Thứ Ba, 29 tháng 11, 2022

SỰ SỐNG VÀ VẤN ĐỀ DÂN SỐ

Thời sự Thần học - Số 3, tháng 06/2008, tr. 54-66.

_Phanxicô X. Trần Kim Ngọc 🙍 


Con người ngày nay đang đối diện với nhiều vấn đề nan giải, một trong những vấn đề đó là dân số. Vấn đề tăng giảm dân số của thế giới đang đặt con người trước những lo lắng. Khi dân số tăng, con người cố tìm mọi biện pháp để hạn chế sinh sản, ngõ hầu giúp nhân loại phát triển cũng như có đủ những nhu cầu cần thiết cho một cuộc sống sung túc hơn. Nhưng khi dân số giảm (như tại Au Châu), con người lại có một mối lo khác. Những thay đổi về cơ cấu dân số tự nhiện trong những thập niên vừa qua cho chúng ta thấy rõ những mặt yếu kém khởi đi từ chính sách kế hoạch hóa gia đình không phù hợp với luân lý và trật tự tự nhiên. Điều này sẽ ảnh hưởng đến nhiều lãnh vực của cuộc sống con người. Rồi đây, con người sẽ khó lường hết những tác động xấu do những chính sách dân số đó gây ra. Thực tế cho chúng ta biết dân số không phải là nguyên nhân chính gây ra đói khát hay thiếu thốn lương thực cho nhân loại mà là những vấn đề khác.

Bài này cùng suy tư về Sự sống và Vấn đề dần số

1. Dân số tăng


Dân số thế giới đã và đang không ngừng gia tăng. Việc gia tăng dân số đặt ra cho các tổ chức, các nhà hữu trách và các quốc gia nhiều vấn đề xã hội nan giải, không dễ gì giải quyết một cách nhanh chóng và ổn thỏa trong một sớm một chiều. Người ta cho rằng yếu tố dân số ảnh hưởng rất lớn đến sự hưng thịnh và tồn vong của một nền kinh tế. Dân số đã từng là nỗi ám ảnh của rất nhiều quốc gia trong những thập niên cuối cùng của thế kỷ XX. Từ thập niên năm mươi cho đến thập niên chín mươi của thế kỷ XX, người ta lo tìm mọi cách để hạn chế sinh sản, hầu giúp con người thoát khỏi cảnh nghèo nàn và lạc hậu. Tỷ suất sinh sản của một đất nước có ảnh hưởng đến mức sống của người dân nước đó. Theo báo cáo của Liên Hiệp Quốc, với tốc độ gia tăng như hiện nay, thì đến năm 2050, dân số thế giới sẽ đạt tới 9,1 tỷ người, tăng lên 40% so với số dân hiện tại là 6,5 tỷ người.[1] Dân số tại các nước đang phát triển sẽ tiếp tục bùng nổ, còn tại các nước đã phát triển sẽ giữ mức 1,2 tỷ người.[2] Hoặc với tốc độ gia tăng ấy thì đến năm 2030, Ấn Độ sẽ vượt lên trên Trung Quốc để trở thành nước có số dân đông nhất thế giới. Trong vòng năm mươi năm qua, thế giới đã nỗ lực để kìm hãm sự gia tăng dân số, nhưng dân số vẫn không ngừng tăng lên.[3] Việc gia tăng dân số sẽ kéo theo một số hậu quả có ảnh hưởng đến cuộc sống của nhiều người.

a. Tình trạng đói nghèo


Một thực tế mà ai cũng thấy được là nước nào có tỷ lệ tăng dân số nhanh thì nước đó không tránh khỏi cái đói nghèo. Cái đói nghèo hình như là tỷ lệ thuận với việc tăng dân số, quốc gia nào càng nghèo thì dân số tăng càng nhanh và mạnh. Quốc gia nào càng có tỷ lệ tăng dân số cao thì lại càng thêm đói nghèo. Theo báo cáo của Liên Hiệp Quốc, đến năm 2050, dân số của năm mươi quốc gia nghèo nhất thế giới sẽ tăng lên gấp đôi, trong đó Afganistan, Chad và Đông Timor sẽ tăng lên gấp ba.[4] Cho đến đầu thế kỷ XXI, Châu Phi vẫn là châu lục có tỷ lệ tăng dân số cao nhất và cũng là nơi đói nghèo nhất, tuổi thọ của người dân giảm xuống rất nhanh từ 62 tuổi vào năm 1995 xuống thấp còn 48 tuổi trong giai đoạn 2000-2005,[5] có số người bị nhiễm hiv/aids cao nhất thế giới với đà lây lan rất nhanh.[6]

Theo báo cáo của FAO, tình trạng nghèo đói trên thế giới đang có khuynh hướng gia tăng. Hiện nay, trên thế giới có khoảng 842 triệu người bị đói, trong đó chủ yếu là tại các nước đang phát triển và nhất là ở Trung và Tây Phi.[7] Cũng theo tổ chức này, tình trạng thiếu lương thực sẽ ngày càng trầm trọng hơn.[8]

b. Tình trạng bất công


Cái đói nghèo thường kéo theo nhiều vấn đề xã hội khác, nhất là vấn đề bất công. Đúng là “bần cùng” thường “sinh đạo tặc”. Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới, chúng ta thấy rõ rằng nơi đâu đói nghèo thì ở đó thường có nhiều bất công, quốc gia nào càng nghèo thì quốc gia đó càng có nhiều tham nhũng, bạo lực và trộm cướp.[9] Những quốc gia nghèo thì chính quyền không đáp ứng những nhu cầu bức thiết và công cộng của người dân. Các quyền căn bản của con người khó được đảm bảo: học hành, đi lại, tiền công, y tế … và tất nhiên sẽ nảy sinh nhiều vấn đề bất ổn trong xã hội.

