Thứ Ba, 12 tháng 2, 2013

CON NGƯỜI VỚI CÁC LOẠI “VĂN HÓA” MỚI TRONG XÃ HỘI CHÚNG TA

Thời sự Thần học – Số 11 – Tháng 3.1998, tr. 46-62

_Tư Cù_

“Thời mở cửa”, chúng ta vẫn cứ phải dùng đi dùng lại từ ngữ ấy: và ngay việc này, có lẽ cũng đã cho thấy “có vấn đề”. Thời mở cửa của đất nước chúng ta đã bắt đầu từ 10 năm nay rồi, thế mà nó vẫn cứ là “thời mở cửa”. Phải chăng là đất nước đã phải dò dẫm từng bước một trên con đường mở cửa? Phải chăng những hiệu quả, tốt hay xấu, của một thời đại mở cửa đã chưa đủ làm thay đổi bộ mặt tinh thần của xã hội? Hay là tại chính chúng ta, với tư cách là Giáo Hội, là ngôn sứ cho thời đại, chúng ta chỉ mới “mở cửa” một chút để chỉ thấy có mỗi một điều là xã hội, đang mở cửa? Hay tại chính chúng ta vẫn chỉ nhai lại chính điều xã hội đã hô to lên, còn về phần mình, chúng ta vẫn còn đóng kín cánh cửa sứ vụ trước những thay đổi nhanh chóng của xã hội, của thế giới chung quanh? 

Hay “Tất cả các câu trên đều đúng”? 

Cho dù như thế nào đi nữa, thì về phía chúng ta, những người đảm nhận một sứ mệnh, chúng ta cũng không có quyền bào chữa! 

“Mở cửa”, hạn từ đó chỉ mới diễn tả một khởi điểm và một bầu khí chung chung, đại khái là: thời buổi kinh tế thị trường, thời đại cạnh tranh…; hoặc chi tiết hơn, chúng ta có thể nhận thấy một số hiện tượng được đề cập đến trên báo chí như: thông tin đa dạng và phong phú hơn trên báo chí như: thông tin đa dạng và phong phú hơn trên báo chí, truyền hình; các tòa cao ốc sừng sững, các cửa hàng lộng lẫy, những mặt tiền nhà dân chúng thật đẹp, những vật liệu trang trí nội thất hết sức đẹp và sang trọng; những công ty liên doanh với nước ngoài, những người làm việc trong các công ty nước ngoài nhiều hơn, những công trình kinh tế trọng điểm; về giáo dục, năm nay chúng ta cũng thấy những trường học tư thục, dân lập, ở đủ mọi cấp, mọc lên khá nhiều; số người nhập cư vào các thành phố là một vấn đề nan giải, giá đất tăng vọt xuất hiện nhiều nhà trọ cho nhiều hạng người: sản lượng lương thực tăng triển đạt 28 triêu tấn/năm, với mức độ tăng trưởng tăng 9.5/năm. Tóm lại đó là một nhịp sống khá sôi động của đất nước từ năm 1986 đến nay: tuy từ nửa năm 1996 đã có một vài dấu hiệu chựng lại, nhưng những tiến triển vẫn còn là thay đổi từng ngày bộ mặt xã hội của đất nước Việt Nam… 

Cùng với những phát triển tích cực ấy ta cũng thấy bùng nổ những mặt tiêu cực: nạn mại dâm, lạm dụng tình dục, phá thai, bệnh Aids, ô nhiễm môi trường, tình trạng thất nghiệp của thanh niên; cùng với “quốc nạn” tham những và ma túy. 

Tất cả những điều ấy đang diễn ra mà ai cũng có thể thấy được. Tuy nhiên, nếu chỉ nhìn thấy những “hiện tượng”, có lẽ chúng ta chưa nhận ra được sự liên đới và trách nhiệm của mình bao nhiêu: cùng lắm chỉ là kêu than, cùng lắm chỉ là những lời kêu gọi hoặc một vài họat động bác ái. Đằng sau các hiện tượng ấy, có một thách đố mới của thời đại đối với sứ vụ của chúng ta. 

