hoán chuyển bởi lòng bao dung của Thiên Chúa. Khi nhớ lại những kinh nghiệm xuất hành trong quá khứ, dân Ít-ra-en có thể khám phá ra rằng tất cả lịch sử của họ là một cuộc lữ hành vĩnh cửu tiến về miền đất mà Thiên Chúa hứa ban.

Câu chuyện ngôn sứ Giê-rê-mi-a xảy ra vào giữa thế kỷ thứ VII tr. CN. Ông là vị ngôn sứ báo trước về sự tàn phá và sụp đổ của vương quốc Giu-đa vì đã thất trung với giao ước ký kết với Gia-vê. Thiên Chúa đã trừng phạt họ qua việc trục xuất và lưu đày họ tới Ba-bi-lon. Một thời gian chuyển dời bắt buộc mới, tình trạng nô lệ và đau khổ xảy đến như là một con đường dẫn tới hoán cải. Tuy nhiên, trong tương lai, Dân Ít-ra-en vẫn còn hy vọng trở về Giê-ru-sa-lem để cử hành giao ước chung cuộc với Đức Chúa:
Này Ta sẽ quy tụ chúng từ khắp mọi miền đất mà vì bực tức, giận dữ và quá phẫn nộ Ta đã xua chúng tới. Ta sẽ đưa chúng về lại nơi này và cho chúng được an cư. Bấy giờ chúng sẽ là dân Ta, và Ta, Ta sẽ là Thiên Chúa của chúng. Ta sẽ ban cho chúng một trái tim và một con đường hành động, để chúng kính sợ Ta mãi mãi, nhờ đó chúng và con cháu sau này được hạnh phúc. Ta sẽ lập với chúng một giao ước muôn đời: Ta sẽ không bỏ chúng nữa, sẽ tiếp tục theo dõi và không ngừng thi ân cho chúng, cũng như ban cho chúng lòng kính sợ Ta để chúng không xa rời Ta nữa (Gr 32,37-40).

Kinh nghiệm mới về sự xa xứ sẽ đưa Dân được chọn tới sự duy nhất ban đầu (một tâm hồn và một đường lối), và lý tưởng tái lập vương quốc Ít-ra-en vĩ đại được chính Đức Chúa hiện diện chúc lành.

Sự trừng phạt đã xảy đến, Giê-ru-sa-lem rơi vào tay vua Na-bu-cô-đô-nô-xo (Gr 39,1-3) và dân tộc Giu-đa bị đày sang Ba-bi-lon (Gr 52,26-30). Tuy nhiên, lòng thương xót của Thiên Chúa đã đến trên dân Ít-ra-en nơi vùng đất họ bị lưu đày. Trong số những người bị trục xuất, Gia-vê đã chọn ngôn sứ Ê-dê-ki-en, một “cuộc trở về” sẽ dẫn Dân Ít-ra-en từ xứ sở tội lỗi và bất công tới vùng đất của cha ông họ, tới quê hương của họ:
Chúa Thượng là ĐỨC CHÚA phán thế này: Khi Ta tập hợp nhà Ít-ra-en từ giữa chư dân là nơi chúng bị phân tán; nơi chúng, Ta sẽ biểu dương sự thánh thiện của Ta trước mắt các dân ấy. Chúng sẽ định cư trên phần đất mà Ta ban cho tôi tớ Ta là Gia-cóp. Ở đó, chúng sẽ an cư lạc nghiệp, sẽ xây nhà và trồng nho; chúng sẽ an cư lạc nghiệp khi Ta thi hành án xử đối với những kẻ lân bang đã từng khinh dể chúng. Bấy giờ chúng sẽ nhận biết chính Ta là ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của chúng (Ed 28,25-26).

Cuộc xuất hành này tượng trưng cho một con đường thanh luyện mới, một sự hoán đổi mới từ con tim bằng đá thành con tim bằng thịt, để mối dây tương thuộc cũ giữa Thiên Chúa và dân Người có thể được phục hồi (Ed 36,26). Vào năm 538 tr. CN, Chỉ dụ của Ki-rút, vua Ba Tư, cho phép người Do thái trở về Pa-lét-tin và một thời khôi phục đã bắt đầu. Trong những thế kỷ tiếp theo, sự thống trị của người Ma-kê-đô-ni-a lẫn người Rô-ma dường như nhắc nhớ Dân Ít-ra-en về tình trạng xa xứ nơi quê hương của họ.

Đức Giê-su Ki-tô và sự tạm thời của cuộc sống con người

Sự áp bức và thống trị của ngoại bang đã gây ra trong tâm hồn người dân Ít-ra-en niềm khao khát về “vương quốc vị lai,” về sự hoàn tất vương quốc Đa-vít vĩ đại. Chính “Thiên-Chúa-ở-giữa-dân-Người” vào thời thiên sai được coi là chấm dứt tình trạng xa xứ của Dân được chọn, và ban cho họ quê hương chung quyết. Đức Giê-su Ki-tô là Đấng Thiên Sai, là người khởi xướng Nước Thiên Chúa bất diệt. Người phải đối diện với nhiệm vụ dễ gây nản lòng là làm cho dân Do thái hiểu rằng quê hương mà họ đang tìm kiếm không thuộc về thế gian này. Để hoàn tất sứ vụ của mình, Người đã mang lấy thân phận “tạm bợ” của đời sống trần thế vào trong thân xác mình cùng với sự yếu đuối con người.

Đức Giê-su Na-da-rét đã “nhập thể” sự tạm bợ của hiện hữu con người ngay từ lúc khởi đầu cuộc sống con người nơi mình. Suốt hành trình tới Be-lem của Thánh Gia, theo lệnh kiểm soát dân số của Hoàng đế, Ma-ri-a đã buộc phải sinh hạ trong máng cỏ bởi vì không có phòng cho họ trong quán trọ (Lc 2,7). Kinh nghiệm xa xứ đầu tiên đó lại càng thêm gay cấn bởi cuộc bỏ trốn đột ngột sang Ai-cập, Thánh Gia phải đánh bạo tránh khỏi cơn giận dữ của Hê-rô-đê. Đối với một Hài nhi Giê-su bé nhỏ, chắc chắn cuộc bỏ trốn tượng trưng cho sự hưởng nếm đôi chút cay đắng của việc chuyển dời xuất phát từ lý do chính trị và tôn giáo.[3] Vua Hê-rô-đê đóng vai trò là nhà cầm quyền được chỉ định, đã đàn áp mọi khả năng đe đoạ đến “sự nguyên trạng” của ông. Đức Giê-su và cha mẹ Người buộc phải trốn ra nước ngoài để tìm nơi ẩn trú và sự an toàn:
Khi các nhà chiêm tinh đã ra về, thì sứ thần Chúa hiện ra báo mộng cho ông Giu-se rằng: "Này ông, dậy đem Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Ai-cập, và cứ ở đó cho đến khi tôi báo lại, vì vua Hê-rô-đê sắp tìm giết Hài Nhi đấy!" Ông Giu-se liền trỗi dậy, và đang đêm, đưa Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Ai-cập. Ông ở đó cho đến khi vua Hê-rô-đê băng hà, để ứng nghiệm lời Chúa phán xưa qua miệng ngôn sứ: Ta đã gọi con Ta ra khỏi Ai-cập. Bấy giờ vua Hê-rô-đê thấy mình bị các nhà chiêm tinh đánh lừa, thì đùng đùng nổi giận, nên sai người đi giết tất cả các con trẻ ở Bê-lem và toàn vùng lân cận, từ hai tuổi trở xuống, tính theo ngày tháng ông đã hỏi cặn kẽ các nhà chiêm tinh. Thế là ứng nghiệm lời ngôn sứ Giê-rê-mi-a: "Ở Ra-ma, vẳng nghe tiếng khóc than rền rĩ: tiếng bà Ra-khen khóc thương con mình và không chịu để cho người ta an ủi, vì chúng không còn nữa" (Mt 2,13-18).

