Thứ Năm, 2 tháng 6, 2022

DI DÂN: “ĐI MỘT NGÀY ĐÀNG, HỌC MỘT SÀNG KHÔN”

Thời sự Thần học – Số 43, tháng 03/2006, tr. 17-27

_Giuse Hoàng Văn Hòa, O.P._


Ngày nay, hiện tượng di dân càng trở nên phức tạp. Phức tạp không chỉ ở những nơi cưu mang họ mà ngay những nơi họ đã từng sinh sống. Cho nên, tại các khu công nghiệp, thành thị, trung tâm thành phố, người ta thấy lực lượng lao động quá dồi dào, làm sao có thể đáp ứng được (thành phố Hồ Chí minh có khoảng 1,5 – 2 triệu người nhập cư, trong đó có khoảng 130.000 giáo dân)[1]. Trong khi đó, tại các làng quê, vùng miền lãnh thổ, nơi họ đã từng “chôn nhau cắt rốn”, nay còn đâu những thanh niên lực lưỡng, những thiếu nữ đảm đang mỗi khi hàng xóm có cơ sự hay láng giềng cần đến sức khoẻ của trai làng, gái làng. Thật vậy, những thanh niên, thiếu nữ tuổi mười tám đôi mươi, thay vì trụ tại quê hương để xây dựng và phát triển, họ đã phải rời bỏ xóm làng, xứ đạo, để đến một nơi xa xôi chỉ vì kinh tế gia đình quá thiếu hụt. Họ đến từ các vùng sâu, vùng xa, các vùng hẻo lánh, và ngay cả những nơi “nước mặn đồng chua” cho đến các vùng “đất cày lên sỏi đá”[2]. Họ chấp nhận vất vả, thậm chí cả rủi ro, chỉ mong sao có được công ăn việc làm, nhằm cải thiện đời sống cho người thân và gia đình. Tuy nhiên, vẫn có người làm nên cơ nghiệp khi chọn hình thức di dân.Họ không còn “bị’ gọi là dân di cư nữa, vì cuộc sống của họ đã đổi đời. Nhiều doanh nhân hôm nay, trước đây đã từng là thành phần di dân. Nhiều gia đình ở nông thôn có đời sống kinh tế khá giả hơn, nhờ sự đóng góp của những người đi làm xa. Tựu trung, di dân để đổi đời là một mơ ước của người nghèo khát khao một tương lai tươi sáng, nhưng làn sóng di dân hôm nay lại là một thách đố lớn cho xã hội,và cả cho Giáo hội nữa.

I. Từ công cuộc mưu sinh tai quê nhà


“Tay làm hàm nhai, tay quai miệng trễ”, câu thành ngữ ấy đi vào tâm thức của mỗi người dân Việt. Người ta ý thức trong vấn đề mưu sinh. Làm thế nào để bản thân có một công việc ổn định ? Làm thế nào để có “miếng cơm manh áo” mỗi ngày ? Làm thế nào để con cái và gia đình được no đủ, không thiếu trước hụt sau ?

Những lo toan gia đình bắt đầu được giải quyết. Trong gia đình, các thành phần cùng nhau góp sức xây dựng một nền kinh tế tại gia. Người chồng thường gánh vác công việc chung, là rường cột cho gia đình, là điểm tựa cho vợ con. Họ phải lao mình trong xã hội để có mức thu nhập tối thiểu, cơm hai bữa cho gia đình. Trước trọng trách làm chồng, làm cha, họ mong sao chu toàn bổn phận trong ấm ngoài êm. Kinh tế gia đình hệ tại nguồn lao động chính là người chồng. Lúc có con, kinh tế cần phải khá hơn để có thể bù đắp mỗi khi vợ đau, con ốm. Bên cạnh người chồng, người ta còn thấy sự chung chia của người vợ. Người vợ trong gia đình vốn đảm đang bếp núc, nay cũng thoát khỏi tư tưởng cổ hũ để đi vào xã hội bằng những cuộc mưu sinh. Họ chấp nhận những thử thách, cam go, chỉ mong sao góp thêm tài chính cho gia đình. Đứng trước những lo toan của cha mẹ, con cái tới tuổi khôn lớn cũng động lòng trắc ẩn. Thế nhưng, liệu quê hương có đáp ứng đủ việc làm, mức sống, mức thu nhập, nhu cầu dịch vụ cho từng người dân không ? Song, với sức ép sinh kế lập nghiệp, nhiều thanh niên, thiếu nữ thoát khỏi gia đình, khởi sự cho cuộc mưu sinh, mong sao góp được đôi chút kinh tế cho cha mẹ, hoặc ít ra không để gánh nặng cho gia đình.

