Thứ Ba, 17 tháng 3, 2020

THẦN HỌC ĐỜI SỐNG THÁNH HIẾN: NHỮNG GÓC ĐỘ TIẾP CẬN

Thời sự Thần học – Số 67 tháng 2/2015, tr. 163-189

_Mario Midali, S.D.B._[1]

Nói đến thần học đời sống thánh hiến (viết tắt: ĐSTH),[2] người ta thường nghĩ đến việc định nghĩa bản chất của sự thánh hiến (khác biệt với sự thánh hiến của bí tích rửa tội) và nội dung của ba lời khuyên Phúc Âm. Thực ra, thần học ĐSTH phong phú hơn nhiều; đúng ra phải nói đến “những” thần học về ĐSTH, bởi vì có nhiều lối tiếp cận khác nhau. Cha Mario Midali cho thấy rằng sự đa dạng này bắt nguồn từ chính quan điểm về ngôn ngữ thần học cũng như những điểm nhấn dựa theo kinh nghiệm lịch sử hoặc khung cảnh văn hóa. Bài viết gồm 5 mục chính:
I. Những khuôn mẫu làm thần học : 1) Khuôn mẫu kể chuyện. 2) Khuôn mẫu lịch sử. 3) Khuôn mẫu thần học tín lý. 4) Khuôn mẫu nữ quyền. 5) Khuôn mẫu thần học mục vụ.
II. Những hình thức khác nhau của ĐSTH: Tính đa dạng của các đặc sủng
III. Những khung cảnh văn hóa của các đại lục
IV. Những tư tưởng chủ chốt giải thích ĐSTH: 1) Những phạm trù Kinh Thánh; 2) Những phạm trù hữu thể; 3) Những phạm trù cảm nghiệm và lịch sử.
V. Những cái nhìn thần học tổng quan: 1) Khuynh hướng “cốt yếu” (essentialist) và khuynh hướng “hiện sinh” (existentialist). 2) Quan điểm tổng hợp của Tông huấn Vita consecrata (viết tắt: VC).

có bao nhiêu thứ thần học ĐSTH? Thoạt tiên câu hỏi xem ra ngớ ngẩn, nhưng nếu ai đã quen thuộc với các phương pháp làm việc thần học sẽ nhận ra tính cách phức tạp của vấn đề. Chúng ta thử lấy một thí dụ: chỉ có một Đức Giêsu Kitô nhưng có nhiều Kitô-học (hay Kitô-luận): Kitô học của thánh Matthêu, của thánh Marcô, của thánh Luca, của thánh Gioan, của thánh Phaolô. Đó là mới chỉ giới hạn vào các tác giả Tân Ước mà thôi chứ nếu điểm qua lịch sử 20 thế kỷ Kitô giáo thì con số các Kitô-học lại càng tăng thêm nữa! Chúng ta có thể nói một cách tương tự như vậy về ĐSTH: tuy bản chất chỉ là một nhưng có nhiều cách thức tiếp cận và trình bày. Chúng tôi không muốn điểm qua tất cả các thần học về ĐSTH trải qua lịch sử, hoặc từ công đồng Vaticanô II đến nay, nhưng chỉ giới hạn vào tông huấn Vita consecrata (1996). Thoạt tiên, khi mới nhìn vào mục lục, chúng ta nhận thấy cấu trúc khá mạch lạc, gồm ba chương tương ứng với ba chiều kích: “thánh hiến – hiệp thông – sứ vụ”. Cấu trúc này cũng được gặp thấy nơi nhiều văn kiện khác của Tòa thánh được ban hành trước đó, chẳng hạn như Christifideles laici (1988, số 8 và ba chương đầu), Pastores dabo vobis (1992, số 12; 59; 66). Tuy nhiên, nếu theo dõi các cuộc tranh luận trước và đang khi họp Thượng hội đồng về “đời sống thánh hiến và sứ mạng của đời sống này trong Hội thánh và trong thế giới” (năm 1994), ta sẽ thấy văn kiện này đã cố gắng tổng hợp nhiều khuynh hướng thần học khác nhau về ĐSTH; có thể nói được là cấu trúc ba phần của văn kiện phản ánh ba quan điểm khác nhau về ĐSTH! Trong bài này, chúng tôi muốn trình bày “hậu trường” của văn kiện, nhằm cho thấy những lối tiếp cận thần học khác nhau về ĐSTH, qua năm mục sau đây: 1/ Những khuôn mẫu làm thần học. 2/ Những hình thức tu trì. 3/ Những khung cảnh văn hóa. 4/ Những ý tưởng chủ chốt giải thích đời tu. 5/ Những nhãn quan thần học tổng quát.

I. Những khuôn mẫu làm thần học


Một yếu tố đầu tiên đưa đến sự đa dạng thần học là những khuôn mẫu làm thần học trải qua lịch sử. Dưới một khía cạnh nào đó, các khuôn mẫu này bổ túc cho nhau: mỗi bên nhấn mạnh một khía cạnh này hay khía cạnh khác của ĐSTH. Tông huấn Vita consecrata đã sử dụng tất cả các khuôn mẫu ấy để trình bày một cái nhìn toàn diện về ĐSTH.

A. Khuôn mẫu thuật chuyện


Khuôn mẫu thứ nhất là kể chuyện. Chẳng hạn như khi một vài nghị phụ và dự thính viên kể lại những trải nghiệm tâm linh của mình, cá nhân hoặc cộng đoàn, về nếp sống đan tu hoặc những hình thức tận hiến mới (chẳng hạn các asham bên Ấn độ).

Tông huấn cũng áp dụng khuôn mẫu này, chẳng hạn khi kể lại vài biến cố của sách Tin Mừng: cuộc biến hình trên núi Tabor (số 15), việc xức dầu ỏ Betania (số 104), việc rửa chân trong bữa Tiệc ly (số 75), thảm kịch Calvariô (số 23), việc đón chờ Thánh Linh vào lễ ngũ tuần. Tông huấn cũng mô tả những kinh nghiệm đời tu, tựa như nếp sống đan tu bên Đông và bên Tây (số 7; 27), kinh nghiệm của các trinh nữ, ẩn sĩ, quả phụ (số 8), các tu hội đời (số 10), các tu đoàn tông đồ (số 11), các hình thức mới của đời tận hiến sau công đồng (số 12; 62).

B. Khuôn mẫu lịch sử


Một khuôn mẫu thứ hai quen gọi là lịch sử, theo dõi sự tiến triển của các hình thức tu trì, cùng với những động lực Tin Mừng kèm theo.

Khuôn mẫu này được áp dụng rõ rệt ở phần nhập đề của tông huấn (số 6-12): đời sống đan tu, các trinh nữ, các ẩn sĩ, các quả phụ, các dòng hoàn toàn sống đời chiêm niệm, đời sống tu trì tông đồ, các tu hội đời, các tu đoàn tông đồ, những hình thức mới mẻ.

C. Khuôn mẫu thần học tín lý


Nhiều văn kiện Tòa thánh áp dụng khuôn mẫu này, khi xác định bản chất hoặc những yếu tố cốt yếu của ĐSTH (chú trọng vào sự thánh hiến qua việc tuyên giữ ba lời khuyên Phúc Âm, đời sống huynh đệ, sứ vụ).

