Thứ Năm, 13 tháng 10, 2022

SƯ PHẠM CỦA THIÊN CHÚA NỀN TẢNG GIÁO DỤC KITÔ GIÁO

Thời sự Thần học – Số 2 (tháng 3/2008), tr. 1-16

_Gioan Phê Ny Ngân Giang 🙋


Thiên Chúa thực hiện chương trình cứu độ bằng cách kêu gọi một dân riêng. Ý định cứu độ của Thiên Chúa dần dần được tỏ lộ trên dân Người qua việc giáo dục dân. Dân Chúa sẽ trưởng thành từ từ và vươn đến sự toàn thiện. Đó là tiến trình của nhiệm cục cứu rỗi mà thánh Phaolô đã so sánh với việc giáo dục một đứa trẻ trở nên trưởng thành. Lịch sử Cựu Ước cho thấy Israel đã sống dưới sự bảo trợ của luật mãi cho đến “thời viên mãn”. Vào thời Tân Ước, khoa sư phạm của Thiên Chúa đã chuyển sang một giai đoạn mới khi Người vẫn tiếp tục dạy dỗ không chỉ Israel mà bất cứ ai nhờ Con Một của Người mà trở nên nghĩa tử. Công trình giáo dục của Thiên Chúa vẫn còn tiếp tục mãi cho đến tận thế nhờ Đấng Thánh Hoá Hội thánh , Đấng sẽ hoàn tất công trình giáo dục này.[1]

Quả thế, nhờ đức tin, người Kitô hữu có thể hiểu bao quát đường lối sư phạm của Thiên Chúa và đặc tính của từng giai đoạn giáo dục này. Đó là công trình giáo dục của Ba Ngôi Thiên Chúa được thực hiện trong dòng thời gian. Cũng chính từ đó, công trình giáo dục này hay khoa sư phạm của Thiên Chúa trở thành nền tảng cho nền giáo dục Kitô giáo và là đường lối hướng dẫn đời sống đức tin của người tín hữu.

I. Khoa sư phạm của Thiên Chúa là gì ?


Hiến chế Dei Verbum của Công đồng Vaticanô II cho thấy Thiên Chúa đã muốn mạc khải chính mình và tỏ cho loài người biết ý định của Người.[2] Để thực hiện điều này, Thiên Chúa đã dùng một đường lối riêng biệt, một thứ sư phạm của riêng Người mà nói với nhân loại. Người dùng những biến cố và lời nói của con người để thông truyền ý định của mình.[3]

Có thể hình dung khoa sư phạm này qua cách thức và đặc tính riêng biệt của nó.

1.1 Cách thức


Thiên Chúa dùng những biến cố của lịch sử cứu độ và những điều được giải thích qua lời nói mà bày tỏ chính mình. Từ đầu, Người đã tỏ mình cho tổ tông chúng ta. Sau khi tổ tông sa ngã, người không bỏ mặc nhân loại nhưng ban lời hứa cứu độ (x. St 3, 15). Người đã kêu gọi Abraham để qua ông lập nên một dân riêng cho Người (x. St 12, 2-3). Người đã dùng Môsê và các ngôn sứ để dạy dỗ dân, cho họ nhận biết Người là Thiên Chúa duy nhất, hằng sống và chân thật, là Cha quan phòng, là thẩm phán chí công. Người đã sắp đặt tất cả để chuẩn bị cho Tin mừng được rao giảng qua Đấng Cứu Thế là Con Một Chí Ái của Người (x. Dt 1, 1-2).[4]

Thật thế, Đức Giêsu Kitô là Lời vĩnh cửu của Thiên Chúa, là Ngôi Lời nhập thể để tiếp lời Thiên Chúa mà dạy bảo con người (x. Ga 3, 34). Người là Đấng mà ai thấy là thấy Chúa Cha (x. Ga 5, 36; 17, 4) đã hoàn tất ý định tỏ mình của Thiên Chúa bằng tất cả sự hiện diện và tỏ mình qua lời nói cũng như việc làm, dấu chỉ và phép lạ, nhất là qua cái chết và sự phục sinh.

Sau cùng, khi Ngôi Hai đã hoàn tất sứ mạng ở trần gian, Người đã phái Thần Chân Lý đến củng cố và xác nhận Người hằng ở với nhân loại để giải thoát con người khỏi tội và sự chết, để ngày sau hết họ cũng được tham dự vào sự sống vĩnh cửu với Người.[5]

1.2 Đặc tính


Có thể nói khoa sư phạm của Thiên Chúa gắn liền và phục vụ cho “cuộc đối thoại cứu độ” giữa Thiên Chúa và con người. Khoa sư phạm này mang những đặc tính nổi bật sau:[6]
Đó là tiến trình tiệm tiến của Mạc khải, tính siêu việt và mầu nhiệm của Lời Chúa.
Thiên Chúa hằng tín trung và nhẫn nại, và sự hạ mình kỳ diệu của Người là trường dạy con người, mở ra một cuộc đối thoại trong tình yêu giữa hai ngôi vị.
Là nhà giáo dục, Thiên Chúa tìm cách làm cho dân riêng biết vâng phục lề luật, biết vâng lời trong đức tin, không chỉ nhờ giáo huấn mà còn nhờ những thử thách.
Đức Giêsu Kitô là trung tâm, là lời duy nhất, dứt khoát và hoàn hảo của Chúa Cha. Người cho thấy tình yêu là lẽ tối hậu phát xuất khoa sư phạm này nơi Thiên Chúa.
Chúa Thánh Thần, Đấng hoàn tất công trình giáo dục của Thiên Chúa, Đấng bảo vệ công trình của Đức Giêsu Kitô chống lại thế gian, Đấng làm cho chúng ta trở nên bạn hữu và là nghĩa tử của Thiên Chúa.

