Thứ Sáu, 10 tháng 4, 2020

NĂM MƯƠI NĂM ĐỐI THOẠI LIÊN TÔN

Thời sự Thần học - Số 65, tháng 08/2014, tr. 179-199

__Tấn Anh__

Bài viết nhìn lại những hoạt động nổi bật của Hội đồng Tòa thánh đặc trách đối thoại liên tôn, được thành lập cách đây 50 năm, và giới thiệu văn kiện vừa phát hành “Đối thoại trong chân lý và bác ái”.
Vào lễ Chúa Thánh Thần Hiện xuống năm 1964, đức thánh cha Phaolô VI đã thiết lập “Văn phòng dành cho những người ngoài Kitô giáo” (Secretariatus pro non christianis). Từ năm 1988, cơ quan này được đổi tên là “Hội đồng Tòa thánh đặc trách đối thoại liên tôn” (Pontificium Consilium pro dialogo inter religiones). Để kỷ niệm 50 năm thành lập, một hội nghị đã được tổ chức tại Rôma vào hồi tháng 5 năm nay. Vào dịp này, đức thánh cha Phanxicô đã gửi một sứ điệp (thay vì một buổi tiếp kiến, bởi vì ngài đang chuẩn bị chuyến hành hương sang Đất thánh, nơi mà ngài cũng gặp các đại biểu của đạo Do thái và đạo Islam), và đặc biệt, Hội đồng đã phát hành văn kiện “Đối thoại trong chân lý và bác ái” (Dialogue in Truth and Charity).

Trong bài này, chúng tôi muốn giới thiệu hai đề tài: 1/ Sơ lược hoạt động của Hội đồng Toà thánh đặc trách đối thoại liên tôn trong vòng 50 năm qua. 2/ Sơ lược văn kiện mới phát hành.

I. Những hoạt động của Hội đồng Tòa Thánh đặc trách đối thoại liên tôn trong 50 năm qua


Chúng tôi chỉ ghi lại vài biến cố nổi bật, dựa theo bài tường trình của cha Tổng thư ký Miguel Angel Ayuso Guixot đọc tại hội nghị kỷ niệm 50 thành lập cơ quan (19/5/2014).

A. Nhiệm vụ


“Văn phòng dành cho những người ngoài Kitô giáo” được thiết lập ngày 19/5/1964 do tông thư Progrediente Concilio.

1. Những định hướng cho hoạt động: Thông điệp Ecclesiam suam của ĐGH Phaolô VI (6/8/1964); Tuyên ngôn Nostra aetate của công đồng Vaticanô II (28/10/1965).

2. Tông hiến Regimini Ecclesiae Universae của ĐGH Phaolô VI về việc tổ chức giáo triều (15/8/1967) đã ấn định mục tiêu như sau (số 99): “Tìm kiếm những phương pháp và đường lối để đối thoại với những người ngoài Kitô giáo. Tìm cách giúp cho các Kitô hữu hiểu biết và trân trọng các tôn giáo ngoài Kitô giáo, cũng như giúp cho các tôn giáo ấy hiểu biết và trân trọng đạo lý và đời sống của Kitô giáo”.

3. Tông hiến Pastor Bonus của ĐGH Gioan Phaolô II cải tổ giáo triều Rôma (28/6/1988) đã đổi tên cơ quan này thành “Hội đồng Giáo hoàng về đối thoại liên tôn”[1], và ấn định nhiệm vụ như sau (số 159-160): “Cổ võ và giám sát những liên lạc với các phần tử và các tôn giáo ngoài Kitô giáo cũng như với những người có tín ngưỡng[2]. Cổ võ đối thoại với các tín đồ của các tôn giáo và duy trì những liên lạc với họ. Cổ võ những cuộc học hỏi và gặp gỡ để phát triển sự hiểu biết và quý trọng lẫn nhau, ngõ hầu nhân phẩm và các giá trị thiêng liêng và luân lý của các dân tộc luôn được thăng tiến. Đào tạo những người dấn thân vào cuộc đối thoại”.

(Tại địa chỉ website: www.pcinterreligious.org, có thể tải những tài liệu và văn kiện của cơ quan)

B. Hoạt động


Bài tường thuật về những hoạt động của Hội đồng đã phân chia lịch sử thành hai giai đoạn chính: 20 năm đầu (1964-1984) và 30 năm trở lại đây (1984-2014).

1. Hai mươi năm đầu

Giai đoạn này được mô tả dựa theo nhiệm kỳ của ba vị chủ tịch:

a) Thập niên 1964-1973, dưới nhiệm kỳ chủ tịch của Hồng y Paolo Marella. Tổng thư ký: Pierre Humbertclaude.

– Đặt nền tảng cơ sở. Tìm những cố vấn, chuyên viên. Xác định phương pháp làm việc.

– Xuất bản những tài liệu hướng dẫn đối thoại với các tín đồ Phật giáo, Ấn giáo, Islam, tôn giáo cổ truyền Phi châu.

– Phát hành tờ báo Bulletin Secretariatus pro Non Christianis (từ năm 1966) bằng hai ngôn ngữ Anh và Pháp. Về sau, hai ấn bản được nhập làm một, và mang tên là Pro Dialogo.

b) Những năm 1973-1980, dưới thời làm chủ tịch của Hồng y Sergio Pignedoli. Tổng thư ký: Pietro Rossano (1973-1982).