Trong tông huấn ta cũng gặp thấy nhiều khẳng định mang tính cách thần học tín lý. Chẳng hạn như khi quy chiếu ĐSTH về Thiên Chúa Ba ngôi, đấng hướng dẫn lịch sử,[3] về Đức Giêsu Nazaret “Kẻ được Chúa Cha thánh hiến và sai đi” (số 9b),[4] về Thần khí của Đấng Phục sinh, nguyên uỷ của sự duy nhất và đa dạng trong Giáo hội,[5] liên lỉ tác động trong lịch sử quá khứ, hiện tại và tương lai của nhân loại,[6] về Giáo hội phổ quát và địa phương, mầu nhiệm của hiệp thông và sứ vụ, bí tích phổ quát của ơn cứu độ.[7]

Ngoài ra, còn nhiều lời tuyên bố liên quan đến bản chất cánh chung của ĐSTH (số 26-27), hoặc ĐSTH là “thành phần cơ bản của đời sống Giáo hội” (số 3b), sứ mạng của ĐSTH không thể nào mất được (số 63c), bởi vì “quan niệm về một Giáo hội chỉ gồm bởi các tác viên thánh và các giáo dân mà thôi thì không phù hợp với các ý định của Đấng sáng lập Giáo hội, như ta biết được qua các Tin Mừng và các sách Tân Ước” (số 29c).

D. Khuôn mẫu nữ quyền


Trong các bài phát biểu tại Thượng hội đồng, các phụ nữ dự thính đã trình bày cách thức họ nắm bắt mầu nhiệm khôn dò của Thiên Chúa từ cảm nghiệm nữ tính cũng như cách thức họ làm hiện diện tình yêu của Thiên Chúa qua những hình thức đa dạng của việc phục vụ con người.

Bản văn của tông huấn đã đón nhận những đóng góp của khuôn mẫu này, qua những đoạn văn nêu bật phẩm giá và vai trò của các nữ tu trong Giáo hội và trong xã hội, và yêu cầu mở ra cho họ “những cơ hội tham gia những lãnh vực khác nhau và trên mọi bình diện, kể cả tham gia vào tiến trình quyết nghị quyết định, và nhất là trong những vấn đề liên quan đến phụ nữ” (số 58a).[8]

E. Khuôn mẫu thần học mục vụ


Khuôn mẫu thần học mục vụ được sử dụng nhiều hơn cả trong các bản văn của Thượng hội đồng (x. Tài liệu làm việc), chẳng hạn như khi mô tả tình hình của các hội dòng tại những vùng khác nhau trên thế giới, khi vạch ra những vấn đề và thách đố, cũng như khi đề nghị những cuộc dấn thân trong tương lai.

Tiến trình này cũng được sử dụng trong tông huấn Vita consecrata, cách riêng khi mô tả các hình thức khác nhau của ĐSTH (số 8-12), tình hình ở trong Giáo hội, có nơi đáng lo ngại và có nơi đầy hứa hẹn,[9] những khó khăn phải đương đầu và những triển vọng được mở ra,[10] cuộc dấn thân làm chứng tá ngôn sứ để đáp ứng những thách đố của việc tái loan báo Tin Mừng trong những lãnh vực xã hội khác nhau (số 84-92), cách riêng là việc hội nhập Tin Mừng và ĐSTH vào các nền văn hóa (số 79-82), sự hiện diện trong một vài diễn đàn mới của việc truyền giáo (số 96-99), đối thoại đại kết và đối thoại liên tôn (số 100-103).

II. Những hình thức tu trì


Một yếu tố thứ hai đã đưa đến nhiều lối nhìn và giải thích thần học bắt nguồn từ các hình thức tu trì đa dạng, thời xưa cũng như thời nay.

A. Vấn đề


Khi tìm cách giải thích ý nghĩa ĐSTH trải qua lịch sử, các hội dòng cổ điển và các hội dòng gặp phải nhiều vấn đề khác nhau.

Các hội dòng cổ điển đã có một bề dày lịch sử và cũng có một khảo luận thần học giải thích nếp sống của mình. Tuy nhiên, vấn đề được đặt ra là nền thần học của họ phản ánh quan niệm về Thiên Chúa, Giáo hội, thế giới, con người thuộc những thời đại xa xưa (vào thời điểm mà hội dòng được thành lập), mà đôi khi không còn thích hợp với thời buổi hôm nay nữa. Vấn đề của những hội dòng này là phải “cập nhật” cho phù hợp với hoàn cảnh hôm nay. Một thí dụ: thời xưa, đời tu bao hàm sự “từ bỏ thế gian” (fuga mundi); lý tưởng này chịu ảnh hưởng của một quan niệm tiêu cực về trần thế (mầm mống của sự xấu và tội lỗi), và do đó không đặt nặng vấn đề sứ mạng trong trần thế (truyền giáo, công tác xã hội). Trọng tâm đời tu đặt ở việc tuân giữ các lời khấn dòng để nên trọn lành, hơn là sứ vụ. Trước những thay đổi của thần học và của xã hội, các dòng cổ điển cảm thấy cần phải cập nhật và canh tân; vấn đề được đặt ra là: liệu việc đổi mới có đồng nghĩa với việc mất căn tính hay không?

Các hội dòng mới ra đời trong các thế kỷ gần đây thì chưa kịp phát triển một khảo luận thần học để giải thích nếp sống của mình. Họ lấy những khuôn mẫu cổ điển, tìm cách thích nghi vào dự phóng của mình. Không phải lúc nào việc chắp nối cũng thành công. Như vừa nói, các hội dòng cổ điển được tổ chức theo mô hình đan tu, đang khi các hội dòng cận đại được tổ chức nhắm tới hoạt động: làm thế nào dung hòa các yêu sách của kỷ luật đan tu với các yêu sách của công tác tông đồ?

Liệu có thể đề ra một mô hình đồng nhất của ĐSTH cho tất cả các hình thức khác nhau hay không? Thật khó nói. Các tác phẩm về thần học ĐSTH thường nhấn mạnh về một hai khía cạnh tuỳ theo truyền thống của mình: tìm kiếm Thiên Chúa (quaerere Deum), tận hiến để thuộc trọn về Thiên Chúa; bước theo Đức Kitô việc tuyên giữ ba lời khuyên Phúc Âm; hiệp thông nghĩa là sống lại cộng đoàn huynh đệ của các thánh tông đồ; tu thân khắc kỷ như gặp thấy nơi nhiều tôn giáo; nhắm tới sự nên thánh trọn lành; phục vụ tha nhân; dấu chỉ cánh chung.

Trong thời gian chuẩn bị Thượng-hội-đồng, Liên hiệp các bề trên tổng quyền đã đề nghị dùng phạm trù “đặc sủng” làm chìa khoá để giải thích sự đa dạng của các hình thức tu trì, đặt trong những hoàn cảnh khác nhau của lịch sử.[11]

Các tài liệu làm việc và các cuộc phát biểu ở Thượng-hội-đồng cũng muốn nêu bật ĐSTH dưới khía cạnh đa dạng, kết quả của các đặc sủng hiểu như những cảm nghiệm tâm linh hoặc các tác vụ khác nhau.[12]

B. Tông huấn Vita consecrata


Như trên đã nói, ngay từ nhập đề (số 6-12), tông huấn đã mô tả các hình thức tu trì khác nhau trong lịch sử, mỗi hình thức mang theo những “đặc trưng thần học” của nó. Hơn thế nữa, tính đa dạng của ĐSTH còn được tiếp tục trong ba chương kế tiếp nữa, chẳng hạn khi bàn về tương quan với mầu nhiệm Thiên Chúa (số 14-40), về cách thức sống hiệp thông với Giáo hội (số 41-71), trong cách thức chiếu tỏa tình thương của Thiên Chúa qua các hình thức phục vụ khác nhau (số 72-103). Nên ghi nhận là tông huấn không lấy đời sống đan tu làm khuôn mẫu cho các hình thức tu trì. Đành rằng các hình thức đan tu đã có một truyền thống lâu đời bên Đông và bên Tây, nhưng không nhất thiết được xem là khuôn mẫu cho các hình thức khác xuất hiện trong lịch sử. Đúng ra, mỗi hình thức tu trì phải tìm khuôn mẫu nơi Tin Mừng, chứ không phải nơi một hình thức lâu đời nhất.

