Thứ Hai, 28 tháng 8, 2023

“MỘT LỊCH SỬ VỀ THIÊN CHÚA” CỦA KAREN ARMSTRONG

Thời sự Thần học – Số 22, tháng 12/2000, tr. 92-107. 

_ Đỗ Hữu Nghiêm_ 

LTS: Thời sự Thần học xin đăng bài viết này để rộng đường dư luận, đồng thời khơi dậy một suy tư mới về Thiên Chúa trong thế kỷ XXI, tuy có một số điểm không thuộc về quan điểm và lập trường của Thời sự Thần học.
Tác giả Karen Armstrong là một nữ tu sĩ, đã sống trong một dòng tu Công Giáo bảy năm. Sau khi ra khỏi dòng năm 1969, Cô theo học tại Viện Đại Học Oxford và tốt nghiệp Cử Nhân Văn Chương. Cô giảng dạy về văn chương hiện đại tại Viện Đại Học Luân Đôn, đồng thời làm Trưởng Ban Anh ngữ tại một Trường Nữ Trung Học Công Lập. Năm 1982, Cô trở thành một nhà viết văn và chuyên gia thảo phát chương trình thính thị và nay Cô là một nữ bỉnh bút người Anh có thế giá về các vấn đề tôn giáo. Năm 1983, Cô làm việc ở Trung Đông về một loạt phim tài liệu truyền hình gồm 6 phần về cuộc đời và sự nghiệp của thánh Phaolô. 

Những công trình truyền hình khác của Cô gồm có: “Tản Mạn về Kinh Nghiệm Tôn Giáo ” (1984) và “Những Lưỡi Lửa ” (1985); cuốn sau là một hợp tuyển mang màu sắc tôn giáo và thi ca. Cô giảng dạy tại Trường Cao Đẳng Leo Baeck Nghiên Cứu về Đạo Do Thái và Đào Tạo Các Rabbi và Thông Giáo và là hội viên danh dự của Hội Các Nhà Khoa Học Xã Hội Hồi Giáo. Cô đã xuất bản các tác phẩm: Qua Cổng Hẹp (1981), Khởi Nguyên Thế Giới (1983), Phúc Âm theo Phụ Nữ (1987); Thánh Chiến: Những Cuộc Thập Tự Chính và Tác Động của chúng Đối Với Thế Giới Hiện Nay (1991), Các Nhà Thần Bí Anh Thế Kỷ XIV (1991) và Mahomet: Một Tiểu Sử của Nhà Tiên Tri (1992). Cô cũng là người tham gia viết bài đều đặn cho nhiều báo chí và tập san.

Ngôi Hai Thiên Chúa đã giáng trần được hai ngàn năm. Trong niềm tin Công Giáo, Thiên Chúa làm chủ lịch sử. Ngài là chủ thể, là trọng tâm lịch sử vũ trụ, là Khởi Nguyên và Tận Cùng, là Alpha và Omega. Khởi đầu ngàn năm thứ ba công nguyên, chúng tôi muốn giới thiệu đôi nét về những tìm tòi cũng như cảm nghiệm cá biệt của Karen Armstrong về Thiên Chúa qua cuốn “Một lịch sử về Thiên Chúa. Cuộc Tìm Kiếm Bốn Ngàn Năm của Đạo Do Thái, Đạo Kitô và Đạo Hồi ”.

Cuốn sách này gồm 460 trang, khổ 16x24cm, do nhà xuất bản William Heineman Ltd. Luân Đôn ấn hành lần đầu tiên vào tháng 8 năm 1993, tái bản 12 lần. Đến tháng 4, 1994, do nhà Alfred A Knopf, Inc. xuất bản và Random House, Inc. phân phối tại Hoa Kỳ, Canađa và Anh quốc.

Nội dung cuốn sách được cấu trúc theo bố cục như sau:

Bản đồ (9 bản, về Trung Đông)
Lời giới thiệu
1. Ban đầu …
2. Một Thiên Chúa
3. Một ánh sáng cho Dân Ngoại
4. Thiên Chúa Ba Ngôi: Thiên Chúa của Kitô giáo
5. Thiên Chúa Đơn Nhất: Thiên Chúa của Hồi giáo
6. Thiên Chúa của các nhà triết học
7. Thiên Chúa của các nhà thần bí
8. Một Thiên Chúa cho những Nhà Canh Tân
9. Thời Tỏa Sáng
10. Cái chết của Thiên Chúa?
11. Thiên Chúa có một tương lai không?
Từ vựng
Chú dẫn
Gợi ý đọc thêm
Danh mục

Khát vọng tìm kiếm Thiên Chúa


Ngay khi nhận ra mình là người, người nam và người nữ – trong nỗi khát khao muốn tìm hiểu sự hiện diện của chính mình trên hoàn cầu và những huyền bí bên trong hay chung quanh mình – đã bắt đầu tôn thờ Thiên Chúa. Cuốn sách của Karen Armstrong muốn thám hiểm những con đường mà theo đó tư duy và cảm nghiệm về Thiên Chúa đã biến thiên như thế nào nơi các người tin độc thân – Do Thái, Kitô và Hồi giáo.

