Chủ Nhật, 3 tháng 4, 2022

NGHĨ VỀ VIỆC TRUYỀN GIÁO HÔM NAY

Thời sự Thần học – số 35, tháng 03/2004, tr. 145-152

_Lê Văn La Vinh, O.P._ 


Việc truyền giáo hay sứ mạng loan báo Tin Mừng không còn là những từ ngữ, những ý niệm mới mẻ và xa lạ đối với nhiều người tín hữu chúng ta hôm nay. Có lẽ, mỗi người tín hữu trong chúng ta cũng đều biết và ý thức phải thực thi lệnh truyền của Đức Kitô: "Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo" (Mc 16,15a) trong lần gặp gỡ cuối cùng của Ngài với các môn đệ trước khi về trời.

Qua dòng lịch sử, chúng ta thấy rằng Giáo hội của Chúa Kitô đã không ngừng nỗ lực, cố gắng để thực thi lệnh truyền đó: Bắt đầu từ thời các Tông đồ, rồi tiếp đến là các thế hệ của những vị thừa sai qua mọi thời đại, thuộc nhiều tầng lớp trong cộng đồng dân Chúa đã cùng nhau nỗ lực không ngừng bằng nhiều cách thế và phương tiện khác nhau để thực hiện lệnh truyền này. Thế nhưng, ý thức trách nhiệm là một chuyện, còn triển khai sứ vụ đó và thực hành như thế nào thì lại là một việc không phải là đơn giản và dễ dàng. Thật vậy, sau gần 20 thế kỷ nỗ lực truyền giảng Tin Mừng, Giáo hội Công giáo đã đầu tư rất nhiều công sức, tài lực, vật lực và rất nhiều những nhân chứng đức tin đã đổ máu đào để làm chứng cho niềm tin ... thế nhưng kết quả thu được xem ra cũng không phấn khởi cho lắm hay nói cách khác, kết quả việc truyền giáo của chúng ta - nếu nhận xét cách trung thực - xem ra quá khiêm tốn mà bảng tổng kết so sánh sau đây có thể phần nào minh hoạ cho những nhận định vừa nêu.

(Dân số được tính là ngàn người [1000])
Bảng thống kê này do International Bulletin thực hiện, nguồn do David B.Barrett and Todd M. Johnson, "Status of Global Mission in the Context of 20th and 21st Centuries", January 1999. Ở đây chúng tôi chỉ xin nêu một vài con số của bảng thống kê nhằm phù hợp với chủ đích của bài viết mà thôi[1].

Nếu nhìn vào các nước tại khu vực Châu Á thì tình trạng xem ra còn bi đát hơn:

Khi so sánh với toàn dân số Châu Á thì tỷ lệ người Công giáo là 3%. Trong đó tỷ lệ người Công giáo tại một số nước như Ấn Độ là 1,8%; Indonesia 2,82%; Miến điện 1,2%; Philipin 83,1%; Thái Lan 0,42%; và Việt Nam là 7,94%[2]

Như chúng ta đã biết là từ vài năm trở lại đây và cho tới tương lai dài rộng sau này, nhân loại đang dần xích lại gần nhau hơn, nhờ những phương tiện truyền thông hiện đại cộng thêm với trình độ phát triển về phương tiện giao thông tân tiến làm cho hàng rào giữa các quốc gia và khu vực như được rút ngắn. Hay nói cách khác là biên giới giữa các quốc gia đã dần bị phá bỏ như trường hợp các nước trong cộng đồng chung Châu Âu hay các quốc gia trong khối Asian hiện nay để cùng nhau xây dựng một làng thế giới trong viễn quan toàn cầu hóa trên mọi lãnh vực... Mặt khác, nhân loại hôm nay lại đang có một cuộc sống phong phú, đa dạng với nhiều chính kiến, trường phái, thái độ tôn giáo khác nhau. Từ những nguyên nhân khách quan trên đây đã kéo theo hệ quả là công cuộc truyền giáo của Giáo hội không được tiến triển thuận lợi (theo cả số lượng và chất lượng) mà hai bảng thống kê vừa nêu trên cũng phần nào minh hoạ. Trong một bối cảnh có xu hướng vừa thống nhất toàn cầu, vừa đa dạng, đa phương và phức tạp như thế, đã đặt ra cho chúng ta nhiều bận tâm và vấn nạn khi phải thực thi mệnh lệnh truyền giáo này. Do vậy, để có thể thực hiện tốt sứ vụ Rao giảng Tin Mừng cho các dân tộc - mà cách riêng đối với Giáo hội Việt Nam chúng ta thì đây là nhiệm vụ căn bản và cấp bách trong năm 2004 này: Năm Thánh Truyền Giáo của Giáo hội Việt Nam - đồng thời Giáo hội (cách riêng là Giáo hội Việt Nam) xoá bỏ dần đi bức tường ngăn cách như một kẻ đứng "bên lề" dòng chảy của cuộc đời; theo thiển ý, chúng ta nên bắt đầu bằng những nguyên tắc sau đây:

1. Cần có một thái độ cởi mở chân thành


Người Việt Nam nói chung và người Công giáo Việt Nam chúng ta nói riêng từ khi sinh ra đã được sống, được hít thở trong bầu không khí và nếp sống văn hóa đình làng; được bảo bọc, gìn giữ trong lũy tre xanh. Hơn nữa, khi đón nhận Tin Mừng, chúng ta lại được hấp thụ một nền giáo lý mang tính "độc tôn"; từ đó hình thành nên nơi người Việt Nam một tâm tính, một thái độ mang tính "duy ngã độc tôn" được biểu hiện với những tính cách như chỉ có của tôi, dòng họ tôi, làng tôi mới tốt, mới xứng đáng, mới là số một; còn các làng khác, các nơi khác là thua, là kém, chẳng xứng đáng tí nào ... và tâm thức này cũng ảnh hưởng ngay tới thái độ sống đức tin của giáo dân Công giáo (nhà mình): chỉ có Chúa của tôi, đạo Công giáo của tôi mới là trọn tốt trọn lành, mới là chính đạo, còn tất cả các đạo, các tôn giáo khác là lầm lạc thậm chí nhiều khi còn bị cho là tà đạo nữa là khác. Hơn nữa, sự bảo thủ và lối sống khép kín như vậy còn được biểu hiện ra ở những cung cách, những sinh hoạt đạo đức, phượng tự của mình. Vô hình chung, chúng ta - những tín hữu Công giáo - đã tự tách mình ra khỏi dòng chảy của thời cuộc, khỏi quy luật phát triển chung của xã hội, đất nước, và của nhân loại. Phải chăng rào cản của "sự nghiệp" phát triển Tin Mừng tại Việt Nam chúng ta chính là ở điểm này?