Như vậy, tông huấn bày tỏ sự trân trọng đối với tính đa dạng của các đặc sủng của các hội dòng, và yêu cầu mỗi hội dòng hãy trung thành với đặc sủng của vị sáng lập.[13] Cần phải hiểu “đặc sủng” (carisma) như thế nào? Tông huấn đưa ra một khái niệm như sau: “đặc sủng là những điều kiện khách quan để đạt tới sự toàn hảo theo Tin Mừng cho mỗi người và cho cộng đoàn” (số 93e).

III. Những khung cảnh văn hóa


Một yếu tố thứ ba đã dẫn đến việc khám phá những đa dạng của lối sống tu trì vào những năm sau công đồng Vaticanô II là khung cảnh văn hóa và địa lý của các tu sĩ, cách riêng là giữa miền Bắc và miền Nam của địa cầu. (Miền Bắc được hiểu là các quốc gia ở châu Âu và Bắc Mỹ; miền Nam bao gồm các lục địa châu Á và châu Phi, đặc biệt là Mỹ châu Latinh).

Trong các tài liệu chuẩn bị và trong các bài phát biểu tại Thượng hội đồng, người ta đã phác hoạ tình trạng của ĐSTH tại mỗi địa phương, với những tiến bộ, những khó khăn, những viễn tượng. Chẳng hạn như các quốc gia tại Bắc Mỹ và Tây Âu phải đối diện văn hoá hậu-hiện-đại (ở Bắc Mỹ và Tây Âu), với những khủng hoảng ơn gọi, đã cố gắng tìm cách “tái thiết lập” (refoundation) đời tu bằng cách định nghĩa lại ý nghĩa của đời thánh hiến; các quốc gia Đông Âu lại đối diện với việc “tái lập” đời tu sau khi chế độ Cộng sản sụp đổ; các quốc gia Mỹ châu Latinh đề cao việc lựa chọn ưu tiên phục vụ người nghèo; các quốc gia Á châu tìm cách đối thoại với các tôn giáo: các quốc gia Phi châu muốn du nhập những tập tục cổ truyền vào đời tu.

Tông huấn Vita consecrata không trực tiếp giải quyết những thách đố vừa nêu cho mỗi đại lục, nhưng chỉ lưu ý đến những thách đố mà các bối cảnh xã hội và Giáo hội đặt ra cho hết mọi nơi. Trên thực tế, suốt cả chương Ba được dành cho những sự dấn thân của ĐSTH mà sứ vụ ngày nay đòi hỏi: loan báo Tin Mừng cho dân ngoại, hội nhập văn hóa, tái loan báo Tin Mừng, ưu tiên phục vụ người nghèo, thăng tiến công bình (số 77-82), Phúc-Âm-hóa các nền văn hóa, hiện diện tại môi trường giáo dục và truyền thôn (số 96-99), đối thoại đại kết và liên tôn (số 101-103).

Cách riêng, tông huấn dừng lại ở ba sự thách đố mà ĐSTH phải đối diện ở vài nơi trên thế giới: thách đố cho đức khiết tịnh trong một nền văn hóa đề cao khoái lạc (số 88); thánh đố cho đức thanh bần trong một thế giới chạy theo tiền bạc (số 89); thách đố cho vâng phục đứng trước những quan điểm về tự do cắt đứt khỏi chân lý và luật lệ (số 90). Để đương đầu với các thách đố ấy, ngoài việc dấn thân cho việc đào tạo sơ khởi và thường huấn (số 65-71), cần phải quyết tâm hấp thụ một linh đạo tông đồ vững chắc và sâu xa.[14]

IV. Những phạm trù chủ chốt


Một yếu tố thứ tư của sự đa dạng, có liên hệ với hai yếu tố vừa rồi, bắt nguồn từ những phạm trù chủ chốt để giải thích các hình thức tu trì khác nhau. Chúng ta có thể tóm vào ba loại: 1) thần học Kinh Thánh; 2) hữu thể; 3) cảm nghiệm và lịch sử.

A. Những phạm trù thần học Kinh Thánh


Trước tiên là những phạm trù thần học Kinh Thánh, chẳng hạn như: tuyển chọn, kêu gọi, hiến thánh, đi theo, hiệp thông, sứ vụ, chứng tá, ngôn sứ, phụng sự, đặc sủng, dấu chỉ... Đây là những thuật ngữ thường gặp thấy nơi các bản văn Huấn quyền và các tác phẩm thần học.

Nên ghi nhận là không phải lúc nào các từ ngữ này cũng được hiểu theo một nghĩa như nhau. Vì thế cần phải giải thích, phân biệt những khía cạnh khác nhau của cùng một từ ngữ. Chúng ta hãy lấy một thí dụ ở từ ngữ quen thuộc hơn cả là consecratio. Từ này có dịch sang tiếng Việt “thánh hiến” hoặc “tận hiến”; điều này cho thấy rằng nó hàm ngụ ít nhất là hai khía cạnh, xét từ phía Thiên Chúa hay từ phía con người. Chưa hết, trong bài tường trình trước phiên họp Thượng hội đồng, đức hồng y Basil Hume cho biết rằng từ này bao gồm bốn khía cạnh: a) khía cạnh thần linh, tức là nhìn về phía Thiên Chúa (divine consecration), qua việc kêu gọi và tuyển chọn, được xác nhận qua một nghi thức phụng vụ; b) khía cạnh cá nhân (personal consecration): con người nhận ra hồng ân của Thiên Chúa và đáp trả qua việc dâng hiến bản thân; c) khía cạnh khách thể (objective consecration): một nếp sống phát sinh từ việc dâng hiến; d) khía cạnh chức năng (funtional consecration): vai trò hoặc sứ mạng của đời sống thánh hiến trong Giáo hội.[15] Nói một cách khác, consecratio có thể áp dụng cho: a) tác động của Thiên Chúa (kêu gọi, tuyển chọn); b) tác động của con người (tận hiến); b) hành vi phụng vụ (tuyên khấn, lời nguyện thánh hiến); d) một nếp sống (đời sống thánh hiến, thực thi lời cam kết).

Tông huấn Vita consecrata sử dụng những từ ngữ này một cách “loại suy”. Trước hết là áp dụng cho Đức Kitô, kế đến mới áp dụng cho Giáo hội, rồi sau cùng mới áp dụng cho các hình thức tu trì trong Giáo hội.

