Thứ Hai, 31 tháng 10, 2022

GIÁO DỤC KITÔ GIÁO TRONG MÔI TRƯỜNG GIA ĐÌNH THEO TINH THẦN CỦA CÔNG ĐỒNG VATICAN II

Thời sự Thần học – Số 2 (tháng 3/2008), tr. 88-100 

_Giuse Hoàng Văn Hoà 🙋 


Ngày nay, gia đình nói chung và nhiều gia đình Kitô giáo nói riêng đang phải đối đầu với nhiều thách thức, nhất là về đời sống nhân bản và đời sống đức tin. Có những gia đình đã đánh mất truyền thống giáo dục tốt đẹp, đặc sắc vốn có của văn hoá gia đình Việt Nam và của văn hoá gia đình Á Đông. Hoặc có những bậc cha mẹ đã xao nhãng phận vụ giáo dục để con cái lâm vào con đường sa đoạ, truỵ lạc. Song cũng có những người cha, người mẹ vì giáo dục con cái cách thái quá hoặc bất cập nên đôi lúc có những hành vi thô bạo với con cái. Trái lại, cũng có những người con vì ngỗ ngược, không vâng lời cha mẹ nên đã tỏ thái độ bất hiếu, hành hung cha mẹ, ông bà ngay trong gia đình. Trước vấn nạn ấy, Công Đồng Vatican II coi gia đình là “Giáo hội tại gia”, trong đó cha mẹ là những người “truyền sự sống cho con cái, nên cha mẹ có bổn phận hết sức quan trọng là giáo dục chúng”[1]. Chính cha mẹ là ngọn đuốc đức tin toả sáng giữa cộng đồng các ngôi vị, để mỗi ngôi vị được dẫn đưa vào trong ‘gia đình nhân loại’ và ‘gia đình Thiên Chúa’ là Giáo hội”[2]. Muốn thế, cha mẹ phải ý thức trách nhiệm giáo dục con cái để chúng trở nên những người công dân hữu ích cho xã hội và những Kitô hữu đích thực cho Giáo hội. Khi ấy, một gia đình vững chắc ắt hẳn sẽ bớt đi nỗi lo cho nhân loại. Một tín hữu tốt sẽ trở nên bông hoa thơm giữa cộng đoàn. Do vậy, hội đồng Giám mục Viêt Nam, trong thư chung năm 2007, đã nhấn mạnh và nêu cao tầm quan trọng của giáo dục Kitô giáo trong gia đình: “Giáo dục hôm nay, xã hội và Giáo hội ngày mai” như để đáp lại lòng mong ước của Giáo hội trong hiến chế Lumen Gentium: “Trong gia đình như Giáo hội nhỏ, ước gì cha mẹ là những người đầu tiên dùng gương lành và lời nói mà truyền dạy đức tin cho con cái, …”[3].

Thiết tưởng những bậc cha mẹ trong gia đình hôm nay cần nhìn lại trọng trách giáo dục của mình trong tình yêu thương để con cái được dự phần vào đời sống và sứ mạng của Giáo hội. Điều ấy có thể thực thi nếu cha mẹ biết giáo dục con cái theo tinh thần Kitô giáo bằng cách gieo mầm đức tin, huấn luyện đức ái và cổ võ kinh nguyện trong môi trường gia đình.

I. Giáo dục gia đình, mối quan ngại của Giáo hội


I.1 Khủng hoảng về nền giáo dục gia đình hiện nay


Gần đây, không chỉ xã hội mà Giáo hội Việt Nam cũng vô cùng bức xúc trước những thay đổi của nền giáo dục gia đình. Người ta nhận thấy nơi gia đình có những hành vi lệch lạc của các bậc cha mẹ với con cái hay những biểu hiện phi đạo đức của con cái đối với cha mẹ. Nhiều gia đình phải tan rã vì cha mẹ đã đánh mất trách nhiệm của những bậc sinh thành. Song cũng có những gia đình rạn nứt vì con cái đã dùng bạo lực để hành hung cha mẹ. Điều ấy cho thấy phạm vi giáo dục trong gia đình đang từng bước sa sút, thậm chí còn bị băng hoại.

Hiện tượng coi thường giáo dục gia đình đang xảy ra càng lúc càng nhiều. Có những bậc cha mẹ đã đánh mất nhân tính nên không nhìn nhận giá trị ngôi vị của con cái. Đầu tháng 11 năm 2007, em Nguyễn Thị Bình (nhà số 24, ngõ 108B, đường Nguyễn Trãi, phường Thượng Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội), đã bị nhục hình hơn 10 năm. Nguyễn Thị Bình thường xuyên bị ông bà chủ (vẫn tự xưng là bố mẹ nuôi) dùng dây điện thắt nút đánh liên tiếp vào mặt, vào lưng, thậm chí còn dùng kìm kẹp vào mạng sườn và dã man hơn là dùng gót guốc nhọn nện vào vùng kín. Thực sự, cha mẹ nào cũng muốn con cái mình chăm chỉ, ngoan ngoãn. Thế nhưng phải giáo dục thế nào để chúng trở thành những người mà cha mẹ mong muốn?