Thoát ly ruộng đồng, trai trong làng, gái trong làng “khăn gói quả mướp” lên đường. Họ hớn hở ra đi, hướng về những chân trời mới nhưng lòng cứ khắc khoải cho một định mệnh, tương lai. Ưu tư và trăn trở ! Mông lung và bàng bạc !

Di cư quả là một quyết định đúng đắn!!!

II. Đi một ngày đàng …


Vì kinh tế gia đình, người di dân thường có xu hướng tìm đến một nơi với quan niệm “đất lành chim đậu”. Người ta thường thấy : “Từ sáu giờ mỗi sáng, tại các bến xe miền Đông, Tây Ninh, miền Tây … nơi cửa ngõ thành phố Hồ Chí Minh nhộn nhịp khác thường bởi dân lao động tứ xứ đổ về. Hành trang của họ chỉ gói gọn trong chiếc giỏ xách và bộ hồ sơ xin việc”[3]. Thế nhưng, mảnh đất họ dừng chân vẫn không đáp ứng hết những hoài bão của kẻ xa quê. Nhiều người quá bất ngờ với bao thách thức, trái với lòng mong đợi của họ : nơi ăn chốn ở phức tạp, công việc sinh sống nhiêu khê, giáo dục lỏng lẻo, đời sống tâm linh ngày một kiệt quệ. Ước mơ nho nhỏ ấy dường như vẫn là thách đố hôm nay và ngày mai.

Tương lai quả là một vấn đề nan giải!!!

2.1. An cư lạc nghiệp


Nơi ăn chốn ở, thách đố hàng đầu cho những tân binh “chân ướt chân ráo”, từ quê ra tỉnh. Có thể họ dừng chân tại những nơi do người thân (gia đình, họ hàng, láng giềng, bạn bè…) giới thiệu, hoặc phiêu lưu hơn là những vùng đất hoàn toàn xa lạ, bỡ ngỡ và cô đơn. Một cuộc sống mới bắt đầu hình thành.

Mơ ước trước hết của những người di dân là mong tìm được một chỗ ở, nhất là chỗ ở gần với nơi làm việc. Thật gian nan và hy hữu ! Ước mơ này không dễ thực hiện chút nào vì người di cư thì đông như kiến cỏ, mà một chỗ- gọi là ở được- thì “vàng mắt” tìm mới ra. Tất nhiên, đôi lúc nhu cầu “nơi ăn chốn ở” ấy cũng được đáp ứng phần nào và quả là một cơ may hiếm hoi!!!

Hơn nữa, vẫn có những người khá giả di cư để kiếm thêm nguồn kinh tế cho gia đình. Họ có nhiều thuận lợi và điều kiện hơn để tậu nhà, gia cư tại nơi họ đến. Nhưng con số này không đáng kể. Trái lại, kẻ túng thiếu lại nhiều. Họ chỉ dám thuê nhà trọ, phòng trọ dường như chỉ để tá túc qua đêm. Còn ban ngày, họ là những người làm thuê, làm mướn, có “ngon lành lắm” cũng chỉ tầm mức công nhân. Thế nhưng, giá thuê nhà sẽ tăng gấp hai, gấp ba, gấp năm tại nội thành so với so với ngoại thành, những nơi xa hơn một chút. Nếu có rẻ đôi chút thì phòng trọ của họ quá chật hẹp, thiếu thốn tiện nghi. Một canh bạc lại được đặt ra ! Chẳng lẽ, tiền lương hằng tháng chỉ đủ cho việc thuê nhà ? Thắt lưng buộc bụng ư ? Ăn vào đâu, uống vào đâu ? Khi có khó khăn, bệnh tật , thuốc men chạy đâu ra ? Lấy gì để dành dụm cho cha, cho mẹ, cho con cái ? Thôi đành, thế thì thôi… đành!!!

Khúc quanh cuộc đời cứ lẩn quẩn, như dây buộc mình ! Liệu công ăn việc làm có theo người di dân đến nơi khác không ? Quả là không “an cư” thì làm sao có thể “lạc nghiệp” được !

