Thứ Sáu, 25 tháng 9, 2020

MỤC VỤ GIỚI TRẺ : Suy Tư Thần Học

Thời sự Thần học - số 80, tháng 05/2018, tr. 139-155

_Don Rossano Sala, S.B.D._

Tác giả là một linh mục Dòng Don Bosco, giáo sư đại học Salesianum (Roma), giám đốc nguyệt san Note di pastorale giovanie, được Đức Thánh Cha Phanxicô bổ nhiệm làm Thư ký đặc biệt cho Thượng hội đồng Giám mục 2018. Bài này tóm lại bài thuyết trình trước Ủy ban mục vụ giới trẻ của Hội đồng Giám mục Italia (ngày 12/2/2014)[1]. Chữ viết tắt: MVGT = Mục vụ giới trẻ. Dàn bài:
I. Những câu hỏi nền tảng: Hải đăng, chân trời và bến cảng của MVGT
II. Chiến lược: tỏ cho thấy vẻ đẹp của Kitô giáo
III. Phong cách: làm chứng, gần gũi, cốt yếu
IV. Phẩm tính: huynh đệ, đồng trách nhiệm, môn đệ

I. Những câu hỏi nền tảng: Hải đăng, chân trời và bến cảng của MVGT


A. Khái niệm về MVGT


Câu hỏi đầu tiên được đặt ra là: MVGT là gì? Tôi xin nhường lời cho cha Riccardo Tonelli SDB (1936-2013), một chuyên gia lỗi lạc trong lãnh vực này sau công đồng Vaticanô II: “Mục vụ giới trẻ là tất cả những hành động mà cộng đồng Hội thánh thực hiện, dưới sự hướng dẫn quyền năng của Thần khí Đức Giêsu, để đem lại sức sống và hy vọng sung mãn cho tất cả các bạn trẻ.. […] Mục vụ chỉ có một: phục vụ sự sống trong Chúa Giêsu, Chủ tể sự sống, Danh duy nhất mang lại sự sống cho chúng ta. Mục vụ được phân chia thành nhiều ngành riêng biệt, bởi vì nó được nhập thể vào những hoàn cảnh khác nhau và cụ thể. Mục vụ được gọi là “giới trẻ” khi việc phục vụ sự sống trong Chúa Giêsu được thực hiện nơi thế giới các bạn trẻ”[2].

Định nghĩa này cho thấy rằng ngay từ đầu MVGT nằm trong sứ mạng của Giáo hội là loan báo Tin Mừng. MVGT muốn công bố Đức Giêsu là Chúa, và duy chỉ nơi Người, chúng ta mới có thể tìm thấy sự sống và hy vọng sung mãn.

B. Hải đăng: Chúa Kitô soi sáng, sưởi ấm và phái cử chúng ta


Câu hỏi thứ hai: Đâu là ngọn hải đăng của MVGT? Xin thưa rằng ánh sáng đến từ đức tin, và nói chính xác hơn, đến từ Chúa Giêsu là ánh sáng của thế gian. Nhờ hy lễ của Đức Kitô, chúng ta nhận được ánh sáng và nhiệt lực để thực hiện công cuộc truyền giáo và giáo dục. Tôi muốn cùng quý vị nghe lại những lời của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI trong bài giảng Đêm Vọng Phục sinh năm 2012:

Trong Đêm Vọng Phục sinh, đêm của cuộc tạo dựng mới, Hội thánh giới thiệu mầu nhiệm ánh sáng với một biểu tượng độc đáo và khiêm tốn: cây nến Phục sinh. Đây là một ánh sáng sống bằng sự hy sinh. Ngọn đèn chiếu sáng bằng cách tiêu hủy chính mình. Nó trao ban ánh sáng bằng cách trao ban chính mình. Như vậy nó tượng trưng cách tuyệt vời mầu nhiệm vượt qua của Đức Kitô, Đấng đã ban chính mình và ban ánh sáng. Điều thứ hai mà chúng ta có thể suy niệm, đó là ánh sáng là lửa. Lửa là sức mạnh nặn lên thế giới, một sức mạnh làm thay đổi. Lửa trao ban sức nóng. Đến đây mầu nhiệm Đức Kitô lại được tỏ lộ. Đức Kitô là ánh sáng, là lửa thiêu đốt sự dữ, nhờ vậy đã làm thay đổi thế giới và chúng ta. “Ai đến gần tôi thì đến gần lửa”: đó là một lời của Chúa do ông Origène truyền lại. Và lửa này cũng chính là sức nóng, chứ không phải là một ánh sáng lạnh lùng; ánh sáng chuyển thông cho chúng ta sức nóng và lòng tốt của Thiên Chúa[3].

