Thứ Hai, 3 tháng 7, 2023

THIÊN CHÚA LÀ CHA

Thời sự Thần học - Số 91, Tháng 2 Năm 2021, tr. 57-75. 

_Xabier Pikaza_ 

I. Dẫn Nhập: Các tôn giáo và tư tưởng triết học.
II. Cựu Ước: khủng hoảng về tư tưởng người Cha.
III. Sứ điệp của Đức Giêsu: Thiên Chúa là Cha giải phóng.
IV. Cuộc đời Đức Giêsu: Thiên Chúa như là Abba.
V. Cuộc phục sinh của Đức Giêsu: mặc khải Chúa Cha.
VI. Thiên Chúa Cha: thần học tam vị.
VII. Thiên Chúa là Cha và mẹ: khía cạnh nhân văn.
VIII. Kết luận. Cha và mẹ, con cái và anh chị em.
Nguồn: “Padre” in: El Dios cristiano. Diccionario Teologico. Ed. Secretariado Trinitario, Salamanca 1992, trang 1003-1021.

I. Dẫn nhập : Các tôn giáo và tư tưởng triết học


Các dân tộc Assyria và Babylonia diễn tả mối tương quan giữa con người với thần linh dưới hình thức họ hàng, vì thế nhiều vị thần mang danh hiệu là Cha, và được kêu cầu trong các lời kinh và tế tự. Có thể nói cách tương tự như vậy về dân Ai-cập nơi mà thần Anton là Cha của các thần và của con người. Thần Zeus bên Hy-lạp và Jupiter ở Rôma cũng được coi là Cha. Sau cùng, Cha là một danh hiệu của nhiều thần linh ở châu Á, châu Mỹ, châu Phi và các đảo ở châu Đại dương.

Như vậy, chúng ta nắm được một dữ kiện khá phổ biến: nhiều dân tộc đã coi Thiên Chúa là Cha. Tuy nhiên, cần phải nói chính xác hơn. Các dân tộc cổ truyền thường giải thích quan niệm về Cha theo nghĩa là nguồn gốc sinh sản. Cha được đặt tên cho khởi điểm, cho nguồn gốc hiện hữu của các thần linh, loài người cũng như vạn vật. Loài người và các thần linh đều có chung một nguồn gốc hiện hữu; nguồn ấy chính là Cha, nhờ đó chúng ta hiện hữu và sống. Trong phạm vi này, hình ảnh người cha và người mẹ chưa được phân biệt. Vì thế, thần linh mang hình dạng cha hoặc mẹ bởi vì chưa có chức năng rõ rệt, có khi được coi như giống nhau có khi bổ khuyết cho nhau.

Một lối nhìn về Thiên Chúa như vậy có thể xem như một sự phóng dọi của cảm nghiệm gia đình, nơi mà cha mẹ được coi như nền tảng của sự sống. Tuy nhiên ông Platon đã tìm cách chuyển dịch cảm nghiệm ấy sang ngôn ngữ triết học, khi ông gọi cái Thiện là Cha, hoặc trường phái Stoa gọi Thiên Chúa là Cha vì đó là mầm phát sinh mọi sự hiện hữu. Như thế là họ quan niệm vũ trụ bằng ngôn ngữ của loài người, khi coi Thiên Chúa không chỉ như là nguyên ủy của sự sống của vạn vật, mà còn là tình yêu thương nữa. Vũ trụ được coi như một gia đình.

II. Cựu Ước. Khủng hoảng về tư tưởng người Cha


Quan niệm Thiên Chúa là Cha không nổi bật cho lắm đối với dân Israel, bởi vì Cựu Ước muốn loại trừ những huyền thoại về sự sinh sản giữa các thần linh, cũng như huyền thoại về nguồn gốc con người từ vũ trụ. Thiên Chúa không phải là nguồn gốc sự sống của các thần linh và của loài người, không phải là cội nguồn mà chúng ta phải quay trở về. Thiên Chúa của Israel là một Đấng giải phóng, đã tuyển chọn một dân tộc, đã hình thành ra nó qua cuộc xuất hành (vượt qua biển Đỏ); Thiên Chúa là người bạn đã thiết lập một giao ước thân hữu, đã bảo vệ dân trải qua cuộc hành trình, đã gợi lên một lời đáp ứng tin tưởng và thực hành giao ước. Qua lời hứa, Thiên Chúa kêu gọi dân lên đường tiến đến tương lai (chứ không quay về cội nguồn như quan niệm của các tôn giáo tự nhiên).

Trong chiều hướng ấy, không thể nào quan niệm Thiên Chúa như là cha-mẹ từ đó bắt nguồn sự sống con người theo nghĩa thể lý. Thay vì các thần thoại về vạn vật được sinh ra từ Thiên Chúa, Cựu Ước trình bày Thiên Chúa đã tạo dựng vũ trụ do một hành vi tự do. Từ đó ta cũng có thể hiểu được Kinh Thánh không chấp nhận quan niệm về Thiên Chúa như là một cặp đôi nam nữ. Vì thế, khi Kinh Thánh trình bày Thiên Chúa với đặc tính nam giới (chẳng hạn một chiến sĩ, một tướng quân hoặc một người cha) thì các chi tiết này không giống như các hình ảnh tương tự như trong các tôn giáo cổ truyền: đó không phải là một người cha theo nghĩa sinh lý, đối lại với người mẹ.