1. Trong các bối cảnh diễn tiến lịch sử, triết học, trí thức và xã hội được phân tích tường tận. Armstrong muốn chứng minh, ở các thời kỳ khác nhau trong suốt dòng lịch sử, mỗi tôn giáo độc thân trên đây đã duy trì một khái niệm khác nhau khá tinh vi về Thiên Chúa như thế nào. Đồng thời cô cũng lưu ý các độc giả về những đồng điểm sâu xa và cơ bản giữa các tôn giáo này, và nêu rõ trong một cách mãnh liệt, say mê và thường gây tổn thương – nhất là ở phương Tây. Có những người tin độc thần chỉ thấy đen tối, chán chường và kinh hoàng ở chính nơi mà những người tin độc thân khác lại nhìn thấy ánh sáng và thăng biến. Tác giả phân tích những lý do dẫn đến những dị biệt trên và mô tả một cách sống động những con người cụ thể ở đàng sau những khác biệt kia.

Người ta thấy rõ trước hết có một xu hướng lìa bỏ dần dần các thần linh ngoại giáo tiến tới chủ nghĩa độc thân toàn diện nơi người Do Thái khi bị phát lưu sang Babilon. Rồi tác giả xem xét quá trình diễn tiến những nhận thức và tin tưởng song hành nhưng khác nhau nơi các tín đồ Kitô và Hồi Giáo. Cuốn sách điểm lại các thế hệ trải qua thời gian để khảo sát Thiên Chúa theo cảm thức của các nhà triết học và các nhà thần bí trong ba truyền thống, Thiên Chúa thời Cải Cách, Thiên Chúa thời Á nh Sáng và sau hết thời có những thách thức ở thế kỷ 19 và thế kỷ 20 của những người hoài nghi và vô thần, cũng như theo xu hướng giản lược lòng tin mạnh mẽ của chủ nghĩa thuần nguyên ngày nay.

2. Armstrong gợi ý rằng bất cứ ý tưởng đặc biệt nào về Thiên Chúa đều phải – nếu nó muốn sống còn – tác động cho những người đã khai triển nó, và những ý tưởng về Thiên Chúa thay đổi khi chúng không còn hiệu lực nữa. Cô biện luận rằng khái niệm về một Thiên Chúa có bản vị đã hành động theo cách diễn dịch khoa đại của ta, cho phù hợp với con người ở một giai đoạn nào đó, nhưng không còn tác động cho ngày càng nhiều người hơn nữa.

Hiểu biết được các ý tưởng luôn luôn thay đổi về Thiên Chúa trong quá khứ và mối quan hệ cùng lợi ích mang tính thời đại của chúng, theo tác giả, là một cách để bắt đầu tìm kiếm một khái niệm mới cho thế kỷ 21. Cuốn sách của cô chứng tỏ rằng cách thức diễn biến như thế hầu như không thể tránh được, cho dù người ta thất vọng về một thế giới ngày càng không có Thiên Chúa hiện nay, bởi lẽ khía cạnh tự nhiên của nhân loại là tìm kiếm một biểu tượng cho một thực tại không thể diễn đạt được nhưng cả thế giới ai cũng cảm nhận được.

Theo kinh nghiệm riêng của Armstrong, khi còn bé, cô có thật nhiều niềm tin tôn giáo mãnh liệt, nhưng lòng tin của cô nơi Thiên Chúa thì chẳng là bao. Theo cô, có một sự phân biệt giữa lòng tin vào một loạt các phát biểu tín điều và một đức tin nền tảng khiến ta có thể đặt vào đó.

Những kinh nghiệm tôn giáo cá biệt của cô, theo thiển ý của người viết bài này, phải là một bài học sâu xa không những cho việc đào luyện các tu sĩ mà cho cả việc giảng dạy giáo lý, gây ý thức tôn giáo đúng đắn cho cộng đồng tín hữu trong giáo hội. Những thử thách và hoài nghi trong nhận thức về đức tin, về đời sống tu hành của cô thực ra không mới lạ gì trong lịch sử giáo hội, nhưng chúng cũng phản ảnh một xu hướng tâm trạng thế tục hóa hiện đại, một thách thức mới cho đời sống giáo hội mà người tín hữu Kitô thức thời không thể không biết đến để rút tỉa những bài học quí giá và thể nghiệm đời sống Kitô có chất lượng và chiều sâu hơn mãi trong bối cảnh mới.