Chúng ta hãy để cho ánh sáng Chúa Kitô soi sáng và hâm nóng, ngõ hầu đến lượt chúng ta cũng trở thành ánh sáng và sức nóng cho tất cả những ai mà chúng ta gặp gỡ trên đời. Chính Đức Kitô tử nạn và phục sinh, Đấng đã hiến mạng sống mình và vì thế đã phục sinh, Người đã sai các môn đệ ra đi: “Anh em hãy ra đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ ... Này đây, Thầy ở với anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,19-20). Qua những lời ấy, ta đã thấy vạch ra một chương trình cho MVGT: “Hãy ra đi và làm cho tất cả các bạn trẻ trở thành môn đệ!”:
  • Hãy ra đi: đây là một cuộc lên đường, ra khơi, đi gặp gỡ các bạn trẻ tại nơi họ sinh sống;
  • Hãy làm: hoạt động mục vụ bao gồm các hành động, chứ không chỉ giới hạn vào lý thuyết hoặc đào tạo trí thức;
  • Các môn đệ: mục tiêu của MVGT không chỉ là đào tạo nhân bản, nhưng bao hàm ước muốn đưa các bạn trẻ làm môn đệ Đức Kitô;
  • Tất cả các bạn trẻ: trên nguyên tắc, công tác giáo dục công giáo mở ra cho hết mọi bạn trẻ.

C. Chân trời: những lãnh vực dấn thân


Câu hỏi thứ ba: Đâu là chân trời của MVGT?

Nếu Giáo hội quan tâm đến việc phát triển tất cả con người và tất cả mọi người[4], thì chúng ta phải nói rằng, với cũng một lòng say mê ấy, chân trời của MVGT là quan tâm đến “tất cả bạn trẻ và tất cả các bạn trẻ”. Để được chính xác hơn, tôi xin nói đến 5 vòng tròn đồng tâm, quyện lẫn nhau chứ không phải đứng cạnh nhau:
  • Thăng tiến con người. Trong phạm vi thế hệ trẻ, điều này có nghĩa là công tác giáo dục. Giáo hội đồng hành với các bạn trẻ trên hành trình cuộc đời;
  • Loan báo Tin Mừng. Điều này có nghĩa là đưa mỗi bạn trẻ đến gặp gỡ Chúa Giêsu, qua phụng vụ và huấn giáo;
  • Huấn luyện lương tâm, giúp các bạn trẻ có khả năng phân định điều tốt điều xấu, biết chọn lựa những giá trị theo Tin Mừng, thay vì chạy theo cả các giá trị theo thế gian, và huấn luyện các bạn xác tín về đức tin[5].
  • Đồng trách nhiệm với các bạn trẻ: MVBT không phải là nhắm tới các bạn trẻ, nhưng là “cùng với các bạn trẻ”, lôi cuốn họ vào hoạt động tông đồ như là những nhân vật chính;
  • Chăm sóc đời sống tâm linh theo hướng ơn gọi. Để xứng đáng với tầm cỡ, MVGT cần đạt đến chỗ đưa các bạn trẻ nhận ra, đón nhận và đáp lại ơn gọi cá nhân và sứ mạng của mình. Điều này giả thiết khả năng đồng hành tâm linh, để giúp phân định ơn gọi.

Dĩ nhiên là không nên tách rời 5 lãnh vực ấy, nhưng cần để ý đến tất cả, tuy vẫn tôn trọng định luật tiệm tiến. Trên thực tế, các lãnh vực ấy thường trở thành những ngành chuyên biệt của MVGT: dù sao ta nên tôn trọng tính đa dạng nhưng đừng nên đánh mất cái nhìn tổng quát.

D. Bến cảng: ánh sáng, muối và men trong thế gian


Câu hỏi thứ bốn như thế này: Đâu là bến cảng của MVGT?

Xin trả lời rằng chúng ta làm việc tại nơi các bạn trẻ đang sinh sống, nghĩa là trong một nền văn hóa và trong một lịch sử. Đành rằng đức tin khác với văn hóa, nhưng không hề xa lạ với văn hóa. Chúng ta sinh sống và làm việc tại bến cảng, nghĩa là nơi trao đổi, nơi vất vả làm việc, nơi nhập và xuất, nơi thảo kế hoạch và thực hành. Chúng ta không tách rời khỏi thế giới, nhưng chúng ta phải trở thành men, muối và ánh sáng cho đời. Các Kitô hữu khác biệt với đời, nhưng sống trong đời chứ không ở ngoài đời, như tác giả bức thư gửi Điônhêtô đã nói[6].

