Thứ Sáu, 8 tháng 5, 2020

DẪN NHẬP CÁC TỪ NGỮ

Thời sự Thần học - Số 63 (tháng 02/2014), tr. 11-22

_Phan Tấn Thành_

  1. Oecumenismus (đại kết)
  2. Ecclesia / communitas ecclesialis / church / denomination / confession (giáo hội, giáo đoàn, tông phái, tuyên tín)
  3. Catholic Church (Giáo hội Công giáo)
  4. Orthodox Church (Giáo hội Chính thống)
  5. Reformation / Protestant / Evangelical(Cải cách, Phản kháng, Tin lành)
  6. Schismatic / Heretic / Heterodox (Ly giáo, Lạc giáo).

“Đại kết” là một từ ngữ mới xuất hiện vào những năm sau công đồng Vaticanô II. Chỉ cần trưng dẫn một thí dụ thì đủ rõ. Sắc lệnh của công đồng Decretum de Oecumenismo Unitatis redintegratio được Giáo hoàng Học viện Piô X dịch (1972) là “Sắc lệnh về Hiệp nhất”, và tựa đề của chương Một: De catholicis oecumenismi principiis được dịch là “Các nguyên tắc Công giáo về hiệp nhất”. Bốn mươi năm sau (2012) những cụm từ ấy được Ủy ban Giáo lý Đức tin dịch là “Sắc lệnh về đại kết” và “Những nguyên tắc Công giáo về đại kết”.

Đại kết là gì? Phải chăng là lối nói gọn của “đại đoàn kết”? Dù sao thì ta thấy “Hiệp nhất” hay “Đại kết” đều chưa lột được ý của Oecumenismus. Khi đi vào chi tiết, chúng ta còn thấy nhiều từ ngữ “mới”, mà các dịch giả phải “chế” ra để gọi các thực thể rất xa lạ đối với người Việt, chẳng hạn: các “Giáo hội và cộng đồng Giáo hội” (De ecclesiis et de communitatibus ecclesialibus) được dùng trong chương Ba của Sắc lệnh Đại kết. Hai thuật ngữ này (tiếng Anh: church / ecclesial community) khác nhau ở chỗ nào? Cũng nên nhớ rằng từ “church” được dịch sang tiếng Việt bằng nhiều từ ngữ: “hội thánh”, “giáo hội”, “giáo đoàn”, “nhà thờ” (đó là chưa nói đến “giáo phái”). Thế nhưng khi nói đến “Chính thống giáo” hoặc “Anh giáo” thì người ta dễ nghĩ đến một thứ “tôn giáo” hơn là “giáo hội”! Mặt khác, “Giáo hội Anh quốc” (Anglican Church) tự nhận mình là Anglican Communion, và sang Hoa Kỳ đổi tên là Episcopalian Church! Trong khi đó, về phía “các Giáo hội Đông phương”, nên biết là hai nhóm “Oriental Churches” và “Eastern Churches” không đồng nghĩa với nhau!

Vì thế, thiết tưởng trong phần dẫn nhập này, chúng ta nên duyệt qua vài từ ngữ, cố gắng tìm hiểu ý nghĩa của chúng, và thử tìm từ ngữ nào thích hợp để diễn tả.

1. Oecumenismus (Latinh) / ecumenism, ecumenical (Anh)


Những từ này đều có gốc chung là oikumene tiếng Hy Lạp[1]. Trong Tân ước[2], từ này được hiểu về hai nghĩa: a) toàn cõi đất, nơi có người ở (Mt 24,14; Cv 17,31); b) lãnh thổ Đế quốc Rôma vào hồi thế kỷ I. Các tác giả Kitô giáo dùng cả hai nghĩa. Vào thế kỷ IV, xuất hiện thuật ngữ concilium oecumenicum (ecumenical council) để đặt tên cho những cuộc họp giữa các giám mục và các nhà thần học tại một nơi nào đó nhằm giải quyết vài vấn đề của đức tin và tìm phương thế hoà giải những phe nhóm phân ly. Khác với các công đồng miền bàn thảo những vấn đề địa phương, các công đồng “oecumenicum” bàn đến những vấn đề liên hệ đến tất cả các giáo hội trong toàn thể Đế quốc Rôma.