Một sứ thần của Thiên Chúa đã cho biết nơi cuối cùng của cuộc trốn thoát là Ai-cập. Đó là một nơi an toàn mà vua Hê-rô-đê không có quyền hạn gì cả. Trong hành trình đó, Thánh Gia đã đi qua một số khu kiều cư Do thái trong các thị trấn vùng biên giới, ở đó họ đã tỏ ra hiếu khách đối với các ngài. Trong ký ức tập thể của dân Ít-ra-en, Ai-cập tượng trưng cho nơi lưu đày, cho thân phận nô lệ và chuyển dời cay đắng. Khi sự đe doạ đã qua đi, Thánh Gia được mời trở về. Trong hành trình mới này, Giu-se, Ma-ri-a và Giê-su đã làm mới lại kinh nghiệm của cuộc Xuất hành, và theo bước Dân Ít-ra-en, được Mô-sê dẫn vào Đất Hứa. Sự biện chứng giữa nô lệ và tự do, vốn được khai mở do tội nguyên tổ, tìm thấy giải pháp cuối cùng nơi Đức Giê-su Ki-tô.

Tình trạng tạm thời đã mô tả toàn bộ cuộc đời công khai của Đức Giê-su. Việc du thuyết của Người thường diễn ra trên đường, trên núi, trên bờ hồ; hiếm khi diễn ra trong các hội đường. Thầy đã loan báo sự hiện diện của Nước Thiên Chúa trong một cuộc lữ hành thường xuyên từ thành này tới thành kia, trong nước Pa-lét-tin (Giu-đê, Ga-li-lê và Sa-ma-ri) và vượt ra khỏi biên giới quốc gia. Mặc dù số lần lưu thuyết không hoàn toàn giống nhau, nhưng cả bốn Phúc âm đều qui vào trình thuật đặc thù về cuộc đời trần thế của Đức Giê-su:

Sau đó, Đức Giê-su rảo qua các thành phố, làng mạc, rao giảng và loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa. Cùng đi với Người, có Nhóm Mười Hai và mấy người phụ nữ đã được Người trừ quỷ và chữa bệnh. Đó là bà Ma-ri-a gọi là Ma-ri-a Mác-đa-la, người đã được giải thoát khỏi bảy quỷ, bà Gio-an-na, vợ ông Khu-da quản lý của vua Hê-rô-đê, bà Su-san-na và nhiều bà khác nữa. Các bà này đã lấy của cải mình mà giúp đỡ Đức Giê-su và các môn đệ (Lc 8,1-3).

Các tông đồ và môn đệ, những người muốn theo Thầy ngày càng sát hơn, đã không có lựa chọn nào khác hơn là chia sẻ sự tạm thời của cuộc đời “Con Người”: 
Thấy xung quanh có đám đông, Đức Giê-su ra lệnh sang bờ bên kia. Một kinh sư tiến đến thưa Người rằng: "Thưa Thầy, Thầy đi đâu, tôi cũng xin đi theo." Đức Giê-su trả lời: "Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu." Một môn đệ khác thưa với Người: "Thưa Ngài, xin cho phép con về chôn cất cha con trước đã." Đức Giê-su bảo: "Anh hãy đi theo tôi, cứ để kẻ chết chôn kẻ chết của họ." (Mt 8,18-22).

Những lời giải thoát và cứu độ của Đức Giê-su đôi khi dẫn thính giả đến hiểu lầm “Nước Thiên Chúa” được loan báo như là một vương quốc tại trần thế này, như là một sự khôi phục lịch sử và hoàn tất vương quốc huyền thoại của vua Đa-vít. Trong một vài dịp, với nhiều thính giả khác nhau, Đức Giê-su nói rõ rằng Nước Thiên Chúa, là Vương quốc của Người, không thuộc về thế gian này. Khẳng định cuối cùng đã được đưa ra trong cuộc đối thoại với Phi-la-tô:
Đức Giê-su trả lời: "Nước tôi không thuộc về thế gian này. Nếu Nước tôi thuộc về thế gian này, thuộc hạ của tôi đã chiến đấu không để tôi bị nộp cho người Do-thái. Nhưng thật ra Nước tôi không thuộc chốn này." Ông Phi-la-tô liền hỏi: "Vậy ông là vua sao? " Đức Giê-su đáp: "Chính ngài nói rằng tôi là vua. Tôi đã sinh ra và đã đến thế gian nhằm mục đích này: làm chứng cho sự thật. Ai đứng về phía sự thật thì nghe tiếng tôi" (Ga 18,36-37).

Đất Hứa cuối cùng được mạc khải chỉ như là một hình ảnh về nơi chung cuộc của mỗi hành trình con người. Theo kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa, nơi Đức Giê-su Ki-tô, quê hương đích thật là “Parousia,” là Nước Trời, là đời sống bên kia cái chết.

III. Hiếu khách : sự hiện diện của Thiên Chúa nơi ngoại kiều

Vào thế kỷ XVI, Công đồng Tren-tô, trên nền tảng truyền thống nghiêm khắc của các Giáo phụ, đã khuyên sử dụng tiền bạc trong tài sản Giáo hội để thực hiện sự hiếu khách Kitô giáo, “… tất cả những ai đang cầm giữ bất kỳ tài sản nào của Giáo hội, dù là giáo sĩ dòng hay triều, trong khả năng thu nhập của mình, phải tập quen thi hành nhiệm vụ hiếu khách với sự ân cần và sốt sắng, các Đức Thánh Cha ca ngợi những người ấy và ngài nhắc nhở rằng những ai yêu mến sự hiếu khách hãy đón nhận Đức Ki-tô nơi con người những khách trọ của họ.” (Công đồng Trent, Khóa họp thứ 25, De Reformatione VIII). Trên thực tế, thói quen tốt đẹp đón tiếp những khách lạ thuộc về một truyền thống rất cổ xưa, và trở về thời các Giáo phụ. Bắt nguồn từ những sự đe doạ trong thiên nhiên gắn liền với cuộc sống lưu động, bổn phận hiếu khách không dành riêng cho Dân Ít-ra-en. Nhiều nền văn minh vĩ đại khác đương thời cũng nhấn mạnh đến bổn phận đó, và đưa ra những hình phạt khắt khe với những ai không chịu tuân theo.[4] Tuy nhiên, sự hiện diện của Thiên Chúa nơi ngoại kiều được đón tiếp tượng trưng cho một giá trị đi kèm với việc thể hiện bổn phận hiếu khách trong Kitô giáo. Một cái nhìn rất khái quát về các bản văn Kinh thánh và Giáo phụ sẽ cho phép tác giả nhấn mạnh đến một vài yếu tố quan trọng trong việc hiếu khách Kitô giáo.

Sự hiếu khách trong Cựu ước

Cuộc sống trong sa mạc và vùng đất cằn cỗi ở Cận Đông cổ xưa hoàn toàn khắc nghiệt; sự sinh tồn phụ phuộc vào việc tìm được nước uống, thực phẩm và nơi ẩn trú. Nhận ra điều này từ kinh nghiệm riêng của mình, Dân Ít-ra-en đã tạo ra một quy tắc về sự hiếu khách để cai quản mỗi khi gặp những người du hành ngoại kiều. Câu chuyện của ông Áp-ra-ham và ba thiên sứ dưới cây sồi ở Mam-rê (St 18) là một ví dụ rõ ràng về nhiệm vụ tiếp khách cách tốt đẹp. Những lời nói và hành động của Áp-ra-ham là những sự diễn tả cụ thể về sự hiếu khách bắt buộc ấy:
ĐỨC CHÚA hiện ra với ông Áp-ra-ham tại cụm sồi Mam-rê, khi ông đang ngồi ở cửa lều, vào lúc nóng nực nhất trong ngày. Ông ngước mắt lên thì thấy có ba người đứng gần ông. Vừa thấy, ông liền từ cửa lều chạy ra đón khách, sụp xuống đất lạy và nói: "Thưa Ngài, nếu tôi được đẹp lòng Ngài, thì xin Ngài đừng đi qua mà không ghé thăm tôi tớ Ngài. Để tôi cho lấy chút nước, mời các ngài rửa chân rồi nằm nghỉ dưới gốc cây. Tôi xin đi lấy ít bánh, để các ngài dùng cho chắc dạ, trước khi tiếp tục đi, vì các ngài đã ghé thăm tôi tớ các ngài đây! " Khách trả lời: "Xin cứ làm như ông vừa nói! " (St 18,1-5).