Cảm thức về Thiên Chúa nơi Karen Armstrong


“Tôi tin một cách ám tàng vào Thiên Chúa hiện hữu; tôi cũng tin vào Đức Kitô hiện diện thực trong Thánh Thể, vào hiệu lực các bí tích, vào viễn ảnh án phạt đời đời và tính có thật khách quan của Chốn Luyện Tội. Tuy nhiên tôi không thể nói được rằng lòng tin của tôi vào những ý tưởng tôn giáo về bản chất của thực tại tột cùng đã khiến tôi tin tưởng mạnh mẻ rằng cuộc sống ở trần gian này là tốt đẹp, tức là mang lại nhiều điều tốt lành.

Đạo Công Giáo thời niên thiếu của tôi là một thứ tín ngưỡng dễ làm cho tôi sợ hãi. James Joyce đã nghĩ đúng như thế trong “Chân Dung Nghệ Sĩ Thời Thanh Niên”: Tôi lắng nghe một phần trong những bài giảng về lửa hỏa ngục. Thực sự Hỏa Ngục có vẻ là một thực tại có uy quyền hơn Thiên Chúa, vì đó là cái gì mà trí tưởng tượng có thể nắm bắt được. Con Thiên Chúa là một hình ảnh có phần lu mờ, được định nghĩa bằng quan niệm trí thức trừu tượng hơn là bằng những hình ảnh. Lên khoảng tám tuổi, học giáo lý, tôi phải thuộc lòng câu thưa khi hỏi “Thiên Chúa là gì?”: “Thiên Chúa là Thần Linh Tối Cao, là Đấng hằng có đời đời và trọn tốt trọn lành.” Chẳng lạ gì, câu đó không có ý nghĩa gì đối với tôi, và tôi phải nói rằng nó còn làm cho tôi thấy lạnh lùng. Luôn luôn, đó là một định nghĩa rất khô khan, phô trương và kiêu kỳ. Nhưng từ khi viết cuốn sách này, tôi thậm chí tin rằng câu đó không đúng.

Khi lớn lên, tôi hiểu rằng có nhiều cái mang tính tôn giáo hơn là sợ hãi. Tôi đọc cuộc đời các thánh nhân, các thi sĩ siêu hình T.S. Eliot và một số bài viết đơn giản hơn của các nhà thần bí. Tôi bắt đầu xúc động vì vẻ đẹp trong phụng vụ. Thiên Chúa vẫn xa vời, nhưng tôi thấy có thể vươn tới Ngài và trong cuộc thị kiến với Ngài, toàn thể thực tại thụ tạo có thể thăng biến. Thế là tôi vào một dòng tu. Là một tập sinh và một nữ tu trẻ, tôi được học hỏi nhiều về đức tin. Tôi chăm chỉ học các môn biện giáo, kinh thánh, thần học và lịch sử giáo hội. Tôi vùi đầu nhồi nhét lịch sử cuộc sống đan tu, đào thật sâu và tỉ mỉ về Luật Dòng. Tôi phải học thuộc lòng. Qua những việc này Thiên Chúa không thấy hiện hình bao nhiêu. Người ta có vẻ chú ý nhiều đến những chi tiết thứ yếu và những khía cạnh ngoại vi của tôn giáo. Tôi đã chiến đấu với chính mình trong kinh nguyện, cố gò ép tâm hồn tôi tìm gặp Thiên Chúa, nhưng Ngài vẫn là một ông đốc công nghiêm khắc xét nét từng điều tôi lỗi phạm Luật Dòng, nghĩa là Ngài vẫn vắng mặt, mặc cho tôi nhọc lòng chờ đợi.

Càng đọc thấy niềm hân hoan của các thánh nhân, tôi càng thấy thất bại. Tôi chẳng sung sướng gì khi nhận thấy rằng kinh nghiệm tôn giáo ít ỏi mà tôi có được lại chính là cái mà mình đã chế tạo ra, một cách nào đó, khi tác động lên các cảm nhận và trí tưởng tượng riêng của mình. Đôi khi có cảm thức đạo đức nào, thì đó là một đáp ứng thẩm mỹ đối với vẻ đẹp của bình ca và phụng vụ. Nhưng bên trên tôi, thực sự vẫn không có gì đến với tôi. Tôi không hề bắt gặp Thiên Chúa như các tiên tri và các nhà thần bí mô tả. Ta nói rất nhiều về Đức Giêsu Kitô hơn là về “Thiên Chúa”. Dường như Đức Kitô là một nhân vật thuần túy lịch sử, gắn chặt với cuối thời cổ đại.

Tôi bắt đầu có những mối hoài nghi nặng nề đối với một vài giáo điều của Giáo Hội. Làm thế nào mà người ta có thể biết chắc chắn rằng người nam Giêsu là Thiên Chúa nhập thể và niềm tin như thế có ý nghĩa gì? Tân Ước có thực sự truyền dạy giáo điều Thiên Chúa Ba Ngôi phức tạp – và hết sức mâu thuẫn, hay phải chăng, giống như biết bao tín điều khác, đó là một thứ các nhà thần học đã chế tạo ra nhiều thế kỷ sau khi Đức Kitô chết tại Giêrusalem?

