Thứ Bảy, 10 tháng 8, 2024

THỜI SỰ THẦN HỌC - SỐ 105, THÁNG 08/2024

CHỦ ĐỀ: CÁC CÔNG NGHỊ VÀ CÔNG ĐỒNG Ở VIỆT NAM 


LỜI GIỚI THIỆU 


Lẽ ra số 101 (tháng 8 năm 2023) được dành cho chủ đề “Công đồng và Công nghị trong đời sống Giáo hội” nhằm chuẩn bị cho Thượng hội đồng giám mục tháng 10 bàn về đề tài synodalitas. Nhưng ĐTC Phanxicô đã thay đổi chương trình nghị sự: đề tài này sẽ được thảo luận không chỉ trong khóa họp diễn ra vào năm 2023 mà còn kéo dài qua năm 2024. Vì thế chúng tôi đã thay đổi chương trình: số 101 được dành cho linh đạo thánh Tôma Aquinô nhân dịp kỷ niệm 700 năm tuyên thánh. Số báo này trở lại với đề tài công nghị và công đồng tuy dưới một góc độ khác: thay vì bàn đến đặc tính synodalitas của Giáo hội nói chung (mà ý tưởng còn mơ hồ, điển hình qua việc dịch thuật sang Việt ngữ: hiệp hành, công nghị, hiệp nghị), chúng ta hãy khảo sát các synodus và concilium trong lịch sử Giáo hội Việt Nam, đặc biệt nhân kỷ niệm hai biến cố quan trọng, đó là công nghị Ayuthia 1664 (cách đây 360 năm) và công đồng Hà Nội 1934 (cách đây 90 năm). Các công đồng này đã đặt nền tảng cho tổ chức Giáo hội tại nước ta, với những định chế vẫn còn hiệu lực cho đến ngày hôm nay.

Trong bài giới thiệu này, chúng tôi xin đề cập ba điểm: 1/ Từ ngữ; 2/ Điểm qua các công đồng và công nghị trong lịch sử Giáo hội Việt Nam; 3/ Giới thiệu các bài viết.

I. Các từ ngữ: synodus và concilium


Bởi vì chưa có sự thống nhất từ ngữ, nên đôi khi một từ trong nguyên ngữ La-tinh được dịch ra Việt ngữ bằng nhiều từ khác nhau. Thường thì tiếng concilium (concile, council)[1] được dịch ra là "công đồng"; nhưng tiếng synodus (synode, synod) thì khi được dịch là "công hội", khi thì dịch là "công nghị", hay "thượng hội đồng". Thực ra xét về nội dung, synodus và concilium đồng nghĩa như nhau. Synodus gốc Hy-lạp có nghĩa là “cùng đi” (syn: cùng; hodos: con đường); Concilium gốc La-tinh có nghĩa là “cùng hội, cùng bàn” (con- calo). Chính công đồng (concilium) Vaticanô II đã tự xưng, trong nhiều văn kiện, là Haec sacrosancta synodus ở nhập đề (chẳng hạn Sắc lệnh về truyền thông, số 2; Sắc lệnh về Đại kết số 1; Sắc lệnh về Đời tu số 1). Tuy nhiên, trong Bộ Giáo Luật hiện hành, người ta phân biệt nhiều loại concilium và synodus:
  • - concilium oecumenicum (công đồng hoàn vũ: điều 337-341);
  • - synodus episcoporum (thượng hội đồng giám mục: điều 342-348);
  • - concilium plenarium (công đồng toàn quốc: điều 439);
  • - concilium provinciale (công đồng giáo tỉnh: điều 440);
  • - synodus diocesana (công nghị giáo phận: điều 460-468).

Ngoài các cấp độ dựa trên lãnh thổ rộng hẹp (từ cấp hoàn vũ tới cấp giáo phận), xem ra sự khác biệt giữa concilium và synodus nằm ở chỗ concilium có quyền biểu quyết, còn synodus thì chỉ có tính cách tư vấn.[2]

Dù sao, xin đừng quên rằng đây là cách sử dụng từ ngữ trong Bộ Giáo Luật hiện hành (ban hành năm 1983). Vào thời kỳ mà chúng ta đang nghiên cứu, thực tại không hoàn toàn giống như vậy. Thứ nhất, ở miền truyền giáo, chưa thiết lập hàng phẩm trật (các giám mục ở Việt Nam hồi ấy chỉ là “đại diện Tông Tòa”: vicarii apostolici) cho nên không bị ràng buộc bởi những quy định của luật phổ quát về việc tổ chức các công đồng và công nghị; mặc dù vậy, các vị chủ chăn cũng muốn sử dụng định chế này để giải quyết những vấn đề được đặt ra tại địa phương của mình. Thứ hai, danh từ “synodus” được áp dụng cho nhiều cấp độ hội nghị giám mục: có thể chỉ trong khuôn khổ một giáo phận, có khi bao trùm lãnh thổ một miền (regio) tương đương với một giáo tỉnh hiện nay (synodus regionalis). Thứ ba, trong các hội nghị giám mục đang bàn chỉ có một “concilium” họp tại Hà Nội năm 1934, được xếp vào loại “concilium plenarium”.