Chúng ta không xa tránh thế giới, cho rằng ngày nay không thể nào giáo dục và loan báo Tin Mừng cho giới trẻ được nữa! Như Đức thánh cha Phanxicô đã nói, việc loan báo Tin Mừng không hề dễ dàng, thời xưa cũng như thời nay. Nhưng Chúa đã kêu gọi chúng ta, trao cho một sứ mạng để hoạt động vào thời buổi hôm nay, chứ không chờ đợi cho đến khi nào thời cơ thuận tiện hơn[7].

II. Chiến lược: tỏ cho thấy vẻ đẹp của Kitô giáo


Chúng ta đang sống trong một thời điểm độc đáo của lịch sử và của Giáo hội, thời điểm của nhiều thay đổi, với những nguy hiểm nhưng cũng nhiều cơ may. Điều này đòi hỏi phải thay đổi chiến lược. Trong Giáo hội, người ta thường nói đến “loan báo Tin Mừng cách mới mẻ”. Chúng ta cần phải hiểu rõ ý nghĩa của từ ngữ này, để rút ra những kết luận cho việc thảo chiến lược mục vụ.

A. Phải hiểu “loan báo Tin Mừng cách mới mẻ” như thế nào?


Nếu tôi không lầm, thì hiện nay trong Giáo hội có hai khuynh hướng giải thích từ “mới mẻ”.

1/ Một khuynh hướng muốn đối chọi với thế giới hiện nay, và chủ trương trở về với nếp sống chặt chẽ trước đây. Điều này được thấy rõ nơi vài phong trào muốn khôi phục phụng vụ trang nghiêm trước Công đồng, nhằm phản ứng khuynh hướng “tục hóa” trong các buổi cử hành hiện nay.

2/ Một khuynh hướng muốn “xét lại” Kitô giáo, nghĩa là quay trở về với những đòi hỏi của Tin Mừng, chứ không chỉ nghĩ đến việc thích nghi với thời đại. Trong khuynh hướng này, ta cũng có thể nhận thấy hai điểm nhấn khác nhau:

a) Một bên nhấn mạnh đến những người đón nhận Tin Mừng: văn hóa thời nay, con người thời nay, giới trẻ thời nay. Cần phải tìm cách: “làm thế nào nói về Thiên Chúa cho giới trẻ thời nay?”;

b) Một bên nhấn mạnh đến những người loan báo Tin Mừng: trước khi tìm cách thích nghi với thời đại, Hội thánh cần phải nghĩ đến việc “hoán cải” để sống hợp với Tin Mừng. Thật vậy, Hội thánh không bao giờ có thể tự hào rằng mình đã hoàn chỉnh trước mặt Thiên Chúa, vì thế phải luôn luôn chỉnh đốn nếp sống của mình, ngõ hầu có khả năng để làm chứng cho Thiên Chúa trước mặt người đời.

Hẳn nhiên, không nên đối chọi hai khuynh hướng vừa nói (một bên hướng ngoại, một bên hướng nội): cả hai đều muốn “xét lại” Kitô giáo, nhưng cần phải bổ túc cho nhau. Đừng chỉ nghĩ đến việc tìm kiếm những kỹ thuật mới để loan báo Tin Mừng (bằng cách nào), nhưng cần phải khám phá những động lực mới (tại sao loan báo Tin Mừng). Nếu chúng ta chỉ nghĩ đến “kỹ thuật” mà không nghĩ đến “động lực” thì sẽ có nguy cơ biến Tin Mừng thành món hàng của kỹ thuật truyền thông: đưa Tin Mừng vào internet, twitter, như một mẩu tin thời sự; đang khi đó chúng ta không thể cho Tin Mừng đánh động chính chúng ta. Chúa Kitô trở thành sứ điệp dành cho người khác, chứ không dành cho chính chúng ta[8].

