Thứ Tư, 10 tháng 7, 2019

“TIN” TRONG QUAN NIỆM GIẢI THOÁT CỦA PHẬT GIÁO

Thời sự Thần học – Số 62, tháng 11/2013, tr. 39-63

Nguyễn Hải Đăng, O.P.

I. “Tin” theo quan niệm Phật giáo: 1. “Chánh tín” hay “Tịnh tín”. 2. “Tin” hướng đến cứu cánh giải thoát.
II. “Tin” theo lập trường giải thoát của Phật giáo Nguyên Thủy (H: 源始佛教): 1. “Tin” vào hạt mầm giải thoát nơi chính mình. 2. “Tin” vào ngôi Tam Bảo. 3. Thực hành “tin” trong pháp môn “niệm Phật” của Phật giáo Nguyên thủy
III. Sự tiến triển về “Tin” trong Phật giáo Đại thừa: 1. Sự hình thành giáo lý “Phật thân” (S: Buddha-kaya,佛 身). 2. Sự hình thành và phát triển giáo lý “Bồ-tát thừa” (S: bodhi-sattvas, 菩薩). 3. Thực hành “tin” trong pháp môn “Tịnh Độ” của Phật giáo Đại thừa
IV. Nhận Định: Hiểu đúng về “tin” trong quan niệm giải thoát của Phật giáo

Cứu cánh giải thoát là mục đích của các tôn giáo. Nhưng con đường đạt đến mục tiêu đó, mỗi tôn giáo có những quan niệm khác nhau. Phật giáo quan niệm, con người là gốc của khổ đau nên sự giải thoát phải khởi đi từ chính con người trong chính cuộc đời này. Mọi chủ trương tìm cầu sự giải thoát bên ngoài con người hay chỉ biết nương tựa vào tha lực cứu độ ngoại tại là điều không phù hợp với giáo lý giải thoát của Phật giáo. Vậy đức tin có vai trò gì trong vấn đề giải thoát của Phật giáo?

Đức tin[1] (S: sraddha; P: saddha,信) theo quan niệm Phật giáo không như các tôn giáo thần khải. “Tin” chính là sự thấy, biết, hiểu rõ sự thật về vạn pháp, vì vậy gọi là “tịnh tín” hay “chánh tín.” Đối tượng của đức tin không là Đấng Siêu Hình ngoại tại, nhưng là niềm tin vững chắc vào ngôi Tam Bảo: Phật, Pháp, Tăng. Đặt niềm tin nơi Tam Bảo, người Phật tử luôn giữ mình trong “chánh tín”, rời xa các tà kiến, hướng đến an lạc và giải thoát trong hiện tại và vị lai.

I. “Tin” theo quan niệm Phật giáo


1. “Chánh tín” hay “Tịnh tín”


“Tin” theo quan niệm Phật giáo chính là “chánh tín”[2] (H:正 信) hay “tịnh tín” (H:净 信), tức niềm tin sau khi đã được kiểm nghiệm bởi trí tuệ. Thói thường, những gì liên hệ đến “tự ngã” thì bao giờ cũng tối thắng. Vì vậy, Đức Phật răn dạy phải thận trọng trước mọi quan điểm tư tưởng, chớ vội tin nhưng cần hoài nghi và xét lại tất cả. Hoài nghi là lộ trình của chánh tín. Nếu không được hoài nghi, xét lại, mà nhắm mắt tin theo thì chính là mê tín. Người Phật tử chỉ tin sau khi thực hành và chứng đắc rằng, điều đó mang đến hạnh phúc an vui cho mình và người trong hiện tại và vị lai.