II. Thiên Chúa sửa dạy dân riêng


Mục tiêu cuối cùng của khoa sư phạm Thiên Chúa là vì ơn cứu rỗi cho con người. Thánh kinh cho thấy Người dạy dỗ dân bằng nhiều phương cách khác nhau trong những hoàn cảnh cụ thể khác nhau.[7] Có khi Người được diễn tả như người cha nhân ái, một người thầy luôn tìm cách lôi kéo dân bằng mối dây yêu thương, làm cho nó lớn lên, kiên nhẫn chờ đợi cho đến khi nó đạt đến sự trưởng thành sung mãn của con người tự do. Có khi Người cũng được diễn tả như Đấng dạy dỗ dân thật nghiêm khắc bằng nhiều thử thách, lề luật, sửa phạt nặng nề. Tuy nhiên với tư cách của nhà giáo dục, Người cải biến những thói hư tật xấu đã bám rễ sâu trong dân bằng những bài học khôn ngoan thích nghi với từng hoàn cảnh khác nhau.[8]

II.1 Người cha dạy dỗ con cái


Thiên Chúa đã kêu gọi Israel cho riêng Người (Đnl 7, 6.8-9; 14, 2). Người đã “sinh ra” Israel và Israel là nghĩa tử của Người (Đnl 8, 5; Hs 11, 1-8). Đây là mối tương quan cha-con được xác lập trong tình yêu và sự vâng phục (Xh 4, 22-23, Kn 18, 13).[9] Các ngôn sứ đã nhắc nhớ biến cố Xuất hành, và khi đó Israel chỉ mới là đứa trẻ được Thiên Chúa bảo vệ che chở khi dân đặt niềm trông cậy vào Người (Hs 2, 16-17; Gr 2, 2-3). Ta nên hiểu tính cách siêu việt của tình phụ tử giữa Thiên Chúa và Israel. Người không phải là cha của Israel theo lẽ tự nhiên nhưng Người đã tự mạc khải như Cha của Israel bằng cách tỏ ra mình là Đấng bảo vệ, nuôi dưỡng, đồng thời là chủ dân Người.[10]

Song song đó, việc Thiên Chúa giáo dục dân Người như người cha sửa dạy con cái cần được hiểu trong bối cảnh văn hoá giáo dục ở Israel. Ở đó, con cái phải lắng nghe lời cha mẹ dạy bảo (Cn 23, 22) nếu không sẽ bị phạt (Cn 30, 17; Đnl 21, 18-21). Như thế, sửa phạt là điều cần thiết trong giáo dục (Hc 22, 6; 30, 1-13; Cn 23, 13). Và Thiên Chúa là Cha của Israel nên Người cũng sửa phạt dân khi dân sai quấy (Đnl 8, 5; Cn 3, 12; Hc 30, 1-2.12-13). Tuy nhiên, Người đánh xong rồi lại xót thương (Hs 11, 8-9; Gr 31, 9.20; Tv 103, 13-14).

Thiên Chúa luôn tỏ ra là nhà giáo dục kiên nhẫn và trung thành với ý định của mình. Tuy nhiên, giáo dục vẫn luôn là một nghệ thuật khó khăn vì “tâm trí trẻ con vốn dại khờ” (Cn 22, 15). Quả thế, Israel đã nhiều lần ngỗ nghịch bởi sự bất trung (Lv 26, 15; Gs 22, 16; 2Sb 12, 2; 36, 14; Ed 20, 27; Dn 9, 7), tôn thờ ngẫu tượng (Lv 26, 30; 2V 17, 12; 2Sb 24, 18; Ed 14, 3; 16, 36; 20, 31; Hs 4, 17; 8, 4; 11, 2; Mk 1, 5), chạy theo thần ngoại bang (1Sm 7, 3; Gr 32, 29; Am 5, 26; Ml 2, 11). Những bài học của Giavê Thiên Chúa là cách thức làm cho dân nhận ra lỗi lầm và quay về với tình thương mà Người đã đặt trên Israel.

Đi đôi với những bài học mà dân Israel kinh nghiêm thấy, Thiên Chúa luôn đồng hành và sửa dạy họ như là một bảo đảm cho hiệu quả của bài học. Người trách phạt dân vì họ cứng đầu cứng cổ. Người dùng hình phạt nặng nề để thức tỉnh tâm trí u mê, lầm lạc của nhà Israel. Rốt cuộc, tất cả những việc sửa dạy đó cốt để thức tỉnh dân và làm cho những bài học của Giavê được khắc sâu trong tâm hồn dân (Gr 31, 33).

Thật thế, lịch sử Israel đã bao lần chứng kiến những giáng phạt nặng nề. Thiên Chúa đã dùng miệng ngôn sứ mà thức tỉnh lòng dân (Is 8, 11; Hs 7, 12; 10, 10; 2, 4-15; Am 4, 6-14; Gr 6, 8). Nhưng rồi khi đứa con đã trở nên ngỗ nghịch chẳng chịu nghe (Gr 2, 30; 7, 28; Xp 3, 2.7) thì người cha sẽ dùng roi đòn mà đánh chúng (Lv 26, 18.23.28). Người đánh chúng để chúng quay đầu lại chứ không phải để giết chết (Gr 10, 24; 30, 11; 46, 48; Tv 6, 2; 38, 2), sửa phạt chúng để làm cho chúng nên “thuần hoá” mà biết quay trở về (Gr 31, 18; Tv 16, 7). Đó là nỗi khổ tâm của người cha khi phải ra lời ngăm đe, doạ nạt con cái mình (Gr 31, 20; x. Hs 11, 8).