Dần dần từ “oecumenicus” được gắn với giáo hội, ám chỉ toàn thể giáo hội trên khắp thế giới. Từ thế kỷ VI, thượng phụ Constantinopolis cũng tự nhận là “Ecumenical Patriarch”. Vào cuối thế kỷ XIX sang đầu thế kỷ XX, từ ecumenical được dùng cho các tổ chức hoặc hội nghị giữa các giáo hội và giáo phái (ecumenical council of churches / ecumenical conference of churches) bên Anh và Hoa Kỳ để tìm cách hợp nhất với nhau. Từ năm 1937, ecumenical movement được đặt tên cho phong trào tìm về sự hợp nhất của Hội thánh Chúa Kitô, tìm cách hoà giải những khác biệt giữa các giáo hội, để tái lập chiều kích phổ thế (ecumenical) giống như Hội thánh ở các thế kỷ đầu tiên. Như vậy, từ “đại kết” diễn tả phần nào lý tưởng tiến đến sự đoàn kết (hợp nhất) giữa các Kitô hữu, hướng đến một Hội thánh toàn cầu. Tuy có thể nói “phong trào đại kết”, nhưng không thể nói “công đồng đại kết” (tốt hơn nên nói: công đồng "phổ thế "/ công đồng "hoàn vũ"). Theo nghĩa chuyên môn, từ “đại kết” chỉ dành cho các cuộc đối thoại nhằm tái lập sự hợp nhất giữa các Kitô hữu (ecumenical dialogue), chứ không áp dụng cho các cuộc đối thoại liên tôn (interreligious dialogue).

Luôn tiện thiết tưởng không nên bỏ qua sự hàm hồ của danh từ council trong tiếng Anh: "council" vừa có nghĩa là "hội đồng" vừa có nghĩa là "công đồng. Tiếng Latinh và tiếng Pháp dùng hai từ khác nhau: "conseil" là Hội đồng (thí dụ Hội đồng đại kết các giáo hội, conseil écuménique des Eglises, đặt trụ sở ở Genève), "concile" là công đồng (thí dụ concile écuménique: công đồng hoàn vũ). Tiếng Latinh: consilium và concilium.

2. Ecclesia (tiếng Pháp: église / tiếng Anh: church) / communitas ecclesialis / denomination / confession


Như vừa nói, danh từ ecclesia được chuyển sang tiếng Việt bằng nhiều từ: hội thánh, giáo hội, giáo đoàn, nhà thờ. Ngay từ trong nguyên gốc Hy Lạp Tân ước[3], ekklesia đã mang nhiều nghĩa: a) đôi khi nó ám chỉ một cộng đoàn các Kitô hữu tại một nơi nào đó (một nhà, một thành phố, một miền), và như vậy có thể dùng ở số nhiều; b) lúc khác, nó ám chỉ cộng đoàn duy nhất của tất cả mọi người tin theo Chúa Kitô (Mt 16,18; 18,17; Cv 5,11; 1Cr 12,28). Dù sao, vào lúc đầu, nó được hiểu về “cộng đoàn”[4]; mãi về sau nó mới ám chỉ cái nhà mà cộng đoàn tụ họp (domus ecclesiae) để thờ phượng Chúa, nghĩa là “nhà thờ”.