Sự tử tế hết sức của Áp-ra-ham trở nên có giá trị hơn vì ông đã không ý thức về căn tính đích thật của ba vị khách lạ. Khi ông nhận ra bản tính Thiên Chúa nơi các vị khách của mình, thì vị Tổ phụ đã sấp mình thờ lạy. Lòng hiếu khách của Áp-ra-ham được ban thưởng bằng một mạc khải đặc biệt: đó là việc loan báo về việc sinh hạ I-xa-ác, người sẽ khởi sự dòng dõi của Áp-ra-ham để ứng nghiệm lời Chúa hứa.

Trong bối cảnh những truyền thuyết về tình trạng nô lệ và xa xứ của Dân Ít-ra-en ở Ai-cập, chỉ có duy nhất một câu chuyện ông Mô-sê. Nhờ sự che chở đặc biệt của con gái Pha-ra-ô mà ông trở thành một người khách lạ “được ưu đãi.” Nhưng sau khi giết chết một lính gác Ai-cập lạm dụng, Mô-sê phải trốn vào sa mạc để tránh khỏi một hình phạt khủng khiếp. Ở đó, ông nương náu trong túp lều của tư tế Rơ-u-ên:
Thầy tư tế Ma-đi-an có bảy người con gái. Các cô đến múc nước và đổ đầy máng cho chiên của cha mình uống. Bấy giờ, có những người chăn chiên đến và đuổi các cô đi. Ông Mô-sê liền đứng lên bênh vực các cô và cho chiên uống. Các cô về với cha là ông Rơ-u-ên. Ông hỏi: "Sao hôm nay các con về sớm thế? " Các cô thưa: "Có một người Ai-cập đã cứu chúng con khỏi tay bọn chăn chiên, lại còn múc nước giùm chúng con và cho chiên uống nữa." Người cha hỏi các con: "Thế người đó đâu rồi? Sao lại bỏ người ta ở đấy? Mời người ta đến dùng bữa đi! " Ông Mô-sê bằng lòng ở lại với thầy tư tế, và ông này gả con gái là Xíp-pô-ra cho ông. Nàng sinh một con trai và ông đặt tên cho nó là Ghéc-sôm, vì ông nói: "Tôi là ngoại kiều nơi đất khách quê người." (Xh 2,16-22).

Việc tạ ơn của Rơ-u-ên vì đã cứu con gái ông, cùng với bổn phận hiếu khách với một vị khách lạ đã thúc đẩy ông chia sẻ cho Mô-sê túp lều và thực phẩm của ông. Bất chấp sự đón tiếp nồng hậu của vị tư tế, được cưới Xíp-pô-ra làm vợ, và được chung sống bình yên, nhưng Mô-sê vẫn cảm thấy giống như một ngoại kiều trong vùng đất xa lạ, như được thể hiện qua cái tên mà ông đặt cho đứa con đầu lòng: Ghéc-sôm có nghĩa là “ngoại kiều nơi đất khách quê người.”

Ký ức về thân phận nô lệ và xa xứ của dân Ít-ra-en ở Ai-cập đã gia tăng những giá trị tôn trọng và hiếu khách với những ngoại kiều. Những nguyên tắc luân lý được chỉ dẫn trong sách Luật (torah) đóng dấu giao ước giữa Thiên Chúa và Dân Người suốt cuộc xuất hành trong sa mạc:
Người ngoại kiều, các ngươi không được áp bức; chính các ngươi đã biết thân phận của người ngoại kiều, vì các ngươi đã là ngoại kiều ở đất Ai-cập (Xh 23,9).

Nhiệm vụ đoàn kết với ngoại kiều, cả người cư trú lẫn người tạm trú, đều xuất phát từ một ý thức về tình trạng dễ bị tổn thương và phân biệt đối xử, vốn thường diễn tả những kinh nghiệm di dân và lưu đày. Những giáo huấn tương tự thường được nhắc lại trong Cựu ước, và chỉ dẫn tầm quan trọng của lòng hiếu khách trong bối cảnh luật Do thái.[5]

Câu chuyện về ngôn sứ Ê-li-a và bà góa Xa-rép-ta nhấn mạnh đến cách thức hiếu khách tự do và quảng đại luôn luôn nhận được một phần thưởng đặc biệt từ Đức Chúa. Vị ngôn sứ, bị kiệt sức sau một hành trình dài, bất chợt nhận ra thân phận của mình như là một “ngoại kiều không được che chở” trong miền Xi-don. Trong khi vội vã đi tìm nước uống, thực phẩm và nơi ẩn trú, Ê-li-a dường như đã ‘giúp” bà góa nghèo thi hành bổn phận hiếu khách:
Ông liền đứng dậy đi Xa-rép-ta. Khi đến cổng thành, ông thấy có một bà goá đang lượm củi. Ông gọi bà ấy và nói: "Bà làm ơn đem bình lấy cho tôi chút nước để tôi uống." Bà ấy liền đi lấy nước. Ông gọi bà và nói: "Bà làm ơn lấy cho tôi miếng bánh nữa! " Bà trả lời: "Có ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa hằng sống của ông tôi thề là tôi không có bánh. Tôi chỉ còn nắm bột trong hũ và chút dầu trong vò. Tôi đang đi lượm vài thanh củi, rồi về nhà nấu nướng cho tôi và con tôi. Chúng tôi sẽ ăn rồi chết." Ông Ê-li-a nói với bà: "Bà đừng sợ, cứ về làm như bà vừa nói. Nhưng trước tiên, bà hãy lấy những thứ đó mà làm cho tôi một chiếc bánh nhỏ, và đem ra cho tôi, rồi sau đó bà sẽ làm cho bà và con bà. Vì ĐỨC CHÚA,Thiên Chúa của Ít-ra-en phán thế này:"Hũ bột sẽ không vơi, vò dầu sẽ chẳng cạn cho đến ngày ĐỨC CHÚA đổ mưa xuống trên mặt đất." Bà ấy đi và làm như ông Ê-li-a nói; thế là bà ấy cùng với ông Ê-li-a và con bà có đủ ăn lâu ngày. Hũ bột đã không vơi, vò dầu đã chẳng cạn, đúng như lời ĐỨC CHÚA đã dùng ông Ê-li-a mà phán (1 V 17,10-16).

Phép lạ về bột và dầu chỉ là một phần của sự ân thưởng: ngôn sứ đã làm cho đứa con trai của bà góa sống lại khi nó đã chết vài ngày sau khi Ê-li-a đến. Câu chuyện Kinh thánh cũng cho thấy ân huệ đặc biệt được Thiên Chúa ban cho ba hạng người cần đến, dưới con mắt của Người, họ xứng đáng được chăm sóc đặc biệt, đó là những kẻ mồ côi, góa bụa và ngoại kiều:
Anh em không được làm thiệt hại đến quyền lợi của ngoại kiều và cô nhi, không được giữ áo của người goá bụa làm đồ cầm (Đnl 24,17).