Này các Kalama, chớ vội tin vì nghe truyền thuyết. Chớ vội tin vì theo truyền thống. Chớ vội tin vì được kinh điển truyền tụng. Chớ vội tin vì lý luận siêu hình. Chớ vội tin vì phù hợp với định kiến. Chớ vội tin vì xuất phát từ nơi có uy quyền và chớ vội tin vì vị Sa môn nói ra những lời ấy là bậc đạo sư của mình. Này Kalama, khi nào tự mình biết rõ như sau: các pháp này là thiện, là không có tội lỗi, các pháp này được những ngưới có trí tán thán, các pháp này đưa đến hạnh phúc, an lạc thì này Kalama, hãy chứng đắc và an trú.[3]

Trước hết Phật tử phải thiết lập được niềm “tịnh tín” đối với Tam Bảo: Phật, Pháp, Tăng như năng lực đoạn trừ Vô Minh, dập tắt tham ái, khổ đau. Và đỉnh cao phải đạt đến lòng “tịnh tín” tuyệt đối vào Bản Tâm Thanh Tịnh, Tự Tánh Giác Ngộ hằng hữu nơi chính bản thân mình. Từ đó nỗ lực tu tập làm hiển lộ Chân Tâm sáng suốt, thể nhập Chân Lý.

2. “Tin” hướng đến cứu cánh giải thoát


Theo quan niệm Phật giáo: không có thế đứng riêng rẽ cho “tin”. Tin phải hướng đến cứu cánh là đoạn trừ tham, sân, si. Đó chính là lập căn giải thoát của Phật giáo. Trong kinh “Tăng Chi Bộ,” Đức Phật đã dạy: “Tin một vấn đề phải xét đến cứu cánh trong mối liên hệ với chính bản thân, tha nhân và xã hội. Nếu tin không góp phần mưu cầu sự giải thoát bản thân và xã hội thì tuyệt đối không đặt niềm tin tưởng.” Tin chính là phương tiện, là bước khởi đầu trên con đường giải thoát. Đối với Phật giáo, nguồn gốc đau khổ chính là Vô Minh[4] (S: avidya. P: avijja, 無

明). Vì vậy, muốn giải thoát phải đoạn trừ Vô Minh bằng ánh sáng Trí Huệ[5] (S: prajna. P: panna, 智 慧) chứ không tìm cầu sự giải thoát bằng niềm tin vào tha lực ngoại tại, vì “nhất thiết chúng sinh câu hữu Phật Tánh.” Phật Tánh[6] (S: Buddhata-svabhava. P: Buddhatta, 佛 性) hiện hữu nội tại, mọi nỗ lực tìm cầu sự giải thoát bên ngoài bản tâm đều là mê lầm. Phật giáo không phủ nhận niềm tin, nhưng niềm tin không được sự soi sáng bởi Trí Huệ sẽ chỉ là sự mê tín; niềm tin không hướng đến cứu cánh giải thoát sẽ chỉ là sự mù quáng, lầm lạc.

Các ngươi đừng bao giờ để cho ai dẫn dắt mình cả, sách vở cũng vậy, lý trí cũng vậy. Đừng tin theo những người lý luận hay, biện bác giỏi! Chỉ khi nào tự mình các ngươi biết rằng việc gì thuận và tốt với mình thì hãy nhận và theo. Còn việc gì các ngươi tự nhận thấy là giả dối, xấu xa… thì hãy từ chối và xa lánh nó. (Kinh Tăng Nhất Tập – Anguttara-Nikaya).

II. “Tin” theo lập trường giải thoát của Phật giáo Nguyên Thủy (H: 源始佛教)


1. “Tin” vào hạt mầm giải thoát nơi chính mình


Đối với Phật giáo, thân phận con người là tối thượng, không cần sức mạnh ngoại tại nào điều khiển và phán xét. Đức Phật răn dạy người môn đệ phải là “nơi ẩn” cho chính mình” và “đừng bao giờ tìm kiếm “nơi ẩn” hay sự giúp đỡ của người khác.” Giải thoát là một nỗ lực tự thân, chứ không phải là ân huệ được Thượng Đế trao ban như phước báu của những hành vi đức hạnh.[7]