Cuối cùng, tôi nuối tiếc từ bỏ đời sống tu hành, và khi thoát khỏi gánh nặng thất bại và không phù hợp, tôi thấy niềm tin vào Thiên Chúa lặng lẽ biến đi. Tôi đã thực sự không tác động được gì lên cuộc đời tôi, dù tôi đã gắng sức khiến ngài có thể tác động. Khi đó tôi không còn thấy tội lỗi và âu lo về ngài nữa. Ngài quá xa vời để trở thành một thực tại.

Tuy nhiên tôi vẫn tiếp tục quan tâm đến tôn giáo, và thực hiện nhiều chương trình truyền hình về lịch sử buổi đầu của Kitô giáo và bản chất của kinh nghiệm tôn giáo. Càng học hỏi nhiều về lịch sử tôn giáo, thì có vẻ các lầm lẫn trước kia của tôi càng được thanh minh. Những giáo điều tôi chấp nhận không có vấn đề gì khi còn nhỏ thì quả đã do chính con người tạo nên qua một thời gian lâu dài. Khoa học có vẻ đã sử dụng được Vị Thiên Chúa Sáng Tạo, và các học giả Kinh Thánh đã chứng minh rằng Đức Giêsu đã không hề khẳng định mình là có Thiên tính. Như một người bị chứng động kinh, tôi chợt có những thị kiến lóe lên; tôi thấy đó chỉ là trục trặc về thần kinh: phải chăng thị kiến và hân hoan của các vị thánh cũng chỉ là một sự rối loạn tâm thần? Hơn nữa, Thiên Chúa có vẻ là một sự lầm lẫn, một cái gì mà loài người đã phóng đại ra.

Mặc dầu là một nữ tu nhiều năm, tôi không tin kinh nghiệm của tôi về Thiên Chúa là khác thường. Những ý tưởng của tôi về Thiên Chúa đã hình thành trong tuổi thơ ấu và chúng đã không theo kịp kiến thức của tôi về các bộ môn khác. Lớn lên, tôi đã ôn lại những cái nhìn đơn sơ thời thơ ấu về Ông Già Giáng Sinh. Tôi đã hiểu biết chín chắn hơn về những nỗi đa đoan của tình cảnh con người hơn là ở vườn trẻ. Tuy nhiên những ý tưởng mơ hồ ban đầu của tôi về Thiên Chúa đã không được sửa đổi hay phát triển thêm. Những người không có căn bản tôn giáo đặc biệt như tôi cũng có thể thấy rằng khái niệm của họ về Thiên Chúa được hình thành trong lúc còn thơ ấu. Từ những ngày tháng kia, ta vất bỏ những chuyện con nít và loại bỏ Thiên Chúa của những năm đầu đời của ta.”

Cái nhìn của K. Armstrong: một lịch sử về Thiên Chúa


1. Thế nhưng việc nghiên cứu lịch sử tôn giáo đã cho cô thấy rằng con người là những động vật linh thiêng. Quả thật, có một trường hợp để cho người ta lập luận rằng Homo sapiens (Người khôn ngoan) thì cũng là Homo religiosus (Người có tôn giáo). Người nam và người nữ đã bắt đầu tôn thờ các thần linh ngay khi họ nhận biết mình là người: họ đã làm nên các tôn giáo, đồng thời họ làm nên các tác phẩm nghệ thuật. Điều này xảy ra không chỉ đơn thuần vì họ muốn khấn xin các lực lượng có quyền thế; lòng tin ban đầu bộc lộ ngỡ ngàng và huyền nhiệm này dường như vẫn luôn là yếu tố cơ bản trong kinh nghiệm con người về cái thế giới đẹp đẽ nhưng đáng kính sợ này. Cũng như nghệ thuật, tôn giáo là một nỗ lực tìm kiếm ý nghĩa và giá trị cuộc sống, cho dù những nỗi cơ cực mà thân phận con người phải chịu. Cũng như bất cứ hoạt động nào khác của con người, tôn giáo có thể bị lạm dụng, nhưng dường như đó là cái mà chính ta vẫn luôn làm. Nó cũng không gắn chặt với tính thế tục ngay từ ban đầu do bàn tay khéo vận dụng của các vua chúa và tư tế, nhưng đó là tính tự nhiên con người. Thực ra, chủ nghĩa thế tục đương đại là một thử nghiệm hoàn toàn mới mẻ, chưa hề có trong lịch sử con người. Ta cần phải xem nó sẽ diễn biến thế nào. Nếu nói chủ nghĩa nhân đạo khai phóng phương Tây không tự nhiên đến với ta giống như thẩm định về nghệ thuật hay thi ca, thì cũng đúng, vì người ta phải gây dựng nên nó. Chủ nghĩa nhân đạo tự nó là một tôn giáo không có Thiên Chúa – dĩ nhiên mọi tôn giáo không phải mang tính chất chủ nghĩa hữu thần. Lý tưởng đạo đức thế tục của ta cũng có những qui tắc tinh thần và trái tim của nó, và nó cũng có cách thức tìm kiếm niềm tin vào ý nghĩa tột cùng của đời sống con người. Đó là những cách thức mà có lần chính tôn giáo có tính qui ước hơn đã mang lại.