Hơn thế nữa, ít khi Thiên Chúa xuất hiện như người cha. Cựu Ước trình bày Thiên Chúa như là kẻ giải phóng (xuất hành) và đồng hành (giao ước). Thiên Chúa không phải là lòng (cha-mẹ) mà con người luôn lệ thuộc và tìm cách quay về. Thiên Chúa đã cắt cái nhau, để cho con người được tự do, kêu gọi nó tiến tới tương lai. Nói cách khác, con người của các tôn giáo cổ truyền coi mình chịu ràng buộc với Thiên Chúa như là cha-mẹ, nguồn sự sống. Con người của dân Israel cảm thấy Thiên Chúa muốn cho mình được tự do, tách biệt khỏi vũ trụ, và chịu trách nhiệm về cuộc đời của mình.

Phải chờ một thời gian lâu dài, cần thiết để thanh luyện hình ảnh “người cha” cổ điển, thì Kinh Thánh mới đề cập đến Thiên Chúa là cha theo nghĩa biểu tượng. Thực ra, những đoạn văn nói đến Thiên Chúa là Cha không nhiều lắm.

a) Chủ đề này xuất hiện trong khung cảnh ngôn sứ, bàn về sự tuyển chọn và đáp trả, đã được nói đến trong Hôsê 11,3.8. Ông Giêrêmia nhắc đến những đứa con của Israel khước từ gọi Thiên Chúa là “cha của mình”, không chịu tuân theo ý Ngài, và bị hư mất (Gr 3,4,19; 31,9). Bài ca của ông Môsê cũng giải thích sự suy sụp và tội lỗi của dân Israel như là sự từ bỏ Thiên Chúa Cha (Đnl 32,6). Các bản văn khác cũng được đặt trong một bối cảnh tương tự: Is 63,15-16; 64, 7; Ml 1,6; 2,10; Tb 13,4.

b) Đề tài Thiên Chúa là Cha cũng xuất hiện trong thần học về nhà vua, khá phổ thông nơi các dân tộc bên Đông phương. Lúc đầu, dân Israel tẩy chay quan niệm ấy, bởi vì họ cho rằng Thiên Chúa ở với toàn dân, qua cảm nghiệm sự xuất hành và giao ước. Thế nhưng, sau một thời gian, ông Đavít xuất hiện như một vị vua được thánh hiến, và ngôi vua tượng trưng cho sự che chở của Thiên Chúa dành cho toàn dân. Vì thế, người ta nói rằng Thiên Chúa đối xử với vua như một người Cha (x. 2 Sm 7,14; 1 Sb 17,13; 22,10; 28,6). Các thánh vịnh tôn vương (x. Tv 68,6; 89,27; 2,7) nêu bật mối liên kết giữa Thiên Chúa với nhà vua, so sánh như mối tình dưỡng phụ.

c) Sau cùng, trong khung cảnh của lòng đạo đức vào thời tiếp xúc với văn minh Hy-lạp, có một bản văn trình bày Thiên Chúa như là Cha của người tín hữu, được hiểu theo nghĩa cá nhân. Tác giả Hc 23,1.4 kêu cầu Thiên Chúa như là “Chủ tể, Cha và Chúa của đời con”. Sách Khôn ngoan 14, 3 nhắc đến sự cao minh của Thiên Chúa Cha. Đó là những đoạn duy nhất của Cựu Ước mà một cá nhân người công chính kêu cầu Thiên Chúa qua biểu tượng của người cha.

Thiên Chúa không phải là Cha theo nghĩa sinh đẻ thể lý, nhưng là Cha bởi vì đã kêu gọi con cái Israel để họp thành một dân tộc gồm những con người tự do. Thiên Chúa là Cha bởi vì Ngài yêu thương và tuyển chọn một dân tộc trong trăm ngàn, bởi vì Ngài dẫn dắt họ trên đường bằng lề luật, bởi vì ngài đưa họ đến tương lai của chân lý và tự lập. Như thế, tuy không dùng từ ngữ Cha, nhưng dân Israel đã bắt đầu thể hiện điều mà chúng ta nói được là cuộc cách mạng của biểu tượng về người cha..

III. Sứ điệp của Đức Giêsu. Thiên Chúa là Cha giải phóng


Trên một khung cảnh nghèo khổ và chết chóc, nơi mà xem ra lề luật Israel đã thất bại thì, giữa những người thu thuế và đĩ điếm, những người bệnh tật và bị loại trừ, Đức Giêsu đã rao giảng cho con người tương lai về vương quốc mà các ngôn sứ đã khơi lên. Hy vọng ấy được thành tựu bởi vì Đức Giêsu cho biết rằng Thiên Chúa là Cha. Trong lời giảng của Đức Giêsu, hai ý tưởng được gắn liền với nhau: vương quốc và Cha (x. Lc 11,2): Thiên Chúa là Chủ thể vương quốc, một vương quốc của tình yêu. Đức Giêsu đã công bố vương quốc như là tột đỉnh của tình yêu tạo dựng, vượt lên trên tội lỗi của con người, và ban cho con người được tự do. Người đã tuyên bố: “ai không đón nhận vương quốc như một trẻ thơ thì sẽ không được vào” (Mc 10, 15 và song song). Người yêu cầu chúng ta hãy tái sinh: từ bỏ những tính toán công trạng của thế gian, và để cho Thiên Chúa tỏ lộ cho chúng ta như là Cha.