2.2. Có chăng một công việc ?


Cơ hội sống và làm việc cũng như cơ may đổi đời ngày càng thu hút các luồng di dân từ nông thôn đến các thành phố lớn và các trung tâm công nghiệp, chế xuất. Nhiều nơi, người người ra đi, nhà nhà có lao động đi làm ăn xa không ngoài mục đích tăng mức thu nhập gia đình (65,8% vì lý do kinh tế)[4], góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn.

Nói đến người di cư, người ta dễ hình dung đến những thanh niên thiếu nữ, sức sống đầy mình, xuất phát từ những vùng quê hẻo lánh, mong được đến thành thị để tìm một công việc. Thế nhưng, mẫu người di dân hôm nay không chỉ dừng ở tuổi trẻ hoặc nam giới. Động lực di dân thúc đẩy đến độ không phân biệt tuổi tác, giới tính, trình độ, học vấn…. Họ ra đi, mang trong mình nỗi khát khao: làm sao để thu nhập kha khá và có việc làm ổn định.

Đối với người di dân, quả là nhiêu khê để có công ăn việc làm! Do vị thế di cư và lực lượng lao động dồi dào nên họ phải đối đầu với bao thử thách. Công việc không phù hợp là vấn nạn đầu tiên mà người di dân gặp phải. Nếu là những công việc lương cao thì “những công việc này thường không tương ứng với tầm hiểu biết và kỹ năng của họ”[5]. Hơn nữa, vì trình độ học vấn thấp, nên đôi lúc người di dân không dám đảm nhận những công việc hành chánh. Ngược lại, nếu là những công việc tầm thường thì liệu cuộc sống của họ sẽ ra sao ? Với mức lương thu nhập thấp thì liệu đời sống kinh tế sẽ thế nào ? Họ đành xoay sở trong thân phận người công nhân, hoặc loay hoay tìm một công việc với đồng lương đủ mức cơm hai bữa mỗi ngày. Từ đây, giá nhân công trở nên rẻ mạt. Thứ đến, việc kỳ thị đối với người di dân cũng gây trở ngại. Nhiều nhà máy, xí nghiệp nước ngoài đối xử với công nhân rất tệ. Đôi lúc, họ miệt thị công nhân vì không hiểu ngôn ngữ của họ. Nếu có hiểu, họ cũng chỉ nhìn với ánh mắt khinh khi, vì là người làm công. Sau cùng, người làm công cũng không thoát cảnh bóc lột. Thời gian lao động trong ngày khoảng 10 – 12 giờ. Đã vậy, có khi chủ nhà máy còn yêu cầu tăng ca, nhưng liệu tiền lương có khuyến khích thêm không ? Phóng lao thì phải theo lao, nhiều người di dân cũng đành chấp nhận, cho dù hợp đồng lao động giữa họ với nhà máy không đúng theo quy định. Thậm chí, lao động di cư không có bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm nghề nghiệp. Liệu vấn đề an sinh xã hội, sức khoẻ, tai nạn, an toàn bản thân của họ sẽ ra sao khi còn trụ vào nhà máy để gầy dựng cơ nghiệp ?

2.3. Giáo dục gia đình, tìm đâu ?


Di dân là xa quê hương, rời gia đình. Cơ bản người di dân mất đi tính ổn định của gia đình, nếu không muốn nói là đánh mất tất cả: việc giáo dục của cha mẹ dành cho con cái, tình cảm vợ chồng, hoặc những mối tương quan khác trong gia đình.

Người di dân nhiều khi chỉ nhìn thấy cái lợi trước mắt mà quên cái hại sau lưng. Thật vậy, đối với làn sóng di dân hướng ngoại thì “tiền lương họ kiếm được ở nước ngoài cao hơn nhiều so với mức lương trong nước, nhưng đổi lại họ mất đi sự ổn định của gia đình, không có việc giáo dục thích hợp cho tiến trình trưởng thành của con cái, vì chúng thiếu sự hiện diện, hướng dẫn và tình yêu thương của cha mẹ, khi đang ở độ tuổi phát triển nhất và dễ bị tác động nhất”[6]. Đối với làn sóng di dân trong nước cũng chẳng khác chi. Họ cũng trả giá rất đắt khi xa gia đình. Còn đâu lời khuyên của cha, lời dạy của mẹ mỗi khi con “có vấn đề” ? Còn đâu vòng tay yêu thương của cha, bàn tay nâng niu của mẹ mỗi khi con gâp “trái gió trở trời” ?