Thật vậy, các từ ngữ ấy tiên vàn là những tước hiệu của Đức Kitô: Người là kẻ được Thiên Chúa tuyển chọn và kêu gọi, Kẻ được thánh hiến do hồng ân Thánh Linh, Kẻ được Chúa Cha sai đi, Người chứng nhân trung thành, Ngôn sứ vĩ đại, Emmanuel Thiên-Chúa-ở-với-chúng-ta, Tôi tớ được thúc đẩy bởi tình yêu trao hiến, Kẻ đã sống các chân phúc, Đấng mạc khải mầu nhiệm khôn tả của Thiên Chúa Tam vị.

Kế đó, tông huấn chuyển những đặc điểm ấy từ Đức Kitô thủ lãnh sang Giáo hội của Người; dựa trên bối cảnh ấy mà các hình thức ĐSTH khám phá những nét cơ bản làm nên ơn gọi của mình.[16]

B. Những phạm trù hữu thể


Ngoài ra có những phạm trù mô tả bản thể :[17] căn tính, bản chất, hoạt động, đồng hình đồng dạng. Những từ ngữ này được sử dụng trong nhiều tác phẩm thần học, hoặc các bài phát biểu của các nghị phụ tại Thượng-hội-đồng, hơn là trong tông huấn .

Việc sử dụng những phạm trù này xem ra muốn tìm lại sự quân bình cho các dòng tu hoạt động tông đồ: cần nhấn mạnh đến “mình là ai” (to be) hơn là “mình làm gì” (to do). Đây là một sự phân biệt của thuyết “nhân vị” hiện đại, phân biệt giữa “là” (to be) và “có” (to have). Áp dụng vào thần học, ta thấy sự phân biệt này khá hữu ích: con người có giá trị bởi phẩm giá của mình, chứ không bởi những gì mình có hoặc làm ra. Trong lãnh vực siêu nhiên, điều quan trọng trước mặt Chúa là “đức mến”, chứ không phải là các “sự nghiệp”. Thánh Phaolô đã nhắc nhở điều đó trong bài ca đức mến: dù tôi có nói các thứ tiếng của thiên thần, có đem hết gia tài ra bố thí... mà không có đức mến thì cũng chẳng ích gì hết! (x. 1Cr 13,1-13).

Khi “chuyển dịch” sự phân biệt này vào ĐSTH, sự khó khăn nằm ở chỗ xác định đâu là lãnh vực “bản thể” và đâu là lãnh vực “hoạt động”: phải chăng “chiêm niệm” thuộc về bản thể, còn “tông đồ” thuộc về hoạt động? Nhưng điều này chỉ đúng theo nhãn giới của các dòng đan tu, chứ đối với các dòng tông đồ, thì sứ vụ (tông đồ) thuộc về chính bản thể của họ. Thực vậy, sứ vụ tạo nên đặc sủng của một hội dòng tông đồ, vì thế thuộc về “bản thể”. Một cách tương tự như vậy, trong quá khứ, nhiều khi “bản thể” của đời tu được giới hạn vào việc tuyên giữ ba lời khuyên Phúc Âm, còn các đề tài cầu nguyện, đời sống huynh đệ, sứ vụ thì bị coi nhẹ.

Trong thời gian họp Thượng hội đồng, nhiều cuộc phát biểu đã không ngừng nhắc nhở sự liên kết chặt chẽ giữa “thánh hiến” và “sứ vụ”. Tông huấn không đặt nặng lắm vấn đề định nghĩa “bản thể” của ĐSTH; tuy vậy, điều đáng để ý là tông huấn khẳng định rằng sự thánh hiến, hiệp thông huynh đệ và sứ vụ tông đồ đều là thành phần cốt yếu của tất cả mọi hình thức ĐSTH, tuy rằng mỗi hội dòng thế hiện theo cách thế riêng biệt tuỳ theo đặc sủng sáng lập.[18]

C. Những phạm trù cảm nghiệm và lịch sử


Ngoài ra, chúng ta còn gặp thấy những phạm trù mang tích cách “cảm nghiệm” (hoặc tương quan), chẳng hạn như: cảm nghiệm thần khí, tình yêu phu thê, tình yêu dâng hiến, tiếp đón, tương giao, hiến thân, hợp tác, đối thoại..., và những phạm trù mô tả các hình thức ĐSTH như là các dự phóng, kế hoạch sống Tin Mừng.

Ta có thể nhận thấy khuynh hướng này rất rõ rệt trong tông huấn Vita consecrata. Chẳng hạn như khi nói đến tương quan giữa Đức Kitô với Giáo hội, (và với các nữ tu), văn kiện mô tả với những hạn từ “kết duyên, hôn thê”.[19]

Khi diễn tả các hình thức của ĐSTH mà Thánh Linh đã gợi lên trải qua lịch sử, tông huấn nói đến “cảm nghiệm tâm linh” và “dự phóng tông đồ” của vị sáng lập.[20] Đi vào chi tiết, văn kiện nêu bật rằng nguồn mạch của ĐSTH là một “hồng ân thân tình và ... đón nhận mầu nhiệm Đức Kitô” (số 16a), “một cảm nghiệm tình thương ban-không của Thiên Chúa”, thôi thúc con người “đáp trả với sự hiến dâng vô điều kiện tất cả cuộc đời trong tay Chúa” (số 17b). Tâm tình này cũng được mô tả như là “chia sẻ cảm nghiệm của Đức Giêsu, trinh khiết, khó nghèo, vâng phục”, “tham gia vào sứ vụ của Người” trên thế giới” (số 18cd); hoặc như là “tương quan mật thiết với công cuộc của Thánh Linh” (số 19b), tóm lại, là một “cách thức đặc biệt của việc tin và sống cho tình yêu của Chúa Cha, Chúa Con và Thánh Linh” (số 24b). Trong mỗi đặc sủng sáng lập, “luôn có mối dây tương quan với Tam vị, với những khuôn mẫu khác biệt trong nếp sống” (số 36f).

Khi bàn về sự hiệp thông huynh đệ, văn kiện nói đến “chia sẻ đời sống trong yêu thương”, “tình yêu hỗ tương vô-điều-kiện” (số 42a). Đặc sủng của các vị sáng lập được trình bày như là cảm nghiệm: “một cảm nghiệm thần khí được trao lại cho các đồ đệ để họ sống, gìn giữ, đào sâu, triển khai thường xuyên hoà nhịp với Thân Thể Đức Kitô đang tăng trưởng không ngừng” (số 48b).[21] Khi nói đến tương quan của các người thánh hiến trong Giáo hội địa phương, giữa các hội dòng với nhau, giữa tu sĩ với các giáo dân, văn kiện nhấn mạnh đến sự “hiệp thông phong phú và quy mô” (n. 49 tựa đề), “liên lỉ đối thoại nhờ đức ái linh hoạt” (số 50 tựa đề).[22] Ta có thể nhận thấy ngôn ngữ mang tính cách tương giao liên-ngôi-vị.

Tông huấn cũng sử dụng ngôn ngữ ấy khi nói đến các hình thức sứ vụ của các hội dòng, chẳng hạn như: “yêu thương với trái tim của Chúa Kitô” (số 75 tựa đề) những con người cụ thể qua việc “tiếp đón” những anh chị em hốc hác, thất vọng, tủi hổ, kinh đảm, lo âu, mệt mỏi, u buồn (số 75d).[23] Đời sống tâm linh được mô tả như một dự phóng cụ thể “sống tương quan với Thiên Chúa và với môi trường chung quanh, với những nét nhấn về mặt tinh thần hay về hình thức tông đồ, do đó mà một khía cạnh này khía cạnh khác trong mầu nhiệm duy nhất của Đức Kitô được biểu dương hay hoạ lại” (số 93e).[24]

V. Những nhãn quan thần học tổng quát


Nhân tố thứ năm, phần nào tổng hợp tất cả những nhân tố vừa nói, đưa đến sự đa dạng về thần học ĐSTH là những nhãn quan tổng quát, nhìn từ những góc độ khác nhau và từ những định hướng khác nhau.