Thấy được những rào cản, những điểm hạn chế nơi cung cách sống đạo của mình; thì việc đầu tiên (lẽ đương nhiên) là chúng ta phải tháo bỏ những rào cản đó để cùng hòa mình, cùng sống và chia sẻ với mọi người, biết nhìn nhận những giá trị cao quý nơi các truyền thống tâm linh, nơi các tôn giáo khác[3]. Hơn nữa chúng ta cũng phải biết chân thành cộng tác với những người khác trong đối thoại huynh đệ, cùng nỗ lực cộng tác với mọi người để xây dựng những thiện ích chung cho cộng đồng nhân loại bằng cách khuất phục đói khát, dốt nát và bệnh tật[4]... Giáo hội hôm nay, không những chỉ cùng đồng hành với dân tộc nhưng hơn nữa còn phải biết sống Phúc Âm giữa lòng dân tộc[5] của mình. Hiểu, ý thức và sống được như vậy, cộng đoàn Giáo hội không còn là một thực thể xa lạ ngoại lai, là những kẻ đứng "bên lề" cuộc đời mà còn hơn thế nữa, người tín hữu chúng ta sẽ phải mang lấy tất cả những ưu tư, khăc khoải cũng như sự vui mừng và hy vọng của con người hôm nay như là của chính mình[6] để cùng góp phần làm thăng tiến cuộc sống. Những nguyên tắc có "tính đời thường" vừa được nêu ra trên đây xem ra có vẻ quá quen thuộc đối với chúng ta; nhưng có lẽ cũng không thừa khi phải nhắc lại những nguyên tắc căn bản này bởi nó chính là đầu mối, là nền tảng căn bản trong việc khởi đầu của sứ mạng loan báo Tin Mừng. Và khi chúng cùng đến với những anh chị em khác bằng sự hiểu biết tin tưởng khi đối thoại, bằng sự cảm thông chia sẻ khi cùng đồng hành với họ thì cũng chính là lúc chúng ta đang cùng sống với đức Kitô trong Mầu nhiệm Nhập Thể của Ngài: "Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ ở giữa chúng ta" (Ga 1,14). Thật vậy, khi đọc lại các trình thuật Tin Mừng, chúng ta thấy cuộc đời của đức Kitô đâu có làm gì khác hơn ngoài việc Ngài cùng sống, cùng chia sẻ và đồng hành với mọi người bằng những việc làm cụ thể là lo cho họ ăn, chữa lành bệnh tật rồi sau đó, Ngài mới "tính đến" chuyện đức tin, chuyện loan báo Nước Trời.

2. Rao giảng bằng đời sống chứng tá


Ngày nay, nhiều người vẫn nói đến các cuộc khủng hoảng của giới trẻ, đặc biệt là các bạn học sinh - sinh viên. Người ta đã tìm hiểu và nhận thấy rằng một trong những lý do chính dẫn đưa các bạn tới những khủng hoảng ở giai đoạn này đó là vì các bạn luôn bị giằng co từ những điều các bạn đã chứng kiến lại khác xa với những gì các bạn học được từ những sách vỡ, từ lời dạy của thầy cô, cha mẹ, người lớn ...; và từ đó các bạn đâm ra hoang mang, không tin tưởng, bất mãn, chán đời ... Và như vậy, điều cần thiết cho thế hệ trẻ và cho con người hôm nay nói chung là cách sống, cách hành xử thực tế đời thường phải đúng với những điều mình nói, mình nghe và mình dạy người khác làm: nói và dạy trên lý thuyết thì dễ dàng quá; còn thực thi được những điều mình nói, mình đã dạy thì thật dễ có mấy ai!

Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đã từng có lần nói rằng con người ngày hôm nay cần những chứng nhân hơn là những thầy dạy. Và thực tế vẫn được ghi nhận là cho đến hôm nay, người ta vẫn còn hằng tôn sùng và nêu cao những tấm gương sống động của thánh linh mục M.Kolbé, của Đức Giám mục Oscar Roméro tại Nicaragoa, của Mẹ thánh Têrêsa thành Calcuta ... là những người đã sống, đã làm chứng bằng chính cuộc đời và ngay cả mạng sống để tô đậm và minh hoạ cho lời rao giảng của mình.

Tục ngữ Việt Nam vẫn nói: Lời nói gió bay, gương lành lôi kéo, câu tục ngữ này thật thích hợp cho vấn đề đang nói ở đây. Thật vậy, truyền giảng Tin Mừng là thông truyền, là loan báo và làm chứng cho niềm tin của mình: Một niềm tin vào một Thiên Chúa tình thương đang sống và đang cùng đồng hành với con người; Ngài mời gọi mọi người chúng ta đến với Ngài để cùng chia sẻ hạnh phúc trong sự sống vĩnh cửu ... thì thật là có phản chứng quá không khi những người tín hữu chúng ta, trong đời sống đức tin của mình thường biểu hiện một đời sống đạo dúm dó, đối phó, cuộc sống không được an vui, hành đạo một cách máy móc, nệ luật ... thì làm sao có thể lôi kéo được ai, bởi vì chính bản thân người đang thực hiện việc hành đạo đó lại đang nêu ra một tấm gương chẳng lành?

