Thứ Sáu, 7 tháng 10, 2022

QUYỀN LỰC VÀ VINH QUANG TRONG ĐỜI TẬN HIẾN

Thời sự Thần học – Số 44, Tháng 6/2006, tr. 109-144.

_Giuse Nguyễn Quang Huy, O.P. 🙋


Có vẻ ngộ nghĩnh khi nói về “quyền lực - vinh quang trong đời tận hiến”. Những cụm từ đối lập nhau khiến ta dễ có cảm giác đây là một câu nói giễu cợt, hoặc đơn thuần chỉ là một cách gây sự chú ý. 

Thực tế trong cuộc sống, vấn đề trên không hề làm ta bỡ ngỡ, bởi nó vẫn đang diễn ra một cách quá bình thường. Nhưng chính kiểu bình thường đến mức tầm thường ấy đã khiến ta phải giật mình. Chắc hẳn không ít trong chúng ta có cảm giác mình bị lừa trước những thực trạng bình thường nhưng lại rất bất thường ấy. Bởi trong khi chúng ta tin rằng “quyền lực - vinh quang” và “tận hiến”không thể là những nhóm khái niệm gần gũi nhau, chúng ta lại phải chứng kiến những điều nghịch với niềm tin ấy.

Phải chăng sự hiệu hữu của “quyền lực - vinh quang” thực sự là một thách đố đối với đời tận hiến? Có thể là thế! Song chúng ta cảm thấy ra sao khi có ai đó cho rằng “quyền lực - vinh quang”chính là một lời mời gọi đặc biệt, dành cho những ai đang dấn bước trên hành trình của sự từ bỏ, nhưng vẫn phải đang “đụng chạm” đến “quyền lực - vinh quang”? Chúng ta nên đón nhận hay phải luôn cảnh giác trước những gì thuộc về “quyền lực - vinh quang”?

Những gì sẽ chia sẻ sau đây chỉ là một cách nhìn chủ quan về vấn đề trên …

1. Có hay không quyền lực - vinh quang trong đời tận hiến?


Người lãnh đạo với quyền lực - vinh quang


Một quốc gia, một cộng đồng, một tổ chức, một tập thể, một dòng tộc, một gia đình luôn phải có người lãnh đạo, như thể một thân thể phải có đầu. Đó là yếu tố không thể thiếu để có thể đưa ra tiếng nói chung, nhằm đảm bảo tính thống nhất và sự phát triển trong trật tự của các tập thể ấy. Thiếu mất người lãnh đạo, tập thể ấy chẳng thể phát triển, không được công nhận và rất khó tồn tại.

Bên cạnh đó, khái niệm quyền lực luôn gắn liền với người lãnh đạo. Thật khó để tìm ra một người lãnh đạo từ chối không sử dụng quyền lực dưới hình thức này hay hình thức khác khi điều hành công việc. Quyền lực là yếu tố hỗ trợ không thể thiếu, được mặc nhiên trao cho người lãnh đạo, nhằm tạo nên sự đảm bảo và trôi chảy trong tiến trình thực hiện công việc.

Vinh quang cũng thường được đồng nhất với quyền lực. Người nắm trong tay quyền lực thường được dành cho nhiều đặc ân, được nhiều người quan tâm, nể nang, quý mến. Tiếng nói của người ấy có giá trị, được mọi người lắng nghe, tôn trọng. Việc làm của người ấy thường được nhiều người đón nhận, ca tụng, noi theo, …

“Quyền lực” trong Giáo hội


Cho dù có tránh né hay được gọi dưới bất cứ cái tên nào khác, khái niệm quyền lực vẫn thực sự tồn tại trong Giáo hội. Trong lịch sử tồn tại và phát triển của mình, nhất là trước Công đồng Vatican II, dường như sự xuất hiện của Giáo hội luôn được đồng nhất với hình ảnh một tổ chức đầy quyền lực và ảnh hưởng.

Xét cho đến cùng, “quyền lực trong Giáo hội” thực chất chỉ là một phương thế trong vô vàn phương thế mà cộng đồng dân Chúa đã sử dụng, để dưới tác động của Chúa Thánh Thần, họ đã có thể từng bước trưởng thành hơn trong đức tin. Điều này được khẳng định qua những biến cố, mà dưới nhãn quan trung thực của lịch sử nhân loại, Giáo hội Ki-tô giáo – bằng ảnh hưởng và sự kiên quyết của mình – đã đứng vững và vẫn bảo vệ được đức tin tinh tuyền của mình trước những đe doạ hủy diệt của lạc giáo và thế quyền.