Có thể vì áp lực từ bổn phận kiếm tìm “miếng cơm manh áo” nên bất chấp dư luận xã hội, nhiều bậc phụ huynh đã bạo hành ngay với con cái của mình mà không thương tiếc. Ngày 21 tháng 12 năm 2007, bé Phạm Huy Hoàng, 5 tuổi (nhà ở ấp 4, xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh, thành phố Hồ Chí Minh), đã bị mẹ ruột của mình là Phạm Thị Mai đánh đập, làm chấn thương sọ não và bất tỉnh. Sau đó, cháu Hoàng được hàng xóm đưa đi cấp cứu tại bệnh viện Chợ Rẫy. Tại bệnh viện, mặc dù được các y, bác sĩ tận tình cứu chữa, nhưng vì vết thương quá nặng nên cháu Hoàng đã qua đời năm ngày sau đó (26 tháng 12). Không chỉ có những người mẹ mới hành hạ thể xác con cái của mình mà ngay cả những người cha cũng dã man đến độ mất hết tính người. Tại Nghệ An vào ngày 2 tháng 2 năm 2008, các em Nguyễn Tiến Việt (3 tuổi), Nguyễn Tiến Anh (7 tuổi), và Nguyễn Thị Uyên (10 tuổi), đã bị cha ruột là Nguyễn Tiến Thăng (sinh năm 1973, ở khối 2, thị trấn Diễn Châu, Nghệ An) dùng ống tuýp sắt đánh, khiến cháu Việt chết ngay tại chỗ, hai cháu Anh và Uyên bị thương nặng ở phần đầu, phải đưa đi cấp cấp cứu tại bệnh viện đa khoa Nghệ An.

Ngoài ra, thành tích học tập của con cái cũng là một áp lực quan trọng đối với cha mẹ trong việc giáo dục con cái. Cha mẹ nào cũng mong ước con cái mình trở thành con ngoan trò giỏi. Hoặc vì muốn hãnh diện với bạn bè, hàng xóm nên con cái của họ phải đạt danh hiệu tiên tiến hoặc xuất sắc. Nếu không được, nhiều cha mẹ bực tức và có hành vi ngược đãi con cái, xúc phạm đến danh dự của chúng. Quả thực, sáng ngày 14 tháng 2 năm 2008, tại hẻm vào Thánh Thất, Biên Hoà, trên đường Võ Thị Sáu, phường Quyết Thắng, thành phố Biên Hoà, Đồng Nai, bà Huỳnh Thị Kim Liễu đã hành hạ hai đứa con sinh đôi của mình. Em Lê Văn Nâu và Lê Văn Tím hiện đang là học sinh lớp tám, trường trung học cơ sở Hùng Vương, thành phố Biên Hoà. Vừa qua, vì mải chơi game nên hai em không đạt danh hiệu học sinh giỏi học kỳ I. Quá hậm hực với con mình, người mẹ ruột này không ngần ngại lột sạch quần áo của hai đứa trẻ, chỉ để lại cho chúng chiếc quần lót, rồi xích chân chúng vào cột điện ngay lề đường, mặc cho cái lạnh của đất trời.

Như vậy, thực tế trên[4] cho thấy, quan niệm giáo dục trong gia đình của các bậc cha mẹ là thường dùng roi vọt để khuyên bảo, dạy dỗ. Không ít người cha, người mẹ thấy được sự bất lực khi dùng vũ lực để sửa dạy con cái. Chính trong lúc nóng giận, nhiều ông bố, bà mẹ đã không kìm hãm được những suy nghĩ và hành động sai lệch của mình. Vì thế, nhiều con cái phải chịu thiệt hại, đau đớn không những về thể xác mà còn tổn thương về tâm hồn.