Người Cha ấy không phải là đối tượng của lý luận hoặc nỗ lực: Người là nguyên ủy của tình yêu, là quyền năng giải thoát chúng ta khỏi thế gian được nhìn như là trại tù của tranh đấu và vũ lực mà chúng ta đang bị nhốt trong đó, như ông Gioan Tẩy giả đã vạch cho thấy (x. Mt 3,7-12). Để có thể đón nhận một Thiên Chúa như vậy, chúng ta cần được tái sinh, ngõ hầu đón nhận Thiên Chúa là Cha. Ngài không bị kiểm soát bởi những tiêu chuẩn phân biệt lành dữ mà tôn giáo Do thái ấn định; đối lại với một tôn giáo của lề luật cũ, Đức Giêsu trình bày một Thiên Chúa của tình yêu, của ân sủng.

Sứ điệp mới mẻ của Đức Giêsu không chỉ nằm ở chỗ Người gọi Thiên Chúa là Cha nhưng nhất là ở nội dung của vương quốc. Người Pharisêu cũng có thể mường tượng được Thiên Chúa là Cha, nhưng họ nghĩ rằng Thiên Chúa mặc khải qua lề luật, và đòi hỏi một nếp sống công chính; vì thế những kẻ gian ác (thu thuế, đĩ diếm…) cần phải trở lại thì mới có thể được đón nhận vào “nhà” của tình yêu Thiên Chúa. Những người theo khuynh hướng khải huyền thì mong rằng Thiên Chúa sẽ đến phán xét để phân biệt rạch ròi những người lành và những người dữ. Nói chung, người Do thái cho rằng Thiên Chúa thể hiện tình cha qua giao ước lề luật. Đức Giêsu tuyên bố rằng thời kỳ của lề luật đã chấm dứt, và ban ơn tha thứ và đời sống mới của Thiên Chúa Cha cho những người lạc mất. Không thể dùng lề luật cũ làm thước đo giữa cái tốt và cái xấu. Như thế còn gì nữa? Đức Giêsu đã mang đến cho thế giới cũ ơn tha thứ và sự tái sinh bắt nguồn từ Chúa Cha. Ta có thể mô tả những nét chính của tình cha như sau.

1. Trước hết, Thiên Chúa là Cha như là kẻ ban sự sống như ân huệ. Vì thế việc khám phá tình cha hàm ngụ một sự tái sinh. Đối lại với những người tỏ ra là lớn lao, già dặn, chín chắn, Đức Giêsu định nghĩa những tín hữu chân thực là những “trẻ nhỏ”. Họ cần để cho Thiên Chúa yêu thương, với thái độ tiếp đón, ngõ hầu sự sống của Ngài được nảy lên, như là sự sống mới (x. Mc 9,33-35; 10,13-15; Ga 3,1-15).

2. Thứ đến, Thiên Chúa là Cha bởi vì Ngài luôn tha thứ cho mọi người. Từ đó, Đức Giêsu mang lại tình yêu của Ngài và sự tái sinh cho tất cả những người lầm lạc: què quặt, đui mù, tội lỗi, bệnh tật, đĩ điếm. Vì thế sứ điệp về tình cha của Thiên Chúa trở thành nguy hiểm cho những người muốn dành độc quyền làm con, những người muốn làm chủ gia tài của Chúa. Khi Cha đón tiếp đứa con hoang đàng, cho nó cơ hội tái sinh, thì người anh cả cần phải thay đổi não trạng, khước từ sự độc quyền của mình (x. Lc 15).

3. Thứ ba. Thiên Chúa là Cha bởi vì Ngài đối thoại liên tục với con người, hết sức gần gũi và thân tình. Nói cho đúng, Ngài không ở trong hay ở ngoài chúng ta; Thiên Chúa là kẻ đồng hành với chúng ta, giúp cho chúng ta được sống, và sẵn sàng nâng đỡ và gần gũi chúng ta. Trong chiều hướng này, sách Tin Mừng đã trình bày Đức Giêsu như là Con, để giúp chúng ta hiểu biết và tôn kính Cha.

IV. Cuộc đời Đức Giêsu: Thiên Chúa như là Abba


Đức Giêsu ngỏ lời với Thiên Chúa bằng lối nói thân mật gia đình: abba, cha. Vào thời Đức Giêsu có hai cách để nói chuyện với người cha: một cách thân mật là abba (ba, bố); cách chính thức và trịnh trọng là abî. Người Do thái không quen dùng cách thân mật với Thiên Chúa abba, bởi vì Ngài quá cao siêu.

Gọi Thiên Chúa là abba (ba, bố) xem ra quá táo bạo. Thế nhưng Đức Giêsu dám dùng từ ngữ ấy. Người gọi Thiên Chúa với ngôn ngữ của trẻ thơ. Người cư xử với Thiên Chúa với niềm tín thác và tôn trọng của một người trưởng thành. Thiên Chúa không phải là một quan tòa nghiêm khắc, một quyền bính áp đặt, hoặc định mệnh khắc nghiệt. Thiên Chúa rất gần gũi, thân mật.

Tân Ước còn ghi lại chứng tích về sự thân tình giữa Đức Giêsu qua lời thưa abba. Tuy nhiên, ý nghĩa sâu xa của cuộc gặp gỡ thân mật với Chúa Cha cần được đặt trong toàn bộ công trình của Đức Giêsu, đó là xua đuổi tà thần trong quyền năng của Thần khí (Mt 12,28), gần gũi những người nghèo hèn và bị xã hội gạt bỏ. Ý thức sống gần gũi với Cha cũng gắn liền với công tác thiết lập vương quốc của Ngài. Đức Giêsu biết Cha vì là “Con” thì cũng mặc khải cho nhân loại biết “mầu nhiệm của Cha” (Mt 11,27).