2. Khi Armstrong bắt đầu tìm hiểu lịch sử ý tưởng và kinh nghiệm về Thiên Chúa trong ba tôn giáo độc thần là Do Thái, Kitô và Hồi Giáo, thì cô hy vọng tìm hiểu rằng Thiên Chúa chỉ đơn thuần là một dự phóng của các nhu cầu và khát vọng của con người. Cô đã nghĩ rằng “Ngài” phản chiếu những lo sợ và khát khao của xã hội ở mỗi giai đoạn phát triển của nó.

Cô cho rằng những dự đoán của cô không hoàn toàn là không có cơ sở, nhưng một số điều cô phát hiện khiến cô cực kỳ ngạc nhiên, và cô mong rằng cô đã học được tất cả điều đó đã từ ba mươi năm qua khi cô bắt đầu học trong cuộc sống tu hành. Nó đáng lẽ giúp cô thoát khỏi nỗi lo âu quá mức khi nghe biết – từ cả ba phía những người tin độc thần trong cả ba tôn giáo – rằng thay vì chờ đợi Thiên Chúa từ trên cao xuống, thì cô đã cẩn thận tạo dựng cho mình một cảm thức về Ngài.

Các rabbi , các linh mục và các suphi khác đáng lẽ, theo cô, đã khiến cô chấp nhận rằng Thiên Chúa – theo một cảm thức nào đó – là một thực tại “ở bên ngoài”; các vị phải cảnh giác cô không nên trông đợi cảm nghiệm Ngài như một thực kiện khách quan mà người ta có thể khám phá theo một quá trình tư duy lý luận thông thường. Các vị đã phải bảo cho cô biết rằng, trong cảm thức có ý nghĩa. Thiên Chúa là một sản phẩm của trí tưởng tượng sáng tạo, cũng như thi ca và âm nhạc mà cô đã thấy là có quá giàu cảm hứng. Một ít người tin độc thần khả kính đã phải nói một cách lặng lẽ và chắc chắn cho cô biết rằng thực sự Thiên Chúa đã không hiện hữu – nhưng “Ngài” là một thực tại quan trọng nhất trên thế giới.

Cuốn sách của cô không trình bày một lịch sử về chính thực tại khôn tả là Thiên Chúa, một thực tại ở ngoài mọi thời gian và biến dịch, mà là một lịch sử về cách thức mà con người, cả nam lẫn nữ, đã nhận thức Ngài, từ Abraham cho đến ngày nay. Ý tưởng của con người về Thiên Chúa có một lịch sử, vì nó luôn có ý nghĩa khác nhau nào đó đối với mỗi nhóm người đã sử dụng nó những thời điểm khác nhau. Ý tưởng về Thiên Chúa được hình thành do một nhóm người trong thế hệ này có thể không có ý nghĩa gì cho thế hệ khác. Chẳng hạn, câu nói “Tôi tin vào Thiên Chúa” thực sự không có một ý nghĩa nào đó trong một ngữ cảnh, khi tuyên xưng trong một cộng đoàn cụ thể nào đó.

Do đó, không có một ý tưởng bất biến nào hàm chứa trong từ “Thiên Chúa”; thay vào đó, từ này chứa đựng cả một loạt ý nghĩa, trong đó, lại có vài ý nghĩa mâu thuẫn, thậm chí loại trừ nhau. Nếu khái niệm về Thiên Chúa không uyển chuyển như thế, thì có thể nó không tồn tại và trở thành một trong những ý tưởng lớn lao của con người. Khi một quan niệm về Thiên Chúa không còn ý nghĩa hay quan hệ gì, thì nó sẽ lặng lẽ bị loại bỏ và được thay thế bởi một nền thần học mới.

Một người theo chủ nghĩa thuần nguyên hẳn là không thừa nhận điều này, vì chủ nghĩa thuần nguyên có tính kháng sử. Chủ nghĩa này tin rằng tất cả Abraham, Môise và các ngôn sứ về sau đều cảm nghiệm Thiên Chúa của họ theo đúng như cách thức người ta thực hiện ngày nay. Thế mà nếu nhìn lại cả ba tôn giáo, thì ta thấy rõ là không có cái nhìn khách quan về Thiên Chúa: mỗi thế hệ đã tạo dựng hình ảnh Thiên Chúa tác động cho thế hệ ấy.

