Thứ Tư, 11 tháng 1, 2023

ANH CHỊ EM CỦA CHÚA GIÊSU

Thời sự Thần học - Số 36, tháng 6/2004, tr. 85-104 (Phiên bản 2022, tr. 100-118) 

_Jos. Trần Trung Liêm, O.P._


Trong bài Hộp Xương Giacôbê: Vật Chứng Đầu Tiên về Sự Hiện Hữu của Chúa Giêsu, chúng tôi cho rằng tính chân thật của hộp xương không phải là điều đáng quan tâm lắm bởi lẽ không ai nghi ngờ về sự hiện hữu lịch sử của Chúa Giêsu, Giacôbê và Giuse; tuy nhiên, mối liên hệ của ba nhân vật này được khắc lên trên hộp xương đã làm sôi động lại những thắc mắc và những cuộc tranh luận về gia thế của Chúa Giêsu. Nhóm người được gọi là anh chị em của Đức Giêsu có quan hệ ra sao với Người ? Từ thế kỷ đầu tiên cho đến nay, vẫn có 3 cách giải thích được các nhóm Kitô giáo khác nhau nhận lối giải thích này và loại trừ lối giải thích khác. Anh em Chính Thống giáo hiểu là những người anh chị (lớn tuổi hơn Chúa Giêsu) cùng cha (thánh Giuse) khác mẹ với Chúa Giêsu; phần lớn anh em Tin lành hiểu là những người anh chị em ruột của Chúa Giêsu; còn Giáo hội Công giáo hiểu là những người anh chị em họ của Chúa Giêsu.
Sở dĩ có nhiều cách hiểu khác nhau là vì từ ngữ có thể cho phép như thế. Danh từ Hy Lạp adelphos được ghép bởi giới từ a (từ) và danh từ delphus (lòng dạ, dạ mẹ). Như vậy, theo nghĩa đen adelphos có nghĩa là người từ cùng một dạ mẹ. Tuy nhiên, trong Kinh Thánh Cựu Ước, danh từ adelphos của bản LXX được dùng để dịch chữ ’ach của tiếng Do Thái. Tuy tiếng Hy Lạp có danh từ riêng cho anh em họ (anepsios, Col 4,10) và bà con (syngenes, Luca 1,36), tiếng Do Thái và Aram lại không có danh từ chỉ về anh chị em họ, chỉ một danh từ ’ach được dùng để diễn tả mối liên hệ ruột thịt hay họ hàng hoặc đôi khi cụm từ “con trai (con gái) của anh (chị) của bố (mẹ)” được dùng thay. Chính vì thế, adelphos được dùng hết sức rộng rãi và chỉ về anh em ruột, anh em cùng cha khác mẹ (2Sam 13,4), anh em họ, cháu chắt (Stk 13,8), bà con, người cùng tổ quốc. Tân Ước cũng dùng danh từ adelphos với nghĩa đen, nhưng phần lớn adelphos được dùng với nghĩa rộng và rất thường xuyên chỉ về các Kitô hữu khác hay ngay cả những người Do Thái hoặc những thính giả. Việc sử dụng adelphos theo nghĩa rộng cũng thấy xuất hiện trong các văn phẩm ngoài Kinh Thánh như nơi sử gia người Do Thái Josephus (Jewish War 2, 122), triết gia Plato (Menexenus 239a), Xenophon (Anabasis VII, 2, 25, 38), và Plotinus (Enneads II, 9, 18).

I. Dữ kiện


Kinh Thánh Tân Ước có đề cập đến nhóm người này và gọi họ là anh chị em của Chúa Giêsu. Có khoảng hơn 10 nơi trong Tân Ước, nhóm người được nhắc đến:
  • Người còn đang nói với đám đông, thì có mẹ và anh em của Người đứng bên ngoài, tìm cách nói chuyện với Người (Matt 12:46).
  • Ông không phải là con bác thợ sao ? Mẹ của ông không phải là bà Maria; anh em của ông không phải là các ông Giacôbê, Gioxép, Simon và Giuđa sao ? Và chị em của ông không phải đều là bà con lối xóm với chúng ta sao ? (Matt 13:55-56)
  • Mẹ và anh em Đức Giêsu đến, đứng ở ngoài, cho gọi Ngưỡi ra (Maccô 3:31).
  • Ông ta không phải là bác thợ, con bà Maria, và anh em của các ông Giacôbê, Gioxê, Giuđa và Simon sao ? Chị em của ông không phải là bà con lối xóm với chúng ta sao ?” (Maccô 6:3)
  • Mẹ và anh em Đức Giêsu đến gặp Người, mà không làm sao lại gần được, vì dân chúng quá đông (Luca 8:19).
  • Sau đó, Người cùng với thân mẫu, anh em và các môn đệ xuống Caphácnaum và ở lại đó ít ngày (Gioan 2:12).
  • Lễ Lều của người Do Thái gần tới, anh em Đức Giêsu nói với Người… Thật thế, anh em Người không tin vào Người… Tuy nhiên, khi anh em Người đã lên dự lễ, thì chính Người cũng lên, nhưng không công khai và hầu như bí mật (Gioan 7:2-3, 5, 10).
  • Tất cả các ông đều đồng tâm nhất trí, chuyên cần cầu nguyện cùng với mấy người phụ nữ, với bà Maria thân mẫu Đức Giêsu, và với anh em của Đức Giêsu (Cvtđ 1:14).
  • Phải chăng tôi không có quyền đem theo một người chị em tín hữu như các tông đồ khác, như các anh em của Chúa và như ông Kêpha ? (1Cor 9:5)
  • Tôi đã không gặp một vị Tông Đồ nào khác ngoài ông Giacôbê, người anh em của Chúa (Galát 1:19).
Một vài nhận định chung về nhóm người này: 1) họ hay được nhắc đến bên cạnh Đức Maria; 2) không được xác định là con của Đức Maria; 3) không đồng hóa với thành phần được gọi là Tông đồ; 4) có vẻ chống đối hoặc ít là không tin, không hiểu việc làm của Chúa Giêsu; 5) nhóm người này ít nhất phải là sáu người trở lên.