Ngoài ra, giáo dục gia đình phải được vận hành theo quy luật tương tác giữa các thành viên trong gia đình. Giáo dục trong gia đình thành công là do sự quan tâm dạy dỗ của cha mẹ và sự vâng lời của con cái. Điều ấy khẳng định tầm quan trọng trong mối tương quan, hỗ trợ giữa cha mẹ và con cái. Nếu cha mẹ miệt mài, dày công dạy dỗ mà con cái nhất mực không vâng lời thì liệu rằng giáo dục của gia đình sẽ ra sao? Do đó, nhiều gia đình vẫn xảy ra hiện tượng con cái bạo hành với cha mẹ, bạc bẽo với ông bà. Nếu có dịp đến thăm những trại dưỡng lão hay các mái ấm tình thương dành cho những người cô thế cô thân, chúng ta sẽ bắt gặp nhiều mảnh đời bất hạnh. Có những bậc cha mẹ không thể ngờ con cái mình lại đối xử tàn tệ đến thế. Đạo đức trong gia đình đã thay đổi, luân thường đạo lý đã bị đảo ngược. Nếu ngày trước, cha mẹ là những người có quyền định đoạt cho con cái thì ngày nay con cái lại quyết định số phận cho cha mẹ. Nhiều cha mẹ chưa đến tuổi hưu nhưng đã phải vào trại dưỡng lão. Nghiệt ngã hơn, có những cha mẹ phải ngậm ngùi từ giã ngôi nhà thân thương do chính mình gầy dựng để lưu trú nơi những căn hộ dành cho những người kém may mắn. Hành động ấy chứng tỏ nhân tính của những bậc làm con đã bị tha hoá, mai một, thậm chí đã bị bóp nát. Hình ảnh thương tâm về một người mẹ liệt sĩ Nguyễn Thị Nãi 85 tuổi ở Quảng Bình, bị cháu nội ngược đãi và hành hung đến chết, vẫn là nỗi phẫn nộ và căm giận của nhiều người dân những vùng lân cận.

Vậy, phải chăng những người con, người cháu này không được giáo dục từ nhỏ? Liệu cha mẹ của họ có dạy dỗ con cái mình về đời sống nhân bản không? Nói cách khác, giáo dục gia đình có trở thành mối quan tâm hàng đầu của các bậc làm cha, làm mẹ không? Xét vì bổn phận gia đình thì tiên vàn cha mẹ cũng chịu trách nhiệm một phần trong việc đào tạo và hình thành nhân cách của con cái.

I.2 Giáo dục gia đình: trách nhiệm thuộc về ai?


Chào đời, con cái là những người được cha mẹ nhìn nhận đầu tiên. Khi đứa trẻ chập chững bước đi, cha mẹ là những người bạn đồng hành với chúng. Lúc trẻ bập bẹ tiếng nói, cha mẹ là những người thầy dạy chúng phát âm. Đến tuổi trẻ cắp sách đi học, chính cha mẹ là những người hướng dẫn chúng đến trường. Thế nhưng, trong những năm gần đây, dường như trách nhiệm trên không thuộc về cha mẹ nữa. Nơi gia đình, những hình ảnh cao đẹp này không còn tái diễn và hiện diện. Thường cha mẹ sống tinh thần hướng ngoại hơn là quan tâm đến con cái. Thậm chí, có những cha mẹ bất lực trong việc giáo dục đến độ phó thác hoàn toàn con cái cho nhà trường và xã hội. Chính vì thế, nền giáo dục con cái trong gia đình đang bị một lỗ hổng.

Ở Việt Nam, từ xưa đến nay, cha mẹ là những người chuyên lo giáo dục con cái. Nếu không vì thế, cha ông ta đã chẳng kinh nghiệm: “Con hư tại mẹ, cháu hư tại bà”. Người cha, tiên vàn trong gia đình, cùng với vợ lo giáo dục con cái, vì “ai biết giáo dục con sẽ được thoả lòng về con, và được hãnh diện với những người quen biết” (Hc 30, 2). Con cái là kết quả tình yêu vợ chồng. Con cái là niềm vui, là nguồn hạnh phúc mà Thiên Chúa trao ban. Hãy đón nhận con cái và giáo dục chúng nên người tốt, không những cho xã hội mà cho cả Giáo hội. Vì gia đình là trường học đầu tiên phát triển nhân tính cho con cái nên cha mẹ phải chu toàn sứ mệnh của mình, nhất là việc giáo dục tôn giáo. Ắt hẳn, người cha phải ý thức trong vấn đề này, vì “sự hiện diện tích cực của người cha giúp ích rất nhiều cho việc đào tạo con cái, nhưng cũng phải làm sao giữ được cho người mẹ vai trò chăm sóc gia đình”[5]. Cho nên, người cha không nên vắng nhà lâu ngày vì con cái sẽ mất quân bình về tâm lý, tình nghĩa vợ chồng dễ phai nhạt. Ở những nơi người cha dễ bị coi thường hoặc người cha không quan tâm đến giáo dục gia đình thì Giáo hội phải “làm sao giúp cho xã hội ấy xác tín rằng chỗ đứng và vai trò của người cha trong gia đình có tầm quan trọng độc nhất không thay thế được”[6]. Ngoài ra, lối giáo dục của người cha cần thể hiện tính quảng đại, bao dung và tha thứ cho con cái như tâm tình của Thiên Chúa, Đấng “giàu lòng thương xót và rất mực yêu thương chúng ta” (Ep 2,4). Hãy yêu thương và chăm sóc con cái bằng cả tấm lòng! Hãy chia sẻ những khó khăn của con cái để đồng hành và nâng đỡ! Và hãy giáo dục con cái để chúng trở nên những công dân và tín hữu hầu mưu ích cho xã hội và Giáo hội.

