Thứ Hai, 18 tháng 9, 2023

THẦN HỌC VỀ ƠN LINH ỨNG TRẢI QUA LỊCH SỬ

Thời sự Thần học - Số 24, Tháng 6 Năm 2001, tr. 32-38. 

_Bình An_ 


Đây là một vấn đề thần học bị xét lại nhiều nhất từ sau công đồng Vaticano II. Thậm chí có người đã muốn khai tử luôn cả khái niệm “linh ứng” nữa (O. Loet, Das Ende der Inspirations-Theologie. Chancen eines Neubeginns, 2 vols, Verlag Katholisches Bibelwerk, Stuttgart 1974-76). Thực ra, sự chống đối học thuyết về linh ứng đã nhen nhúm từ hồi đầu thế kỷ 20 với Alfred Loisy, khi muốn ngành chú giải Kinh Thánh trở thành một bộ môn biệt lập, không bị lệ thuộc vào những nguyên tắc tín lý: nhà chú giải sẽ thiếu tự do để theo đuổi công cuộc phê bình khảo cứu của mình nếu cứ để bị ám ảnh rằng đây là sách của Chúa, và Kinh Thánh không thể nào sai lầm được!

Tuy nhiên, bên cạnh những lập trường cực đoan vừa nói, ngay từ trước Vaticano II đã cố gắng tìm cách đặt lại vấn đề cho đúng chỗ. Một khuyết điểm của thần học trong quá khứ là đã tách rời vấn đề linh ứng khỏi bối cảnh của lịch sử mạc khải, đang khi mà hai tư tưởng đó cần phải được bổ túc lẫn cho nhau. Dù sao, thiết tưởng không phải là thừa khi trình bày lại lịch sử tiến triển của tín điều về ơn linh ứng.

Lịch sử vấn đề

Dân Israel đã có ý thức rằng Sách thánh chứa đựng Lời Chúa, nhưng họ chưa có phát biểu học thuyết để giải thích làm thế nào mà Lời Chúa nói được là nhập vào quyển sách như vậy. Cùng lắm thì họ nói rằng Chúa đã ban cuốn sách này (Nehemia 8).

Phải chờ đến những tác giả Tân Ước, dựa vào quan niệm đã có sẵn về tác động của Thánh Thần, mới sử dụng đến phạm trù “linh ứng” để mà giải thích tác động của Thiên Chúa trong sự thành hình Sách thánh. Như ta đã biết, Kinh Thánh đã trình bày Thánh Thần như là Đấng tác tạo vũ trụ (Sáng thế 1,2; Tv 104,30, Ed 37,14), Đấng đã gợi lên các ngôn sứ trong Cựu Ước cũng như trong Tân Ước, cũng chính là Đấng giúp cho Dân Chúa trên con đường tiến về sự chân lý sung mãn. Tân Ước đã có lần trưng dẫn vài đoạn văn của Cựu Ước và cho rằng chính Thánh Thần đã nói lên như vậy qua miệng sứ ngôn (Mc 12,36; Cv 1,16; 4,25; Dt 3,7). Đặc biệt có hai đoạn văn nói tới tác động của Thánh Thấn đối với Sách thánh là : 2Pr 1, 20-21; 2Tm 3, 16-17. Đoạn văn của Phê-rô khẳng định rằng các lời viết ngôn sứ (propheteia graphes: prophetia Scripturae, Nvulg.) không phải do ý con người mà ra, nhưng các ngôn sứ đã được Thánh Thần thúc đẩy để nói thay cho Chúa; nói khác đi, Thánh Thần chủ động cho các ngôn sứ khi nói cũng như khi viết. Đoạn văn của Phao-lô gửi Ti-mô-thê lại còn đi xa hơn khi nói rằng: “Kinh Thánh đã được Thiên Chúa linh ứng, và hữu ích để dạy dỗ, biện bác, tu chỉnh, giáo huấn trong sự công chính, ngõ hầu người của Thiên Chúa được hoàn bị sẵn sàng cho mọi công việc tốt lành”. Một câu hỏi được đặt ra: linh ứng là cái gì?

