Thứ Sáu, 25 tháng 11, 2022

QUÀ TẶNG SỰ SỐNG

Thời sự Thần học - Số 3, tháng 06/2008, tr. 33-38  

_Phanxicô X. Trần Kim Ngọc 🙋 


Sự sống con người là một đề tài đang thu hút sự chú ý của các khoa học gia và nhất là những nhà đạo đức khi con người đang đối diện với việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào vấn đề tạo sinh. Con người là một thực thể xã hội và tôn giáo. Những người sống trong xã hội, vì một lý do nào đó, muốn khám phá những điều kỳ diệu trong thiên nhiên và muốn nổi danh nên đã muốn can thiệp vào lãnh vực sự sống con người một cách phi nhân bản. Sự can thiệp vô luân này đã khiến các nhà luân lý không thể không lên tiếng chống lại những nguy cơ làm phương hại đến nhân vị sự sống.

1. Thiên Chúa là chủ sự sống


“Thiên Chúa là Đấng cầm quyền sinh tử” (1Sm 2,6). Sự sống là một điều huyền nhiệm nhưng cũng rất cụ thể, liên quan đến mỗi một con người. Bao lâu con người đang còn sống trên hành tinh này, thì bấy lâu con người đang nỗ lực đi tìm những phương thuốc giúp con người sống khỏe hơn, lâu hơn và hạnh phúc hơn. Nhưng nhiều lúc con người đã dùng những biện pháp để biến khát vọng đó thành hiện thực một cách phi lý, phi lý đến nỗi chống lại phẩm giá cao trọng của chính mình. Người ta dùng những phương pháp để can thiệp vào sự sống con người, nhưng không thiếu những lần những phương pháp đó gây tác hại trên nhân vị. Người ta có thể nhân danh khoa học hay tiến bộ để can thiệp vào nhân vị sự sống không? Người ta có thể nhân danh lòng từ bi để giết hại những sinh mạng chưa có khả năng tự vệ không? Người ta có thể để bảo vệ mạng sống người này mà hủy diệt sự sống của người khác không? Sự sống là một huyền nhiệm. Không ai có quyền trên sự sống của người khác vì bất cứ lý do gì. Đó không chỉ là một suy tư mang tính triết học, nhưng phải nói đó là một mệnh lệnh Thiên Chúa đã thiết định trong lương tri con người. Câu chuyện trong sách Sáng Thế, Cain giết hại em mình là Aben, Thiên Chúa đã hạch hỏi Cain: “Aben em ngươi đâu rồi?” (St 4,9).Và khi một người nào đó giết hại anh em đồng loại của mình thì Thiên Chúa cũng sẽ hỏi như thế. Điều này cho thấy: bất cứ lý do gì cũng không được xúc phạm đến mạng sống của người anh em mình, đó là quyền của Thiên Chúa.

Tiên tri Êzêkien cho chúng ta biết rõ tư tưởng và mệnh lệnh của Thiên Chúa: “Mạng sống nào cũng thuộc về Ta; mạng sống của cha cũng như mạng sống của con đều thuộc về Ta. Ai phạm tội, kẻ ấy phải chết.” (Ed 18,4).

Không ai có quyền trên mạng sống người khác và ngay cả trên cả mạng sống của mình. Thiên Chúa là chủ sự sống của con người. Thiên Chúa có quyền trên mạng sống ấy.

2. Con người là cộng tác viên của sự sống


Sau khi hoàn tất công trình tạo dựng, Thiên Chúa đã giao lại cho con người. Trong vấn đề sự sống, Thiên Chúa là chủ sự sống và khi Thiên Chúa tạo dựng nên con người có nam có nữ, một phần nào đó Thiên Chúa muốn kêu mời con người cộng tác vào việc tạo sinh. Thiên Chúa kêu gọi người nam, người nữ đến với nhau làm thành đôi vợ chồng, sống yêu thương, bổ túc cho nhau và sinh dưỡng con cái. Con người có địa vị cao trọng vì con người được kêu gọi cộng tác với Thiên Chúa để sinh ra những hữu thể người mới, một tuyệt tác trên mọi tuyệt tác, hình ảnh Thiên Chúa. “Trọng trách lưu truyền sự sống con người, làm cho đôi bạn trở thành những cộng tác viên tự do và hữu trách của Tạo Hóa, vốn gây cho chính họ những khoái lạc bao la, và nhiều khi đem theo không ít những khó khăn và vất vả”.[1]