A. Hai khuynh hướng: cốt yếu và hiện sinh


Thật vậy, sự khác biệt về trong việc sử dụng các phạm trù tuỳ thuộc vào những cái nhìn tổng quan về đời sống thánh hiến, mà ta có thể xếp vào hai khuynh hướng chính: một đàng là khuynh hướng “cốt yếu” (essentialiste), một đàng là khuynh hướng “hiện sinh” hay “lịch sử” (existentialiste / historique). Dĩ nhiên sự phân chia này giúp chúng ta hiểu rõ vấn đề, chứ không phải là hai loại hoàn toàn tách biệt nhau.

Khuynh hướng thứ nhất thường gặp thấy nơi các văn kiện của công đồng Vaticanô II và các văn kiện Toà thánh cũng như các tác phẩm cổ điển về đời tu trì. Khuynh hướng thứ hai mới phát triển từ sau công đồng, đặc biệt nơi các hội dòng hoạt động tông đồ.

Theo khuynh hướng “cốt yếu” (bản chất), đời tu trì là một dự phóng sống Tin Mừng, nhằm đến sự hiệp thông với Thiên Chúa và với tha nhân, bước theo Đức Kitô dưới sự dìu dắt của Thánh Linh. Tuy nhiên dự phóng này được phân tích qua những đặc trưng khác biệt với các hàng ngũ khác trong Dân Chúa. Nói khác đi, dự phóng này được định nghĩa qua ba lời khuyên Phúc Âm, kèm theo những động lực của đời sống tâm linh và hoạt động tông đồ. Trong bối cảnh này, “sự thánh hiến qua ba lời khuyên Phúc Âm” (điểm cốt yếu) nâng đỡ và thúc đẩy sứ vụ cũng như những hình thức phục vụ và hiệp thông huynh đệ.

Khuynh hướng “hiện sinh” (hoặc lịch sử) nhìn các hình thức đa dạng của ĐSTH như là những dự phóng cụ thể để sống ơn gọi Kitô hữu, trong đó đặc trưng chuyên biệt được nhìn như một toàn bộ gồm nhiều yếu tố, tựa như sứ vụ, phục vụ, hiệp thông, cầu nguyện. Dưới viễn ảnh này, sự thánh hiến, hiệp thông, sứ vụ, việc tuyên giữ ba lời khuyên Tin Mừng đều được coi là những yếu tố cấu thành một dự phóng của đời tu.

Hai khuynh hướng này ảnh hưởng đến cách thức quy chiếu về Kinh Thánh, về Thiên Chúa, về Đức Kitô, về Thánh Linh, về Giáo hội, về con người, về lịch sử. Chúng ta có thể mô tả sơ lược như sau :

1) Kinh Thánh. Trong việc tìm hiểu những nền tảng Kinh Thánh của ĐSTH, khuynh hướng “cốt yếu” chú trọng đến các lời khuyên Tin Mừng và những đề tài liên hệ; khuynh hướng “hiện sinh” nghiên cứu những đoạn văn liên quan đến cảm nghiệm tâm linh và tông đồ của hội dòng và móc nối với toàn bộ sứ điệp Tin Mừng.

Khuynh hướng “cốt yếu” dựa theo một vài bản văn chứng tỏ sự khác biệt giữa các tu sĩ với các tín hữu khác, chẳng hạn: Mt 19,21 (nếu muốn nên trọn lành); Mc 3,13 (Chúa gọi những người Chúa muốn để sống với Người); 1 Cr 7,32-34 (đặc sủng trinh khiết). Khuynh hướng “hiện sinh” dựa trên những icôn của Chúa Giêsu (cầu nguyện trên núi; rao giảng Nước Trời, chữa lành bệnh nhân), hoặc những lối sống của Chúa Giêsu (luôn làm theo ý Cha, sống cho sứ vụ), cách riêng, dựa trên những đoạn văn đã từng cảm kích các vị thánh lập dòng, khiến các ngài đã từ bỏ tất cả để đi theo Chúa hoặc thiết lập một lối tu trì mới. Khi bàn về đặc sủng của đời thánh hiến, khuynh hướng “cốt yếu” phân tích ý nghĩa của từ ngữ charisma trong Tân Ước và áp dụng vào đời tu, qua việc móc nối với các nhân đức hướng Chúa, hoặc với ba lời khấn khiết tịnh, khó nghèo và vâng phục, hoặc móc nối với nếp sống của các thánh tông đồ. Khuynh hướng “hiện sinh” không dừng lại ở việc tìm hiểu ý nghĩa của từ ngữ trong Tân Ước, nhưng đi thẳng vào sứ vụ của hội dòng, khám phá ra tác động của Thánh Linh nơi cuộc đời của vị sáng lập và nơi các tiền bối, nơi các tác vụ mà các phần tử đã hay đang thực hiện.

2) Thiên Chúa. Khuynh hướng thứ nhất nhấn mạnh đến tác động của Thiên Chúa là nguồn gốc của ĐSTH: Thiên Chúa là Đấng bởi lòng yêu thương đã kêu gọi một người và đã gợi lên trong lòng họ sự đáp trả qua việc dâng hiến trót đời cho Ngài, thực hành các lời khuyên Tin Mừng, cùng với những hệ quả khác đối với việc tông đồ, thi hành tác vụ, hiệp thông huynh đệ. Khuynh hướng thứ hai nêu bật rằng trong cuộc đời cụ thể của một tu sĩ tông đồ, tác động thánh hiến của Thiên Chúa không chỉ dừng lại ở những điểm vừa nói, nhưng còn bao gồm cả sứ vụ, sự phục vụ nhân loại nữa. Về phía người tu sĩ, sự tận hiến không chỉ được thể hiện qua việc tuyên giữ ba lời khuyên Tin Mừng mà còn bao gồm sự tận hiến tông đồ, bởi vì tất cả được bao hàm trong một dự phóng lịch sử. Đối với một tu sĩ linh mục, sự tận hiến tu trì được gắn chặt với sự tận hiến tác vụ trong một ơn gọi duy nhất.

3) Mầu nhiệm Đức Kitô. Khuynh hướng thứ nhất quy chiếu vào Đức Kitô là Con Thiên Chúa, kẻ được Thiên Chúa thánh hiến, cũng như quy chiếu vào nếp sống khiết tịnh, nghèo khó và vâng phục mà Người đã lựa chọn theo tinh thần của bát phúc; quy chiếu về mầu nhiệm Vượt qua như là biểu hiệu tột đỉnh của sự gắn bó với Thiên Chúa, cũng như quy chiếu về tình thương của Người dành cho nhân loại. Khuynh hướng thứ hai không chỉ quy chiếu vào những mầu nhiệm vừa kể mà còn liên kết với các danh hiệu khác của Đức Kitô: Người là Tông đồ của Chúa Cha (= sứ vụ được hiểu như tình yêu được hiện thực), được sai đến thế gian để thực hiện kế hoạch hiệp thông và giải phóng của Thiên Chúa (= cứu độ, Vương quốc Thiên Chúa), nhờ việc phục vụ con người qua những tác vụ khác nhau (tương ứng với những tước hiệu khác nhau: Mục tử, Lương y, v.v.); trong một bối cảnh văn hóa (= hội nhập văn hóa) như một bí tích sống động (= dấu chỉ, chứng nhân) của tình yêu Thiên Chúa giữa lòng lịch sử nhân loại, tình yêu đạt đến tột đỉnh nơi mầu nhiệm Vượt qua.

