Chủ Nhật, 9 tháng 1, 2022

“NHẬP THỂ, NHẬP THẾ, NHẬP TÂM…”

(Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài – Nguyễn Du)

Thời sự Thần học – Số 4, tháng 12/2009, tr. 47-56.

_An Phong_


Cuộc sống như có người đã nghĩ chẳng khác gì như con quỷ Minotaure trong thần thoại Hy Lạp. Chuyện kể có một con quái vật mình người đầu trâu (đầu trâu mặt ngựa) quái dị, độc ác mà dân thành Athène phải nộp cho nó 7 thanh niên và 7 thiếu nữ mỗi năm. Nó nuốt chửng tất cả, đè bẹp tất cả để sống còn. Thế nhưng cũng đã có người biến nó thành thần tượng cuộc đời. Cái hình tượng to lớn, thống trị ấy khiến cho mắt họ bị mù mờ và đành đánh đổi lòng tự trọng để tìm an thân thủ phận. Con qui vật đó ngày nay vẫn sừng sững giữa lòng cuộc đời. Nó mang 1 bộ mặt ‘có vẻ nhân từ’, ‘có vẻ đạo đức’, ‘có vẻ văn minh’…

Có bao giờ hàng quán phố xá mọc lên ‘nhộn nhịp, tấp nập’ như bây giờ với đủ loại ôm: ôm “nóng”, ôm “nguội”, ôm “gần”, ôm “xa”….?

Có thời nào ‘nạn cân, đo, đong, đếm thiếu’ được cảnh giác nhiều như thời này – thậm chí nạn đó còn có tổ chức, có hệ thống…?

Có thời nào ‘dầy đặc, tràn ngập’ hàng hóa tiêu dùng như thời này với đủ loại mẫu mã, cho mọi nhu cầu từ thấp đến cao, cho “cả cái bụng” con người nữa?

Có thời nào ‘dung tục hóa cuộc sống, thực dụng hóa cuộc sống’ như bây giờ?

… Con quái vật ‘có vẻ này, vẻ nọ’… đến là to, rõ là ‘đẹp’.

Lần giở chồng báo cũ, lược qua những tin tức trên đài phát thanh, đài truyền hình hẳn những ai còn chút lương tri đã phải giật mình, bức xúc và đau đớn thay cái cõi ‘hỷ, nộ, ai, cụ, ái, ố, dục’ này.

Khởi đi từ môi trường chung quanh và văn hóa chúng ta bị “cưỡng hiếp” trầm trọng, “hết thuốc chữa”.

*Nếu 16.000 di dân không tàn phá 7.000 héc-ta rừng khu vực Lâm đồng Tây Nguyên, thì ‘các ông tượng’ (sợ quá gọi các chú voi như thế) đ chẳng xông vào các làng mạc, cầy phá những cánh đồng hoa màu, giết chết hàng chục nhân mạng. Nếu nạn đào xới, đãi vàng bừa bãi, khai thác rừng vô tổ chức không chấm dứt, thì rồi có ngày như đã được báo động – nhà máy thủy điện Đa-nhim sẽ phải ngưng hoạt động thôi… Chẳng phải ngẫu nhiên ‘nàng Tô Thị’ – biểu tượng đẹp về hình ảnh người phụ nữ thủy chung son sắt Việt Nam ‘đã tái giá’ (sụp đổ) đâu. Câu thơ thời danh‘Đồng Đăng có phố Kỳ Lừa, có nàng Tô Thị, có chùa Tam Thanh’ có lẽ không còn có chỗ trong văn học chúng ta. ….Tệ hại hơn là loạn thủy điện, chỉ vì “sống chết mặc bay, điện này tao bán”. Địa thế thiên nhiên - như nhiều dòng sông chảy theo độ dốc lý tưởng - thay vì trở thành món quà quý giá của tạo hóa lại trở thành nguồn cho lũ tha hồ tàn phá miền trung và cao nguyên.