c. Mù chữ


Hậu quả của đói nghèo thường là nạn mù chữ. Sống trong cảnh nghèo thì người dân lấy tiền đâu mà học hành. Khi không biết chữ, người dân càng khó trốn thoát cảnh nghèo đói. Do đó, cái nghèo với nạn mù chữ sẽ làm cho đời sống con người ngày càng bi thảm, không có lối thoát. Mặc dù trong những năm gần đây, người ta đã cố gắng hết sức để phổ cập giáo dục, nhưng con số người mù chữ đang ở mức rất cao với 600 triệu phụ nữ và 320 triệu đàn ông.[10] Những người không biết chữ và nghèo đói thường là những người thiệt thòi nhất, họ không được tiếp xúc với những thành quả của khoa học kỹ thuật, không được hưởng dùng những tiện nghi của thời đại, không được tiếp xúc với tri thức và văn minh của nhân loại.

2. Dân số giảm


Châu Á và Châu Phi có tỷ lệ tăng dân số nhanh, thì ngược lại dân số các nước Châu Âu lại giảm xuống đáng báo động. Điều mà các quốc gia Tây Âu lo lắng không phải là sự gia tăng dân số, sự nghèo đói và nạn mù chữ, nhưng là vấn đề giảm dân số. Việc tăng dân số là nguyên nhân của nhiều vấn đề. Ngược lại, việc giảm dân số cũng là nguyên nhân của nhiều vấn đề xã hội khác. Với cái đà giảm dân số như hiện nay tại các quốc gia Châu Âu, thì không biết hai mươi hoặc ba mươi năm nữa lục địa này sẽ như thế nào. Đây đang là bài toán nan giải đối với các quốc gia Châu Âu.

Việc dân số giảm chắc chắn có liên quan đến tình trạng lão hóa, lao động và các vấn đề an sinh khác: "Những thay đổi về mức tăng trưởng dân số đã đặt ra nhiều câu hỏi trong giới các chuyên gia. Ví dụ, làm cách nào các nước công nghiệp hóa có thể đáp ứng nhu cầu của các thành phần dân số đang già nua tại các nước này, đặc biệt trong điều kiện số người trong độ tuổi làm việc lại giảm bớt?”[11]

“Điều ngạc nhiên là các nước ít phát triển hơn cũng đi theo xu hướng này. Với tỷ lệ sinh là 1,3 đứa trẻ mỗi phụ nữ, Nhật Bản sẽ mất 1/4 trong số 127 triệu dân trong 4 thập kỷ tới. Và khi tỷ lệ sinh ở Trung Quốc đã giảm từ 5,8 năm 1970 xuống còn 1,8 hiện nay, một thế hệ dân số Trung Quốc sẽ già đi. Dự kiến đến năm 2015, dân số Trung Quốc sẽ già hơn nước Mỹ (tính từ tuổi 44). Vào năm 2019 hoặc sau đó, dân số Trung Quốc sẽ lên đến đỉnh là 1,5 tỷ và sau đó sẽ giảm mạnh. Đến giữa thế kỷ này, Trung Quốc có thể mất 20-30% dân số mỗi thế hệ.”[12]

Điều đáng nói là càng nghèo thì người ta sinh con càng nhiều. Trái lại, càng giàu thì người ta lại ngại sinh con và có sinh con thì cũng rất ít.[13]

a. Tuổi già


Trong vài thập niên gần đây, ở các nước Châu Âu, người ta chỉ thấy có nhiều người già, nhiều người về hưu. Những người già này về hưu thì trách nhiệm xã hội cũng không phải là nhỏ: phải lo nơi ăn chốn ở, chăm sóc sức khỏe và các dịch vụ khác. Và có lẽ cái đáng sợ nhất đối với thế hệ tuổi già ở các quốc gia Châu Âu là thiếu những người trẻ nối nghiệp, thiếu con cháu chăm sóc.[14] Từ chỗ đó, rất nhiều người già cảm thấy cô đơn khủng khiếp. Cái cô đơn đó đã làm cho đất nước già nua, trì trệ. Chán nản, có người tìm đến với rượu bia hay quậy phá, thậm chí đi lang thang ngoài đường, ngoài phố. Hậu quả là mấy mùa hè gần đây, như ở Pháp có rất nhiều người già chết cô đơn trong cảnh bị bỏ quên ngoài đường phố.[15] Tình trạng lão hóa dân số không chỉ xảy ra ở Châu Âu, rồi đây, Châu Á cũng sẽ phải đối diện với thực tế mà Châu Âu đang phải đối phó.[16]