Sự hiếu khách trong Tân ước

Trong Tân ước, bổn phận hiếu khách hoàn toàn gồm trong những động cơ của “giới răn mới”, là mến Chúa và yêu người thân cận, hai chiều kích của một tình yêu nhìn nhận sự hiện diện của Thiên Chúa nơi người thân cận. Đức Giê-su Ki-tô là Đấng “Emmanuel,” nghĩa là “Thiên-Chúa-ở cùng-chúng-ta,” đã xin được tiếp đón vào trong tâm hồn nhân loại. Việc tiếp đón Người sẽ phát sinh dồi dào hoa trái ân sủng cho chủ nhà. Tại Bê-ta-ni-a, Ma-ri-a và Mác-ta tiếp đón “Lời,” Đấng mạc khải cho họ những mầu nhiệm đức tin:
Trong khi thầy trò đi đường, Đức Giê-su vào làng kia. Có một người phụ nữ tên là Mác-ta đón Người vào nhà. Cô có người em gái tên là Ma-ri-a. Cô này cứ ngồi bên chân Chúa mà nghe lời Người dạy. Còn cô Mác-ta thì tất bật lo việc phục vụ. Cô tiến lại mà nói: "Thưa Thầy, em con để mình con phục vụ, mà Thầy không để ý tới sao? Xin Thầy bảo nó giúp con một tay! " Chúa đáp: "Mác-ta! Mác-ta ơi! Chị băn khoăn lo lắng nhiều chuyện quá! Chỉ có một chuyện cần thiết mà thôi. Ma-ri-a đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị lấy đi" (Lc 10,38-42).

Câu chuyện ông Da-kêu kể về việc tự mời hơi vô phép của Đức Giê-su đến nhà trưởng thu thuế giàu có bị loại ra vì tò mò muốn gặp Thầy. Bị hoàn cảnh ép buộc, Da-kêu không còn lựa chọn nào khác là đón Đức Giê-su vào nhà mình. Việc tỏ lòng hiếu khách với Con Thiên Chúa đã dẫn ông đến sự hoán cải đích thật:
Sau khi vào Giê-ri-khô, Đức Giê-su đi ngang qua thành phố ấy. Ở đó có một người tên là Da-kêu; ông đứng đầu những người thu thuế, và là người giàu có. Ông ta tìm cách để xem cho biết Đức Giê-su là ai, nhưng không được, vì dân chúng thì đông, mà ông ta lại lùn. Ông liền chạy tới phía trước, leo lên một cây sung để xem Đức Giê-su, vì Người sắp đi qua đó. Khi Đức Giê-su tới chỗ ấy, thì Người nhìn lên và nói với ông: "Này ông Da-kêu, xuống mau đi, vì hôm nay tôi phải ở lại nhà ông! " Ông vội vàng tụt xuống, và mừng rỡ đón rước Người. Thấy vậy, mọi người xầm xì với nhau: "Nhà người tội lỗi mà ông ấy cũng vào trọ! " Ông Da-kêu đứng đó thưa với Chúa rằng: "Thưa Ngài, đây phân nửa tài sản của tôi, tôi cho người nghèo; và nếu tôi đã chiếm đoạt của ai cái gì, tôi xin đền gấp bốn." Đức Giê-su mới nói về ông ta rằng: "Hôm nay, ơn cứu độ đã đến cho nhà này, bởi người này cũng là con cháu tổ phụ Áp-ra-ham. Vì Con Người đến để tìm và cứu những gì đã mất" (Lc 19,1-10).

Chiều sâu thực sự của lòng hiếu khách được giải thích rõ ràng trong dụ ngôn nổi tiếng về người con hoang đàng (hay còn gọi là dụ ngôn Người cha nhân hậu). Đó là một câu chuyện buồn về một đứa con thiếu suy nghĩ đột nhiên quyết định “di dân,” và mang theo mình tất cả phần gia tài được chia. Khốn thay, anh nhanh chóng đánh mất mọi sự vì giao du với bạn xấu nết. Kinh nghiệm về sự nghèo đói và cô đơn nơi đất ngoại kiều đã dẫn anh đến một sự hoán cải thật sự trong tâm hồn; rồi anh quyết định trở về nhà cha mình. Sự đón tiếp tuyệt vời của người cha nhân hậu đối với anh đã đốt lên cơn giận dữ nơi người anh cả, anh này cảm thấy sự trung thành và vâng phục của anh không được chấp nhận:
Thế rồi anh ta đứng lên đi về cùng cha. Bấy giờ người con nói rằng: "Thưa cha, con thật đắc tội với Trời và với cha, chẳng còn đáng gọi là con cha nữa. Nhưng người cha liền bảo các đầy tớ rằng: "Mau đem áo đẹp nhất ra đây mặc cho cậu, xỏ nhẫn vào ngón tay, xỏ dép vào chân cậu, rồi đi bắt con bê đã vỗ béo làm thịt để chúng ta mở tiệc ăn mừng! Vì con ta đây đã chết mà nay sống lại, đã mất mà nay lại tìm thấy. Và họ bắt đầu ăn mừng. "Lúc ấy người con cả của ông đang ở ngoài đồng. Khi anh ta về gần đến nhà, nghe thấy tiếng đàn ca nhảy múa, liền gọi một người đầy tớ ra mà hỏi xem có chuyện gì. Người ấy trả lời: "Em cậu đã về, và cha cậu đã làm thịt con bê béo, vì gặp lại cậu ấy mạnh khoẻ. Người anh cả liền nổi giận và không chịu vào nhà. Nhưng cha cậu ra năn nỉ. Cậu trả lời cha: "Cha coi, đã bao nhiêu năm trời con hầu hạ cha, và chẳng khi nào trái lệnh, thế mà chưa bao giờ cha cho lấy được một con dê con để con ăn mừng với bạn bè. Còn thằng con của cha đó, sau khi đã nuốt hết của cải của cha với bọn điếm, nay trở về, thì cha lại giết bê béo ăn mừng! "Nhưng người cha nói với anh ta: "Con à, lúc nào con cũng ở với cha, tất cả những gì của cha đều là của con. Nhưng chúng ta phải ăn mừng, phải vui vẻ, vì em con đây đã chết mà nay lại sống, đã mất mà nay lại tìm thấy" (Lc 15,20-32).

Người cha chạy lại và ôm chầm lấy đứa con đã mất, và lập tức truyền cho các đầy tớ mặc cho anh những bộ quần áo đẹp nhất và giết con bê béo để ăn mừng đứa con trở về. Hai thái độ thiết yếu của lòng hiếu khách Kitô giáo được nhấn mạnh ở đây, là đến với những người cần tới sự hiếu khách mà không chờ đợi họ yêu cầu, và cho họ cái ăn cái mặc tốt nhất mà chủ nhà có thể cho. Khi đứng trước lòng quảng đại như vậy, phản ứng tiêu cực của người anh cả không sao hiểu nổi. Thật vậy, anh đã tin rằng có một thứ “quyền ưu tiên” nào đó dành cho anh vì đã trung thành với gia đình. Tuy nhiên, anh không thể thay đổi thái độ đón tiếp của người cha. Vị khách trọ, kẻ xa lạ, “đứa con đã mất” lại là đứa con được ưu đãi thực sự trong tâm hồn người cha.

Đức Giê-su đã sai các môn đệ ra đi như là những nhà truyền giáo, tới các thành của Ít-ra-en, và yêu cầu các ông ở lại trong các thành phố đã đón tiếp họ. Ơn cứu độ được ban cho những thành khác vì sự hiếu khách quảng đại của họ. Mặt khác, những thành không tiếp đón các môn đệ thì bị trục xuất ra khỏi Nước Thiên Chúa. Từ chối các môn đệ chính là từ chối Đức Giê-su:
Vào bất cứ thành nào mà được người ta tiếp đón, thì cứ ăn những gì người ta dọn cho anh em. Hãy chữa những người đau yếu trong thành, và nói với họ: "Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần các ông." Nhưng vào bất cứ thành nào mà người ta không tiếp đón, thì anh em ra các quảng trường mà nói: "Ngay cả bụi trong thành các ông dính chân chúng tôi, chúng tôi cũng xin giũ trả lại các ông. Tuy nhiên các ông phải biết điều này: Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần." Thầy nói cho anh em hay: trong ngày ấy, thành Xơ-đôm còn được xử khoan hồng hơn thành đó." […] "Ai nghe anh em là nghe Thầy; và ai khước từ anh em là khước từ Thầy; mà ai khước từ Thầy là khước từ Đấng đã sai Thầy" (Lc 10,8-12.16).