4) Thánh Linh. Khuynh hướng thứ nhất quy hướng đời tận hiến về sự hiện diện của Thánh Linh, Đấng chiếm hữu người tu sĩ, ban cho họ khả năng chiêm niệm và chúc tụng Thiên Chúa, bước theo Đức Kitô qua việc ôm nếp sống của ba lời khuyên Tin Mừng, gia nhập vào đời sống huynh đệ và sẵn sàng phục vụ công tác tông đồ. Khuynh hướng thứ hai quy hướng về Thánh Linh không những khi nói đến cảm nghiệm tâm linh (với những nét vừa kể) nhưng còn gắn liền với những yếu tố của đặc sủng: dự phóng tông đồ của vị sáng lập và tác vụ. Chính Thánh Linh đã gợi lên những vị sáng lập với sứ mạng đặc thù của các tác vụ, và Thánh Linh tiếp tục giúp cho các đồ đệ của họ tiếp tục dự phóng qua việc phục vụ nhân loại.

5) Giáo hội và nhân loại. Khuynh hướng thứ nhất liên kết ĐSTH với sự thánh thiện của Giáo hội: việc tuyên giữ các lời khuyên Tin Mừng dẫn đến đức ái trọn hảo và làm chứng cho các thực tại cánh chung trước mặt thế giới. Chứng tá của các tu sĩ là một hình thái bổ túc cho chứng tá của các đôi hôn nhân. Khuynh hướng thứ hai liên kết ĐSTH không những với sự thánh thiện của Giáo hội mà còn với các khía cạnh khác, cách riêng tính cách tông đồ và phục vụ của Giáo hội. Một cách cụ thể hơn, các tu sĩ thực hiện ơn gọi chung của Giáo hội và sự thánh hiến của bí tích Thánh tẩy trong một ơn gọi đặc thù và trong sự thánh hiến tông đồ. Các tu sĩ thể hiện cảm nghiệm hiệp thông của Giáo hội qua đời sống của cộng đoàn mình cũng như qua sự hiệp thông với các nếp sống khác trong Giáo hội. Các tu sĩ thực hiện sứ mạng duy nhất của Giáo hội trên thế giới qua sứ vụ đặc thù của mình. Các tác vụ của các tu sĩ được thực hiện như là biểu hiện tính cách phục vụ của Giáo hội qua nhiều hình thức khác nhau. Các tu sĩ thực hiện sự thánh thiện chung của Dân Thiên Chúa trong nếp sống tu trì và các tác vụ gắn liền với nó. Các tu sĩ làm chứng cho Chúa Phục sinh do hiệu năng của tất cả những yếu tố thuộc dự phóng của hội dòng chứ không chỉ do việc tuyên khấn các lời khuyên Tin Mừng.

6) Lịch sử. Khuynh hướng thứ nhất tìm cách nhận ra trong lịch sử những yếu tố nằm trong bản chất của đời sống tu sĩ. Nói khác đi, chiều kích lịch sử và hiện sinh chỉ là thứ yếu. Khuynh hướng thứ hai cố gắng khám phá ra nơi lịch sử của vị sáng lập và của hội dòng những yếu tố làm nên dự phóng của mình, và tìm cách phân biệt giữa những giá trị cần phải bảo vệ với những hình thức chịu ảnh hưởng của một khung cảnh văn hóa cần được liên tục cập nhật.

Như đã nói trên, các văn kiện Tòa thánh thường nghiêng theo khuynh hướng thứ nhất, đang khi các hiến pháp các dòng tu được soạn sau công đồng đi theo khuynh hướng thứ hai, nghĩa là định nghĩa căn tính của mình dựa theo một “dự phóng”. Khuynh hướng này cũng mang tên là “lịch sử” theo nghĩa là theo dõi tiến trình lịch sử của các hội dòng: người ta không đi từ những khái niệm trừu tượng tổng quát nhưng đi từ một kế hoạch cụ thể. Mỗi vị lập dòng muốn thực hiện một dự phóng toàn diện (tuy rằng dự phóng này còn bất toàn) để sống Tin Mừng, bước theo Đức Kitô trong việc tôn sùng Thiên Chúa và phục vụ tha nhân. Trong dự phóng này, tất cả các yếu tố đều gắn bó chặt chẽ với nhau, làm thành một tổng bộ. Mỗi vị lập dòng đã phác hoạ dự phóng này từ một cách thức riêng biệt khi đọc Tin Mừng hoặc từ một cảm nghiệm độc đáo về Thiên Chúa hay khi nắm bắt một nhu cầu của đồng loại. Trực giác này trở thành điểm tựa cho một kiến trúc thiêng liêng để đáp ứng với những thách đố của thời đại hoặc với những chờ đợi của Giáo hội. Dù sao, dự phóng này mang tính cách năng động chứ không khép kín, sẵn sàng đón nhận những đóng góp mới của các môn đệ để đáp ứng với những đòi hỏi mới cũng từng thời đại hoặc nơi chốn.[25]

Chúng ta có thể lấy một vài thí dụ. Đối với đời đan tu, yêu sách căn bản là cuộc gặp gỡ Thiên Chúa (quaerere Deum) trong chiêm niệm, dần dần được mở ra đến hiệp thông huynh đệ (koinonia) của đời sống cộng đoàn. Yếu tố kết hợp của dự phóng này là “phục vụ Thiên Chúa” (servitium Dei), hoặc “cầu nguyện và lao động” (ora et labora). Trong dự án tông đồ của thánh Đaminh, động lực loan báo Tin Mừng (sứ vụ) trở thành yếu tố xây dựng cộng đồng huynh đệ và đời sống tông đồ, đặt dưới khẩu hiệu “truyền đạt cho tha nhân những gì đã chiêm niệm” (contemplata aliis tradere). Đồng thời với Người, thánh Phanxicô lại lấy tình huynh đệ (fraternitas) và sự bé nhỏ của Tin Mừng (minoritas) làm nền tảng cho việc thực hành các lời khuyên Tin Mừng và hoạt động tông đồ. Đối với thánh Inhaxiô, việc phục vụ Giáo hội tại vùng biên cương được linh hoạt với sự chiêm niệm (in actione contemplativus) tạo nên dự phóng của đời tận hiến và định hướng cho việc tổ chức cộng đoàn và thực hành các lời khuyên Tin Mừng. Trong dự phóng của các dòng tông đồ cận đại (thánh Camillô Lellis, thánh Vínhơn Phaolô, thánh Gioan Bosco ...), một công tác phục vụ theo tinh thần Tin Mừng (nhằm đến một vài hạng người đặc thù nào đó) được thúc thấy với đức ái mục tử đã định hướng toàn thể cấu trúc sống tình huynh đệ, thực hành các lời khuyên Tin Mừng và việc cầu nguyện.