– Tăng cường các mối liên lạc với các Hội đồng giám mục và với các tôn giáo, qua những cuộc thăm viếng và tiếp đón.

– Triệu tập phiên họp khoáng đại lần đầu tiên (1979) để trao đổi ý kiến về đường lối đối thoại.

c) Những năm 1980-1984. Chủ tịch: TGM Jean Jadot. Tổng thư ký: Pietro Rossano (1980-82); Marcello Zago (1983-86).

– Thời kỳ đào sâu suy tư, với việc xuất bản văn kiện: “Thái độ của Hội thánh đối với các tín đồ của các tôn giáo. Suy tư và định hướng về Đối thoại và Truyền giáo” (1984)[3]. Văn kiện được chia làm ba phần: 1/ Suy tư về sứ mạng của Hội thánh; 2/ Những lý do của việc đối thoại; 3/ Suy tư về tương quan giữa đối thoại và loan báo Tin Mừng. Các giáo hội địa phương được khuyến khích tổ chức những cơ cấu thích hợp cho việc đối thoại.

2. Ba mươi năm gần đây

Giai đoạn này được phân chia dựa theo nhiệm kỳ của ba vị chủ tịch:

a) 1984 – 2002. Chủ tịch: Hồng y Francis Arinze. Tổng thư ký: Marcello Zago (1983-86) và Michael Fitzgerald (1984-2002).

– Đào sâu thêm nền tảng thần học của cuộc đối thoại.

– Mở rộng những tương quan với các tôn giáo.

–Những văn kiện gửi cho các Hội đồng giám mục: “Quan tâm mục vụ dành cho các tôn giáo cổ truyền Phi châu” (1988). “Chăm sóc và quan tâm mục vụ dành cho các tôn giáo cổ truyền tại các châu Mỹ, Á, Đại dương” (1993)[4].

– Cùng với Bộ Truyền giảng Tin Mừng, phát hành văn kiện “Đối thoại và Loan truyền” (Dialogue and Proclamation) vào năm 1991, muốn làm sáng tỏ mối tương quan giữa việc loan báo ơn cứu độ trong Đức Kitô. Văn kiện được chia thành ba phần: a) phần đầu khai triển đề tài đối thoại liên tôn; b) phần thứ hai nhấn mạnh đển ưu tiên loan báo Tin Mừng; c) phần thứ ba bàn về tương quan giữa loan báo và đối thoại: cả hai khía cạnh đều phục vụ sứ mạng truyền giáo của Hội thánh, có liên hệ với nhau, nhưng chắc chắn là không thể đánh tráo.

– Tăng gia các cuộc thăm viếng các tôn giáo, đặc biệt là tháp tùng ĐGH Gioan Phaolô II trong chuyến viếng thăm Maroc (1985), với cuộc gặp gỡ giới trẻ tại Casablanca.

– Đặc biệt là ở giai đoạn này, Hội đồng đã tổ chức những “Ngày cầu nguyện tại Assisi”, với sự hợp tác của các cơ quan khác của Tòa thánh. Lần thứ nhất vào ngày 27/10/1986, nhân dịp Năm quốc tế hoà bình (của LHQ), Đức Thánh Cha đã mời các Giáo hội và tôn giáo đến cầu nguyện cho hoà bình: ba mươi đại biểu của các tôn giáo (Islam, Phật giáo, Ấn giáo, Giain, Sikh, Zoroaster, Tôn giáo cổ truyền). Lần thứ hai tại Assisi năm 1993 để cầu nguyện cho hoà bình ở bán đảo Balkan; lần này các đại biểu đạo Do thái, Islam, Kitô tại châu Âu tham dự. Lần thứ ba, ngày thế giới cầu nguyện cho hoà bình được đức Gioan Phaolô II cổ động sau cuộc tấn công Tháp đôi tại New York hồi tháng 9 năm 2001. ĐGH ước mong rằng các đại biểu của các giáo hội và tôn giáo đến Assisi để cầu nguyện cho hoà bình.

– Từ năm 1989, thêm một ngành trong Hội đồng để nghiên cứu những “Tôn giáo mới” (New Religious Movements).

– Tăng cường liên lạc với các tổ chức Islam, chẳng hạn như: The Islamic Culture and Relations Organization (I.C.R.O.) ở Iran (1994); The Muslim World League (Rabita), The World Islamic Congress (Mu’tamar), The International Islamic Council for Da’wa and Humanitarian Aid and the Islamic Educational, Scientific and Cultural Organization (I.S.E.S.C.O.) (1995); The Permanent Committee for dialogue with Monotheistic Religions of Al-Azar University (1998); The World Islamic Call Society of Libya (2002).

– Hằng năm, Hội đồng gửi sứ điệp cho các tín đồ Islam vào dịp kết thúc tháng chay Ramadan, cũng như cho các tín đồ Phật giáo nhân lễ Vesakh (từ năm 1995), cho các tín đồ Ấn giáo vào lễ Diwali (từ năm 1996).

b) 2002 – 2007. Chủ tịch TGM Michael Fitzgerald (2002-06) và Paul Poupard (2006-07)[5]. Tổng thư ký: Pier Luigi Celata.