I. NHỮNG LOẠI “VĂN HÓA” MỚI 

Thật sự, những thay đổi mà người ta dễ dàng nhìn thấy bằng những con số và bằng đèn điện, bằng màu sắc còn có thể “mặc khải” cho chúng ta những thay đổi trên trong thay đổi “tư duy”, thay đổi não trạng, thay đổi tinh thần, mà hệ quả của chúng ta gắn liền với sự tôn-vong của những giá trị nhân bản và những giá trị tích cực của Kitô giáo. Những thay đổi ấy thực sự gắn liền với sứ mệnh của chúng ta. Trong cố gắng làm sáng lên một chút điều đó, xin được chia sẻ cùng độc giả một vài suy tư về con người trong xã hội của chúng ta và sứ mệnh của chúng ta trong xã hội ấy. 

1. Con người hưởng thụ 

Vui chơi 

Xã hội càng văn minh, người ta càng cần tìm nhiều thú vui; mặt khác, công việc trong xã hội kỹ thuật làm cho cuộc sống căng thẳng, người ta buộc lòng phải tìm đến nhiều trò giải trí khác nhau. Nhu cầu giải trí đang trở thành cấp bách, và hiện nay những nơi giải trí lành mạnh chưa đủ để đáp ứng nhu cầu này. 

Con người vui chơi (homo ludens), đó cũng là một nét căn bản của cuộc sống. Friedrich von Schiller nói rằng “con người chỉ thật sự là người khi chơi”. Tuy thế, trong khi những khu vui chơi lành mạnh còn thiếu, thì người ta có thể xoay sở bằng nhiều cách để đáp ứng nhu cầu giải trí; và trong tình trạng hiện nay, những thứ “trò chơi” chủ yếu của con người thường là các sản phẩm của kỹ thuật. Với các sản phẩm ấy, người ta hưởng thụ nhiều hơn là vui chơi: bởi lẽ vui chơi đích thực là “khát vọng sống thuần túy, không phải khát vọng kiểu sống này hay kiểu sống khác, do thời thượng hay thói quen mà trở thành đáng khao khát…”. Các phương tiện truyền thông như: truyền thanh, truyền hình, phim ảnh, báo chí…, với mức độ quá tải như hiện nay, thường làm cho con người bị phân tán tâm thần nhiều hơn là sống con người thực của mình; những khát vọng kiếm phương tiện “vui chơi” ngày một tốt hơn, thực sự, là một khát khao tiêu thụ và chắc chắn dẫn đến sự trống vắng trong tâm hồn; những thứ đồ chơi “chết người” thì lại là một liều thuốc đầu độc dần dần tâm hồn của trẻ và thanh niên. Nói về vui chơi, G. Bataille đã nói “cái khó của vấn đề là ở chỗ, bằng một tên, chúng ta nhất thiết phải chỉ những thực tế rất khác nhau…”. 

Tiêu thụ 

Bầu không khí thị trường đã bắt đầu cùng với những mục quảng cáo trên các phương tiện truyền thông và trên đường phố. ngày nay, nhiều người đã rất bực mình vì các mục quảng cáo xen vào giữa các chương trình giải trí. Mức độ quảng cáo gia tăng có thể chứng tỏ một thị trường phồn thịnh và nhất là chứng tỏ khát vọng tiêu thụ đã gia tăng. Ngồi trước máy truyền hình hằng ngày, chắc chắn mỗi người chúng ta đều thấy chính mình có thêm nhiều nhu cầu mới, nhu cầu có những sản phẩm khác, tốt hơn, đẹp hơn, tiện lợi hơn… Khát vọng ấy sẽ còn đào sâu thêm mãi sự trống trải của tâm hồn và không biết đến bao giờ người ta mới “ứ đầy” vì khát vọng tiêu thụ. 

Hậu quả 

Những tiến bộ trong xã hội chúng ta có giá trị tích cực của nó mà không ai có thể chối cãi. Rõ ràng mức sống chung chung của người dân được nâng lên; rõ ràng người ta dễ chịu hơn với những tiện nghi càng ngày càng nhiều và đa dạng. Tuy nhiên, khía cạnh tiêu cực, giống như cỏ lùng, cũng phát triển song song. 