Ngay từ thời các giáo phụ, khuynh hướng chung là dùng từ ecclesia ở số ít, ám chỉ Hội thánh “duy nhất, thánh thiện, công giáo, tông truyền” (Tín biểu Constantinopolis năm 381). Đến khi xảy ra những cuộc chia rẽ, thì mỗi bên đều muốn dành cho mình danh xưng ecclesia: Công giáo, Chính thống, Tin lành (Catholic, Orthodox, Protestant Church). Đến lượt các Giáo hội Tin lành bên Hoa Kỳ bị phân chia thành chục ngàn nhóm (có đến hơn 20.000 vào năm 1991), thì người ta tạo ra thuật ngữ denomination để gọi các “tông phái” ấy. Thực ra, đôi khi "denomination" được dùng cho tất cả các giáo hội (kể cả Công giáo); lúc khác thì ám chỉ một thứ tổ chức bền bỉ nào đó (đối lại với congregation, cộng đồng): để được gọi là denomination cần có tối thiểu 5 "congregations" họp nhau thường xuyên ngày Chúa Nhật[5].

Công đồng Vaticanô II phân biệt giữa ecclesiacommunitas ecclesialis (church / ecclesial community: Sắc lệnh Đại kết, số 19). “Ecclesia” được dành cho những giáo hội nào có bí tích truyền chức và cấu trúc phẩm trật (chẳng hạn Chính thống); nếu không thì gọi là “communitas ecclesialis” (tạm dịch là “giáo đoàn”). Từ sau công đồng, Giáo hội Công giáo không gọi họ là “secta” (giáo phái) nữa.

Dù sao, nên lưu ý là trong tiếng Việt, các từ "Công giáo" "Chính thống giáo", "Anh giáo" bởi vì dễ gây hiểu lầm là "tôn giáo" hay là "đạo", (tựa như Ấn giáo, Phật giáo). Không phải thế, tất cả đều theo cùng một "đạo" hoặc "tôn giáo" (religion), dựa trên giáo huấn của Đức Kitô ("Kitô giáo") về Thiên Chúa ("đạo Thiên Chúa"). Sự phân ly chỉ điễn ra ở cấp độ "giáo hội, hội thánh" mà thôi (Giáo hội Công giáo, Chính thống, Cải cách, Anh quốc)[6].

Cũng nên biết là giữa các Giáo hội Cải cách, người ta cũng đặt ra sự phân biệt về "tuyên tín" (confession), bắt đầu từ bản tuyên xưng của Luther năm 1530 Augsburg Confession, rồi kế đến là Helvetic Confessions (1536 và 1566), Gallican Confession (1559), Belgic Confession (1561), Scottish Confessions (1560 và 1581), Heidelberg Catechism (1562). Con số này gia tăng trong các thế kỷ sau, biến thành khuynh hướng confessionalism: mỗi tông phái đặt ra một bản tuyên tín để định nghĩa căn tính của mình.

3. Ecclesia catholica / Catholic Church


Nguyên ngữ Hy Lạp (katholikos) có nghĩa là: toàn diện, phổ quát (kata- holos), được giải thích theo hai chiều hướng : a) về phẩm chất, Hội thánh có đầy đủ tất cả những yếu tố cứu độ, bởi vì là thân thể của Chúa Giêsu; b) về sứ mạng: Hội thánh được dành cho hết mọi người[7]. Dù hiểu theo nghĩa nào đi nữa, thì Hội thánh đã là catholica ngay từ lễ Ngũ Tuần, mặc dù lúc ấy dân số chỉ mới vỏn vẹn hơn kém 100 người! Về sau, trong các cuộc tranh luận đạo lý, từ catholica mang thêm nhiều hàm ý khác: a) đôi khi, người ta muốn nhấn mạnh đến địa lý (trải rộng khắp mọi nơi), đối lại với các nhóm ly giáo chỉ có mặt ở vài chỗ (có lẽ vì thế mà dịch là “Công giáo” theo nghĩa là "ở khắp thế này"); b) đôi khi, người ta muốn đối chọi giữa các người tuân phục Đức Giáo hoàng (Giáo hội “Công giáo”) đối lại với Giáo hội “Chính thống”, “Tin lành”. Cách riêng, các nước nói tiếng Anh còn thêm “Roman Catholic Church” để nêu bật sự ràng buộc với toà Rôma (gọi theo nghĩa xấu là papist). Cũng nên biết là các Giáo hội Chính thống và Tin lành đều tự nhận là “catholica” theo nghĩa nguyên thủy được tuyên xưng trong tín biểu công đồng Constantinopolis. Vấn đề trở nên phức tạp hơn nữa khi các Giáo hội Đông phương hợp nhất với Đức Giáo hoàng được mang tên là "Đông phương Công giáo".