Thiếu vắng gia đình, cô đơn, nhất là không có cha me chăm sóc , đã khiến không ít thanh niên thiếu nữ xa quê rơi vào tình trạng đáng thương. Thanh niên dễ bị rơi vào con đường nghiện ngập, hút chích, rượu chè, và sa đoạ. Trong khi đó, nhiều thiếu nữ, có thể do học vấn thấp, nhẹ dạ, hoâc ngây thơ dễ bị dụ dỗ vào những công việc không lương thiện và hậu quả là những đứa trẻ chào đời ngoài ý muốn. Hơạc tệ hại hơn, vì đồng tiền quyến rũ, hoặc “công việc nhe” nhưng hái ra tiền, nhiều cô gái tự nguyện đi vào con đường “bán thân”. Bi đát thay, nhiều trường hợp vì công việc không ổn định hay mức thu nhập quá thấp, nhiều chị em phụ nữ rơi vào cạm bẫy tinh vi. Họ xót xa, cắn răng vay mượn, mắc nợ, để cuối cùng khóc trong nước mắt “bán thân đổi mấy đồng xu”.

Bên cạnh những khó khăn về vật chất, người di cư còn phải đối diện với những thử thách về đời sống tâm linh. Nhân cách có thể bị đánh mất, hay làm xói mòn vì sợ thất nghiệp hoặc mất công ăn việc làm.

2.4. Khát khao tâm linh


Nỗi khát khao hàng đầu của người tín hữu di dân mong được sống trong, hoặc sống gần một giáo xứ để tiện cho việc sống đạo. Tuy nhiên, ước mơ mong manh ấy cũng gặp không ít khó khăn.

Xa quê, lên thành phố kiếm việc, làm thế nào để hội nhập với giáo xứ nơi mình nhập cư ? Lòng đạo đức nơi quê nhà liệu có duy trì được không ? Dường như họ chới với và mất niềm tin: một đàng thì sống giữa những người khác tôn giáo, một đàng thì cứ miệt mài, vùi đầu với công việc. Thổn thức trước cảnh lạc lõng, bơ vơ của người di cư, Đức cố Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã phân tích:

“Người nhập cư là người bị bứng ra khỏi môi trường gốc của mình, bỏ lại đằng sau nhà cửa, bà con bạn hữu cũng như sự thân quen của mảnh đất quê hương và bầu khí nâng đỡ của hàng xóm. Do đó, khi sinh sống ở miền đất xa lạ, họ dễ rơi vào tình trạng cô đơn mất mát, âu lo và sợ hãi khiến họ có nguy cơ đánh mất chính mình, đánh mất căn tính văn hóa cũng như đức tin tôn giáo của mình”[7].

Một đặc điểm khác của tín hữu nhập cư là phải đối mặt với việc tăng ca, thậm chí tăng ca liên tục, làm thêm, kể cả ngày Chúa nhật. Trước tình cảnh đó, nhiều người sợ mất việc nên đành chấp nhận tăng ca và bỏ lễ chủ nhật thường xuyên. Có lẽ lương tâm họ bối rối, nhưng cũng phó mặc cho trời. Kiếp người sao lận đận quá! Ngoài ra, thật là đáng thương (hơn đáng trách!) các thanh niên, thiếu nữ bị vướng vào “tình yêu đôi lứa” tự do luyến ái. Để bớt cô đơn, họ tìm đến nhau, chung sống đến độ không cần hôn thú và ngay cả phép đạo. Dẫu sao điều ấy cũng không xót xa cho bằng những thiếu nữ vì buông thả, bị lạm dụng tìm cảm nên chịu nhiều tổn thương về thể xác lẫn tinh thần.

Nhìn chung, để có được công việc ổn định, bảo đảm đời sống vật chất và tinh thần, người di dân phải đối diện với bao thách đố. Tuy nhiên, trước những thách đố ấy, họ vẫn đủ khả năng để vượt qua, hầu mưu ích cho cuộc sống. Thế nên, việc di dân vẫn có những kết quả tốt, nhất là thăng tiến kinh tế gia đình. Bởi vậy, nếu chỉ đem lại hậu quả xấu thì hôm nay hiện tượng di dân chắc không còn nữa ?