Theo Tin mừng Mát-thêu, một vài tiêu chuẩn sẽ hướng dẫn cuộc phán xét cuối cùng, và tất cả đều liên hệ đến tình yêu với người thân cận. Thiên Chúa định giá trên bảy hành động bác ái cụ thể mà truyền thống Kitô giáo thường gọi là “những việc bác ái,” để định đoạt ơn cứu độ hay sự chết muôn đời của mỗi con người. Và lòng hiếu khách được coi là một trong những công việc ấy:
"… Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; […]." Đức Vua sẽ đáp lại rằng: "Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy" (Mt 25,35.40).

Vượt qua di sản của một truyền thống lịch sử lâu đời, vượt qua tất cả những khuyên nhủ tốt lành của Lề Luật và các Ngôn sứ, vượt qua những ký ức về cuộc Xuất hành, vượt qua bất kỳ một phần thưởng khả hữu nào, thì lý do Kitô học, tức là sự hiện diện của Thiên Chúa nơi người thân cận, là nền tảng cho bổn phận hiếu khách.

Sự hiếu khách trong truyền thống các giáo phụ

Vấn đề lữ khách, người du hành, người tị nạn và ngoại kiều là một chủ đề tái diễn đều đặn trong các huấn dụ của các nhà Hộ giáo và Giáo phụ, thuộc Tây phương lẫn Đông phương. Truyền thống các giáo phụ đầy dẫy những bản văn truyền cảm làm nổi bật mạc khải về lòng hiếu khách Kitô giáo.

Được viết khoảng giữa thế kỷ I và II, Thư thứ nhất của ông Clê-men-tê gửi cho giáo đoàn Cô-rin-tô trình bày suy tư thần học đầu tiên của cộng đoàn Kitô hữu ngày xưa về lòng hiếu khách. Trích dẫn ba câu chuyện Kinh thánh từ sách Sáng thế và sách Gio-suê, tác giả giải thích rằng sự trung thành và lòng hiếu khách luôn được Thiên Chúa ban thưởng cách quảng đại. Câu chuyện đầu tiên là câu chuyện Áp-ra-ham tiếp đón ba thiên sứ (St 18) và hồng ân nhận được là đứa con trai; câu chuyện thứ hai là câu chuyện ông Lót đón tiếp một thiên sứ vào nhà ông ở Xơ-đôm và được ban thưởng sự che chở cho chính ông và gia đình ông (St 19); câu chuyện thứ ba là câu chuyện hiếu khách của cô kỹ nữ Ra-kháp che chở những người dọ thám của Gio-suê ở Giê-ri-khô và cô nhận được lời hứa sự an toàn cho mình và nhà của cha mình (Gs 2):
Vì sự trung thành và lòng hiếu khách, nên cô kỹ nữ Ra-kháp đã được cứu. Vì khi Gio-suê, con ông Nun, sai người đi dọ thám Giê-ri-khô, thì vua miền ấy đã xác định là họ đến để dọ thám vùng đất của họ, rồi sai người đi bắt và khi bắt được thì sẽ giết chết. Nhưng cô kỹ nữ Ra-kháp đã đón nhận họ và giấu họ trên mái nhà dưới đống cây gai (Thư thứ nhất của ông Clê-men-tê gửi cho giáo đoàn Cô-rin-tô XII).

Ông Lucius Caecilius Firmianus Lactantius, một nhà hộ giáo Ki-tô thuộc thế kỷ thứ IV, trong bộ sưu tập The Divine Institutes (những Thể chế thiêng liêng), đã viết một cuốn sách về việc thờ phượng Đức Chúa đích thật và nêu bật lòng hiếu khách như là một nhân đức chính yếu bắt nguồn từ đức công bằng. Tranh luận với triết gia La-tinh tên là Cicero, Lactantius đã khẳng định rằng lợi ích thiêng liêng từ việc thực thi lòng hiếu khách bị tiêu tan nếu chủ nhà hy vọng để đạt được nó:
Nhưng không có điều gì được thực hiện bởi người công chính ngoại trừ đó là một lợi ích. Nhưng nếu lợi ích đó được hoàn lại, thì nó bị tiêu hủy và dẫn đến chỗ kết thúc; vì trong sự hoàn trọn của nó, chúng ta không thể có sự hoàn trọn và phải trả giá cho sự hoàn trọn ấy. Do đó, nguyên tắc công bằng được thực hiện vì những lợi ích đó, vẫn còn chắc chắn và không bị hủy hoại; nhưng không do vậy mà chúng có thể giữ mãi lợi ích bằng bất cứ cách nào, nếu chúng được nhồi vào những người có thể không ích lợi gì cho chúng ta. Nhưng khi tiếp đón những người danh giá, thì người ấy trông không có gì khác hơn ngoài việc tìm lợi ích; người khéo léo cũng không giấu diếm nổi những điều mang lại lợi ích mà người ấy hy vọng đạt được. Vì thế người ấy nói rằng mình làm điều đó sẽ có uy lực giữa những ngoại kiều nhờ ân huệ của người lãnh đạo mà anh ta sẽ ràng buộc chính mình bởi quyền lợi của lòng hiếu khách và tình thân hữu (Lactantius, Những thể chế thiêng liêng, quyển VI, I).

Đến cuối thế kỷ IV, Gio-an Kim khẩu, được mọi người coi là vị tiến sĩ nổi bật nhất của Giáo hội Hy lạp, thường đốt nóng tâm hồn đàn chiên của mình trong giáo phận An-ti-ô-khi-a với những bài giảng xuất sắc. Trong Bài chú giải thư gửi tín hữu Rôma, với sự trợ giúp của những hình ảnh Kinh thánh, ngài đã khiển trách thái độ hèn hạ của một số thành viên trong cộng đoàn đối với ngoại kiều:
Hãy làm như ông Lot, như ông Áp-ra-ham. Vì ông đã tiếp khách suốt ngày, và chờ đợi vị khách đáng kính này, và khi trông thấy vị khách ấy, ông nhanh chóng chạy đến gặp họ, sấp mình trên mặt đất, và nói: “Lạy Ngài, nếu con được đẹp lòng Ngài, thì xin Ngài đừng đi qua mà không ghé thăm tôi tớ Ngài.” Không như chúng ta làm, nếu chúng ta tình cờ gặp một khách lạ hay một người nghèo, thì cau mày và thậm chí không hạ cố để nói chuyện với họ. Và nếu sau hàng ngàn lời van xin, chúng ta mủi lòng và chào người đầy tớ một chút, thì chúng ta nghĩ rằng mình làm xong bổn phận của mình rồi. Nhưng người đầy tớ không làm thế, không mang kiểu cách của một người van xin và của một đầy tớ, mặc dù người đó không biết mình sắp cúi chào ai (Gio-an Kim khẩu, Bài giảng số 21, về Thư gửi tín hữu Rôma 12, 13).

Trong các bài giảng của mình,[6] giám mục An-ti-ô-khi-a đã nhắc nhớ tín hữu của ngài rằng bổn phận hiếu khách được thành lập trên sự hiện diện của Đức Giê-su Ki-tô nơi ngoại kiều. Mỗi nhà ở của Kitô hữu nên có một căn phòng luôn luôn sẵn sàng để đón tiếp một khách lạ, đó là căn phòng của Đức Giê-su:
Trong anh em có bao nhiêu người là khách lạ? Có một ngôi nhà chung là Giáo hội mà chúng ta gọi là “Xenon.” Hãy dò hỏi, ngồi trước cửa, đón nhận những ai đến với bạn; […]. Hãy làm cho chính bạn một phòng khách trong nhà riêng của bạn: đặt một chiếc giường ở đó, kê một cái bàn ở đó và thêm một giá nến. […] Hãy đi vào trong chiến thắng của Giáo hội. Bạn sẽ làm chúng tôi xấu hổ chăng? Hãy làm thế này: hãy tự do vượt qua chính bạn: hãy có một căn phòng để Đức Ki-tô có thể đến; hãy nói; “Đây là căn phòng của Đức Ki-tô; ngôi nhà này được dành riêng cho Ngài” (Gioan Kim khẩu, Bài giảng XLV về sách Công vụ Tông đồ 20,32).