– Trước tình hình căng thẳng trên thế giới đã không giúp tạo ra bầu khí đối thoại giữa các tôn giáo, Hội đồng đã tổ chức những cuộc hội thảo về hòa bình tại Rôma: lần thứ nhất (16-18 tháng giêng năm 2003), với sự tham dự của 40 đại biểu của Ấn giáo, Phật giáo, Giain, Islam, Zoroaster; lần thứ hai (12-15 tháng giêng năm 2005) dành cho các chuyên viên về các tôn giáo cổ truyền tại châu Phi, Mỹ, Á.

– Xuất bản một tài liệu hướng dẫn về việc giảng dạy tôn giáo cổ truyền Phi châu và Islam, và về việc huấn luyện đối thoại liên tôn.

– Xuất bản tài liệu về phong trào New Age (2003), và cuộc hội thảo tại Rôma (14-16 tháng 6 năm 2004) về hiện tượng này.

– Năm 2006, nhân dịp kỷ niệm 20 năm ngày thế giới cầu nguyện cho hoà bình tại Assisi, Hội đồng đã tổ chức (cùng với Hội đồng Tòa thánh đặc trách đối thoại đại kết và Dòng Phan sinh Viện tu) cuộc gặp gỡ các bạn trẻ về hoà bình tại Assisi và Rôma (ngày 4-8 tháng 11), với sự tham dự của 100 thành viên của nhiều giáo hội và tôn giáo thuộc 30 quốc gia.

c) 2007 – 2014. Chủ tịch: Hồng y Jean-Louis Tauran. Tổng thư ký: Pier Luigi Celata (cho đến năm 2012) và Miguel Angel Ayuso Guixot (từ năm 2012).

– Viếng thăm các lãnh đạo tôn giáo, các hội đồng giám mục, cách riêng tại châu Á.

– Tham dự diễn đàn Công giáo-Islam từ năm 2008 tại Trung tâm Đối thoại liên tôn tại Vienna (Áo).

– Tổ chức ngày cầu nguyện hoà bình tại Assisi (27 tháng 10 năm 2011) nhân kỷ niệm 25 năm buổi cầu nguyện đầu tiên, với sự tham dự của 180 đại biểu các tôn giáo.

– Hợp tác với Hội đồng đại kết thế giới để xuất bản tài liệu “Chứng nhân Kitô giáo trong một thế giới đa tôn giáo” (2011).

– Xuất bản văn kiện: “Đối thoại trong chân lý và bác ái. Những hướng dẫn cho việc đối thoại liên tôn” (2014), kết quả của hai phiên họp khoáng đại năm 2008 và 2013.

Tóm lại, trong 50 năm qua, Hội đồng Tòa thánh đặc trách đối thoại liên tôn đã phát hành quan trọng về việc đối thoại liên tôn: “Đối thoại và Truyền giáo” (1984), “Đối thoại và Loan truyền” (1998), “Đối thoại trong chân lý và bác ái” (2014) mà chúng ta muốn điểm qua dưới đây.

Những tài liệu và văn kiện của Giáo hội Công giáo liên quan đến vấn đề đối thoại đã được thâu thập vào một tuyển tập tiếng Ý “Il Dialogo Interreligioso nell’Insegnamento Ufficiale della Chiesa Cattolica (1963-2013)”, dày 2100 trang. Lần xuất bản thứ ba năm 2013, chứa 999 tài liệu (7 tài liệu của Công đồng, 2 của ĐGH Gioan XXIII, 97 của ĐGH Phaolô VI, 2 của ĐGH Gioan Phaolô I, 591 của ĐGH Gioan Phaolô II, 188 của ĐGH Bênêđictô XVI, 15 bản văn của giáo triều, 3 bản văn pháp luật, 4 bản văn của Uỷ ban Thần học quốc tế)[6].

II. Văn kiện “Đối thoại trong chân lý và bác ái”


Đây là kết quả của hai phiên họp khoáng đại. Vấn đề “chân lý” và “bác ái” được đặt ra cả trong các cuộc đối thoại đại kết[7]. Việc đối thoại khởi đầu từ “bác ái”, tạo ra sự thông cảm, hiểu biết nhau, tránh những nghi kỵ, nhưng trước sau gì cũng đặt ra vấn đề “chân lý” (sự thật): đối thoại là một phương thế để tìm kiếm chân lý.

Phụ đề của văn kiện “Hướng dẫn mục vụ” phần nào muốn nhấn mạnh đến khía cạnh mục vụ của cuộc đối thoại, hơn là đi sâu vào những cuộc tranh luận về nền tảng tín lý. Dù sao, điểm nổi bật của văn kiện này là đi vào nhiều trường hợp cụ thể chứ không chỉ dừng lại ở nguyên tắc. Nói khác đi, ai cũng biết rằng đối thoại liên tôn là cần thiết, nhưng câu hỏi được đặt lên là: phải thực hiện như thế nào? điều gì nên làm, điều gì nên tránh? điều nào không được phép làm, bởi vì trái ngược với niềm tin Kitô giáo?

Nguyên bản của văn kiện bằng tiếng Anh, được in thành tập sách nhỏ, dày 60 trang. Nội dung được chia làm ba phần chính (ba chương), với nhập đề và kết luận.