B. Con đường của Đức Giêsu, lữ khách và lữ hành giữa chúng ta


Mỗi lần muốn canh tân Hội thánh, chúng ta phải quay trở về với Đức Kitô, là người tiên khởi loan báo Tin Mừng, và luôn mang lại điều mới mẻ cho chúng ta. Chiến lược của Người là “nhập thể”: Người không tỏ ra thù nghịch với thế giới, cũng chẳng tiếp đón thế giới như khách khứa, nhưng chính Người đến xin thế giới tiếp đón mình: Người là lữ khách và lữ hành giữa chúng ta[9]. Theo gương Người, Hội thánh cũng trở thành người khách đi tìm chỗ trọ: một đàng đến gõ cửa Tin Mừng, đàng khác đến gõ cửa thế giới, một cách khiêm tốn. Đối với MVGT, điều này có nghĩa là: a) hãy đến xin Tin Mừng tiếp đón chúng ta, để từ đó chúng ta tái khởi hành; b) chúng ta hãy xin thế giới và các bạn trẻ tiếp đón chúng ta, làm cách nào để họ yêu thương chúng ta và nhìn nhận công việc làm của chúng ta.

Điều này đưa chúng ta đến việc suy nghĩ về chiến lược loan báo Tin Mừng. Có người muốn đi tìm một điểm chung để đối thoại với thế giới, chẳng hạn qua con đường của lý trí, triết học. Có người muốn trình bày nét độc đáo của Tin Mừng, theo gương Chúa Giêsu: quan tâm đến người nghèo, lòng thương xót dành cho kẻ tội lỗi hoặc những người bị gạt ra bên ngoài. Xem ra Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI chú trọng đến con đường thứ nhất, Đức Thánh Cha Phanxicô chuộng con đường thứ hai.

III. Phong cách: làm chứng, gần gũi, cốt yếu


“Truyền giáo không giống như một vụ giao dịch kinh doanh hay đầu tư, hay thậm chí như một hoạt động nhân đạo. Nó không phải là một buổi trình diễn ở đó chúng ta đếm xem có bao nhiêu khán giả đến dự nhờ quảng cáo của chúng ta; nó là một cái gì sâu hơn nhiều, không lấy thước nào mà đo được. Có thể Chúa dùng các hi sinh của chúng ta để ban phúc lành cho các miền khác của thế giới mà chúng ta sẽ không bao giờ đến thăm. Chúa Thánh Thần hoạt động theo Người muốn, khi Người muốn và ở nơi nào Người muốn; chúng ta phó thác cho Người mà không đòi nhìn thấy các kết quả ấn tượng. Chúng ta chỉ biết rằng dấn thân của chúng ta là cần thiết. Chúng ta hãy học để biết nghỉ ngơi trong vòng tay âu yếm của Cha giữa các hoạt động quảng đại và sáng tạo của mình. Chúng ta hãy tiếp tục tiến tới; chúng ta hãy dâng cho Người mọi sự, để Người làm cho các cố gắng của chúng ta sinh hoa kết quả đúng thời đúng lúc” (Evangelii gaudium, số 279).

Ngày 14 tháng 10 năm 2013, khi tiếp Hội nghị khoáng đại của Hội đồng Loan báo Tin Mừng cách mới mẻ, Đức Thánh Phanxicô đã tóm tắt phong cách và nội dung của cuộc loan báo Tin Mừng vào ba điểm: 1/ Chứng tá; 2/ gặp gỡ; 3/ chú trọng đến điều thiết yếu. Những điểm này khai triển điều vừa mới trình bày trên đây, đó là chú trọng đến phong cách của mình, trước khi nghĩ đến kỹ thuật hành động.

A. Chứng tá


Truyền giáo có nghĩa là “mang Chúa đến” và “mang đến Chúa”. Trong tiếng Latinh, testis bắt nguồn từ terstis, “đệ tam nhân”, nghĩa là kẻ đứng ở giữa hai người, bắt liên lạc với đôi bên[10]. Làm đệ-tam-nhân có nghĩa là phải vâng phục hai bên: một bên là tôn trọng sứ điệp đã lãnh nhận, không được tự tiện thay đổi; một bên là những điều kiện của người được trao sứ điệp.

Ngày nay, xem ra Giáo hội nói nhiều về Thiên Chúa nhưng ít nói với Chúa. Kết quả là họ nói về một Thiên Chúa được biết do người ta kể lại, chứ không từ một cảm nghiệm thân mật với Ngài. Người trẻ sẽ sớm nhận ra sự khác biệt giữa một người “thân tín của Chúa” với một người “quảng cáo lời Chúa”[11]. Vì thế, việc làm chứng cho Thiên Chúa đòi hỏi phải nói với Chúa trước khi nói về Chúa. Một hệ luận về đào tạo là cần liên kết mục vụ với đời sống tâm linh: cả hai liên hệ chặt chẽ với nhau. Chúng ta truyền đạt điều mà chúng ta đã cảm nghiệm (x. 1 Ga 1,1-3), ngõ hầu hoạt động của chúng ta trở nên như tỏa lan hương thơm của Chúa (x.2Cr 2,15). Chúng ta phải trở nên “môn đệ” của Chúa trước khi “làm tông đồ”. Đối lại, không thể được coi như một người môn đệ chân chính của Chúa nếu không đi làm tông đồ cho Chúa.