II. Ba lối giải thích chính


1. Cùng cha khác mẹ


Được Epiphanius phổ biến vào thế kỷ thứ 4 và cho rằng những người được gọi là anh (chị) em của Chúa Giêsu chính là con của Giuse với người vợ trước đã qua đời. Maccô 6:17 dùng adelphos theo nghĩa này – anh em cùng cha khác mẹ.

a. Thuận lợi

Có chứng từ trong ngoại thư Tân ước Protevangelium Iacobi (vào khoảng thế kỷ 2 CN) và The History of Joseph, the Carpenter, sau đó được Epiphanius là giám mục của Salamis (4 CN) ủng hộ, theo sau là Origen, sử gia Eusebius và thánh Gregorius thành Nyssa.

Lập trường này có vẻ cổ xưa nhất. Theo Protevangelium Iacobi, Đức Maria khi lên ba tuổi, được cha mẹ là thánh Gioankim và Anna dâng vào Đền thờ và Maria ở lại đó. Đến năm Maria 12 tuổi, các tư tế sợ Maria đến tuổi dậy thì sẽ làm ô uế đền thờ nên phải thỉnh ý Chúa muốn thế nào. Sau đó họ được lệnh triệu tập các nam nhân goá vợ để tuyển một người làm chồng Maria, và Giuse đã được trúng tuyển. Khi được lệnh phải tiếp nhận Maria thì Giuse đã từ chối và nói: “Tôi đã có con và tôi lại là một cao niên, còn cô ấy lại là một cô bé” (số 9). The History of Joseph the Carpenter liệt kê con của Giuse với người vợ trước là 4 người con trai: Giuđa, Giustus, Giacôbê và Simon, và 2 người con gái: Assia và Lydia (số 2). Lập trường này được nhiều giáo phụ theo: Hegesippus (180), Clement of Alexandria, Origen, Ambrosius, Eusebius.

b. Khó khăn

Không được Tân Ước chính lục nhắc đến. Khó khăn này không phải là lớn vì ngay chính thánh Giuse cũng không hề được nhắc đến khi Chúa Giêsu hoạt động công khai thì cũng dễ hiểu là lai lịch của thánh nhân cũng không đáng để các tác giả Tin Mừng quan tâm. Thánh Giuse không xuất hiện, và cũng chẳng được nhắc đến bên cạnh Chúa Giêsu cũng có thể hiểu là có lẽ thánh nhân đã qua đời khi Chúa Giêsu còn nhỏ và cứ tính trung bình tuổi thọ của nam nhân Do Thái thời ấy là 45, vậy có lẽ cũng hợp với lập trường cho rằng khi thánh Giuse hứa hôn với Đức Maria thì ngài đã lớn tuổi rồi!

Nếu Chúa Giêsu là con thứ của thánh Giuse, thì Chúa Giêsu không phải là trưởng nam và như vậy không thể được gọi là con Đavít theo đúng nghĩa. Tuy nhiên, trong lịch sử đã có những người con trưởng nhưng không có quyền thừa kế. Để giải thích quyền trưởng nam của Chúa Giêsu theo dòng tộc Đavít, có người còn nghĩ Alphêô, là anh họ của Giuse, lấy một người tên là Maria nhưng chết mà không có con. Theo luật Môsê, Giuse, là goel của Alphêô, lấy Maria để có con nối dõi cho anh mình và Giacôbê là con lớn của Maria và Giuse nhưng lại có quyền thừa kế của Alphêô. Tuy nhiên, không có dữ kiện nào chắc chắn để ủng hộ cho lối giải thích này. Có người lại nghĩ Clôpát là anh em của Giuse, cũng có vợ tên là Maria, Simon và Giuđa là con của hai người này. Điều này cũng mơ hồ, không có chứng từ cụ thể.

Khó khăn lớn nhất đối với lối giải thích này chính là Matt 27:56 và Maccô 15:40. Nơi đây, Matthêu và Maccô nói Giacôbê và Giôxép là con của bà Maria, như vậy bà Maria này vẫn còn sống cho đến lúc ấy! Bà Maria này chắc chắn không phải là Đức Trinh Nữ Maria, mẹ của Chúa Giêsu, bởi vì cách hành văn và văn mạch không cho phép hiểu như thế. Trừ khi ai đó có thể chứng minh ngược lại anh em Giacôbê và Giôxép nói đến ở đây không phải là cặp được nhắc đến trong Matt 12:55 và Maccô 6:3, thì chúng ta phải tin rằng đây là một cặp anh em chứ không phải hai; và như vậy, hiển nhiên là bà Maria, mẹ của hai anh em này vẫn còn sống và là một trong những người phụ nữ chứng kiến cảnh Chúa Giêsu trút hơi thở cuối cùng.