Như vậy quan niệm về tình Cha của Kitô giáo khác với các tôn giáo khác ở chỗ ta không thấy cặp đôi Cha-Mẹ như là nguyên ủy vạn vật, nhưng ta lại khám phá Cha trong tương quan với Con. Chúng ta khám phá ra Thiên Chúa Cha trong Đức Giêsu nơi thân thế và công cuộc thiết lập vương quốc của Cha; và chúng ta chỉ hiểu được Đức Giêsu khi chúng ta nhận ra Người là “Con của Thiên Chúa Cha”.

V. Cuộc Vượt qua của Đức Giêsu. Mặc khải Chúa Cha


Truyền thống Kitô giáo biết rằng Đức Giêsu chết trong tay Thiên Chúa Cha. Người không chết chỉ vì bị dân Rôma và dân Israel kết án. Người chết bởi vì chính Thiên Chúa, Đấng mà Người đã lắng nghe và đáp trả như Con, đã vạch ra con đường hiến thân này cho đến chết. Điểu này được bộc lộ qua lời cầu trong vườn Giếtsêmani, cũng như tiếng kêu trên thập giá (Mc 14, 36; 15,34; x. Lc 23,46).

Thiên Chúa vẫn luôn luôn gần gũi Đức Giêsu như là Cha, nhưng lại để cho Đức Giêsu chết: đây là một điều mà lẽ thường không thể hiểu nổi về tình cha. Tuy nhiên, Đức Giêsu vẫn phó thác mình trong tay Cha, với thái độ yêu thương bí ẩn. Nhưng chính khi hiến thân vào tay Cha, khi mà tất cả xem ra thất bại, mà ta khám phá ý nghĩa sâu xa của tình cha của Thiên Chúa.

Đức Giêsu đã chết như một Đấng Mêsia thất bại. Thế nhưng Thiên Chúa đã lật ngược tình thế, khi biến đổi tình trạng của Đấng đã chết vì tội lỗi loài người trở thành Chủ tể ban sự sống. Đó là cảm nghiệm nguyên khởi của các Kitô hữu khi họ tuyên xưng Thiên Chúa như là Đấng đã cho Đức Giêsu chỗi dậy từ cõi chết (x. Rm 4,24). Vượt xa những lần tỏ mình cho Israel qua cuộc xuất hành, giao ước, giờ đây, qua việc cho Đức Giêsu là Con được chỗi dậy từ cõi chết, Thiên Chúa đã tỏ mình như là Cha cách trọn vẹn.

Tất cả chân lý Kitô giáo được tóm lại trong cảm nghiệm phục sinh sau đây: Thiên Chúa đã mặc khải cách trọn vẹn như là Cha khi giải thoát Đức Giêsu là Con của mình khỏi cái chết. Đó là nền tảng của niềm hy vọng của chúng ta: Thiên Chúa Cha là tình yêu một ngày kia sẽ cho người chết sống lại bởi vì Ngài đã cho Đức Giêsu là Con được chỗi dậy, và trở thành trưởng tử của những người sống. Đối với dân Israel, tín điều nền tảng là “Thiên Chúa đã giải thoát người Do thái khỏi cảnh nô lệ Ai-cập”, còn đối với các Kitô hữu, điều tuyên xưng căn bản là “Thiên Chúa đã cho Đức Giêsu chỗi dậy từ cõi chết, và qua đó Ngài tỏ ra là Cha (của Đức Giêsu và của loài người; x. Gl 1, 1; Rm 4,24; 8,11). Thiên Chúa đã tự mặc khải như là Cha khi bày tỏ tình cha sâu đậm bằng cách để cho Con của Ngài nhập thể (sinh và chết giữa loài người), ngõ hầu đưa chúng ta vào đời sống (tam vị) vĩnh cửu của Ngài.

Ta cần hiểu lời tuyên xưng Kitô giáo, được khai triển đặc biệt nơi thánh Gioan. Đức Giêsu không phải chỉ là Con Thiên Chúa do sự phục sinh mà thôi. Thiên Chúa cũng không chỉ là Cha sau khi đã làm cho Đức Giêsu chỗi dậy từ cõi chết: Thiên Chúa là Cha, bởi vì từ muôn đời đã “sinh ra” (làm chỗi dậy) Đức Giêsu Kitô như là Con trong mầu nhiệm nguyên thủy của Thiên Chúa. Vì thế, sự nhập thể của Đức Giêsu (sinh ra làm người) là dấu chỉ và hệ quả của sự sinh ra từ muôn thuở. Thiên Chúa là Cha của Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta trong sự thật muôn thuở, trước khi có lịch sử: Ngài là Cha tự hữu, trong chiều sâu thẳm của Tam Vị. Chính vì Ngài là tự hữu cho nên có thể mạc khải và thể hiện mầu nhiệm tình cha đối với loài người, nhờ Đức Giêsu là Đấng Kitô. Đến đây chúng ta đi vào vực thẳm của sự chiêm ngắm, được phát biểu nơi các kinh Tin kính của Hội thánh từ ngàn xưa.

VI. Thiên Chúa Cha: thần học Tam Vị


Từ những gì đã nói trên đây, chúng ta có thể định nghĩa Thiên Chúa như là Cha của Đức Giêsu Kitô, theo viễn tượng mà Tân Ước đã khai triển trong đoạn văn trang trọng nhất (x. Rm 15, 6; 2Cr 1,3; 11,31; Ep 1,3; Cl 1,3; 1Pr 1,3; 1Ga 1,3; 2 Ga 3.9). Cũng trong hướng ấy. Đức Giêsu được giới thiệu như là Con Một của Cha - “monogenés” (x. Ga 1,14.18; 3,16.18; 1Ga 4,9; Hr 11,17). Con và Cha gắn bó với nhau khắng khít, trong mầu nhiệm nguyên thủy (hằng cửu) và trong lịch sử cứu độ (vượt qua), như thế Thiên Chúa tỏ mình ra như là Tam Vị: cuộc găp gỡ nguyên thủy của Cha và Con (trong Thánh Linh).

