Thứ Tư, 2 tháng 4, 2014

BÀN LUẬN VỀ Ý NGHĨA KHỔ ĐAU THEO QUAN NIỆM CỦA VICTOR E. FRANKL

Thời sự Thần học - Số 31, tháng 3/2003, tr. 54-63

Thanh Tuyền


Victor Edward Frankl là bác sĩ tâm thần và nhà tâm lý trị liệu người Áo (mất vào năm 1997). Ông là người sáng lập ra trường phái phân tích hiện sinh. Thuyết của ông không thuộc về công trình trí thức, nhưng mà được hình thành do sự trải nghiệm của chính bản thân ông trong suốt thời gian kinh hoàng sống trong trại tập trung Đức Quốc Xã của Đệ nhị Thế Chiến II. Nơi đây, ông đã sống và chứng kiến những hành động tàn ác man rợ nhất của con người trong thế giới hiện đại. Frankl thực sự sống với chính những học thuyết của mình. 

Frank xây dựng học thuyết của mình từ những đóng góp của Freud. Hai vị này đều là bác sĩ rất quan tâm đến bản chất và sự chữa trị những dạng thức bệnh thần kinh. Freud tìm thấy căn nguyên bệnh thần kinh là do lo âu, những xung khắc trong vô thức và những hậu quả phát sinh của năng lực dục. Frankl phân biệt nhiều hình thái bệnh thần kinh, và truy tìm tận gốc rễ những bệnh trạng ấy. Ông đã khám phá và nhận thấy rằng nguyên nhân chính là do người bệnh thất bại không tìm ra ý nghĩa của cuộc đời mình. Trong môi trường tù ngục, người ta không chú trọng nhiều đến tình dục, nhưng lại ước ao có sự ấm no, nghỉ ngơi, giấc ngủ ngon và có tình người yêu thương. Sự sống sót của Frankl trong trại tập trung chắc chắn là một phép lạ vậy (Frankl 1959). 

Có thể nói, Ông vừa là một nhà tâm lý trị liệu vừa là một nhà tâm linh cách nào đó. Frankl đã vượt khỏi lãnh vực của mình hầu tìm lời giải đáp tối hậu của cuộc sống, sự chết và khổ đau. 

Một trong những nguyên tắc của ý nghĩa trị liệu (logotherapy)[1] là lấy con người làm trung tâm. Ý nghĩa trị liệu không phải là tìm khoái lạc và tránh đau khổ, nhưng mà nhận ra ý nghĩa trong cuộc đời. Trong các căn bệnh thần kinh hay tâm bệnh, căn nguyên của người bệnh thường do có sự xung khắc giữa các giá trị; hay nói khác đi, từ những mâu thuẫn luân thường đạo lý, hay nói rộng hơn, từ những vấn đề bị nghẽn tắc trong tinh thần. Trong tất cả, sự thất bại hiện sinh thường đóng vai trò rất to lớn. Thân phận con người chắc chắn, một ngày nào đó, phải đối diện với những tình thế bế tắc hoàn toàn, chẳng hạn khi đối diện với căn bệnh nan y hay ung thư ..., thì con người chỉ còn một cơ may cuối cùng và duy nhất, đó là thực hiện một điều gì mà có giá trị cao nhất, hoàn tất một ý nghĩa sâu sa nhất - ý nghĩa của đau khổ. 

Đau khổ sẽ không có ý nghĩa khi điều đó không tuyệt đối cần thiết. Chẳng hạn bệnh ung thư nào đó có thể chữa lành qua việc phẫu thuật hay chạy chữa thuốc men, người bệnh không được gánh chịu như thập giá của mình, vì như vậy chính là tự hành hạ mình (masochism) chứ chẳng phải anh hùng. Tâm lý trị liệu cổ truyền phục hồi khả năng làm việc và vui hưởng cuộc sống, còn ý nghĩa trị liệu này cũng bao hàm tất cả những điều này, nhưng còn đẩy xa hơn thế, đó là giúp thân chủ tìm lại khả năng chịu đựng đau khổ, và trên tất cả, giúp thân chủ khám phá ý nghĩa ngay trong sự khổ đau.[2]

Khám Phá Ý Nghĩa 


Bác sĩ kể một câu chuyện được lấy từ cuốn sách của một vị giám mục Đức (Moser, 1978) như sau: 