2. Anh chị em ruột: Được Helvidius (4 CN) đề xướng và hình như có Tertullius ủng hộ


a. Thuận lợi

Danh từ adelphos được hiểu theo nghĩa đen.

Cách giải thích này có vẻ phù hợp với Luca 2:7 nói về Chúa Giêsu là con đầu lòng của Đức Maria, và Matthêu 1:25 nói rằng Giuse không có tri giao vợ chồng với Maria cho đến khi bà sinh con trai.

Thêm vào đó, nhóm người này được nhắc đến khi Chúa Giêsu họat động công khai, như thấy trong Matt 13:55-56; Maccô 6:3 và họ lại thường xuất hiện bên cạnh Đức Maria (Matt 12:46-50; Maccô 3:31-35; Luca 8:19-21; Gioan 2:12; Cvtđ 1:14).

b. Khó khăn

Nhóm người này chỉ được nhắc là anh (chị) em của NGƯỜI, và không bao giờ được nói là con của Đức Maria – kể cả Tân ước chính lục lẫn ngoại thư. Hơn nữa, adelphos cũng có nghĩa là anh em họ, kể cả những người đồng đạo hoặc đồng chủng tộc, như đã nói ở trên.

“Bà (Maria) sinh Con Đầu Lòng” (prôtotocos Luca 2:7). “Con Đầu Lòng” là một đặc ngữ rất ít được dùng ngoài Kinh Thánh và không hề thấy trong văn chương Hy Lạp xuất hiện trước bản Bảy Mươi (LXX: là bản dịch sang tiếng Hy Lạp từ Kinh Thánh Cựu Ước Do Thái vào thế kỷ thứ 3 trước Công Nguyên). Đặc ngữ này không nhất thiết mang ý nghĩa là người con “đầu tiên” trong số nhiều người con. Đôi khi để phân biệt rõ ràng, tính từ monogenes (con duy nhất) được thêm vào sau prôtotocos (2 Esdra 6:58). Trong bản Bảy Mươi, đặc ngữ này được dùng khoảng 130 lần để dịch chữ Do Thái bekôr (con đầu lòng, Stk 35:23). Đối với người Do Thái thời Cựu ước, “con đầu lòng” không hàm ý phân biệt với những người “con thứ” sẽ sinh ra, nhưng muốn nhấn mạnh là không có người con nào đã được sinh ra truớc người con này và người con đầu tiên này sẽ được tất cả các đặc ân và tước vị của người con trưởng theo luật Môsê đồng thời người con này sẽ lãnh nhận một nghi thức thánh hiến đặc biệt. Và điều này đã được thánh Giuse và Đức Maria tuân thủ trong Luca 2:22-23: “Khi đã đến ngày lễ thanh tẩy của các ngài theo luật Môsê, bà Maria và ông Giuse đem con lên Giêrusalem, để tiến dâng cho Chúa, như đã chép trong Luật Chúa rằng: ‘Mọi con trai đầu lòng phải được gọi là của thánh, dành cho Chúa.’” Vào đầu thập niên 1920, các nhà khảo cổ tìm được một bia mộ của một người phụ nữ tên Arsinoe khoảng năm thứ 5 trước Công Nguyên với hàng chữ như sau: “Khi chuyển bụng và hạ sinh người con đầu lòng, định mệnh đã kết liễu đời tôi.” Vì thế, sinh “con đầu lòng” không nhất thiết hàm ý là sẽ sinh “con thứ” cũng giống như sinh “con trai” không nhất thiết hàm ý sẽ sinh “con gái”!

“Ông (Giuse) không biết [tri giao vợ chồng với] bà (Maria) cho đến khi bà sinh một con trai thì ông đặt tên cho cậu là Giêsu” (Matt 1:25). “Cho đến khi” là một liên từ thời gian, những người chủ trương Chúa Giêsu có anh chị em ruột đã dựa vào liên từ này và kết luận rằng thánh Giuse không có tri giao vợ chồng với Đức Maria cho đến khi bà hạ sinh mà thôi, và đã có tri giao vợ chồng với bà sau đó. Cha Hoàng Đắc Ánh, O.P., trong sách Chú Giải Tin Mừng Matthêô, có liệt kê những điểm đáng chú ý sau đây: i/ về mặt lịch sử, Tân Ước không nói gì về việc ấy, truyền thống cũng vậy; ii/ về mặt ngữ nghĩa, từ “anh em” trong Thánh kinh, như ở Mt 12:46, cũng có nghĩa là họ hàng (xem St 13,8; 14,16; 29,15; Lv 10,4), chứ không luôn luôn phải có nghĩa là anh em ruột; iii/ về mặt văn chương, liên từ hêos không có nghĩa “cho đến khi... mà thôi”; chẳng hạn: Tv 110:1: “Đức Chúa phán cùng Chúa Thượng tôi :”Bên hữu Cha đây, Con lên ngự trị, cho đến khi bao địch thù, Cha sẽ đặt làm bệ dưới chân con”; Stk 28:15: “Ta (Đức Giavê) sẽ không bỏ ngươi (Giacóp) cho đến khi Ta hoàn thành điều Ta đã phán”; 2Sm 6:23: “Và bà Mikhan, con gái vua Saun, không có con cho đến ngày cô chết”; Mt 28:20: “Thầy ở cùng anh em mọi ngày, cho đến khi thế giới tàn cuộc”. Những câu này không thể hiểu là sau đó thì hành động của câu chính không còn nữa; nhưng phải hiểu ngược lại! Nói một cách tổng quát: trong những câu có từ Hy Lạp “hêos” (cho đến khi), tác động nhấn mạnh vào giai đoạn trước; và trong giai đoạn sau, tác động có thể ngưng, nhưng cũng rất có thể vẫn tiếp tục. Thêm vào đó, động từ biết được dùng ở thì imperfect, diễn tả một hành động chưa hoàn tất và con kéo dài trong tương lai.