Trước hết, những phương tiện truyền thông ra như thông báo cho người ta nhiêu dữ kiện về thế giới, về tha nhân. Tuy thế, những thông tin này thường miễn giảm cho người ta phải đổi dấu với vấn đề, miễn giảm khát vọng đối thoại, gặp mặt thực sự với con người. Qua các phương tiện truyền thông tràn ngập, người ta có thể biết nhiều người, nhiều chuyện, nhưng lại ít tạo nên mối liên hệ thực sự với ai và với điều gì. Ở Việt Nam, đã thấy có những người dành phần lớn thì giờ bên máy truyền hình và có thể không cần đến bạn bè hay người thân. Như thế, các phương tiện truyền thông thường để trở nên một phương cách trốn chạy những vấn đề thực của cuộc đời, hơn là giúp đảm nhận chúng. 

Một xã hội mà nhu cầu tiêu thụ gia tăng lên mãi sẽ đương nhiên làm mất dần tinh thần khổ hạnh truyền thống, vốn là điều không thể không có trong cuộc sống con người. Trong các nước phương Tây, nhiều cặp vợ chồng không muốn có con; nhiều đôi nam nữ yêu nhau nhưng không muốn ràng buộc trong đời sống gia đình; nhiều bạn trẻ không muốn bất cứ một hy sinh cho lý tưởng nào cả… Những điều ấy đã tác động bao nhiêu đến xã hội Việt Nam chúng ta? Và khi những điều ấy trở thành não trạng thời đại, làm sao người ta có thể đón nhận được một Tin Mừng đòi hỏi “vào cửa hẹp”, Tin Mừng kêu gọi “vác thánh giá theo chân Chúa”? 

Xã hội tiêu thụ ấy cũng sẽ đương nhiên dọn đường để kim tiền lên ngôi cua trong thế giới. Nhu cầu hưởng thụ gia tăng thì nhu cầu kiếm tiền cũng gia tăng. Điều đó làm cho mọi giá trị đều bị đánh giá theo kim tiên. Tất cả những điều không mang lại lợi lộc đều dần dần trở thành chuyện xa xôi: “Một túp lều tranh hai quả tim vàng”, “của ít lòng nhiều” là điều đã trở nên không thực tế trong cuộc sống xã hội hôm nay. Hơn nữa, những lời kêu gọi hy sinh, chia sẻ, phục vụ cũng dần dần cũng trở thành điều lãng mạn. Trong tình trạng đó, con người sẽ đánh mất niềm vui được phục vụ, mất khả năng đón nhận người khác chỉ vì người khác, khó có thể cảm thông ngay cả khi tha nhân không làm sung sướng cho mình tí nào. 

2. Con người thực dụng 

Máy móc 

Mối nguy cơ của máy móc không còn là điều lạ với con người. Lý tưởng khoa học như là sự chính xác và tiêu chuẩn duy nhất, lý tưởng đó đã qua rồi từ cuối thế kỷ XIX, nhất là sau hai cuộc thế chiến khủng khiếp. Tuy nhiên, với đại đa số quần chúng, người ta còn mê mẩn lâu với những tiện ích của khoa học mang lại. Mối nguy cơ của cuộc sống tràn khoa học kỹ thuật đã được Virgile Georghiu nói rõ ràng trong cuốn “Giờ thứ 25” như sau: 