Vào thế kỷ V, những cuộc xâm lược tái diễn của dân Man-di đối với các lãnh thổ của Đế quốc Rôma Tây phương đang suy sụp đã gây nên tình trạng chuyển dời và lưu đày của hàng ngàn người. Thánh Am-rô-xi-ô, giám mục Mi-lan, đã thuyết phục các cộng đoàn Ki-tô hữu tại địa phương đón tiếp những nạn nhân của cuộc di dân bắt buộc ồ ạt này. Theo vị giám mục thông thái, thì lòng hiếu khách là một bổn phận đặc biệt của các bà góa và giáo sĩ. Thánh Am-rô-xi-ô đã nhắc nhớ các bà góa rằng việc đón tiếp nồng hậu phải tự do và quảng đại theo gương bà góa thành Xa-rép-ta. Vì lợi ích của lòng hiếu khách Kitô giáo, vị giám mục Mi-lan này đi đến đề xuất khước từ tài sản cá nhân; cuối cùng, tất cả nhân loại đều là những ngoại kiều trong thế giới này:
Nhưng chúng ta không bị ràng buộc bởi bất kỳ một giới hạn nào về lòng hiếu khách được quy định. Vì tại sao bạn nghĩ rằng cái gì thuộc về thế giới này đều là tài sản cá nhân khi mà thế giới này lại là của chung? Hay tại sao bạn coi hoa quả của trái đất này là của riêng khi mà chính trái đất lại là tài sản chung? Người nói: “Kìa, chim trên trời, chúng không gieo không gặt.” Vì với những ai không có gì là tài sản riêng thì không muốn gì cả, và Thiên Chúa, làm chủ lời Người, biết cách gìn giữ lời hứa của Người. […] Thật tốt đẹp nếu chúng ta chú tâm đến quy tắc của lòng hiếu khách, để sẵn sàng đón tiếp những khách lạ, vì chúng ta cũng là những khách lạ trong thế giới này (Am-rô-xi-ô, Khảo luận liên quan đến các góa phụ I, 4-5).

Với giáo sĩ, trích dẫn câu chuyện Áp-ra-ham, thánh Am-rô-xi-ô nhấn mạnh rằng lòng hiếu khách nên được trao ban trước khi được yêu cầu. Chính Thiên Chúa đang đi qua và việc lưu tâm đón tiếp sẽ là một thái độ vĩnh viễn nơi mỗi người của Thiên Chúa:
Đây là lời ca ngợi Áp-ra-ham cách đặc biệt, vì ông đã quan sát ở cửa lều, không có vị khách lạ nào tình cờ có thể đi ngang qua. Ông cẩn thận duy trì một sự giám sát, để gặp vị khách lạ đó, và đoán trước được Thiên Chúa, và xin Người đừng đi qua và nói: “Lạy Ngài, nếu con được đẹp lòng Ngài, thì xin Ngài đừng đi qua mà không ghé thăm tôi tớ Ngài.” Do đó, như là một phần thưởng cho sự hiếu khách của mình, ông đã nhận được ân huệ là con đàn cháu đống (Am-rô-xi-ô, Bổn phận của Giáo sĩ, quyển II, XXI, 104).

IV. Tính công giáo : vai trò của những người di dân trong việc hiện thực hóa Vương quốc phổ quát

Hội đồng Toà thánh về chăm sóc mục vụ cho những người di dân và du hành, trong Huấn dụ Erga Migrantes Caritas Christi (tình yêu Chúa Ki-tô đối với những người di dân), phát biểu rằng những người di dân, xét như là những người kiến tạo tình huynh đệ phổ quát, có thể trợ giúp Giáo hội hoàn thành căn tính cộng đoàn và ơn gọi truyền giáo của mình (Erga Migrantes 103). Đức Gio-an Phao-lô II cũng diễn tả sự quan tâm của ngài về vần đề này trong Thông điệp ngày Di dân Thế giới năm 1988:
Những cuộc di dân đề ra cho cá nhân các Giáo hội địa phương cơ hội để xem lại tính công giáo của mình vốn hệ tại không chỉ ở việc đón tiếp những nhóm dân tộc khác nhau, nhưng trên hết là ở việc kiến tạo sự hiệp thông với họ và ở giữa họ. Tính đa nguyên về dân tộc và văn hóa trong Giáo hội không là một điều gì phải chịu đựng bởi vì nó là tạm thời, nó là một chiều kích mang tính cơ cấu. Sự hiệp nhất của Giáo hội không phải do có cùng một ngôn ngữ và nguồn gốc, nhưng là do Thánh Thần trong ngày lễ Ngũ tuần, Đấng khi quy tụ người nam lẫn người nữ thuộc các ngôn ngữ và quốc gia khác nhau thành một dân tộc thì cũng ban cho họ tất cả niềm tin vào một Thiên Chúa và mời gọi họ đến cùng một niềm hy vọng (Gio-an Phao-lô II, Sứ điệp ngày Di dân Thế giới năm 1988).

Là những tác nhân đặc biệt của sứ vụ Tin Mừng hóa và là những người kiến tạo “sự hiệp thông trong đa dạng,” những người di dân trở thành những người cộng tác vào hiện thực hóa Vương quốc phổ quát.

Trong Cựu ước, cuộc di dân thường được trình bày như là một cơ hội để truyền bá mạc khải của Thiên Chúa thật trên khắp thế giới. Những cuộc di dời và lưu đày thường xuyên ghi dấu lịch sử của Dân Ít-ra-en đã dẫn đến sự thiết lập nhiều khu kiều dân ở ngoài nước Pa-lét-tin. Sự tái thiết một cộng đoàn, sự trung thành với giao ước là một bằng chứng sống động về tính duy nhất của Thiên Chúa Ít-ra-en. Những gương sáng của Sát-rác, Mê-sác và A-vết Nơ-gô, là ba người Ít-ra-en kiên định sẵn sàng chịu chết thay vì phải tuân lệnh vua Na-bu-cô-đô-nô-xo để thờ lạy một tượng vàng, có thể được trưng dẫn như một ví dụ:
"Chúc tụng Thiên Chúa của Sát-rác, Mê-sác và A-vết Nơ-gô, Người đã sai thiên sứ đến giải thoát các tôi tớ của Người là những kẻ đã tin tưởng vào Người. Họ đã cưỡng lại lời vua, hy sinh tính mạng để khỏi phụng sự và thờ lạy một thần nào khác ngoài Thiên Chúa của họ. Vậy ta truyền rằng bất cứ người nào thuộc bất cứ dân tộc, giống nòi, ngôn ngữ nào dám nói điều gì sai quấy, phạm đến Thiên Chúa của Sát-rác, Mê-sác và A-vết Nơ-gô, sẽ bị xử lăng trì, và nhà chúng sẽ trở thành đống bùn, bởi vì không có thần nào khác có thể cứu được như thế." Rồi vua thăng chức cho Sát-rác, Mê-sác và A-vết Nơ-gô trong tỉnh Ba-by-lon (Đn 3,28-30). 

Còn trong Tân ước, Tin Mừng hóa đầu tiên được mô tả rõ nét qua việc di chuyển. Việc loan báo Tin Mừng đã được lắng nghe và truyền bá “tới tận cùng trái đất” và những nhà truyền giáo được thôi thúc bỏ lại quê hương mình và đi rao giảng trong các thành thị và làng mạc khác (Lc 10,1-12). Trước hết là 12 tông đồ (Lc 9,1-16), sau đó là 72 môn đệ (Lc 10,1-2) đã được “sai đi” như là những người di dân, và đặt tin tưởng vào một mình Thiên Chúa. Sự sai phái cuối cùng đã diễn ra trước khi Đức Giêsu về trời; lần này, nơi cuối cùng là những miền xa xăm trên thế giới, với mục tiêu là hoán cải tất cả các dân tộc:
Đức Giê-su đến gần, nói với các ông: "Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất. Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế." (Mt 28,18-20).