Tuy nhiên cũng không thể chối cãi rằng phương thế bảo vệ đức tin bằng “quyền lực” chỉ là một “sáng kiến” của con người. Tất nhiên chúng ta ý thức rằng Thiên Chúa đã tôn trọng sáng kiến ấy khi Người chấp nhận trao ban sự tự do cho nhân loại, mặc dù sáng kiến này đã gây ra những lầm lẫn ... Thật vậy, “sự lầm lẫn” dường như là một cách nói nhẹ nhàng được sử dụng khi đề cập đến những hậu quả khôn lường do “sáng kiến” ấy đã gây ra. Mặt trái của quyền lực đã xuất hiện khi không ít thành phần trong Hội Thánh đã lạm dụng và sử dụng sai lệch quyền lực. Sự tự do đã đẩy con người vào tình trạng bế tắc do “sáng kiến” của chính họ gây nên. Nói rõ hơn, lịch sử Giáo hội Kitô giáo đã phải trải qua những thời kỳ không mấy sáng sủa trong cách thức sử dụng quyền lực của mình …

Song cũng cần phải nói thêm rằng tuy đã nhận ra mặt trái của vấn đề quyền lực, nhưng Giáo hội cũng chưa thể tìm ra cách chế ngự mặt trái ấy cách triệt để. Thậm chí vấn đề có vẻ trở nên nan giải hơn đối với một số Giáo hội địa phương, những nơi mà phần lớn người tín hữu tỏ ra ưu ái những “con người được Chúa tuyển chọn” đến mức trọng vọng và quỵ luỵ …

Quyền lực - vinh quang trong đời tận hiến


Tất nhiên ai cũng biết rằng cho dù tính hướng thượng của một tôn giáo có được thể hiện cao độ đến cỡ nào, vấn đề cơ cấu - phẩm trật vẫn là một trong những yếu tố cần thiết để tôn giáo ấy được thành hình và chấp nhận, hầu có thể duy trì và phát triển trong xã hội. Nói cách khác, vấn đề quyền lực - vinh quang, nảy sinh từ cơ cấu - phẩm trật, là điều không thể tránh khỏi trong mọi hệ thống tôn giáo. Hơn nữa, như đã nói, ở một mức độ chừng mực nào đó, quyền lực là yếu tố cần thiết, nhằm duy trì sự thống nhất trong quá trình phát triển của tập thể tôn giáo ấy.

Tuy nhiên đối với một tập thể loại biệt, vốn đề cao sự từ bỏ bản thân cũng như tất cả mọi vinh hoa, chức tước nơi trần gian, liệu vị thế của những người có trách nhiệm điều phối sự hoạt động của tập thể ấy có bị xem là một thứ “quyền lực”? Có lẽ phần lớn những người được hỏi sẽ dễ dàng trả lời rằng những tập thể ấy, những dòng tu hoặc tu hội, không thể tồn tại những con người tham chức quyền như “người đời” được. Hơn nữa, vị thế mà các vị ấy đảm trách chỉ nhằm phục vụ anh chị em trong cộng đoàn của mình mà thôi ... Một câu trả lời rất kiểu mẫu và cũng rất … lý thuyết. Thực tế dường như không hiếm những bằng chứng cho thấy điều ngược lại.

Những người được phục vụ thường vẫn (phải) tỏ ra khúm núm, quỵ lụy và bị xếp vào hạng “chiếu dưới” khi đứng trước những người đến để phục vụ. Các chỗ nhất trong các hình thức hội đường vẫn phải dành cho những người đến để phục vụ. Tiếng nói của những người đến để phục vụ thường vẫn mang uy lực của sự phán quyết, vẫn luôn được tôn trọng, được quan tâm, lắng nghe, cho dù đôi khi tính chuẩn xác và đúng đắn của tiếng nói ấy không cao lắm! Bên cạnh đó, những người được phục vụ thường tỏ ra ngưỡng mộ và ao ước vị thế của những người đến để phục vụ … Thực tế cũng cho thấy không thiếu những người được phục vụ tìm mọi cách để có được thân phận của những người đến để phục vụ …

