Thứ Bảy, 23 tháng 7, 2022

THÁNH THỂ VÀ HỘI THÁNH

Thời sự thần học, số 41 – Tháng 9/2005, tr. 39-62

Henri de Lubac (1896-1991) gia nhập Dòng Tên Chúa Giêsu năm 1913 và lãnh tác vụ linh mục năm 1927. Năm 1938, cha viết tác phẩm đầu tay với tựa đề “Catholicisme”. Tác phẩm nhấn mạnh đến mầu nhiệm Hội thánh như là sự tiếp nối mầu nhiệm Nhập Thể của Con Thiên Chúa để thông truyền sự sống Thiên Chúa cho con người. Như thế, cha đã nối kết được với thần học các Giáo phụ của Hội thánh. Đàng khác, năm 1941, cùng với cha Daniélou, chính cha Henri de Lubac đã góp phần khởi xướng sưu tập “Sources chrétiennes”, đưa những kho tàng của thần học giáo phụ ra công chúng. Sau khi xuất bản nhiều tác phẩm, năm 1953, cha biên soạn tác phẩm “Méditation sur l’Eglise”. Những trang dưới đây được trích trong tác phẩm này. Suy tư thần học này đã góp phần cùng các nhà thần học được Đức Giáo hoàng Gioan XXIII mời để chuẩn bị cho Công đồng Vaticanô II. Và tiếp theo sau đó, cha đã là một chuyên viên của Công đồng. Năm 1983, Đức Giáo hoàng Gioan-Phaolô II đã phong tước vị Hồng y cho cha.
Văn Hoà – Đình Chiến chuyển ngữ

_Henri de Lubac_ 


Trái tim của Hội thánh


Chúng ta cần để ý đến hai sự kiện : một là mối liên hệ thánh Phaolô đã đưa ra giữa giáo lý về Hội thánh với giáo lý về Thánh Thể ; hai là việc móc nối thêm – tương đối muộn – tính từ “mầu nhiệm” vào kiểu nói “Thân Thể Đức Kitô” của thánh Phaolô. Cả hai sự kiện ấy liên hệ chặt chẽ với nhau. Xem xét hai sự kiện này, chúng ta sẽ được dẫn vào trung tâm của mầu nhiệm Hội thánh.

Thời cổ đại của Kitô giáo, người ta vẫn thường nói đến một “thân thể thiêng liêng” hay một “thân thể vĩ đại” của Đức Kitô, một “thân thể sung mãn”, một “thân thể phổ quát” hay một “thân thể chung”, một thân thể “chân thực và hoàn hảo” có Đức Kitô là “Đầu mầu nhiệm” và tất cả các Kitô hữu là “những chi thể mầu nhiệm”. Ngoài ra, còn có vấn đề về đại hội các Phúc nhân như thể của “Hội thánh mầu nhiệm”, hoặc của “mầu nhiệm Thân Thể Đức Kitô”, hoặc về một “sự kết hợp mầu nhiệm" của các tín hữu bên trong Thân Thể Đức Kitô. Tuy nhiên, chỉ mãi tới khoảng giữa thời Trung cổ (hậu bán thế kỷ XII), thì Thân Thể của Đức Kitô, tức là Hội thánh, mới bắt đầu được gọi là “mầu nhiệm”. Trong những thế kỷ trước, chính Thánh Thể đã được gọi là mầu nhiệm rồi. Kể từ đó, ngược lại chính Hội thánh người ta sẽ phân biệt qua đó về Thánh Thể như là phân biệt Đức Kitô trong cuộc sống trần gian hay cuộc sống vinh quang.

Thường người ta không tìm cho tính từ “mầu nhiệm” này một ý nghĩa chính xác. Thật vậy, nhận xét rằng “mầu nhiệm” ở đây đối lập với “tự nhiên” phải chăng không đủ hay sao ? “Thân Thể mầu nhiệm” là một cơ cấu siêu nhiên phải được hiểu dựa theo hình ảnh một thân thể tự nhiên, nhưng đồng thời cũng lại đối lập với thân thể tự nhiên. Cách chung, giải thích này là chính xác. Giải thích như thế là hiển nhiên. Nó có lợi điểm rõ ràng là dẫn chúng ta về lại với nền tảng, đến với hình ảnh loại suy của thân thể con người đã được thánh Phaolô khai triển trong thư thứ nhất gởi tín hữu Côrintô và thư gởi tín hữu Rôma. Theo chân thánh Tông Đồ, thánh Tôma thích nhắc lại sự tương đồng ấy. Chẳng hạn, thánh nhân nói : “Toàn thể Hội thánh là một thân thể mầu nhiệm duy nhất, cũng giống như thân thể tự nhiên của con người, có những chi thể khác nhau đảm nhiệm những chức năng khác nhau”, hoặc chỗ khác nữa : “Đức Kitô được gọi là Đầu của Hội thánh, giống như đầu tự nhiên của thân thể con người”. Sau đó, thánh nhân còn cho biết những dị điểm cơ bản hàm chứa trong hình ảnh loại suy đó. Và Thông điệp Mystici Corporis (Thân thể mầu nhiệm, do Đức Piô XII ban hành ngày 29 tháng 6 năm 1943) cũng xuất phát đúng là từ tư tưởng đó.

Hội thánh, Thân Thể Đức Giêsu Kitô


Có điều thánh Phaolô không dừng lại ở đó. Thánh Tôma cũng không dừng lại ở đó lâu hơn, không một nhân chứng có thế giá nào trong truyền thống Hội thánh, và cả thông điệp Mystici Corporis theo sau thông điệp Satis Cognitum (Hiểu biết trọn vẹn) của Đức Lêô XIII, lại không cảnh giác những người bị cám dỗ dừng lại ở hình ảnh so sánh loại suy trên. Thông điệp Mystici Corporis xác định rằng “phải gọi Hội thánh không phải là một thân thể bất kỳ nào đó, nhưng là Thân Thể Đức Giêsu Kitô”. Và xa hơn chút nữa : “Nếu chúng ta so sánh thân thể mầu nhiệm này với cái người ta gọi là thân thể thông thường, thì lúc đó phải nhận thấy rằng sự khác biệt không những là lớn, mà còn quan trọng và cực kỳ trầm trọng nữa”.

Trong hình ảnh loại suy của thánh Phaolô, không nên coi đó là một ngụ ngôn theo nghĩa chặt, thì cũng không được coi đó là một so sánh đơn giản. Không được dựa vào hình ảnh ẩn dụ thánh Tông Đồ sử dụng để kết luận rằng thánh nhân đang muốn phác họa một hữu thể ít nhiều mang tính ẩn dụ. Sự nhầm lẫn này không có gì lạ. Nếu thân thể tự nhiên được một số người quan niệm như là một thực tại vững chắc, thì một thân thể mầu nhiệm đối với họ lại chỉ là một cái bóng bền vững thôi. Thân thể tự nhiên là “thể lý”, thân thể sau chỉ là “thông thường” ; thân thể tự nhiên là thực hữu, thân thể sau chỉ là thân thể “một cách mầu nhiệm”, nghĩa là gần như ở trong tư tưởng của họ, qua cách nói, qua lối so sánh hoặc qua hình ảnh biểu tượng. Đó không phải là một thân thể theo “nghĩa đen”. Do vậy, người ta có khuynh hướng chỉ nói đến “Thân Thể nhiệm mầu của Hội thánh” hay nói về Hội thánh như thể là một “thân thể mầu nhiệm”. Những kiểu nói như thế nguyên nó vô tư. Những kiểu nói như thế chính xác, nhưng chưa đủ. Hơn nữa, ngày nay, ngay từ ngữ “thân thể mầu nhiệm” cuối cùng đã lan sang cả ngôn ngữ của các triết gia. Những kiểu nói như thế trở thành sai trầm trọng nếu hiểu một cách tuyệt đối. Bởi vì những kiểu nói ấy không còn giúp cho người ta hiểu rằng những ai làm thành “thân thể Hội thánh” này thì cũng là “những chi thể của Đức Kitô” một cách thực sự nữa. Khi đó, có lẽ thực sự chẳng còn vấn đề Thân Thể Đức Kitô, “Thân Thể sống động của Người” được Thần Khí ban sức sống tựa như thân thể xác thịt chúng ta được sống nhờ linh hồn chúng ta nữa. Chẳng còn vấn đề Thân Thể này thực sự là Thân Thể của Đức Kitô nữa. Sự hiệp nhất đức tin trong đó bấy giờ chẳng qua chỉ là sự hội tụ thay vì là công việc của Thần Khí duy nhất. Khi mất mối dây liên kết nội tại thì Hội thánh cũng mất chính mình. Hội thánh sẽ không còn là “một chân lý thực tại, một thân thể sống động với nhiều bộ phận”, “một hình ảnh sống động của Đấng Cứu Độ”, vẫn thực sự là đơn nhất, cho dù theo một cách khác, như là thân thể cá vị vậy. Hội thánh bấy giờ không còn ở trong sự sung mãn, như các giáo phụ thời cổ đại đã nói : “Mầu Nhiệm Đức Kitô”. Hội thánh bấy giờ sẽ xuất hiện hơn kém chỉ như là một thân thể thông thường hay “một đoàn thể thuần túy chính trị” trong đó, các chi thể chỉ có “mối liên lạc ngoại tại” với thủ lãnh của mình. Như vậy, Hội thánh sẽ là một thân thể theo nghĩa đoàn thể như các nhóm xã hội khác, những nhóm này không phải là những cơ quan sống động đích thực cũng như “những pháp nhân” (personnes morales) không phải thực sự là những con người. Tư tưởng cao cả và phong phú do đức tin truyền thống để lại cho chúng ta về Hội thánh là Thân Thể của Đức Kitô sẽ tiêu tan đi mà trở thành một “sự nhân cách hóa thuần túy là tưởng tượng”. Theo hướng nhìn như thế, rất có thể vẫn còn tin nguồn gốc của Hội thánh là từ Thiên Chúa, nhưng thực tại trọn vẹn, nét đặc thù trọn vẹn của Mầu Nhiệm Kitô giáo bấy giờ sẽ tan biến mất.