Sự khó khăn được đặt lên ở chỗ trong suốt bộ Kinh Thánh từ “Thiên Chúa linh ứng” (theopneustons; Vulgata dịch là: divinitus inspiata) chỉ xuất hiện có một lần, do đó mà không thể so sánh đối chiếu để tìm hiểu nội dung của từ này. Trong Việt ngữ, nó thường được dịch là “linh ứng” hoặc “thần hứng”. Trong ngôn ngữ thông thường, inspirer (động từ) hay inspiration (danh từ) có nghĩa là hít vào; gợi cảm, gây hứng; cảm hứng; gợi ý. Phải chăng từ “linh ứng” dùng trong thư thứ 2 Ti-mô-thê cũng hiểu theo nghĩa là Chúa gợi ý, gợi hứng cho các tác giả viết? Trải qua lịch sử đã có rất nhiều thuyết đã được nêu lên để giải thích ý nghĩa của tiếng “inspiratio” (linh ứng). Nhân tiện, cũng nên biết rằng trong tiếng Việt, tiếng “Thánh Kinh” (hay Sách thánh) gợi lên nội dung chứa đựng trong quyển sách; nhưng trong nguyên ngữ, tiếng “Scriptura” (Graphee, hai graphai trong Hy Lập; Ecriture) gợi lên chữ viết (điều được viết ra, hoặc là tác động viết sách). Vì vậy, vấn đề linh ứng được đặt ra trong lãnh vực “viết” hơn là trong lãnh vực “nội dung’.

1. Trong thần học của Do thái giáo, đã có hai ý kiến khác nhau về tác động của Thiên Chúa trên các tác giả Sách thánh:

a. Một thuyết cho rằng Thần khí của Chúa đã chiếm nhập các tác giả đó, biến họ thành dụng cụ ghi chép điều Chúa phán. Đây là ý kiến của Philo Alexandria, và của tác giả của các ngụy thư; sách Toàn xá (liber Jubilaeorum) và IV Esdras.

b. Thuyết khác thì giải thích cách đơn sơ rằng Thiên Chúa đã chọn các tác giả để làm chứng nhân cho mạc khải.

2. Bước sang Ki-tô giáo, ta có thể nhận thấy rằng các giáo phụ tiên khởi đôi khi mô tả các tác giả (ngôn sứ, thánh sử) như là dụng cụ của Chúa, hay như là cái ống sáo để Chúa thổi nhạc, cái đàn để Chúa gảy, nhưng đó chỉ là những hình ảnh dùng trong khi giảng thuyết chứ chưa phải là tư duy thần học. Sang thế kỷ thứ 4, với Ambrosio, Augustino, Giê-rô-ni-mo, ta mới thấy xuất hiện những tư tưởng thần học sẽ khai triển, đó là:

a. Thiên Chúa là tác giả (auctor) của Sách thánh.

b. Thiên Chúa đọc cho thánh sử viết. Tiếng latinh là “dictare”, theo nghĩa đen là “đọc chính tả”, tuy rằng “dictare” cũng còn có nghĩa là dạy dỗ, ra lệnh. Tiếc rằng, trải qua lịch sử, nhiều người chỉ biết có nghĩa “đọc chính tả”. Ngoài ra cũng nên lưu ý rằng khi chủ trương Thiên Chúa là tác giả của Sách thánh, Augustino tiên vàn muốn nói rằng của Cựu Ước lẫn Tân Ước đều họp thành một kế hoạch cứu rỗi duy nhất. Augustino muốn chống lại thuyết nhị nguyên của Marcio, Manikeo cho rằng Cựu Ước là tác phẩm của ma quỷ. Chắc chắn rằng Augustino không hiểu Chúa là tác giả Kinh Thánh theo nghĩa giống như tác giả của các tác phẩm văn chương, song theo nghĩa Ngài là nguồn gốc. Nói khác đi, tiếng “tác giả” phải hiểu theo nghĩa loại suy (analogia).

3. Sang thời Trung cổ, thánh Tô-ma Aquino đã đóng góp phần quan trọng cho thần học về ơn linh ứng nhờ việc giải thích những khái niệm về nguyên nhân chính và nguyên nhân tùy, và bản chất của ơn linh ứng.

a. Về khái niệm nguyên nhân, thánh Tô-ma nói rằng: Thánh Thần là nguyên nhân chính (causa principalis) của sách thánh, con người là nguyên nhân tùy (causa instrumentalis), ví được như khí cụ được nguyên nhân chính sử dụng để thực hiện công tác của mình. Tuy nhiên, sản phẩm là kết quả vừa của nguyên nhân chính vừa của khí cụ. Dĩ nhiên, đây chỉ là một thứ so sánh mà thôi, bởi vì con người không phải là một khí cụ vô tri giác mà là một hữu thể sống động, hiểu biết và tự do.