B. Gần gũi


Quy tắc nhập thể mời gọi chúng ta đến gần gũi các bạn trẻ. Ngỏ lời với các giám mục Mỹ châu Latinh, Đức thánh cha Phanxicô nhắc lại rằng Đại Hội Aparecida đã đưa ra hai phạm trù mục vụ: gần gũi và gặp gỡ. Thật ra điều này chẳng có gì mới lạ, bởi vì đó là cách thức mà Thiên Chúa đã mặc khải chính mình trong lịch sử: Thiên Chúa ở gần với dân của Người, với cao điểm là mầu nhiệm Nhập thể; Thiên Chúa đến gặp gỡ dân của Người. Trong Giáo hội, có những đường hướng mục vụ “xa xôi”, nhấn mạnh đến các nguyên tắc, cơ cấu tổ chức, và như vậy là chẳng biết chi đến sự gần gũi, âu yếm của Thiên Chúa nhập thể. Đường hướng mục vụ như thế không thể tạo ra sự gặp gỡ, hiệp thông được[12].

Các vị thánh làm việc với các bạn trẻ đã đi theo con đường gặp gỡ và gần gũi, như thánh Gioan Bosco chẳng hạn. Người thích sống giữa các bạn trẻ. Người thu hút các bạn không vì những bài thuyết trình hùng biện, nhưng nhờ lối tiếp xúc thân mật, nói chuyện với các em, để cho các em đến gần Người.

Sự gần gũi này đòi hỏi chúng ta một hành trình khổ chế để tạo cho mình một thái độ dấn thân chín chắn và khôn ngoan. Nó đòi hỏi đức khiết tịnh của tâm trí và thân xác, để có thể yêu mến các bạn trẻ, nhìn thấy Thiên Chúa nơi họ.

C. Cốt yếu


Việc noi gương Thiên Chúa gần gũi sẽ đưa chúng ta đến việc thực hành đức thanh bần theo Phúc âm. Theo Đức Thánh Cha Phanxicô, đây là một hệ luận của biến cố Nhập thể. Thiên Chúa đã muốn gần gũi con người, cho nên ngay từ đầu, Người đã muốn tự lột bỏ mình, và kết thúc với việc chết trên thập giá. Đức Kitô đã mang lại ân sủng cho loài người nhờ sự khó nghèo của Người: “tuy giàu sang, Người đã trở thành nghèo khó vì chúng ta, ngõ hầu chúng ta được trở nên giàu sang nhờ sự khó nghèo của Người” (2Cr 8,9). Và sự khó nghèo (kết quả của sự chia sẻ và huynh đệ) làm cho con người được trở nên giàu sang không chỉ trước mặt Thiên Chúa mà cả trước mặt loài người nữa. Những người nghèo là những người mong đợi tất cả nơi Thiên Chúa; vì vậy chân phúc thứ nhất đã được dành cho họ: “Phúc cho những người nghèo trong tinh thần, vì nước trời là của họ” (Mt 5,3); “Phúc cho các bạn, những người nghèo, bởi vì nước Thiên Chúa là của các bạn” (Lc 6,20).

Ngày hôm nay, để đi tới cốt lõi của công cuộc loan báo Tin Mừng cách mới mẻ, cần có những vị tông đồ có khả năng sống cái thiết yếu và loại bỏ cái dư thừa. Như cha H. de Lubac đã viết, vị thánh của ngày mai cần phải khó nghèo, khiêm tốn, không có tài sản, nhưng có tinh thần các mối phúc thật và biết yêu thương; chấp nhận khổ chế để được giải thoát khỏi chính mình, và đi theo Chúa[13]. Ngày hôm nay, cần có những tông đồ biết chấp nhận đức tiết độ và khổ chế, trong một thế giới không còn biết kiềm chế các nhu cầu.

Đức tính cốt yếu sẽ đưa các nhà giáo dục chú trọng đến sự hiện diện về phẩm hơn là về lượng, nghĩa là trở thành những chuyên gia về tương quan nhân bản hơn là những người cung cấp các dịch vụ. Nhờ vậy, các bạn trẻ sẽ gặp gỡ các khuôn mặt con người (face to face) hơn là chăm chú cắm mắt vào màn hình (Facebook)[14].