II. Danh sách các công nghị ở Việt Nam


Trong khoảng thời gian 1644-1934, ở Việt Nam, đã có bao nhiêu công nghị đã được triệu tập? Thật khó nói, bởi vì có khi chúng ta chỉ nhận được thông tin từ lá thư của một thừa sai, có khi chúng ta nắm chắc thông tin về một công nghị đã nhóm họp nhưng bản văn không được Tòa Thánh phê chuẩn; sau cùng là những công nghị đã được Tòa Thánh phê chuẩn.

Trước hết, chúng tôi xin liệt kê các công nghị đã nhóm họp, dù được Tòa Thánh phê chuẩn hay không. Danh sách này dựa theo quyển sách De fontibus iuris particularis ecclesiastici missionis vietnamiensis, của cha Agnellus Vũ Văn Đình, OFM Ed. Francescane, Roma 1964[3].
  • 1. Synodus de Juthia (Ayuthia): 1664
  • 2. Synodus Tunquini de Định Hiến (Phố Hiến): 1670
  • 3. Synodus Cocincinae (Faifo Hội An): 1672
  • 4. Synodus Cocincinae (Faifo Hội An lần 2): 1682
  • 5. Synodus Tunquini (Lục Thủy): 1753
  • 6. Synodus Tunquini Occidentalis (Hà Nội): 1795
  • 7. Synodus Cocincinae (Gò Thị): 1841
  • 8. Synodus Tunquini Centralis (Bùi Chu): 1854
  • 9. Synodus regionalis Cocincinae (Sài Gòn): 1880
  • 10. Prima regionalis Synodus Tunquinensis (Kẻ Sặt): 1900
  • 11. Secunda regionalis Synodus Tunquinensis (Kẻ Sở): 1912
  • 12. Primum Concilium Indosinense (Hà Nội): 1934

Bên cạnh đó, đó đây có những công nghị “theo tin đồn” nhưng không có bút tích, chẳng hạn như Thợ Đúc (Huế) năm 1747[4].

Chúng ta có thể ghi nhận rằng trong thế kỷ XVII có 4 công nghị, đặt nền tảng cho các định chế căn bản của Giáo hội Việt Nam (ngoài Bắc cũng như trong Nam). Thế kỷ XVIII có ba công nghị không quan trọng lắm bởi vì không để lại văn kiện hoặc chỉ giải quyết vài vấn đề địa phương. Thế kỷ XIX là thời kỳ khó khăn của Giáo hội Việt Nam do những cuộc bách hại gây ra. Thế kỷ XX được đánh dấu với hai công nghị bao trùm toàn thể miền Bắc Hà (Kẻ Sặt và Kẻ Sở), và nhất là công đồng “Đông Dương” họp năm 1934 chi phối toàn thể Giáo hội Việt Nam.

Luôn tiện xin lưu ý về từ ngữ địa danh. Trong các bản văn chính thức (tiếng Latinh cũng như tiếng Pháp), nước Việt được phân làm hai miền: Tunquinus (Tonkin) và Cocincina (Cochinchine), được dịch là “Đàng Trong / Đàng Ngoài”, hoặc “Bắc kỳ” (Bắc Bộ, Bắc Hà) và “Nam kỳ” (Nam Bộ).
III. Các bài viết trong số báo này

Chúng tôi sẽ dành một bài cho mỗi công nghị. Tuy nhiên, bởi vì không phải tất cả các công nghị đều có tầm quan trọng ngang nhau, vì thế có vài bài dài hơn, cụ thể là những công nghị sau đây:

1/ Công nghị Ayuthia, bài viết của cha Đào Quang Toản. Đây là lần đầu tiên hai vị Đại diện tông tòa ở Đàng Trong và Đàng Ngoài họp nhau để soạn thảo “chiến lược truyền giáo”, đặc biệt chú ý đến đời sống đạo đức của các thừa sai. Ngoài ra Monita ad missionarios còn đặt nền tảng cho việc tổ chức các thầy giảng, và đời sống đạo tại các giáo xứ.