Theo tiến sĩ Lucy Boyd, viện nghiên cứu ung thư của Anh, việc dân số ngày càng già nua sẽ làm nảy sinh nhiều căn bệnh như ung thư phổi, vú, dạ dày, gan, ruột, tiền liệt tuyến, cổ tử cung và thực quản. Trong vòng ba mươi năm gần đây, tỷ lệ người mắc ung thư vú và phổi đã tăng gấp đôi. Sự thay đổi dân số thế giới là nguyên nhân chính khiến nhiều người mắc những căn bệnh vừa nêu.[17]

b. Thiếu lao động


Ở những đất nước có tỷ lệ sinh đẻ thấp thì người già ngày càng nhiều, trong khi đó người trẻ lại thiếu vắng. Khi những người làm về hưu mà không có người trẻ để nối nghiệp thì công ty, xí nghiệp dần dần phải đóng cửa vì thiếu nhân công, hoặc là phải thuê lao động đắt tiền. Các quốc gia Châu Âu và các nước có nền công nghiệp phát triển đang phải đối diện với một thực tế mà họ không muốn, đó là nạn thiếu nhân công lao động.[18] Việc thiếu lao động trong nước đang làm cho đất nước chậm phát triển. Hầu như không có quốc gia nào hài lòng về một nền kinh tế chậm phát triển. Vì thế, các nước Châu Âu phải nhập khẩu lao động để duy trì phát triển kinh tế, ít ra là ở mức ổn định.[19] Để giải quyết những vấn đề xã hội liên quan đến việc giảm dân số, các quốc gia Châu Âu đã ý thức được việc phải khẩn trương thực hiện chính sách dân số cho phù hợp.[20]

“Nền dân chủ xã hội sẽ không bền vững được nếu không có những người lao động là nguồn kinh phí cho nó. Lý do sâu xa của cái nhìn bi quan về Âu Châu là ở đây. Sinh suất giảm sút có nghĩa là tỉ suất người lao động trên người hưu trí (người trên 60 tuổi) sẽ còn tệ hơn con số 5:1 hiện nay để tụt xuống dưới 2:1 vào năm 2050. Nói như Mark Leonard của Open Society Initiative for Europe: ‘Viễn tượng kinh sợ nhất là một nền kinh tế Châu Âu ngày càng rỗng tuếch với một con số khổng lồ người hưu trí sống bám vào một lực lượng lao động ngày càng ít đi’.”[21]

Mặt khác, lực lượng lao động trên thế giới được phân bổ không đồng đều: nơi thì thừa, chỗ thì thiếu. Các nước Á Phi thì thừa, trong khi đó, các nước phát triển như Mỹ và Tây Âu lại phải đối mặt với tình trạng thiếu lao động, hoặc lao động già nua.[22]

Khi lực lượng lao động thiếu thốn, người ta buộc phải tăng tuổi nghỉ hưu lên, đó là điều đối nghịch với sự tiến bộ của thời đại. Trả lời phỏng vấn, giáo sư Gary Becker, người đã từng được giải Nobel, nói: “Một điều không thể chối cãi là sự giảm sút về dân số là một gánh nặng đối với hệ thống xã hội. Vì thế, người ta buộc phải tăng tuổi nghỉ hưu. Nhật bản đã thực hiện điều đó, ở Nhật tuổi nghỉ hưu bình quân ở đàn ông là 68.”[23]

c. Nguy cơ tuyệt chủng


Mối bận tâm lớn nhất đối với người dân Châu Âu là vấn đề dân số. Người ta đang lo sợ là những người da trắng có nguy cơ sẽ trở thành thiểu số tại lục địa này khi ngày càng có nhiều người da màu, nhất là từ Châu Phi nhập cư vào vùng đất khan hiếm lực lượng lao động. Những người nhập cư là cơ hội cho các nước Tây Âu giữ vững tốc độ phát triển kinh tế, nhưng lại làm cho người da trắng lo sợ. Số người da trắng đang dần dần già nua, ít sinh con và thậm chí không muốn sinh con nữa, thì nguy cơ giống nòi da trắng sẽ trở thành nhóm thiểu số tại lục địa này. Giáo sư Gary Becker đã phát biểu khi trả lời phỏng vấn rằng: “Nếu tỷ lệ sinh đẻ giữ nguyên như hiện nay thì một dân tộc như dân tộc Italia sau năm đến sáu thế hệ sẽ bị tiêu biến.”[24] Nỗi lo tuyệt chủng đang thôi thúc các chính phủ tại các nước giàu có này khuyến khích dân chúng sinh con, ai sinh nhiều con sẽ được chính phủ đài thọ mọi mặt. Dù chính phủ khuyến khích và dành nhiều ưu đãi cho những người sinh con và có nhiều con, nhưng người ta vẫn không muốn có con. Trong khi đó, ở các nước Châu Âu, người dân có dòng máu từ Á và Phi châu đang sinh con ngày càng nhiều. Những năm gần đây, tại Pháp và một số quốc gia Tây Âu đang có khuynh hướng trục xuất người nhập cư, một mặt là sợ người da màu rồi đây sẽ đứng lên thống trị người da trắng, mặt khác, sợ những người da màu rồi đây sẽ trở nên đông đúc và nắm trong tay mọi nguồn lực kinh tế.[25]