A. Nhập đề (số 1-9)


1. Ngay từ lời mở đầu (số 2), văn kiện đã lưu ý đến những nghĩa khác nhau của “đối thoại” vào thời nay. Đối thoại có thể hiểu như là trao đổi câu chuyện, hoặc sâu hơn nữa, đi đến cảm thông hòa hợp. Đối thoại có thể hiểu như trao đổi lời nói, hoặc thái độ tôn trọng và thân hữu. Trong bối cảnh của tôn giáo, đối thoại có thể hiểu như là tranh luận, hoặc như là tìm hiểu niềm tin của các cá nhân hoặc cộng đồng. Việc trình bày niềm tin của mình có thể thực hiện bằng lời nói hay bằng chứng tá đời sống.

2. Ai dấn thân vào công cuộc đối thoại liên tôn cần phải xác tín về đạo của mình, cũng như cần được chuẩn bị bằng những đức tính nhân bản. Mục tiêu của đối thoại không phải là “cải hóa” (tuy có thể trở thành cơ hội để cải hóa), nhưng là hiểu biết nhau để cùng nhau hợp tác trong những công cuộc có ích lợi xã hội.

3. Ngày nay, nhờ những phương tiện truyền thông đại chúng cũng như những cuộc di dân, người ta nhận ra tính cách đa nguyên tôn giáo trên thế giới, đôi khi kèm theo những hình ảnh tiêu cực về xung đột tôn giáo; vì vậy sự đối thoại trở nên cần thiết, được thực hành ở nhiều cấp độ khác nhau.

Mục tiêu của văn kiện này là giúp cho các tín hữu khám phá ý nghĩa đích thực của việc đối thoại liên tôn, ngõ hầu có khả năng tham gia vào việc trao đổi, được hướng dẫn bởi đức tin, được thúc đẩy bởi đức ái, và nhắm tới công ích nhờ việc tôn trọng, hiểu biết và tin tưởng lẫn nhau (x. số 6). Văn kiện này muốn cung cấp - cho các giám mục, linh mục, tu sĩ và giáo dân đang tham gia những hoạt động liên tôn - vài yếu tố cơ bản trong việc phân định cũng như vài chỉ dẫn trong việc thảo chương trình huấn luyện, đồng thời cũng muốn giải đáp cho những ai thắc mắc về ý nghĩa và mục tiêu của đối thoại liên tôn trong Giáo hội, tránh rơi vào não trạng xem tất cả mọi tôn giáo đều tương đối (số 7).

B. Chương Một: Giáo hội và đối thoại liên tôn (số 10-23)


Chương này gồm hai mục: điểm qua những văn kiện của Giáo hội về đối thoại liên tôn; những nền tảng thần học.

1. Các văn kiện Huấn quyền

Các văn kiện chỉ được điểm qua cách vắn tắt, đôi khi đặt ở phần chú thích cuối trang, chứ không bình giảng nội dung.

a) Công đồng Vaticanô II: Lumen gentium (x. 1, 13, 16, 17, 48); Gaudium et spes (x. 22, 42, 45, 57-58, 73, 76, 92); Ad gentes (x. 3, 7-11, 13,15-16, 18,21-22, 34, 38, 40-41); Nostra aetate, Dignitatis humanae (x. 2-4).

b) Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo (cách riêng các số 839-856)

c) ĐGH Phaolô VI, thông điệp Ecclesiam suam (số 65); Tông huấn Evangelii nuntiandi (số 53).

d) ĐGH Gioan Phaolô II. Nhiều văn kiện: các thông điệp Redemptor hominis, Redemptoris missio, các tông huấn Ecclesia in Africa, Ecclesia in America, Ecclesia in Asia, Ecclesia in Oceania, Ecclesia in Europa, và nhiều bài diễn từ khác, đặc biệt nhân các ngày cầu nguyện cho hoà bình.

e) Tuyên ngôn Dominus Iesus của Bộ Giáo lý Đức tin.

2. Những nền tảng của cuộc đối thoại liên tôn

Văn kiện tóm lại vắn tắt bốn nền tảng thần học của cuộc đối thoại, dựa trên tương quan với Chúa Ba Ngôi (số 17-19) và với Hội thánh (số 20-23).

a) Thiên Chúa là Đấng tạo thành muôn vật và cứu cánh tối hậu của muôn người. Ngài yêu thương tất cả mọi người; vì thế chúng ta cũng phải yêu thương hết mọi người.

b) Đức Kitô là Đấng Cứu độ phổ quát. Người là Đấng trung gian duy nhất giữa Thiên Chúa và nhân loại. Nhờ cuộc nhập thể, phần nào Người đã kết hợp với mỗi một người, mặc dù họ không biết (x. Redemptor hominis 14).

c) Thánh Linh. “Chính Thánh Linh, Đấng tác động trong tâm hồn của mỗi người, hướng dẫn Giáo hội nhận ra sự hiện diện và hoạt động của Ngài trên thế giới vượt trên các biên cương hữu hình. Mặc dù Thánh Linh tỏ lộ mình một cách đặc biệt trong Hội thánh và các chi thể Hội thánh, nhưng sự hiện diện và tác động của Ngài thì phổ quát, không chịu giới hạn bởi không gian hay thời gian, và chi phối không những các cá nhân mà còn các xã hội, các dân tộc, các tôn giáo và kể cả lịch sử nữa” (x. Redemptoris missio số 28-29).

d) Sứ mạng phổ quát của Hội thánh.

