Chủ Nhật, 14 tháng 8, 2022

NGƯỜI ĐÀN BÀ TỘI LỖI TRONG TIN MỪNG LÀ AI ?

Thời sự Thần học – Số 42, Tháng 12/2005, tr. 127-131

_Bùi Thiện, O.P. biên tập_

(Nguồn : Revue La vie spirituelle, 05/2005)

Bữa tiệc ở Na-in


Chuyện xảy ra ở thành Na-in, dưới chân núi Ta-bo, miền Ga-li-lê. Ông Si-mon thuộc nhóm Pha-ri-sêu mở đại tiệc khoản đãi các thân hào trong thành. Đây cũng là dịp để ông giới thiệu với quan khách nhân vật quan trọng mà thiên hạ không ngớt đồn đại vì những dấu lạ điềm thiêng mà Người đã thực hiện cũng như giáo huấn mới mẻ khiến bao kẻ tự hỏi không biết Người từng theo học ở trường lớp nào. Người gây xôn xao khắp vùng Ga-li-lê vào đầu Công nguyên ấy không ai khác ngoài Đức Giê-su quê làng Na-da-rét. Không cần nói ra chúng ta cũng đủ biết hôm đó ở nhà ông Si-mon tấp nập kẻ ra người vào như thế nào.
Quan khách xa gần đều đã vào bàn và chờ đợi. Thực khách nóng lòng không phải chờ những món cao lương mỹ vị, dĩ nhiên, nhưng chờ đợi vị khách đặc biệt của bữa tiệc mà gia chủ đã trịnh trọng báo trước. Cuối cùng Đức Giê-su bước vào cùng với chủ nhà. Mọi con mắt đổ dồn về phía vị khách từng gây xôn xao cả vùng. Người ta thất vọng vì những tưởng con người “đầy quyền năng trong lời nói và việc làm” ấy phải có tướng mạo phi phàm hay ít ra cũng là người quyền quý chứ họ đâu ngờ ông Giê-su này cũng chẳng khác gì một lãng tử, nếu không muốn nói là gã “khố rách áo ôm”. Chính vì vậy thực khách bị cụt hứng và bữa tiệc diễn ra khá tẻ nhạt. Có lẽ chuyện không đáng nói nếu không có tình tiết bất ngờ xảy ra vào lúc tiệc sắp tàn. Ngoài sân có tiếng xì xào to nhỏ của những kẻ hiếu kỳ muốn xem tận mắt con người huyền thoại từng là đề tài “thời sự” của chuyện thường ngày. Có tiếng kẹt cửa, và rồi một người đàn bà tiến vào. Cả thành đều biết bà ta vì Na-in chỉ là một thị trấn nhỏ bé. Dù biết rõ danh phận của người đàn bà ấy nhưng không ai dám ngăn cản vị khách không mời mà đến kia. Theo cha Lagrange, tu sĩ dòng thánh Đa Minh người Pháp, người sáng lập Trường Thánh kinh Giê-ru-sa-lem : người đàn bà này đóng vai trò nhất định nào đó trong xã hội Do Thái thơi đó, và bà ta cũng chẳng phải là kỹ nữ đầu tiên đến chỗ tiệc tùng của đàn ông, vì nếu không thì người ta đã không cho vào. Có lẽ đó là một kỹ nữ hạng sang thường hay giúp vui cho giới thượng lưu (x. M.-J. Lagrange, Évangile selon saint Luc, Paris, Gabalda, Études bibliques, 4e éd., 1929, p.228).

Người đàn bà này cũng khác thường : tự tiện vào chỗ hội họp của đàn ông ; là người nhơ uế (theo quan niệm của người Do Thái thời đó) nhưng lại dám chạm vào thực khách quan trọng nhất của bữa tiệc ; và nhất là chị ta còn xoả tóc như ở thể đứng trước người tình của mình. Trước khi gia nhân kịp ra tay, người đàn bà cúi xuống hôn chân, đổ nước mắt rửa chân và lấy tóc lau chân Đức Giê-su. Trong lúc mọi người đang kinh ngạc vì sự hiện diện của người phụ nữ, Đức Giê-su lên tiếng giáo huấn bằng chuyện dụ ngôn và tha thứ cho người đàn bà tội lỗi. Đọc kỹ đoạn Tin Mừng, chúng ta thấy Đức Giê-su là một bậc thầy giảng thuyết, Người dựa vào thực tế đang diễn ra để dẫn dắt thính giả đi đến chỗ hiểu dụng ý của Người. Sự hoán cải của người đàn bà vượt trên mọi quy tắc xã hội : điều mà ông Si-mon không làm theo phép lịch sự thì người đàn bà tội lỗi đã làm bằng tình yêu.