3. Quà tặng sự sống


Phân tích dưới khía cạnh sinh học, chúng ta thấy những con số về các thành phần có trong con người thật là huyền vi. Sự sống là cả một huyền nhiệm. Từ khi hai người nam nữ có quan hệ với nhau, hàng triệu tinh trùng dành nhau để trở thành người chiến thắng trong cuộc đua làm tác nhân kết hợp với trứng nơi người phụ nữ tạo thành một sự sống mới.[2] Để có được một con người mới, cái trứng được thụ thai phải phát triển qua các giai đoạn thật là kỳ diệu.[3] Trên thế giới có hàng triệu người, nhưng có thể nói là không ai giống ai. Thiên Chúa quả là một nhà điêu khắc tuyệt vời. Và khi một sự sống được hình thành thì đó cũng là lúc Thiên Chúa ban tặng cho đôi vợ chồng một món quà vô giá, độc nhất vô nhị:
“Ơn sự sống mà Thiên Chúa, là Đấng Sáng Tạo và là Cha, đã trao ban cho con người, đòi hỏi con người phải ý thức về giá trị vô giá của nó và biết lãnh nhận trách nhiệm. Nguyên tắc căn bản đó phải được đặt ngay ở trung tâm của sự suy tư, để soi sáng và giải quyết những vấn đề đạo đức do những can thiệp nhân tạo vào sự sống mới phát sinh và vào những diễn tiến của sự tạo sinh đặt ra”.[4]

4. Khởi đầu sự sống


Sự sống khởi sự khi nào? Đó là câu hỏi đã được nhiều nhà khoa học, y học, triết học và luân lý đặt ra. Nhưng khó có câu trả lời dứt khoát. Ai có thể phân tích được linh hồn để xác định sự khởi đầu của sự sống? Dù theo thuyết nào đi nữa thì chúng ta không thể nói một cách chắc chắn hay biết một cách rõ ràng sự khởi đầu của một nhân vị. Để chắc chắn nhất và để tránh nguy cơ lạm dụng, Giáo Hội nói rằng sự sống con người bắt đầu từ giây phút đầu tiên, khi tinh trùng gặp trứng, nghĩa là từ lúc thụ thai. Sẽ không có nhân vị sự sống nếu không có một sự khởi đầu ngay từ giây phút đầu tiên ấy. Ai phủ nhận giây phút đầu tiên thì cũng phủ nhận luôn mọi giây phút của một nhân vị sự sống. “Ngay từ khi noãn thụ tinh, đã khởi đầu một sự sống vốn không phải là sự sống của người cha cũng không phải là sự sống của người mẹ, nhưng là của một con người mới, phát triển cho chính mình. Nó sẽ không bao giờ thành người, nếu nó không là người ngay từ lúc ấy. Điều hiển nhiên muôn thuở đó, đã được khoa di truyền học hiện đại xác nhận. Khoa di truyền cho thấy, ngay từ giây phút đầu tiên, chương trình phát triển trong tương lai của sinh thể đó đã được định đoạt: một con người, một con người cá biệt với những đặc tính xác định rất rõ ràng. Cuộc phiêu lưu của sự sống trong một con người bắt đầu ngay từ lúc thụ tinh, với thời gian, các khả năng to lớn của sự sống sẽ lần lượt xuất hiện và sẵn sàng hoạt động”.[5]