Tóm lại, khó có thể phủ nhận sự hiện hữu của quyền lực - vinh quang trong những tập thể, vốn luôn xem trọng sự từ bỏ và đề cao tinh thần phục vụ trong khiêm hạ. Thực ra, nếu quả thật quyền lực đem lại cho bản thân chỉ toàn những điều tốt lành, khiến cá nhân ấy dễ dàng tìm được sự đồng thuận từ các quan điểm, thì thiết nghĩ cũng nên để quyền lực được triển nở cách tối đa, vì nó đem đến cho mỗi cá nhân sự tự tin và một vị thế xứng đáng với phẩm giá con người … Vậy phải chăng quyền lực vẫn là quyền lực, vinh quang vẫn là vinh quang, cho dù chúng có được bao phủ bởi lý tưởng cao đẹp hoặc thái độ thực dụng thế nào? Hay phải chăng phần đông trong chúng ta vẫn tỏ ra lẫn lộn giữa quyền lực theo kiểu thế gian và quyền lực của những người đến để phục vụ? Phải chăng thái độ khước từ mọi hình thức quyền lực - vinh quang, vốn được đời tận hiến luôn đề cao, thực ra chỉ là một tư tưởng “khác người” (nhằm tạo nên một phong cách riêng chẳng hạn) và hoàn toàn không có tính khả thi trong cuộc sống vốn chuộng sự hiệu quả và thực dụng? Và phải chăng cuộc sống của quyền lực - vinh quang chỉ toàn là một màu hồng, khiến ai cũng ao ước và luôn tìm thấy sự thoả mãn khi có được nó?

Thực ra, không quá khó khăn để bất cứ ai trong chúng ta cũng có thể nhận ra mặt trái của vấn đề quyền lực - vinh quang, nhất là khi nó hiện diện trong đời tận hiến. Thiết nghĩ nếu có thể nhận diện được những vấn nạn nảy sinh từ thực trạng trên, chúng ta sẽ có một cách nhìn chừng mực và đúng đắn hơn về quyền lực - vinh quang, nhất là khi buộc phải đụng chạm hoặc phải đồng hành cùng nó trên hành trình của đời tận hiến …

2. Những hệ lụy của quyền lực - vinh quang trong đời tận hiến


Quyền lực - vinh quang : nguồn gốc nảy sinh lòng kiêu ngạo


Như đã nói, trên thực tế, khái niệm “quyền lực – vinh quang trong đời tận hiến” vẫn tồn tại cách nào đó. Thậm chí, trong nhiều trường hợp, dường như tính chất của “quyền lực – vinh quang” trong đời tận hiến cũng không khác biệt gì lắm so với quyền lực và vinh quang theo quan niệm thế tục.

Hồng y, Giám mục, Linh mục, … vẫn là niềm mơ ước của không ít những người bước theo ơn gọi giáo sĩ. Bề trên lớn, bề trên nhỏ, một cách nào đó vẫn được xem là những vinh dự đối với không ít những người bước theo ơn gọi tu trì. Cám dỗ về quyền lực – vinh quang dường như chẳng buông tha người nào. Đây là một thực tế rất bình thường và cũng rất bất thường. Bình thường, khi đó là mơ ước của bất cứ ai có chí cầu tiến. Nhưng bất thường , khi nó được hình thành nơi những con người đáng lẽ ra phải là những mẫu gương của sự khiêm hạ, từ bỏ và phục vụ.

Còn đối với tôi, quyền lực – vinh quang trong đời dâng hiến đồng nghĩa với việc phải cố gắng vác thánh giá quá sức mình. Tôi cảm thấy rất tâm đắc với những gì mà Henry Morton Robinson[1] đã thốt lên, khi ông miêu tả sự tôn vinh mà Hội thánh dành cho một vị tân Giáo hoàng trong ngày lễ đăng quang : “Để chịu đựng được gánh nặng của bấy nhiêu vinh quang, thì phải là một tâm hồn đã được tôi luyện, siêu thoát hoàn toàn với mọi tham vọng cá nhân”. Có mấy ai đang ngự trên đỉnh cao của quyền lực - vinh quang mà vẫn còn ý thức rằng : Sic transit Gloria mundi – lời nhắc nhở mà vị đan sĩ, sau khi đốt cháy trong chốc lát mảnh vải nhỏ có nhúng sáp trước mặt vị tân Giáo Hoàng, đã ba lần cất giọng thê lương và ảm đạm: vinh quang của thế gian cũng qua đi như vậy.

Sự hào nhoáng của quyền lực - vinh quang thường dễ dàng chế ngự được con người. Nó khiến người ta dễ quên đi mọi lời cảnh tỉnh, để tiếp tục bị sa lầy vào cám dỗ tất yếu tiếp theo : lòng kiêu ngạo. Chẳng thế mà Henry Morton Robinson, qua nhân vật Đức ông Quarenghi, đã khiến độc giả phải suy nghĩ rất nhiều khi đặt vào môi miệng nhân vật này lời khuyến cáo dành cho vị linh mục trẻ tuổi Stephen, trước khi anh được sai đi thực hiện một công tác mục vụ khiêm tốn và ít gây được ảnh hưởng cho bản thân : “Anh hãy coi chừng lòng kiêu ngạo, Stephen, đó là tội đầu trong mọi tội, cám dỗ mạnh nhất của trí tuệ. Anh hãy trở nên nhỏ bé trước mặt loài người để được cao trọng trước mặt Thiên Chúa”.