3. Giải pháp cho vấn đề dân số


Như vậy, việc phân bổ dân số thế giới quả không đồng đều. Có nhiều nghịch lý trong vấn đề kìm hãm, khuyến khích tăng giảm dân số. Nơi thì sợ dân số bùng nổ, chỗ lại sợ dân số già nua. Nơi này thì hạn chế sinh sản bằng những biện pháp cứng rắn; chỗ khác lại khuyến khích sinh đẻ với nhiều ưu đãi. Chúng ta có thể nói rằng những giải pháp về dân số không phù hợp sẽ ảnh hưởng đến tình hình chung của toàn thể thế giới và tương lai của cả nhân loại. Các nhà lãnh đạo quốc gia phải lo lắng để đáp ứng nhu cầu lương thực của người dân. Người ta sợ rằng, với cái đà tăng dân số như những thập niên gần đây, thì không biết thế giới này có đủ chỗ cho con người ở không, thế giới có sản xuất đủ lương thực cho hàng tỷ miệng ăn không. Những lo lắng của con người trước vấn đề gia tăng dân số không phải là không có cơ sở, nhưng những cơ sở đó đến nay không vững chắc. Cho đến hôm nay, với sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật, vấn đề lương thực không còn là vấn đề đáng lo lắng nữa.[26] Vấn đề hôm nay đang làm con người bận tâm là ý thức của mỗi người đối với vận mệnh của đất nước mình, với tương lai của nhân loại. Sự đói khát không phải là do thiếu lương thực nhưng là do cách thức phân bổ không đồng đều.[27]

a. Bắt buộc


Trong cuộc sống vẫn có những nghịch lý mà nhiều lúc chúng ta không thể hiểu được. Về chính sách dân số, thì không hẳn là không hiểu được, cái nghịch lý đó có thể được lý giải khi phân tích tỉ mỉ những khía cạnh của dân số. Sự chênh lệch về dân số có liên quan đến các vấn đề khác như văn hóa, thể chế chính trị và chiến lược phát triển kinh tế. Sự gia tăng dân số nhanh chóng làm cho các quốc gia phải lo lắng, nếu không muốn đối diện với các vấn đề xã hội khác, thì phải hành động ngay bằng kế hoạch hóa gia đình. Nhưng việc hạn chế sinh sản với những biện pháp bất hợp lý và vô luân thì lại gây hậu quả nghiêm trọng cho sự ổn định của thế giới. Thông thường, nơi nào người ta muốn có đông con thì các biện pháp hạn chế sinh sản “ nhẹ tay” không giải quyết được gì, do đó nhà nước phải sử dụng biện pháp mạnh. Biện pháp hạn chế sinh sản ở Việt Nam không nghiêm ngặt như ở Trung Quốc, nhưng ngay bây giờ đã có những vấn đề nảy sinh từ biện pháp đó, chúng ta thấy rõ là sự chênh lệch giới tính ở trẻ sơ sinh đã đến mức báo động.[28] Rồi đây, với sự chênh lệch này, sẽ nảy sinh bao nhiêu vấn đề nhức nhối khác.[29]

b. Khuyến khích


Ở trên chúng ta thấy được một số hạn chế trong việc làm chậm tốc độ gia tăng dân số bằng các biện pháp kế hoạch hóa gia đình không thích đáng. Những nơi người ta không muốn có con thì nhà nước lại khuyến khích. Dù khuyến khích thì người ta vẫn không muốn sinh thêm con cái.[30] Tỉ suất sinh sản tự nhiên không đồng đều sẽ ảnh hưởng đến nhiều lãnh vực khác của đời sống không chỉ là một quốc gia mà là cả hoàn cầu.

Hầu như các quốc gia Châu Âu đều khuyến khích người dân sinh con thêm, nhưng người dân lại không đáp ứng lời kêu gọi của các chính phủ, mặc dù chính phủ có những chính sách rất ưu đãi cho những người sinh con.[31] Việc dân số sút giảm được ví như một thảm họa khủng khiếp. Sau năm 2050, dân số thế giới sẽ giảm mạnh ở các nước đang phát triển hơn là quốc gia phát triển.[32] Người ta đã chẳng lạ gì với xu hướng dân số ở Châu Âu, nơi mà tỷ lệ sinh đã giảm từ nhiều năm nay. Đứng trước việc giảm dân số, thiếu lao động, tổng thống Nga đã gọi tình trạng này là "khủng hoảng quốc gia".[33]

Tình trạng này cũng sẽ diễn ra với các nước Châu Á khác mặc dù họ không hề áp dụng các chương trình hạn chế sinh đẻ nghiêm nhặt như Trung Quốc. Nhà xã hội học Ben Wattenberg đã nói rằng: "Chưa bao giờ trong suốt 650 năm qua, tỷ lệ sinh đẻ lại giảm nhiều như vậy, nhanh đến như vậy, dài đến như vậy và ở nhiều nơi đến vậy".[34] Ông gọi hiện tượng giảm dân số này là “trận tsunami của dân số”.[35]

c. Trào lưu mới


Các quốc gia thường có những chính sách vĩ mô đối với vấn đề dân số. Còn đối với người dân thì lại không tính đến những khía cạnh xã hội của việc tăng hay giảm dân số. Những người nghèo thường sinh đẻ nhiều, trong khi đó người giàu có điều kiện lại sinh đẻ ít. Xét một bình diện nào đó, việc sinh nhiều hay ít còn phụ thuộc vào tâm thức của con người ở mỗi nền văn hóa. Có nơi, người ta quan niệm con cái là phúc lộc trời ban. Trái lại, có chỗ người ta lại cho rằng con cái là một gắng nặng cho gia đình. Để thảnh thơi, người ta trút bỏ gánh nặng đi bằng cách không sinh con hoặc sinh con rất ít. Lối sống công nghiệp hóa và đô thị hóa cũng sẽ tác động lên việc giảm dân số:

“Con người ở khắp mọi nơi hiện đang đổ về các thành phố và dự đoán đến năm 2007, một nửa dân số thế giới sẽ sống ở thành phố. Chi phí để nuôi một đứa trẻ ở thành phố rất đắt đỏ. Từ năm 1970-2000, dân số đô thị ở Nigeria đã tăng từ 14% lên 44%, Hàn Quốc tăng từ 28% lên 84%. Chính vì vậy, song song với dân số thành thị tăng là tỷ lệ sinh giảm.”[36]

Chủ nghĩa thực dụng và tự do đang ảnh hưởng rất lớn lên suy nghĩ của nhiều người, nhất là những người trẻ. Khi những khuynh hướng này đi vào suy nghĩ của con người ta thì lúc ấy người ta sẽ sống ích kỷ hơn, khép mình hơn và không muốn vướng bận về chuyện sinh nặng đẻ đau và cực nhọc nuôi dưỡng con cái. Thay vào đó, họ sẽ thích thư thả, hoặc ham mê du lịch… Hiện nay, có một số quốc gia dùng những chính sách cứng rắn trong việc hạn chế sinh sản. Nhưng rồi đây, dù có khuyến khích thì người ta cũng không thích lập gia đình và không thích có con cái. Ngoài ra, khi nghiên cứu người ta còn thấy một số nguyên nhân khác ảnh hưởng đến việc giảm dân số:

“Nguyên nhân khác là công việc. Số lượng phụ nữ biết chữ và đi học đã làm giảm tỷ lệ sinh. Ngoài ra còn là tình trạng ly hôn, phá thai, kết hôn muộn. Các biện pháp tránh thai đã tăng đáng kể một thập kỷ qua. Theo số liệu của Liên Hiệp Quốc, 62% phụ nữ kết hôn hoặc sống cùng đàn ông nhưng không kết hôn trong độ tuổi sinh đẻ đang sử dụng các biện pháp tránh thai. Ở những nước như Ấn Độ, căn bệnh HIV lại là nguyên nhân giảm dân số. Tại Nga, vì tỷ lệ nghiện rượu, sức khỏe yếu và ô nhiễm công nghiệp cao nên việc sinh con khó khăn hơn. Sự giầu có đang làm giảm nhiệt tình đối với việc sinh nở, chính vì vậy mà Wattenberg cho rằng: ‘Chủ nghĩa tư bản là biện pháp tránh thai tốt nhất’”.[37]

4. Những nguy cơ của chính sách dân số khắc nghiệt


Kể từ khi người ta sản xuất được viên thuốc tránh thai (1958), chế tạo ra được những phương pháp tránh thai để áp dụng vào việc kế hoạch hóa gia đình cho đến nay, người ta đã thấy được một số hậu quả có ảnh hưởng không nhỏ lên đời sống con người, nhất là những người nữ. Có nhiều nguy cơ sinh học sẽ ảnh hưởng trực tiếp lên đời sống của các bà mẹ và các đứa trẻ được sinh ra nếu cứ sử dụng thường xuyên các loại thuốc ngừa thai, các phương pháp phá thai, và cứ sử dụng hoài và không đúng cách thì phụ nữ có nguy cơ vô sinh, ung thu vú, tử cung…[38]

“Do chính sách một con và tư tưởng thích có con trai nối dõi nên nhiều cặp vợ chồng Trung Quốc đã tìm mọi cách để bảo đảm rằng đứa con sinh ra sẽ là trai. Một số bậc phụ huynh đã trả tiền để được siêu âm giới tính thai nhi bất hợp pháp và nạo phá thai nếu đó là thai nữ”.[39]

a. Chênh lệch giới tính


Các biện pháp kế hoạch hóa gia đình, các chính sách hạn chế sinh sản đã làm cho tỷ lệ nam nữ không bình thường. Tại các nước có chính sách hạn chế sinh sản, chúng ta đều thấy rõ sự chênh lệch giới tính. Số nam sinh ra thường ít hơn nữ, nhưng tại những nơi có biện pháp kế hoạch hóa gia đình, số trẻ nam được sinh ra lại nhiều hơn nữ. Sự chênh lệch càng lớn hơn tại những nước có nền văn hóa chịu ảnh hưởng của tư tưởng trọng nam khinh nữ, nhất là các nước Châu Á.[40] Với quan niệm trọng nam khinh nữ, cùng với biện pháp siêu âm để biết thai nhi là nam hay là nữ, khi người ta biết được là nữ thì người ta bỏ đi, còn nam thì giữ lại. Điều này đã làm cho sự chênh lệch giới tính ngày càng cao, nhất là tại Trung Hoa.[41]