*Ở những nơi đã từng có một bề dày lịch sử như Hà Nội, Huế, Hội An… đã từng là niềm tự hào của dân tộc 4.000 năm văn hiến, đã có thời là kinh thành của các bậc vua chúa… nhiều di tích đã bị vi phạm nghiêm trọng, bị tàn phá, bị chiếm dụng, bị làm biến dạng. Hơn nữa, đừng kể những pho tượng cổ như tượng thần Visnu, tượng Bồ Tát Ha-ra tại Bảo tàng Chăm ở Đà Nẵng; những pho tượng La Hán, tượng Phật Bà Quan âm nghìn tay nghìn mắt ở chùa Tây Phương, Chùa Giám… , RỒI…những áo mão cân đai của các quan triều Nguyễn, di tích văn hóa của một thời xa xưa, những sắc thần, hoành phi, chuông mõ, lư chân đèn… lần lượt ra đi không một lời giã biệt, HAY… những ngôi chùa cổ kính, những thánh thất nghìn năm… đã bị biến thành những kho chứa, nơi hội họp hay thậm chí thành hang ổ của tệ đoan xã hội.

“… không phải những kẻ gây ra chiến tranh chịu trách nhiệm trong việc làm hư hại, đổ nát các công trình nghệ thuật của gia sản văn hóa quốc gia mà chính là những người trong thời bình chịu trách nhiệm ấy… Bắt đầu là những thay đổi nhỏ, nhưng rồi nó gặm nhấm dần dần, đến chỗ thay đổi cả tính cách, linh hồn của 1 khu vực sống… Có khá nhiều luật lệ, quy định, phán quyết cấm phá hoại di tích văn hóa này nọ. Nhưng rồi tất cả đã thua những thế lực đồng lõa phá hoại, thua những kẻ thích bê tông, thua đồng tiền…” (Lời nhận xét cay đắng của sử gia nổi tiếng Emile Male về các di tích văn hóa lịch sử xuống cấp tại Pháp, 1992).

…đến con người vốn là “hình ảnh Thiên Chúa” cũng đang bị đe dọa bởi AIDS -‘Cái dịch Sô-Đôm’ của mại dâm chẳng tha cho bất kỳ ‘con thiu thân’ nào. Con số nạn nhân của đại dịch này ngày càng tăng nhanh, thậm chí tỷ lệ tăng cao nơi các người trẻ…RỒI biết bao con người “dài cổ” đi tìm thực phẩm sạch ( Xc “Thực phẩm sạch ở đâu?”, Báo Tuổi trẻ 2/12/2009), hay mệt mỏi nhắn tin mua vé tàu về quê vui hưởng cái Tết đoàn tụ gia đình (Xc “Hành khách chưa hết rối”, Báo tuổi trẻ 3/12/2009).

Hơn nữa, “tình trạng thiếu niên phạm pháp hiện nay còn khá trầm trọng, đang ở mức báo động. Qua phân tích 6.349 tội phạm thuộc lứa tuổi dưới 30, chiếm 81,27% tổng số tội phạm. Đặc biệt, có 791 tội phạm thuộc tuổi chưa thành niên, chiếm 12,46% tổng số”. Phải chăng hiện trạng bỏ học - có nơi đến 50-60% - ngày càng tăng, phương pháp giảng dạy kém, chất lượng học sinh giảm sút, con số học sinh lưu ban cao là câu trả lời cho nguyên nhân gây tội phạm nơi trẻ chưa thành niên? Trong quá khứ, học sinh cấp II đã từng tự tin trả lời như sau: Đức Thánh Trần (Trần Hưng Đạo) l vị anh hùng chống Pháp, hay Tố Hữu là tác giả 2 câu ca dao ‘Công Cha như núi Thái Sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra’. Hay thậm chí một học sinh chứng minh tâm trạng u buồn của nhà Chí sĩ Nguyễn Trãi ‘một thiên tài quân sự tình cảm phong phú’ – bất mãn trước thời cuộc, được thể hiện qua bài ‘Cuối Xuân Tức Sự’ như sau: “ông (Nguyễn Trãi) chán nản trước xã hội nên về ở ẩn. Suốt ngày ông không tiếp một ai, chỉ ở trong phòng chờ vợ con đem tiền vào để đếm… ông giả chết để cho vợ bán đắt hàng…v.v. (Báo Phụ nữ 2002).