Sau cuộc Chiến Tranh Thế Giới II, có một bác sĩ khám bệnh cho một người phụ nữ Do Thái, trên cổ, bà deo một sợi dây chuyền được làm bằng những chiếc răng trẻ con bọc vàng. Vị bác sĩ thấy vậy bèn thốt lên: “Ô, thật là sợi dây chuyền tuyệt vời.” Cô ta đáp lại: “Vâng thưa bác sĩ, chiếc rằng này thuộc thằng Esther, chiếc này của thằng Samuel...” Thế là cô ta lần lượt liệt kê từng tên tuổi của bé trai bé gái mình tuỳ theo tuổi cho bác sĩ nghe, rồi cô ta nói tiếp: “Tôi có chín đứa con cả thảy, và tất cả đều đã bị tống vào phòng hơi ngạt.” Vị bác sĩ hỏi cô: “Thật là một cú sốc kinh khủng, thế thì làm sao cô có thể sống được với sợi dây chuyền ấy?” người phụ nữ Do Thái nhẹ nhàng đáp lại: “hiện nay tôi đang phụ trách một trại mồ côi ở Israel.”[3]

Ý nghĩa có thể bị vắt ép để hiện lộ ra ngoài đặc biệt là ngay trong sự đau khổ. Đây chính là lý do tại sao cuộc sống vẫn có một ý nghĩa ẩn tàng cho dù có bất cứ điều gì xảy ra đi chăng nữa. Theo Frankl, có ba giải pháp để chu toàn ý nghĩa: Trước tiên, làm một nghĩa cử nào đó hoặc tạo ra một công việc để làm; thứ hai, trải nghiệm một biến cố hay một sự kiện nào đó, hoặc gặp gỡ ai đó. Nói cách khác, ý nghĩa không chỉ được tìm thấy trong công việc, nhưng còn trong tình yêu nữa. Quan trọng hơn cả là giải pháp thứ ba, đó là đối diện với định mệnh vốn chúng ta không thể thay đổi được. Hết thảy chúng ta được mời gọi hãy cố gắng vượt lên khỏi bản thân và dần dần lớn lên, hay tắt một lời, là biến đổi chính bản thân chúng ta. 

Khi bàn về việc khám phá ra ý nghĩa, Frankl đề cập đến loại ý nghĩa “hướng xuống” (down to earth), loại ý nghĩa “hướng lên cao” (up to heaven), và sau cùng, là loại ý nghĩa tối hậu hay cùng đích, có nghĩa là một ý nghĩa của toàn thể, của “vũ trụ,” hoặc ít ra là ý nghĩa cuộc đời của một cá nhân con người xét như là toàn thể. Đây là ý nghĩa có chiều kích dài hạn. Để làm sáng tỏ điểm này, chúng ta hãy dùng hình ảnh một bộ phim trong rạp chiếu bóng: Trong rạp, có hàng ngàn khán giả đang xem hàng ngàn hình ảnh riêng biệt, qua đó, mỗi một hình ảnh đều mang một ý nghĩa, thế nhưng ý nghĩa của toàn bộ cuốn phim vẫn chưa được biết trước khi cảnh cuối cùng được tỏ bày. Vả lại, chúng ta cũng chẳng hiểu được toàn bộ cuốn phim nếu trước tiên chúng ta không hiểu từng phần của nó, từng phần của từng hình ảnh riêng biệt. 

Cuộc đời của chúng ta không giống như thế sao? 

Qua ý nghĩa của toàn thể, Frankl đã xây dựng một công thức như sau: ý nghĩa nào mà càng sáng tỏ, thì ý nghĩa ấy càng ít được nhận biết. Như vậy, để nhận biết được ý nghĩa tối hậu hay cùng đích (ultimate meaning), thì nhất định ý nghĩa ấy sẽ vượt lên khỏi trí hiểu của con người.


Trong hình 1, chúng ta thấy có năm điểm tách biệt, giữa các điểm không có một đường nối ý nghĩa nào. Những điểm này tượng trưng cho những biến cố, và với cái nhìn đầu tiên, chúng như là “cơ hội chỉ đến một lần duy nhất,” như trong cuốn sách Cơ Hội và sự Cần Thiết của Jacques Monod, ông cho rằng cuộc đời có những biến cố bất chợt và các biến cố chẳng có ý nghĩa gì đằng sau chúng cả. 