B. Những nhãn quan tổng quát của Thượng hội đồng giám mục


Chủ đề của Thượng-hội-đồng xoay quanh ba điểm: “Căn tính của ĐSTH, vai trò trong Giáo hội, sứ mạng trên thế giới”. Trong thời gian chuẩn bị, đã có những đề nghị muốn nhấn mạnh đến một điểm này hay điểm khác trong chương trình ấy.

Liên Hiệp các Bề trên tổng quyền đề nghị đặt sứ mạng lên hàng đầu, rồi dựa theo sứ mạng để vạch ra sự hiệp thông giữa các hình thức ĐSTH trong Giáo hội cùng với căn tính của mình. Lối nhìn này dựa theo cái nhìn của Gaudium et spes, theo đó căn tính của Giáo hội được sáng tỏ khi đối diện với xã hội thời nay (cái nhìn hướng ngoại: ad extra). Hai điểm kia thì dựa theo cái nhìn hướng nội (ad intra) của Lumen gentium và Perfectae caritatis, nghĩa là căn tính của Giáo hội được định nghĩa theo cuộc sống nội tại.

Các tài liệu chuẩn bị và các bài phát biểu tìm cách liên kết các khía cạnh với nhau, chẳng hạn khi nhấn mạnh rằng các chiều kích “tuyển chọn, thánh hiến, thông hiệp, sứ mạng” không thể tách rời nhau trong mầu nhiệm Giáo hội, vì thế cần được duy trì trong tất cả mọi hình thức tu trì.

Có thể nói rằng tông huấn Vita consecrata tìm cách kết hợp các nhãn quan tổng quát với nhau, hơn là lựa chọn một cái nhìn nào nhất định và gạt bỏ những quan điểm khác.
1. hánh hiến – Hiệp thông – Sứ mạng
Sự tổng hợp đầu tiên có thể ghi nhận là tông huấn diễn tả “căn tính” của ĐSTH bằng cách quy chiếu về cả ba chiều kích: ĐSTH bắt nguồn từ mầu nhiệm Thiên Chúa Tam vị (confessio Trinitatis),[26] là dấu hiệu hiệp thông trong Giáo hội (signum fraternitatis) và là sự bộc lộ tình yêu Thiên Chúa trên thế giới qua những việc phục vụ (servitium caritatis). Chúng ta nên lưu ý đến việc kết hợp cả ba chiều kích với nhau, mặc dầu trên thực tế có những hội dòng nhấn mạnh đến một chiều kích này hơn chiều kích kia. Đại khái, ta có thể nói rằng các dòng đan tu chú trọng đến chiều kích thánh hiến, các dòng huynh đệ thời Trung cổ nêu bật chiều kích cộng đoàn, còn các dòng hoạt động thời cận đại thì đặt sứ vụ lên hàng đầu.

Chúng ta có thể hiểu được rằng trong một bản hiến pháp, hội dòng có thể lựa chọn một chiều kích phù hợp với lịch sử của mình, nhưng tông huấn nhằm đến toàn thể Giáo hội, trong đó cần biểu lộ tính duy nhất cũng như tính công giáo (phổ cập), không chỉ nhằm đến một hội dòng hay một hình thức tu trì nào riêng biệt nhưng là toàn thể các hình thức thánh hiến hiệp thông với nhau trong một Giáo hội phổ quát.
2. Cốt yếu và lịch sử
Ba đặc tính vừa nêu xem ra chú trọng đến các yếu tố “cốt yếu” của ĐSTH. Thực ra, cả hai nhãn quan “cốt yếu” và “lịch sử” (hay hiện sinh) đều được lưu ý trong khi trình bày ĐSTH

Khi đề cập đến Đức Kitô, tông huấn không chỉ giới thiệu một Đức Giêsu khiết tịnh, khó nghèo, vâng phục (số 1a) theo khuynh hướng “cốt yếu” nhấn mạnh đến ba lời khuyên Tin Mừng; nhưng đồng thời Đức Giêsu cũng là “kẻ được Chúa Cha sai đi” (số 9b; 22a; 72c; 76a), “ngôn sứ” (số 84a); người cầu nguyện trên núi (số 8a;32d), kẻ phục vụ nhân loại (số 75b; 76). Đức Kitô là khuôn mẫu cho đời đan tu (số 6b), các nữ đan sĩ (số 59ab), các dòng tông đồ (số 32d), các dòng phục vụ bệnh nhân (số 83b)

Thánh Linh không chỉ hiện diện trong việc thánh hiến các cá nhân, nhưng còn tác động trong toàn thể cuộc đời của người thánh hiến, đặc biệt là trong sứ vụ. Tác động quan trọng nhất của Thánh Linh được nhận thấy nơi các đặc sủng: Ngài là đấng ban phát các đặc sủng đa dạng (số 62a).

Tông huấn khẳng định rằng đời thánh hiến không chỉ thuộc về sự sống và sự thánh thiện của Giáo hội, nhưng còn thuộc về tất cả các đặc điểm của Giáo hội, nghĩa là: duy nhất (số 46c), công giáo (số 2b; 19d), hôn thê của Đức Kitô (số 34a), truyền giáo (số 1b; 2c; 77), phục vụ, ngôn sứ (số 84), cánh chung (số 44a).

Đức Maria cũng được giới thiệu như là “gương mẫu tuyệt vời của việc thánh hiến hoàn hảo, vì Mẹ thuộc trọn về Thiên Chúa và hiến dân trọn vẹn bản thân; ... đồng thời, Đức Maria là mẫu mực cho việc con người đón tiếp ân sủng của Thiên Chúa; ... Mẹ là thầy dạy cách bước theo Đức Kitô vô điều kiện và chuyên cần phục vụ Người. ... Đời thánh hiến nhìn nhận Mẹ là gương mẫu tuyệt vời cho việc tận hiến cho Chúa Cha, kết hơp với Chúa Con và ngoan ngoãn nghe theo Chúa Thánh Thần” (số 28).

Tông huấn đặt tình yêu dâng hiến (số 75) làm trung tâm và linh hồn cho linh đạo thánh hiến (số 75b), linh đạo hiệp thông (số 41b; 46a), linh đạo tông đồ (số 74b), là những yếu tố cấu thành đời sống tâm linh của các người thánh hiến (số 93).

Kết luận


Tông huấn Vita consecrata đã cố gắng kết hợp nhiều luồng thần học về ĐSTH (số 4b; 13a), tôn trọng tính cách đa dạng trong một cái nhìn chung cho Giáo hội công giáo. Người ta thường chỉ giới hạn việc nghiên cứu bản chất của ĐSTH vào ba lời khuyên Tin Mừng, nhưng chúng ta thấy rằng thần học về ĐSTH phong phú hơn nhiều, nhờ việc sử dụng nhiều góc độ và nhãn quan khác nhau. Tông huấn muốn trình bày một cái nhìn tổng quan cho toàn thể Giáo hội, còn mỗi hội dòng chỉ giới hạn vào một dự phóng riêng dựa theo đặc sủng của mình. Để kết thúc bài này, chúng tôi xin trích dẫn đoạn mở đầu của tông huấn (số 1), qua đó chúng ta nhận ra được bộ mặt phong phú của ĐSTH, khi quy chiếu về mầu nhiệm Tam Vị, về Đức Kitô, về Giáo hội, về thế giới; vừa là thánh hiến vừa là hiệp thông và sứ vụ :