Người ta rất lo ngại về sự tác động xấu của chính sách kế hoạch hóa gia đình ở Trung Quốc đối với tệ nạn buôn người. Ông Steven Law, thứ trưởng lao động Mỹ, cho biết trong số khoảng 600-800 ngàn người bị mua bán ra nước ngoài trên toàn thế giới, có đến 250 ngàn nạn nhân là ở Trung Quốc. Sự mất quân bình giới tính ở Trung Quốc là do chính sách một con. Chính sách này là một trong những nguyên do gây ra tình trạng này.[42]

Từ sự chênh lệch này sẽ nảy sinh ra nhiều vấn đề xã hội nhức nhối. Việt Nam đang đứng trong tình trạng báo động về sự chênh lệch giới tính. Tỷ lệ là 100 gái/120 trai. Theo Nguyễn Bá Thủy, Phó chủ nhiệm ủy ban Dân số, Gia đình và Trẻ em, trong quý I năm nay (2008), có 338.000 bé được sinh ra thì có khoảng 154.400 bé gái và 183.700 bé trai. Năm 2006, tỷ lệ này là 100 gái/110 trai, tương đương với Trung Quốc những năm 1988-1990, khi đất nước này bước vào giai đoạn mất cân bằng giới tính.[43] Mức chênh lệch này không đồng đều, mỗi nơi mỗi khác. “Tại thời điểm 2005, Hòa Bình có tỷ lệ 100 gái/111 trai; Tuyên Quang là 100/112; Phú Thọ 100/111; Thái Nguyên 100/112; Phú Yên 100/116…[44]

Sự mất cân bằng giới tính ở trẻ mới sinh là một trong những mặt trái của việc thực hiện chính sách kiểm soát sinh đẻ. Tình trạng này thường xuất hiện ở những quốc gia có chính sách hạn chế sinh đẻ khắc nghiệt, chẳng hạn như ở Trung Quốc. Ở Việt Nam, các tỉnh có sự chênh lệch cao cũng là những địa phương thực hiện tốt kế hoạch hoá gia đình. Và hình như, nơi nào người ta thực hiện chính sách tốt thì nơi đấy sự chênh lệch giới tính càng cao.[45]

b. Những vấn đề xã hội


Từ việc chênh lệch giới tính quá lớn, một số rất lớn đàn ông không tìm được vợ, nhất là những người nghèo và ít học. Điều này không chỉ là vấn đề của bản thân người không cưới được vợ mà là một gánh nặng cho toàn xã hội. Khi người đàn ông sống trong sự kìm nén, không được thỏa mãn nhu cầu sinh lý, thì sẽ gây ra nhiều vấn đề xã hội khác: nạn mại dâm, buôn bán phụ nữ và trẻ em, nô lệ tình dục, sinh hoạt tình dục bừa bãi … sẽ có nhiều người bị bệnh tâm lý, bệnh tâm thần và các căn bệnh khác liên quan đến tình dục. Ở Trung Quốc, số đàn ông rất lớn không thể lấy được vợ. Từ nhu cầu giải quyết sinh lý của những người này, nhiều băng đảng đã cấu kết buôn bán phụ nữ. Gần đây, nhiều cô gái Việt lấy chồng ở Đài Loan, cứ tưởng là sang đó được hạnh phúc, đổi đời, ai ngờ sang đó làm vợ cho nhiều người trong một gia đình. Nhiều phụ nữ Việt đã bị lừa bán ra nước ngoài cho những chủ chứa. Việc mất thăng bằng về giới tính không phải là chuyện nhỏ. Một đại diện của Việt Nam tại UNPFA có văn phòng ở Hà Nội cho biết: “Hệ quả của tình trạng mất cân bằng về giới tính đã và đang xảy ra tại các quốc gia láng giềng như Trung Quốc, Hàn Quốc và Đài Loan. Họ phải nhập khẩu các cô dâu, nhiều người trong số này là từ Việt Nam. Tôi không biết Việt Nam sẽ nhập khẩu cô dâu từ đâu nếu chuyện tương tự xảy ra tại đây trong 10 hoặc 15 năm tới”.[46]

Christophe Guilmoto nói: “Khó có thể tưởng tượng ảnh hưởng chính xác của việc thiếu phụ nữ trong 20 năm tới. Không một xã hội loài người nào mà chúng ta biết lại phải đối mặt với vấn đề tương tự”.[47]

Nguyễn Bá Thủy cho biết: “Sự mất cân bằng này sẽ làm gia tăng mâu thuẫn trong tìm kiếm tình bạn và vấn đề hôn nhân. Nhiều nam giới không tìm được bạn tình hoặc vợ sẽ lâm vào tình trạng gia tăng nồng độ nội tiết tố nam (testosteron), dẫn đến tăng tính hung hãn. Tình trạng buôn bán phụ nữ, trẻ em gái và mại dâm cũng sẽ tăng.”[48] Những năm gần đây, làn sóng buôn bán phụ nữ và trẻ em qua biên giới để đưa sang Camphuchia, Trung Quốc… đang ngày càng gia tăng và có quy mô lớn.[49] Không chỉ là chuyện buôn người, những rồi đây, những người đàn ông muốn lấy được vợ hoặc để giải quyết vấn đề ức chế sinh lý phải dùng những biện pháp bỉ ổi khác, và điều này đã xảy ra rồi.