Tôi cảm thấy đó là một lời nhắc nhở thật thấm thía dành cho những con người theo ơn gọi tận hiến, bởi nhiều thực tế đâu đây khiến ta không thể phủ nhận rằng : sự trọng kính và biệt đãi mà người giáo dân dành cho “các đấng bậc” đã thực sự trở nên chước cám dỗ nguy hiểm, khiến không ít “các đấng bậc” dễ dàng trở thành nô lệ của ám ảnh quyền lực. Thay vì trở thành một người mục tử nhân lành và gần gũi với đoàn chiên, hay thay vì trở nên những người phục vụ tận tuỵ và trung thành của người nghèo hèn theo gương Đức Giê-su, không ít những anh chị em của chúng ta dường như lại nghiễm nhiên trở thành những ông hoàng bà chúa của thế gian. Nguyên cớ do giáo dân đã dành cho người sống đời tận hiến một vị trí quá tô vẽ, hay do người sống đời tận hiến đã quên lý tưởng thuở ban đầu của mình ?

Quyền lực – vinh quang : áp lực từ những chiếc “mặt nạ”


Cuộc sống của mỗi người, cho dù ở bậc nào, cũng được ví như những vở diễn. Mỗi công việc phải giải quyết, mỗi giai đoạn phải trải qua, mỗi con người ta gặp gỡ, mỗi tập thể ta chung sống là những hồi kịch mà ta là người thủ vai chính. Khi phải hóa thân trong những vai diễn ấy, ta sẽ có một chiếc mặt nạ thích hợp với bối cảnh của hồi kịch.

Quyền lực – vinh quang là những yếu tố làm cho vở kịch cuộc sống trở nên rất có kịch tính. Tôi cảm thấy người nắm trong tay quyền lực dường như phải là một nghệ sĩ đại tài, phải hoá thân “y như thật” trong các vai diễn, trong từng hồi kịch bằng những chiếc mặt nạ. Nói cách khác : trong khi thể hiện vai diễn, thường thì người ấy không được phép biểu lộ gương mặt thật – con người thật của mình. Một khi đã nắm trong tay trách nhiệm đại diện, hướng dẫn cho cả một tập thể hay cộng đồng to lớn, người lãnh đạo thường không được phép sống thật với tâm tư tình cảm của mình, ít nhất là trong cách biểu lộ. Lâu dần, liệu người ấy có “nhập vai” đạt đến mức sẽ hoá thân thành chính nhân vật của quyền lực, đến độ thay đổi con người mình ? Đối với tôi, đây chính là một áp lực đáng kể. Đánh mất chính mình là điều chẳng ai mong muốn và chủ ý, nhưng áp lực của vị thế, công việc và hoàn cảnh khiến họ phải đối mặt với nguy cơ có thể trở nên như vậy. Hoặc nếu không, áp lực của tình cảm và lý trí sẽ thường xuyên hành hạ họ, bởi họ bị giằng xé giữa một bên là tính hiệu quả của công việc, một bên là ý thức để không đánh mất bản chất – con người thật của mình.

Trong bối cảnh rất đặc trưng của Giáo hội Việt Nam hôm nay, tất cả sẽ không đơn giản cho người nắm trong tay “quyền cao chức trọng” với nhiệm vụ lèo lái con thuyền Giáo hội của mình. Con người ấy có lẽ phải nhiều lúc vui với kẻ không vui, hy vọng khi chẳng mấy chi còn hy vọng, âu sầu và lo lắng trước những vấn đề mà nhiều người cảm thấy dửng dưng. Bảo vệ đoàn chiên của mình trong hoàn cảnh lúc này không phải là xua đuổi những gì đe doạ đến sự an nguy của đoàn chiên, nhưng phải tập sống chung với những mối đe doạ ấy cách hoà hoãn.

Giữa một bối cảnh “tranh tối tranh sáng” như thế, người được coi là đầy vinh quang với quyền lực nắm trong tay chắc chắn sẽ phải bối rối và đau khổ rất nhiều. Những chiếc “mặt nạ” mà người ấy buộc phải đeo vào sẽ trở thành những cực hình hành hạ tâm trí và con tim, là nơi mà khi người ấy quyết định dấn bước trên hành trình của đời tận hiến, đã xuất phát lòng khát khao được yêu thật, ghét thật, vui thật, mừng thật, sống thật, chết thật … bằng tất cả con người thật của mình.