Đời sống thánh hiến, bén rễ sâu trong gương sống và giáo huấn của Chúa Kitô, là một ân huệ Thiên Chúa Cha ban cho Giáo hội của Người qua trung gian của Thánh Linh. Nhờ việc tuân giữ các lời khuyên Tin Mừng, các nét đặc trưng của Đức Giêsu – khiết tịnh, nghèo khó và vâng phục – trở thành hữu hình giữa lòng thế giới như một mẫu gương thường hằng, và các tín hữu được mời gọi hướng nhìn về mầu nhiệm Nước Thiên Chúa đã tác động trong lịch sử, nhưng còn đang chờ đạt tới viên mãn ở trên trời. Qua các thời đại, luôn có những người nam nữ, sẵn sàng nghe theo tiếng gọi của Chúa Cha và sự thúc đẩy của Thánh Linh, đã chọn con đường đặc biệt để bước theo Đức Kitô, sequela Christi, để tự hiến cho Chúa với một trái tim “không chia sẻ” (1Cr 7,34) [thánh hiến]. Như các thánh tông đồ, họ cũng đã từ bỏ mọi sự để ở với Người [hiệp thông] và giống như Người, ra tay phục vụ Thiên Chúa và anh chị em mình [sứ vụ]. Như thế họ đã góp phần vào việc biểu lộ mầu nhiệm và sứ mạng của Giáo hội bằng muôn vàn đặc sủng thuộc đời sống thiêng liêng và tông đồ mà Thánh Linh đã ban cho họ, và nhờ đó, họ cũng đã góp phần vào việc canh tân xã hội.

Tóm lại, thần học về ĐSTH bao gồm rất nhiều chiều kích, nhìn dưới góc độ “bản thể” cũng như dưới góc độ “hiện sinh”, mà chúng tôi đã điểm qua trên đây.
______

[1] Cha Mario Midali là giáo sư thần học đại học Salesianum (Roma). Bài này tổng hợp hai tác phẩm: Teologia e teologie della vita religiosa, in “Dizionario Teologico di Vita Consacrata”, Ancora Milano 1994, 1914-1926; Percorso di speranza per consacrati e consacrate. Elle di ci, Leumann 1997.
[2] Chú thích về việc dịch thuật. Consecratio có thể dịch là “thánh hiến” hoặc “tận hiến”; chúng tôi chọn từ thứ nhất. Một cách tương tự như vậy, charisma có thể dịch là “đặc sủng” hoặc “đoàn sủng”, và chúng tôi chọn từ thứ nhất.
[3] X. VC 16d; 17-22; 36; 73.
[4] X. VC 1; 22; 72; 76; 77; 82; 85a.
[5] X. VC 31b; 62c; 64b; 85b.
[6] X. VC 5; 9b; 12; 29c; 62; 73; 81c; 110.
[7] X. VC 4; 29b; 41b; 46-49; 72; 74a; 77.
[8] X. VC 34; 57-59; 102c.
[9] X. VC 3; 13; 44; 58; 59; 60; 61; 62.
[10] X. VC 63-64.
[11] Unione Superiori Generali, Carismi nella Chiesa per il mondo. La vita consacrata oggi, Paoline, Cinisello Balsamo, Milano (pp. 256s; 268s.)
[12] Instrumentum Laboris, 11-13; 14s; 40; 44.
[13] X. VC 4c (căn tính của các bậc sống khác nhau là do các đặc sủng khác nhau; 5 (Sự đa dạng của các hình thức tu trì trong lịch sử là do sự đa dạng của các đặc sủng); 9b (đặc sủng của các hình thức tu trì tông đồ); 10 (những hình thức sống tận hiến khác nhau trong các tu hội đời là do sự khác biệt các đặc sủng); 12 (các hình thức mới mẻ của ĐSTH là biểu hiện của những đặc sủng sáng lập mới); 16b (sự kết hợp nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô dựa theo những đặc sủng khác nhau); 19; 42 (qua các đặc sủng của các hội dòng, Thánh Linh dẫn dắt họ vào những phận vụ khác nhau trong Giáo hội và trong thế giới); 25a (các đặc sủng riêng của các hội dòng chuyên trách truyền giáo); 30c (ơn gọi và sứ mạng của mỗi hội dòng đâm rễ trong một đặc sủng riêng biệt); 36 (trong mỗi đặc sủng, luôn luôn có sự quy hướng về Chúa Cha, Chúa Con và Thánh Linh); 42a (đặc sủng chiêm niệm của các ẩn sĩ); 48-49 (nhìn nhận, thăng tiến và phối kết các đặc sủng trong kế hoạch mục vụ của giáo hội địa phương); 59d (đặc sủng của các đan viện kín); 61a (trở về với ý hướng nguyên khởi dựa trên đặc sủng sáng lập); 68b. 71f (chương trình đào tạo phải phù hợp với đặc sủng của hội dòng); 72b. 73bc (bản chất và yêu sách của đặc sủng sáng lập hội dòng tông đồ); 77-85. 93. 94. 96-99. 101 (việc loan báo Tin Mừng cần được thực hiện trong sự trung thành với đặc sủng nguyên khởi của hội dòng).
[14] X. VC 74b; 38; 93; 103.
[15] Cardinal Basil Hume, Relatio ante disceptationem, n. 12. In: Osservatore Romano english edition¸ n. 41 (12 October 1994), p.11.
[16] X. VC lb; 4; 5; 9; 14; 16; 18t; 22; 25; 27; 30; 32; 42; 47; 72; 76; 77; 82; 84; 85; 92.
[17] Chú thích của người dịch. Phạm trù “hữu thể” nguyên văn là categorie ontologiche, định nghĩa “bản thể của một vật (nó là cái gì). Vì thế ở đây, “hữu thể” hoặc “bản thể” được dùng như đồng nghĩa.
[18] X. VC 4b; 19; 22; 25a; 42a; 46b; 47; 48bc; 49a; 71f; 72; 77; 85b; 93e.
[19] VC 3a; 7a; 15b; 19c; 32c; 34ab; 57a; 59a; 93c; 105b.
[20] VC 5-12; 36; 60f; 61a; 72b; 93e.
[21] Đoạn văn này trích lại Mutuae Relationes (Những liên hệ hỗ tương), số 11.
[22] X. VC 54b; 55b; 74a.
[23] Xt. VC 82bc.
[24] Xt. VC 60f (dự phóng của vị sáng lập); 6la (dự phóng nguyên thuỷ của vị sáng lập).
[25] Mỗi khuynh hướng nghiêng về việc sử dụng một thứ “phạm trù” đã nói trước đây. Khuynh hướng “cốt yếu” tìm cách định nghĩa các khái niệm “hữu thể”, tựa như: thánh hiến (tận hiến), hiệp thông, các lời khuyên Phúc âm, sứ vụ. Khuynh hướng “hiện sinh” nhấn mạnh đến các yếu tố năng động: đi theo, chứng tá, dấu chỉ, ngôn sứ, phục vụ.
[26] Có thể khẳng định rằng một trong những điểm thần học mới mẻ của VC là chiều kích Tam Vị, được nhắc đến ở nhiều mạch văn khác nhau: nhập đề (số 1); ơn gọi (số 20a); các lời khuyên Tin Mừng (số 21); đặc sủng (số 36c); hiệp thông (số 41b), đào tạo (số 66a); sứ vụ (số 72a).