Tuy nhiên, Tân Ước còn đưa chúng ta sang một hướng khác nữa, khi trình bày mầu nhiệm tam vị như là nguyên lý giải phóng đối với loài người: Đức Giêsu là Trưởng tử giữa một đàn em đông đảo (x. Rm 8,29); như thế tình yêu con cái được mở rộng đến tất cả mọi người trên đời (x. Hr 1,6; Cl 1,15.18). Vì vậy, nếu Đức Giêsu là người anh phổ quát, thì Thiên Chúa sẽ là tỏ mình ra như là Cha phục hồi và cứu vớt tất cả mọi nhân sinh trên địa cầu.

Đó là một tình cha cứu thoát. Thiên Chúa là Cha theo như khuôn mẫu mà Đức Giêsu đã mặc khải: Cha yêu thương những kẻ bé nhỏ và lạc mất, những kẻ què quặt, đui mù, những người nghèo (Mt 25,31-46). Vì thế cần phải loan báo tình cha ấy như là một Tin Mừng, như một sứ điệp của ân sủng có khả năng biến đổi, sáng tạo. Ta không thể chỉ tuyên xưng Thiên Chúa là Cha bằng lý thuyết, nhưng cần chứng tỏ qua đời sống, qua những cử chỉ yêu thương và phục vụ những người bé nhỏ nhất trên đời.

Đó là một tình cha xung đột được loan báo ngày nay trong một thế giới xem ra muốn loại bỏ người cha. Tiến trình văn minh Tây phương hiện đại, bắt đầu với chủ nghĩa duy lý, có thể định nghĩa là kế hoạch “giết cha”. Con người muốn được tự lập, làm chủ vận mạng của mình, không lệ thuộc vào ai, không cần đến ai hết. Vì thế sứ điệp tình cha của Thiên Chúa có thể mang tính cách xung đột, dường như là chỉ trích một thế giới thích khép kín, tôn sùng các thần tượng nhỏ nhen của mình, mãn nguyện với chính mình.

Đó là một tình cha tam vị. Thiên Chúa tỏ lộ và tác động như là Cha trong cuộc Phục sinh và trong cuộc Nhập thể của Đức Giêsu bởi vì Ngài là Cha trong mầu nhiệm vĩnh cửu, trước khi tạo dựng thời gian. Đó là điều mà truyền thống đức tin đã tuyên xưng từ lâu đời, ngay từ Công đồng Nixêa (năm 325). Thiên Chúa không bắt đầu làm Cha trong một thời điểm nào đó (từ khi sinh ra Con trong thời gian), nhưng là Cha từ muôn thuở và sinh ra Con từ đời đời.

Điều này đã được các giáo phụ Hy-lạp và La-tinh khai triển cách tuyệt vời. Tiên vàn, Thiên Chúa là Cha. Trong một cử chỉ quảng đại, Ngài đã sinh ra Con, ban cho Con tất cả bản thể của mình. Điều này có nghĩa là Cha “không được sinh ra” (agénetos và agénnetos), là nguyên ủy của mọi sự sinh ra (sinh ra Con). Truyền thống bên Đông phương chủ trương rằng Cha là nguyên ủy của tam vị, như nguồn sự sống của Con (sự sinh ra: generatio) và nguyên ủy của Thánh Linh (sự phát xuất: processio). Khuynh hướng cực đoan nhất của các tác giả Đông phương cho rằng Cha là nguyên ủy duy nhất của Thánh Linh (tuy đôi khi cũng có người thêm rằng “nhờ Con”). Truyền thống bên Tây phương, dựa theo thánh Augustinô, chủ trương rằng Thánh Linh phát xuất từ Cha và Con (Filioque): Cha là nguyên ủy của Con (do sự sinh ra bằng trí tuệ), rồi Cha và Con là nguyên ủy của Thánh Linh.

Hai lối nhìn khác nhau đã dẫn đến nhiều cuộc tranh luận và chia rẽ giữa Giáo hội Chính thống và Giáo hội Công giáo. Chúng tôi không muốn đào sâu vấn đề ở đây. Những cuộc đối thoại đại kết từ sau công đồng Vaticanô II đã tìm cách dung hóa hai lập trường, coi như bổ túc cho nhau, thay vì đối lập với nhau. Quan điểm của Đông Phương có lợi điểm là gắn liền Thiên Chúa với Cha (như ta đọc trong kinh Tin kính: “Tôi tin kính một Thiên Chúa là Cha toàn năng..”). Thiên Chúa mang đặc tính làm cha, trao ban tình yêu, đưa tới sự sinh ra của Con và sự phát xuất của Thánh Linh. Thiên Chúa là nguyên ủy của mọi hiện hữu và tình yêu. Quan điểm của Tây phương có lợi điểm là khởi đi từ sự hiệp thông trong nội tại Thiên Chúa: chính từ sự chia sẻ tình yêu giữa Cha và Con mà phát xuất Thánh Linh. Nơi Thiên Chúa, tất cả là tinh yêu trao ban, như Richard de Saint Victor đã nói.