Tóm lại, thuật ngữ catholica được dùng theo hai nghĩa chính: a) nguyên thuỷ, nó được dùng để gọi một đặc trưng của Hội thánh; b) vào thời nảy ra những chia rẽ, nó được dùng để gọi cộng đoàn Kitô hữu hợp nhất với giám mục Rôma. Trong tiếng Việt, theo giáo sư Trần Văn Toàn, thuật ngữ "công giáo" chỉ mới lưu hành hồi thế kỷ XX; những bản kinh trước đó để nguyên ngữ "thánh Igreja catholica" (Philipphê Bỉnh 1822), rồi dần dần mới dịch là "Hội thánh hằng có ở khắp thế này"[8]. Thiết tưởng thuật ngữ thích hợp hơn cả là "phổ độ" (phổ: rộng lớn, bày ra khắp cả; độ: cứu giúp) đã được lưu hành bên đạo Cao Đài (Đại Đạo Tam kỳ phổ độ).

4. Orthodox Church


Theo gốc Hy Lạp, orthodoxa gồm bởi "orthos" (chân chính, trung thực) và "doxa" (chúc tụng, ý kiến). Sau bốn đặc tính của Giáo hội (duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền) được tuyên xưng trong tín biểu công đồng Constantinopolis năm 381, dần dần các Giáo hội bên Đông phương thêm một đặc tính nữa là orthodoxa (“chính kiến”) nghĩa là tuyên xưng đức tin chân chính được phát biểu do các công đồng, cách riêng là công đồng Calxêđônia, để chống lại các lạc giáo liên quan đến Đức Kitô. Đặc biệt là giáo hội tại Constantinopolis cử hành lễ “đức tin chính thống” vào chủ nhật đầu mùa Chay, được thiết lập năm 843, để kỷ niệm lễ chiến thắng của đức tin chân chính trên các lạc giáo.

Trải qua lịch sử, giáo hội “Chính thống”[9] ám chỉ:

a) Các giáo hội hợp nhất với toà Constantinopolis, sau khi xảy ra sự đoạn giao với toà Rôma vào năm 1054. Theo nghĩa này “Chính thống” đối lại với “Công giáo”

b) Các giáo hội chấp nhận 7 công đồng đầu tiên. Theo nghĩa này “Chính thống” đối lại với các Giáo hội “phi-Ephêxô” (đặt tên là Nestorians), và “phi-Calxêđonia” (cũng gọi là Monophysists, Non-chalcedonians), như sẽ thấy trong bài tới.

Vì thế, đừng đồng hoá “Giáo hội Chính thống” với “Giáo hội Đông phương”, bởi vì có những Giáo hội “Đông phương” mà “không Chính thống”: a) hoặc vì họ đã tách khỏi sự thông hiệp với Constantinopolis từ sau công đồng Ephêxô hay sau công đồng Calxêđonia (gọi là Old Oriental Church); hoặc vì hợp nhất với toà Rôma (gọi là các Giáo hội “Đông phương Công giáo”: Eastern Catholic Churches).