Sự khẳng định đặc biệt về nhu cầu “đi ra khỏi” quê hương mình để hoàn thành việc hoán cải cho thế giới đáp ứng cho một khía cạnh quan trọng của sứ vụ Tin Mừng hóa: chỉ trong kinh nghiệm “tiếp cận,” gặp gỡ, và trao đổi mà việc phân phát Tin Mừng mới được khả thi thôi. Tuy nhiên, lúc đầu các môn đệ Đức Giê-su đã quyết định ở lại Pa-lét-tin; họ bận tâm lo cho các môn đệ ở lại đó và xây dựng cộng đoàn Ki-tô hữu đầu tiên. Nhưng việc mà Đức Giêsu giao phó vẫn không thể không hoàn tất. Sự bách hại của người Do thái và việc di chuyển kèm theo của các môn đệ đầu tiên đã đưa sứ vụ Tin Mừng hóa ra ngoài biên giới của Đất Hứa:
Vậy những người phải tản mác này đi khắp nơi loan báo lời Chúa (Cv 8,4).

Sách Công vụ Tông đồ nhấn mạnh đến cách thức các cộng đoàn di dân ở nước ngoài thường phê bình việc Tinh Mừng hóa cho dân ngoại. Trong hành trình truyền giáo, ông Phao-lô và Ba-na-ba thường bắt đầu rao giảng trong các hội đường địa phương, và những người đồng bào chú tâm vào việc rao giảng Tin Mừng (Cv 13,4-5;13-52; 14,1-3). Đó không phải là một bài đọc thần học nào đó về di dân xét như là Tin Mừng hóa, nhưng Phao-lô được hướng dẫn để hiểu rằng, đó là một cơ hội để hoàn tất sứ vụ của ngài:
Thưa anh em, tôi muốn anh em biết là những gì xảy đến cho tôi thật ra đã giúp cho Tin mừng được tiến triển, đến nỗi tại dinh vua quan cũng như ở mọi nơi khác, người ta đều hiểu rõ là chính vì Đức Ki-tô mà tôi mang xiềng xích. Vì thấy tôi bị xiềng xích, phần đông các anh em có lòng tin cậy vào Chúa đã tỏ ra bạo dạn hơn để rao giảng lời Thiên Chúa mà không chút sợ hãi (Pl 1,12-14) .

Hiệp thông trong đa dạng: hiện thực hóa Vương quốc phổ quát

Giáo hội của Đức Giê-su Ki-tô là “công giáo” vì Giáo hội có thể gìn giữ chiều kích phổ quát của mình, và mở rộng tới tất cả người nam lẫn người nữ trên thế giới. Một cộng đoàn huynh đệ của những người dân địa phương và di dân, với những ngôn ngữ, văn hóa và truyền thống khác nhau, là một bằng chứng cụ thể của sự hiệp thông. Mà ở đó tìm thấy sự phong phú trong đa dạng:
Là một ngoại kiều, người ấy sẽ là một điều gì sống động nhắc nhớ về Giáo hội địa phương cho tất cả các thành phần của mình, là thuộc về tính công giáo đặc trưng. Cơ cấu mục vụ mà người ấy phục vụ sẽ là một dấu hiệu, mặc dù có thể nghèo nàn, nhưng lại thuộc về một Giáo hội đặc thù thực tế đã đi vào một con đường hiệp thông phổ quát, với sự tôn trọng những đa dạng hợp pháp (Erga Migrantes, 98).

Còn trong Cựu ước, ý tưởng về một vương quốc của Đấng Thiên Sai mà ở đó tất cả mọi dân tộc sẽ được hưởng ân sủng là sự hiện diện của Thiên Chúa, xuất hiện trong văn chương ngôn sứ. Sự độc quyền như là một dân được chọn sẽ làm cho người Ít-ra-en vui mừng và nhân loại cuối cùng sẽ được sum họp trong thành Giê-ru-sa-lem mới:
Ngày ấy, trên núi này, ĐỨC CHÚA các đạo binh sẽ đãi muôn dân một bữa tiệc: tiệc thịt béo, tiệc rượu ngon, thịt béo ngậy, rượu ngon tinh chế. Trên núi này, Người sẽ xé bỏ chiếc khăn che phủ mọi dân,và tấm màn trùm lên muôn nước. Người sẽ vĩnh viễn tiêu diệt tử thần. ĐỨC CHÚA là Chúa Thượng sẽ lau khô dòng lệ trên khuôn mặt mọi người,và trên toàn cõi đất, Người sẽ xoá sạch nỗi ô nhục của dân Người. ĐỨC CHÚA phán như vậy (Is 25,6-8).

Trong thị kiến của I-sai-a, mặc dù dân Ít-ra-en vẫn được công nhận như là một “người chung phần” đặc biệt trong kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa, nhưng hạnh phúc Nước Thiên Chúa không thể hoàn tất nếu không có phần của con người, là thoát khỏi tội lỗi của mình và hoán cải trở về với một Thiên Chúa đích thật.

Đối với các Phúc âm, hành động rao giảng và chữa lành của Đức Giêsu hầu hết được nhắm tới những người Ga-li-lê và Do thái, với một vẻ xa lạ phân biệt đối với những người khác (Mt 9,5-6; 15,14). Lý do chính yếu là sự yêu thích của Thiên Chúa đối với Dân Người, phù hợp với giao ước được đóng dấu với họ từ thời Áp-ra-ham. Tuy nhiên, một vài cảnh mang tính phóng khoáng gây chú ý cần phải đề cập: cuộc nói chuyện với người phụ nữ Sa-ma-ri (Ga 4,1-12), việc chữa lành người đầy tớ của viên sĩ quan Rô-ma (Ga4,43-45), việc giải thoát người bị quỷ ám ở Ghê-ra-sa (Mc 5,1-20), việc chữa lành con gái người phụ nữ Ca-na-an (Mt 15,21-28). Hướng tới đích điểm sứ vụ của mình, Đức Giêsu mở rộng phạm vi Nước Thiên Chúa vượt qua các thành phần của Dân được chọn. Lời mời gọi mà con cháu Áp-ra-ham đã khước từ mở ra cho tất cả mọi dân tộc, không phân biệt một ai. Đối với Ít-ra-en, sự thương yêu của Thiên Chúa vẫn vượt trên:
Tiệc cưới đã sẵn sàng rồi, mà những kẻ đã được mời lại không xứng đáng. Vậy các ngươi đi ra các ngã đường, gặp ai cũng mời hết vào tiệc cưới (Mt 22,8-9).

Bất kể giáo huấn của đấng sáng lập, lịch sử cộng đoàn Ki-tô hữu đầu tiên vẫn được mô tả bằng những động cơ mập mờ giữa sự nhận vào và loại trừ các thành viên mới theo gốc gác của họ. Sự hấp dẫn thường xuyên của cuộc lữ hành ngày xưa của dân Do thái đã gây ra nhiều cuộc tranh cãi và đối đầu giữa các Ki-tô hữu đầu tiên. Người ủng hộ chính cho tính phổ quát của Giáo hội là Phao-lô, việc rao giảng của ngài tại Á châu và Âu châu đã ghi dấu sự rộng mở thực sự với dân ngoại và các cộng đoàn Hy lạp cổ thời. Tại Công đồng Giê-ru-salem, quan điểm tích cực về tính công giáo trong sứ vụ Tin Mừng hóa đã thắng thế:
Sau khi các ông đã tranh luận nhiều, ông Phê-rô đứng lên nói: "Thưa anh em, anh em biết: ngay từ những ngày đầu, Thiên Chúa đã chọn tôi giữa anh em, để các dân ngoại được nghe lời Tin mừng từ miệng tôi và tin theo. Thiên Chúa là Đấng thấu suốt mọi tâm can đã chứng tỏ Người chấp nhận họ, khi ban Thánh Thần cho họ cũng như đã ban cho chúng ta. Người không phân biệt chút nào giữa chúng ta với họ, vì đã dùng đức tin để thanh tẩy lòng họ (Cv 15,7-9).