VII. Thiên Chúa Cha và Mẹ: khía cạnh nhân văn


Khởi đi từ cảm nghiệm gia đình, Thiên Chúa xuất hiện như là cha hoặc mẹ, rồi sau đó mới như là người anh, người bạn. Trong lịch sử tôn giáo, xem ra hình ảnh người mẹ cổ xưa hơn: Thiên Chúa như là tình yêu ấm áp, sinh sản, nuôi dưỡng; chúng ta được thai nghén trong lòng mẹ, và được mẹ ôm ấp, và sau khi mãn cuộc đời, chúng ta lại trở về với “lòng đất”. Cảm nghiệm này đưa đến tiến trình mà người Hy lạp gọi là “lãnh vực eros”: con người sinh ra từ lòng mẹ (hoặc thượng giới) và cảm thấy mình bị lạc lõng trong thế giới, vì thế mong mỏi trở về với cội nguồn sự sống, nơi mình phát xuất, tìm lại bà mẹ mà mình đã lạc mất. Dù sao, hình ảnh bà mẹ không dẫn tới cuộc đối thoại giữa hai chủ thể.

Hình ảnh của người cha thì khác. Nó không nảy sinh tự phát từ thiên nhiên. Ý thức về Thiên Chúa là cha đòi hỏi một lãnh vực ý thức cao hơn. Người cha tượng trưng cho luật lệ, sự thành công. Dĩ nhiên, trong các nền văn minh phụ hệ, Thiên Chúa thường được hình dung dưới hình dạng của người cha, và cũng được hình dung như nguồn sống của con người. Nhìn dưới khía cạnh này, không có gì khác biệt giữa cha và mẹ. Tuy vậy, như đã nói trên đây khi bàn đến kinh nghiệm của dân Israel, ta thấy có những nét khác nhau giữa hình ảnh Thiên Chúa là cha hay là mẹ. Cha không muốn cho chúng ta quay lại nguồn gốc, và muốn chúng ta tiến tới tương lai, nơi sẽ thực hiện lời hứa.

Dưới khía cạnh này, người cha là luật lệ, kèm theo ý tưởng của đòi hỏi thực hiện và nghiêm khắc. Bởi vì là luật, người cha là khuôn mẫu, dẫn đường chỉ lối, đồng hành và nâng đỡ. Lên cao hơn nữa, người cha hứa hẹn: bảo đảm cho sự sống tương lai. Điều này đã được thấy nơi sứ điệp và cuộc đời Đức Giêsu.

Những chặng vừa rồi phần nào tạo nên chìa khóa cho cuộc sống chúng ta. Vào lúc khởi đầu, cha-mẹ trở thành một toàn bộ hợp nhất cho cuộc đời. Vì thế chúng ta cảm nghiệm về sự đắm mình trong đó, hòa quyện trong huyền nhiệm sự sống. Nhưng dần dần, người cha trở thành tự lập: ông đưa ta ra khỏi quá khứ, tách rời khỏi bà mẹ và bắt buộc chúng ta phải khước từ chỗ yên hàn. Cuộc sống trở nên khó khăn, phải tranh đấu. Người cha cắt đứt chúng ta khỏi nguồn gốc, bắt chúng ta phải tự lập trên đường đời, chấp nhận luật hiện hữu, nghĩa là trở thành chính chúng ta. Có như thế ta mới khám phá ra ý nghĩa của cuộc đời: chúng ta có thể khám phá ý nghĩa cuộc đời, chúng ta có thể chấp nhận luật lệ về một Thiên Chúa tỏ mình như là Cha, khám phá tiếng nói của Ngài, nhìn nhận Ngài như là bảo đảm và tương lại cuộc sống, làm cho chúng ta nên người.

Cần hiểu sứ điệp của Đức Giêsu trong bối cảnh ấy khi Người nói rằng Người Cha-Thiên Chúa là tình yêu ban phát sự sống luôn đổi mới. Nói theo ngôn ngữ loài người. Cha của Đức Giêsu đồng thời cũng là Mẹ yêu thương và quảng đại. Đó là điều mà thần học cận đại đã nêu bật khi đề cập các đề tài như là phụ nữ, bà mẹ, và Đức Maria. Tuy nhiên, cần phải thêm rằng những từ ngữ về tình cha trong sứ điệp của Đức Giêsu không được giải thích theo khuôn mẫu nam tính hay nữ tính. Cha của Dức Giêsu không phải là một hình ảnh nam giới. Thiên Chúa là Cha-Mẹ hiểu như là nguyên ủy hiện hữu, tình yêu ban không, trao hiến quảng đại. Vì thế mà thần học nói rằng Cha đã “sinh ra” Con (một hình ảnh nữ tính) như là cử chỉ trao ban.

Hơn thế nữa, trong thần học tam vị, người ta nói rằng ta chỉ có thể hiểu được Cha khi đặt trong tương quan với Con. Như vậy, Cha không đối lại với mẹ nhưng đối lại với Con. Nói thế có nghĩa là Cha bao gồm cả hình ảnh người cha và người mẹ, nam tính và nữ tính. Nơi Thiên Chúa không có tương quan giới tính (giữa vợ chồng hay cha mẹ với nhau) mà chỉ có tương quan trao ban và đón nhận (Cha và Con). Trong bối cảnh này, mầu nhiệm Thánh Linh được giải thích như là tình yêu phát xuất từ tương quan hiệp thông giữa Cha và Con.

Chúng ta cần tránh những lối trình bày mầu nhiệm Thiên Chúa theo những quan niệm giới tính của các tôn giáo (chẳng hạn như: Con tượng trưng cho yếu tố nam, Thánh Linh tượng trưng cho yếu tố nữ). Nơi Thiên Chúa “chẳng có nam, chẳng có nữ, chẳng có Hy lạp hay Do thái”. Cha và Con là mầu nhiệm tình yêu trao ban, đón nhận lẫn nhau, và đổ xuống trên nhân loại.