Hội thánh là bí tích cứu độ của hết mọi người bởi vì đã được Chúa Kitô ban dồi dào những ân phúc cần thiết cho ơn cứu độ. Hội thánh cần thiết cho sự cứu độ. Kết hợp với Đức Kitô, Hội thánh liên kết với tất cả mọi người được Thiên Chúa cứu độ, mặc dù họ không được liên kết hữu hình với Hội thánh. Thật vậy, đối với những ai chưa biết Tin Mừng và Hội thánh mà không phải do tại lỗi của mình, thì Thiên Chúa vẫn dự liệu những phương thế cho họ được cứu độ (x. Lumen gentium 16).

Như đã ghi nhận trên đây, văn kiện này không muốn đi sâu vào những vấn đề thần học (vì đã được đề cập trong những văn kiện trước đây rồi), và đi thẳng vào những vấn đề cụ thể như sẽ thấy trong hai chương tiếp theo.

C. Chương Hai: “Những động cơ của việc đối thoại”


Chương này (số 24-54) bàn về việc thực hành đối thoại, gồm ba mục:
1/ ơn gọi cổ động sự đối thoại; 2/ giáo dục đối thoại;
3/ những khía cạnh của việc thực hành đối thoại.
1. Ơn gọi cổ động sự đối thoại (số 24-30)

Tất cả mọi phần tử của Hội thánh đều có thể thực hành sự đối thoại, tuy với những thể thức khác nhau: giám mục, linh mục, tu sĩ, giáo dân.

a) Các giám mục. Vì là những thầy dạy đức tin và mục tử của Dân Chúa, các ngài có phận sự giáo dục và cổ động các tín hữu về những khía cạnh khác nhau của việc loan báo Tin Mừng, trong đó đối thoại là một yếu tố. Như là người cổ động đối thoại với những người ngoài Giáo hội, các giám mục nhờ đặc sủng đặc biệt đối với chân lý, có nhiệm vụ phân định, theo dõi các mối liên lạc với các cộng đoàn tu sĩ ở trong giáo phận của mình, và ở trong lãnh thổ qua Hội đồng giám mục. Các giám mục nên tổ chức những cơ cấu dành cho việc đối thoại (hoặc ít là cử một người đặc trách), để công việc này mang tính liên tục. Các ngài cũng cần đặt ra những quy tắc hướng dẫn việc thực hành cuộc đối thoại thích hợp với địa phương của mình.

b) Các linh mục cũng nên quan tâm đến việc đối thoại liên tôn, cách riêng khi ở trong giáo xứ có những người thuộc tôn giáo khác, không những qua những cơ hội đặc biệt (gặp gỡ, đối thoại chính thức giữa các đại diện tôn giáo), mà còn qua những việc thăm viếng vào những dịp vui buồn (sinh nhật, tang chế, hôn nhân, bệnh tật, vv).

c) Các tu sĩ có nhiều cơ hội để tham gia vào công cuộc đối thoại, đặc biệt là những ai hoạt động tại các cơ sở giáo dục và y tế, các trung tâm y tế, xã hội văn hóa. Các tu sĩ chiêm niệm cũng tham gia vào việc này nhờ lời cầu nguyện.

d) Các giáo dân có rất nhiều cơ hội tiếp xúc với những người thuộc các tôn giáo khác trong môi trường sinh sống và làm việc. Họ có thể làm chứng cho tình yêu mến và trân trọng của Giáo hội đối với các tôn giáo, hoặc ít là đánh tan những thành kiến xấu về đạo của mình. Các giáo dân chuyên môn cũng có thể được mời vào các uỷ ban đối thoại liên tôn.

e) Sau cùng, các nhà thần học có vai trò đặc biệt: họ tìm cách phát biểu bằng ngôn ngữ chuyên môn những điểm đồng quy và khác biệt giữa Kitô giáo và các tôn giáo khác, cũng như cung cấp một “thần học về các tôn giáo” (xem văn kiện của Uỷ ban thần học quốc tế phát hành năm 1997).

2. Giáo dục đối thoại (số 31-33)

Cuộc đối thoại liên tôn đòi hỏi người Công giáo phải được đào tạo vững chắc về đức tin của mình, cũng như về sự hiểu biết các tôn giáo khác. Việc giáo dục này là điều cần thiết trong các chủng viện, nơi đào tạo các linh mục tương lai. Công cuộc đào tạo này có thể được thực hiện qua những cuộc tiếp xúc, gặp gỡ với các tôn giáo tại địa phương.

3. Những khía cạnh của việc thực hành đối thoại (số 34-54)

Các văn kiện xuất bản trước đây đã đề cập đến bốn hình thức đối thoại, lần này văn kiện muốn đề cập đến vài khía cạnh của đối thoại liên quan đến chân lý và bác ái, cũng như vạch ra những trở ngại và nguy hiểm của nó.

a) Những hình thức đối thoại. Bốn hình thức chính (x. Văn kiện “Đối thoại và Loan báo” số 42).

– Đối thoại bằng cuộc sống: thân thiện với người láng giềng, chia sẻ những niềm vui nỗi buồn thường nhật.

– Đối thoại bằng hành động: hợp tác với các tín đồ các tôn giáo trong việc thăng tiến con người.

– Đối thoại thần học: các chuyên viên trao đổi với nhau về các giá trị tinh thần trong các gia sản tôn giáo.

– Đối thoại cảm nghiệm tâm linh.

b) Đối thoại trong chân lý và bác ái

Đề tài này đã trở thành tựa đề của văn kiện vì nhiều vấn nạn đã được nêu lên trong thời gian qua: đối thoại để làm gì? sau khi kết thúc cuộc đối thoại thì ai về nhà nấy, đạo ai nấy giữ hay sao? Ngược lại, phải chăng sự khác biệt về niềm tin làm ngăn cản chúng ta đối thoại với người khác?