Tuy nhiên, tinh thần độc quyền đã gây phiền nhiễu cho việc thể hiện lịch sử của Giáo hội Đức Giê-su Ki-tô ở mọi thời. Sau các thế kỷ của những thói quen xấu và những thông điệp song dụng, mỗi kiểu phân biệt và loại trừ khỏi Nước Thiên Chúa cuối cùng đã được khắc phục trong suy tư thần học của Công đồng Va-ti-ca-nô II. Hiến chế tín lý Lumen Gentium (Ánh sáng muôn dân) nhắc nhớ Giáo hội về chiều kích phổ quát chắc chắn của mình:
Tất cả mọi người đều được gọi trở thành một phần trong sự hiệp nhất công giáo của dân Thiên Chúa, sự hiệp nhất này tiên báo và cổ võ hòa bình phổ quát. Và người tín hữu Công giáo và tất cả những người tin vào Đức Kitô, do đó cùng toàn thể nhân loại đều thuộc về hoặc liên hệ đến sự hiệp nhất đó theo những cách thức khác nhau, vì họ được kêu gọi đến hưởng ơn cứu độ nhờ ân sủng Thiên Chúa ban (Lumen Gentium 13).

Là một hình ảnh theo kiểu mẫu Thiên Chúa Ba Ngôi (một bản tính, ba ngôi vị khác biệt), Giáo hội được thôi thúc để kiến tạo sự hiệp thông trong đa dạng, tôn trọng và định giá những khác biệt. Trong bối cảnh này, Giáo hội khám phá ra rằng những người di dân là những diễn viên quan trọng trong cuộc đối thoại đại kết liên tôn vốn có trong sứ vụ Tin Mừng hóa của mình:

1. Vấn đề di dân có thể được xem như là một lời mời gọi sống “hiệp thông trong sự đa dạng.” Do đó, tầm quan trọng của cuộc đối thoại giữa các tôn giáo và các nền văn hóa phải được công nhận. 

2. Sự đa dạng phong phú về nguồn gốc trong các luồng di dân đã đặt sự đối thoại đại kết liên tôn vào trọng tâm của việc chăm sóc cho những người di dân và tị nạn, và đặt ra cho những cuộc đối thoại này không phải là một chọn lựa, nhưng là một nhiệm vụ vốn có trong sứ vụ của Giáo hội về vấn đề di dân. 

3. Cuộc đối thoại đại kết, liên tôn, đa văn hóa nên được thực hiện trong bối cảnh “tân Tin Mừng hoá.” 

4. Đối thoại và sứ vụ, cả hai đều là thành phần trong thừa tác vụ của Giáo hội. Missio ad gentes (sứ vụ cho các dân tộc), missio ad migrantes (sứ vụ cho những người di dân), missio migrantium (sứ vụ qua những người di dân) phải được duy trì như là những chiều kích tương quan lẫn nhau trong việc tân Tin Mừng hóa (Hội nghị lần thứ 5 về vấn đề Chăm sóc mục vụ cho những người di dân và tị nạn tại Rôma, ngày 17-22/11/2003, văn kiện cuối cùng).

Kẻ Sặt chuyển ngữ

Nguyên tác: Fabio Baggio, “ Theology of Migration” 
Trung tâm Di dân Scalabrini, Quezon, Philippin. 2005 

Tài Liệu Tham Khảo

Alberigo, Giuseppe, 1995 “Idea e prassi di comunione nella storia della Chiesa,” Parola Spiritio e Vita, 31:245-263.

Baumann, Martin, 2000 “Diaspora: Genealogies of Semantics and Tracultural Comparison,” Numen, 47(3):313-337.

Cardellini Innocenzo, 2001 “L’uso del concetteo di straniero nell’Antico Testamento. Una nota alla luce delle emigrazioni e degli spostamenti di persone nelle società del Vicino Oriente Antico,” Studi Emigrazione, 38(143):603-617.

Council of Trente, 1848 “25th Session, De Reformatione, VIII.” In the Council of Trent. The canons and decrees of the sacred and Ecumenical Council of Trent. Edited and translated by J. Waterworth. London: Dolman.

Crispin, Valenziano, 1977 “Ospitalità come valore antropologico cristiano,” Rivista di Pastorale Liturgica, 15:4-20.

Crouse, Robert D., 1986 Images of Pilgrimage: Paradise and Wilderness in Christian Spirituality. Charlottetown: St. Peter Publications.

Danesi, Giacomo – Garofalo Salvatore, 1987 Migrazioni e accoglienza nella Sacra Scrittura. Padova: Edizioni Messaggero.

Eberts, Harry W., 1997 “Plurality and Ethnicity in Early Christian Mission,” Sociology of Religion, 58(4):305-321.

International Organization for Migration, 2003 World Migration. Geneva: International Organization for Migration.

La Grand, James, 1995 The Early Christian Mission to “All Nations”: In The Light of Mattew’s Gospel. Atlanta: Scholars Press.

Malherbe, Abraham, 1983 “Hospitality and Inhospitality in the Church.” In Social Aspects of Early Christianity. Philadelphia: Fortress Press. 

Maritano, Mario, 1995 “Insegnamenti e practica dell’ospitalità nei Padri della Chiesa.” In Nuova ospitalità per una nuova evangelizzazione. Torino: Cultura Nuova Editrice.

Papez, Viktor, 1997 “Dall’intolleranza al Risperto. Il cammino difficile nella Chiesa,” Antonianum, 72(2):251-265.

Pius XII, 1952 “Exsul Familia Nazarethana,” Acta Apostilicae Sedis, 44:949-704.

Pontifical Council for the Pastoral Care of Migrants and Itinerant People, 

  2004 “Erga Migrantes Caritas Christi,” People On the Move, 36(95):105-172.

  2003 “Final Document of the Fifth World Congress on the Pastoral Care of Migrants and Refugees (Rome, 17-22 November 2003),” People on the Move, 35(93):5-7.

  1989 L’epoca patristica e la pastorale della mobilità umana. Padova: Edizioni Messaggero Padova.

  1988 Maria. Esule, itinerante e pellegrina. Padova: Edizioni Messaggero Padova.

Sisti, Adalberto, 1967 “L’ospitalità nella prassi e nell’insegnamento della Bibbia,” Liber Annuus, 17: 303-334.

Tornos, Andrés, 1997 “La Iglesia y las migraciones,” Estudios Eclesiásticos, 72(283): 515-536.

Van Gerwen, Jef, 1991 “Christian Faith and (In)Tolerance,” Louvain Studies, 16(3): 220-241.

_______________

[1] Về đời sống Kitô hữu xét như là một cuộc hành hương tới quê hương đích thật, xin coi Hội đồng Toà thánh về chăm sóc mục vụ cho người di dân và du hành, Erga Migrantes Caritas Christi, số 103. 

[2] Về vườn Ê-đen xét như là hình ảnh của thiên đường vĩnh cửu, xin coi Augustine of Hippo, De Genesi ad Litteram, XII, 66-69. 

[3] Về kinh nghiệm tha hương của Thánh Giá, xin coi Pious XII, Exsul Familia Nazarethana, phần Giới thiệu. 

[4] Về khái niệm ngoại kiều và sự hiếu khách ở vùng Cận Đông, xin coi Cardellini Innocenzo, “L’uso concetto di straniero nell’Antico Testamento. Una nota alla luce delle emigrazioni e degli spostamenti di persone nelle società del Vicino Oriente Antico,” Studi Emigrazione, 38(143):603-617. 

[5] Về việc đối xử đặc biệt dành cho ngoại kiều, xin coi Xh 12,48-49; Lv 19,9-10; Đnl 14,28-29; Đnl 24,19-22 và Đnl 26,1-2. 

[6] Về bổn phận hiếu khách, xin coi John Chrysostom, Homily XIV on the First Epistle of St. Paul to Timothy and Homily XXXIII on the Epistle to the Hebrews.