Một xã hội trong đó có hàng chục tỷ nô lệ kỹ thuật và không đầy hai tỷ con người (dù những con người cai trị xã hội đó) cũng sẽ có đủ mọi đặc tính của một đa số vô sản. Dưới thời đại La Mã, những con người nô lệ nói năng, cầu nguyện, sinh sống theo những tập tục du nhập từ Hy lạp, Thrace và nhiều quốc gia bị chiếm đóng khác. Nhưng những nô lệ kỹ thuật của xã hội chúng ta cũng duy trì những đặc tính riêng và sinh sống theo những lề luật của dân tộc họ. Cái bản chất đó, hay đúng hơn, thực tế đó đang có trong khuôn khổ xã hội chúng ta. Ảnh hưởng của nó ngày một nhận thấy rõ rệt hơn. Con người, để có thể sử dụng được chúng, bắt buộc phải tìm hiểu và bắt chước những thói quen và những lề luật chúng. Mỗi chủ nhân bắt buộc phải tìm hiểu và bắt chước những thói quen và những lề luật của chúng. Mỗi chủ nhân bắt buộc phải biết đôi chút ngôn ngữ và tập tục của nhân viên thuộc quyền mới có thể chỉ huy được họ. Hầu như bao giờ cũng vậy khi kẻ chiếm đóng là thiểu số, đều phải chấp nhận ngôn ngữ và tập tục của dân tộc bị chiếm đóng, vì lý do thuận tiện hay quyền lợi thực tế. Kẻ chiếm đóng thành công vì là kẻ chiếm đóng và chủ nhân có toàn quyền. 
Cũng một quá trình như vậy đang tiếp tục diễn tiến cuộc khai triển trong khuôn khổ xã hội chúng ta, mặc dù chúng ta không chịu nhìn nhận điều đó(…). 
Thảm kịch xảy ra chính ở đó. Chúng ta không thể biến thành máy được. Sự đụng độ giữa hai sự thực – cơ khí và nhân văn – đã xảy ra. Những nô lệ kỹ thuật sẽ chiến thắng. Chúng sẽ được giải phóng và trở nên những công nhân kỹ thuật của xã hội chúng ta. Còn chúng ta, những con người, chúng ta sẽ trở thành những kẻ vô sản trong một xã hội được tổ chức theo những nhu cầu và nền văn hóa của đa số công dân, tức là những “công nhân kỹ thuật”. (trang 69-71) 
Sự chính xác của máy móc đi liền với tính cố định; máy móc càng nhiều, càng có nhiều mảnh đời của đời sống con người bị chương trình mã hóa xen vào. Trong tâm hồn con người như thế, có một số những “bộ phận vô ngã”, những bộ phận có thể làm thay con người, từ chữ viết, ngôn ngữ, tâm lý, giáo dục, sáng tạo nghệ thuật… và cả nhiều điều liên hệ mất thiết với tâm hồn cũng được tiêu chuẩn hóa bằng dữ liệu khoa học. 

Sống với máy tính, người ta buộc phải theo những “công đoạn” càng ngày càng nhiều và chính xác hơn của chúng: viết một bức thư, tìm một vài dữ liệu… Sự trợ giúp hơi quá của máy vi tính dẫn dần đến việc người ta không còn dám tin vào mình nữa. Giống như một công ty lớn bóp chết những cửa hiệu nhỏ, thì một chương trình khổng lồ được trao vào tay con người cũng sẽ bóp chết những sáng kiến, những lựa chọn độc đáo của con người vậy. Cuộc sống con người càng được “hợp lý hóa” bao nhiêu thì càng mất đi tính huyền nhiệm bấy nhiêu. Những con người càng dựa vào “thế lực” lớn lao bao nhiêu thì càng làm yếu đi đôi chân của mình bấy nhiêu. Đó là một tiến trình “sự vật hóa” con người mà xã hội văn minh kỹ thuật khó lòng tránh khỏi. 

Sản xuất 

Khi nhu cầu của xã hội là tiêu thụ, thì hậu quả tất nhiên là phải tìm mọi cách để sản xuất ra sản phẩm. Ngày xưa, Marx đã chỉ tiến trình giải phóng khỏi bất công bằng cuộc “đấu tranh giai cấp”. Ngày nay, chính trong lòng nước xã hội chủ nghĩa cũng đã chấp nhận một kiểu kinh tế thị trường và mở cửa cho những công ty tư bản làm ăn. Tuy thế, ngày nay, điều Marx nói vấn rất đúng trong tính chất “đấu tranh” nhất là vì nó đưa đến một sự vong thân “văn hóa”. Trong tiến trình sản xuất của nền kinh tế thị trường, tính chất cạnh tranh sẽ “hợp pháp hóa” tính cách thù địch, ít nhất, trong kinh doanh: như chúng ta đang thấy nơi các kiểu quảng cáo so sánh, loại trừ lại đất nước Việt Nam. 

Hậu quả 

Sống trong xã hội máy móc, vô tình, con người càng ngày càng mất đi những vung trời “thân thương” trong tâm hồn. Sống trong một xã hội thực dụng, con người càng ngày càng hời hợt hơn, vì không còn có điều gì là “thiêng liêng” trong kỷ niệm, trong tự do nữa. Sống trong một xã hội đề cao việc sản xuất ra sản phẩm, người ta khó có thể “thương” được một người cù lần, một người thiện chí nhưng chẳng thành công được gì cả. Tóm lại, huyền nhiệm của một vận mạng đời người cũng bị giản lược thành chiếc máy sản xuất ra sản phẩm. 