Vào những thời đại khác hay trong những môi trường khác, người ta đúng là hiểu kiểu nói “Thân Thể mầu nhiệm” theo một nghĩa rất thực tiễn. Qua kiểu diễn tả ấy, người ta rõ ràng muốn chỉ về một cơ thể siêu nhiên đích thực. Tuy nhiên, bấy giờ – chúng ta đã đề cập đến tư tưởng này rồi – người ta sẽ có khuynh hướng tách biệt ít nhiều “Thân Thể mầu nhiệm” với Hội thánh. Thật vậy, theo lối nhìn của một số người, việc thêm tính từ “mầu nhiệm” vào kiểu nói “Thân Thể Đức Kitô” của thánh Phaolô khiến cho khía cạnh “mầu nhiệm” có nhiều thuận lợi để được khai triển nhiều hơn, nghĩa là chẳng hạn người ta có thể chuyển dịch tính từ “mầu nhiệm” thành những từ ngữ như bất khả thị, nội tại, thiêng liêng và ẩn giấu, đến nỗi đôi khi người ta thắc mắc không biết tính từ ấy khéo lại chẳng mở đường cho danh từ chính bị lu mờ hẳn đi hay không”.

Hội thánh và Thân Mình Thánh Thể của Đức Kitô


Muốn thoát khỏi nguy cơ kép này – chỗ này chỗ kia không phải là không có – người ta đã lưu ý rất đúng rằng tính từ “mầu nhiệm” nói lên nhiều ý nghĩa hơn là tính từ “thông thường” ; “mầu nhiệm” biểu thị một yếu tố mông lung mơ hồ, vẫn gọi là “mầu nhiệm”, cần phải nhờ vào việc giải thích giáo lý. Người ta cũng lưu ý rằng tuy từ “mầu nhiệm” không được coi là đồng nghĩa với bất khả thị, nhưng đúng hơn nói đến một dấu chỉ khả giác về một thực tại thánh thiêng, ẩn giấu và chắc chắn chỉ Hội thánh mà thánh Phaolô gọi là “Thân Thể Đức Kitô”.

Đó là lối giải thích đúng lúc, nhưng nếu chỉ dừng lại ở đấy mà thôi, thì vẫn chưa đưa ra được một lời giải thích tích cực. Do vậy, tốt nhất là xác định rõ hơn nữa, nếu như ta muốn làm cho kiểu nói “Thân Thể mầu nhiệm” có một ý nghĩa thực là cụ thể, muốn đi sâu vào sự phong phú về giáo lý và cuối cùng, theo lời của Thông điệp Mystici corporis, nhận ra Hội thánh “triển nở, nói được là như thế, từ những gì Sách Thánh và văn phẩm của các thánh giáo phụ vẫn thường trình bày cho chúng ta như thế nào”.

Vậy mà chính lịch sử mang lại cho chúng ta sự xác định chúng ta đang mong ước, giúp tránh xa hai nhóm ý nghĩa thái cực, một đàng hiểu “mầu nhiệm” đơn giản là đồng nghĩa với “thông thường” hay “huyền nhiệm”, hiểu theo nghĩa là mông lung mù mịt, và đàng khác có khuynh hướng tách rời Thân Thể mầu nhiệm ra khỏi Hội thánh khả thị. Đồng thời, lịch sử cũng cung cấp cho chúng ta một yếu tố giáo lý có tầm quan trọng hàng đầu.

Nhân cơ hội trình bày lý thuyết về điều hiển nhiên là quan trọng nhất trong đời sống đạo thời sơ khai, thánh Phaolô nối kết mầu nhiệm Thánh Thể với mầu nhiệm cộng đoàn Kitô hữu thành một mầu nhiệm duy nhất. Người nói : “Bánh chúng ta bẻ ra lại chẳng phải là sự hiệp thông vào Thân thể Đức Kitô hay sao ? Bởi chỉ có một bánh, nên chúng ta tuy là nhiều, chúng ta cũng chỉ làm thành một thân thể : bởi vì tất cả chúng ta đều thông dự vào cùng một Bánh” (1Cr 10,16-17). Tất cả Truyền thống đua nhau bình giảng bản văn này. Vậy mà lại có một bình giảng chính xác được các thần học gia tiên khởi nêu lên khi nói về Hội thánh như là Thân thể Mầu nhiệm của Đức Kitô với chủ ý rất rõ. Chính các thần học gia ấy nói lên điều đó trong một bối cảnh của Thánh Thể. Qua đó, các thần học gia này hiểu – chỉ cần đọc tác phẩm của các vị là có bằng chứng ngay – đấy không phải là một thân thể hoàn toàn bất khả thị, cũng không phải là hình ảnh nhạt nhòa của một thân thể có thực, nhưng đó chính là “Thân Thể trong mầu nhiệm (corpus in mysterio), Thân Thể được biểu thị và cung cấp một cách nhiệm mầu nhờ Bí tích Thánh Thể, nói cách khác, đó chính sự hiệp nhất của cộng đoàn Kitô hữu mà “các mầu nhiệm thánh” thể hiện bằng một biểu tượng hữu hiệu. Lại còn có những kiểu nói khác như “sự hiệp nhất không thể phân ly về tinh thần và thể xác giữa các chi thể của Hội thánh với Đức Kitô đang hiện diện trong Thánh Thể. Thế nên, đó là một Thân Thể tuyệt diệu, thực hữu nhất và “thật” tuyệt đối nhất trong tất cả những gì là thật; đó là một Thân Thể chung kết, mà tương quan với nó, thân thể cá vị của chính Đức Giêsu không hề giảm thiểu chân lý riêng của mình, có thể được gọi là “thân thể biểu trưng” (corps figuratif). Theo ngôn ngữ kinh viện nói về bí tích, thì đó là “sự vật”, res sacramenti. Sau dấu chỉ, signum tantum (hoặc sacramenti species), rồi res et signum, thì đó là res tantum, tức là sự vật không còn là dấu chỉ cho một vật nào khác nữa, bởi vì đó là hiệu quả cuối cùng của bí tích rồi. Res ultima.