Hình 2 cho thấy có hai mặt phẳng giao nhau, và tỏ lộ cho thấy có năm giao điểm. Ngay tức khắc chúng ta nhận thấy giữa năm giao điểm ấy có một sự liên hệ rất mật thiết cho dù mặt phẳng đứng bị mặt nằm ngang cắt ngang. Cũng vậy, chúng ta cũng không để cho cái nhìn của chúng ta bị giới hạn trong mặt phẳng của giác quan chúng ta, nhưng chúng ta được gọi mời mở rộng tầm nhìn để nhận ra chiều kích “chiều cao” hay chiều kích “chiều sâu.” Vì vậy, những gì chúng ta không thể nhận biết được thì không phải là không thể tin cậy được. Blaise Pascal có nói: “Le coeur a ses raisons, que la raison ne connait point” (Con tim có lý lẽ của nó mà lý trí không thể hiểu thấu). Frankl gọi đây sự khôn ngoan của con tim.[4] Còn người khác thì gọi đây là tự thông của hữu thể (ontological self-understanding).[5] Thực thế, nơi đâu tâm trí tỏ ra bất lực, thì nơi đó sẽ có ngọn đuốc soi chiếu xuyên thấu bởi đức tin.

Việt Tính Tự Thân


Frankl cho rằng hiện hữu con người – ít là cho đến khi nó chưa bị tâm bệnh hay rối loạn thần kinh làm cho lạc hướng – thì không ngừng hướng đến điều gì đó, hoặc người nào đó bên ngoài nội tại của mình. Sự hiện hữu ấy không ngừng truy tầm một ý nghĩa nào đó để chu toàn hoặc một người nào đó để gặp gỡ yêu thương. Frankl gọi đặc tính quan trọng của sự hiện hữu nhân giới này là “việt tính tự thân”(Self-Transcendence).[6] Cái mà được gọi là “hiện thực hóa nội thân” (Self-Actualization) sau cùng sẽ có một tác dụng nào đó, là sản phẩm phụ không chủ tâm hay sắp đặt trước của việt tính tự thân. Con người có khả năng hiện tại hóa mọi tiềm thể nơi chính bản thân mình. Con người cần phải trở thành cái như mình là, như có lần Karl Jaspers cho biết: “Cái mà y là, thì y đã trở thành rồi, nhờ nguyên do mà y đã tự thực hiện nơi bản thân mình.”

Tự thân, con người đã được khắc ghi bởi “sự truy tầm ý nghĩa” của mình, hơn là “sự truy tầm chính bản thân mình.” Y càng lãng quên bản thân mình đi – chẳng hạn như hiến dâng đời mình cho một sự nghiệp hoặc cho người nào khác – y càng là người hơn. Y càng đắm chìm hay hòa tan vào điều gì đó hoặc vào người nào đó ngoài bản thân y thì y càng thực sự trở thành chính mình hơn. Câu chuyện của phụ nữ Do Thái mất đi chín đứa con đã quên mình để phục vụ cho các trẻ mồ côi tại Israel cũng cho biết cô đã hiện tại hóa tiềm năng trong cô, hay nói cách khác, đặc tính hiện hữu của cô đã thúc đẩy tự ra khỏi chính bản thân mình hầu hướng đến một ý nghĩa, đó là đem lại hơi ấm tình người, hoặc có thể là tình mẫu tử nữa, cho các bé mồ côi, mà nơi đó, cô đã gặp lại chính cô và các đứa con của cô.

Khơi Nguồn Thần Học trong Tâm Lý Trị Liệu bằng Ý Nghĩa


Xét về thân phận con người trong nhãn quan Thần Học Kitô giáo, tự thân mỗi người là bất toàn, mong manh, dễ đổ vỡ bất chấp mọi nỗ lực cố gắng.[7] Căn nguyên của sự đổ vỡ này xuất phát từ thân phận tổ tiên Adam và Evà, không hoàn toàn tin tưởng vào Tình Thương Thiên Chúa, tự mình tìm lấy cho mình con đường giải thoát. Thiên Chúa, vì vậy, luôn luôn mời gọi con người trở về với chính mình và trở về với sự quan phòng của Thiên Chúa để nơi ấy, con người có thể khám phá sự giới hạn của tự hữu và tình yêu nhưng không của Thiên Chúa. Ngay trong giới hạn, con người đồng thời cũng tìm thấy từ nơi ấy một chân trời vô hạn (an infinite horizon).[8] Karl Rahner cho biết: 

“Khi y nghiệm thấy sự giới hạn của mình ngay tự thân, y sẽ vượt khỏi chính giới hạn này và cảm nhận chính mình như là một hữu thể việt tính, như thần linh. Trước mọi thắc mắc của y sẽ chỉ là chân trời vô định, và chân trời này sẽ được trải nghiệm như một chân trời cứ mỗi lúc mỗi lúc xa dần mà không thể nào y tìm thấy lời giải đáp cho thoả đáng.” [9]

Con người luôn luôn bị cám dỗ khước từ sự giới hạn tự thân, và đây cũng chính là bức tường che chắn rất kiên cố không cho con người tiến bước xa hơn. 