Có thể nói, việc sửa phạt mà Giavê Thiên Chúa thực hiện trên dân biểu lộ cõi lòng thâm sâu của Người. Điều mà dân phải học biết là lòng khoan dung tha thứ (Ez 18, 31; Hs 11, 9) và tình yêu thúc bách của Đấng Tạo Hoá (Am 4, 6-11; Is 9, 12; Gr 5, 3). Người đã không thể làm gì hơn nữa khi sẽ trút tất cả tội lỗi muôn dân lên Tôi Tớ của Người (Is 53, 5; Kn 18, 14-15; Kh 19, 11-16) và sửa phạt đạt đến chiều kích đích thực của nó (Ga 8, 28).[11]

II.2 Các bài học của Gia-vê Thiên Chúa


Thiên Chúa không ngừng nhắc lại những kỳ công mà Người đã thực hiện cho dân: Người đã giải phóng họ khỏi ách nô lệ Aicập và đưa dân về đất hứa thế nào (Xh 19); Người đã gìn giữ họ ra sao trong suốt 40 năm (Đnl 8, 2-6); Người đã tuyển chọn họ, tách biệt họ khỏi dân ngoại làm thành sản nghiệp riêng của Người (1V 8, 35; Tv 74, 2; Tv 135, 4) dù họ chẳng có công gì (Đnl 9, 4). Giờ đây dân cần đáp lại lời mời gọi của Thiên Chúa qua các biến cố đó bằng lòng tin (Xh 14, 31). Khi dân đã sẵn sàng, Người bày tỏ ý định lập Giao ước của Người (Xh 19, 5), thiết lập một Giao ước và Lề luật trên dân, mở ra một cuộc đối thoại giữa Người và dân riêng.[12]

a. Bài học của Giao ước

Một mặt, Giao ước và lịch sử Israel cho thấy Thiên Chúa là nguyên lý quy tụ Israel thành một dân duy nhất (Gs 24) để dân nhận biết Người là Thiên Chúa duy nhất (Đnl 4, 39) và tuân giữ các mệnh lệnh của Người (Đnl 4, 40; 7, 9; 10, 16). Mặt khác, Giao ước cũng được diễn tả trong những mối tương quan của Thiên Chúa đối với dân Người: Israel là đàn chiên, còn Giavê là mục tử (Hc 18, 13; Gr 31, 10; Mk 2, 12; Dcr 9, 16); Israel là vườn nho, còn Giavê là người làm nho (Tv 80, 15; Is 3; 14; 5, 7; 27, 3); Israel là vợ, còn Giavê là chồng (Hs 2, 4-15). Tuy nhiên, một Giao ước trong tình yêu mới thật là điều mà Giavê Thiên Chúa muốn dân Người kinh nghiệm thấy (Ed 16, 6-14).

Quả thật, Israel buổi đầu còn chưa thể hiểu ý nghĩa ẩn tàng của Giao ước Giavê. Họ chỉ biết một thứ giao ước thuộc về kinh nghiệm xã hội và pháp lý của con người. Đó là thứ giao ước của những điều khoản, bộ luật, những cam kết với Giavê trong việc tuân giữ giới răn và thờ phượng Người. Họ ca ngợi Giavê trong sự công bình của Người nhưng lại bỏ quên tình yêu mà Người dành cho họ. Tuy nhiên, tình yêu của Giavê đi đôi với sự thành tín, công bằng; đi đôi với Giao ước và lời hứa của Người (Ex 34, 6). Đó cũng là lý tưởng của Lề luật mà Is 16, 5 nhắc đến cho thấy hồng ân cứu độ. Có thể nói, Giao ước tình yêu là một thứ “tình cảm sâu sắc” mà Giavê Thiên Chúa dành cho Israel. Giavê như người chồng đã phục hồi người vợ sa ngã là Israel (Gr 2, 2; 31, 2; Hs 2, 21). Không thể có sự tha thứ nào nếu giao ước được lập nên chỉ là giao ước của công bằng và xét xử. Trái lại, nếu đó là luật của tình yêu thì chính Israel đã phải bao lần kinh nghiệm được điều này do sự bội tín với Giao ước của Giavê (Ds 14, 20; Gr 3, 12; 31, 34; Ed 16, 63; Đn 9,9).[13]

Giao ước tình yêu mang ý nghĩa rộng lớn hơn một giao ước thông thường. Chính qua Giao ước này mà Thiên Chúa đã khởi sự và vẫn còn tiếp tục hoạt động trong lịch sử Israel (Is 54, 10; 63, 7; Gr 31, 3; Mk 7, 20). Thật thế, toàn bộ lịch sử Israel có thể qui về chỉ một Giáo ước này mà thôi. Chính tình yêu mà Giavê đã tỏ bày qua Giao ước với dân cho ta hiểu rõ hơn tính cách của Người.

b. Bài học từ những thử thách


Thánh Kinh chú trọng đến thử thách ở nghĩa tác động của nó. Theo đó, trong các ngữ căn Hylạp (peirazein, diakrinein), thử thách có nghĩa là tìm biết thực tại thâm sâu ẩn dưới những vẻ mơ hồ bên ngoài. Thử thách không làm cho chết nhưng nhắm đến sự sống (St 2, 17; Gc 1, 1-12). Đó là một hồng ân. [14] Quả thế, Thiên Chúa thử thách con người để biết đáy lòng họ (Đnl 8, 2) và ban cho họ sự sống (Gc 1, 12). Một khi đã lựa chọn lời hứa trở thành dân riêng của Thiên Chúa, Israel sẽ phải chứng tỏ lòng trung tín của dân trước những thử thách hòng phá đổ Giao ước. Israel phải cho thấy lòng tin, tình yêu và niềm hy vọng của mình vào một Thiên Chúa duy nhất. Phần mình, Giavê sử dụng những thử thách ấy như bài học giáo dục để dần dần thanh luyện dân của Người.