Đặc biệt, con cái không những là hồng ân cao quý và ân huệ Thiên Chúa ban cho vợ chồng mà còn là “sự đóng góp lớn lao, kiến tạo hạnh phúc của cha mẹ”[7]. Hạnh phúc gia đình hệ tại việc quán xuyến của người mẹ. Người mẹ trước tiên phải biết giáo dục con cái trong nghệ thuật “dạy con từ thuở còn thơ”. Lối giáo dục đó khởi đi từ phương cách dạy dỗ của Thiên Chúa đối với dân Israel xưa kia: “Khi Israel còn là đứa trẻ, Ta đã yêu nó, từ Ai cập Ta đã gọi con Ta về … Ta đã tập cho Ephraim, đã đỡ cánh tay nó,…. Ta đã lấy dây nhân nghĩa, lấy mối ân tình mà lôi kéo chúng. Ta xử với chúng như người nựng trẻ thơ, nâng lên áp vào má. Ta cúi xuống gần nó mà đút cho nó ăn” (Hs 11,1-4). Trong giáo dục, người mẹ nên kết hợp với người chồng để chăm lo việc đào tạo đời sống nhân bản cho con cái ngay từ lúc chúng bập bẹ tiếng ‘ba’, tiếng ‘má’. Thứ đến, người mẹ giáo dục con cái bằng cách lo toan, chăm sóc miếng cơm manh áo cho chúng. Thông thường, người mẹ giáo dục con cái trong yêu thương hơn là ghen ghét. Người mẹ dễ trở thành chỗ dựa tinh thần để con cái trút bầu tâm sự. Chính khoảnh khắc trống vắng của con cái, người mẹ sẽ khoả lấp những mong ước, khát khao của chúng. Khi ấy, lối giáo dục của người mẹ là biết lấy ‘nhu thắng cương’, biết răn dạy con cái và khuyên bảo chúng bằng những lời ngọt ngào, những lẽ yêu thương. Lúc con cái không vâng lời, người mẹ có đủ kiên nhẫn để đợi chờ hơn là bất lực, đủ can đảm để đối phó hơn là buông lỏng.

Như vậy, đứng trước những thay đổi và khủng hoảng về lĩnh vực giáo dục trong gia đình như hiện nay thì trách nhiệm ấy thuộc về ai? Nói theo tinh thần của Công Đồng Vatican II thì tiên vàn nhiệm vụ giáo dục thuộc về gia đình, trong đó cha mẹ phải chu toàn bổn phận giáo dục con cái. Khi ấy, gia đình sẽ là “Giáo hội tại gia, là trường học tự nhiên và căn bản trong nền giáo dục Kitô giáo”[8]. Nói cách khác, gia đình sẽ là môi trường phát triển nhân cách con người, trong đó cha mẹ là những người thầy đầu tiên vun trồng cho con cái một nền giáo dục Kitô giáo đích thực. Chính lúc ấy “cha mẹ có nhiệm vụ tạo cho gia đình một bấu khí thấm nhuần tình yêu cũng như lòng tôn kính đối với Thiên Chúa và tha nhân, để hỗ trợ việc giáo dục toàn diện cho con cái trong đời sống cá nhân và xã hội”[9].

II. Gia đình, trường học nhân linh đầu tiên


II.1 Gieo mầm đức tin


Thường những bậc cao niên trong gia đình Kitô giáo là những cộng tác viên tích cực về ơn thánh và đức tin, không những đối với chính họ mà còn đối với con cái nữa. Đặc biệt, cha mẹ là những nhà truyền giáo thiết thực và đầu tiên cho con cái về đạo lý, bởi “trong gia đình Kitô giáo, vì đã nhận lãnh ân sủng cũng như bổn phận của bí tích Hôn Phối, nên cha mẹ phải dạy dỗ con cái ngay từ nhỏ, để chúng nhận biết và thờ kính Thiên Chúa cùng yêu mến tha nhân theo đức tin chúng đã lãnh nhận khi chịu phép Rửa Tội”[10]. Thế nên, đức tin của con cái chịu ảnh hưởng và hoàn toàn phụ thuộc vào đời sống đạo đức của cha mẹ và gia đình.