VIII. Kết luận: cha và mẹ, con cái và anh chị em


Trở lại với vấn đề Tam Vị. Theo Carl Jung, trong gia đình, tương quan tam vị bình thường là Cha-Mẹ-Con. Đang khi đó các Kitô hữu trình bày đức tin Tam Vị như là Cha-Con-Thánh Linh. Cái khung này xem ra đã phá hủy các khung tự nhiên, bởi vì trong mầu nhiệm Tam Vị thiếu yếu tố Mẹ. Làm thế nào có Cha mà không có Mẹ, hay làm thế nào có Con mà không có Mẹ? Phải chăng Thánh Linh giữ vai trò của Mẹ? Phải chăng trong tâm thức bình dân, Đức Maria giữ vai trò của Mẹ trong thế giới thần linh?

Tuy nhiên, chúng ta nên thận trọng, kẻo rơi vào ngộ giáo, khi uốn nắn đức tin theo lý trí thay vì uốn nắn lý trí phù hợp với đức tin. Thiên Chúa Tam Vị của đức tin Kitô giáo không giống như khuôn mẫu tam vị trong các tôn giáo tự nhiên. Thiên Chúa của chúng ta tỏ mình như là Cha, nhưng đó là Cha không Mẹ. Điều này muốn nói rằng cha ở đây hoàn toàn khác biệt, và chúng ta không được phép áp dụng cho Ngài những quan niệm và kinh nghiệm về cha trần thế. Có lẽ chúng ta có thể nói thêm: một người cha không mẹ là “cha hiền mẫu” hoặc “mẹ hiền phụ”. Như vậy, Cha trong mầu nhiệm Tam Vị đã vượt lên trên các biện chứng của trần thế. Thiên Chúa Cha không phải là nam đối lại với nữ, hoặc dương đối lại với âm. Có lẽ vì muốn loại trừ các dạng đối lập ấy, mà các giáo phụ Hy-lạp chịu ảnh hưởng của triết học Tân-Platon đã gọi Cha là Một (Nhất).

Một điểm khác biệt nữa của đức tin Kitô giáo hệ tại Thiên Chúa là Cha cùng với Con, và như vậy là vượt lên biểu tượng của Ađam và Eva ở các chương 2-3 của Sách Sáng thế. Dĩ nhiên, Ađam (không có Eva) chưa phải là người nam, mà chỉ là “con người”. Tuy nhiên, đọc tiếp bản văn, người ta có cảm tưởng là người nữ (Eva) xuất phát từ người nam (Ađam): dưới hình thức biểu tượng, người nữ được coi như là “con gái” của người nam, với tất cả những hệ luận về mặt xã hội; tương quan vợ chồng được thiết lập theo hệ trật: vợ phải tùy phục chồng. Trái lại, trong mầu nhiệm Tam Vị, tương quan ngôi vị không đặt ra giữa Cha và Mẹ (hoặc Chồng và Vợ), nhưng là giữa Cha với Con. Cha là ngôi vị đối lại với Con (chứ không phải là đối lại với Mẹ). Đây là điều khác thường.

Như đã nói trên, nhiều tôn giáo cổ truyền hình dung Thiên Chúa như là Mẹ; khái niệm này khá tự nhiên, bởi vì mẹ là nguồn của sự sống. Nhưng Kinh Thánh lại áp dụng nguyên ủy sự sống cho Cha, tuy dù ta không nên giới hạn khái niệm này vào hình ảnh nam giới theo kinh nghiệm thường tình, bởi vì Chúa Cha bao gồm cả những đặc tính hiền mẫu nữa. Nói cách khác, các khái niệm cha và mẹ cần phải được thanh lọc khỏi những biểu tượng thiên nhiên, bởi vì chúng thiếu sót, và đặt mình vào trong bình diện đức tin.

Một cách tương tự như vậy, ta cũng có thể nói được rằng Con cũng chẳng có phái tình. Tuy rằng Ngôi Con nhập thể nơi Đức Giêsu là một người nam, nhưng tự nó, Con không ám chỉ giới tính mà ám chỉ ngôi vị: Con nhận lãnh tất cả hiện hữu từ Cha. Trong thế giới tự nhiên, người cha cần đến người mẹ để có thể sinh ra con; đứa con không nhận lãnh tất cả từ cha. Trái lại, Thiên Chúa trao ban tất cả cho Con, và Con nhận lãnh tất cả từ Cha. Cha có trọn tất cả thiên tính, và Con đón nhận tất cả thiên tính.

Thật vậy, trong quan niệm thông thường, các ý niệm biện chứng thường nói đến sự thiếu sót hoặc xung khắc (chẳng hạn như Âm-Dương, Nam-Nữ) và cần được bổ túc kết hợp thì mới đạt tới sự trọn hảo. Điều ấy không xảy ra nơi Thiên Chúa. Thiên Chúa hoàn toàn sung mãn; Cha trao ban tất cả cho Con, Con đón nhận tất cả từ Cha và đáp trả hoàn toàn. Cha hướng đến Con không phải vì thiếu thốn nên cần được bổ khuyết, nhưng đã có tất cả và trao ban tất cả. Tình yêu trao ban và đón nhận tất cả đưa đến sự hiệp thông, được diễn tả nơi ngôi vị Thánh Linh: Thánh Linh là sự gặp gỡ tình yêu trọn vẹn giữa Cha và Con.