Oan cho thánh nữ Ma-đa-lê-na


Đọc Lc 7,36-50, chúng ta không khỏi thắc mắc về danh tánh của người đàn bà ấy. Ai là người đàn bà tội lỗi đã xức dầu thơm vào chân Đức Giê-su trong bữa tiệc ở nhà ông Si-mon? Phải chăng người phụ nữ ấy vì đã hối hận về quá khứ của mình nên mới hành động như vậy để tỏ lòng ăn năn, sám hối? Và nhất là, sau khi rời khỏi nhà ông Si-mon, cuộc đời của bà ta sẽ ra sao?

Ngay từ cuối thế kỷ VI, người ta đã cho rằng người đàn bà tội lỗi trong Tin Mừng theo thánh Lu-ca không ai khác ngoài thánh nữ Ma-ri-a Ma-đa-lê-na. Trong hai bài giảng về Tin Mừng (bài 25 và 33), thánh Gregorius Cả đã khẳng định không chút úp mở rằng : “Người phụ nữ mà thánh Lu-ca gọi là “người đàn bà tội lỗi” và thánh Gioan gọi là “Ma-ri-a”, chúng tôi tin rằng đó chính là Ma-ri-a mà thánh Mác-cô đã ghi nhận là người được trừ khỏi bảy quỷ dữ” (Gregorius, Homilia 3 in Evangelio, PL 7, 1239). Theo thánh Gregorius Cả, bản văn của thánh Lu-ca thuật lại cuộc gặp gỡ đầu tiên giữa Đức Giê-su và Ma-ri-a, người mà từ đó về sau không bao giờ rời xa Thầy nữa : ngay cả dưới chân thập giá và lúc an táng Đức Giê-su. Cùng hiện diện với những người phụ nữ thánh thiện bên mộ Thầy Giê-su vào sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần, chính bà là người đầu tiên hiểu được mầu nhiệm Phục sinh. Cũng theo Tin Mừng Gioan, bà được thấy đấng Phục Sinh hiện ra một cách đặc biệt.

Thế nhưng trong khoảng ba mươi năm gần đây, người ta lại đề cao ý tưởng ra đời từ thế kỷ XVI của Lefèvre d’Étaples : người đàn bà tội lỗi không phải là thánh nữ Ma-ri-a Ma-đa-lê-na ! Sự đồng nhất khá muộn màng của thánh Gregorius phản lại những dụng ý có từ trước. Những người đề cao phụ nữ cho rằng : trong thực tế, Ma-ri-a Ma-đa-lê-na giữ vai trò quan trọng nhất trong nhóm các tông đồ. Bà là gương mặt nổi bật nhất trong Giáo hội thuở ban đầu. Chính vì vậy bà làm cho các “đấng mày râu” vốn tự hào mình thuộc về giới “bậc cao” phải khó chịu. Vì vậy họ tìm cách thay đổi hình ảnh của bà. Trong khi bà là một người phụ nữ thanh khiết, người ta khoác cho bà “chiếc áo” một gái điếm ; trong khi bà chỉ là một phụ nữ xinh đẹp, người ta lại tô vẻ như hạng lẳng lơ trắc nết ; trong khi bà giữ vai trò quan trọng trong nhóm các tông đồ, người ta lại quên lãng bà một cách có chủ ý ; trong khi bà có chỗ đứng đặc biệttrong tim Đức Giê-su, họ cố tình như không hề hay biết điều ấy (mặc dù người ta không dám bỏ qua sự kiện Đức Giê-su hiện ra với bà bên ngôi mộ trống).

Thế là một Ma-ri-a Ma-đa-lê-na mới ra đời. Đó là một người phụ nữ đúng nghĩa, xinh đẹp, thanh khiết : bà chẳng có gì đáng trách. Hơn cả một phụ nữ, bà là người phụ nữ, người xứng đáng chiếm vị trí bên cạnh Đức Giê-su, đại diện của phái yếu trong giai đoạn lịch sử hoàn toàn vắng bóng yếu tố nữ quyền (xc. Esther De Boer, Mary Magdalene : Beyond the Myth, Harrisbourg, Trinity Press, 1997).

Một người phụ nữ như thế chắc chắn không thể nào là hạng đàn bà tự hạ thấp phẩm giá đến mức dẫn xác tới chỗ đàn ông hội họp, tiệc tùng trong đêm như thế. Đúng hơn bà ở bên cạnh Đức Giê-su, người cùng chia sẻ với bà trong đời sống thường nhật.

Trả lại chỗ đứng cho người đàn bà tội lỗi


Phải thú nhận rằng thánh Greorius Cả không đủ bằng chứng để kết hợp hình ảnh người đàn bà tội lỗi với thánh nữ Ma-đa-lê-na. Một điều chắc chắn rằng, hình ảnh mới của thánh nữ không làm hài lòng tất cả mọi người. Cuộc gặp gỡ giữa Đức Giê-su phục sinh với thánh nữ có ý nghĩa gì? Những người tán dương thánh nữ cho rằng người được Đức Giê-su yêu mến một cách đặc biệt vì người xứng đáng được như vậy.