Với sứ mạng gieo mầm đức tin cho con cái, trước tiên cha mẹ cần dạy giáo lý cho chúng bằng cách: đào tạo cho chúng nền tảng giáo lý Kitô giáo qua những kinh bổn, những câu hỏi thưa thuộc tín lý tuỳ theo độ tuổi; quan tâm đến việc học giáo lý cũng như sinh hoạt đoàn thể của con cái tại giáo xứ. Từ đó, cha mẹ góp phần hình thành cho chúng mối tương quan với Thiên Chúa để nhận ra Thiên Chúa là tình yêu. Thứ đến, cha mẹ phải giáo dục cho con cái biết cách cầu nguyện để đối thoại với Thiên Chúa, hầu nhận ra thân phận yếu đuối của con người. Cầu nguyện với Thiên Chúa mỗi ngày được coi như bổn phận của người con đối với người cha. Và cầu nguyện còn là phương thuốc đặc hiệu, tăng cường sự bền vững và mối liên kết thiêng liêng trong gia đình. Thiết tưởng con người hôm nay cần gặp gỡ Thiên Chúa trong lời cầu nguyện để có thể nung nấu đức tin. Có tin chúng ta mới cầu nguyện. Và cầu nguyện cũng chính là từng ngày ươm mầm đức tin cho chính mình và cho người khác. Sau cùng, giáo dục Kitô giáo dựa trên chứng tá là cách giáo dục đức tin hiệu quả nhất đối với con cái. Cha mẹ phải giáo dục bằng những gương sáng cụ thể, bằng những chứng tích sống động, thậm chí bằng chính đời sống của mình. Cha mẹ là những người hiện diện thường xuyên và đồng hành với con cái nên dễ trao đổi, đối thoại và hiệp thông. Vì thế, Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đã thiết tha mời gọi các bậc cha mẹ:

Hỡi các bà mẹ, chị em có dạy cho các con nhỏ của mình lời kinh của Kitô hữu? Chị em có cộng tác với các linh mục để chuẩn bị cho chúng lãnh nhận các bí tích của thời niên thiếu: xưng tội, rước lễ, Thêm Sức? Nếu chúng đau ốm, chị em có tập cho chúng quen nghĩ tới sự đau khổ của Đức Kitô, quen kêu cầu sự giúp đỡ của Đức Mẹ đồng trinh và các thánh? Chị em có lần hạt chung với chúng ở gia đình? Còn anh em, hỡi những người cha, anh em có biết cầu nguyện chung với con cái, với cả cộng đồng gia đình, ít là thỉnh thoảng? Gương sáng của anh em, kèm với sự ngay thẳng trong tư tưởng và hành động của anh em, được nâng đỡ bằng một kinh nguyện chung, quả đúng là một bài học sống. Đó là một hành vi thờ phượng đặc biệt có công nghiệp. Như thế là anh em đang đem bình an vào trong tổ ấm gia đình anh em: ‘Bình an cho nhà này’. Đừng quên rằng làm như thế là anh em đang xây dựng Giáo hội[11].

Tuy nhiên, giáo dục Kitô giáo trong gia đình không chỉ hệ tại việc gieo mầm đức tin cho các ngôi vị mà các ngôi vị còn phải được huấn luyện đức ái. Đó là lối sống hướng tha mà thiên chức làm con Chúa không cho phép người Kitô hữu chỉ dừng lại ở việc chuyên chăm cho lợi ích thiêng liêng cá nhân mà còn phải quan tâm, lo lắng đến phần rỗi của kẻ khác. Như thế, đời sống người Kitô hữu mới nên hoàn hảo và tròn đầy như lời Đức Giáo Hoàng Piô XII đã khẳng định: “Giáo dục sẽ kém trọn vẹn nếu chỉ thu hẹp vào việc tìm lợi ích cá nhân về thể lý, luân lý, đời này và đời sau cho con trẻ. Giáo dục còn cần phải huấn luyện và chuẩn bị nơi chúng những hoạt động hữu ích cho thế hệ và cho thời đại chúng nữa, hầu chúng để lại một hậu thế hiền hoà hơn, đẹp đẽ hơn”. Lời mời gọi trên đến nay vẫn còn thôi thúc những bậc cha mẹ hãy hình thành nơi con cái lối sống ý thức công giáo bằng tinh thần hướng tha.

II.2 Huấn luyện đức ái


Trong tương quan ngôi vị, con người nhận ra hình ảnh Thiên Chúa nơi anh em và những người đồng loại. Họ là những người thân cận, gần gũi mà ta có bổn phận yêu thương. Đức ái phải được xây dựng và khởi phát trên nền tảng gia đình. Như thế, đức ái mới dễ chia sẻ cho người khác, thậm chí ngay cả kẻ thù của ta vì tất cả “mọi người trong phẩm giá của họ như những ngôi vị và là con cái Thiên Chúa”[12]. Cho nên, cha mẹ là những người ý thức trong việc huấn luyện con cái mình biết tôn kính và yêu mến tha nhân. Chính gia đình là môi trường đầu tiên để con cái hiểu biết và có kinh nghiệm về một xã hội lành mạnh của nhân loại và về một Giáo hội thánh thiện của mọi người[13].