“Một số làng quê đã xuất hiện tình trạng con gái bị phong tỏa không cho tiếp xúc hoặc lấy chồng ở nơi khác, các thanh niên làng khác sang chơi, tìm hiểu bạn gái thì bị trai làng sở tại đuổi đánh, nhiều vụ đã thành án mạng, tình đoàn kết của hai làng bị phá vỡ qua nhiều thế hệ; một số tệ nạn xã hội khác cũng gia tăng, đó là hiếp dâm, xâm hại tình dục trẻ em, quan hệ tình dục đồng tính …”.[50]

Các chuyên gia lo ngại hiện tượng này có thể gây ra những hậu quả xã hội khôn lường. Một số người tin rằng việc hàng triệu đàn ông không thể kiếm được vợ có thể dẫn tới nguy cơ gia tăng các hành vi bạo lực, chống xã hội.[51]

“Theo sự phân tích của giới chuyên môn, sự mất cân bằng giới tính sẽ đưa tới nhiều vấn đề về an sinh xã hội. Nạn trai thừa gái thiếu sẽ có phần tác động làm gia tăng nạn buôn bán phụ nữ, trẻ em gái cũng như hoạt động mại dâm. Ở khía cạnh khác, nhiều nhà xã hội học cho rằng một số thanh niên nam giới bị cô đơn vì không tìm được người yêu, bạn tình hay để lập gia đình, sẽ có thể bị lâm vào tình trạng gia tăng những bệnh tâm thần, và có thể làm cho tính tình thay đổi, chẳng hạn như trở thành hung hãn.”[52]

Kết luận


Dân số đang là vấn đề được nhiều người, nhiều tổ chức và nhiều chính phủ quan tâm. Những quan tâm đó đã ảnh hưởng lên đời sống của con người. Trong thực tế nhièu lúc người ta lo lắng cho con người một cách quá đáng đến nỗi đã xúc phạm đến những quy luật phát triển tự nhiên của dân số. Vì muốn đảm bảo một cuộc sống khả dĩ, ấm no hơn, thoải mái hơn, nhiều chính phủ đã dùng những biện pháp để hạn chế sinh sản hà khắc, gây tác hại lên sự sống và nhân vị con người. Nhìn vào tình hình tăng giảm dân số của thế giới, Giáo hội không thể làm ngơ trước hiện tình này được. Nhiều lần và dưới thời nhiều giáo hoàng nhất là sau công đồng Vatican II, Giáo hội đã mạnh mẽ lên án những chính sách, cơ chế và biện pháp gây áp lực trên vấn đề hạn chế sinh sản một cách phi nhân bản Giáo hội có sứ mạng bảo vệ sự toàn vẹn của nhân vị sự sống nơi con người đồng thời, Giáo hội cũng nỗ lực để trình bày giáo lý về sự sống, phẩm giá cao trọng của con người cho nhân loại được am tường.