– Đối thoại trong chân lý là gì? Mục tiêu của đối thoại là gắn bó với chân lý. Tất cả mọi người đều có nghĩa vụ truy tầm chân lý. Tất cả các tôn giáo đều có liên quan đến chân lý: tín đồ là người chấp nhận chân lý của tôn giáo và cố gắng sống phù hợp với chân lý ấy. Đối thoại trong chân lý hàm ngụ rằng các tín đồ nhìn nhận việc đối thoại không chỉ nhằm giúp hiểu biết nhau, nhưng còn nhằm phục vụ xã hội qua việc làm chứng cho những chân lý đạo đức (luân lý) mà họ cùng chia sẻ với tất cả mọi người thiện chí. Khi đối thoại trong chân lý, các tín đồ được mời gọi làm rõ ra nội dung của những xác tín ấy. Hội thánh có sứ mạng “phục vụ chân lý”: chân lý về Thiên Chúa, chân lý về con người, về thế giới. Các Kitô hữu trình bày các chân lý ấy cách nhã nhặn và với lòng kính trọng người khác (1 Pr 3,15), tìm cách cho thấy rằng chân lý không đè bẹp tự do của con người nhưng làm thoả mãn những ước ao thầm kín nhất của con người.

– Đối thoại trong bác ái/ yêu thương là gì? Bác ái nằm trong bản chất của Kitô giáo, cần được diễn tả ra đời sống hằng ngày khi tiếp xúc với tha nhân: kính trọng, quan tâm, tin tưởng, khiêm tốn, nhẫn nhục, tha thứ, chấp nhận người khác, chia sẻ những vui buồn với họ. Người tín hữu hành động do tình yêu thôi thúc (2 Cr 5,14), đến gặp gỡ hết mọi người, dù không đồng tín ngưỡng với mình. Việc đối thoại này được diễn tả qua nhiều hình thức hành động, nhằm phục vụ công lý, hoà bình, thăng tiến con người.

c) Đối thoại và Loan báo

Hội thánh thi hành sứ mạng loan báo Tin Mừng bằng nhiều phương thế. “Đối thoại” và “loan báo” bổ túc cho nhau, chứ không thay thế lẫn nhau. Cả hai đều nhằm giúp cho những người khác hiểu biết và yêu mến Chúa Giêsu hơn.

d) Tâm tình và sự chuẩn bị cần thiết để đối thoại

– Vài đức tính cần thiết cho cuộc đối thoại: thâm tín về tôn giáo của mình, sẵn sàng tìm hiểu các tôn giáo khác với thái độ cởi mở; yêu thương chân thành, khiêm tốn, khôn ngoan, chính trực, kiên nhẫn. Một điều kiện căn bản cho việc đối thoại liên tôn là sự kính trọng lẫn nhau không chỉ trên lý thuyết mà cả trong thực hành, nhìn nhận phẩm giá của những người đối thoại.

Sự xác tín trong tôn giáo của mình là điều kiện cần thiết cho việc đối thoại liên tôn. Một khi đã vững chắc trong cảm nghiệm tôn giáo của mình, thì sự đối thoại sẽ giúp mình đào sâu thêm niềm tin[8]. Sự trưởng thành trong niềm tin sẽ giúp ích rất nhiều cho các người tham dự cuộc đối thoại.

e) Những trở ngại và nguy cơ

Một vài trở ngại cho việc đối thoại đã được bàn trong văn kiện “Đối thoại và loan báo”, bây giờ được tóm lại và bổ túc:

– Thiếu nhiệt tình trong việc làm chứng cho Chúa Kitô, và muốn dùng đối thoại để thay thế việc loan báo Tin Mừng.

– Thái độ lãnh đạm (indifference), coi các tôn giáo đều tốt như nhau (relativism).

– Pha trộn (syncretism) các yếu tố đạo lý và thực hành của các tôn giáo.

– Thoả hiệp (irenicism): tìm cách xoá bỏ tất cả những điểm dị biệt giữa các tôn giáo.

– Thiếu hiểu biết sâu xa về đạo của mình.

– Hiểu biết thiếu sót hoặc sai lầm về tôn giáo khác.

– Thái độ tự mãn tự cao, không biết nhận ra những yếu tố tốt đẹp nơi các tôn giáo khác.

– Hạn chế những đề tài trao đổi và thiếu cởi mở.

– Lợi dụng việc đối thoại liên tôn vào các mục tiêu cá nhân, chính trị hoặc kinh tế.

– Không tin tưởng vào những lợi ích của cuộc đối thoại.

D. Chương Ba: “Vài lãnh vực đặc biệt của tương quan liên tôn


Chương này (số 55-85) đề cập đến 6 lãnh vực của cuộc đối thoại liên tôn, với những nhận định dựa theo kinh nghiệm hoặc nhắc nhở những nguyên tắc cần được tuân giữ.