Tệ hại hơn nữa, những đứa trẻ - rất người vì vô tội, cô thế cô thân - chưa kịp mở mắt chào đời đã bị dao kéo, kìm búa của những “tên đồ tể người” phanh thây từng mảnh, kéo xộc ra từ cung thánh lòng mẹ - nơi vốn an toàn nhất - của chúng. Đến là rùng rợn khi phải “bị” xem những cảnh hành hình như thế - một cảnh hành hình hợp pháp, được cổ võ vì lòng dạ lang thú của những con- người- gọi- là -.người. Sự sống bị đe dọa!!!. Những nhân -vị- nữ vốn là trợ tá đắc lực cho người nam trở thành món hàng cân- đo- đong- đếm, sờ-nắn-bóp- ngắt.. dưới bàn tay đểu giả, lang sói của những kẻ dư “cái bị tiền”, nhưng thiếu “cái con tim” và hụt “cái đầu người. Tự do – nhân vị bị đe dọa!!!”. Khi tình yêu chân thật trở thành món hàng quý hiếm thì lạm dụng tình dục, mua bán đổi chác những thân xác con người trở thành bình thường …

Có thể nói không ngoa rằng: bài viết này sẽ còn dài.. dài.. hơn nữa, nếu cứ “ từ từ mà tiến” và đưa ra những bằng chứng thực tế - điều không được nói ra, không được xuất hiện trên các phương tiện truyền thông chính thức - và ai cũng biết. Sự trung thực phải chịu thua những “lời lẽ có cánh” vốn nói một đàng làm một nẻo, bóp méo và cắt xén sự thật. Những lời hứa chỉ là sự thật 100% ở trên bàn giấy mà thôi! Lỗ nhĩ con người còn phải nghe nhiều… nhiều về “cái trò trẻ” khơng biết bao giờ mới chấm dứt.Vô vàn vô số đến là đau đầu!!!???

QUẢ LÀ “Trải qua một cuộc bể dâu
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng

Loạn đến là cay đắng và phi lý. Những điều một thời được mong ước, nay chỉ là ảo tưởng. Những thần tượng xưa, nay không còn nữa. Người ta đi vào ngõ cụt, bế tắc. Sự suy thoái diễn ra trong mọi lãnh vực, mọi thẩm cấp, mọi nơi. Nhân cách, nhân phẩm, lòng tự trọng, lòng nhân ái rẻ như bèo.

“Nhân phẩm ngày nay mất giá rồi,
Chỉ còn thực phẩm lên giá thôi,
Lương tâm bán rẻ hơn lương thực,
Chân lý, chân giò một giá thôi”

‘Chúng ta đang đứng trên bờ vực thẳm’. Vực thẳm đó dường như rộng mở chực nuốt chửng tất cả, đè bẹp tất cả để sống còn như con quái vật Minotaure…

VÂNG ! VĂN DĨ TẢI ĐẠO.

“Thế giới là một ngôi trường lập ra để dạy cho trẻ thơ biết đọc. Trái tim con người là cuốn sách vỡ lòng dùng trong ngôi trường đó. Đứa trẻ biết đọc là tâm hồn được tạo dựng nên bởi ngôi trường cũng như bởi quyển sách vỡ lòng kia” (J. Keats, thư nhật ký từ 14.02 đến 03.05 gởi cho vợ chồng người em trai George và Georgiana).