IV. Phẩm tính: huynh đệ, đồng trách nhiệm, môn đệ


Một thành quả quan trọng nhất của công đồng Vaticano II là tư tưởng “Giáo hội là một sự thông hiệp”. Thế nhưng đã có bao nhiêu người đã nhận ra điều đó? Và từ chỗ hiểu biết đến chỗ thực hành, còn một chặng đường khá dài phải trải qua nữa! Tuy vậy, đó là lý tưởng mà chúng ta cần phải trình bày cho các bạn trẻ và cùng nhau thực hiện với họ. Chúng tôi muốn chú ý đến ba điểm sau đây.

A. Những ngôn sứ của tình huynh đệ


Nếu sự hiệp thông là cứu cánh của mọi hoạt động của Giáo hội, thì hiệp thông cũng phải là phương thế để đạt đến cứu cánh. Không thể tách rời cứu cánh và phương thế. Phương thế phát xuất từ cứu cánh và phải dẫn đến cứu cánh. Chúa Giêsu là chân lý mà ta phải đạt đến, đồng thời cũng là con đường mà ta phải đi. Sự thông hiệp là cứu cánh, thì các phương thế dẫn đến đó cũng phải biểu lộ tính thông hiệp. Tiếc rằng chúng ta thường chỉ nghĩ đến cứu cánh (các nguyên tắc, các chân lý) mà bỏ qua các tiến trình và phương pháp. Nói cách khác, các phương pháp hoạt động mục vụ cần mang tính chất hiệp thông, nghĩa là đối thoại. Những người dấn thân vào MVGT cần có khả năng làm việc chung với nhau. Điều này khác với tư cách đòi hỏi nơi một lãnh đạo một công ty hay doanh nghiệp. Trong một đội ngũ hoạt động mục vụ, người lãnh đạo không nên tự coi mình như người chỉ huy, đốc thúc các nhân viên, nhưng đúng hơn là người điều phối các công tác, tạo ra một bầu khí hòa hợp giữa các cộng sự viên.

Nói cách khác, chúng ta có thể nói đến một thứ “ngôn sứ” của tình huynh đệ (bởi vì không dễ thực hiện vào thời đại của chúng ta) và thậm chí một thứ “huyền nhiệm” của tình huynh đệ (bởi vì nó bắt nguồn từ sự thông hiệp với “Thiên Chúa là tình yêu”, 1Ga 4,16).

Tóm lại, hoạt động giáo dục của các cộng đoàn Kitô hữu cần mang màu sắc của linh đạo tương quan và đồng trách nhiệm: đây là một lý tưởng và một thách đố.

B. Lôi cuốn các bạn trẻ đồng lãnh trách nhiệm


Nếu chúng ta tin rằng toàn thể Hội thánh là chủ thể của công cuộc loan báo Tin Mừng, hẳn nhiên là các bạn trẻ không thể nào chỉ là những chủ thể thụ động. Tình thần hiệp thông, chia sẻ, đồng trách nhiệm vừa nói trên đây cũng cần được áp dụng cho các bạn trẻ. MVGT không có nghĩa là nhắm đến giới trẻ mà còn là cùng với giới trẻ. Các bạn cần được huy động để chia sẻ vào sinh hoạt của Giáo hội: chia sẻ đời sống đức tin cũng như chia sẻ hoạt động tông đồ. Công tác mục vụ không thể thỏa mãn với việc truyền đạt một số kiến thức lý thuyết, nhưng cần làm sao để các bạn trẻ có thể “cảm nghiệm” tình yêu của Thiên Chúa và Triều đại của Người, để rồi từ đó các bạn ý thức được gọi làm môn đệ của Đức Kitô.

Điều này hàm ngụ rằng chúng ta biết đặt tin tưởng vào các bạn trẻ, hy vọng vào khả năng của họ, tuy dù có lúc thất bại. Tuổi trẻ là thời kỳ mò mẫm, chưa thể quyết định dứt khoát. Dù vậy, họ cần được tin tưởng; nếu thiếu sự tin tưởng này thì không thể nào nói đến việc đồng hành nữa.