Cho rằng lập trường này (được khởi sự từ thế kỷ thứ 4) là sớm, vậy thì cách hiểu trong Kinh Thánh Tân Ước lại chẳng sớm hơn nhiều lắm sao! Trình thuật Truyền Tin trong Luca có một câu quan trọng mà chúng ta cần đề cập, đó là câu hỏi của Đức Maria: “Việc ấy sẽ xẩy ra cách nào, vì tôi không biết đến người nam [việc vợ chồng]!” (Luca 1:34). Đây là lời tuyên bố dựa trên sự kiện đã xẩy ra chứ không phải là một lời tiên tri. Một thiếu nữ đã hứa hôn (Luca 1:27) tất nhiên phải hiểu là mình sẽ có tri giao vợ chồng với vị hôn phu trong tương lai; thế mà Maria lại khẳng định là mình không biết đến người nam [việc vợ chồng] – và động từ biết lại được sử dụng ở thì hiện tại, dùng để diễn tả một sự kiện thường xuyên xẩy ra trong hiện tại và kéo dài đến tương lai nữa.

Điểm quan trọng hơn cả là sự kiện được kể lại trong Gioan 19:25. Nếu Chúa Giêsu có em thì tại sao lúc sinh thì, ngài lại trao phó Mẹ mình, Đức Maria, cho người môn đệ ngài yêu!

Vì những lý do kể trên, “anh (chị) em” của Chúa Giêsu không thể là anh chị em ruột được.

3. Anh em họ: Do thánh Jerome khởi xướng từ thế kỷ 4


a. Thuận lợi

Thánh Jerome khi viết chống lại Helvidius, người cho rằng Chúa Giêsu có anh chị em ruột, đã giải thích liên hệ của những người phụ nữ được nhắc đến trong Gioan 19:25 và dựa trên liên hệ này, thánh nhân hiểu adelphos của Chúa Giêsu chính là những người anh chị em họ.

Cách hiểu này đã được Giáo hội Công giáo từ thế kỷ thứ 4 chấp nhận cách tổng quát cho đến nay. Như vậy, Đức Maria đã thụ thai Chúa Giêsu do quyền năng Chúa Thánh Thần mà vẫn đồng trinh và đặc ân đồng trinh này tồn tại với Đức Maria cho đến trọn đời. 

Lý luận của thánh Jerome có thể tóm tắt như sau: Có hai trong số 12 tông đồ mang tên Giacôbê, một là con của Dêbêđê và một là con của Alphêô. Giacôbê, anh em của Chúa cũng là giám mục thành Giêrusalem hoặc là một trong nhóm Mười Hai hoặc là không. Nếu là một trong nhóm Mười Hai thì ông phải là con của Alphêô bởi lẽ con của Dêbêđê đã bị Hêrôđê giết trước khi công đồng Giêrusalem nhóm họp (Cvtđ 12:2). Nếu không phải là một trong nhóm Mười Hai, thì phải có ít nhất 3 nhân vật quan trọng trong Giáo hội sơ khai mang tên Giacôbê. Nếu là thế thì làm sao giải thích được tính từ “hậu” (minor: nhỏ, trẻ hơn, thứ) trong Maccô 15:40 bởi vì xét theo tiếng Latin, minor hàm ý so sánh giữa hai đối tượng và chỉ có hai đối tượng mà thôi. Thêm vào đó, thánh Phaolô nói trong Gal 1:19 rằng ngài “không gặp một tông đồ nào khác ngoài Giacôbê, anh em của Chúa,” vì vậy, Giacôbê anh em của Chúa này phải là một trong nhóm Mười Hai. Và như thế, ông phải là Giacôbê con của Alphêô. Nếu là con của Alphêô, tại sao Giacôbê lại được gọi là anh em của Chúa Giêsu ? Thánh Jerome dùng ba bản văn, hai của Nhất Lãm (Matt 13:55 = Maccô 6:3 và Matt 27:56 = Maccô 15:40) và một của Gioan (19:25) để tìm ra chân tướng của Giacôbê này. Theo hai bản văn Nhất Lãm, chúng ta biết được có một cặp anh em là Giacôbê và Giôxép (Matt 13:55 = Maccô 6:3) và hai anh em này có bà mẹ tên Maria (Matt 27:56 = Maccô 15:40). Mà Giacôbê này là con của Alphêô, vậy bà Maria này là vợ của Alphêô! Theo Gioan 19:25, chúng ta có chi tiết sau đây: “Đứng ở gần thập giá của Chúa Giêsu, có Mẹ của người và chị của Mẹ người, Maria của Clôpát và Maria Mácđala.” Vậy, Maria của Clôpát là vợ của Alphêô và là mẹ của Giacôbê và Giôxép, đồng thời cũng là chị của Đức Trinh nữ Maria; như vậy, Giacôbê này chính là anh em họ của Chúa Giêsu.