Làm sao có thể đem Tin Mừng đến cho người khác nếu như mỗi người, mỗi gia đình, mỗi cộng đoàn không có hạnh phúc? Chiều kích hiệp thông và chia sẻ giữa các thành phần có liên đới trong một gia đình hệ tại đức ái. Đức ái không chỉ nói trên môi miệng, nhưng phải thể hiện qua hành động, việc làm, và sự dấn thân. Gia đình thiết lập và nuôi dưỡng đức ái bằng sự hiệp thông các tâm hồn ngay khi hình thành Giáo hội tại gia. Từ đây, đức ái không còn phụ thuộc nơi những anh em có cùng một đức tin, mà lan toả đến những chân trời mới, nơi những con người chưa biết Chúa. Đức ái dần dần nhận ra khuôn mặt Đức Kitô nơi những mảnh đời còn bất hạnh. Đức ái mỗi ngày tự thâm tín: “Tha nhân, thành phần của bản thân tôi”[14]. Cũng vậy, Đức Kitô đã mặc cho đức ái chiều kích mới với ý nghĩa cao quý hơn khi Người đồng hoá bản thân với tha nhân “mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy” (Mt 25,40).

Đức ái trọn hảo không những là cách sống “thăng tiến nhân bản” mà còn là trọng trách của các bậc cha mẹ trong việc giáo dục gia đình để hình thành những con người mưu ích cho xã hội nói chung và Giáo hội nói riêng. Nếu không như thế thì tại sao ngày nay những tổ chức, cơ quan, đoàn thể chuyên lo những việc từ thiện cho xã hội ngày càng phát triển dưới nhiều hình thức khác nhau. Phải chăng đức ái trọn hảo nơi gia đình Kitô giáo đã được phát triển trong phạm vi rộng lớn của Giáo hội và của xã hội? Nếu được như thế thì cha mẹ càng phải quan tâm đến giáo dục và hình thành nơi con cái của mình một đời sống nhân linh như lời mời gọi của Thượng hội đồng Giám mục: “Một nhiệm vụ khác của gia đình là huấn luyện con người đến với tình yêu và thực hành tình yêu trong mọi tương quan với người khác, nhờ vậy gia đình sẽ không tự khép kín, nhưng mở rộng ra với cộng đoàn, được đánh động nhờ ý thức về công lý và nhờ sự quan tâm đối với người khác, cũng nhờ bổn phận của trách nhiệm riêng đối với toàn thể xã hội”[15].

Như vậy, giáo dục đức ái cho con cái là cách thức cha mẹ truyền đạt cho chúng một lối sống hướng tha. Vốn là chi thể của Giáo hội do phép Rửa, mỗi tín hữu chỉ trở nên sống động nhờ tương quan với nhiệm thể Đức Kitô vì “cũng như trong một thân thể, chúng ta có nhiều bộ phận, mà các bộ phận không có cùng một chức năng, thì chúng ta cũng vậy: tuy nhiều nhưng chỉ là một thân thể trong Đức Kitô, mỗi người liên đới với những người khác như những bộ phận của một thân thể” (Rm 12,4-5). Thật vậy, người tín hữu, tiên vàn khi lãnh nhận sự sống siêu nhiên nơi Đức Kitô thì cũng phải thông ban sự sống ấy cho người khác bằng lối sống hướng tha. Có như thế, con cái của họ mới “được hướng dẫn dần dần vào cộng đoàn nhân loại cũng như vào Dân Thiên Chúa”[16]

II.3 Cổ võ kinh nguyện gia đình


Trong gia đình Kitô giáo, việc hình thành đời sống nhân linh của các ngôi vị hệ tại kinh nguyện gia đình, vì “gia đình, không chỉ là "tế bào" căn bản của xã hội, mà còn có diện mạo đặc biệt. Diện mạo này được minh định trước hết và căn bản, và được kiên vững, khi các thành phần gia đình gặp nhau cùng trong một lời nguyện chung: "Lạy Cha chúng con!"[17] Vì vậy, giáo dục con cái về kinh nguyện gia đình là một trọng trách không thể thiếu được nơi các cha mẹ. Càng ý thức tầm quan trọng của việc giáo dục này, cha mẹ càng làm thăng tiến đời sống tâm linh của con cái.

Kinh nguyện gia đình là một trong những cách cầu nguyện và đối thoại hữu hiệu với Thiên Chúa. Chính Chúa Giêsu xác tín điều ấy khi dạy các môn đệ: “Nếu ở đưới đất, hai người trong anh em hợp lời cầu xin bất cứ điều gì, thì Cha Thầy, Đấng ngự trên trời, sẽ ban cho. Vì ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở đấy, giữa họ” (Mt 18,19-20). Vả lại, kinh nguyện gia đình mang những chiều kích đặc trưng và độc đáo mà chỉ gia đình Kitô giáo mới thực hiện được.