Kết quả của cuộc chiến “giai cấp” giữa chủ và thợ, chính quyền và nghiệp đoàn, đó là thái độ chấp nhận như chuyện đương nhiên rằng: làm ăn thì phải khôn, phải sẵn sàng gây áp lực, phải biết xâm lấn thị trường… Trong lãnh vực làm ăn, người ta có quyền được trở thành đối thủ của nhau, tinh thần bác ái không còn nữa. Trong cuộc cạnh tranh này, kẻ thắng thế trở thành kẻ biết làm ăn và là tiêu chuẩn của chân lý. 

3. Con người cô đơn 

Sống trong xã hội đô thị hóa 

Sống trong môi trường thành thị, mối tương giao của con người với nhau càng ngày càng giảm. Trong thành thị, người ta có thể tìm thấy nhiều cách để giải quyết những nhu cầu hằng ngày của cuộc sống mà không cần đến người bên cạnh, từ chuyện tang ma cưới hỏi, cho đến thú vui giải trí và những liên hệ nghề nghiệp… Các dịch vụ xã hội, vừa tiện lợi, vừa gọn gàng có khi lại ít tôn ském nữa, chúng dễ dàng thay thế “người hàng xóm”. Cuộc sống ít khi còn có lúc “tối lửa tắt đèn” để người ta phải nhờ đến nhau; mà có nhờ thì cũng không dễ, vì ai cũng có việc của mình cả. 

Tác giả Hồng Lê Thọ, trong bài “Khi tâm hồn trẻ thơ bị sa mạc hóa” kể rằng: “Ở Tokyo, chúng tôi có lúc hằng tháng không cần phải nói chuyện với ai, sống với hình ảnh trên TV, ăn theo những hộp cơm đã nấu sẵn tại siêu thị, và sẵn sàng có nước để uống theo ý muốn từ chiếc máy bán hàng tự động góc phố…”. 

Đánh mất truyền thống 

Xã hội Á Đông vốn dặt nặng quan hệ gia đình, xã hội, lên trên tự do các nhân. Nhưng điều đó đang thay đổi, và dĩ nhiên cũng đang tạo ra nhiều giằng co gay gắt. Xã hội Kinh tế thị trường càng ngày càng cần tới tính năng động của cá nhân. Cá nhân, muốn tìm được vị trí cao, cần tự khẳng định bản lãnh mình. Nhịp sống xã hội sẽ sàng lọc và loại ra ngoài những người không có khả năng sáng tạo, thiếu bạo dạn và không dám đối đầu với thách thức mới. 

Hậu quả 

Cuộc sống đô thị hóa và công nghiệp hóa quả là qui luật chung của một xã hội muốn tiến triển, nhưng qui luật đó cũng luôn kèm theo hậu quả là làm cho tương giao con người với nhau càng ngày càng bớt đi và xấu đi. Người ta không còn thưởng thức được niềm vui hiệp thông, không còn nhận ra nhu cầu “sống với”, nhu cầu gặp gỡ là một nhu cầu không thể thiếu. Một xã hội “sa mạc hóa”! 

Mối bận tâm thích nghi với những tiến bộ mau lẹ của xã hội sẽ dần dần làm cho “nhu cầu” khẳng định mình trở thành quan trọng. Điều này rất hay, nhưng thường nó không dễ dàng đưa đến thế quân bình đích thực. Để có thể thích nghi tốt, người ta buộc lòng phải từ bỏ truyền thống, chẳng những trong lời nói, hành vi, cung cách, nhưng còn cả trong tâm hồn nữa. Tất cả những truyền thống, tốt và xấu, của quê hương, làng xóm, dòng tộc, sẽ trở thành điều thứ yếu 

4. Con người vô tín 

Chủ nghĩa Vô Thần? 

Người Việt Nam nói chung thường không phải là những kẻ vô thần. Ít nhất người dân Việt cũng là những người theo “đạo ông bà”, đạo thờ kính tổ tiên và tin tưởng ở một thế giới khác. Nếu có những người theo chủ thuyết vô thần, thì trong số họ, những người vô thần thực sự chắc cũng không phải là nhiều. Có người đã nói rằng chẳng có mấy người Việt Nam đủ “trình độ” để vô thần. Người ta chỉ “tuyên xưng” vô thần trong giấy tờ: nói vô thần với người khác; còn nhưng trong cuộc sống hằng ngày thị lại luôn cần đến bói toán, xem ngày, cúng kiến… 

Những bóng ma của chủ nghĩa vô thần thực tiễn 

Tuy nhiên, mối nguy lớn của xã hội Việt Nam lại không phải là những chủ thuyết vô thần lý thuyết mà chính là thái độ vô thần thực tiễn. Vô thần thực tiễn là thái độ không cần biết Thượng Đế có hay không, hoặc cũng có thể người ta tự xưng mình là hữu thần, những cách sống lại không dính dáng gì tới Thiên Chúa cả. 