b. Về bản chất của ơn linh ứng, thì thánh Tô-ma bàn tới trong chương nói về đặc sủng tiên tri (De Prophetia). Theo thánh Tô-ma, trong đặc sủng tiên tri cần phải phân biệt hai khía cạnh:

- Một đang là chất liệu (acceptio sive repraesentatio rerum), thí dụ như: những hình ảnh, tư tưởng, ngôn ngữ;

- Đàng khác là sự phán đoán (iudicium). Chúa Thánh Thần có thể vừa mạc khải cho tiên tri chất liệu, lại vừa soi sáng để tiên tri nhận định về cái thực tại chất liệu ấy. Tuy nhiên, điều cốt yếu của ơn tiên tri không hệ tại khía cạnh thứ nhất nhưng là khía cạnh thứ hai. Nói khác đi, có thể nói rằng tiên tri đã thu thập chất liệu do khả năng của mình, nhưng Thánh Thần ban đặc sủng nhận định phán đoán những chất liệu đó.Đây là trường hợp khá thông thường của các tác giả Sách thánh, vì họ nhận được ơn phán đoán theo chân lý của Chúa những thực tại thủ đắc do kinh nghiệm hay sự thu thập học hỏi.

Cha Pierre Benoit ghi nhận một điểm son của thánh Tô-ma là đã gắn liền ơn linh ứng với toàn thể chương trình mạc khải; tuy nhiên, điểm yếu của Tô-ma là chỉ chú trọng đến khía cạnh tri thức (hiểu biết về các chân lý), nhưng không xét tới các khía cạnh khác nữa của vấn đề linh ứng.

4. Thời cận đại

4.1. Với Công đồng Firenze (4/2/1442), tiếng “linh ứng” đi vào ngôn từ chính thức của Giáo hội: công đồng tuyên xưng Thiên Chúa là tác giả của Cựu và Tân Ước bởi vì các thánh của cả hai giao ước đã nói do cùng một Thánh Linh linh ứng (eodem Spiritu Sancto inspirante). Điều này cũng được công đồng Trentô lặp lại vào năm 1546, với thành ngữ “Spiritu Sancto dictante”. Tuy nhiên cả hai công đồng chỉ khẳng định sự kiện linh ứng, nhưng không giải thích bản chất của tác động nó. Sau công đồng Trento, giữa các nhà thần học công giáo có hai quan điểm đối lập về sự linh ứng:

a. Quan điểm của Domingo Banez O.P (+1604) cho rằng Thánh Thần không những linh ứng nội dung tư tưởng của Sách thánh, mà còn đọc từng lời viết ra nữa (Inspiratio verbalis).

b. Đối lại, một ý kiến khác chủ trương rằng ơn linh ứng chỉ giới hạn vào tư tưởng, chứ không bao gồm những từ ngữ lời văn (inspiatio realis). Thí dụ cha Leonard Lessio S.J (+1624), vai trò của Chúa Thánh Thần là bảo đảm cho các các tác giả khỏi bị sai lầm. Thậm chí có tác giả như J. Jahn (+1816) và D.B. Haneberg (+1886) cho rằng có thể quan niệm là Thánh Thần phê chuẩn quyển sách sau khi đã hoàn tất, tựa như một thứ “imprimatur”.

4.2. Công đồng Vaticano (1870) đã bài bác những ý kiến coi ơn linh ứng như là một thứ phê chuẩn sau khi sách đã hoàn tất, vì như vậy Thiên Chúa không còn phải là tác giả nữa. Tuy nhiên, công đồng cũng chỉ lặp lại rằng các sách thánh được linh ứng viết ra (Spiritu Sancto inspirante conscripti), và Thiên Chúa là tác giả nhưng không đi sâu vào bản chất của vấn đề “linh ứng” và “tác giả’.

4.3. Sau công đồng Vaticano I, các tác giả tiếp tục tìm hiểu về bản chất của ơn linh ứng. Franzelin áp dụng quan niệm “tác giả bản văn” để giải thích Thiên Chúa là tác giả của Sách thánh. Trong một quyển sách, có hai yêu tố: mô hình (formel) nghĩa là tư tưởng và quan niệm; chất thể (materiel), tức là lời lẽ diễn tả tư tưởng. Một người có thể coi là tác giả tuy chỉ gợi ra ý tưởng rồi sau đó để cho thư ký tìm lời lẽ để diễn đạt. Thiên Chúa vẫn có thể được coi là tác giả của Sách thánh tuy chỉ gợi ra ý tưởng, và theo dõi sao cho thư ký diễn tả trung thực nội dung mà Ngài muốn truyền đạt. Thuyết của Franzelin được một số nhà thần học chấp nhận, nhưng dần dần bị bỏ; lý do vì không có thể tách rời tư tưởng khỏi lời lẽ được: thực vậy tư tưởng cần phải có lời lẽ thì mới có thể thành hình.