Con người, đứa trẻ biết đọc đó, là một nhân cách được hình thành trong một môi trường, một kỳ gian. Tất cả là vì con người cho con người. Dường như, ngày nay người ta không còn ‘biết đọc’ nữa, không còn đi tìm cái nằm ẩn sâu dưới các tầng lớp hữu thức, vô thức, tiềm thức nữa? Mọi sự đều hời hợt, bề ngoài. Sự ngộ nhận về con người đích thực với những gì được khoác thêm vào cho con người khá phổ biến. ‘Hữu danh vô thực’. ‘Đánh mất chính mình’. (bằng cấp giả, “tiến sĩ giấy”, thậm chí có địa phương nọ “khoe” là 100% cán bộ của họ có bằng tiến sĩ!!! … chắc là khu Văn Miếu, Hà Nội ?!) Thiển nghĩ mọi giải pháp phải khởi đi từ con người, từ sâu thẳm của con người, từ gốc rễ của tâm hồn.

Thật vậy, khi con người được tôn trọng, khi cái Cung thánh của con người, tức là nơi sâu thẳm của tâm hồn, nơi chất chứa những giá trị cao quý nhất như là lương tri, như là khát vọng hướng đến cái đẹp, đến tự do, đến vô biên được bảo vệ, hướng dẫn và thăng tiến, thì tất cả sẽ tìm lại được thể quân bình, nội giới cũng như ngoại cảnh của con người. Con người in đậm dấu ấn ảnh hưởng trên muôn vật, trên thế giới. Có thể nói thế giới chung quanh chính là phóng ảnh của con người. Con người toàn vẹn, quân bình, phong phú, cao thượng thì thế giới do con người kiến tạo cũng đương nhiên mang dáng vẻ dễ mến, tích cực. Trái lại, con người thương tật, méo mó, dị tật, sa đọa, thì thế giới chung quanh con người tất yếu trở thành bát nháo, hỗn loạn.

Một xã hội sung túc, trù phú được đánh giá bằng những của cải vật chất, những phương tiện tối tân và mức sống hưởng thụ. Điều này không luôn tỷ lệ thuận với sự tăng trưởng lành mạnh của một xã hội đạo đức. Thời này chẳng ai than phiền về hàng tiêu dùng tràn ngập thị trường, các phương tiện phục vụ con người bội tăng, nhưng người ta than phiền về ý thức cộng đồng, về tình trạng đạo đức xuống cấp, về tội phạm gia tăng, về con người không còn biết ‘đầu đội trời chân đạp đất’ nữa. Sự nghịch lý đó tạo nên bi hài kịch cho cuộc sống. Một đàng, mọi nỗ lực để làm phát triển, thỏa mãn những nhu cầu khẩn thiết của con người là tốt, là đáng trân trọng. Đàng khác, sự lo ngại một nếp sống hưởng thụ, thiếu văn hóa xâm nhập. Nhìn vào hiện trạng hôm nay, hẳn đã có không ít những bậc phụ huynh hối tiếc ‘cái thời buổi truyền thống của họ’… Nhưng, nếu đóng cửa để ngăn làn gió độc, thì cơn gió mát, trong lành cũng phải chịu ở ngoài luôn. Vấn đề là cung cách hành xử thế nào?... Văn hóa là chính cái thể hiện đạo đức ra bên ngoài. Còn đạo đức chính là văn hóa thấm nhiễm từ bên trong. Có thể nói Văn hóa chính là đạo đức vậy, và ngược lại. Nếu không có cả hai thì chẳng có cái nào cho đúng nghĩa cả. Một khi đạo lý đã không thấm nhiễm vào tâm hồn thành chất miễn nhiễm, thì văn hóa, môi sinh văn hóa sẽ bị ô nhiễm.