Alphêô và Clôpát: Thánh Jerome không có câu trả lời cho vấn nạn tại sao Alphêô trong Nhất Lãm lại được gọi là Clôpát trong Gioan. Tuy nhiên, John McHugh trong sách The Mother of Jesus in the New Testament, có chi tiết về cách viết tên Alphêô và Clôpát từ tiếng Aram sang Hy Lạp ủng hộ cho thánh Jerome. Tiếng Aram là một ngôn ngữ chỉ được viết với phụ âm. Tên của nhân vật này gồm có 4 phụ âm: HLPY. Chữ H khi được xem là H câm, thì chúng ta còn LPY và có thể chuyển tự sang Hy ngữ là Alphaeus. Nếu H không câm và là âm cứng thì có thể chuyển tự sang Hy ngữ bằng K hoặc C, như vậy đôi khi chúng ta có Klopas hoặc Clopas.

Thánh giáo phụ Chrysostom, khi chú giải thư Galát 1:19 có nói Giacôbê này là con ông Clôpát và thánh nhân chỉ nói đến điều đó như là một sự kiện mà không giải thích gì thêm cả (Chrysostom, MG 61.632). Giáo phụ Theodoret khẳng định rằng Giacôbê này không phải là anh em ruột với Chúa Giêsu, không phải là con tự nhiên của Giuse, nhưng là con của Clôpát và mẹ của Giacôbê là chị em của Đức Maria (Theodoret, Chú Giải Thư Galát 1: 19; MG 82. 468). Có lẽ hai vị này bị ảnh hưởng của thánh Jerome.

b. Khó khăn

Nếu cho rằng mẹ của Giacôbê là bà Maria vợ ông Clôpát, và bà này cũng là chị của Đức Maria, chúng ta sẽ có hai chị em ruột mang cùng một tên – điều này hơi khó giải thích trong xã hội Do Thái thời ấy.

Cho rằng chị của Đức Maria là bà Maria vợ ông Clôpát, tức là phải hiểu chỉ có ba phụ nữ trong Gioan 19:25, và cả ba đều mang tên Maria! Cha Lagrange, O.P., trong sách chú giải Tin Mừng Gioan hiểu ở đây có bốn người phụ nữ: Mẹ của Chúa Giêsu, chị của Mẹ Người, bà Maria vợ ông Clôpát và bà Maria Mácđala. Câu Gioan 19:25 dịch sát theo cấu trúc của bản văn Hy Lạp sẽ như sau: “Đứng ở gần thập giá của Chúa Giêsu, có Mẹ của Người và chị của Mẹ Người, Maria của Clôpát và Maria Mácđala.” Theo đó, Mẹ của Người được liên kết với chị của Mẹ Người bằng liên từ VÀ; Maria (vợ) của Clôpát được liên kết với Maria Mácđala bằng liên từ VÀ. Như vậy, tác giả Tin Mừng Gioan nhóm hai cặp phụ nữ này lại với nhau bằng liên từ VÀ, cặp thứ nhất không được nêu tên nhưng có liên hệ ruột thịt, cặp thứ hai được nêu tên nhưng không có liên hệ ruột thịt. Như thế, có bốn phụ nữ, ba người mang tên Maria và chị của Đức Maria không được nêu tên. Việc phân chia từng cặp hai người một với liên từ VÀ cũng được thấy trong Matt 10:3-5, khi tác giả liệt kê danh sách các Tông đồ. Nếu lối giải thích này là đúng, thì Maria của ông Clôpát chắc chắn không phải là chị ruột của Đức Maria và bà Maria mẹ của Giacôbê và Giôxép (Matt 27:56; Maccô 15:40) chưa chắc đã là chị ruột của Đức Maria!

Thánh Jerome nhận rằng lối giải thích này là của riêng thánh nhân và không có giáo phụ nào trước đó có lập trường này (Lives of Illustrious Men, chương 2).

Hegesippus (khoảng năm 180 CN) có viết 5 quyển ký sự – nhưng đã bị thất truyền – được sử gia Eusebius trích dẫn nhiều lần. Theo Hegesippus, Simon là giám mục thành Giêrusalem kế vị thánh Giacôbê. Simon và Giuđa là con của ông Clôpát và Clôpát là chú của Chúa Giêsu vì là anh em của thánh Giuse.

III. Nhận định


1. Lời chứng của Giacôbê và Giuđa


Khởi đầu thư Giacôbê có viết: “Tôi là Giacôbê, tôi tớ của Thiên Chúa và của Chúa Giêsu Kitô” (Giacôbê 1:1). Bình thường, khi một người tự xưng là “tôi tớ của Chúa Giêsu Kitô”, thì chúng ta hiểu liên hệ của người ấy với Chúa Giêsu sẽ như thế nào ? Có thể nào họ là anh em ruột hay không ? Ngày nay nhiều học giả Kinh Thánh không nhận tác giả lá thư này là Giacôbê tông đồ, con ông Alphêô; nhưng tất cả đều công nhận tác giả là Giacôbê, anh em của Chúa và cũng là giám mục tiên khởi thành Giêrusalem. Cho đến khi có bằng chứng rõ ràng và cụ thể phân biệt hai Giacôbê này, cá nhân tôi vẫn nhận Giacôbê anh em của Chúa và Tông đồ Giacôbê Hậu, con của Alphêô và tác giả của thư này là một nhân vật.