5. Giáo Hội với vấn đề sự sống con người


a. Cổ võ phát triển sự sống


Giáo Hội luôn luôn đứng về phía con người. Giáo Hội được sai đi để đồng lao cộng khổ với con người. Tất cả những gì Giáo Hội làm là để phục vụ con người, một con người toàn diện. Những vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của nhân loại, nhất là của những người nghèo khổ và những ai đau khổ cũng là vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của chính các môn đệ theo Chúa Kitô.[6] Giáo Hội không thể đứng ngoài cuộc hiện sinh của con người. Giáo Hội thao thức với tâm tư con người. Như Đức Kitô đến thế gian để cho con người được sống và sống dồi dào,[7] thì Giáo Hội cũng được sai đến để giúp con người thăng tiến về mọi phương diện và cuối cùng là giúp con người đạt đến cùng đích viên mãn của đời người là nhận biết chân lý mang lại sự sống đời đời.[8] Giáo Hội cổ võ việc phát triển xã hội loài người. Trong thực tế, con người đang nỗ lực phát triển thế giới, nhưng có khi sự phát triển đó gây hậu quả xấu cho chính con người. Sự phát triển không đồng đều và toàn diện sẽ kéo theo nhiều vấn đề xã hội có ảnh hưởng sâu sắc đến sự toàn vẹn của phẩm giá con người. Giáo Hội cổ võ cho một sự phát triển bền vững, lâu dài và toàn diện ngõ hầu giúp con người thăng tiến phẩm giá, sống sung túc hơn và sống là người hơn.[9] Từ khi nhân loại bước vào cuộc bùng nổ dân số, đức giáo hoàng Phaolô VI đã thấy trước được những vấn đề cấp bách của thời đại. Ngài đã nói lên tiếng nói sâu thẳm của Giáo Hội đối với sự tiến bộ của con người: 
“Sự phát triển các dân tộc, nhất là những dân tộc đang cố thoát khỏi cảnh ô nhục vì đói khát, cùng cực, bệnh tật, ngu dốt; đang tìm cách tham gia nhiều hơn vào thành quả của văn minh; đang đòi hỏi phải đánh giá đúng mức hơn những khả năng của con người trong mọi hoạt động; đang quyết chí vươn mình tới một sự nảy nở trọn vẹn: sụ phát triển các dân tộc đó được Giáo Hội Công Giáo hằng tha thiết lưu ý”[10]

b. Kêu gọi xây dựng nền văn minh tình thương


Đối diện với một thế giới đang đề cao chủ nghĩa tự do và chủ nghĩa hưởng thụ, con người trở thành một món hàng phi lợi nhuận. Người ta đang khai thác một thứ tài nguyên rất rẻ nhưng mang lại lợi ích kinh tế cao, ấy là con người. Con người trở thành một công cụ trong tay những nhà buôn và những nhà doanh nghiệp, và khi con người không mang lại giá trị kinh tế thì người ta muốn loại trừ con người ra khỏi thương trường. Cái chủ nghĩa duy kinh tế, duy phát triển, duy tự do và duy cá nhân này đã ảnh hưởng rất lớn lên tâm thức của nhiều người. Những người này chỉ biết sống cho lợi nhuận, những chỉ số tăng trưởng, tự do phóng túng và hưởng thụ thỏa thích. Khi người ta chỉ biết chạy theo những giá trị này thì đương nhiên người ta sẽ loại trừ những gì làm cản trở lời lãi, tăng trưởng, sự thoải mái… Người ta lo sợ cho tương lai của mình khi có thêm một mụn con. Người ta lo sợ cho cuộc sống tự do của mình khi phải vướng vào chuyện nuôi dạy con cái. Người ta lo sợ cho sự nghiệp công danh của mình khi đổ vỡ kế hoạch hóa gia đình… Người ta sợ những cái sợ phi lý, để rồi từ khước những đứa trẻ vô tội, đến nỗi đã dốc tâm giết hại chúng. Người ta lên án chiến tranh, nhưng cái còn ghê sợ hơn cả chiến tranh đó là việc giết hại biết bao sinh mạng của những sinh linh vô tội và vô phương tự vệ. Giáo Hội không thể làm ngơ trước một sự thật quá đau lòng như thế được. Giáo Hội kêu gọi nhân loại xây dựng một nền văn minh tình thương. Thế giới muốn có hòa bình, con người muốn được sống hạnh phúc thì phải xây dựng nền văn minh tình thương. Nền văn minh tình thương phải đi từ việc tôn trọng những con người bé nhỏ, những con người vô tội và chưa có khả năng tự vệ, chưa thể nói lên tiếng nói tự do của mình trước những bách hại. Hơn lúc nào hết, ngày nay Giáo Hội phải nỗ lực nhiều hơn nữa để kêu gọi con cái mình xây dựng nền văn minh sự sống và tình thương.

c. Bênh vực sự sống


“Thông điệp Tin Mừng về sự sống là một lời bênh vực can đảm và kiên quyết cho những người nghèo khổ nhất, những người yếu đuối nhất, những người không được bảo vệ, những người vô tội nhất: đó là những trẻ em sẽ được sinh ra, những người nghèo, những người quẫn bách”.[11]