Thế nên, làm thăng tiến 1 con người đích thực chính là thăng tiến đạo đức và văn hóa vậy. Những giá trị nhân bản và tâm linh của dân tộc, của tôn giáo đã đan kết thành hình hài văn hóa, môi sinh cần thiết cho đời sống tâm linh, đạo đức văn hóa của con người Việt Nam nói riêng và toàn thể nhân loại nói chung. … ‘Trở về nguồn’ là trở về với môi sinh của những giá trị nhân bản và tâm linh nguyên tuyền nhất. ‘Trở về nguồn’ là trở về với quốc hồn quốc túy của dân tộc, với ‘cái tâm’ thực sự của con người. Trở về với văn hóa trong cách ăn, nói, đi, đứng, hành động… rất gần gũi với đời thường. Văn hóa là đời thường được trau chuốt, được uốn nắn vậy. Cái văn hóa đời thường đó là ‘ăn quả nhớ kẻ trồng cây’, ‘ Nhiễu điều phủ lấy giá gương, người trong một nước phải thương nhau cùng’, ‘Cây có cội, nước có nguồn’, ‘Công cha như núi Thái Sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra’,… hay… ‘Lạy Trời mưa xuống, lấy nước tôi uống, lấy ruộng tôi cày, lấy đầy bát cơm’…

Một khi môi sinh văn hóa đã bị ô nhiễm trầm trọng, thì con người sống trong đó hít thở, hấp thụ một bầu khí thiếu trong sạch, thiếu lành mạnh. Con người đó bị quay quắt, nhồi ép, bầm đập và ‘lao phổi’ trầm trọng. Thế nên, không tránh khỏi căn bệnh ‘đánh mất chính mình’. Người ta sống không còn phải là mình nữa, không còn phải là ‘hình ảnh Thiên Chúa nữa’. ‘Con người lao phổi’ đó, đến lượt mình, lại tác động lên môi trường. Đã đành, có 1 lúc nào đó trong lịch sử nhân loại, con người đã giơ tay đấm lên trời cao, đã phủ nhận nguồn cội của chính mình là Thiên Chúa, và rồi đành chấp nhận một dung nhan con người méo mó. Giáo lý Kitô gọi đó là tội nguyên tổ. Nhưng còn hơn thế nữa, ngày nay người ta giơ tay đấm vào chính mình, vào những giá trị con người, lòng nhân ái, hiếu, nghĩa… Nhân loại đi từ tội nguyên tổ thứ nhất – tội Ađam đến tội nguyên tổ thứ hai là treo Đức Giêsu lên Thập giá. Và đến nay, tội nguyên tổ thứ ba đó là đóng đinh chính con người vào Thập giá. Vô tình hay hữu ý, một khi con người bị treo lên, thì thay vì kéo tạo vật lên (như Đức Giêsu), lại dìm con người xuống, tạo vật xuống. Gánh nặng trở lên nặng hơn. Con người đã bị đóng đinh, tất cả đưa đến tình trạng xuống cấp, suy đồi về lối sống, về văn hóa và về đạo đức.

Đi ngược lại với con người, tất sẽ đi ngược lại Thiên Chúa. Không thuận theo Thiên Chúa, tất cũng chẳng thuận theo con người. Thế nên, giải quyết tệ nạn xã hội, hiện trạng thanh thiếu niên phạm pháp, đạo đức suy thoái.., bằng những biện pháp hành chánh, những văn bản, những nghị định… cũng chỉ là giải pháp ngọn. Lẽ thường tình, người ta dễ có khuynh hướng đổ lỗi cho những ‘khó khăn khách quan’, do kinh tế suy thoái, … như là nguyên nhân chính yếu của những thảm trạng xã hội và đất nước hiện nay. Cái vòng luẩn quẩn cứ mãi là như thế. Cuộc đời và con người mi mi vẫn cần được cứu độ…

Và Thiên Chúa đã Nhập thể để Cứu độ trần gian…

Đây là cái ghế đẩu của Cha
Nơi Chúa nghỉ chân
Giữa những người rất nghèo nàn, nhỏ bé và lạc lòng.

Nếu con cúi mình tới Chúa
Lòng cung kính của con
Không cúi sâu được tới mức thẳm sâu
Nơi Chúa nghỉ chân
Giữa những người rất nghèo nàn, nhỏ bé và lạc lõng.