Nếu như chủ thuyết vô thần lý thuyết muốn chối bỏ Thượng Đế nhân danh con người, nhân danh tự do hoặc nhân danh một thứ khoa học thực nghiệm nào đó; thì chính chủ nghĩa vô thần thực tiễn mới tạo nên và nuôi dưỡng những bóng ma ghê gớm hơn trong cuộc chiến chông lại Thiên Chúa và chống lại con người: hưởng thụ, dửng dưng với tha nhân, lấy lợi ích của mình làm trung tâm, tàn ác, bất công… 

Hậu quả 

Nếu chúng ta chỉ nhìn thấy “nguy cơ” của chủ nghĩa vô thần trong những lập trường triết lý khác nhau, có lẽ chúng ta chưa bước vào chính điểm nóng của cuộc chiến hôm nay. Có những người hiềm khích với tôn giáo để ủng hộ con người; nẻo đường đó còn ít phá hoại niệm tin đích thực hơn những người dửng dưng hay bất cần tới những giá trị của Tin mừng. Chính thái độ hữu thần trong lý thuyết, vô thần trong thực tiễn lại là cách chống đối Thiên Chúa cách âm thầm, và thâm độc hơn nhiều. 

Nếu có những người “vô thần” nhu một con vẹt, những kẻ “không đủ trình độ” vô thần, vì thực tế họ luôn dựa vào các thế lực thần linh qua việc cúng bái, mê tín… thì cũng có những người “hâm hâm dở dở” trong đời sống Đức Tin, họ chấp nhận sự hiện hữu của Thượng Đế như một con vựt, còn trong thực tế, họ vẫn sống “nhạt nhẽo”, sống “cá nhân”, sống “ích kỷ” trá hình, đôi khi ngay chính trong chính sinh hoạt tôn giáo sầm uất nhất. 

Tất cả những thái độ vô thần thực tiễn, cùng với bóng ma của nó, thực sự làm cho tâm hồn con người bị thường tích và khó nhận ra được giá trị của Tin Mừng hơn hết. 

Nếu người ta không nhận ra được những gía trị nhân bản đích thực, con người cũng sẽ không nhận ra được Thiên Chúa đích thực, một Thiên Chúa cứu độ và làm cho thân phận con người được trọn vẹn. 

II. MỘT TINH THẦN HỘI NHẬP “MỚI” 

1. Hướng trọng tâm đến nhu cầu của con người thời đại 

Trước những biến chuyển “vũ bão” của thời đại, chúng ta không còn có thể thể đứng ở bên đường mà hô dừng lại, hay chỉ dựng nên những tấm bảng “Stop” ra trước mắt người ta, trên những chặng đường nguy hiểm. Rao giảng Tin mừng hôm nay cần phải bước vào cỗ xe của thời đại, cùng với con người ngày nay phiêu lưu qua những khúc quanh hiểm nguy nhất… 

Như thế, hội nhập văn hóa, trong nghĩa rộng rãi nhất, phải là hội nhập và chính dòng sống của cõi nhân sinh, là sống “nhập thể” trong những vấn đề của cuộc sống. 

Với những người vô thần thực tiễn chẳng hạn, chúng ta không thể đứng chờ người ta đến nhận món quà chúng ta trao tặng, nhưng phải chạy đến, và nếu cần, chạy theo từng bước đường của nhân loại. Phải lấy nhu cầu của “con người thời đại” là trọng tâm lời rao giảng Tin Mừng hôm nay. 

2. Chiến đấu với “con cái” của Satan 

Trong một xã hội như thế, hơn lúc nào hết, ngày nay chúng ta nhận ra thách đố của một cuộc rao giảng mới: làm sao rao giảng một Tin mừng vừa duy nhất, vĩnh cửu, lại vừa thực tế và đa dạng? Làm sao rao giảng cho những con người, vốn mang những vấn đề muôn thủa của người, nhưng bộc lộ trong một não trạng riêng biệt? 