Hội thánh làm nên Thánh Thể


Như vậy, tất cả những điều đó khiến chúng ta phải để ý đến những mối tương quan giữa Hội thánh với Thánh Thể. Có thể nói bên này đã được Đấng Cứu Thế giao phó cho bên kia, Hội thánh được giao phó cho Thánh Thể và Thánh Thể được giao phó cho Hội thánh. Chính Hội thánh làm nên Thánh Thể, nhưng cũng chính Thánh Thể làm nên Hội thánh. Trong trường hợp thứ nhất, đó là Hội thánh như chúng ta phác họa theo nghĩa chủ động, trong việc Hội thánh hành sử quyền thánh hóa của mình. Còn trong trường hợp thứ hai, đó là Hội thánh được hiểu theo nghĩa thụ động, tức là Hội thánh của những người đã được thánh hóa. Và nhờ sự tương tác mầu nhiệm này, sau cùng, chính Thân Thể duy nhất được kiến tạo trong điều kiện của cuộc sống hiện tại, cho đến ngày hoàn thành.

Hội thánh làm nên Thánh Thể. Chính là nhằm mục đích này mà chức tư tế đã được thiết lập. “Hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy” (Lc 22,19 ; Cf. 1 Cr, 11,25).

Mỗi Kitô hữu đều là tư tế


Hiển nhiên, theo một nghĩa trước hết và rất sâu xa, mỗi Kitô hữu đều là Tư tế – cho dù nếu muốn tránh những lầm lẫn rất nghiêm trọng, cần phải cắt nghĩa ngay. Bất kỳ người Kitô hữu nào cũng đều tham dự vào chức Tư tế duy nhất của Đức Giêsu Kitô. “Chúng ta gọi là Kitô hữu tất cả những ai khi lãnh nhận bí tích Thánh tẩy đã được xức dầu thánh, chúng ta cũng phải gọi là tư tế tất cả những ai là chi thể của Vị Thượng Tế độc nhất này”. “Trong sự hiệp nhất của đức tin và bí tích Thánh tẩy, bất kỳ phẩm giá danh dự nào thì cũng là của chung,… Dấu thánh giá làm cho tất cả những ai đã được tái sinh trong Đức Kitô trở thành những bậc vương đế, và việc xức dầu Thánh Thần thánh hiến họ tất cả thành những tư tế. Dân Israel xưa là “một vương quốc các tư tế và một dân thánh”. Toàn thể Hội thánh cũng là như vậy, bởi vì toàn thể Israel được cô đọng lại trong Đức Kitô, vị Tư Tế đích thực duy nhất mà bất kỳ người Kitô hữu nào cũng đều được đồng nhất với Người. Chức “tư tế hoàng vương” mà thánh Phêrô và thánh Gioan gán cho chúng ta, mọi người chúng ta, chức ấy không phải là một thứ hình ảnh so sánh, một lối nói ẩn dụ. Lại càng không có quyền nói rằng đó chỉ là một “chức tư tế mạo nhận” : sacerdotes jure dicimur, quia Sancti Spiritus oleo et chrismatis unctione linimur. Chúng ta có quyền để nói mình là tư tế, vì chúng ta đã được xức dầu Thánh Thần. Đó là một thực tại “mầu nhiệm”, một thực tại mà trong phạm vi của nó, không có một chức tư tế nào có thể vượt hơn hoặc có ý nghĩa sâu xa hơn. Bởi vì chính thực tại đó làm cho người Kitô hữu, chi thể của Đức Kitô là Vua và Tư Tế vĩnh cửu, thành một Đức Kitô. Muốn thấy phẩm giá ấy, chỉ cần nhớ lại rằng đó chính là phẩm giá mà Đức Maria đã được Thiên Chúa mặc cho một cách ưu ái tuyệt vời. Đây không phải là một chức tư tế tầm thường, một chức tư tế hạng hai, một chức tư tế của các tín hữu mà thôi, nhưng đấy là chức tư tế của toàn thể Hội thánh. Niềm hãnh diện Kitô giáo của “người giáo dân” đã ý thức về điều ấy, vì thế thường cần phải được soi sáng, không được xem thường niềm hãnh diện ấy được.

Chỉ có điều, một chức tư tế như thế lại hoàn toàn là thiêng liêng : Unusquique ungitur in sacerdotum, sed est sacerdotium spirituale, ai nấy đều được xức dầu để làm tư tế, nhưng đây là chức tư tế thiêng liêng. Đúng ra, tính từ “thiêng liêng” này không được chọn trước hết nhằm đối lập với lễ phẩm mà người Kitô hữu có thể làm là chính bản thân mình trong hy tế nghi thức của Thánh Thể. Nhưng từ ngữ ấy chỉ việc phụng tự Tân ước đối lập với “phụng tự thể lý” là nét đặc biệt của Cựu ước. Và thánh Tôma, khi nói “hy tế của Hội thánh là thiêng liêng” thì thánh nhân có ý nói rằng khác với những gì diễn ra dưới thời của luật Môsê, hy tế này “chứa đựng nơi chính mình một ân sủng thiêng liêng”, vì hy tế này không còn chỉ là tượng trưng cho “mầu nhiệm Đức Kitô” mà còn đổi mới và áp dụng hy tế ấy nữa. Sự phân biệt một chức tư tế thuộc loại kép ngay từ thời đầu không phải là ít rõ ràng. Ngoài chức tư tế được hành sử trong việc phụng tự, còn có một chức tư tế nhằm dâng tiến lên Thiên Chúa “những lễ phẩm tinh tuyền của lòng sùng kính trên bàn thờ là tâm hồn”. Chức tư tế này, như ông Origène nói, làm cho mỗi người Kitô hữu, “đều mang nơi bản thân lễ toàn thiêu của mình và chính mình châm lửa đốt của lễ ấy” :

“Chẳng lẽ bạn, tức là toàn thể Hội thánh của Thiên Chúa, tức là toàn thể dân những người tin, lại không biết là mình đã được ban cho một chức tư tế đó sao ? Bạn buộc phải dâng tiến lên Thiên Chúa lễ phẩm là lời ngợi khen, lễ phẩm là lời cầu xin, là lòng xót thương, lòng thanh khiết, đức công chính và sự thánh thiện… Mỗi người trong chúng ta phải mang phẩm phục tư tế của mình, nghĩa là tô điểm tinh thần của mình bằng những kỷ luật của đức khôn ngoan… Mỗi người phải mang trầm hương mà đi vào bên trong tấm màn, rồi chính mình châm lửa trên bàn thờ dâng của lễ toàn thiêu của mình. Nếu tôi từ bỏ tất cả những gì tôi có, nếu tôi vác thập giá của mình mà bước đi theo Đức Kitô, thì đó là tôi đã dâng một lễ toàn thiêu trên bàn thờ của Thiên Chúa. Nếu tôi phó nộp thân mình để đốt lên ngọn lửa đức ái và nếu tôi được vinh quang làm chứng nhân tử đạo, thì đó là tôi dâng chính bản thân mình làm lễ toàn thiêu trên bàn thờ của Thiên Chúa. Nếu tôi yêu mến anh chị em tôi đến nỗi vì họ mà cho đi sự sống, nếu, vì công bình và chân lý mà tôi chiến đấu cho đến chết, nếu tôi bắt thân thể tôi phải khổ chế khi không theo bất cứ dục vọng xác thịt nào, nếu thế gian bị đóng đinh cho tôi và tôi cho thế gian, thì đó là tôi đã dâng một lễ toàn thiêu trên bàn thờ của Thiên Chúa và tôi là tư tế cho hy lễ của riêng tôi”.

Mọi người đã chịu bí tích Thánh Tẩy đều đã mặc lấy Đức Kitô


Hẳn như thế không có ý nói rằng một chức tư tế như thế là một cái gì đó hoàn toàn là riêng tư, cá vị : chức tư tế như thế chỉ có được và chỉ được hành sử trong sự hiệp nhất hữu cơ với toàn thể cộng đoàn. Như thế càng không có ý nói rằng gọi như thế chỉ là một hình ảnh so sánh, ẩn dụ : cộng đoàn Kitô hữu thực sự là một “đô thành tư tế”; toàn dân Kitô giáo, Israel đích thực giữa các dân tộc, khi cử hành “việc phụng tự thiêng liêng của mình”, thực sự có một vai trò tư tế đối với toàn thế giới. Mỗi phần tử trong cộng đoàn được kêu gọi góp phần vào phận vụ trung gian này, trong đó, thánh Clément d’Alexandrie có lý mà nhìn thấy phận vụ tuyệt vời của “người ngộ đạo”, tức là người tin hoàn hảo, “hình ảnh sống động của Chúa”. Người tín hữu ấy thi hành chức năng này trong “Đền thờ đích thực”, trong “Thành thánh mới” là Thân Thể của Con Thiên Chúa đã phục sinh. Tuy nhiên, chức tư tế của dân Kitô giáo này không liên hệ đến đời sống phụng vụ của Hội thánh. Chức tư tế này không liên quan trực tiếp đến việc làm bí tích Thánh Thể. Bên trong “dân thánh” này, nhằm để cho dân được thánh hoá, thì một số người được “dành tách ra”, bằng một sự thánh hiến mới và thuộc một phẩm trật khác. Những người này lãnh nhận “việc đặt tay” thông truyền không gián đoạn từ các Tông Đồ đầu tiên của Đức Giêsu Kitô. Đến lượt mình, những người này lại nghe lời mà các Tông Đồ đã nghe : “Hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy”. Hội thánh “phẩm trật” làm nên Thánh Thể.