3. Đối với chủ nghĩa vô thần, điều này cũng đúng hệt như vậy. Câu nói “Tôi không tin vào Thiên Chúa” cũng có một ý nghĩa khác nhau nhất định ở từng giai đoạn lịch sử. Những người mang danh nghĩa là “những người theo chủ nghĩa vô thần” nhiều năm qua đã luôn bác bỏ một quan niệm cụ thể về cái thần linh. Có phải Thiên Chúa của các tổ phụ, Thiên Chúa của các ngôn sứ, Thiên Chúa của các triết gia, Thiên Chúa của các nhà thần bí hay Thiên Chúa của những người hữu thần thế kỷ 18 là “Thiên Chúa” mà những người theo chủ nghĩa vô thần ngày nay bác bỏ không? Tất cả các thần linh này đã được người Do Thái, Kitô và Hồi giáo tôn sùng như Thiên Chúa của Kinh Thánh và Kinh Coran, vào những thời điểm lịch sử khác nhau. Theo cô, ta sẽ thấy rằng các Thiên Chúa đó rất khác nhau. Chủ nghĩa vô thần thường là một tình trạng chuyển tiếp: chính vì thế mà tất cả mọi người Do Thái, Kitô và Hồi giáo khi đó đều bị những người ngoại giáo đương thời gọi là “những người theo chủ nghĩa vô thần”, bởi vì họ đã chấp nhận khái niệm cách mạng về tính thần linh và tính siêu việt. Có phải chủ nghĩa vô thần hiện đại là một sự chối từ Thiên Chúa tương tự, vì không còn thích hợp với những vấn đề của thời đại chúng ta nữa chăng?

4. Cho dù có tính cách thuộc vào thế giới khác, tôn giáo vẫn rất là thực dụng. Chúng ta sẽ thấy rằng một ý tưởng cụ thể về Thiên Chúa là điều còn rất mực quan trọng hơn là ý tưởng đó phù hợp về mặt lô gích hay khoa học. Ngay khi không còn tác dụng nữa, thì nó sẽ lập tức bị thay thế – đôi khi bằng một cái gì đó khác hẳn. Điều này đã không làm cho hầu hết những người tin độc thần nao núng trước thời đại chúng ta, vì họ rất hiểu rằng ý tưởng của họ về Thiên Chúa không quan trọng mà chỉ là tạm thời. Những ý tưởng đó hoàn toàn do con người tạo ra – chúng có thể không là gì khác – và hoàn toàn tách biệt khỏi cái Thực Tại khôn tả mà ý tưởng phô diễn.

Một số người còn táo bạo đề ra nhiều cách nhấn mạnh đến sự phân biệt cơ bản này. Một nhà thần bí thời Trung đại còn đi xa đến chỗ nói rằng Thực Thể tột cùng này – được gọi lầm là “Thiên Chúa” – thậm chí không được nhắc đến trong Kinh Thánh. Trải qua lịch sử, con người, cả nam và nữ, đều đã cảm nghiệm một chiều kích tinh thần dường như vượt quá thế giới trần tục. Thực ra, đặc điểm tinh thần con người là bị giới hạn không thể hình dung được những ý niệm vượt quá tầm mức của nó như kiểu này được. Các Phật Tử, như ta thấy, không nhận rằng những huệ kiến và giác niệm của họ có xuất xứ siêu nhiên; họ xem đó là tự nhiên của con người. Tuy nhiên, tất cả các tôn giáo lớn đều đồng ý rằng không thể diễn đạt tính siêu việt này bằng ngôn ngữ ý niệm thông thường. Người tin độc thần đã gọi tính siêu việt này là “Thiên Chúa”, nhưng họ khoanh ý niệm này lại bằng một điều khoản quan trọng. Chẳng hạn, người Do Thái giáo bị cấm không được tìm cách miêu tả thần linh bằng những hình tượng thị quan. Kỷ luật là một cách nhắc cho người ta nhớ rằng thực tại mà ta gọi là “Thiên Chúa” vượt quá mọi cách diễn tả của con người.

Đấy sẽ không phải là một lịch sử theo ý nghĩa thường dùng, bởi vì ý tưởng về Thiên Chúa đã không biến hóa từ một điểm và tiến triển theo kiểu tuyến tính tới một quan niệm cuối cùng. Khái niệm khoa học thì vận động như thế, nhưng các ý tưởng về nghệ thuật và tôn giáo thì không. Đúng như chỉ có một con số nhất định các đề tài trong thơ tình, người ta vẫn chỉ nói đi nói lại mãi những điều như nhau về Thiên Chúa. Thực sự, ta thấy có tương đồng rõ ràng trong các ý tưởng về thần linh của Do Thái, Kitô và Hồi Giáo. Cho dù các tín đồ Do Thái và Hồi giáo coi các giáo điều Kitô giáo về Thiên Chúa Ba Ngôi và Nhập Thể là có tính lăng nhục, thì chính họ đã tạo ra những cách diễn dịch riêng về các nền thần học có nhiều tranh cãi này. Tuy nhiên, mỗi cách diễn tả về các đề tài phổ cập này khác nhau nhất định, và bộc lộ vẻ tinh xảo và tính sáng tạo trong trí tưởng tượng của con người khi nó cố diễn đạt cảm thức về “Thiên Chúa”.