Nơi nào kiêu căng không ám ảnh
Chính là nơi Chúa bước đi
Trong dáng điệu nghèo hèn
của người khiêm hạ
Giữa những người rất nghèo nàn, nhỏ bé và lạc lõng

Tâm con sẽ chẳng bao giờ
tìm thấy đường đi
tới nơi Chúa nhập bọn
với những người không bạn đồng hành
Giữa những người rất nghèo nàn, nhỏ bé và lạc lõng.
                                                 (Rabindranath Tagore)

Cứu độ là nhập cuộc. Cứu độ là phục hồi, là canh tân, là tái sinh những gì đã không còn là nguyên thủy. Cứu độ không phải là gì trên mây, trên gió, hứa hẹn xa xôi, nhưng chính ngay trong đời thường này ‘Nước Trời ở giữa anh em-, trong những gì gần gũi thân quen vì Thiên Chúa đã ‘ở cùng chúng ta’. Con người, tạo vật, cái nôi tinh tuyền thế giới này đã bị hư đi. Tự do được trao ban vốn là hồng ân cao quý đã trở thành án phạt vì lòng người không còn nguyên tuyền nữa. Tạo vật thương tật từ cội nguồn vẫn mong ngóng chờ ngày cứu độ. Cuộc phân tranh truyền kiếp diễn ra giữa con người với tạo vật, giữa thiện và ác, giữa con người với nhau ngay trong Cung thánh của Đấng Tạo thành – thế giới này. Đời người quả yếu hèn, tội lỗi, ngu muội bên cạnh quá ít nghị lực, thanh khiết, tinh trong. Đời người đảo điên, lăng xăng, sợ hãi, bấn loạn, bận rộn, mệt mỏi, thất vọng bên cạnh quá ít niềm vui và hy vọng. Đời người chút không gian nhỏ nhoi giữa mênh mông trời đất vô cùng. Nghèo nàn, nhỏ bé, lạc lõng. Thế nhưng, Thiên Chúa vẫn cứ ‘xé trời ngự xuống’ trong Cung thánh của mình, Cung thánh của đời người – cuộc đời và cung thánh của người đời -con người. Một tấm lòng đi tìm một tấm lòng.

Đến trong trần gian, làm người, hiện diện với, cư xử như… là những lối diễn tả của một thực tại sống động: Nhập thể. Những trang đầu Sách Sáng thế đã có cung cách của một Thiên Chúa Nhập thể rồi: đi dạo trong vườn, gọi Ađam, nặn đất sét… Trong suốt dòng lịch sử Thiên Chúa nói với các tổ phụ, các ngôn sứ, các thủ lãnh… theo cung cách con người, phù hợp với tâm thức, thời đại, não trạng, văn hóa của họ. Cho đến khi Đức Giêsu – Thiên Chúa Nhập thể giao du với người tội lỗi, nói chuyện với người đàn bà Samari, đi “ăn nhậu” tại tiệc cưới Cana, lang thang đây đó trên các nẻo đường Palestin, du hành trên thuyền.. cũng vẫn chỉ là: Nhập thể. Một vị Thiên Chúa 3 lần Thánh cũng vẫn là vị Thiên Chúa gần gũi, thân quen với đời thường. Nếu tội nguyên tổ là cớ kéo Thiên Chúa đi vào trần gian, thì ‘tội nguyên tổ hôm nay’ phải kéo được Thiên Chúa đi vào chính sâu thẳm cõi lòng con người, nơi Thiên Chúa là Người Con trong con người. Qua Đức Kitô, Kitô giáo muốn là và vốn đã là nỗi thao thức muốn sống cho sâu, cho đầy, cho trọn phận người. Thế nên, xây dựng và thăng tiến con người trong một trật tự mới theo Tin mừng, theo nguyên mẫu con người ‘sống theo Thần Khí’ – Đức Kitô, vẫn là mối ưu tư hàng đầu. Những tiêu cực chỉ là mặt trái của con người sẽ được lấp đầy bằng những tích cực, những đạo đức, văn hóa đích thực. Như một vật lạ được đưa vào cơ thể con người, nó không thể hòa nhập để trở thành máu thịt con người được và cuối cùng nó sẽ bị đẩy ra ngoài. Cũng thế, những gì là tiêu cực, là phản văn hóa rồi ra cũng chẳng có chỗ đứng. Sức đề kháng, tự bảo vệ vốn là một khả năng vốn có cho đời sống tự nhiên cũng như cho đời sống tâm linh.. Nhưng khả năng đó đang bị ‘thui chột’, ‘điếc lác’ và ‘què quặt’ do ảnh hưởng môi trường. Cần làm mới lại con người, môi sinh văn hóa và tâm linh. Có thể nói Tin Mừng Hóa khởi đầu là Văn hóa hóa lại vậy !