Chức tư tế của giám mục và của các linh mục chung quanh giám mục làm thành ordo sacerdotalis, phẩm trật tư tế hay ordo ecclesiasticus, phẩm trật Hội thánh, vì thế nói đúng ra, theo phạm vi (ordo) của việc người Kitô hữu tham dự vào ân sủng của Đức Kitô, không phải là một phẩm giá cao hơn. Nói kiểu khác, đây không phải là một thứ phép thánh tẩy chất lượng cao, tạo nên một tầng lớp Kitô hữu chất lượng cao, cho dù người nào được mặc lấy thì do đó được lãnh nhận những ân sủng thuộc về phẩm vị đó, và thậm chí qua đó còn được kêu gọi, theo một danh hiệu mới, tiến đến sự hoàn thiện của ơn gọi Kitô hữu : Imitamini quod tractatis, hãy noi theo những gì bạn làm. Trong các phần tử của mình, Kitô giáo không hề biết đến những phân biệt tương tự như những phân biệt các giáo phái ngộ đạo hay phái Manikê đề ra : không phân biệt “những người tâm linh” (psychiques) với “những người thần thiêng” (spirituels) vẫn được phân chia thành hai hạng, “những người dự thính” (auditeurs) với “những người được chọn” (élus), “những người tin” (croyants) với “những người hoàn hảo” (parfaits). Dù họ có khác biệt nhau về trách nhiệm và bổn phận thuộc về bậc sống, nhưng mọi người đều được chi phối do cùng một luật thiêng liêng, do việc họ cùng theo một Đức Kitô. Mọi người tham dự vào cùng một sự sống, mọi người đều được hưởng cùng một ân sủng và cùng các bí tích nhằm hướng đến cùng một mục đích ; “tất cả mọi người đều được hưởng cùng một sự lớn lao và cùng một sự cao quý do chính Máu châu báu của Đức Kitô đem lại”. Mọi người đều bình đẳng góp phần làm nên “cộng đoàn huynh đệ”, bởi vì “không có sự thiên tư, tây vị ở nơi Thiên Chúa”. Mà cũng chẳng có sự phân biệt tương tự như sự phân biệt vẫn ngự trị trong Nhiệm cuộc cổ xưa nữa. Ngày xưa, chỉ có các tư tế mới có phẩm phục thánh, họ phải mặc để cử hành các nghi lễ : còn mọi người đã chịu bí tích Thánh Tẩy đều đã mặc lấy Đức Kitô ; hơn nữa, họ còn lãnh nhận việc xức dầu mà ngày xưa chỉ dành cho một mình vị thượng tế. Trong khi chỉ có vị thượng tế mới có thể, mỗi năm một lần, đi vào nơi cực thánh, thì ngày nay đức tin cho tất cả chúng ta được tự do bước vào đó nhờ Máu của Đức Giêsu. Trong khi ông Môsê lên đến núi Sinai, trong sự cô độc tuyệt đối, thì tất cả các tín hữu của Đức Kitô được cùng nhau tiếp cận “núi Sion”. Trong khi chỉ có dòng dõi ông Aharon là được động vào các lễ phẩm thánh, thì “thân thể tư tế độc nhất của Hội thánh được dưỡng nuôi nhờ một Bánh độc nhất”. Như vậy, không như một vài nhà thần học nghĩ, không phải chỉ do mối dây liên hệ phụ thuộc của chức tư tế thứ hai này mà các tín hữu có thể gọi mình là những tư tế. Một xác quyết như thế sẽ vấp phải truyền thống vững chắc nhất và đụng độ với lịch sử của chính ngôn ngữ Kitô giáo. Vấn đề không phải là một cấp độ cao hơn trong “chức tư tế nội tại” chung cho mọi người và không thể vượt quá, nhưng đó là vấn đề về “chức tư tế ngoại tại” dành riêng cho một số người. Đó là vấn đề “trách nhiệm” được giao phó cho một số người, nhằm vì “hy tế ngoại tại”. Bên trong “chức tư tế chung” thì đó là một “chức tư tế riêng” vì một chức năng riêng phải hoàn thành, hoặc nói như thánh Lêô Cả thì đó là vì một “việc phục vụ đặc biệt”. Đó là điều người ta vẫn gọi là “chức tư tế thừa tác”.

Chức tư tế ; “in persona Christi”, (nhân danh Đức Kitô)


Đàng khác, có lẽ ta sẽ hiểu sai kiểu nói trên đây nếu ta từ đó kết luận, do một sai lầm ngược lại, rằng chức tư tế là một thứ lưu xuất từ cộng đoàn các tín hữu. Chức tư tế là một quyền bính được lãnh nhận từ Đức Kitô. “Chỉ có Đức Giêsu Kitô mới có thể thực hiện nơi linh mục điều mà người linh mục làm mỗi ngày trong Hội thánh”. Các tín hữu không thể cho hoặc nhượng một quyền mà họ không có. Vậy linh mục, người thánh hiến và dâng hy tế không phải là vị đại diện đơn thuần hay thuần túy là người phát ngôn cho những người tham dự trong một mức độ nào đó vào việc cử hành mầu nhiệm. Người linh mục đúng là như thế trong một vài hành vi nào đó, “thậm chí ngay trong những hành vi phụng vụ, vì phụng vụ bao gồm cả một phần việc phụng tự nâng con người lên Thiên Chúa. Tuy nhiên, trong những hoạt động bí tích đúng nghĩa của phụng vụ và nhất là trong việc thánh hiến các lễ phẩm Thánh Thể, trước tiên người linh mục cử hành chính việc phụng tự của Chúa. Người linh mục là thừa tác viên và là người đại diện theo bí tích trước tiên và chính yếu của Đức Giêsu Kitô ; thần học nói : người linh mục cử hành in persona Christi, nhân danh Đức Kitô. Nguyên lời cầu nguyện, cho dù đó là lời cầu xin hay lời cầu dâng tiến lễ vật đều được nói lên đọc lên nhân danh mọi người. Người linh mục lúc bấy giờ ở bên cạnh Thiên Chúa, nói theo kiểu nói của Lugo là orator fidelium, người cầu nguyện của các tín hữu. Ở đầu thánh lễ, lời nguyện nhập lễ, như tên gọi của nó, collecta, là “sự gom góp” lời nguyện của toàn dân nhờ người linh mục. Và đó cũng là điều được diễn tả qua các từ ngữ : quaesumus, chúng con nài xin, Ecclesia tua, Hội thánh của Ngài, populus tuus, dân của Ngài, familia tua, gia đình của Ngài, cũng như tiếng Amen kết thúc do toàn thể cộng đoàn thưa lên nữa. Cũng thế, lúc đọc lời nguyện trên lễ vật, vị chủ sự hiện diện trước Thiên Chúa “như là thủ lãnh của dân Người, nhân danh đoàn dân này và với lễ phẩm của đoàn dân này”. Và chính vì lý do đó, vị chủ sự đã mời gọi : “Anh chị em hãy cầu nguyện…”. Vì thánh lễ không phải chỉ là “một hành vi xuất phát từ Thiên Chúa”, nhưng một phần còn là “hoạt động của con người đáp lời mời gọi của Thiên Chúa, lên đường đem theo lễ phẩm trần gian của mình để gặp gỡ Đấng sáng tạo”. Có điều lễ phẩm có lẽ chỉ là “một lời khấn ước” không hiệu quả, thì cuộc gặp gỡ có lẽ đã không diễn ra, không có hoạt động thiêng thánh, và do đó không phải là công trình của cộng đoàn nữa. Cuộc gặp gỡ này giả thiết phải có quyền năng của Đức Kitô và áp dụng các công nghiệp của Đức Kitô. Cho nên, trong thánh lễ, vị chủ tế nói nhân danh toàn thể cộng đoàn Kitô hữu. Và như thế cũng đủ để ta có thể và phải nói rằng thánh lễ là “hy tế độc nhất của thủ lãnh các chi thể”. “Chúng ta hết thảy đều dâng tiến cùng với linh mục ; chúng ta đồng thuận với tất cả những gì linh mục làm, với tất cả những gì linh mục nói”. Tuy nhiên, vào khoảnh khắc cốt yếu, người linh mục hành động nhờ sức mạnh của Đức Kitô. Lại xin mượn những công thức thu góp được của thánh Tôma để nói, một cách khác, rằng người linh mục cầu nguyện và dâng tiến “in persona omnium”, nhân danh mọi người, nhưng khi thánh hiến thì lại “in persona Christi”, nhân danh Đức Kitô.