Lời chứng của Giuđa trong lá thư mang tên ông còn mạnh hơn: “Giuđa, tôi tớ của Đức Giêsu Kitô, anh em của Giacôbê” (c.1). Giacôbê tự xưng là tôi tớ của Thiên Chúa và của Đức Giêsu Kitô, còn Giuđa thì tự xưng là tôi tớ của Đức Giêsu Kitô chứ không dám xưng mình là tôi tớ của Thiên Chúa. Cứ tự nhiên, chúng ta phải hiểu liên hệ giữa tác giả của thư Giuđa với Chúa Giêsu như thế nào ? Nếu là em ruột thì Giuđa đã không dùng lối xưng hô như thế. Thêm vào đó, Giuđa này tự nhận mình có liên hệ anh em với Giacôbê. Mà theo Matt 13:55 = Maccô 6:3 Giacôbê, Giôxép, Simôn và Giuđa là “anh em của” Chúa Giêsu. Như vậy, ít nhất chúng ta có Giacôbê và Giuđa là anh em với nhau, nhưng họ lại coi là những “tôi tớ” của Đức Giêsu Kitô chứ không dám nhận là anh em của Người.
2. Giuđa của Giacôbê và Simon Nhiệt Thành

Danh sách 12 tông đồ của Luca và Công Vụ các Tông Đồ có một cụm từ đáng cho chúng ta phân tích: “Giuđa … của Giacôbê” (Ioudas Iakôbou Luca 6:16; Cvtđ 1:13). Tên của Giacôbê ở sở hữu cách (genitive) nói lên sự sở hữu của nhân vật này đối với một vật nào đó hoặc một người nào đó. Ngay Luca 6:15, chúng ta có “Giacôbê của Alphêô” và được dịch là Giacôbê con của Alphêô. Đây là lối dịch thông thường. Vì không dùng tên họ, nên khi một tên riêng được quá nhiều người mang, để tránh lầm lẫn, người ta thường thêm tên cha vào sau tên riêng (Maccô 1:19), hoặc tên thành phố nơi người ấy sinh sống (Giêsu Nazareth), và đôi khi tên của mẹ hay của người anh em cũng được dùng thay tên cha. Tuy nhiên, trong xã hội Do Thái thời ấy, nêu lai lịch của một nam nhân mà chỉ nêu danh của người mẹ thì là một sự sỉ nhục đối với nam nhân ấy. Khi một phụ nữ được nêu danh tánh và để tránh lẫn lộn, thông thường tên chồng được nêu lên và đôi khi tên con trai được dùng để thay tên chồng (không nhất thiết là đã quá vãng).

Vậy Giuđa của Giacôbê nên được dịch như thế nào đây ? Nếu dịch là Giuđa anh em của Giacôbê, thì Giacôbê và Giuđa được kể là anh em của Chúa Giêsu trong Matt 13:55 = Maccô 6:3 cũng chính là hai nhân vật được Luca, Matthêu và Maccô kể vào số 12 tông đồ. Tuy nhiên, nếu Giacôbê và Giuđa là hai anh em, tại sao tên của Simon Nhiệt Thành lại được viết xen vào giữa và tách hai anh em này ra (Luca 6:16 và Cvtđ 1:13) đang khi đó trong danh sách 12 tông đồ của Matt 10:3-4 và Maccô 3:18 thì Giuđa lại được viết vào giữa Giacôbê và Simon ? Một là Giuđa phải là con của một nhân vật tên Giacôbê, hai là giữa ba tông đô này: Giacôbê, Simon và Giuđa cũng có liên hệ anh em với nhau. Nếu trở lại danh sách 4 người được gọi là anh em của Chúa trong Matt 13:55 = Maccô 6:3, chúng ta sẽ thấy có ba tên này được nêu lên cùng với một nhân vật tên Giôxép! Vì vậy, xem ra có lý hơn khi hiểu Giuđa của Giacôbê là Giuđa anh em của Giacôbê.
3. Mối liên hệ anh em không trật tự

Như chúng ta đã biết, có những người “anh em” của Chúa Giêsu được nêu tên trong Tân Ước, đặc biệt là trong Matt 13:55 và Maccô 6:3. Khi so sánh hai đoạn văn này, chúng ta thấy họ có một mối liên hệ anh em không trật tự. Matthêu để bốn nhân vật này theo thứ tự sau đây: Giacôbê, Gioxép, Simon và Giuđa; còn Maccô thì xếp: Giacôbê, Giôxê, Giuđa và Simon. Giôxê là lối gọi thân mật tên Gioxép, như vậy đây là cùng một người. Điểm đáng lưu ý là thứ tự giữa Simon và Giuđa không giống nhau trong Matthêu và Maccô. Nếu những người này là anh em ruột, thì họ phải có một thứ tự nhất định mà mọi người dân làng đều biết. Giả như so sánh với thứ tự trong The History of Joseph, the Carpenter (Giuđa, Giustus, Giacôbê và Simon), thì mối giây ràng buộc này còn lộn xộn hơn nhiều! Một mối liên hệ anh em không trật tự như vậy đủ cho thấy họ không thực sự là anh em ruột mà chỉ là anh em họ hay bà con thôi.