Theo cô, đây là một đề tài quá lớn lao, nên cô đã chủ tình chỉ nói đến Thiên Chúa Độc Nhất được các tín đồ Do Thái, Kitô và Hồi Giáo thờ phụng, mặc dù đôi khi cô cũng xem xét các quan niệm ngoại giáo. Ấn Giáo và Phật Giáo về thực thể tột cùng để làm rõ hơn một đặc điểm độc thần chủ nghĩa. Đáng chú ý là dường như ý tưởng về Thiên Chúa gần gũi với các ý tưởng trong những tôn giáo phát triển hoàn toàn độc lập. Bất cứ kết luận nào về thực tại Thiên Chúa mà ta đạt tới, thì lịch sử của ý tưởng này phải cho ta hiểu biết một cái gì quan trọng về tinh thần con người và bản chất nguyện vọng của ta. Bất chấp xu hướng thế tục của nhiều xã hội phương Tây, ý tưởng về Thiên Chúa vẫn còn tác động đến cuộc sống của hàng triệu con người. Những điều tra mới đây đã cho thấy 99% người Mỹ vẫn nói rằng họ tin vào Thiên Chúa, nhưng vấn đề là họ tín thác vào “Thiên Chúa” nào trong nhiều vị được chào mời?

Thần học, vẫn theo cô, thường gây cho người ta ấn tượng buồn tẻ và trừu tượng, nhưng lịch sử về Thiên Chúa lại say mê và mãnh liệt. Không giống như một số quan niệm khác về cái tột cùng, lịch sử về Thiên Chúa được người ta chú ý từ đầu bằng đấu tranh đến cùng trí kiệt lực. Các ngôn sứ của Israel cảm nghiệm Thiên Chúa của họ như một sự khó chịu thể lý dày vò khắp tứ chi của họ, làm cho họ điên dại và hưng phấn. Thực thể mà họ gọi là Thiên Chúa thường được những người tin độc thần cảm nghiệm trong một trạng thái cực đoan: ta đọc thấy các đỉnh núi, bóng tối, cơn sầu não, cuộc tử nạn thập giá và cơn khiếp sợ. Cảm nghiệm của phương Tây về Thiên Chúa dường như có tính kích xúc. Nguyên do của sự căng cường đi kèm theo này là gì? Nhiều người độc thần khác nói về ánh sáng và biến hình. Họ sử dụng hình tượng rất táo bạo để diễn tả tính phức tạp của thực tại mà họ cảm nghiệm, thực tại này đi xa ra ngoài nền thần học chính thống. Mới đây người ta đã cố làm sống lại mối quan tâm đến thần thoại học, vì nó có thể chỉ ra niềm khát vọng bao la về cách diễn tả sự thật tôn giáo phong phú tưởng tượng. Công trình của cố học giả người Mỹ đã trở nên cực kỳ phổ biến: ông đã thám khảo về thần thoại học muôn đời của nhân loại, nối kết các thần thoại cổ xưa với những thần thoại còn thịnh hành trong các xã hội cổ truyền. Người ta thường vẫn cho rằng ba tôn giáo – Thiên Chúa đều không có thần thoại học và chủ nghĩa biểu tượng thi ca. Nhưng, cho dù ngay từ đầu, những người độc thần đã bác bỏ thần thoại của những người láng giềng ngoại giáo của họ, thì họ vẫn thường mò mẫm lui về tín ngưỡng kia vào một thời điểm về sau. Chẳng hạn, các nhà thần bí đã thấy Thiên Chúa nhập thân vào một người nữ. Nhiều người khác kính cẩn nói về giới tính của Thiên Chúa và đã đem yếu tố nữ vào trong cõi thần linh.

Theo cô, đây là điều đưa cô Armstrong đến một điểm khó khăn. Bởi vì Thiên Chúa này khởi đầu là một thiên thể nữ đặc trưng, các người độc thân thường nói vị đó là “ngài” (“he” ). Người ta hiểu được là, trong những năm mới đây, những người theo chủ nghĩa nữ quyền, đã phản bác điều này. Vì khi ghi lại những tư duy và cảm niệm của những người gọi Thiên Chúa là “ngài” (“he”), cô đã sử dụng các thuật ngữ giống đực theo qui ước, trừ khi “ngài” (“it” ) thích hợp hơn. Nhưng điều có lẽ đáng nói đến là cái xu hướng nam giới khi nói về Thiên Chúa thì có vấn đề trong tiếng Anh. Tuy nhiên, trong ngữ pháp tiếng Do Thái, Ả Rập và Pháp, thần học khi nói về giống, có một thứ đảo ngữ hay lưỡng ngữ tạo ra cân bằng mà thường trong tiếng Anh không có. Như thế trong tiếng Ả Rập, al-Lah (tên gọi tối cao cho Thiên Chúa) thì về ngữ pháp lại thuộc giống đực, nhưng từ al-Dhat, chỉ yếu tính thần linh và sâu thẳm của Thiên Chúa, lại là giống cái.