Vậy xin nhắc lại, đúng là việc thiết lập chức tư tế và bí tích Truyền Chức không tạo nên bên trong Hội thánh hai cấp độ thuộc về Đức Kitô và ra như thể hai loại Kitô hữu. Ở đó có một chân lý nền tảng của đức tin chúng ta. Người linh mục, do việc được truyền chức linh mục, không trở thành Kitô hữu hơn người tín hữu bình thường. Chức thánh người linh mục đã lãnh nhận nhằm để cử hành bí tích Thánh Thể, nhưng bí tích Thánh Thể lại là cho mọi người. Mọi người đều được mời gọi tham gia vào cùng một sự sống của Thiên Chúa, mọi người đều được mời gọi tham gia như thế ngay ở trên cõi đời này. Khi tham dự vào sự sống của Thiên Chúa, và đó chính là điều làm cho mọi người được liên kết vào trong cùng một phẩm giá căn bản, đó là “phẩm giá Kitô hữu, một sự canh tân diệu kỳ phẩm giá của con người đã được thánh Lêô Cả giáo hoàng ca ngợi một cách hoành tráng. Mọi người đều sở hữu phẩm giá ấy, cho dù phận vụ đặc thù được chỉ định cho họ trong Thân Thể lớn lao là Hội thánh có như thế nào đi nữa. Nhưng theo cái nhìn trên đây, giữa linh mục với giáo dân hoặc giữa mục tử với tín hữu, không phải là hoàn toàn không có một sự khác biệt về tình trạng và về quyền bính bất khả giản lược. Thế cho nên, trong khi sự thánh thiện của riêng cá nhân không thể bị qui định hoặc nhìn nhận xét về phương diện xã hội do một qui luật nào, – bất kỳ cố gắng nào theo chiều hướng này sẽ đều là tham vọng khó có thể chấp nhận và có khuynh hướng làm băng hoại sự thánh thiện đó – thì ngược lại, tính cách tư tế, cho đi nếu trong hiện tại không đi kèm theo một trách vụ thực sự nào, vẫn luôn phải được trân trọng. Thế nghĩa là những ai đã được mặc lấy chức tư tế ấy, thì cho dù cách thế của con người trong việc chỉ định của họ có thế nào đi nữa, họ vẫn tham gia, do hiệu năng của sự ủy quyền của Thiên Chúa, vào sứ vụ của Hội thánh, là sinh ra và duy trì sự sống Thiên Chúa nơi chúng ta. Đức Giêsu Kitô, “vị tư tế đích thực”, vị tư tế độc nhất, đã chọn các linh mục làm dụng cụ của Người để tác động vào các tâm hồn. Nhằm mục đích ấy, Người đã thông truyền cho họ một điều gì đó thuộc về điều mà chính Người đã nhận từ Cha của Người. Chính chỉ nhờ họ mà “theo lệnh truyền của Đấng Cứu Độ, các chức năng của Đức Kitô là thầy dạy, là vua và là tư tế” được tồn tại mãi mãi ở trên trần gian này.

Chiều kích phụng vụ của chức tư tế


Vì thế, phẩm trật công giáo, hay chức tư tế, có một quyền bính kép ba, xét vì vai trò kép ba của phẩm trật ấy : quyền quản trị, giáo huấn và thánh hóa ; quyền tài phán, giáo huấn và thánh chức, hay nói như Nicôlas de Cusa là “ordo, praesidentia, cathedra”. Theo Nicolas, mỗi một trong ba thừa tác vụ này đều căn bản như nhau. Hay đúng hơn, đấy là ba yếu tố của một thừa tác vụ tự nó là độc nhất và không thể tách rời mà nguyên tắc của nó được xác quyết rõ ràng hết sức ngay từ khi thành lập Hội thánh. Vì cả ba đều xuất phát từ một sứ mạng duy nhất đã được Đức Giêsu lãnh nhận từ Chúa Cha, sứ mạng làm cho Người thành thầy dạy, là Đấng thánh hóa và vua, và Người thông truyền sứ mạng ấy cho Hội thánh theo cách thức phụ thuộc mà không phân chia ra. Tuy nhiên, nếu ta muốn lập một thứ bậc cho ba phận vụ ấy và tìm xem chức vụ nào trong ba có thể được coi là căn nguyên và thành toàn hai chức vụ kia, thì chắc ta sẽ thấy một chỉ dấu đầu tiên trong chính những danh từ “chức tư tế” và “phẩm trật” là những danh từ vẫn thường được sử dụng để chỉ tập hợp ba phận vụ đó. Ta thấy một loại suy về điểm này trong danh từ “Giáo hoàng”, cách nói phổ biến nhất để chỉ vị đại diện tối cao của Đức Giêsu Kitô ở trên trần gian này. Vì các hạn từ này không hề có liên quan nguyên thủy với một sứ mạng nào về giáo huấn hoặc điều hành, nhưng có liên quan đến sự hoàn thành một phận vụ thiêng thánh. Vậy, xin nói như cha René Laurentin, “chiều kích phụng vụ của chức tư tế là chiều kích tư tế riêng biệt và đặc trưng nhất”. Sau cùng, Kinh Thánh tập trung tư tưởng về chức tư tế trên chiều kích này.

Thật vậy, trong Hội thánh, mọi sự đều được hướng đến chỗ thành “một thọ tạo mới”. Tất cả được thực hiện ở đó là nhằm thánh hóa chúng ta, đồng thời, theo lời của Đức Giêsu, là để “đưa chúng ta vào sự hiệp nhất”. Phẩm trật chỉ giảng dạy và cai quản nhằm vào mục đích ấy mà thôi. “Vì chính là nhằm vào ơn cứu độ của nhân loại mà Đức Giêsu đã tự hiến tế, chính vì mục đích ấy mà Người đã đưa ra tất cả những lời dạy và tất cả những lệnh truyền của Người, và điều Người truyền Hội thánh kiếm tìm trong chân lý của đạo lý, chính là để thánh hóa và cứu thoát con người”. Vậy mà nhìn nhận quyền bính trong Hội thánh là điều kiện tiên quyết, không thể thiếu, nếu không ta không thể tham dự vào công trình sự sống của Hội thánh được. Nhưng đấy mới chỉ là một điều kiện. Sự hiệp nhất được thực hiện như thế có thể vẫn chỉ là một mối dây liên kết ngoại tại như trong các xã hội con người. Thế mà Hội thánh không được sáng tạo ra để tăng gấp đôi hoặc thay thế hay củng cố các quyền lực của thế gian này. Chính nhằm một mục đích cao hơn và sâu xa hơn mà các mục tử đã lãnh nhận ở trong Hội thánh “thần khí quản trị” trước tiên đã được Chúa Cha dành cho Đức Giêsu Kitô. Ngay Bánh Lời Chúa vẫn không ngừng được những người được đặt làm chứng nhân và thừa tác viên bẻ ra và phân phát làm lương thực thì, duy một mình lương thực này thôi, tự nó chưa đủ để nuôi sống các linh hồn. Nhưng các linh hồn còn phải “được uống tận nguồn mạch của các Bí tích, nguồn này đã được giao phó cho Hội thánh có chức năng thánh hoá. Các linh hồn còn phải đi tới tận nguồn mạch nhiệm mầu. Sau cùng, các linh hồn hết thảy còn phải được làm cho tan chảy ra, nói được như thế, trong cái lò luyện của sự hiệp nhất là Bí tích Thánh Thể, “Bí tích của mọi Bí tích”, “Bí tích cao trọng hơn mọi Bí tích” để làm cho các tất cả các linh hồn “thành toàn” và tất cả được “qui hướng” về đó. Nói cho cùng, như thánh Tôma Aquinô đã nói : “Ở đó (Bí tích Thánh Thể) có chứa đựng toàn thể mầu nhiệm ơn cứu độ của chúng ta”.