Trước tiên, đó là kinh nguyện chung mà các thành phần trong gia đình đều có quyền tham dự. Vợ chồng cùng cầu nguyện với nhau sau bữa cơm tối. Con cái cùng với cha mẹ dâng lên Chúa với những ý chỉ trong ngày sau khi rời bàn học. Cả nhà cùng quân quần trước bàn thờ để xin lỗi và cảm tạ Chúa sau một ngày bình an. Thứ đến, kinh nguyện gia đình không nằm ngoài cuộc sống thiết thực của chính gia đình. Mọi sinh hoạt theo thời khắc và những biến cố của gia đình đều có sự hiện diện của Chúa. Lịch sử gia đình phải trở thành những lời tạ ơn, tri ân Chúa mỗi ngày. Những chuyện vui buồn của gia đình đều được phó thác trong sự quan phòng của Chúa. Tất cả có sự trợ giúp của Chúa nếu người tín hữu biết dùng kinh nguyện gia đình. Sau cùng, kinh nguyện gia đình là một phương thức cầu nguyện rất đơn giản và đời thường. Người ta có thể dùng kinh Mân Côi cho kinh nguyện gia đình. Việc lần chuỗi Mân Côi là phương tiện hữu ích nuôi dưỡng sự hiệp thông gia đình và phát triển linh đạo hôn nhân mà Đức Maria là Mẹ các gia đình Kitô giáo cũng như Giáo hội tại gia. Do vậy, Đức Giáo Hoàng Phaolô VI, trong tông huấn Marialis Cultus, đã xác quyết: “Chắc chắn tràng chuỗi kính Đức Trinh Nữ Maria phải được coi như một trong những kinh nguyện chung tuyệt hảo và hữu hiệu nhất mà Giáo hội mời gọi mọi người trong gia đình Kitô hữu đọc với nhau .... Khi gia đình sum họp để cầu nguyện, việc lần chuỗi Mân Côi sẽ là một hình thức được quý chuộng và thực hành thường xuyên”[18].

Hơn nữa, việc thiết tha với kinh nguyện gia đình dần dần hình thành cho các ngôi vị biết yêu mến kinh nguyện cộng đồng qua thánh lễ, nhất là bí tích Thánh Thể. Trong đời sống nhân linh, thánh lễ là sự hiệp thông thiêng liêng và thiết thực. Ở đó, các thành phần dân Chúa đều có thể tham dự. Mỗi người là một chi thể được kết hợp với cây nho sinh trái là Đức Kitô. Mặt khác, bổn phận nên thánh nơi gia đình Kitô giáo khởi đi từ bí tích Rửa Tội và được diễn tả trọn vẹn qua bí tích Thánh Thể. Muốn sống thánh giữa đời, gia đình Kitô hữu cần khám phá tương quan này cho phù hợp với hoàn cảnh. Ngoài ra, ân huệ của Thánh Thể chính là tình yêu. Ấy vậy, tình yêu lại là nền tảng cho hạnh phúc gia đình. Như vậy, Thánh Thể, có thể là nguồn mạch cho hôn nhân Kitô giáo. Nhờ đó, các ngôi vị hiệp nhất trong cùng một bánh thánh, để gia đình trở nên một thân thể duy nhất, mong được kết hiệp vào cộng đoàn Giáo hội.

Nhận ra giá trị hữu hiệu của kinh nguyện gia đình, các bậc cha mẹ nên giáo dục con cái hết lòng yêu mến kinh nguyện này và cỗ võ thường xuyên trong sinh hoạt của gia đình. Lối giáo dục kinh nguyện gia đình cho thấy tương quan ruột thịt giữa các ngôi vị. Cha mẹ là những nhà giáo dục chân chính và con cái là những người thụ huấn, được quyền hưởng một nền giáo dục Kitô giáo xứng hợp.

Kết luận


Tóm lại, giáo dục Kitô giáo trong môi trường gia đình là bổn phận và trọng trách của những bậc làm cha, làm mẹ. Nền giáo dục này, một mặt giúp con người trưởng thành nhân bản đối với xã hội, xét theo khía cạnh người công dân. Mặt khác, lối giáo dục ấy còn giúp cho những người đã lãnh nhận bí tích Rửa Tội ý thức hơn về đời sống nhân linh của mình, xét theo khía cạnh người Kitô hữu. Thấy được vai trò của nền giáo dục Kitô giáo vốn ảnh hưởng đến sự gia tăng của xã hội và sự phát triển của Giáo hội nên Thượng hội đồng giám mục Việt Nam đã khẳng định:
Gia đình là Giáo hội tại gia, là trường học tự nhiên và căn bản trong nền giáo dục Kitô giáo…. Nơi đây, đức tin được truyền thụ qua những lời cầu nguyện, lời nhủ bảo, đặc biệt trong những biến cố vui buồn của cuộc sống và qua những mẫu gương đức tin. Gia đình còn là chiếc nôi của sự sống và tình yêu, giúp các phần tử gia đình cảm nghiệm tình yêu và lòng trung thành của Thiên Chúa, đồng thời cũng giúp hình dung trước những mối tương quan liên vị trong xã hội[19].