1. Bảo vệ nhân phẩm và thăng tiến việc thực hành nhân quyền (số 56-67)

Đứng đầu những quyền lợi căn bản của con người là quyền tự do tín ngưỡng, nghĩa là: quyền được theo hoặc không theo một tôn giáo, cũng như quyền được thay đổi từ một tôn giáo này sang tôn giáo khác. Hiện nay, tại nhiều nơi, quyền này vẫn chưa được nhìn nhận. Các tôn giáo có thể hợp tác với nhau để đòi hỏi việc tôn trọng quyền này trong pháp luật quốc gia, bao gồm cả quyền được biểu lộ đời sống tôn giáo trong đời sống xã hội. Một lãnh vực khác cho việc hợp tác liên tôn là cổ võ hoà bình trong xã hội, loại bỏ tất cả những hình thức bạo lực dưới danh nghĩa tôn giáo.

2. Kiến tạo những tương giao giữa các nhà lãnh đạo tôn giáo (số 68-71)

Điều này nhằm tăng cường sự thông cảm hiểu biết, cũng như hợp tác trong các công cuộc có ích lợi cho xã hội (chẳng hạn nhân các vụ thiên tai). Sự hợp tác này có thể thực hiện qua các cấp lãnh đạo hoặc qua các đoàn thể tôn giáo.

3. Giáo dục thanh thiếu niên trong việc hợp tác liên tôn (số 72-76)

Các trường học Công giáo là nơi thuận tiện để giáo dục các học sinh về sự hiểu biết các tôn giáo khác.

Tại các trường công lập dưới sự quản trị của Nhà Nước, các tôn giáo có thể hợp tác trong việc yêu cầu tôn trọng các giá trị đạo đức cũng như trong việc trình bày khách quan các tôn giáo trong nước.

4. Hợp tác tại các cơ sở y tế (số 77-78)

Trong lãnh vực y tế, Giáo hội luôn bày tỏ lòng bác ái đối với hết mọi người, bất luận thuộc tín ngưỡng hay chủng tộc nào. Các người Công giáo có thể hợp tác với các tôn giáo khác trong việc phục vụ sức khoẻ thể chất và tinh thần của các bệnh nhân, cũng như nâng đỡ tâm lý cho thân quyến họ.

Tại những cơ sở y tế của Công giáo, nên dành ra những nguyện đường cho những người ngoài Công giáo. Ở những bệnh viện công, các người Công giáo nên cộng tác với các tôn giáo khác để phụ trách việc chăm sóc thiêng liêng cho các bệnh nhân.

5. Hôn nhân dị giáo (số 79-80)

Những cuộc hôn nhân giữa các người Công giáo với những người thuộc các tôn giáo khác càng ngày càng gia tăng. Nhiều đôi hôn nhân này gặp khó khăn vì những lý do văn hóa, luân lý và tôn giáo. Người phối ngẫu Công giáo cần phải bảo vệ đức tin của mình và giáo dục con cái theo đức tin của mình. Các mục tử nên tìm cách nâng đỡ họ, cách riêng tại những nơi mà các người Công giáo bị cưỡng bách phải “trở lại” đạo của người phối ngẫu.

6. Cầu nguyện chung (số 81-85)

Lãnh vực này được bàn rộng hơn, với nhiều dè dặt. Khi nói đến việc cầu nguyện với các tôn giáo khác, cần lưu ý đến hai nguyên tắc thần học Công giáo về cầu nguyện: a) cầu nguyện là một ân huệ của Thánh Linh; b) cầu nguyện diễn tả lòng tin. Nguyên tắc thứ nhất mời gọi chúng ta trân trọng việc cầu nguyện nơi các tôn giáo khác, nhìn nhận tác động của Thánh Linh ở nơi tất cả mọi sự cầu nguyện chân chính (Rm 8,26-27). Nguyên tắc thứ hai không cho phép người Kitô hữu cầu nguyện chung với các tín đồ của các tôn giáo khác, bởi vì họ không tuyên xưng cùng một đức tin về Thiên Chúa như chúng ta (kể cả nơi các tôn giáo độc thần như đạo Do thái và Islam).

Từ hai nguyên tắc vừa rồi, ta có thể đi đến những kết luận như sau.

a) Có những hoàn cảnh thúc đẩy các tín đồ (cùng với các nhà lãnh đạo) tôn giáo gặp gỡ để cầu nguyện, thí dụ cầu nguyện cho hoà bình, cầu nguyện sau một tai nạn... Tuy nhiên cần phân biệt giữa “cầu nguyện chung” và “họp nhau để cầu nguyện” (hoặc là phân biệt giữa “inter-religious prayer” và “multi-religious prayer”)[9].

– “Cầu nguyện chung” (to pray together, to pray in common) có nghĩa là tất cả các tôn giáo cùng đọc một lời nguyện chung. Không thể chấp nhận điều này bởi vì trái ngược với nguyên tắc thứ hai nói trên đây (Lời kinh phát biểu niềm tin vào Đấng mà mình cầu nguyện).

– “Họp nhau để cầu nguyện” (together for prayer, to be present while others pray) có nghĩa là chúng ta hiện diện tại buổi cầu nguyện của người khác. Mỗi tôn giáo phát biểu lời nguyện hợp với niềm tin của mình, và những tín đồ khác kính cẩn lắng nghe trong thinh lặng. Cần phải tránh mọi hình thức gây cảm tưởng “hòa trộn” (syncretism) giữa các tôn giáo.

b) Trong những buổi cử hành phụng vụ của Kitô giáo, không được phép mời đại diện của các tôn giáo khác lên cầu nguyện theo nghi thức của họ.

c) Các tín đồ Công giáo cần có thái độ cởi mở, niềm nở tiếp đón các tôn giáo khác. Tuy nhiên, sự hiếu khách cũng có giới hạn của nó: không thể cho các tôn giáo khác “ mượn” nhà thờ Công giáo làm nơi cầu nguyện cho họ.

d) Khi vì lý do nào đó buộc phải bán một nhà thờ, thì cần phải quan tâm đến mục tiêu mà nó sẽ được sử dụng trong tương lai, làm sao bảo đảm tính cách thánh thiêng của nó. Vì thế cố gắng dành vào việc sử dụng của một tổ chức Công giáo hoặc Kitô giáo.