Cử hành Thánh Thể


Cầm Mình Thánh trong tay, đó là đặc ân cao trọng nhất của phẩm trật Hội thánh, của những người là “tôi tớ của Đức Kitô và là những người phân phát các mầu nhiệm của Thiên Chúa”. Thánh hiến Mình Thánh Chúa Kitô, và như thế là làm cho công trình cứu chuộc được lưu tồn mãi mãi, dâng “hy lễ ngợi khen”, Hy lễ duy nhất đẹp lòng Thiên Chúa, đó là “hoạt động có tính cách tư tế nhất”, đó là việc hành sử cao nhất quyền bính của phẩm trật. Phẩm trật liên kết vào đó cách rộng rãi toàn dân Kitô giáo, và chính theo nghĩa này, chúng ta mới hiểu lời thánh Lêô Cả nói rằng dầu xức của Giáo hoàng “đạt thấu đến tận các mút cùng của toàn thân thể Hội thánh”. Hội thánh không phải là không hành sử quyền đó, nhân danh Đức Kitô, như là “phận vụ đầu tiên và cao cả nhất của mình”. Như vậy, muốn hiểu vai trò của phẩm trật, nghĩa là hiểu Hội thánh, thì phải chiêm ngắm Hội thánh trong hành vi Hội thánh thực hiện.

Tất cả chúng ta đang trên đường tiến về Đền Thánh thiên quốc để cử hành phụng vụ vĩnh cửu. Ngay từ bây giờ, Dân Thiên Chúa là một “cộng đoàn phụng vụ”. Ngay từ ngữ Hội thánh, ta đã biết, có nghĩa là đại hội, là sự qui tụ. Thực sự, không bao giờ đại hội lớn lao này ngưng được sự qui tụ. Tuy nhiên, theo qui luật yếu tính bí tích của mình, sự qui tụ bất khả thị của nó phải được biểu thị và diễn ra cách khả thị. Vì thế, ta có thể nói rằng sự hiện hữu không ngừng của nó cũng có những lúc mạnh mẽ. Không lúc nào đại hội ấy xứng đáng với danh xưng của mình hơn là khi, tại một nơi chốn nhất định, Dân Thiên Chúa quần tụ chung quanh người Mục tử của mình để cử hành hy lễ tạ ơn là Thánh Thể. Đại hội như thế chỉ là một tế bào trong thân thể vĩ đại, nhưng về tiềm năng thì đó là toàn thân thể đang hiện diện ở đó. Hội thánh hiện diện ở những nơi chốn khác nhau, nhưng không vì thế mà có nhiều Hội thánh. Hội thánh là toàn thể nơi mỗi một thành phần của mình : in pluribus una, et in singulis per mysterium tota, là một trong nhiều thành phần và là toàn thể trong mỗi thành phần nhờ mầu nhiệm. Mỗi vị Giám mục thực hiện sự hiệp nhất của đoàn chiên mình : sacerdoti suo plebs adhaerens, sacramentis caelestibus cohaerens, dân gắn bó với tư tế của mình, là gắn bó với các mầu nhiệm thiên quốc. Tuy nhiên, chính vị Giám mục lại ở trong “sự bình an và hiệp thông” với tất cả các anh em của mình đang cử hành cùng một hy tế độc nhất ở những nơi chốn khác và những người anh em đó nhắc đến người cũng như người nhắc đến những người anh em đó hết thảy. Những người anh em đó cùng với người, tất cả cùng nhau chỉ làm thành một hàng giám mục duy nhất, và tất cả các ngài cũng đều ở trong “sự bình an và hiệp thông” với vị Giám mục Rôma, Đấng kế vị thánh Phêrô, mối dây hiệp nhất khả thị. Nhờ các ngài mà tất cả các tín hữu được được hiệp nhất với nhau. Tất cả mọi người cùng khiêm tốn cầu xin Chúa, là “Chủ Tể của sự bình an và hoà thuận”, cho Hội thánh thánh thiện và công giáo của Người. Tất cả mọi người xin Chúa ban bình an, gìn giữ Hội thánh ; giữ cho Hội thánh được hiệp nhất và quản trị Hội thánh khắp mặt đất này. Đấy là phần đầu của Lễ Qui Thánh Lễ, dẫn vào khoảnh khắc linh thiêng trong đó Hội thánh chuẩn bị làm Thánh Thể.

…Và điều gì diễn ra trong đại hội long trọng này, tại trung tâm của mỗi giáo phận, thì cũng diễn ra với cùng một mức độ sung mãn, với cùng những hiệu quả trong một Thánh Lễ khiêm tốn giữa một làng quê tĩnh lặng hoặc trong Thánh Lễ hoàn toàn thinh lặng do một đan sĩ cử hành nơi sa mạc. Những không gian dọc ngang lớn nhỏ hoặc những trang trí trưng bày không quan trọng bao nhiêu. Mỗi linh mục thông dự vào quyền thánh hóa của vị giám mục, linh mục ấy đã nhận lãnh sự thông truyền của cùng một “Thần Khí”, ở một nơi chốn nào đó nơi người linh mục ấy thi hành chức vụ, linh mục ấy luôn luôn là thành phần của “vòng triều thiên thiêng liêng quí báu của vị Giám mục” : như thế là đủ rồi, những gì còn lại là những gì theo sau thôi. Vì chỉ có một đức tin và một phép rửa, thì trong toàn thể Hội thánh cũng chỉ có một Bàn Thờ duy nhất. Cho dù có một đoàn người thật đông ở đó, khả thị, hay cho dù chỉ có mỗi một chú bé giúp lễ rung chuông cho một mình cha chủ tế đi nữa, thì luôn luôn đó vẫn cứ là “hy lễ của cả cộng đoàn”. Ở khắp mọi nơi, việc triệu tập, sự qui tụ to lớn ấy vẫn đang diễn ra. Những mối dây hiệp nhất vẫn đang được đan dệt. Ở khắp mọi nơi, Hội thánh đang hiện diện, hiện diện trọn vẹn, để dâng Hy lễ.

Thánh Thể làm nên Hội thánh


Nhưng nếu hy lễ được Thiên Chúa chấp nhận, nếu lời cầu xin của Hội thánh được đoái nghe, thì đến lượt mình, theo một ý nghĩa chặt chẽ nhất, Thánh Thể làm nên Hội thánh. Thánh Thể, thánh Augustinô nói cho chúng ta hay rằng, là bí tích quo in hoc tempore consociatur Ecclesia, ở đó ngay lúc này Hội thánh được nối kết. Hội thánh hoàn tất công trình đã được Bí tích Thánh Tẩy khởi sự. Ex latere Christi dormientis in cruce sacramenta profluxerunt, quibus ecclesia fabricatur,[1] từ cạnh sườn của Đức Kitô đang yên nghỉ trên thập giá, các bí tích tuôn tràn, nhờ đó Hội thánh được làm ra. “Chúng ta đã được thanh tẩy trong cùng một Thần Khí để làm nên một Thân Thể duy nhất”. Ngay bây giờ, Thân Thể này, ở nơi mỗi chúng ta là thành phần, lãnh nhận cùng một của ăn và cùng một thức uống, để duy trì sự sống và hoàn thiện sự hiệp nhất của mình. Perficiamur in corpore. Vì cũng chỉ có “một Thánh Thể duy nhất”. Bấy giờ, thân thể xã hội của Hội thánh, corpus christianorum, đoàn những người Kitô hữu, khi được qui tụ làm một xung quanh các mục tử khả thị của mình để cử hành “bữa ăn của Chúa”, trở thành Thân Thể mầu nhiệm của Đức Kitô bằng thực tại trọn vẹn. Thật vậy, chính Đức Kitô đồng hóa đoàn người ấy với mình. Cho nên, bấy giờ Hội thánh thực sự thành corpus Christi effecta, thân thể của Đức Kitô. Đức Giêsu đến giữa những kẻ thuộc về Người. Chính Người làm cho mình trở nên của ăn nuôi dưỡng họ, và mỗi chi thể khi được hiệp nhất với Người đều thấy mình qua đó được hiệp nhất với tất cả những ai giống như mình, tức là lãnh nhận Người ; Đầu làm nên sự hiệp nhất của Thân Thể. Và chính vì thế mà mysterium fidei, mầu nhiệm đức tin, cũng là mysterium Ecclesiae, mầu nhiệm Hội thánh một cách thật là tuyệt vời. (…)