Quyền lực – vinh quang : nỗi cô đơn dai dẳng


Có ai được chuẩn miễn việc vác Thánh giá của mình ? Không những thế, quyền lực - vinh quang càng lớn, dường như người ấy sẽ càng phải cố gắng vác một Thánh giá quá sức mình. Tất nhiên “ơn của Ta luôn đủ cho con”, nhưng một khi đã mang lấy tính xác thịt yếu đuối, có lẽ chẳng một ai lại không cảm thấy mình luôn bị thử thách, nhất là khi đối mặt với thử thách của sự cô đơn. Thánh giá của sự cô đơn hẳn sẽ khiến người nắm trong tay quyền lực - vinh quang luôn phải gắng gượng mang vác nó.

Người nắm trong tay quyền lực cảm nhận sự cô đơn ghê gớm ở chỗ dường như ít có ai dám thực lòng chia sẻ với mình và cũng chẳng mấy ai chịu kiên nhẫn với mình như mình đang cố tỏ ra kiên nhẫn với họ. Vô số điều bỗng nhiên trở thành nghịch lý đối với một người bắt đầu được (bị ?) trao cho quyền lực: người ấy bỗng trở nên có nhiều “bạn bè” hơn và bỗng cảm thấy mình ít “bạn bè” đi, mọi người sẽ vui vẻ với mình hơn và cũng sẽ ngại gặp gỡ mình hơn, thật nhiều người tỏ ra biết rõ mình và thật ít người tỏ ra thông cảm thực sự với mình, mọi người tỏ ra họ là đồng minh thân cận của mình và cố gắng thoát khỏi sự “quan tâm” của mình, mọi người cố gắng làm mình nhận ra năng lực của họ và cố gắng để mình càng ít hiểu về họ càng tốt,… Tóm lại, người nắm trong tay quyền lực bỗng phát hiện ra rằng mọi sự liên quan đến mình dường như trở nên nửa hư nửa thực, bỗng phát hiện ra rằng mình là tâm điểm để mọi người chú ý … dè chừng, và trên hết, người ấy bỗng phát hiện rằng : sự chia sẻ – đồng cảm thực sự mà mình cần có bỗng trở nên tỉ lệ nghịch với trách nhiệm được đặt trên vai.

Áp lực của công việc – cho dù to lớn đến đâu – thực ra không nặng nề cho bằng áp lực của cảm giác bản thân đang phải gắng gượng một mình. Sự hào nhoáng của quyền lực bỗng chốc biến thành áp lực của trách nhiệm, kẻ bước lên sự vinh quang bỗng chốc biến thành kẻ cô đơn. Than thở, rên rỉ, giận dữ để tỏ lộ nỗi bất bình và đau khổ này chăng? Vị thế của một người lãnh đạo – đầu tàu – không cho phép thế. Vả lại cũng rất khó tìm được sự cảm thông …

Hành trình tận hiến là hành trình của sự sẻ chia và cảm thông. Vậy mà khi thánh giá của sự cô đơn đè nặng trên đôi vai, con người của vinh quang - quyền lực bỗng chốc như thể bị tước mất quyền được chia sẻ và cảm thông cách chân thành. Cộng thêm với chiếc mặt nạ vướng víu trên mặt, chắc hẳn con đường của sự tận hiến sẽ càng trở nên gian nan đối với người ấy. Sự giằng xé giữa một bên là khát khao được thanh thản sống thật và sống chan hoà với tất cả anh chị em, một bên là đòi hỏi của trách nhiệm cùng với nỗi cô đơn dai dẳng sẽ mỗi lúc càng thêm căng thẳng nơi những con người có được (bị) xem là đang nắm trong tay quyền lực - vinh quang.

3. Ý nghĩa của quyền lực - vinh quang trong đời tận hiến


Quyền lực đời tận hiến – quyền phục vụ

Vinh quang đời tận hiến – vinh quang Thập Giá


Henry Morton Robinson đã viết : “Sự huy hoàng, vẻ tráng lệ của trần gian, tiếng tăm, quyền uy, những lời tán tụng của loài người,… tất cả sẽ đều tắt lịm như tia lửa trong đêm tối, như ngày hôm qua đã qua đi mất rồi”. Có thể xem đó như là lời nhắc nhở, cảnh báo dành cho những người đang nắm trong tay quyền lực – vinh quang? Đặc biệt đối với những người đang phải bước đi trên con đường tận hiến bằng tấm lòng thành và đang phải đảm đương trọng trách lèo lái con thuyền Giáo hội?