Trước hết, con người được mời gọi bước vào một lời hứa. Đó là khởi đầu cho việc thử thách lòng tin của họ. Tổ phụ Abraham qua việc chấp nhận sát tế Isaac đã cho thấy ông là cha của những kẻ tin; một Giuse bị bán làm nô lệ nhưng vẫn một mực tín trung vào Thiên Chúa của mình; một Môsê đã luôn tín thác vào Thiên Chúa mà gánh lấy sự cứng cỏi và bất trung của dân (Dt 11, 1-40; Hc 44, 20; 1Mcb 2, 52). Và sau khi ra khỏi Aicập, Thiên Chúa cho thấy chỉ có những kẻ tín trung mới được vào đất hứa.

Thiên Chúa vẫn không ngừng dạy dỗ dân. Người đã chọn riêng họ làm sản nghiệp của Người (1V 8, 53). Người muốn họ thuộc trọn về Người chứ không phải như kẻ sống giả dối, hai lòng. Họ đã chọn phục vụ Người (Gs 24, 18) nhưng vẫn chạy theo ngẫu tượng như những kẻ ngoại tình (Hs 2). Chính vì thế, Người cho họ thấy họ đáng phải trở lại hoang địa mà sống trong cảnh lưu đày.

Tuy nhiên, nhóm dân còn lại sau lưu đày vẫn phải chứng tỏ niềm tin vào Giavê là nguồn hy vọng duy nhất của họ. Họ phải thấy được mọi nỗ lực cố gắng của con người vẫn là những gì có giới hạn. Lời hứa không thể được thực hiện trong tính cách nhân loại. Thử thách về niềm hy vọng là bài học thâm sâu có giá trị thanh luyện nhất. Họ được mời gọi chờ đợi đến thời của Đấng Mêsia, Đấng sẽ làm cho niềm hy vọng của họ được thành tựu.

Tóm lại, thử thách là bài học trường kỳ mà Thiên Chúa muốn dân Người phải học lấy. Bởi càng đến gần Thiên Chúa thì thử thách càng nhiều (Gđt 8, 25). Thử thách không phải để đánh ngã nhưng là để tôi luyện; thử thách không làm cho chết nhưng là để ban sự sống. Chính trong thử thách, Thiên Chúa lại từng bước chuẩn bị cho dân Người đón nhận Tin mừng cứu độ vào thời đã định. Thiên Chúa vẫn kiên nhẫn và tín trung trong đường lối của Người. Những chặng đường giáo dục đã qua là chuẩn bị cho một giai đoạn mới, giai đoạn của hồi kết thúc hướng đến Vương Quốc như lời Thiên Chúa hứa. Đức Kitô sẽ là Lời Thiên Chúa mặc lấy xác phàm (Ga 1, 14) và làm cho công cuộc giáo dục đi đến sự viên mãn bởi Người sẽ là Lời duy nhất và dứt khoát của Thiên Chúa.

III. Đức Giêsu Kitô, Thầy dạy muôn dân


Thư gửi tín hữu Dothái chương 1 cho thấy chính Đức Giêsu Kitô sẽ tiếp tục công trình cứu độ mà Thiên Chúa, cũng là Cha của Người, đã khởi sự. Giavê Thiên Chúa sẽ không còn nói với con người qua một trung gian nào nữa ngoài Đức Giêsu chính là Lời Nhập Thể. Thiên Chúa vẫn tiếp tục giáo dục con người theo đường lối của Người nhưng càng ngày càng sâu sắc hơn, hiển hiện hơn bởi giờ đây Đức Giêsu Kitô sẽ là lời duy nhất, hoàn hảo và dứt khoát của Người. Chính Người Con sẽ mạc khải Chúa Cha cách rõ ràng nhất, cũng chính Người Con ấy sẽ dạy chúng ta gọi Thiên Chúa là Cha. Người sẽ làm cho Giao ước nên hoàn hảo bởi Người sẽ tự nguyện hiến thân thay cho ta làm của lễ đền tội dâng lên Thiên Chúa. Người dạy cho ta bài học của tình yêu mà Thiên Chúa đã không ngừng bày tỏ cho dân riêng trong suốt chiều dài lịch sử.

III.1 Đức Giêsu mạc khải Chúa Cha


Chính Đức Giêsu đã mang lại cho tư tưởng Dothái một nét tinh tuý mới về tình phụ tử Thiên Chúa. Thật vậy, truyền thống Dothái vẫn liên kết tình phụ tử giữa Thiên Chúa và dân riêng qua đặc tính tạo hoá của Người (Is 64, 7; Ml 2, 10) nên chưa thể cho rằng Thiên Chúa là Cha của tất cả mọi người và mọi người là anh em của nhau. [15] Hơn thế nữa, truyền thống này khi nói đến lòng thương xót mà Thiên Chúa dành cho mọi xác phàm (Hc 18, 13) thì vẫn là quy kết cho những người công chính trong dân Israel mà thôi (Kn 12, 19-22; 2Mcb 6, 13-16). Tuy nhiên, phải chờ đến một Israel mới[16] được dẫn dắt bởi một thủ lãnh duy nhất là Đức Kitô thì mọi người mới được mời gọi trở thành con của Cha trên trời và đáng hưởng những ơn ích cần thiết (Mt 6, 26.32; 7, 11; Lc 11, 13) cùng với lòng nhân từ của Thiên Chúa (Lc 15, 11-32).