“Con người có thể tìm mọi cách tránh né nhảy bổ vào vô hạn tính của mầu nhiệm đang trải rộng trước mắt họ. Do sợ hãi mầu nhiệm tính mà con người lao vào những công việc quen thuộc và những sinh hoạt hàng ngày. Thế nhưng sự vô định mà tự thân con người kinh qua cũng sẽ hiển lộ để thấm nhập vào từng hoạt động trong sinh hoạt mỗi ngày của họ. Ngay tự thân con người trên cuộc hành trình mãi mãi đứng yên một chỗ. Mỗi mục tiêu mà con người nhắm tới trong tâm trí và bằng hành động mãi mãi sẽ chỉ là tương đối, và mãi mãi chỉ là một bước tạm thời mà thôi. Mỗi một lời giải đáp cho một vấn nạn nào đó cũng chỉ là một câu khởi sự cho một vấn nạn mới nảy sinh. Con người kinh nghiệm nơi chính tự thân như một khả thể vô định, vì bằng hành động và qua lý thuyết, con người lại biến từng kết quả vừa mới phát hiện trở thành một vấn nạn khác nữa. Con người không ngừng đặt kết quả vào trong chân trời rộng lớn hơn mà đang xuất hiện trước mắt họ một cách lờ mờ trong một không gian bao la vô hạn. Có thể họ nhận thấy chính mình là thần linh, nhưng bằng trải nghiệm nơi tự thân thì họ khám phá ra rằng họ không phải là thần linh thuần khiết. Con người chẳng phải là sự vô hạn của thực tại mà bị tra vấn hay đi tra vấn. Con người chính là một vấn nạn của chính mình, thực sự trống rỗng và không thể thoát khỏi, con người sẽ không bao giờ có thể tự mình dàn xếp ổn thoả và giải đáp một cách thỏa đáng vấn nạn ấy được.” [10]

Trước những hoàn cảnh không thể cứu vãn hay thay thế được, chẳng hạn như sự bất lực hoàn toàn của loài người trước căn bệnh nan y hay ung thư, hay biến cố gây bế tắc nào đó ..., người bệnh không ngừng được “tiếng nói” trong sâu thẳm mời gọi truy tìm ý nghĩa. Tất cả những giới hạn tự thân mà đang hiển lộ của thân phận con người là cơ may cho con người nhận thấy ý nghĩa cùng đích của chính mình và của vạn thể hiện hữu. Nhận thấy được ý nghĩa ấy chỉ khi con người họ đã “trần truồng,” đã lật đổ tất cả những bức tường che chắn và quăng bỏ mọi nỗ lực của lý trí tinh vi sáng suốt. Trần truồng của Adam và Evà cũng chính là Ân Huệ từ Thiên Chúa, và một lời mời gọi chân nhận tự thân tính nơi họ và Tình Yêu vô định của Thiên Chúa (infinite love). “Ngươi ở đâu?” (St 3,9) không ngừng là lời mời gọi yêu thương của Thiên Chúa nơi mỗi một người trong chúng ta và đấy cũng chính là lời giải đáp cho mọi vấn nạn gai góc của con người vậy.

Logotherapy của Frankl cần được đẩy tới một ý nghĩa sâu thẳm và tối hậu. “Logo-” của Frankl cũng không nên giảm thiểu vào ý nghĩa như là lời nói, ý niệm, hay ngay cả lý tưởng hoặc thần lí. Logo- ấy cần được đẩy tới Logos như là Lời Thiêng trong cõi uyên nguyên vô tì vết, vô ý, vô niệm, vô ngôn mà đã hiện hữu không khởi đầu không kết thúc (St 1). Lời Thiêng ấy đã và đang trải rộng và thấm nhập vào vạn thể vũ trụ sắc tướng hay vô sắc tướng, trong đó có bạn và có tôi. Như vậy, con người đang trực diện với Lời Thiêng từng phút giây[11] trong cuộc đời. Mỗi hơi thở, mỗi cái chớp mắt, mỗi cái hắt hơi, mỗi cái vui cái buồn, mỗi cái đau cái sướng... đều thấm đượm Lời Thiêng hết thảy. Lời Thiêng hòa tan vào tất cả chẳng trừ điều chi, vì Lời Thiêng là tất cả và tất cả là Lời Thiêng vậy. Nếu thế thì có nỗi khắc khoải hay cho dù một nỗi đớn đau nhỏ nhất nào của con người mà lại đi vào hư không đâu! Một cái hắt hơi của bạn cũng đủ làm cho vũ trụ này phải rúng động rồi. Một nỗi đau thể lý thôi cũng làm cho vạn thể đất trời điêu đứng sâu lặng. Nhưng khổ một nỗi phận người tự thân mong manh giới hạn nên không nhận thấy cái huyền nhiệm bao trùm của Lời Thiêng, nên cứ mãi khốn đốn và quằn quại khôn nguôi. Vẫn biết thế và nỗ lực vượt thoát nhưng không nổi, con người muốn có được đôi cánh để lao vút vào cõi tự do nhưng thân tâm lại nặng trĩu quá ...