Gia đình Do Thái thời đó thường sống quây quần bên nhau trong một đại gia đình – vì vậy, những người được gọi là anh chị em chưa chắc đã là ruột thịt và lại dễ bị người ta nghĩ là ruột thịt. Theo sự nghiên cứu của cha Roland de Vaux, O.P., một gia đình Do Thái bao gồm không chỉ những anh chị em ruột nhưng còn cả những người cùng chung sống trong một mái nhà (Neh 7:4; Stk 7:1, 7; 46:8-26) hay một bộ tộc (Neh 11:4-8; 1Chr 9:4-9). Như thế, “tư gia” trong xã hội Do Thái thời Chúa Giêsu không chỉ bao gồm những anh chị em ruột nhưng còn cả những anh chị em họ hay bà con, và những người anh chị em họ, hay bà con này đều được bà con lối xóm gọi là anh chị em.

Có hai điểm phụ trong văn mạch của Matt 13:55 và Maccô 6:3, tuy khác nhau, nhưng lại chứng tỏ cùng một điểm: Chúa Giêsu có mối liên hệ đặc biệt và duy nhất với Đức Maria và nhóm người được gọi là “anh chị em” của Chúa Giêsu rất là đông và như vậy không thể là cùng một cha mẹ được. Điểm thứ nhất, trong Matt 13:55, những người trong làng đặt câu hỏi: “Chẳng phải người này là con bác thợ mộc sao ? Mẹ của anh ta chẳng được gọi là Maria sao ?” Một câu hỏi về lai lịch của Chúa Giêsu hàm hồ như thế, chắc chắn là mối liên hệ anh em giữa Giacôbê, Gioxép, Simon và Giuđa cũng không được họ hiểu biết tinh tường! Maccô 6:3 có thể được dịch như sau: “Người này chẳng phải là bác thợ mộc, người con trai của bà Maria và một người anh em của Giacôbê, của Gioxép, của Giuđa, của Simon sao ?” Chúng tôi dùng chữ người để tạm dịch mạo từ xác định ho của Hy ngữ và một người anh em để chuyển ý của adelphos không có mạo từ xác định đi kèm. Dân làng khi dùng cách này để hỏi nhau đã cho thấy họ biết Maria chỉ có một người con trai và người con trai này của bà là một người anh em của bốn người được nêu tên đó. Nếu Đức Maria chỉ có một người con trai, thì đương nhiên liên hệ anh em với những người khác là liên hệ không phải máu mủ. Điểm thứ hai, Matt 13:56 ghi nhận: “Và chị em của người, tất cả không phải ở với chúng ta sao ?” “Tất cả” là tính từ chỉ về một số đông người. Maccô 6:4 thì viết: “Đức Giêsu nói với họ: ‘Ngôn sứ có bị rẻ rúng, thì cũng chỉ là ở chính quê hương mình, hay giữa bà con thân thuộc, và những người trong nhà mà thôi.” Mặc dù đây là một châm ngôn, nhưng cụm từ “bà con thân thuộc” nói lên một số người không phải là nhỏ. Và ai là “những người trong nhà” ? Như chúng ta đã biết, gia đình người Do Thái thời ấy là một đại gia đình chứ không phải một tiểu gia đình.
4. Những phụ nữ dưới chân thập giá

Trong số những người chứng kiến cảnh Chúa Giêsu chịu khổ hình thập giá, ngoại trừ Đức Maria, Mẹ của Chúa Giêsu, thì có khoảng 3 phụ nữ khác được nêu tên trong các Tin Mừng. Matt 27:56 có: Maria Mácđala, Maria mẹ của Giacôbê và Gioxép và mẹ của những người con ông Dêbêđê; Maccô 15:40 có: Maria Mácđala, Maria mẹ của Giacôbê và Giôxê, và bà Salômê; Luca 24:10 có: Maria Mácđala, Maria mẹ của Giacôbê và bà Gioanna; Gioan 19:25 có: Maria Mácđala, Maria của Clôpát và chị của Mẹ của Chúa Giêsu. Maria Mácđala được cả 4 thánh ký ghi nhận. Maria mẹ của Giacôbê trong Luca cũng là Maria mẹ của Giacôbê và Gioxép trong Matthêu và Maccô. Bà Maria của Cleôpát trong Gioan có phải là bà Maria, mẹ của Giacôbê và Gioxép trong Matthêu và Maccô không ? Nếu hai Maria này là cùng một người và theo lời chứng của Hegesippus rằng Clôpát là anh của thánh Giuse, vậy Giacôbê và Gioxép là anh em con chú con bác với Chúa Giêsu. Bà Gioanna chỉ được nhắc đến trong Lucca mà thôi, bà là vợ của ông Khuda, quản lý của Hêrôđê (Lucca 8:3) nên không thể là bà Salômê được nhắc đến trong Maccô 15:40. Trong Gioan, chúng ta còn một phụ nữ nữa, đó là bà chị của Mẹ Chúa Giêsu; và trong Matthêu chúng ta cũng có một phụ nữ nữa, đó là bà mẹ của các con ông Dêbêđê. Nếu hai phụ nữ này là một và có tên là Salômê như được Maccô 15:40 nói thì sao ? Chúng ta sẽ có Giacôbê và Gioan (con ông Dêbêđê) là anh em con cô con dì với Chúa Giêsu! Điều này thật là tuyệt vời vì Gioan là môn đệ được Chúa Giêsu yêu thương cách đặc biệt và việc Ngài trao phó Mẹ mình cho Gioan, người gọi Đức Maria là dì thì thật là hữu lý vậy. Chẳng phải chính bà mẹ này đã hỏi xin Chúa Giêsu cho anh em này được những đặc ân riêng đó sao (Matt 20:20) ?
5. Đời sống độc thân và trinh khiết