Con người là 1 hữu thể mở ra và đi sâu vào. Mở ra với vô biên, với những gì là cao quý, là tiến bộ, là trình độ hiểu biết ngày càng cao. Đi sâu vào cõi thâm sâu mình, đi sâu vào những gì là đặc trưng văn hóa đời thường, văn hóa con người.

Nét đặc trưng vị Thiên Chúa Kitô giáo là 1 vị Thiên Chúa Nhập thể. Người đồng hành với lịch sử, can thiệp, hướng dẫn lịch sử nhân loại. Hơn nữa, Người đang nhập thể mỗi ngày trong lịch sử cuộc đời mỗi con người chúng ta, một hữu thể vốn mở ra với vô biên ( chiều cao) và gắn chặt với lòng mình (chiều sâu) trong một lịch sử cụ thể, tại một nơi chốn rõ ràng (Hic et Nunc; Lúc này và tại đây). Đời người vốn “chòng chành’ giữa hai chiều cao và chiều sâu này: mở lòng mình ra, hướng lên trời, đón nhận Thiên Chúa Nhập thể, ĐỒNG THỜI, đi vào cõi thâm sâu lòng mình - cung thánh của Thiên Chúa - để hiện diện với chính mình. Nhập thể trong lịch sử đã hoàn tất chiều cao và Nhập thể trong đời ta hoàn tất chiều sâu này.

Nhưng lịch sử vẫn không ngừng trôi chảy, liên tục vận hành và vẫn không thiếu những quái vật Minotaure hiện đại rình rập ‘chực ăn tươi nuốt sống’ tất cả. Cái nôi trái đất này vốn đã rách nát (do nguyên tội) lại càng rách nát thêm. Con người vẫn cần Thiên Chúa cứu độ, vẫn cần Tin Mừng hóa và Văn hóa hóa lại mỗi ngày.

Và NHƯ THẾ, Lời nguyện của Thi sĩ Gabriela vang vọng như một cảnh tỉnh:

Nếu hàng đêm,
Tôi cố gắng
Tin vào bình minh đang đến.

Nếu từ từ, tôi cố gắng
Hàn gắn lại hy vọng
Gắng từng bước
Sống tình anh em
Gắng dần dần
Xây dựng hòa bình
Nếu bất chấp tất cả,
Tôi cố gắng
Đầy lui sự khinh thị,
Bất chấp sợ sệt,
Xây dựng tình huynh đệ,
Thì mỗi lần như thế,
Niềm an ủi và hy vọng
Long lanh trong đáy mắt
Đang loan báo về lễ Giáng sinh.

… Đêm hôm đó trong một chuồng bò
Hài nhi cất tiếng kêu, kêu gọi cố gắng
Tiếng kêu: gọi sự sống
Chống lại những đam mê và những vòng kẽm gai
Tiếng kêu: gọi tự do
Chống lại mọi hình thức nô tỳ, đặc quyền, độc chiếm
Tiếng kêu: gọi tình yêu
Chống lại những cửa lòng đóng kín
Và những cuộc chiến ngu ngốc

Hài nhi ở Bê lem, nhỏ bé và yếu đuối
Vừa tuyên bố về một tình yêu vĩ đại
Một niềm vui cho toàn dân
Một tin mừng cho mọi người.

Chúa ơi, Hài nhi ở Bê lem, chính nhờ Ngài
Bóng đêm bỗng bị đẩy lùi
Từng ngày và mãi mãi. Amen
                            (Lời nguyện bên máng cỏ)