Quả thế, Thiên Chúa là Cha của mọi kẻ tin vào Người. Qua Israel mới chính là Hội thánh, nhờ đức tin do phép rửa, mọi Kitô hữu được Thiên Chúa “sinh ra” (1Ga 2, 29; 3, 9-10; 4, 7; Ga 3, 3-9) và trở nên dưỡng tử (Gl 4, 5; Rm 8, 14-17; Ep 1, 5), nên một trong Đức Kitô (Gl 3, 26) và là em của Người (Rm 8, 17.29; Cl 1, 18). Chính vì thế, Đức Giêsu đã mạc khải cho mọi người biết họ được yêu bằng chính tình yêu mà Thiên Chúa đã yêu thương Con Một của Người (1Ga 3, 1), và Hội thánh vẫn không ngừng cầu nguyện cùng Cha trên trời qua lời kinh của Đức Giêsu đã dạy (Lc 11, 2-4). Hơn thế, Người còn cho thấy, như người cha, Thiên Chúa hằng sửa dạy (Dt 12, 7) nhưng vẫn luôn yêu thương (1 Ga 3:1; 2 Th 2:16; Ep 2:4; Rm 8:38–39) và giàu lòng trắc ẩn (Mt 6, 25-32; 10, 29, 31). Thiên Chúa đã dùng chính sức mạnh nơi thập giá của Đức Kitô mà cứu vớt những kẻ tội lỗi (Rm 5, 8; Ep 2, 11-18; Lc 15, 11-32) và Người những muốn họ cũng biết bắt chước Người tỏ lộ tình yêu ấy cho đồng loại để đáng được gọi là con của Người (Mt 5, 9. 44-48; Lc 6, 35-36; Ep 4, 31-5, 2). [17]

Như vậy, kinh nghiệm tình phụ tử của Thiên Chúa trong Giao ước cũ được kiện toàn qua việc mạc khải dòng dõi duy nhất của Đức Kitô. Và cũng chính từ dòng dõi này mà chiều hướng về tình phụ tử được trở nên mới mẻ hơn trong Giao ước mới được lập nên bởi hy tế của Đức Giêsu Kitô.


III.2 Khoa sư phạm của Đức Giêsu


Đức Giêsu đã từng bước dẫn dắt những kẻ theo Người nhận biết Người là Đấng Cứu Chuộc và từng bước tiết lộ cho họ về mầu nhiệm Tử nạn và Phục sinh mà Người sẽ trải qua như ý Chúa Cha. Thật ra, Người đang tiếp tục công trình cứu độ của Chúa Cha nhưng theo một cách thức khác hoàn hảo hơn những gì đã được thực hiện trong Giao ước cũ. Bằng cách đó, hy tế mà Người hiến dâng là trọn vẹn và chỉ một lần là đủ cho tất cả.

a. Giáo dục đức tin cho các môn đệ

Để đón nhận mầu nhiệm Thập giá, các môn đệ Đức Giêsu cần có thời gian tôi luyện niềm tin. Có thể lấy Tin mừng theo thánh Mátthêu như điển hình cho khoa sư phạm của Đức Giêsu. Thật vậy, lời đầu tiên bắt đầu sứ vụ rao giảng của Đức Giêsu cho thấy Triều Đại Thiên Chúa đến với mọi người trên trần gian này cùng một lúc với Người.[18] Nói khác đi, Người muốn dẫn dắt người đương thời đi đến chỗ đồng hoá Người với Nước Trời đã được tiên báo (Mt 4, 17; 9, 15). Người không thôi gây cho họ những thắc mắc về chính Người qua giáo lý mà Người giảng dạy “như Đấng có thẩm quyền chứ không như các kinh sư” (Mt 7, 28-30; Mc 1, 27), qua các phép lạ mà Người đã thực hiện (Mt 8, 27; Lc 4, 36). Tuỳ theo khả năng tiếp thu của thính giả mà Người dùng cách thế phù hợp để giảng dạy. Chẳng hạn, Người thường dùng dụ ngôn để nói với họ, không chỉ để giáo huấn mà còn để gây nên những thắc mắc xin giải thích (Mt 13. 10-13. 36) đến khi họ có thể hiểu được (Mt 13, 51).[19]

Cấu trúc Tin mừng theo thánh Matthêu cho thấy từ cuối chương 13, Đức Giêsu sẽ chỉ còn tập trung vào các môn đệ của Người mà thôi.[20] Thật vậy, người chuẩn bị cho các ông tâm thế đón nhận những điều sẽ đưa các ông liên kết với Người trong cùng một sứ mệnh. Người cho các môn đệ thấy họ bất lực thế nào trước quyền năng của Người mà huấn luyện lòng tin của các ông vào Người (Mt 14, 15-21; 16, 8-12). Người truyền dạy cho các môn đệ những mệnh lệnh rõ ràng (Mt 10, 5-16) hầu liên kết các ông vào sứ mệnh của Người. Đến đây khi các ông đã nhìn nhận Người là Đấng Kitô thì Người mới tiết lộ cho các ông một mầu nhiệm khó đón nhận hơn: mầu nhiệm Thập giá. Cũng từ đây, việc giáo dục đức tin càng trở nên thúc bách hơn khi Người sửa lỗi Phêrô (Mt 16, 22-24), trách các ông yếu lòng tin (Mt 17, 17), đồng thời chỉ cho các ông thấy lý do làm các ông thất bại (Mt 17, 19-20) và rút ra cho các ông bài học về chính sứ vụ mà các ông sẽ gánh vác cùng với Người (Mt 20, 24-28).

Như vậy, Người đã chuẩn bị cho những ai theo Người hành trang cần thiết là Đức tin. Chỉ trong Đức tin người môn đệ mới nhận ra bài học sau cùng mà Người sẽ truyền dạy cho họ là sự vâng phục tuyệt đối như Người đã vâng phục Chúa Cha cho đến nỗi bằng lòng chịu chết trên thập tự (Pl 2, 8).