Có người cho rằng sống độc thân hoặc giữ mình đồng trinh là điều không hề xẩy ra trong những người Do Thái ngoan đạo vì lời khuyên: “Hãy sinh sôi nẩy nở thật nhiều, cho đầy mặt đất” (Stk 1:28). Nghĩ như vậy là sai, bởi vì việc người nam sống độc thân và người nữ giữ trinh tiết để phụng sự Thiên Chúa không phải là điều không thấy thực hành nơi người Do Thái vào thời Chúa Giêsu. Pliny Già (chết năm 79 sau CN) đã ghi nhận có một nhóm người được gọi là Essenes sống đời sống cộng đoàn như một dòng tu ở phía Tây của Biển Chết. Ông rất ngạc nhiên khi hay rằng họ chọn đời sống chay tịnh, độc thân và nghèo khó (Natural History 5.17), ông còn cho rằng không người Essene đàn ông nào có vợ cả (Hypothetica 11.14-17). Và Philo thành Alexandria (sống vào khoảng từ năm 30 trước CN đến năm 45 sau CN) có cung cấp cho chúng ta những chi tiết về cộng đoàn những người Therapeutae cùng với đời sống độc thân và trinh khiết của họ. Những phụ nữ, phần đông là những cô gái giữ trinh tiết không phải vì cần thủ tiết như các nữ giáo sỹ người Hy Lạp – những người bị bắt buộc phải giữ đời sống thanh sạch mà không do lòng tự nguyện của họ – nhưng vì họ ngưỡng mộ và yêu thích sự khôn ngoan mà vì lòng yêu mến sự khôn ngoan này, họ dửng dưng với những thú vui thể xác và mong ước không phải dòng giống hay chết nhưng là dòng giống bất tử. Chính sử gia Josephus, người Do Thái cũng đã từng sống trong cộng đoàn Essenes một thời gian, ông kể lại như sau: Khi tôi lên 16 tuổi, tôi đã quyết định tìm sống thử với một số giáo phái hoạt động giữa chúng tôi. Có tất cả ba bè phái: Nhóm thứ nhất là nhóm Pharixi, nhóm thứ hai là nhóm Saduxi và nhóm thứ ba là nhóm Essini… Và khi tôi nghe nói đến ông Banô, sống trong sa mạc, không dùng quần áo gì khác hơn lá cây, không ăn gì khác ngoài rau cỏ, thường xuyên dìm mình trong nước lạnh, ngày cũng như đêm, ngõ hầu giữ cho thân xác được trinh nguyên, thì tôi đã bắt chước ông trong tất cả những thực hành này. Chúa Giêsu trong Matt 19:12 cũng ủng hộ lập trường độc thân phục vụ Thiên Chúa và cả thánh Phaolô trong 1Cor 7:32-35 cũng cùng một lập trường. Điều này cho thấy việc chọn lựa sống độc thân tự nguyện để phụng sự Thiên Chúa không phải là điều gì xa lạ hay cấm kỵ vào thế kỷ thứ nhất. Trong sách Luật của Cộng đoàn tại Qumran, gần Biển Chết, phụ nữ và con nít không bao giờ được nhắc đến; thêm vào đó, một số ngôi mộ được chọn để khai quật trong khu nghĩa trang của cộng đoàn này cho thấy dấu hiệu những nam nhân sống trong cộng đoàn này sống đời độc thân.

Kết Luận


Nếu cho rằng “Giacôbê, anh em của Chúa” (Gal 1:19) không phải là Tông đồ Giacôbê, con Alphêô thì tại sao ông lại được tín nhiệm và trao phó trọng trách làm giám mục cộng đoàn tiên khởi tại Giêrusalem; bởi vì nhóm “anh chị em” của Người có thành kiến rất nặng với Chúa Giêsu khi Ngài hoạt động công khai. Họ cho là Ngài mất trí (Maccô 3:21) và không tin vào Ngài (Gioan 7:3). Làm sao những người hoài nghi Ngài như vậy lại thấm nhuần đạo lý của Chúa Giêsu thâm sâu như vậy và lại được cộng đoàn tín hữu thời sơ khai đột nhiên tín nhiệm nhiều như thế! Do đó, tôi đồng ý với thánh Jerome, “những người anh chị em” của Chúa Giêsu chính là những người anh chị em họ của Ngài. Nhưng xin được sửa lại một chút bởi vì những người anh em của Chúa hoặc họ là con của Maria và Clôpát, anh em của thánh Giuse, hoặc họ là con của ông Dêbêđê và bà Salômê chị của Đức Trinh nữ Maria.