Như vậy, một đàng lý trí chúng ta khởi đi từ cảm nghiệm tự nhiên (tình yêu gia đình) để lên đến đức tin; nhưng đàng khác, đức tin cũng mời gọi chúng ta vượt lên trên cảm nghiệm tự nhiên để khám phá sự sung mãn. Trong thế giới tự nhiên, cha cần đến mẹ mới có thể sinh con, bởi vì tất cả đều bất toàn và cần bổ túc cho nhau. Nơi Thiên Chúa, Cha không cần đến mẹ để sinh Con, và Cha hướng đến Con không phải để được bổ túc, nhưng để trao ban. Phải chăng đó mới thực là tình yêu đích thực, một tình yêu không chiếm hữu cho mình, nhưng là tình yêu trao ban tất cả? Nơi Thiên Chúa, sự kết hợp giữa các ngôi vị không có nghĩa là bổ túc cái khiếm khuyết như hiệp thông của sự sung mãn: Thánh Linh chính là sự hiệp thông sung mãn ấy.

Dù sao, mầu nhiệm Tam Vị không chỉ giới hạn vào tương quan giữa Ba ngôi Thiên Chúa. Trong thế giới tự nhiên, Thiên Chúa (cha hoặc mẹ) được quan niệm như nguồn gốc hiện hữu và sinh tồn của loài người. Kinh Thánh không chấp nhận quan niệm về loài người được sinh ra bởi Thiên Chúa theo nghĩa sinh lý. Tuy nhiên, Thiên Chúa là nguyên ủy của mọi vật theo nghĩa tạo dựng: mọi vật hiện hữu do quyền năng sáng tạo và quan phòng của Thiên Chúa. Tân Ước tiến thêm bước nữa khi nói rằng Thiên Chúa là Cha của loài người. Dĩ nhiên, điều này không thể giai thích theo nghĩa sinh sản, nhưng theo nghĩa “tái sinh”.

Đức Giêsu là Lời của Thiên Chúa. Người đến mặc khải cho chúng ta biết là chúng ta được kêu gọi làm con cái Thiên Chúa. Người nói cho chúng ta biết chúng ta từ đâu mà đến và sẽ đi về đâu: chúng ta được sinh ra do tình yêu của Thiên Chúa trong Đức Kitô. Chúng ta được mời gọi trở thành con Thiên Chúa giống như Đức Kitô. Đây là một lời mời gọi nhắm đến sự tự do của chúng ta. Chúng ta không bị bó buộc phải làm con. Thiên Chúa không bắt buộc chúng ta phải nhận ngài làm Cha. Thiên Chúa ban cho chúng ta Đức Giêsu là Con hằng hữu của Ngài: Đức Kitô hiện diện giữa chúng ta để dạy chúng ta về Thiên Chúa Cha, và về con đường trở thành con cái bằng cách mở rộng tình huynh đệ giữa loài người.

Trong lịch sử nhân loại, tình huynh đệ đã trải qua nhiều trang đổ máu, kể từ Cain và Abel (St 4). Mỗi người cứ đòi tự lập và loại trừ người khác. Tương quan xã hội dựa trên sự biện chứng: vừa cảm thấy thiếu thốn và cần được bù đắp, nhưng lại không muốn bị lấn át. Đức Giêsu đã cho chúng ta thấy một mẫu gương khác của tình huynh đệ: mối tương quan xã hội không dựa trên sự đòi hỏi người khác bù đắp cái thiếu thốn nơi mình, nhưng là trao ban điều mà mình có. Qua cuộc đời của Người, chúng ta hiểu thế nào là sống trong tình con thảo với Thiên Chúa là Abba. Người sống rất thân tình với Cha nhưng Người cũng dấn thân cho các anh em.

Đây là một thách đố lớn cho các môn đệ của Đức Kitô vào thời nay: làm chứng nhân cho tình yêu của Cha trong một thế giới mồ côi, thiếu tình Cha. Có những người chủ trương rằng chúng ta bị ném vào đời, không cha không mẹ, và phải tự mình tìm ra lẽ sống. Trên thực tế, điều đáng lo ngại không phải là những học thuyết “nhân bản vô thần” ấy, cho bằng thực trạng của những người chưa hề được cảm nghiệm tình yêu của Cha: đó là những kẻ bị bỏ rơi, không có gia đình; họ ra những kẻ không được xã hội nhìn nhận những quyền lợi căn bản; họ bị bóc lột bởi những người anh em giả trá, tìm cách ăn hiếp thay vì giúp đỡ những người thấp bé. Chính trong bối cảnh này, Hội thánh của Đức Giêsu cần cung cấp một chứng tá của tình liên đới huynh đệ, phát sinh từ đức tin vào Thiên Chúa Cha.

* * *

Tóm lại, trọng tâm của đức tin Kitô giáo là niềm tin vào Cha của Đức Giêsu, Cha hằng hữu. Đạo Islam kêu cầu Thiên Chúa dưới 99 danh hiệu, nhưng không có danh xưng Thiên Chúa là Cha. Đạo Do thái cầu khẩn Thiên Chúa như là Chủ tể trời đất (Giavê, Adonai, Kyrios) nhưng chưa gặp được danh hiệu đích đáng của Ngài là Cha của Đức Giêsu. Đây là điều mới mẻ của Tin Mừng: các Kitô hữu biết rằng Thiên Chúa là Cha của Đức Chúa Giêsu, và cũng là Cha của tất cả mọi người (x. Rm 15, 6; Ep 1,3; 2 Cr 1,3, vv.). Niềm tin này cần được diễn tả ra đời sống; đó là trách nhiệm của chúng ta.