Sinh ra từ giữa gia đình. Lớn lên từ giữa gia đình. Và vào đời từ giữa gia đình. Cho nên, gia đình là môi trường giáo dục, là trường học nhân linh đầu tiên hình thành nhân cách con người. Vả lại, gia đình Kitô giáo vốn được coi là “Giáo hội tại gia”, nên các gia đình hôm nay cho dù phải đối diện với những mối nguy của xã hội, nhưng vẫn luôn hiện diện và đồng hành với Giáo hội, thậm chí “gia đình khắp các dân tộc và các nước, mọi thời và mọi nơi, vẫn là "con đường của Giáo hội"[20]. Điều ấy cho thấy vai trò quan yếu của giáo dục, trong đó cha mẹ gieo vào lòng con cái một đức tin thờ phượng Thiên Chúa trong tinh thần và chân lý, đồng thời huấn luyện con cái sống đức ái bằng cách yêu mến công bình và thánh thiện. Ngoài ra, giáo dục Kitô giáo không chỉ hệ tại ‘lời hay ý đẹp’ mà cha mẹ còn phải trở nên dấu chỉ tình yêu và phải sống ‘gương lành’ để dễ cảm hoá con cái.

Mong sao các bậc cha mẹ biết cách thăng hoa gia đình bằng lối giáo dục Kitô giáo, vì “gia đình là một hình ảnh sống động và là một biểu hiện lịch sử của chính mầu nhiệm Giáo hội”[21]! Ước nguyện ấy sẽ trở thành hiện thực khi cha mẹ càng ngày càng ý thức sâu xa trong việc nhận ra ý nghĩa và sự cao cả của nền giáo dục Kitô giáo để đào tạo những mầm non cho xã hội và Giáo hội.


[1] Thánh Công đồng chung Vaticanô II, Tuyên ngôn Gravissimum Educationis, số 3.
[2] ĐGH Gioan Phaolô II, Tông huấn Familiaris Consortio, ban hành ngày 22/11/1981, số 15, Bản dịch của Lm Augustino Nguyễn Văn Dụ, Roma, 2006.
[3] Hiến chế Lumen Gentium, số 11.
[4] xc. Lê Việt (tổng hợp), Mẹ đẻ lột trần, xích chân hai con vào cột điện!. Truy cập ngày 22/02/2008; http://vietnamnet.vn/xahoi/2008/02/768622/
[5] Hiến chế Gaudium et Spes, số 52.
[6] ĐGH Gioan Phaolô II, Bài giảng cho tín hữu Terni ngày 19/3/1981, số 3-5: AAS 73 (1981), tr 268-271.
[7] Sách Giaó Lý Giáo hội Công Giáo, số 1652.
[8] Thư chung 2007 của hội đồng Giám mục Việt Nam về Giáo dục Kitô giáo, số 28.
[9] Tuyên ngôn Gravissimum Educationis, số 3.
[10] Tuyên ngôn Gravissimum Educationis, số 3.
[11] ĐGH Phaolô VI, Diễn văn trong buổi triều yết chung ngày 11/8/1976: Insegnamenti, XIV (1976), tr 640.
[12] Tông huấn Familiaris Consortio, số 64.
[13] xc. Tuyên ngôn Gravissimum Educationis, số 3.
[14] xc. Trần Văn Toàn, Xã hội và con người, Nxb. Nam Sơn, 1967.
[15] Sứ điệp của Thượng Hội Đồng Gíam Mục khoá VI gởi các gia đình Kitô hữu ngày 24/10/1980, số 12.
[16] Tuyên ngôn Gravissimum Educationis, số 3.
[17] ĐGH Gioan Phaolô II, 1994: Năm gia đình, Ban hành ngày 02/02/1994, Bản dịch Việt ngữ của Lm. Giuse Nguyễn Tất Trung, O.P, số 4.
[18] ĐGH Phaolô VI, Tông huấn Marialis Cultus, 52.54: AAS 66 (1974), tr 160-161.
[19] Thư chung 2007 của hội đồng Giám mục Việt Nam về Giáo dục Kitô giáo, số 28.
[20] ĐGH Gioan Phaolô II, 1994: Năm gia đình, số 3.
[21] Tông huấn Familiaris Consortio, số 49.