Tất cả các ngôn từ về Thiên Chúa đều không vững vàng vì những khó khăn không thể có được. Vậy mà tất cả mọi người tin độc thần đều rất tích cực về ngôn ngữ khi cùng một lúc họ xác định là không thể diễn tả thực thể siêu việt được. Thiên Chúa của người Do Thái, Kitô và Hồi Giáo là một Thiên Chúa nói-theo một nghĩa nào đó. Lời của Ngài là thiết yếu trong cả ba tôn giáo. Lời của Thiên Chúa đã tạo hình cho lịch sử nền văn hóa của ta. Ta phải quyết định xem từ “Thiên Chúa” có một ý nghĩa gì cho ta ngày nay.

Từ Karen Armstrong đến xu hướng cảm thức tôn giáo hiện đại ở Việt Nam 


Trong cái nhìn của Armstrong, với xu hướng thế tục hóa ngày nay, con người hữu thần và nhất là cả vô thần, vẫn đang cần đến một Thiên Chúa theo khát vọng thực dụng của con người ở thế kỷ XXI, do chính con người tạo ra trong các điều kiện hiện đại. Người vô thần một cách nào đó đã phủ nhận Thiên Chúa theo quan niệm của người khác, để tạo dựng nên một Thiên Chúa nào đó theo các tiêu chuẩn của mình. Chẳng hạn, để ta có một cái nhìn đối chiếu và mở rộng, trong quan niệm về tôn giáo, ngay tại Việt Nam một số học giả đang có xu hướng đưa ra một cách định nghĩa khác mang sắc thái mà họ cho là của Việt Nam hay phương Đông: tôn giáo dân gian kiểu thờ cúng tổ tiên, thờ thần thành hoàng, thờ anh hùng dân tộc, với những lễ nghi và ý nghĩa sùng bái đơn giản, nhưng thường kết hợp với lễ hội đầy màu sắc có lúc đến độ diêm dúa, mà không cần đến cả một hệ thống giáo phẩm, giáo điều, lễ nghi phụng tự. (Dĩ nhiên tập tục thờ cúng gia tiên, và từ đó đến tín ngưỡng cúng bái tri ân những người có công xây làng giữ nước trong chừng mực nào đó là những hành vi tốt đẹp thể hiện lòng hiếu kính và yêu nước, mà Đạo Kitô đã từng chia sẻ với cộng đồng dân tộc). Người ta đã dẫn chứng những khảo cứu của nhiều học giả, đặc biệt là Linh Mục Léopold Cadière như cơ sở có giá trị khoa học, phản ánh trung thực bản chất của tôn giáo truyền thống Việt Nam, để từ đó đối chiếu với một thứ tôn giáo có tổ chức chặt chẽ làm thành các giáo hội từ phương Tây mang đến, được xem là không phù hợp với truyền thống tôn giáo dân tộc như cách nhận thức trên đây. Theo cách diễn dịch này, thì người vô thần vẫn luôn luôn tin theo một thứ tôn giáo truyền thống khác – có khi đối lập – với tôn giáo theo định nghĩa của phương Tây. Nhiều địa phương, nhiều bài viết, nhiều hội dân gian tại Việt Nam, với ý hướng về nguồn dân tộc pha lẫn với kinh doanh du lịch, đang khơi lại nhiều thứ lễ hội dân gian không hẳn là phù hợp với nếp sống văn minh hiện đại, nếu không muốn nói mang sắc thái có thể dẫn đến mê tín dị đoan. Những thứ “Thiên Chúa”, “thần thánh” và “tôn giáo” như trên đang trở thành những vấn đề đáng cho các tín hữu Kitô, không chỉ ở Việt Nam, quan tâm một cách nghiêm chỉnh, trước các xu hướgn nhận thức về Thiên Chúa trong tôn giáo ngày nay ở thế kỷ XXI. Phải chăng, hễ cứ nhân danh về nguồn, tự chủ, dân tộc, truyền thống, là ngày nay ta có thể tự do làm sống lại mọi thứ tập tục, tín ngưỡng dân gian trong kho tàng văn hóa của đất nước? Như thế Thiên Chúa chân thực muôn thuở của người Kitô ở đâu? Phải được diễn tả và giới thiệu thế nào cho con người Việt Nam đang muốn khẳng định lại mình để phát triển dưới ánh sáng văn hóa dân tộc và định hướng xã hội chủ nghĩa, trong một thế giới đa dạng, đa chủng, đa nguyên, mà vẫn ngày càng phát triển theo hướng toàn cầu hóa và tục hóa?