Khi kết hợp hình ảnh người kỹ nữ đến gặp Đức Giê-su lúc người ăn tiệc ở Na-in với người phụ nữ thánh thiện đến thăm mộ Đức Giê-su vào sáng sớm sau ngày lễ Vượt qua, thánh Gregorius đã hình thành một nhân vật theo kiểu “tiểu thuyết hoá” nhưng dụng ý của người là muốn trình bày một tư tưởng thần học. Ma-ri-a Ma-đa-lê-na là hiện thân của ân sủng nhờ việc làm. Người bạn thân thân tình của Đức Giê-su từng là một kỹ nữ : một kiểu luân lý hơi lãng mạn, xoá bỏ toàn bộ quá khứ để theo đuổi những gì thích hợp với Thiên Chúa. Điều này từng được thánh Phao-lô khẳng định : Thiên Chúa thể hiện sức mạnh của Người trong cái yếu đuối (x. Cr 12,9). Vì vậy người đàn bà ấy càng tội lỗi bao nhiêu thì sự hối cải của bà càng có giá trị bấy nhiêu, và ơn tha thứ của Thiên Chúa xoá bỏ tất cả mọi tội lỗi. Nếu nghi ngờ Đức Giê-su từng đánh bạn với phường tội lỗi tức là nghi ngờ sức mạnh của ân sủng. Vì nếu đã được Đức Giê-su tha thứ mà người đàn tội lỗi kia vẫn “ngựa theo đường cũ” thì ơn tha thứ của Thiên Chúa phỏng có ích gì?

Bài học về hình ảnh Ma-ri-a Ma-đa-lê-na theo truyền thống : dựa vào bản tính của con người để hướng đến tương lai. Con người không phải hoàn toàn do quá khứ quyết định nhưng có thể thoát khỏi tầm ảnh hưởng của nó. Liệu con người có thể kiên trì trong lối sống hay không? Đúng hơn là con người có muốn thay đổi hay không? Ơn tha thứ của Thiên Chúa giúp con người trút bỏ gánh nặng của quá khứ để sống tự do.

“Chị hãy ra về bình an”


Dù là Ma-ri-a Ma-đa-lê-na hay ai khác đi nữa, cuối cùng người đàn bà tội lỗi cũng được tha thứ. “Chị hãy ra về bình an”, Đức Giê-su nói với người đàn bà tội lỗi.

Chúng ta có thể tưởng tượng người đàn bà ấy nhổm dậy, một tay vén mớ tóc, còn tay kia vén váy áo rồi đứng lên. Bước chân hơi ngập ngừng, bà rời khỏi căn phòng sáng trưng ánh đèn, đi ngang trước mặt những gia nhân đang chưa hết kinh ngạc rồi bước ra khỏi nhà giữa đêm tối. Thế nhưng chúng ta có thể đặt ra câu hỏi : liệu khi trở về, người đàn bà tội lỗi có đổi đời hay không? Hay cũng có thể lợi dụng đêm tối, bà rời khỏi Na-in, đến một nơi hoàn toàn xa lạ để làm lại cuộc đời. Những chuyện ấy không quan trọng. Ơn tha thứ của Thiên Chúa là ơn tái sinh, tương lai rộng mở trước mắt bà.

“Chị hãy ra về bình an”, đó là một mệnh để lên đường. Đối với người phụ nữ, đã hết thời của những lọ nước hoa đắt tiền hay những giọt nước mắt đắng cay, tủi nhục. Từ nay người đàn bà tội lỗi xứng đáng sống như những đồng loại khác nhờ hồng ân mà bà đã lãnh nhận từ Đức Giê-su. Người ta thường có xu hướng nhấn mạnh đến sự hối cải một cách triệt để của người đàn bà tội lỗi. Khóc cho tội lỗi của quá khứ nào có ích gì vì giờ đây bà đã được tha thứ. Tốt hơn là vào những nơi cô quạnh, hoang vắng để bắt đầu cuộc đời mới bằng việc hãm mình ép xác và cầu nguyện như người châu Âu vẫn thường hay làm thời Trung Đại. Sau sự tha thứ, lời chúc “chị hãy ra về bình an” của Đức Giê-su chính là lời giáo huấn quan trọng nhất của bản văn.

Dựa vào Tin Mừng, chúng ta không đủ bằng chứng để khẳng định người đàn bà tội lỗi ở Na-in chính là thánh nữ Ma-ri-a Ma-đa-lê-na sau này. Chính sự kết hợp đầy dụng ý thần học của thánh Gregorius Cả vào thế kỷ thứ sáu khiến nhiều người nghi oan cho quá khứ không mấy tốt đẹp của thánh nữ. Dù người đàn bà tội lỗi ấy là ai đi nữa, điều ấy không quan trọng. Điều thánh Lu-ca muốn trình bày qua đoạn Tin Mừng này là ơn tha thứ của Thiên Chúa. Ân sủng của Thiên Chúa đủ mạnh để giúp chúng ta quên đi quá khứ và hướng đến tương lai.