III. … , học một sàng khôn


Di dân, một trong những chiến lược sinh tồn, nâng cao đời sống của người dân quê. Thật vậy, “di cư có thể trở thành một nguồn đem lại sự phát triển hơn là cản trở sự phát triển”[8]. Chính vì thế, làn sóng di dân hôm nay nở rộ khắp nơi với những hiệu quả đáng phát huy: phân chia lao động hợp lý, cải thiện mức sống, và kinh nghiệm sống khi tái hội nhập.

3.1. Phân chia lao động hợp lý


Hiệu quả đầu tiên của việc di dân là phân chia lao động hợp lý. Trước đây, nhiều địa bàn còn hoang vu, dân cư thưa thớt. Nơi thì có người nhưng chẳng kiếm đâu ra việc. Chỗ thì dư việc nhưng chẳng mấy ai qua. Nay, nhà máy mọc lên, xí nghiệp xây cất, đường phố sầm uất, tất nhiên cần đến con người. Lập tức, dân di cư từ khắp nơi đổ về. Họ có thể đến bất cứ nơi nào, miễn là cuộc sống thay đổi và tốt hơn. Di dân hôm nay không chỉ khao khát nhu cầu cơ bản như ăn uống, mà còn để tiếp cận văn hóa, giáo dục, khoa học kỹ thuật để nâng cao đời sống tinh thần. Nếu hiện tượng di dân không có hoặc chỉ xảy ra theo hướng nông thôn – nông thôn, thì lấy đâu ra nhân công để cung cấp cho các ngành công nghiệp ở các khu chế xuất. Cả hai bên đều có nhu cầu: nhà máy cần công nhân, người di dân cần việc. Vậy hiện tượng di dân đáp ứng nhu cầu phân chia lao động hợp lý trên mọi miền, lãnh thổ.

Ngoài ra, việc phân công lao động hợp lý còn giải quyết công ăn việc làm cho những người thất nghiệp. Họ đến từ các vùng xa xôi, hẻo lánh với hy vọng có được việc làm. Người địa phương, nếu không muốn làm công nhân thì có thể trở thành các chủ cho thuê nhà (người giàu, có đất). Ngược lại, kẻ không đủ điều kiện để làm công nhân (người nghèo, thất học), có thể vay vốn bán buôn nhu yếu phẩm cho công nhân. Như thế, tại những vùng đất có người di dân cư trú phần nào giải quyết kinh tế thu nhập hằng ngày cho người bản xứ, tạo công việc cho người di dân. Ta phải chân nhận ưu thế phát triển của làn sóng di dân :
Trong nhiều trường hợp, những người di cư ấy lại thoả mãn được nhu cầu lao động, mà nếu không có họ, sẽ chẳng bao giờ được đáp ứng, tại những khu vực và lãnh thổ thiếu lực lượng lao động hay các người lao động không muốn tham gia vào những công việc đang nói tới[9].
Chính vì thế, người ta có thể nhận ra việc phân chia lao động hợp lý đem lại mức sống ổn định cho người dân. Họ yên tâm hơn khi có công việc tại địa phương. Trong điều kiện thuận lợi, kinh tế gia đình của người di dân phát triển. Họ có thể từng bước cải thiện đời sống bản thân và gia đình.

3.2. Cải thiện đời sống


Kinh tế gia đình luôn là mục tiêu hàng đầu của người di dân. Trong đó, việc làm và mức thu nhập thúc đẩy con người cải tiến. Có thể do sự hạn chế (thiên tai, mất mùa, giặc giã, …), mà nguồn lao động tại nông thôn không có công việc ổn định.Họ đành “lên đường”. Hoặc do sự chênh lệch quá lớn về mức thu nhập giữa nông thôn và thành thị, nên người nông dân dễ rời bỏ ruộng đồng. Tuy nhiên, với bất cứ lý do nào, người dân quê cũng muốn đi làm ăn xa, thử một lần đổi đời.