5. Reformation. Protestant. Evangelical


Cả ba từ ngữ này đều được dịch là “Giáo hội Tin lành”, một thuật ngữ mới thông dụng ở Việt Nam hồi đầu thế kỷ XX[10]. Thực tế thì mỗi thuật ngữ có một nghĩa riêng. Tự nó, Reformation có nghĩa là: "cải tổ, cải cách, canh cải, cải thiện". Trong lịch sử Giáo hội, nhiều cuộc cải cách đã diễn ra trong toàn Giáo hội (chẳng hạn như cuộc cải cách của Giáo hoàng Grêgôriô VII vào cuối thế kỷ XI) hay trong một dòng tu[11]. Tuy nhiên, từ thế kỷ XVI, danh từ Reformation ám chỉ cách riêng phong trào Cải cách (và có khi được dịch là: cải lương, cảnh giáo, tân giáo) của Martin Luther (1483-1546). Họ cũng mệnh danh là Protestant. Trước đây, danh từ này được dịch là "Thệ phản" (lấy từ tiếng Trung quốc: "Thệ ước phản đối", nhưng dễ bị giải thích là "phản bội lời thề", bội thề). Nguyên gốc của nó (to protest có nghĩa là: “phản đối, phản kháng, kháng nghị, kháng cách”) được áp dụng cho những lãnh chúa theo phe Luther phản đối những quyết nghị của quốc hội Đức họp ở Speyer năm 1529. Hội nghị này (với đa số theo Công giáo) đã biểu quyết rằng những ai theo Luther thì phải rút ra khỏi các vùng do những lãnh chúa Công giáo kiểm soát, chấm dứt tình trạng sống chung giữa “Công giáo” và “Cải cách”. (Như vậy có nghĩa là người dân phải đi theo đạo của lãnh chúa). Vì muốn bảo vệ tự do của lương tâm cá nhân, 6 lãnh chúa và 14 thành phố phản đối quyết nghị đó. Về sau, phong trào Cải cách còn bị phân hoá thành nhiều tông phái:

a) Những người theo Luther, đa số bên Đức, họp thành các “Giáo hội Tin lành” (Evangelische Kirche, Evangelical Church), bởi vì muốn trở về với đạo lý của Tin Mừng (Evangelium: Phúc Âm, Tin Mừng, Tin lành). Tuy nhiên, các “Hội thánh Tin lành” ở Việt Nam thì chỉ có họ hàng rất xa xôi với các Giáo hội Luther; nguồn gốc gần hơn là các phong trào evangelicals phát xuất bên Anh hồi thế kỷ XIX như sẽ nói sau, nhấn mạnh đến việc truyền bá Tin Mừng (evangelism). Hiện nay phần lớn các giáo hội theo Luther trên thế giới họp thành: "Lutheran World Federation".

b) Những nhóm theo Ulrich Zwingli (1484-1531) và Jean Calvin (1509-1564) thì mang tên là “Giáo hội Cải cách” (Eglise Réformée). Khi được truyền sang Scotland (do John Knox) và Hoa Kỳ thì họ mang tên là “Giáo hội Trưởng lão” (hay “Trưởng nhiệm”: Presbyterian Church). Danh từ này ám chỉ cơ chế quản trị đặc thù, đó là mỗi cộng đoàn được cai quản bởi hội đồng các "presbyter" (bô lão, kỳ mục, một từ ngữ đã có trong Tân ước, chẳng hạn Cv 14,23), thay vì bởi một giám mục. Ngày nay họ họp nhau thành: "World Alliance of Reformed Churches".

c) Nhóm thứ ba là “Anh giáo”, nảy sinh từ một ly khai với toà Rôma vào thế kỷ XVI, nhưng không vì lý do đạo lý như là Luther. Cuộc ly khai bắt đầu từ việc Toà thánh không cho phép vua Henry VIII (1509-47) ly dị. Nhà vua tuyên bố mình là giáo chủ của Giáo hội bên Anh (Supreme Head of the Church of England). Lúc đầu sự ly khai chỉ có tính cách chính trị, nhưng dần dần cũng mang thêm tính cách đạo lý khi các tư tưởng của Luther và Calvinô được du nhập. Thực ra gọi là "Anh giáo" thì không đúng, bởi vì đây không phải là một tôn giáo riêng biệt. Tên gọi chính thức là “Giáo hội Anh” (Church of England) và từ khi được bành trướng qua các nước thuộc địa, họ mang danh là “Sự thông hiệp Anh" (Anglican Communion); bên Mỹ, họ được gọi là Episcopalians.