“Những gì quý Ngài công bố ở đây là những quyền lợi và những bổn phận căn bản của con người, phẩm giá và sự tự do của con người… Vì đây là sự sống của con người, mà sự sống của con người thì linh thánh, không ai có quyền đụng đến. Chính trong hội nghị của quý Ngài đây mà sự tôn trọng sự sống và những gì liên quan đến vấn đề lớn lao của sinh suất, phải tìm thấy lời tuyên xưng cao cả nhất và sự bảo vệ hợp lý nhất. Công tác của quý Ngài là làm sao lo cho có đủ cơm bánh tại bàn ăn của nhân loại, chớ không phải tán thành một sự kiểm soát giả tạo việc sinh sản, hòng giảm số người ăn tại bữa tiệc của sự sống, bởi vì đó là một việc làm phi lý”.[12]

d. Lên án những gì chống lại sự sống


“Tất cả những gì chống lại sự sống, như mọi thứ giết người, diệt chủng, phá thai, làm chết êm dịu và ngay cả tự tử nữa; tất cả những gì xâm phạm đến sự toàn vẹn con người, như cưa cắt một phần thân thể, tra tấn thân xác hay tinh thần, tìm cách cưỡng bức tâm lý; tất cả những gì xúc phạm đến phẩm giá con người như cảnh sống dưới mức con người, tùy nghi giam tù, lưu đày viễn xứ, bắt làm nô lệ, cảnh mãi dâm, buôn bán phụ nữ và trẻ em; hoặc những điều kiện làm việc hạ phẩm giá khiến công nhân trở thành ngang hàng với dụng cụ thuần túy để thu lợi, không màng tới nhân cách tự do và có trách nhiệm của họ: tất cả những đối xử trên và những đối xử tương tự, quả thật là ô nhục. Chúng vừa làm suy đồi văn minh, và làm mất phẩm giá những ai thi hành các điều ấy, và hơn nữa phẩm giá những người phải gánh chịu những điều ấy, và chúng đã xúc phạm nặng nề đến vinh danh của Đấng Tạo Hóa”.[13]

Kết luận


Xin dùng lời của Đức Cố Giáo Hoàng Phaolô VI để tạm kết cho bài này: 
“Những gì quý Ngài công bố ở đây là những quyền lợi và những bổn phận căn bản của con người … Vì đây là sự sống của con người, mà sự sống của con người thì linh thánh, không ai có quyền đụng đến. Chính trong hội nghị của quý Ngài đây mà sự tôn trọng sự sống và những gì liên quan đến vấn đề lớn lao của sinh suất, phải tìm thấy lời tuyên xưng cao cả nhất và sự bảo vệ hợp lý nhất. Công tác của quý Ngài là làm sao lo cho có đủ cơm bánh tại bàn ăn của nhân loại, chứ không phải tán thành một sự kiểm soát giả tạo việc sinh sản, hòng giảm số người ăn tại bàn tiệc của sự sống, bởi vì đó là một việc làm phi lý”. (Đức Giáo Hoàng Phaolô VI, Diễn Từ Tại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc, 04/10/1965, (1965), tr. 883).

[1] Phao-lô VI, Thông điệp Sự sống con người (Humanae Vitae), 25/07/1967, số 1.
[2] Xc. Nhóm Biên soạn, Đạo đức Sinh học Bioethics (Lưu hành nội bộ, 2003), tr. 158-160.
[3] Ibidem, tr. 160-165.
[4] Bộ Giáo lý Đức tin, Huấn thị Hồng ân Sự sống, 22/02/1987, trích lại trong Một số tài liệu Huấn quyền liên quan đến vấn đề Luân lý (Sài Gòn: Đại chủng viện thánh Giuse, 2004), tr. 391.
[5] Bộ Giáo lý Đức tin, Tuyên ngôn về việc cố ý phá thai (18/11/1974), số 12-13.
[6] Va-ti-ca-nô II, Hiến chế Gaudium et Spes, số 1.
[7] Xc. Ga 10,10.
[8] Xc. Ga 17,3.
[9] Xc. Phao-lô VI, Populorum Progressio, 26/03/1967.
[10] Phao-lô VI, Populorum Progressio, 26/03/1967, số 1.
[11] ĐHY A. L. Trujillo, chủ tịch Hội đồng Tòa thánh về Gia đình, Lời giới thiệu cho Thông điệp về Tin Mừng Sự sống (30/03/1995), số 3. Trích trong Một vài tài liệu Huấn quyền liên quan đến vấn đề luân lý (Sài Gòn: Đại chủng viện thánh Giuse, 2004), tr. 210.
[12] Đức giáo hoàng Phao-lô VI, Diễn Từ Tại Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc, 04/10/1965, 6: AAS (1965), tr. 883.
[13] Vatican II, Hiến chế Vui mừng và Hy vọng, số 27; Gio-an Phao-lô II, Thông điệp Tin Mừng về Sụ sống (30/03/1995), số 3.