b. Trở nên mẫu gương trong sự vâng phục

Đức Giêsu Kitô đã trở nên mẫu gương trong sự vâng phục và trung thành với sứ mạng của Người. Qua thư gửi tín hữu Philípphê (Pl 2, 6-11), thánh Phaolô đã mượn lại lời sấm về Người Tôi Trung ở Is 52, 13-53, 12 mà ca ngợi quyết định nhiệm mầu và tự do của Chúa Kitô là trút bỏ tất cả những gì thuộc về Thiên Chúa với lòng tuân phục hoàn hảo. Quả thế, Đức Giêsu Kitô đã lựa chọn huỷ bỏ mình để được đón nhận lại trong Thiên Chúa. Như vậy, nơi Chúa Giêsu, ta thấy sự sung mãn của thần tính (Cl 2, 9; 1Ga 1, 1) vào chính lúc mà Người Con đã hoá ra không để đi vào thế giới loài người, để cứu vớt nhân loại và đưa tất cả vũ trụ này về với Thiên Chúa. Và khi Người bảo ta từ bỏ chính mình (Mc 8, 34), Người chỉ nói lên định luật sâu xa cuộc hành trình của chúng ta trong tư cách là con cái Thiên Chúa, đang khi chờ ngày được vinh hiển.[21]

Người Tôi Trung đã tự đồng hoá chính mình với những kẻ Người giáo dục khi lãnh lấy sự sửa phạt thay cho họ (Is 53, 5). Và khi gánh lấy những tật nguyền của họ (Mt 8, 17), Người gánh lấy tội thế gian (Ga 1, 29). Người đã trở nên hy tế để hoàn tất việc giáo dục Israel, làm cho Israel mới là Hội thánh được sinh ra trong Máu Giao Ước của Người.

Ngay từ buổi đầu, Hội thánh đã căn cứ vào lời hứa của Thiên Chúa phán qua ngôn sứ Giêrêmia (Gr 31, 31-34) để khẳng định Hội thánh là dân của Giao ước mới, một dân mới (1Pr 2, 1-10), là Isarael được tái sinh, gồm cả Dothái và dân ngoại. Quả thế, trong Đức Kitô, Giao ước không còn phải là Lề luật nữa nhưng là Đức tin và là sự sống trong Thần Khí. Giao ước với Môsê không còn phù hợp với tính cách phổ quát của ý định Thiên Chúa nữa bởi ơn cứu độ phải được mở rộng cho hết thảy mọi người, không phân biệt Dothái hay dân ngoại (1Cr 12, 13; Gl 3, 28; Ep 2, 12-13). Tuy nhiên vẫn trong một lời mời gọi duy nhất, lời mời gọi cam kết vô điều kiện trong tình yêu mà Thiên Chúa sẽ lập với “dân mới” của Người một Giao ước vĩnh cửu qua “Môsê mới” là Đức Giêsu Kitô, Con của Người.

Thật vậy, Đức Giêsu chính là Đấng bảo đảm vững chắc cho Giao ước mới (Dt 7, 22) vì là trung gian của Giao ước mới (Dt 9, 15; 12, 24; 1Tm 2, 5-6), một Giao ước tốt đẹp hơn (Dt 8, 6). Chính trong vai trò của Đấng Cứu Chuộc, Đức Giêsu đã truyền dạy và thực hành bài học thật lớn của tình yêu đó là trở nên như kẻ mình yêu thương (Dt 4, 15) mà đền thay tội lỗi cho họ (Is 53, 5; Mt 8, 17, Ga 1, 29). Người đã dùng chính giá máu của mình mà mang lại cho ta ơn tha thứ (Dt 9, 18-22; Xh 24, 6-8; Lv 17, 11). Không phải bài học nào cũng có thể được truyền đạt một cách thông suốt. Israel đã chẳng thể nào hiểu cách thức mà Giavê yêu thương họ qua việc Người tặng ban Con Một. Nhưng kể từ đây, nếu ai cố tình phạm tội tức là đã phản bội lại Máu của Giao ước mới và sẽ không còn hy lễ nào đền bù thay được nữa (10, 26-31).

Như thế, Đức Giêsu đã hoàn tất việc giáo dục Israel bằng chính hy tế trên thập giá của Người. Bài học mà Người để lại cho những kẻ theo Người trong Bữa tiệc sau cùng chính là thực hiện giới răn yêu thương (Ga 13, 34) mà tưởng nhớ đến Người (Lc 22, 19). Sau cùng, viễn cảnh của Giao ước mới chính là thực tại của Vương Quốc Thiên Chúa (Kh 21, 1; 2Pr 3, 13) mà đất hứa xưa kia chỉ là hình bóng (Is 62, 17). Tất cả những ai qua Giao ước vĩnh cửu này mà đến với Thiên Chúa đều tìm thấy cho mình sự sống cùng với Đấng đã chết và sống lại vì họ (Ga 14, 1-4).[22]

Đức Giêsu Kitô chính là trung tâm của Giao ước vĩnh cửu và là Đấng sáng lập Hội thánh. Tuy nhiên, những điều Người tiên báo phải xảy đến (Ga 14, 1-4) thì chính các môn đệ của Người giờ đây chưa đủ sức thông hiểu tất cả (Ga 16, 12). Vì thế, Người sẽ ra đi nhưng Thần Khí sẽ đến và sẽ đưa tất cả đến sự thật toàn vẹn (Ga 16).

IV. Chúa Thánh Thần, Đấng hướng dẫn Hội thánh


IV.1 Luật của Thần Khí


Thư gửi tín hữu Galát (Gl 3, 23-29) cho thấy thời của đức tin đã đến, thời mà chúng ta không còn sống dưới sự giám hộ của Lề luật nữa nhưng nhờ có đức tin mà trở nên con cái Thiên Chúa và nên một trong Đức Kitô. Quả thế, Luật không còn là nhà sư phạm của Israel mới nữa.[23] Israel đã được tái sinh trong Máu Giao ước mới của Đức Kitô. Đó chính là kỳ hạn mà Thiên Chúa đã định (Gl 4, 2) để chuộc lại những ai sống dưới lề luật mà cho họ quyền làm nghĩa tử (Gl 4, 4-6). Như vậy, một khi đã là con cái thì chúng ta không sống theo Luật cũ nữa nhưng nhờ Luật của Thần Khí mà tiến bước trong tự do của kẻ làm con và được hưởng quyền thừa kế (Gl 4, 6-7).[24]