Vào các thế kỷ tiếp theo, từ cả ba nhóm vừa rồi đã nảy sinh nhiều cuộc ly khai nội bộ khác bởi vì các Giáo hội Cải cách” đã trở thành cơ chế nặng nề. Thế kỷ XVIII chứng kiến phong trào revival (chấn hưng) chú trọng đến đời sống nội tâm cầu nguyện. Phong trào này mang tên là “pietism” ở các Giáo hội Luther, “methodist” ở bên Anh giáo, “baptist” ở các Giáo hội Calvinô. Đồng thời các phong trào này thúc đẩy nhiệt khí truyền giáo: evangelicals, evangelism[12]. Trong bài “Các Giáo hội Cải cách”, chúng ta sẽ thấy rằng “evangelical” có 4 nghĩa khác nhau!

Sang thế kỷ XX, tại Hoa Kỳ, người ta chứng kiến hai trào lưu đối nghịch: a) một khuynh hướng đề cao hoạt động Thánh Linh mang tên là “pentecostalism, pentecostal movement” (phong trào Ngũ tuần), xem ra “thoáng” về đạo lý; b) một khuynh hướng bảo thủ “fundamentals” (tạm dịch là “bảo căn”), gắn bó với những đạo lý cổ truyền về Kinh Thánh bất khả ngộ, chống lại những lối giải thích tự do. Thực ra, fundamentalism cũng mang nhiều nghĩa, như sẽ nói trong bài “Các Giáo hội Cải cách”.

Nên biết là bên Trung hoa, Tin lành được gọi là "Cơ đốc giáo" (Cơ đốc là phiên âm Christ sang tiếng Hoa), còn Công giáo được gọi là "Kitô giáo".

6. Schismatic. Heretic. Heterodox


Trước đây, Giáo hội Công giáo gọi các Giáo hội Chính thống là “ly giáo” (schismatici) vì đã cắt đứt hiệp thông với Giáo hoàng; và coi các Giáo hội Cải cách là “lạc giáo” (hoặc bè rối: haeretici) bởi vì chối bỏ nhiều đạo lý đức tin. Đối lại, các Giáo hội “Chính thống” (orthodox) gọi người “Công giáo” là “tà giáo” (heterodox).

Đức thánh cha Gioan XXIII đã sửa đổi các danh xưng ấy, và gọi là “các anh em phân cách” (seiuncti / separated brothers). Dù sao, công đồng Vaticanô II đã không còn cáo buộc các anh em đó phạm tội ly khai, lạc giáo nữa! Điều này được Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo lặp lại ở số 817-818 (xt. số 2089).

(Lưu ý. Trong những bài viết sau đây, những danh từ "Giáo hội" và "Hội thánh" được dùng như đồng nghĩa (tuy "Hội thánh" thiên về ý nghĩa mầu nhiệm, còn "giáo hội" có thể dành cho bất cứ hội tôn giáo nào). Ngoài ra, tìm cách thống nhất để viết hoa hay viết thường những từ "Giáo hội", "Công giáo", "Chính thống", “Cải cách” cũng không đơn giản.)