Tôi tự hỏi không biết có phải mình đã tỏ ra quá bi quan hay quá quan trọng hoá trước một vấn đề mà không ít người coi đó là tốt đẹp và mong muốn đạt đến ? Đối với tôi, tìm đến với đời tận hiến là tìm đến một cuộc sống không ít những khó khăn và thử thách, nhưng không phải là loại khó khăn thử thách “bình thường” như người ta vốn quan niệm.. Nhưng là sự khó khăn- thử thách do “quyền lực và vinh quang gây ra”. Nói rõ hơn, sự khó khăn - thử thách mà quyền lực - vinh quang đem đến là thứ khó khăn - thử thách mà phần lớn mọi người đều hân hoan ngưỡng mộ và khao khát có được, vì nó đem lại cho họ sự đảm bảo khá chắc chắn về vị thế trong cuộc sống. Như thế, xét theo một phương diện nào đó, dường như vấn đề hệ tại ở điều quan trọng này: tinh thần từ bỏ.

Quả thật, tinh thần từ bỏ sẽ tạo nên sự khác biệt lớn lao trong thái độ tiếp nhận quyền lực - vinh quang. Nói cách khác, sự từ bỏ chính là nhân tố tạo nên ý nghĩa đích thực của hành trình tận hiến. Đặc biệt đối với những con người đang dấn bước trên hành trình ấy, nhưng vẫn phải vác trên vai thập giá của quyền lực - vinh quang, tinh thần từ bỏ sẽ biến đổi hoàn toàn ý nghĩa của quyền lực - vinh quang nơi trần gian. Khi ấy, quyền lực trong đời tận hiến chính là quyền để phục vụ, và vinh quang trong đời tận hiến chính là vinh quang của Thập Giá.

Mấu chốt của vấn đề lúc này nằm ở từ “được”. Vị Thầy Giêsu của chúng ta đã khẳng định: Người đến không phải để được phục vụ, mà là để phục vụ. Sự biến mất của từ “được” chính là khi người nắm trong tay quyền lực - vinh quang thực hiện tinh thần từ bỏ. Đặc biệt hơn khi người ấy đồng thời phải vừa đón nhận, và đồng thời phải vừa từ bỏ. Đón nhận quyền lực - vinh quang như một thánh giá để phục vụ, và từ bỏ những hệ quả tất yếu mà quyền lực - vinh quang đem đến cho bản thân, để biết trở nên âm thầm và khiêm hạ khi phục vụ cách chân thành.

Như thế, quyền lực – vinh quang không phải là không có giá trị đối với những con người quyết tâm sống trọn đời tận hiến. Ngược lại, nó còn khiến hành trình của người ấy trở nên có giá trị hơn, vì sự nỗ lực vượt bậc khi phải vác một Thánh giá dường như quá sức mình. Song cũng chính vì tính chất quá sức mình ấy, mà một khi người phải vác nó biết xác tín và phó thác theo sự dẫn dắt của Thánh Thần, chắc chắn sẽ đến lúc họ nhận ra được giá trị đích thực và ý nghĩa đặc biệt mà thánh giá quyền lực mang lại, đó là vinh quang Thập Giá – vinh quang của sự hy sinh và phục vụ trong khiêm hạ.

Quyền lực - vinh quang trong đời tận hiến: lời mời gọi hay sự thách đố?


Thái độ phản ứng của chủ thể sẽ giúp ta phân biệt sự khác nhau giữa hai quan điểm trên. Một người sẽ làm gì khi nhận được sự thách đố? Và cũng người ấy, sẽ làm gì khi nhận được một lời mời gọi? Trước tiên có thể nói thế này: một đàng là thái độ quyết liệt và chiến đấu (thách đố), một đàng là thái độ hưởng ứng và đáp trả (lời mời gọi).