Nỗ lực rao giảng Tin mừng ngày nay phải là nỗ lực làm sống động các giá trị nhân bản và siêu nhiên, thích hợp với con người trong ơn gọi riêng biệt của mình, nhất là với ơn gọi siêu nhiên đã được Thiên Chúa ghi khắc trong con người. Nói cách khác, để rao giảng Tin mừng hôm nay, chúng ta cần phải cứu vãn những giá trị siêu việt, những hoa trái của ơn cứu độ; bởi vì, hơn lúc nào hết, chủ nghĩa vô thần thực tiễn, như là “con cái” của Satan, đang trực tiếp tàn phá những hoa trái ấy của niềm tin. 

Cách thức rao giảng Tin Mừng hội nhập như thế không cho phép chúng ta thi hành tác vụ rao giảng Tin Mừng như trao ban một thứ gì cố định, “vĩnh cửu” (trong hình thức), nhưng cần phải “hội nhập” vào các loại “văn hóa”; chẳng những là những nền văn hóa lớn, văn hóa đích thực của một lục địa, nhưng còn cả những thái độ tinh thần lệch lạc, những thứ “văn hóa” của cuộc sống thực tế hằng ngày. 

III. MỘT LỜI LOAN BÁO TIN MỪNG MỚI 

Những nét sơ lược về các loại văn hóa của xã hội ngày nay có thể giúp soi sáng một chút cho nỗ lực loan báo Tin mừng của chúng ta cho xã hội hôm nay. Trong thực tế, đó là cả một hành trình kiên trì mà mỗi Kitô hữu phải luôn lên đường khám phá. Tuy nhiên, xin được tiếp tục chia sẻ một vài suy nghĩ. 

1. Cuộc chiến giữa Thiên Chúa và “ma quỉ” 

Chính sự phát triển của thái độ vô thần thực dụng có thể cho ta thấy chìa khóa của tâm trạng con người hôm nay. Điểm nóng của cuộc chiến giữa Thiên Chúa và ma quỉ, ngày nay không còn là “tuyên xưng đức tin hay chối đạo” trước một chính quyền nào, nhưng bộc lộ trong cuộc chiến giữa những giá trị “nhân bản” của Tin Mừng và những “con cái” cảu ma quỉ. Chiều kích ấy nhiều khi mang dáng vẻ một vấn đề hết sức dửng dưng: tôi chẳng thấy có tội gì khi tôi không đóng góp cho đồng bào bão lụt; tôi chẳng có lỗi gì khi tôi xem TV một ngày 6-7 tiếng; tôi chẳng có tội gì khi tôi thích tìm phương tiện giải trí theo kiểu của tôi… Một tinh thần hưởng thụ, nó chưa bộc lộ ra là một thứ “tội” nào, nhưng nó lại là chất men phá hoại Tin mừng nhiều hơn hết. 

Nói cách khác, cuộc chiến giữa Thiên Chúa và ma quỉ giữa Kitô và phản Kitô, giữa hữu thần và vô thần, cuộc chiến ấy, ngày hôm nay, bùng nổ trong bình diện các loại “văn hóa”, thể hiện giữa văn hóa phản Tin mừng và văn hóa hợp Tin Mừng, giữa văn hóa phản nhân bản đích thực, giữa những thái độ, những tinh thần, những não trạng nguy hiểm đến bản chất đích thực của con người. 

2. Tìm lại ý nghĩa cuộc đời 

“Con người sống có ý nghĩa” không phải là một cách chống lại “con người vui chơi”: nhưng là chống lại con người sống “thừa”, sống “buông nôn” và “phi lý”. Một cuộc sống không có nhiệt huyết, không có tâm huyết để làm được một điều gì cho cuộc sống, cuộc sống ấy thật là tẻ nhạt và nhàm chán biết bao. Thế mà, chúng ta không khó tìm thấy những mẫu linh mục trong Giáo hội chỉ làm “công tác” linh mục chứ không sống sứ vụ linh mục, chỉ làm đủ những gi đòi buộc mà không bao giờ ước vọng xa hơn; vì có thể các linh mục ấy cũng chẳng có ước vọng nào cho sứ vụ của mình nữa. 