Mầu nhiệm của sự hiệp nhất


O signum unitatis ! O vinculum caritatis ! (Ôi dấu chỉ hiệp nhất ! Ôi mối dây bác ái !). Đối với những ai lãnh nhận mầu nhiệm này trong tinh thần đức tin và nỗ lực kéo dài ra hoặc, đúng hơn, chu toàn mầu nhiệm này trong đời sống cá nhân mình một cách có ý thức, thì mầu nhiệm như thế chắc chắn là được tán dương. Do đó mà có vần thơ như trên của thánh Augustinô. Nhưng xin đừng hiểu lầm về bản chất của sự hiệp nhất. Simone Weil đã viết : “Hẳn là có một sự say mến vì được làm chi thể trong Thân Thể mầu nhiệm của Đức Kitô. Nhưng ngày nay có nhiều thân thể mầu nhiệm khác không lấy Đức Kitô là đầu, đem đến cho các chi thể của mình những cơn say mến theo tôi nghĩ là có cùng một bản chất”. Vì không hiểu đầy đủ về mầu nhiệm đức tin, những dòng trên đây có thể trở thành một lời cảnh giác cho chúng ta. Trong những thử thách đang xuất hiện ngày hôm nay, điều khiến phải vui mừng vì có được một cử hành phụng vụ “có tính cách cộng đoàn” hơn và sống động hơn, có lẽ không có gì thiệt hại cho bằng để mình bị ám ảnh bởi những thành công của một số lễ lạc phàm tục, có được do những phương tiện được nối kết giữa kỹ thuật và sự cậy dựa vào những sức mạnh của xác thịt và máu huyết, nghĩa là của người phàm. Đức Giêsu Kitô thực hiện sự hiệp nhất giữa chúng ta như thế nào ? Không phải bằng bất cứ cái gì giống như một sự cuồng nhiệt tập thể – lại càng không phải bằng một thứ ma thuật ngấm ngầm nào đó. Các tín hữu được qui tụ lại để cử hành Lễ Tưởng Niệm của Chúa không phải là một cuộc hội họp của những người theo phái bí truyền, đến để chia sẻ một bí mật khiến họ trở thành những người tách biệt với đám dân chúng bị coi là tầm thường. Cũng chẳng phải là một đám đông phát toả ra một hồn chung bằng cách tán dương ca tụng những nét đặc hữu, những khả năng, giá trị, cả những thái độ thiên tư tây vị, những năng lực của ảo tưởng, tức là những sức mạnh ma quái, đang tiềm tàng ở đó. Đi đến tận mầu nhiệm của mình, Phụng vụ công giáo vẫn là ngời sáng, đi đến tận vẻ huy hoàng tráng lệ của mình, Phụng vụ ấy vẫn cứ là chừng mực và an bình. Tất cả trong đó đều có một hướng đi, có một trật tự ; thậm chí ở đó điều nói một cách mạnh mẽ nhất cho hữu thể khả giác của chúng ta, thì vẫn chỉ có ý nghĩa nhờ đức tin mà thôi. Nếu như Phụng vụ có mang lại hoa trái là niềm vui, thì bài học Phụng vụ muốn in vào tâm khảm chúng ta cũng không kém phần khắc khổ. Hy lễ, tâm điểm của Phụng vụ, là “một hình ảnh và là tượng trưng cuộc Thương Khó của Chúa”. Đó là bí tích của Hy lễ và là Lễ tưởng niệm cái Chết của Người, qua sự hiệp thông hoàn tất bí tích ấy, Người nuôi dưỡng chúng ta và cho chúng ta uống thoả thuê từ nguồn mạch là thập giá, và có lẽ sẽ không có giá trị gì, nếu Người không khơi lên nơi mỗi người tham dự hy lễ trong tâm hồn. “Sự sống chỉ có một tâm hồn” của Hội thánh không phải là một sự triển nở tự nhiên : Sự sống ấy được sống trong đức tin, và sự hiệp nhất của chúng ta là hoa trái của đồi Calvê. Sự sống ấy có được là nhờ chúng ta biết nhờ Thánh Lễ mà áp dụng những công nghiệp của cuộc Thương Khó vào bản thân chúng ta, nhằm để cho sự giải thoát chung cuộc.

Quoties hostiae commmoratio celebratur, opus nostrae redemptionis exercetur, Mỗi lần cuộc tưởng niệm hy tế được cử hành, công trình cứu chuộc của chúng ta lại được thực hiện. Hoạt động Phụng vụ tự định nghĩa như thế. Chính khi nối kết chúng ta tự sâu xa tận đáy tâm hồn chúng ta với công trình cứu chuộc này, khi chúng ta tự do nhận lấy “ơn thứ tha tội lỗi” là hoa trái đầu tiên do Máu Thánh đã đổ ra, chính khi theo kiểu như thế chúng ta chết đi cho chính mình và từ bỏ sự dữ vốn chia rẽ chúng ta mà chúng ta tham dự vào hồng ân hiệp nhất. Nếu thiếu những thực tại hoàn toàn là bên trong này, có lẽ mãi mãi chúng ta sẽ chỉ có được một bức biếm họa về cộng đoàn chúng ta đang tìm kiếm. Cho nên, chúng ta đừng bao giờ quên rằng mầu nhiệm Thánh Thể là một sự qui chiếu không ngừng – mà còn hơn là một sự qui chiếu nữa – về mầu nhiệm thánh giá. Mortem Domini annuntiabitis, donec veniat, Anh em loan báo cái chết của Chúa, cho tới khi Người đến.

Hội thánh, Thân Thể thực sự là duy nhất và sống động


Giống như Bí tích Thánh Thể, Hội thánh là một mầu nhiệm không thể tát cạn được (texte 1969 : d’unité). Thánh Thể cũng như Hội thánh đều là Thân Thể Đức Kitô, – và còn là một mầu nhiệm, có tầm mức phong phú không thể tát cạn được. Thánh Thể cũng như Hội thánh đều là Thân Thể Đức Kitô, – và còn là cùng một Thân Thể nữa. Nếu chúng ta muốn trung thành với giáo huấn của Kinh Thánh, như Truyền Thống đã hiểu, nếu chúng ta không muốn đánh mất một yếu tố nào thuộc về kho tàng cốt tuỷ của Truyền Thống, thì chúng ta phải tránh đặt vào giữa Thánh Thể và Hội thánh một sự đứt đoạn dù là nhỏ thật nhỏ. Lại càng không được coi tính cách biểu tượng về Hội thánh của Thánh Thể đơn thuần là một “ý nghĩa phụ thuộc”, hoặc, như Đức hồng y Perron từng nói, một “sự hiểu biết bình thường và phụ thuộc”, một “giáo lý chéo và bằng” (doctrine oblique et collatérale), một “phản âm”. Trong những giải thích do các giáo phụ đưa ra, không được coi, như những tác giả thuộc phái Perpétuité từng làm, là những ngôn ngữ thuần túy “thông thường”, chỉ dành để “xây dựng lòng đạo đức của thính giả” một khi “được giáo dục dựa vào bản chất của đức tin”. Cần phải cố gắng để hiểu cả hai mầu nhiệm, hiểu mầu nhiệm này nhờ mầu nhiệm kia, cho đến khi lĩnh hội sâu xa được điểm làm cho hai mầu nhiệm hiệp nhất với nhau.