Nếu trước đây người ta do dự trong vấn đề đi làm ăn xa, hoặc chỉ tập trung vào nam giới thì nay động lực di dân đã thay đổi. Trước vấn đề quan trọng này, trong gia đình, vợ chồng thường thống nhất với nhau, con cái bàn hỏi cha me. Quyết định di dân dường như mang tính bình đẳng hơn giữa các thành viên trong gia đình (thành phố Hồ Chí Minh có 1.500 phụ nữ nhập cư, trong đó có 62% tự quyết định, 24% do chồng và 8% do cha mẹ quyết định)[10]. Thế nên, kinh tế gia đình nông thôn ngày một khởi sắc, trong đó có phần đóng góp của người di dân. Tiền gởi về có thể dùng trong việc trả nợ, tiền học cho con cái, hoặc khi đau ốm. Kinh tế gia đình thay đổi, mức sống nâng cao, người dân không chỉ đòi hỏi “cơm ăn áo mặc” mà còn các giá trị tinh thần. Người ta có thể đi học, đến trường, học nghề, cập nhật những phương tiện khoa học kỹ thuật và thông tin đại chúng.

Như vậy, kinh tế gia đình ở nông thôn ngày càng phát triển, trong đó việc “xóa đói giảm nghèo” hệ tại phần đóng góp không nhỏ của những người di dân, những người đi làm ăn xa. Họ dành dụm, chắt chiu từ những đồng lương để gởi về người thân, gia đình (82% số gia đình nhận tiền gởi về do những người di dân)[11].

Bên cạnh việc cải thiện đời sống, người ta còn thấy một kinh nghiệm sống nơi những người di dân sau khi trở về, tái hội nhập. Mặc dù có những khó khăn, nhưng họ vẫn có thể vượt qua vì đã từng “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”.

3.3. Kinh nghiệm sống


Những người di dân rất khéo trong lĩnh vực “nhập gia tùy tục”. Họ đến từ những vùng nông thôn, quanh năm với việc đồng áng. Thế nhưng, họ sớm hội nhập với cộng đồng bằng tinh thần siêng năng, cần cù. Vốn chăm chỉ, cần mẫn, nên họ dễ được dân địa phương yêu chuộng, quý mến. Nhất là nơi các họ đạo, người tín hữu thường giúp đỡ những người biết làm ăn, và có tinh thần cầu tiến. Họ sẵn sàng dạy nghề, cho thuê nhà với giá rẻ. Trước cơ may ấy, người di dân sớm tỏ ra cập nhật, từng bước hình thành cuộc sống mới cho mình. Nhiều gia đình, những ngày khởi đầu cho việc di dân rất cực nhọc, nhưng nay đã có phần đổi đời. Ban đầu, họ đi làm mướn. Mỗi ngày, họ ky cóp từng đồng, tiết kiệm từng xu. Khi đủ kinh tế tài chánh, họ mua đất, dựng nhà. Họ quy tụ cả gia đình và trở thành con chiên trong xứ đạo. Họ chẳng muốn về quê (50% sẽ trụ lại, 42,4% sẽ trở về nếu ở quê có việc)[12], vì mảnh đất này đã thay da đổi thịt cho họ.

Người di dân, vốn mang trong mình tâm thức thay đổi cuộc sống, nên dù sống thế nào họ cũng nỗ lực vượt qua. Hơn nữa, ít là từ kinh nghiệm quê nhà, họ cần tinh thần vượt khó, chịu đựng. Bao giờ cũng thế, “vạn sự khởi đầu nan”, họ chấp nhận những thất bại để có thể học hỏi kinh nghiệm. Ngoài ra, một khía cạnh đáng trân trọng của người di dân là tinh thần cầu tiến “cái khó ló cái khôn”. Họ từng bước học hỏi. Ban đầu, họ lập nghiệp bằng những công việc tầm thường, đơn giản, tuy vất vả nhưng vẫn đủ kinh tế cho từng ngày. Khi có điều kiện hội nhập cũng như phát triển, họ bắt đầu lao vào những công việc mang tính kinh tế nhiều hơn. Họ cũng tính toán, có gan làm giàu. Ấy vậy, nhiều kẻ thành công trong lĩnh vực kinh doanh đất đai, nhà cửa, hoặc buôn bán lớn. Liệu những thành phần ấy còn được dán nhãn là người di dân hay kẻ nhập cư nữa không ?