Chính Luật của Thần Khí làm cho chúng ta kêu lên: “Abba! Cha ơi” và khiến ta nhớ lại những giáo huấn của Đức Kitô (Ga 14, 26; 16, 13-14) mà học nên hoàn thiện như Cha trên trời (Mt 5, 48). Luật ấy đòi chúng ta phải chiến đấu chống lại nhục thể (1Cr 3, 1) với mọi ân huệ mà Người ban cho (1 Cr 1, 7) hầu để chúng ta thuộc về Đức Kitô vì Người hằng bảo vệ công trình của Chúa Kitô chống lại thế gian bách hại (Ga 16, 8-11). Thần Khí cũng sẽ làm cho mầu nhiệm của Chúa Kitô trở nên hiện tại cho chúng ta, để hoà giải chúng ta, đặt chúng ta trong niềm hiệp thông với Thiên Chúa, giúp chúng ta sinh nhiều hoa trái (Ga 15,5.8.16).[25]

Như vậy, Thần Khí sẽ dạy cho ta biết bài học của sự hiệp nhất trong một Thân Thể Đức Kitô (1Cr 12, 13) cũng là sự hiệp nhất trong một Chúa duy nhất (Ep 4, 4-5). Quả thế, Thần Khí giờ đây làm cho ta mạnh dạn tuyên xưng Đức Giêsu Kitô là Chúa (1Cr 12, 3) và trong Thần Khí ta dám cầu xin với Thiên Chúa là Cha chúng ta (Rm 8, 26). Khi đó, tất cả cùng vâng nghe một Chúa duy nhất (Ga 6, 45) bởi đã được “tự Đấng Thánh” xức dầu “lãnh nhận từ Đức Kitô” (1Ga 2, 20.27). Cuối cùng, tất cả đều được qui về một Chúa duy nhất, Đấng hằng giáo dục chúng ta và ở trong chúng ta (Ga 14, 17-26, 1Ga 4, 13).[26]

IV.2 Canh tân và sửa dạy


Đây là hai khía cạnh mà Hội thánh không ngừng để cho Thánh Thần hoạt động hầu gìn giữ sự vẹn tuyền và sức sống của Chúa Kitô nơi mình. Thánh Phaolô tông đồ trong thư gửi tín hữu Êphêxô đã nói: “Anh em phải để cho Thần Khí đổi mới tâm trí anh em” (Ep 4, 23). Quả thế, Thánh Thần xây dựng Hội thánh bằng nhiều ân huệ khác nhau theo phẩm trật và đoàn sủng (Ep 4, 11-12; 1Cr 12, 4; Gl 5, 22). Nhờ sức mạnh từ Tin mừng của Chúa Kitô, Người làm cho Hội thánh tươi trẻ, không ngừng canh tân và dẫn dắt Hội thánh là Hiền Thê đến cùng Chúa Giêsu Kitô. Nhờ được đổi mới trong sự dẫn dắt của Thánh Thần mà Hội thánh sẽ nhận ra thánh ý của Chúa Cha trong mỗi biến cố của thời đại (Rm 12, 2; Tt 3, 5; 2Pr 1, 21).

Tuy nhiên, vì còn mang tính cách lữ hành nên Hội thánh vẫn cần được Thiên Chúa sửa dạy và mỗi người phải luôn thực hành việc sửa dạy lẫn nhau. Thật vậy, Thiên Chúa luôn sửa dạy con cái mình (Dt 2, 17-18). Việc sửa dạy không làm cho chết (2Cr 6, 9) nhưng cứu khỏi án phạt (1Cr 11, 32) và sau đau khổ là niềm vui (Dt 12, 11). Chính Thánh Thần sẽ cho chúng ta biết Thiên Chúa sửa dạy là vì ích lợi của chúng ta hầu chúng ta có thể thông phần sự thánh thiện của Người (Dt 12, 9-10).[27]

Sau cùng, bên kia của việc canh tân và sửa dạy này, dưới sự dẫn dắt của Thánh Thần, Hội thánh ý thức vai trò cột trụ và nền móng vững chắc nâng đỡ chân lý (1Tm 3, 15) cùng khả năng gìn giữ vẹn toàn Lời đã được trao phó (Tm 1, 13-14). Từ đó, Hội thánh không ngừng rao giảng và công bố Lời ấy trên khắp cùng địa cầu theo như lệnh truyền của Đức Giêsu, Đấng sáng lập Hội thánh (Mc 16, 15; Mt 28, 19-20).[28]

Kết luận


Thánh Công đồng Vaticanô II trong Sắc lệnh về hoạt động truyền giáo của Hội thánh có viết: “Hội thánh có bổn phận truyền bá đức tin và ơn cứu rỗi của Chúa Kitô… sứ mệnh của Hội thánh được hoàn tất do việc Hội thánh vâng lệnh Chúa Kitô, được ân sủng và tình thương Chúa Thánh Thần thúc đẩy, đã trở nên hoàn toàn thực sự có mặt nơi mọi người hay mọi dận tộc, để nhờ gương mẫu đời sống, lời giảng dạy, các Bí tích và những phương tiện ban ân sủng khác, Hội thánh dẫn họ đến đức tin, tự do và hoà bình của Chúa Kitô…”[29]

Cũng thế, trong Tuyên ngôn về giáo dục Kitô giáo, Thánh Công đồng viết: Trước khi về trời, Chúa Giêsu đã trao cho Giáo Hội sứ mạng lên đường dạy dỗ muôn dân. Từ đó, giáo dục trở thành sứ mạng gắn liền với sự hiện diện của Giáo Hội giữa lòng thế giới. Giáo Hội chính là người Mẹ “săn sóc toàn diện đời sống con người, kể cả đời sống trần thế, trong mức độ liên hệ với lời mời gọi của Thiên Chúa. Vì thế Giáo Hội thông phần vào việc mở mang và phát huy nền giáo dục”[30]… Sứ mạng của Giáo Hội là tạo điều kiện để mọi người đều được hưởng một nền giáo dục Kitô giáo.[31]