C. Tinh thần bát phúc như hình thái của toàn thể cộng đồng Kitô hữu


Ngày nay chúng ta chìm ngập trong một xã hội của các quyền lợi, và xem ra đây là một đặc trưng của xã hội Tây phương. Xem ra “quyền được hưởng quyền lợi” được dùng như tiêu chuẩn để đo lường sự giải phóng của con người khỏi mọi hình thức nô lệ. Sau nhiều bước dò dẫm, Giáo huấn của Giáo hội đã chấp nhận học thuyết về các quyền lợi con người (nhân quyền), lớn tiếng tranh đấu bảo vệ nhân quyền, nhưng đồng thời cũng vạch cho thấy các quyền lợi này có thể bị lạm dụng. Tiếc thay, các nhân quyền có thể được sử dụng như là chiêu bài để bảo vệ những quyền lợi của những cá nhân hoặc của những dân tộc giàu có. Tuy vẫn tôn trọng sự độc lập và văn hóa của mỗi quốc gia, nhưng cần nhớ lại rằng trái đất này là của toàn thể nhân loại và nhằm phục vụ toàn thể nhân loại, và sự kiện một người được sinh ra tại một nơi ít tài nguyên hoặc kém phát triển không đồng nghĩa với việc họ cứ phải sống trong tình trạng nhân phẩm thấp kém[15].

Mặt khác, mục vụ của chúng ta, kể cả MVGT, lắm khi nhấn mạnh đến các điều răn (nói cho cùng thì cũng chỉ nhằm các quyền lợi cá nhân) và rơi vào nguy cơ là không được tôn trọng và tuân thủ đúng mức. Những cuộc khảo sát nơi các bạn trẻ cho thấy rằng họ hình dung Giáo hội như là một cơ chế đầy dẫy các điều ngăn cấm. Giáo hội được nhìn như một cơ quan sản xuất các quy luật để cai quản đời sống các tín hữu cách độc đoán[16].

Thế nhưng phẩm chất của đời sống Kitô giáo không nằm ở các quyền lợi hoặc các giới răn, nhưng là ở chỗ hân hoan loan báo các mối phúc thật (các chân phúc). Các mối phúc, một đàng kiện toàn các điều răn (Mt 5,17-20), đàng khác, trở thành một lối sống phê bình các nhân quyền thời buổi cận đại: chúng thường chỉ là cái mặt nạ của tính ích kỷ, coi thường phẩm giá của mọi người, cách riêng là những người yếu ớt và cô thân cô thế.

Trước khi là lời công bố của một thế giới mới, các chân phúc diễn tả dung mạo của Chúa Giêsu khi sống ở giữa chúng ta: Người chính là kẻ nghèo đích thực, người hiền lành, người có tâm hồn trong trắng, người chịu bách hại vì công lý[17]. Chúa Giêsu không chỉ loan báo các chân phúc mà còn tự đồng hóa với các mối phúc, xét như là tác nhân chủ động cũng như tác nhân thụ động. Trong điều kiện của người nghèo về tinh thần, trong điều kiện của một người đã mất tất cả, Chúa Giêsu cho thấy điều kiện của bản thân mình. Săn sóc một người phong hủi thật là đáng khâm phục, nhưng ôm người ấy và tuyên bố rằng họ là con của Thiên Chúa đang đau khổ thì quả thật là thuộc về một tần số rất xa lạ với những ý tưởng mà ta thường có về làm việc từ thiện[18].

Vì thế chúng ta cần phải giáo dục các bạn trẻ trên nhãn giới của các chân phúc: có thế họ mới nhận ra vẻ đẹp của đời sống Kitô giáo. Đời sống Kitô giáo rạng chiếu hạnh phúc, hấp dẫn, nếu biết sống theo tinh thần các chân phúc. Đời sống Kitô giáo thực sự có phúc khi nó trở thành sự trao hiến bản thân. MVGT cần làm sao cho thấy rằng con đường dẫn đến hạnh phúc đích thực thì khác với con đường hạnh phúc mà thế giới hứa hẹn. Các thứ hạnh phúc mà thế gian mang lại chỉ là giả tạo và để lại nhiều chua chát. Kitô giáo không hứa một thứ hạnh phúc rẻ tiền, nhưng bảo đảm rằng ai đi theo con đường chân phúc sẽ được nếm hưởng chính hạnh phúc mà Đức Kitô đã trải nghiệm[19].

Đây là một thách đố lớn cho MVGT: làm thế nào chứng tỏ rằng đời sống Kitô hữu mang lại hạnh phúc, vui tươi, chứ không ủ rũ tẻ nhạt, và con đường dẫn tới hạnh phúc là trao hiến thân mình, theo gương Đức Kitô.