Thế nên, ta không được chỉ nói đến một thân thể “thể lý” của Đức Kitô hiện diện trong Thánh thể, rồi nói về một thân thể khác, thân thể “mầu nhiệm”, rồi tìm những sợi dây liên hệ hơn kém chặt chẽ nối kết lại. Hẳn đó không phải là cách thánh Tông Đồ đã nhìn các sự việc. Đối với thánh nhân, chỉ có một Thân Thể của Đức Kitô, nhân tính phục sinh của Người. Nhưng Hội thánh, vì chỉ hiện hữu nhờ tham dự vào nhân tính phục sinh này của Đức Giêsu, làm nên “Thần Khí làm cho sống”, được ban tặng cho mình trong Thánh Thể, chính Hội thánh chỉ là “sự sung mãn của Đấng hoàn thành cách sung mãn trong mọi sự”. Vì thế “chính trong Bữa Tiệc ly mà biểu thức ‘Thân Thể Đức Kitô’ đã được khuôn đúc mà trở thành một kiểu nói đặc biệt”. Giữa Đức Kitô với Hội thánh của Người, theo thánh Phaolô, có “một sự đồng hóa mầu nhiệm”, và chính thực hữu của sự hiện diện Thánh Thể là một đảm bảo cho chúng ta về thực hữu “mầu nhiệm” của Hội thánh, – cũng như sự thực hữu sau này (Hội thánh “mầu nhiệm”), được chứng thực ở khắp nơi trong niềm tin Kitô giáo có thể lại chứng thực cho chúng ta thực hữu trước (sự hiện diện Thánh Thể) : Thật vậy, Hội thánh làm sao có thể thực sự được xây dựng, tất cả các chi thể của Hội thánh làm sao có thể được tập hợp thành một thân thể thực sự duy nhất và sống động, nhờ phương tiện là một lễ nghi chỉ có chứa đựng theo cách biểu tượng Đấng mà Hội thánh phải trở thành thân thể của Người và cũng là Đấng duy nhất làm cho thân thể ấy có sự duy nhất sống động. Tóm lại, chính Phụng vụ thánh thể đã hiểu sự việc như thế : “… ut inter eius membra numeremur, cuius corpori communicamus et sanguini,… chúng con thông hiệp với Mình và Máu Người, để chúng con được kể vào số các chi thể của Người. Chúng ta lại nghe Théodore de Mopsueste, trong bài giảng thứ mười hai về Thánh Lễ, giải thích vừa bản văn phụng vụ lẫn giáo huấn trong thư thứ nhất gửi tín hữu Côrintô : “Khi chúng ta tất cả được nuôi dưỡng nhờ cùng một Thân Thể của Chúa chúng ta, thì chính Thân Thể duy nhất của Đức Kitô là điều tất cả chúng ta trở thành”. Thánh Lêô cũng đã nói như thế, với sự mạnh mẽ và thấu đáo quen thuộc của người, – ở nơi người chúng ta cũng như nghe thấy tất cả các vị tiến sĩ lừng danh của Công giáo, : “Non aliud agit participatio corporis et sanguinis Christi, quam ut in id quod sumimus, transeamus”, sự tham dự vào Mình và Máu Đức Kitô không thực hiện điều gì khác hơn là chuyển chúng ta thành điều chúng ta lãnh nhận. Đầu và các chi thể chỉ làm thành một thân thể duy nhất. Hôn thê và hôn phu là “một xương một thịt”. Không có hai Đức Kitô mà một thuộc về ngôi vị cá nhân, một khác lại là “mầu nhiệm”. Hiển nhiên Đầu và các chi thể không thể lẫn lộn với nhau ; các Kitô hữu không phải là thân thể “thể lý” (hay Thánh Thể) của Đức Kitô ; Hôn thê không phải là chính Hôn phu. Tất cả những phân biệt đều vẫn còn đấy, có điều những phân biệt ấy không phải là không có sự liên tục. Thế cho nên, Hội thánh không phải là một thân thể bất kỳ nào đó, mà là Thân Thể của Đức Kitô.

Sự gì chính Thiên Chúa đã liên kết, con người không được phân ly : “Không được phân ly Hội thánh ra khỏi Chúa!”


Vì có một cách hiểu thiêng liêng về Kinh Thánh, cách hiểu này không loại bỏ nghĩa đen, mà cũng không áp đặt thêm ý nghĩa cồng kềnh, nhưng hoàn tất, nhưng làm cho sung mãn nghĩa đen, nhưng khám phá ra chiều sâu và mở ra thêm những ý nghĩa khách quan, thì Thánh Thể cũng vậy. Qua “việc bẻ bánh thiêng liêng”, “mầu nhiệm Bánh” được mở ra, và bấy giờ sự hiểu biết chúng ta có được là sự hiểu biết ý nghĩa Hội thánh của việc bẻ Bánh đó. Chính Alger de Liège đã tóm tắt cho chúng ta đức tin của mọi thế kỷ khi nói “Non conficitur ibi Christus, ubi non conficitur universus, Ở đâu toàn thể không được làm ra, ở đấy Đức Kitô cũng không được làm ra. Bằng một vài từ ngữ hơi khác, Đức Giáo Hoàng Pélage trước đó đã nói : “Những ai không muốn ở trong sự hiệp nhất, thì những người ấy vì không có Thần Khí, Đấng vẫn cư ngụ trong Thân Thể Đức Kitô nên không thể tiến dâng Hy lễ”. Thánh Giêgôriô Cả cũng nói : “Chỉ trong Hội thánh Công giáo, lễ vật chân thật của Đấng Cứu Thế mới được sát tế”. Rồi một nhà giảng thuyết cổ xưa đã gợi hứng cho ông Origène để nói về lễ Vượt Qua : “Lễ phẩm hiến tế không được mang ra ngoài Nhà thiêng thánh”. Những lời khẳng định trên, cũng như còn nhiều lời khác tương tự không có ý nói rằng trong ly giáo thì không thể có sự thánh hóa thành sự : vấn đề do những khẳng định ấy nêu lên không phải là vấn đề về sự hiện diện khách quan nhưng là sự hiện diện của một kết quả thiêng liêng. Nhưng những khẳng định đó muốn nói rằng mầu nhiệm Thánh Thể tất yếu được nối dài ra nơi mầu nhiệm Hội thánh và mầu nhiệm Hội thánh là không thể không có để hoàn tất mầu nhiệm Thánh Thể : Non est Christi corpus, quod schisimaticus conficit… Divisum ab unitate altare veritatem Christi corporis non potest congregare, Không có thân thể Đức Kitô mà người ly giáo làm ra… Bàn thờ đã bị phân ly khỏi sự hiệp nhất không thể hội tụ chân lý của thân thể Đức Kitô. “Người ta hoàn tất mầu nhiệm Thân Thể Đức Kitô khi người ta hiệp nhất tất cả các chi thể để dâng tiến với Người và trong Người”. Vì “chính trong Bí tích Thánh Thể, yếu tính mầu nhiệm của Hội thánh mới có được sự biểu lộ hoàn hảo” và, đối lại, chính trong Hội thánh, trong sự hiệp nhất công giáo của Hội thánh, ý nghĩa ẩn giấu của Thánh Thể nở ra thành những hoa trái thực sự. Virtus enim ipsa quae ibi intelligitum unitas est, ut redacti in corpus eius, effecti membra eius, simus quod accipimus, Bởi vì chính năng lực của điều ở đây được hiểu là sự duy nhất mà chúng ta trở thành điều chúng ta đón nhận, là được kể vào Thân Thể của Người, được trở thành các chi thể của Người. Như vậy, nếu Hội thánh là “sự sung mãn” của Đức Kitô thì Đức Kitô, trong Thánh Thể của Người, đích thực là trái tim của Hội thánh.
_____
[1] Câu này chắc người ta thêm vào bản văn của cha Henri de Lubac, vì trong texte in năm 1967 (cuốn Le Mystère de l’Eglise) không có. Nếu muốn tìm thì xin mời bạn mở bài đọc thứ hai, giờ Kinh Sách, lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu. Nguyên văn của thánh Bonaventura giám mục như thế này : Porro ut de latere Christi dormientis in cruce, formaretur Ecclesia. Không biết thánh Bonaventura viết ra câu này hay Người trích lại của ai. Đến đây thì chịu !