Tất cả mọi vấn nạn, nỗi đớn đau trong mọi chiều kích của con người, cũng như hết thảy những trăn trở khắc khoải nơi vạn thể hiện hữu, đã được toả chiếu bừng sáng bởi Lời Thiêng khi đã “trở thành người phàm” và “cư ngụ giữa chúng ta” (Ga 1,14). Lời Thiêng đã hạ xuống để tỏ bày bản tính uyên nguyên của mình bằng ngôn ngữ hữu thanh và giới hạn của loài người qua Ngôi Hai nhập thế nhập thể. Từ đây, Lời Thiêng Logos đi vào hạn hữu một cách cụ thể, đích thực và sống động hầu mời gọi tất cả vạn thể hữu hạn có thể gặp gỡ và trở về với Lời Thiêng uyên nguyên và vô hạn định trong tình yêu mà vượt lên trên mọi trí hiểu và kinh nghiệm của hạn giới.

Để tìm hiểu sâu hơn, xin tham khảo:


Kbler-Ross, Elisabeth, Death: The Final Stage of Growth, Touchstone, Simon & Schuster, New York, 1986.
Frankl, Victor E., The Doctor and the Soul from Psychotherapy to Logotherapy, Afred A. Knopf Inc., New York, 1968.
------------- , The Unheard Cry for Meaning, Washington Square Press, Pocket Books, New York, 1985. 

------------, Man’s Search for Ultimate Meaning, Perseus Publishing, Cambridge, Massachusetts, 2000.

Wicks, Robert J. và Estadt, Barry K. (Biên Tập Viên), Pastoral Counseling in a Global Church: Voices from the Field, Orbis Books, Maryknoll, New York, 1993. 

-------------
[1] Logos (ëüăị̈), theo Hy Lạp, có nghĩa là điều được nói ra (chẳng hạn như lời nói, sứ điệp, giáo huấn, cuộc trò chuyện, cuộc trao đổi), nhưng theo Thánh Kinh cũng có nghĩa là giá trị (xc. Cv 20,24), và theo Kitô học của Tin Mừng Gioan có nghĩa là Lời (xc. Ga 1,1-14). 
[2] Victor E. Frankl, Con Nguời Đi Tìm Ý Nghĩa Cuộc Sống, dịch giả: Vũ Trọng Ứng (Tp. Hồ Chí Minh, Nxb. Trẻ, 1993) 189. 
[3] V.E. Frankl, Man’s Search for Ultimate Meaning, (Cambridge, Massachusettes: Perseus Publishing, 2000) 142. 
[4] “In praecordiis sapientiam me doces.” 
[5] Chúng ta có thể liên tưởng đến trí huệ bất nhã (tiếng Sanskit: Prajna, có nghĩa là Wisdom) của nhà Phật, đó là trải nghiệm và nắm bắt được bản chất của mọi sự vật. Nắm bắt ở đây không phải qua giác quan hay tâm trí con người, nhưng mà là bằng sự trải nghiệm, bằng trực cảm tâm linh. Xin tham khảo Trực Cảm Tâm Linh của tác giả Lê Quang Phúc luận bàn về hồn thơ Rabindranath Tagore. 
[6] Xc. “Beyond Self-Actualization and Self-Expression” của Victor E. Frankl (Spring, 1960). 
[7] Đây chính là điểm mấu chốt mà Kitô giáo khác với Phật giáo. Một bên hạ mình khiêm cung trước quyền năng Tạo Hóa và xin ban Ân Sủng của Thần Khí, còn một bên thì tự nỗ lực đạt đến trạng thái siêu thoát trên con đường Chứng Ngộ. 
[8] Karl Rahner, Foundations of Christian Faith: An Introduction to the Idea of Christianity, (New York: Crossroad, 1996) 31 – 35. 
[9] Sđd., trg. 32. 
[10] Sđd., trg. 32. 
[11] Hay ngôn ngữ nhà Phật gọi là sát-na, có nghĩa là, khoảnh khắc cực nhỏ.