[1-5] Kinh Luân, Năm 2050: Dân số thế giới sẽ tăng 40%, truy cập ngày 22/11/2007; http://quanlymt.blogspot.com/2005/03/nm-2050-dn-s-th-gii-s-tng-40.html.
[6] Ngày dân số thế giới, truy cập ngày 20/11/2007; http://www.voanews.com/vietnamese/archive/2006-07/2006-07-11-voa33.cfm.
[7-8] H. Diệu, FAO: Nạn nghèo đói vẫn đang trầm trọng, truy cập ngày 22/11/2007; http://vietnamnet.vn/kinhte/thegioi/2003/11/38453/.
[9] Xc. Ngân hàng Thế giới, Bước vào Thế kỷ 21, Báo cáo về tình hình phát triển 1999/2000 (Hà Nội: Nhà Xuất bản Chính trị Quốc gia, 1999); xin coi thêm: Liên Châu, Dân số thế giới đã lên đến 6,5 tỷ người, truy cập ngày 23/11/2007; http://thanhnien.com.vn.
[10] Liên Châu, Dân số thế giới đã lên đến 6,5 tỷ người, truy cập ngày 23/11/2007; http://thanhnien.com.vn.
[11] Các vấn đề liên quan đến người nhập cư và dân số gia tăng, truy cập ngày 14/11/2007; http://www.voanews.com/vietnamese/archive/2006-04/2006-04-21-voa27.cfm.
[12-13] La Giang, Sinh con ở Châu Âu, những ưu đãi, truy cập ngày 21/11/2007; http://nhipsong.timnhanh.com/tinh_yeu/gia_dinh/20071010/35A59188/.
[14-15] Các vấn đề liên quan đến người nhập cư và dân số gia tăng, truy cập ngày 14/11/2007; http://www.voanews.com/vietnamese/archive/2006-04/2006-04-21-voa27.cfm.
[16] T. Huyền, Châu Á với quả bom nổ chậm – Tuổi già, truy cập ngày 12/11/2207; http://mobi.vietbao.vn/The-gioi/Chau-A-voi-qua-bom-no-cham-tuoi-gia/10804394/168/.
[17] Mỹ Linh, Dân số già, bệnh ung thư gia tăng, truy cập ngày 18/11/2007; http://www.vnexpress.net/Vietnam/Suc-khoe/2005/04/3B9DDB8D/.
[18] Các vấn đề liên quan đến người nhập cư và dân số gia tăng, truy cập ngày 14/11/2007; http://www.voanews.com/vietnamese/archive/2006-04/2006-04-21-voa27.cfm.
[19] Global Issues, 5/2004, Tình trạng di cư gia tăng – một xu hướng tất yếu trong tiến trình toàn cầu hóa, truy cập ngày 24/11/2007; http://vst.vista.gov.vn/home/database/an_pham_dien_tu/MagazineName.2004-04-22.2018/2004/2004_00038/MItem.2004-10-06.2002/MArticle.2004-10-06.2010/marticle_view.
[20] Nguyễn Thu Phương, Công việc và trách nhiệm trong chính sách gia đình ở Châu Âu, truy cập ngày 02/11/2007; http://www.tapchicongsan.org.vn/details.asp?Object=6&news_ID=51134382.
[21] Andrew Moravcsik, Châu Âu tuổi 50: Chúc mừng sinh nhật, truy cập ngày 20/11/2007; http://www.diendan.org/the-gioi/sinh-nhat-chau-au/.
[22] Nhật Vy, Hình dung về việc làm trong tương lai, truy cập ngày 16/11/2007; http://vietnamnet.vn/kinhte/vieclam/2006/01/537466/.
[23-24] Lợi thế dân số, truy cập ngày 11/11/2007; http://www.tiasang.com.vn/news?id=1709.
[25] Các vấn đề liên quan đến người nhập cư và dân số gia tăng, truy cập ngày 14/11/2007; http://www.voanews.com/vietnamese/archive/2006-04/2006-04-21-voa27.cfm.
[26-27] Xc. Nhóm Biên soạn, Đạo đức Sinh học Bioethics (Lưu hành nội bộ, 2003), tr. 229-230.
[28-29] Mất cân bằng giới tính : Việt Nam - bản sao của Trung Quốc, truy cập ngày 02/11/2007; http://thtt.chinhphu.vn/home/xahoi/2007/11/200711021907283750.aspx.
[30-31] La Giang, Sinh con ở Châu Âu, những ưu đãi, truy cập ngày 21/11/2007; http://nhipsong.timnhanh.com/tinh_yeu/gia_dinh/20071010/35A59188/.
[32-37] Hải Phong, Thế giới vắng bóng trẻ em, Tsunami của dân số, truy cập ngày 21/11/2007; http://www.mofa.gov.vn/quocte/13,05/hoso13,05.htm.
[38] Thảo Nguyên, Thuốc tránh thai - con dao hai lưỡi, truy cập ngày 15/11/2007; http://www.sahara.com.vn/index.php?page=5&sub=943&script=tintuc&type=news&script=tintuc&view=1048.
[39] Thanh Bình, Trung Quốc soạn thảo luật chống mất cân bằng giới, truy cập ngày 18/11/2007; http://vietnamnet.vn/thegioi/2007/08/733788/ .
[40] Mất cân bằng giới tính : Việt Nam - bản sao của Trung Quốc, truy cập ngày 02/11/2007; http://thtt.chinhphu.vn/home/xahoi/2007/11/200711021907283750.aspx.
[41-42] Chính sách một con của Trung Quốc và tệ nạn buôn người, truy cập ngày 15/11/2007; http://www.voanews.com/vietnamese/archive/2006-03/2006-03-13-voa41.cfm?renderforprint=1&textonly=1&&TEXTMODE=1&CFID=223242319&CFTOKEN=62695177.
[43] Chênh lệch giới tính trẻ sơ sinh đã đến mức báo động, truy cập ngày 21/11/2007; http://chamsoctre.com/content/view/304/32/.
[44] Hồng Long, Chênh lệch giới tính và những vấn đề của nó, truy cập ngày 23/11/2007; http://www.cpv.org.vn/print_preview.asp?id=BT21047731.
[45] Thanh Nhàn, Việt Nam chưa sợ mất cân bằng giới tính, truy cập ngày 05/12/2007; http://www.vnexpress.net/Vietnam/Doi-song/2006/07/3B9EC3AD/.
[46-47] Mất cân bằng giới tính : Việt Nam - bản sao của Trung Quốc, truy cập ngày 02/11/2007; http://thtt.chinhphu.vn/home/xahoi/2007/11/200711021907283750.aspx.
[48] Chênh lệch giới tính trẻ sơ sinh đã đến mức báo động, truy cập ngày 21/11/2007; http://chamsoctre.com/content/view/304/32/.
[49] Phạm Trần, Hàng chục ngàn phụ nữ VN bị bán qua biên giới, truy cập ngày 22/11/2007; http://vietnamnet.vn/xahoi/doisong/2004/12/357765/.
[50] Hồng Long, Chênh lệch giới tính và những vấn đề của nó, truy cập ngày 23/11/2007; http://www.cpv.org.vn/print_preview.asp?id=BT21047731.
[51] Thanh Bình, Trung Quốc soạn thảo luật chống mất cân bằng giới, truy cập ngày 18/11/2007; http://vietnamnet.vn/thegioi/2007/08/733788/.
[52] Báo động tình trạng chênh lệch giới tính trẻ sơ sinh ở Việt Nam, truy cập ngày 20/11/2007; http://www.sbtn.net/?catid=61&newsid=21071&pid=157