Như vậy, việc truyền giảng Tin mừng của Hội thánh được cụ thể hoá qua việc giáo dục đức tin hay tạo nên một nền giáo dục đặc thù cho Kitô giáo. Nói khác đi, khoa sư phạm đức tin của Hội thánh chính là việc Hội thánh bắt chước khoa sư phạm của Thiên Chúa mà gieo hạt giống đức tin cho cộng đồng nhân loại (1Pr 1, 23). Khoa sư phạm của Thiên Chúa sẽ hoàn tất khi con người đạt tới sự trưởng thành và vươn tới tầm vóc viên mãn của Đức Kitô (Ep 4, 13).[32]

Tóm lại, trong cái nhìn về khoa sư phạm của Thiên Chúa như là nền tảng của giáo dục Kitô giáo, ta có thể đưa ra một vài kết luận sau:
 
1/ Sư phạm của Thiên Chúa là công trình giáo dục được tiếp nối trong Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Thiên Chúa giáo dục dân Người trong thời gian và tiệm tiến theo thời gian.

2/ Khoa sư phạm này là đường lối đưa con người dần khám phá các tương quan:
  • Thiên Chúa là Cha và Người đã hạ mình tuyệt đối khi giáo dục con người.
  • Ơn Cứu Độ là hồng ân nhưng không Thiên Chúa mời gọi con người đón nhận.
  • Đức Kitô là mẫu gương giáo dục tuyệt hảo khi chính Người gánh lấy tội luỵ nhân loại và chịu chết cho tất cả chúng ta. Người dẫn chúng ta tiến sâu hơn vào mầu nhiệm Thiên Chúa là Cha chúng ta.
  • Chúa Thánh Thần, Đấng đang hoạt động và giáo dục Hội thánh trong hiện tại. Người hằng canh tân và dẫn dắt Hội thánh trên đường lữ hành tiến về quê trời.
3/ Sống đức tin Kitô giáo là bắt chước khoa sư phạm của Thiên Chúa.


[1] Điển ngữ thần học Thánh kinh 1971, mục từ “Giáo dục”, bản dịch Việt ngữ của Giáo hoàng học viện Piô X (Việt Nam: Đà lạt).
[2] Thánh Công đồng chung Vaticanô II, Hiến chế tín lý về mạc khải của Thiên Chúa, số 2.
[3] Thánh bộ Giáo sĩ, Hướng dẫn đại cương về việc dạy giáo lý (Directoire Générale Pour La Catéchèse), bản Việt ngữ, 1997, tr. 39.
[4] xc. Hiến chế tín lý về mạc khải của Thiên Chúa, số 3.
[5] xc. Hiến chế tín lý về mạc khải của Thiên Chúa, số 4.
[6] xc. Hướng dẫn đại cương về việc dạy giáo lý, tr. 41,152-153,155 và Điển ngữ thần học Thánh kinh, mục từ “Giáo dục”
[7] xc. Hướng dẫn đại cương về việc dạy giáo lý, tr. 149.
[8] xc. Điển ngữ thần học Thánh kinh, mục từ “Giáo dục”.
[9] Raymond E. Brown, S.S., The new Jerome biblical commentary (New Jersey 07632: Prentice Hall, Englewood Cliff), tr. 1297.
[10] xc. Điển ngữ thần học Thánh kinh, mục từ “Cha”.
[11] xc. Điển ngữ thần học Thánh kinh, mục từ “Sửa phạt/ Trừng phạt”.
[12] xc. Điển ngữ thần học Thánh kinh, mục từ “Giao ước”.
[13] xc. Raymond E. Brown, S.S, tr. 1298-1301.
[14] xc. Điển ngữ thần học Thánh kinh, mục từ “Thử thách/ Cám dỗ”.
[15] Điển ngữ thần học Thánh kinh, mục từ “Cha”.
[16] Điển ngữ thần học Thánh kinh, mục từ “Israel”.
[17] Freedman, David Noel, ed., The Anchor Bible Dictionary (New York: Doubleday, 1997, 1992), mục từ “God (God in new Testament).
[18] CGKPV, Kinh thánh Cựu Ước và Tân Ước - Lời Chúa cho mọi người (Hà Nội: Nxb. Tôn giáo, 2006), tr. 1589.
[19] xc. Điển ngữ thần học Thánh kinh, mục từ “Giáo dục”.
[20] xc. Kinh thánh Cựu Ước và Tân Ước, tr. 1580.
[21] xc. Kinh thánh Cựu Ước và Tân Ước, tr. 2054-2055.
[22] xc. The Anchor Bible Dictionary, mục từ “Covenant”.
[23] xc. Rm 8, 2.4.
[24] xc. Điển ngữ thần học Thánh kinh, các mục từ “Giáo dục” và “Thần Thiên Chúa”.
[25] xc. Giáo lý Hội thánh Công giáo, số 737.
[26] Thánh Công đồng chung Vaticanô II, Hiến chế tín lý về Giáo hội, số 4.
[27] xc. Hiến chế tín lý về Giáo hội.
[28] xc. Điển ngữ thần học Thánh kinh, mục từ “Giáo hội”.
[29] Thánh Công đồng chung Vaticanô II, Sắc lệnh về hoạt động truyền giáo của Hội thánh, số 5.
[30] Thánh Công đồng chung Vaticanô II, Tuyên ngôn về giáo dục Kitô giáo, Lời mở đầu.
[31] xc. Tuyên ngôn về giáo dục Kitô giáo, số 2.
[32] xc. Hướng dẫn đại cương về việc dạy giáo lý, tr. 152.