[1] Oikumene có nghĩa là nơi có người ở, bởi động từ oikein (cư ngụ), cùng gốc với oikos (nhà ở); như vậy cũng có họ hàng với oikonomia (quản lý nhà ở, phân phát).
[2] Danh từ này xuất hiện 15 lần trong Tân ước: Mt 24; Lk 2,1; 4,5; 21,26; Cv 11,28; 17,6. 31; 19.27; 24.5; Rom 10,18; Dt 1,6; 2,5; Kh 3,10; 12,9; 16,14.
[3] Theo nguyên ngữ ekklesia chỉ có nghĩa là sự quy tụ, đại hội, hội họp; vì thế dịch là “Giáo hội” hoặc “Hội thánh” đều thích hợp. Riêng “Hội thánh” thì thêm ý nghĩa “thánh” (hoặc “hội của các thánh”, congregatio sanctorum). Tuy nhiên khi đọc tín biểu thì có nguy cơ lặp lại “Hội thánh thánh thiện”. Nên lưu ý là Phật giáo cũng được tổ chức thành “Giáo hội”; còn Tin Lành thì chỉ dùng từ “Hội thánh”. Bên Công giáo thì dùng cả hai từ.
[4] Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo, số 752.
[5] Catholic Conference of Kentucky, Ecumenical Handbook for the Roman Catholic Dioceses of Kentucky, revised December 2003: http://www.ccky.org (p. 9, n.45).
[6] Cũng tương tự như "Tiểu thừa" và "Đại thừa" là hai tông phái của Phật giáo, chứ không phải là hai tôn giáo.
[7] Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo, số 830-831.
[8] Trần Văn Toàn, “Đạo Thiên Chúa, đạo Gia Tô, đạo Cơ Đốc, đạo Công giáo? Nên gọi thế nào cho chính danh?” Nghiên cứu tôn giáo, số 4 (2003), trang 22-32. Nên lưu ý đến sự phân biệt giữa "đạo Thiên Chúa" (đối tượng là Thiên Chúa), do Đức Kitô mạc khải (Kitô giáo). Còn "công giáo" (phổ độ) là một đặc tính của Hội thánh. Theo giáo sư Trần Văn Toàn, có lẽ thuật ngữ "Hội thánh" xuất hiện lần đầu tiên trong từ điển Taberd.
[9] Trong Hán Việt, “chính thống” có nghĩa là dòng dõi đích thực, truyền lại chân chính (thống: mối tơ, nối tiếp nhau, nối dõi; huyết thống, truyền thống). "Chính kiến" là ý kiến, tư tưởng chân chính. Thật ra doxa không chỉ có nghĩa là "ý kiến" mà còn là "vinh danh, chúc tụng"; do đó orthodoxa cũng còn mang nghĩa là "lời chúc tụng chân thật". Lex orandi, lex credendi là như thế đó. Nên biết là sau công đồng Vaticanô II, có một luồng thần học muốn nhấn mạnh đến orthopraxis hơn là orthodoxa.
[10] Nguyễn Xuân Hùng, “Về nguồn gốc và sự xuất hiện tên gọi Tin Lành tại Việt Nam,” Nghiên cứu tôn giáo, số 3 (2001), trang 47-55. Theo tác giả, mặc dù từ "Tin lành" đã xuất hiện trong bản dịch "Sấm truyền mới" của cố chính Linh (năm 1911), nhưng trở thành phổ biến từ thập niên 30.
[11] Có người muốn biến nó thành một đặc tính của Giáo hội bằng châm ngôn: “Ecclesia semper reformanda est”. Công đồng Vaticanô II cũng chấp nhận tư tưởng ấy trong Sắc lệnh về đại kết, số 6.
[12] Methodist. Tên này do đối phương đặt ra để chế nhạo cái "method", kỷ luật sống cầu nguyện và học Kinh Thánh, khởi đầu do hai anh em John Wesley (1703-91) và Charles Wesley (1707-88). Từ nhóm Methodist tách ra “Đạo quân cứu rỗi” (Salvation Army) năm 1865. Baptists vì chủ trương chỉ rửa tội cho người lớn bằng việc dìm mình. Xem bài “Các Giáo hội Cải cách” trong số báo này.