3. Cần một đời sống cầu nguyện sâu xa


Không như những xướng ngôn viên, những người "thợ nói" trong các chương trình, người tín hữu chúng ta khi đi truyền giáo là đi loan báo Tin Mừng cứu độ, là công bố cho người khác biết một chân lý tình thương của Thiên Chúa đã thương ban cho con người, mà trước tiên là cho chính bản thân của họ. Do vậy, hơn ai hết, người tín hữu phải là người có cảm nghiệm sâu sắc về tình thương của Thiên Chúa trong sự kết hợp với Ngài được biểu hiện qua đời sống cầu nguyện của mỗi người. Và chính khi kết hợp mật thiết với Chúa bằng đời sống cầu nguyện sâu xa đó, tự nó cũng là một lời loan báo, một sự làm chứng rồi. Bằng không, những lời truyền giảng của họ chỉ là những tiếng kêu la inh ỏi và là những tiếng rao vặt vô hồn.

Như chúng ta vẫn biết, một khi đã có được sự xác tín sâu xa vào tình thương của Thiên Chúa, thì đồng thời người tín hữu cũng tự biết bày tỏ niềm tin của mình qua đời sống khiêm nhu, thân ái, hiền hòa, nhẫn nhục, chân thành với mọi người như lời thánh Phao lô nhắn gởi giáo dân Corintô trong Bài ca đức Ái (1Cor 13,4-7). Với một tấm lòng tràn đầy ân lộc và bình an được nhận lãnh từ sự gắn bó với Chúa, người tín hữu dễ dàng đến với mọi người, dễ thu phục nhân tâm để làm chứng và rao truyền niềm tin. Hơn nữa, một khi đã cảm nhận được những ân phúc của Thiên Chúa thương ban cho bản thân mình, tự khắc người tín hữu sẽ bày tỏ, sẻ chia niềm vui đó cho những anh em đồng loại. Việc tỏ bày, sẻ chia đó, phải chăng cũng chỉ là một tên gọi khác thay cho từ ngữ truyền giáo, thay cho ý niệm loan báo Tin Mừng?

Vẫn biết rằng Truyền giáo là loan báo Tin Mừng Cứu độ, là loan báo Chúa Kitô cho mọi loài thọ sinh. Nhưng phương cách truyền giáo của ngày hôm nay không phải là phương cách của ngày xưa và cũng không thể áp dụng một công thức truyền giáo cho nhiều nền văn hóa, nhiều vùng đất, nhiều miền. Khi nói đến việc truyền giáo cho con người ngày hôm nay, Giáo hội đã biết thích ứng, biết cảm thông và tôn trọng. Thực tế cho chúng ta thấy là từ vài mươi năm trở lại đây, nhất là từ Công đồng Vatican II, đường lối truyền giáo của Giáo hội không còn là áp đặt, mang tính chiếm lĩnh, mở mang diện tích, thống kê số lượng... nhưng truyền giáo của ngày hôm nay là rao giảng, là trình bày cho người khác Tin Mừng Cứu Độ của Thiên Chúa bằng lời nói và nhất là bằng gương sáng, việc làm; thứ đến là biết đối thoại, cảm thông với người khác và hội nhập Tin Mừng của Chúa Kitô vào văn hóa của từng vùng đất từng miền; và sau cùng truyền giáo chính là việc phát triển con người toàn vẹn. Công việc cuối cùng này không phải là việc của riêng ai nhưng là công việc chung của mọi con người thiện chí trên khắp hành tinh này. Bởi lẽ Vinh quang của Thiên Chúa là chính sự sống của con người (thánh Irené).
 

GHI CHÚ__

[1] Xc Filipe Gomez, Truyền Giáo học, Antôn và Đuốc Sáng, 2003 trg 20-21
[2] Sđd Trg 21
[3] xc Tông huấn Giáo Hội tại Á Châu số 6; số 15
[4] xc Sắc lệnh Truyền Giáo số 12
[5] Thư chung của Hội Đồng Giám mục Việt nam 1980
[6] Hiến chế Giáo hội Trong Thế Giới Hôm Nay số 1