Tạm kết


Tóm lại, di dân vốn bản chất là một đòi hỏi khách quan về kinh tế, đồng thời, nó cũng gỉai quyết phần nào sự phát triển và phân bố lao động không đồng đều giữa các nước, khu vực, vùng, miền. Đối với cộng đồng, di dân là “mất đi một chủ thể lao động là người đáng lẽ sẽ dùng nỗ lực của mình để góp công tăng gia lợi ích trong xứ sở mình, và bây giờ nỗ lực và sự đóng góp ấy được mang đến cho một xã hội khác có thể nói là không có quyền hưởng bằng quê hương bản quán”[13].

Nhưng, dù phải đối diện với bao thách đố không dễ giải quyết, hiện nay người ta vẫn chọn phương thức làm ăn xa hầu cải thiện cuộc sống. Vả lại, đi làm ăn xa giúp người ta có nguồn thu nhập ổn định hơn so với nông thôn, dẫu có phải vất vả, cực nhọc. Bằng con đường tự lực và thoát khỏi những ràng buộc địa phương, nhiều cá nhân và gia đình đang từng bước thay đổi mức thu nhập gia đình và bộ mặt kinh tế nông thôn.

Dẫu sao, di dân hôm nay vẫn là hiện trạng nan giải cho xã hội nói chung và Giáo hội nói riêng (có giáo xứ đón nhận khoảng 6.000 – 7.000 giáo dân di dân)[14]. Chính vì thế, Giáo hội địa phương (nơi gởi và nơi nhận người di dân) cần có những chương trình, kế hoạch mục vụ cho người di dân cách thích hợp, vì “những công nhân di cư và gia đình của họ rất cần đến sự ân cần chăm sóc mục vụ, từ Giáo hội ở những nước gởi họ đi và Giáo hội ở những nước nhận họ. Chăm sóc mục vụ cho công nhân di cư quả là một trong những ưu tư mục vụ hàng đầu của Giáo hội châu Á”[15].

Chú thích---

[1] Xc Phạm Ngọc Trản, Mục vụ cho người di dân là cho đi. Trích trong báo Công giáo và dân tộc, số 1536, tr 30.
[2] Chính Hữu, Đồng Chí.
[3] Nguyễn Tập, Nguyễn Bay, Cuộc “đổ bộ” vào thành phố, báo Tuổi Trẻ ngày 4/3/2003
[4] Xc Trần Hồng Vân, Tác động xã hội của di cư tự do vào thành phố Hồ Chí Minh trong thời kỳ đổi mới, Nxb Khoa học Xã hội, 2002, tr 118.
[5] Xc Tài liệu về Gia đình của Liên Hội Đồng Giám Mục Á Châu lần VIII, 8/2004, số 15-17.
[6] Xc Tài liệu về Gia đình của Liên Hội Đồng Giám Mục Á Châu lần VIII, 8/2004, số 15-17.
[7] ĐGH Gioan Phaolô II, Sứ điệp Ngày Quốc tế về Di Dân lần thứ 87.
[8] Hội đồng Giáo Hoàng công lý và hòa bình, Toát yếu học thuyết xã hội Công Giáo, Tập II, số 297.
[9] Hội đồng Giáo Hoàng công lý và hòa bình, Toát yếu học thuyết xã hội Công Giáo, Tập II, số 297.
[10] Xc Đặng Nguyên Anh, Chiều cạnh giới của di dân lao động thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Trích trong Tạp chí Xã hội học, số 2 (90) – 2005, tr 26.
[11] Xc Nguyễn Ngọc Diễm, Nguyễn Thị Minh Châu, Đi làm ăn xa – phương thức tăng thu nhập gia đình. Trích trong Tạp chí Xã hội học, số 2 (90) – 2005, tr 79.
[12] Xc Trần Hồng Vân, Tác động xã hội của di cư tự do vào thành phố Hồ Chí Minh trong thời kỳ đổi mới, Nxb Khoa học Xã hội, 2002, tr 121.
[13] ĐGH Gioan Phaolô II, Thông điệp Laborem exercens, Ban hành tháng 9/1981, số 23.
[14] Xc Phạm Ngọc Trân, Mục vụ cho người di dân là cho đi. Trích trong báo Công giáo và dân tộc, số 1536, tr 30.
[15] Xc Tài liệu về Gia đình của Liên Hội Đồng Giám Mục Á Châu lần VIII, 8/2004, số 15-17.