Kết luận


Văn kiện kết luận cách gọn gàng. Việc đối thoại liên tôn, tự bản chất, cần được thích nghi vào mỗi văn hóa, truyền thống, ngôn ngữ, nhãn quan tại địa phương. Những ai tham gia vào cuộc đối thoại liên tôn cần phải lưu ý đến những hoàn cảnh ấy. Văn kiện này muốn cung cấp vài nguyên tắc thần học nhằm giúp cho các người Công giáo biết phân định đúng đắn khi tham gia vào các sáng kiến ấy.

Điều này hàm ngụ rằng việc đối thoại liên tôn ở châu Âu thì khác với việc đối thoại tại châu Phi; tại một quốc gia mà người Công giáo chiếm đa số thì điều kiện đối thoại khác với tại một quốc gia Hồi giáo mà người Công giáo chỉ là một thiểu số. Từ đó, Hội đồng Giám mục tại mỗi quốc gia cần thảo ra một hướng dẫn đối thoại thích hợp với hoàn cảnh địa phương. Dù sao, xem ra khi nói đến đối thoại liên tôn, văn kiện này chú trọng đến đối thoại “đạo lý” hơn là các hình thức khác. Tại Việt Nam, có lẽ hai môi trường đối thoại liên tôn chưa được quan tâm đúng mức: a) các vườn trẻ do các nữ tu điều khiển, nơi mà các em thuộc các gia đình thuộc đủ mọi thứ tôn giáo (hoặc vô thần); b) các đôi hôn nhân “dị giáo”: giáo quyền chỉ can thiệp vào lúc miễn chuẩn ngăn trở, chứ không tiếp tục theo dõi sự thực hành tôn giáo sau khi kết hôn.
________
[1] Nên ghi nhận ý nghĩa của việc thay đổi danh xưng. Ngoài việc thay đổi quy chế pháp lý (từ “Văn phòng”- Secretariat - lên “Hội đồng” Pontifical Council), điều quan trọng là cách diễn tả đối tượng: từ chỗ tiêu cực (“Những người không phải là Kitô hữu”: non Christians) sang chỗ tích cực (“Đối thoại liên tôn giáo”: interreligious dialogue).
[2] Nên biết là việc đối thoại với đạo Do thái được giao cho Hội đồng Toà thánh đặc trách về sự hợp nhất các Kitô hữu, chứ không thuộc về Hội đồng đặc trách đối thoại liên tôn.
[3] The attitude of the Church towards the Followers of other religions. Reflections and Orientations on Dialogue and Mission. Nên biết là “mission” vừa có nghĩa là “truyền giáo” vừa có nghĩa là “sứ vụ”.
[4] Pastoral Attention to African Traditional Religions. - Pastoral Care and Attention to Traditional Religions (America, Asia, Oceania)
[5] Dưới thời ĐGH Bênêđictô XVI xảy ra một giai đoạn “khủng hoảng” khi ngài sát nhập cơ quan này vào với Hội đồng đặc trách văn hóa (11/3/2006); nhưng sau đó lại tách ra (1/9/2007) với một chủ tịch riêng.
[6] Cho đến nay, tiếng Anh chỉ có ấn bản lần thứ hai: Pontifical Counci for Interreligious Dialogue, Interreligious Dialogue: The Official Teaching of the Catholic Church, from the Second Vatican Council to John Paul II (1963-2005) edited by Francesco Gioia, Pauline Books and Media, Boston 1997.
[7] “In veritate et caritate” có thể dịch nhiều cách: “trong chân lý và bác ái”, “trong sự thật và tình yêu” (hoặc: tình yêu, yêu mến, yêu thương)
[8] Ở đây, cuộc đối thoại được giới hạn vào hình thức “đối thoại đạo lý” hoặc “đối thoại cảm nghiệm tâm linh”, chứ không muốn nói đến đối thoại “đời sống” hay “hành động”. Thoạt tiên xem ra mâu thuẫn khi nói rằng: “càng đối thoại thì càng đào sâu thêm niềm tin của mình”, thay vì mở rộng đến phía bên kia! Tuy nhiên, thiết tưởng nên phân biệt (như ĐTC Gioan XXIII đã nói trong bài diễn văn khai mạc công đồng Vaticanô II) giữa “chân lý” và “cách thức diễn đạt”. Nhờ cuộc đối thoại với các tôn giáo và các nền văn hóa, chúng ta sẽ học hỏi được những cách thức diễn đạt chân lý (về Thiên Chúa và về con người) cách phong phú hơn.
[9] Sự phân biệt này được ĐGH Gioan Phaolô II đưa ra hồi cầu nguyện tại Assisi vào tháng 10 năm 1986. Chắc chắn là nhiều người không hiểu được sự khác biệt giữa hai hình thức!