2/ Công nghị Phố Hiến: công nghị đầu tiên ở Việt Nam, tuy rằng các quy định chỉ chi phối miền Đàng Ngoài. Hệ quả của công nghị này là chế độ “Nhà Chung”, đặt tất cả các tài sản thành một khối. Bên cạnh công nghị này là việc thành lập Dòng Mến Thánh Giá.

3/ Công nghị Hội An, bài viết của cha Trương Đình Hiền. Công nghị được tổ chức nhằm đưa ra những quy định tổ chức Giáo hội cho miền Đàng Trong.

10/ Công nghị Kẻ Sặt, quy tụ các chủ chăn của 6 địa phận miền Bắc.

12/ Công đồng Đông Dương, quy tụ các chủ chăn của Việt Miên Lào và Thái Lan

Sau cùng, chúng tôi sẽ tóm kết những ảnh hưởng của các công đồng và công nghị nói trên đối với tổ chức Giáo hội Việt Nam. Những bài không mang tên tác giả là của ban biên tập.

Ngoài ra, trong năm nay 2024, thiết tưởng không nên bỏ qua vài kỷ niệm khác của Giáo hội Việt Nam tận cùng với số 4:

1844: Thành lập giáo phận Quy nhơn và Sài Gòn (180 năm).

1924: Sắc lệnh Tòa Thánh ngày 3-12 (xc. Acta Apostolicae Sedis 17, 1925, p. 25-26) đổi tên các giáo phận: Đông Đàng Ngoài đổi thành Hải Phòng. Bắc Đàng Ngoài (Bắc Ninh), Trung Đàng Ngoài (Bùi Chu). Thượng Đàng Ngoài (Hưng Hóa), Tây Đàng Ngoài (Hà Nội), Duyên Hải Đàng Ngoài (Phát Diệm), Nam Đàng Ngoài (Vinh), Bắc Đàng Trong (Huế), Đông Đàng Trong (Qui Nhơn), Tây Đàng Trong (Sài Gòn). Tên của Phủ Doãn Lạng Sơn và Cao Bằng không thay đổi.

1924: Thành lập Hội đồng Kinh họp tại Huế. “Bản kinh mới đọc sáng tối, đọc ngày thường và ngày chủ nhật” ấn hành tại Kẻ Sở 1925 do ĐGM Eloy, đại diện Tông Tòa địa phận Nam Đàng Ngoài. Trên thực tế, vấn đề dịch thuật không chỉ đặt ra cho các kinh kệ mà còn trong nhiều lãnh vực khác. Chỉ cần trưng dẫn vài thí dụ thì đủ rõ: Chúa Kirixitô (Kitô), Đức Vitvồ (Giám mục), Yghêrêgia (Hội thánh), Dòng Mến Câu rút (Thánh giá).

_Trung tâm Học vấn Đa Minh_

[1] Nên lưu ý. Tiếng Anh dùng từ council để dịch hai từ trong tiếng Latinh với ý nghĩa hoàn toàn khác biệt: concilium và consilium. Tiếng Pháp có sự phân biệt giữa concile (công đồng) và conseil (hội đồng).
[2] Về các công đồng và công nghị, xem thêm những bài đã đăng trên Thời sự thần học: Các Thượng Hội đồng Giám mục, (số 54, tháng 11/2011, tr. 65-89); Các Công đồng trong Lịch sử Giáo hội, (Số 62, tháng 11/2013, tr. 177-206).
[3] Chúng tôi rất tiếc vì không thể tham khảo tác phẩm của Josef Metzler, Die Synoden in Indochina: 1625-1934, F. Schöningh, Paderborn, 1984.
[4] Lm. Phan Phát Huồn, Việt Nam Giáo sử, Quyển Một (1533-1933), in lần thứ hai, Sài Gòn 1965, trang 160: “Đức Giám mục Alexander Alexandro de Alexandris) mất năm 1738; Đức cha Armand Lefèvre được lên thay thế năm 1743. Dưới đời người, theo lệnh của Đức giáo hoàng Benoit XIV, một công đồng được tổ chức ở Huế năm 1747 dưới sự hiện diện của Đức cha Hilaire de Jesus. Người là giám mục địa phận Đông Bắc (Đông Đàng Ngoài). Mặc dù tất cả các giáo sĩ cũng như thừa sai đều có thiện chí, nhưng không thể thỏa thuận về lễ nghi tôn giáo. Vào lúc khai mạc cũng như lúc bế mạc hội đồng, người nào vẫn giữ ý kiến người ấy”. Tác giả không trích nguồn gốc thông tin. Xem thêm Lm. Mai Đức Vinh, Hội đồng quý chức, quy chiếu về: H. Louvet, La Cochinchine Religieuse I. tr.362 –A. Launay, Histoire de la Mission de Cochinchine II,, tr.149-206.