Sự thách đố, xét cho đến cùng, bao giờ cũng phải có kết thúc, nghĩa là trước sau gì, cách này hay cách khác, sự thách đố cũng sẽ được thoả mãn bằng một tình trạng vượt thắng được thách đố. Đến lúc ấy, tình trạng bị thách đố sẽ chấm dứt, vì vấn đề mà thách đố ấy đặt ra đã được giải quyết. Còn lời mời gọi dường như là một hành trình không điểm dừng, bởi lẽ nó không nhắm đến việc phải đạt được một tình trạng thoả mãn nào đó, nhưng tự bản thân đối tượng được mời gọi luôn bị thúc bách bởi ý hướng cần phải khám phá, để không những có thể biết, hiểu, mà còn có thể hoà mình hoàn toàn vào tiến trình mà bản thân được mời gọi, trong đó tất cả mọi sự, dù hoàn thiện hay chưa, đều trở nên liên luỵ và biến thành “máu thịt” của chính mình. Quá trình để hiểu, biết, tan hoà ấy có thể nói là biến dịch không ngừng, bao lâu đối tượng được mời gọi còn quan tâm đến lời mời gọi và bao lâu đối tượng của lời mời gọi còn tồn tại.

Như thế, sự thách đố hướng con người đến nỗ lực loại bỏ hay vượt qua những bất toàn, khiếm khuyết để có thể tiến đến một mức độ hoàn thiện nào đó. Còn lời mời gọi lại hướng con người đến quá trình không ngừng đón nhận, và đón nhận tất cả, cho dù đó là sự bất toàn và khiếm khuyết, mà không xem đó như những điều đáng bị loại trừ, nhưng là những phần tất yếu của toàn bộ vấn đề. Và nếu có thể tiến đến một mức độ tối ưu hơn, thì sẽ là tình trạng toàn thể (cả những hoàn thiện lẫn những khiếm khuyết) cùng nhắm đến đến mức độ tối ưu ấy, cho đến khi toàn thể là hoàn thiện, như một sự đơn nhất hướng đích.

Vậy gánh nặng của thánh giá quyền lực và áp lực từ cám dỗ của vinh quang là sự thách đố hay là lời mời gọi đối với những người đang bước trên hành trình tận hiến? Thực tế cho thấy không ít người xem chúng như một thách đố phải vượt qua. Nghĩa là phải tìm cách để từ bỏ cám dỗ muốn đạt được quyền lực - vinh quang, hoặc nếu được (bị) trao cho quyền lực, thì phải ý thức và luôn tỉnh táo để chiến đấu với cám dỗ của vinh quang mà quyền lực mang lại. Quả thật, lúc này quyền lực -vinh quang dường như bỗng chốc biến thành một kẻ thù cần phải loại trừ trong một cuộc chiến đầy cam go, và khi ấy, người theo ơn gọi tận hiến nghiễm nhiên trở thành một chiến sĩ …

Song như thế phải chăng bên cạnh sức nặng từ những hệ lụy mà quyền lực - vinh quang tạo ra, ta lại đang vô tình tự tạo thêm một lực đè đáng kể nữa trên cây thánh giá (nếu ta coi quyền lực - vinh quang là thánh giá) mà ta đang phải vác? Sự thách đố dường như thế luôn tạo ra cảm giác căng thẳng, khiến ta luôn nơm nớp lo sợ mình sẽ không thể vượt qua thách đố ấy. Có cần thiết phải như thế? Thậm chí cho dù nếu ta vượt qua được thách đố ấy, nghĩa là ý thức mình đã chiến thắng được nó, thì chẳng phải ta lại rơi vào tình trạng “tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa”, nghĩa là chiến thắng được cám dỗ này, nhưng ngay lập tức lại rơi vào cám dỗ khác, vì cảm giác hài lòng với sự chiến thắng ấy cũng là một hình thức của sự tự mãn vậy!

Tại sao chúng ta không đón nhận quyền lực - vinh quang như một lời mời gọi? Theo tôi, đó thực sự là một lời mời gọi. Nếu ta xác tín rằng Thánh Thần vẫn hoạt động trong Hội Thánh của Người, thì ta cũng phải tin rằng mọi sự đang diễn ra và tồn tại trong cuộc sống này cũng đang được Thánh Thần dẫn dắt. Nói cách khác, quyền lực - vinh quang chắc hẳn cũng không thể nằm ngoài sự quan phòng của Thiên Chúa. Và chúng ta không thể không nhắc lại nguyên tắc này của đức tin, ấy là những phương thế xuất phát từ sự thành tâm, với mong muốn đạt đến sự thiện hảo của Chân Lý, điều tốt lành tự bản chất. Nếu chúng bị xem là xấu đi, thì chắc chắn là do mục đích xấu khi sử dụng phương thế ấy. Cũng thế, quyền lực - vinh quang, như đã nói, ở một chừng mực nào đó và cùng với sự chín chắn, là điều cần thiết để duy trì sự thăng tiến của một tập thể. Vì vậy, quyền lực - vinh quang không phải là một điều gì xấu xa mà ta phải diệt trừ hay lẩn tránh.