4.4. Vào năm 1893, Đức Leo 13, trong thông điệp Providentissimus Deus, đã cố gắng đi sâu tí chút vào bản chất của ơn linh ứng qua việc phân tích ảnh hưởng của Chúa Thánh Thần trên ba quan năng tâm lý của thánh sử: trí hiểu, ý chí, và hành động. Ơn đó giúp cho thánh sử có những quan niệm chính đáng, giúp cho thánh sử muốn viết lên cách trung thành, và giúp đỡ trong việc biên soạn tìm ra những cách thức diễn đạt (recte mente concipere…fideliter conscribere…apte infallibili veritate exprimere). Trong thông điệp Spiritus Paraclitus viết nhân dịp kỷ niệm 15 thế kỷ thánh Hieronimo tạ thế (1920), Đức Beneđictô XV lặp lại sự phân tích tác động của Thánh Thần trên ba quan năng của thánh sử. Tuy nhiên, trong thông điệp Divino Afflante Spiritu vào năm 1943, Đức Pio XII không trở lại việc phân tích ba quan năng nữa, và chỉ dùng phạm trù “khí cụ”, tuy thêm rằng thánh sử là một khí cụ sống động và tự do (organon seu instrumenum idque vivum ac ratione praeditum).

5. Vào những năm trước công đồng Vaticano II, có trong giới thần học công giáo đã nảy ra những chiều kích mới trong việc nghiên cứu bản tính ơn linh ứng.

a. Thứ nhất, khi nghiên cứu tiến trình thành hình các tác phẩm của Kinh Thánh, người ta thấy rằng nhiều lần không phải là chỉ có một cá nhân ngồi trong buồng viết ra, nhưng đã có rất nhiều con người vô danh đã thu góp các tài liệu. Những người này có được ơn linh ứng không, hay ơn linh ứng chỉ dành riêng cho người soạn ra bản văn cuối cùng? Dù sao, thì không thể bỏ qua chiều kích cộng đồng của ơn linh ứng: nó là một đặc sủng nhằm phục vụ ích lợi của cộng đồng Giáo hội, và ơn linh ứng được nhận lãnh giữa lòng Giáo hội.

b. Karl Rahner lưu ý rằng khi nói tới vấn đề “tác giả Sách thánh” thì chúng ta không thể đặt Thiên Chúa và các thánh sử trên cùng một bình diện. Chúng ta không thể giới hạn vai trò tác giả của Thiên Chúa vào tác phẩm văn chương, nhưng còn phải lồng Sách thánh vào trong tất cả chương trình cứu rỗi nữa. Thiên Chúa là chủ động của lịch sử mạc khải, của lịch sử cứu rỗi nhân loại. Chính trong bối cảnh đó, mà Người đã muốn thiết lập Giáo hội tông truyền, và xếp đặt những người viết ra Sách thánh như một yêu tố cấu thành của Giáo hội.

c/ Pierre Benoit khai triển thêm khái niệm về sự phán đoán mà thánh Tôma coi như là cốt yếu của ơn tiên tri, Benoit phân biệt ba cấp độ phán đoán:

- có thứ phán đoán thuần lý tuyệt đối (biết chân lý là cái gì);

- có thứ phán đoán thuần-lý hướng về hành động (nghĩa là chân lý hướng về hành động);

- phán đoán thực tiễn (chân lý cụ thể diễn tả ra hình thù của một tác phẩm).

Từ đó ta có thể nói tới những cách thức khác nhau trong việc tham dự vào ơn linh ứng : có thể rằng thánh sử nhận lãnh ơn linh ứng theo phán đoán thực tiễn (muốn đi viết sách) trước khi có phán đoán về chân lý thuần lý.

d. Luis Alonso Schoekel muốn cho các nhà thần học lưu ý tới tác phẩm đã hoàn tốt hơn là phân tích các quan năng tâm lý của tác giả: chính tác phẩm mới là kết quả của bao công lao khó nhọc khi thai nghén và biên soạn. Do đó ơn linh ứng bao trùm tất cả các giai đoạn thành hình quyển sách, nhất là vào giai đoạn diễn tả ra văn thể.

6. Cộng đồng Vaticano II đã trình bày vấn đề linh ứng trong hiến chế Dei Verbum ở số 11, được Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo lấy lại.