3. “Tìm lại chínhmình nhờ thành thật hiến dâng” 

Tìm lại chính mình trong một cách sống quảng đại và phục vụ. Vaticano II nhắc nhở chúng ta một điều mà Đức Thánh Cha cũng nhiều lần nhắclại: “Con người là tạo vật duy nhất được Thiên Chúa dựng nên vì chính họ, nên họ chỉ có thể tìm gặp được chính mình khi thành thật hiến dâng” (MV s.24). 

4. Tìm lại một sức mạnh của tình yêu 

Chúng ta không đề cao khổ hạnh vì chính nó, nhưng chúng ta biết rằng cuộc sống trần gian không bao giờ có thể thỏa mãn tất cả mọi nhu cầu, mọi khát vọng của con người. Cho nên, nếu sống trong cuộc sống trần gian mà không có khả năng chấp nhận những giới hạn, không có khả năng chịu khổ như một điều đòi buộc để có thể hình thành nên một giá trị tốt đẹp nào. Không có hạt lúa mù nào chịu thối đi, thì không có những bông hạt tươi tố. Như thế, cần tìm lại một tình yêu cuộc sống, một sức mạnh của lòng nhiệt tâm, của lý tưởng để có thể chấp nhận được tinh thần khổ hạnh truyền thống, vốn là điều không thể không có trong cuộc sống con người. Tìm lại một ý chí một đời sống như thế có thể giúp ta vượt qua được cám dỗ hưởng thụ. 

5. Tìm lại những vùng trời thân thương 

Con người sống không có “quê hương” là một con người luôn phải chạy theo những “đánh giá”, những thị hiếu của người khác. Những điều đó chỉ xoa dịu lòng tự ái, chứ không làm cho con người bình an được. Chỉ khi người ta nhận ra con người thật của mình, nhận ra được khát khao thật của lòng mình, người ta mới có thể an nhiên tự tại, mới có thể sống tự do bát ngát của con người mình. Như thế, cần tìm lại những “vùng trời quê hương” thân thương trong tâm hồn. 

6. Tìm lại lối sống liên đới và thân mật 

Không gì rõ ràng hơn nhu cầu sống liên đới. Người ta luôn có thể bị vướng víu khi phải sống với người khác, nhất là phải sống với những người không hợp với mình; và người ta luôn bị cám dỗ để sử dụng đến giải pháp dễ dàng nhất: xa tránh. Nhưng đó cũng là giải pháp nguy hiểm nhất. Con người không có “bạn” không thể là người. Con người không thể “tâm sự với ai khác” thì chỉ là con người “lập dị”, lập dị trong chính cái ngã cô đơn của mình mà thôi. 

Thật ra, huyền nhiệm Giáo hội là sự liên kết trong một niềm tin, một phép Rửa, một đức Ái, huyền nhiệm đó chỉ có thể cảm nhận được trong và trên cảm nhận về giá trị liên đới con người với nhau mà thôi. 

Và về phía Giáo hội, có lẽ, cung cách của Giáo hội, trong phụng vụ chẳng hạn, nhất là cung cách của những người trong Giáo hội, phải thân ái hơn, vì điều đó có thể đáp ứng tốt hơn nhu cầu gặp gỡ sâu xã của con người. 

IV. KẾT 

Để kết, có lẽ cần phải nhắc lại lời Công Đồng Vatican II một lần nữa: “Thực vậy, mầu nhiệm về con người chỉ thực sự được sáng tỏ trong mầu nhiệm Ngôi Lời Nhập Thể. Bởi vì Adam, con người đầu tiên, đã là hình bóng của Adam sẽ đến”. 

Thực vậy, hình ảnh con người vốn là một mầu nhiệm. Qua bao đời suy nghĩ và khám phá, người ta vẫn chưa hề có thể tát cạn huyền nhiệm trong dung mạo con người. Hình ảnh Ngôi Lời Nhập Thể lại là trung tâm và nguồn cội của huyền nhiệm con người, hình ảnh ấy Giáo hội cũng đã bao năm tìm tòi và khmá phá mà chưa hoàn toàn thấy hết được. 

Và cái tiến trình làm sáng lên trọn vẹn dung mạo con người trong Dung mạo của Đức Kitô, hướng tới ngày Cánh chung, cũng còn đầy mầu nhiệm. Tuy nhiên, dưới ánh sáng Tin mừng của Đức Kitô, chúng ta đang tiếp tục khám phá và đang tiếp tục soi sáng khuôn mặt của nhân loại.