Song thực tế vẫn không thể phủ nhận những hệ luỵ mà quyền lực - vinh quang đã đem lại. Nguyên nhân chính là ở quan niệm và cách thức sử dụng quyền lực - vinh quang. Thiết nghĩ tất cả sẽ trở nên nhẹ nhàng hơn khi ta đón nhận quyền lực - vinh quang như một lời mời gọi. Khi ấy người nắm trong tay quyền lực trước hết sẽ ý thức rằng mình chỉ là công cụ của Thánh Thần. Từ đó, người ấy sẽ nhận ra rằng: điều gọi là quyền lực hay vinh quang, thực ra chỉ là những phương tiện được trao ban, nhằm đạt đến một hiệu quả cao nhất có thể … Cám dỗ tất nhiên sẽ có, vì con người vẫn mang tính xác thịt yếu đuối. Song vì đã là lời mời gọi, nên tất cả những gì là tốt đẹp, tất cả những gì là bất toàn, đều được đón nhận trong sự tin cậy và phó thác. Để rồi tất cả, dù là thành quả hay hệ lụy đi chăng nữa, đều trở thành những cơ hội, để bản thân được mỗi lúc thêm hoàn thiện.

Quyền lực - vinh quang thực sự là một lời mời gọi đối với những ai phải đón nhận nó, như một cách thế để phục vụ cách hữu hiệu hơn, trong sự khiêm hạ và chân thành.

Thay lời kết


Dưới sự quan phòng của Thiên Chúa, Hội Thánh vẫn tồn tại trong từng bước lữ hành thăng trầm của mình. Tôi cảm thấy Hội thánh đã có một cách nhìn thức thời khi đứng trước bối cảnh xã hội hôm nay. Quả thật, khái niệm “quyền lực” trong Giáo hội càng lúc càng được hạn chế nhắc đến, hoặc Hội Thánh đã phải rất tế nhị và thận trọng khi cảm thấy cần thiết buộc phải đề cập đến khái niệm ấy với mục đích bảo vệ niềm tin của mình. Không chỉ dừng lại ở vấn đề của ngôn từ, Hội Thánh đang cố gắng tìm lại ý nghĩa đích thực của mình qua những cách thế bước theo Thầy Giê-su – Con Người của Tình Yêu và lòng nhân hậu, Con Người đã chứng tỏ ảnh hưởng của mình bằng tình yêu, bằng cách hy sinh chính mạng sống mình chứ không phải bằng quyền lực. Con Người đã thể hiện vinh quang của mình không nhờ quyền lực, nhưng bằng cách thế nhẫn nhục và bi thảm trên thập giá.

Theo tôi, những con người đang phải “đụng chạm” đến vấn đề quyền lực - vinh quang trong Giáo hội, hơn ai hết, các vị ấy biết mình đang phải vác Thập giá – một Thập giá đặc biệt, dường như quá sức mình. Các vị sẽ tìm kiếm sự nâng đỡ, an ủi, trợ sức từ ai đây khi đối diện trước áp lực của Thập giá ấy? “Ơn Cha luôn đủ cho con” – tôi đoan chắc ơn Thánh Thần không những khiến các vị ấy trở nên khôn ngoan khi thực thi sứ mệnh của mình, mà còn khôn ngoan trong việc phó thác sứ mệnh – gánh nặng ấy nơi Đấng muốn dùng sự vinh quang của thế gian như một cách thế đặc biệt để phục vụ Hội Thánh của Người. Tôi tin chắc những vị ấy ý thức và hiểu rõ điều này hơn ai hết.

Cuối cùng, nếu ai đó yêu cầu tôi diễn tả ý nghĩa đích thực của “vinh quang – quyền lực trong đời tận hiến” một cách gần gũi và dễ hiểu nhất, tôi sẽ mời người ấy cùng nghe lại lời các Đức Giáo Hoàng tự nói về mình: “Tôi tớ của các tôi tớ”.

Vượt lên trên tất cả những gì đã chia sẻ, là tâm tình cảm thông của tôi dành cho những vị đang mang trong mình trọng trách đồng hành và hướng dẫn những tập thể. Tôi cảm thấy đàng sau những gì khá hào nhoáng của vị thế, quyền hành, là bao nỗi khổ tâm, khó xử đến đau khổ. Một lời nguyện xin dành riêng cho những vị ấy, để mẫu gương phục vụ, đau khổ và hy sinh của Thầy Giê-su sẽ mãi là nguồn trợ lực hữu hiệu cho các vị.
 
[1] Tác giả của tác phẩm “Vị Hồng Y”