Kết luận


Dĩ nhiên những suy tư này cần được diễn đạt ra thực hành. Điều này đòi hỏi phải cùng nhau suy nghĩ để tìm những đường hướng hành động, cũng như những cơ quan ở những cấp độ khác nhau (giáo phận, giáo hạt, giáo xứ) để phối kết những sáng kiến. Chúng ta cũng không được bỏ qua những lộ trình cụ thể để đạt đến mục tiêu. Thiết tưởng cũng không phải là thừa khi bàn thêm những môi trường thực hiện MVGT: ngoài các môi trường cổ truyền (gia đình, trường học, giáo xứ, hội đoàn, các phong trào thanh niên), chúng ta hãy biết tận dụng các phương tiện truyền thông, và cũng đừng bỏ qua các bạn trẻ đang gặp khó khăn vì hoàn cảnh kinh tế, vì tệ nạn xã hội, hoặc các bạn trẻ đau khổ vì bệnh tật.

[1] Rossano Sala, Luce e forza per il camino. Strategia, stile e qualità per un rilancio della pastorale giovanile. https://giovani.chiesacattolica.it/wp-content/.../33/.../Convegno-PG-genova1-2014.pdf
[2] R. Tonelli - S. Pinna, Una pastorale giovanile per la vita e la speranza. Radicati sul cammino percorso per guardare meglio verso il futuro (Nuova biblioteca di scienze religiose 33), LAS, Roma 2011, pp. 21-22.
[3] ĐGH Bênêđictô XVI, Bài giảng Vọng Phục sinh (7/4/2012).
[4] X. ĐGH Phaolô VI, Thông điệp Populorum progressio, số 42; ĐGH Bênêđictô XVI, Thông điệp Caritas in veritate, n. 55.79.
[5] ĐGH Phanxicô, Tông huấn Evangelii gaudium, số 115.
[6] X. Thư gửi ông Đionhêtô, trong: Giờ kinh Phụng vụ, “Bài đọc Hai giờ Kinh Sách, ngày 18 tháng 12”.
[7] X. ĐGH Phanxicô, Tông huấn Evangelii gaudium, số 263.
[8] F. Hadjadj, Come parlare di Dio oggi? Anti-manuale di evangelizzazione, Messaggero, Padova 2013, p.18-19.23.
[9] Các sách Tin Mừng nhiều lần kể lại việc Chúa Giêsu như một người khách lữ hành, được tiếp đón hoặc bị khước từ, chẳng hạn như: Mt 25,31-46; Lc 2,7.28; 5,29-32; 7,36-50; 8,40; 10,38-42; 11,37-54; 14,8-10; 19,1-10; 24,13-35; Cv 1,11-12; 2,1-12; 4,45; 12,1-11; Kh 3,20-21.
[10] P. Martinelli, La testimonianza. Verità di Dio e libertà dell’uomo, Paoline, Milano 2002, 7.
[11] Đức thánh cha Phaolô VI đã đưa ra những nhận xét chí lý về điểm này trong tông huấn Evangelii nuntiandi số 41.76.
[12] X. ĐGH Phanxicô, Diễn từ dành cho ban thường vụ CELAM tại Rio de Janeiro, ngày 28/7/2013.
[13] H. De Lubac, Paradosso e mistero della Chiesa, Jaca Book, Milano 1979, 232.
[14] F. Hadjadj, Come parlare di Dio oggi? Anti-manuale di evangelizzazione, 19. Để tìm hiểu thêm về mối liên hệ giữa sự gần gũi và truyền thông đại chúng, xem: Sứ điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô nhân ngày thế giới truyền thông đại chúng lần thứ 48: “Truyền thông để phục vụ văn hóa gặp gỡ” (24/1/2014).
[15] ĐGH Phanxicô, Tông huấn Evangelii gaudium, số 190.
[16] X. A. Castegnaro (cùng với G. Dal Piaz e E. Biemmi), Fuori dal recinto. Giovani, fede, Chiesa: uno sguardo diverso, Ancora, Milano 2013, trang 144-147.
[17] R. Cantalamessa, Le beatitudini evangeliche. Otto gradini verso la felicità, San Paolo, Cinisello Balsamo (Mi) 2008, p. 39.
[18] P. Barcellona, Incontro con Gesù, Marietti, Genova 2010, p. 63.
[19] X J. Lauster, Dio e la felicità. La sorte della vita buona nel cristianesimo (Biblioteca di teologia contemporanea 134), Queriniana, Brescia 2006.