Trong kinh điển, Đức Phật đã dạy: “Ngươi phải làm công việc của ngươi, vì Như Lai chỉ dạy con đường. Ngươi là nơi nương tựa của chính ngươi, không ai khác có thể là nơi nương tựa” (Kinh Trường Bộ II, Kinh Đại Bát Niết Bàn-Mahaparinirvana Sutra). Và trước lúc viên tịch, Đức Phật cũng căn dặn các môn đệ: “Các con hãy là những hải đảo, những ngọn đuốc cho chính mình. Hãy nương tựa vào chính mình, không nương tựa vào nơi nào khác.” Ngài cũng nhắc lại trong Kinh Pháp Cú: “Các người hãy tự cố gắng, Như Lai chỉ là kẻ dẫn đường: mỗi người phải tự mình đi đến, không ai đi thế cho ai được.”[8]

Thật vậy, sự kiện Đức Phật thoát ly thế tục và tu tập thành Đạo là sự kiện thiết lập tự tín cho con người về nỗ lực giải thoát tự thân.[9] Giáo lý của Đức Phật còn được gọi là “ehi-passika,” nghĩa là “đến mà xem” chứ không là “đến và tin.” Người hành giả phải tự mình nhìn rõ chân lý giải thoát để chỉ tin những gì mình thấy và thể nghiệm. Vì vậy, theo lập trường giải thoát của Phật giáo Nguyên Thủy, tin chính là khởi điểm trong tiến trình tu tập giải thoát và nền tảng căn bản cần phải được thiết lập, chính là niềm tự tín mãnh liệt vào “hạt mầm” giải thoát vốn hiện hữu nội tại trong mỗi con người. Con người là chủ thể mọi hành vi của chính mình ở cả ba thời quá khứ, hiện tại, vị lai. Ngoài con người, không có một tha lực ngoại tại nào có thể đảm bảo sự giải thoát. Bến bờ giải thoát không hề có dấu chân của kẻ biếng lười, bạc nhược hay chỉ biết tìm cầu sự giải thoát từ bên ngoài.[10] - “Chỉ có ta làm điều tội lỗi, chỉ có ta làm cho ta ô nhiễm, chỉ có ta tránh điều tội lỗi, chỉ có ta gột rửa cho ta. Trong sạch hay ô nhiễm là tự nơi ta, không ai có thể làm cho người khác trở nên trong sạch.”[11]

2. “Tin” vào ngôi Tam Bảo


Trong quan niệm giải thoát của Phật giáo, bên cạnh niềm tin vào khả năng tự giác của bản thân cũng cần tin tưởng vào Tam Bảo[12] (S: trisarana, 三 歸 依) như một tha lực cần thiết cho sự tinh tấn của hành giả. “Tin” vào ngôi Tam Bảo là tin tưởng vào Phật, Pháp, Tăng như một sự trợ lực tinh tấn, một sự hướng dẫn tâm linh của những con người đi trước đã giác ngộ và đã tìm ra con đường giải thoát. “Tin” chính là quy y, là trở về, là nương tựa.

“Thật vi diệu thay, bạch Thế Tôn! Như người dựng đứng lại những gì bị quăng xuống, phơi bày ra những gì bị che kín, chỉ đường cho người bị lạc hướng, đem đèn sáng vào trong bóng tối để những ai có mắt có thể thấy sắc. Bạch Thế Tôn, nay chúng con xin quy y Thế Tôn, quy y Pháp, quy y Tăng. Bạch Thế Tôn, mong Thế Tôn cho chúng con thọ đại giới.”[13]

a. Quy y Phật: Người Thầy chỉ đường giải thoát

“Tin” (P: sadda; S: sraddha, 信) trong quan niệm Phật giáo cần hiểu theo nghĩa tin tưởng hơn theo nghĩa sùng tín như các tôn giáo thần khải. Người Phật tử quy y Đức Phật, nghĩa là tin tưởng Đức Phật như một bậc Đạo Sư, một người Thầy chỉ đường giải thoát. Niềm tin này không hàm nghĩa siêu hình. Đức Phật là Đấng Tự Ngộ, đã tìm ra con đường giải thoát và bằng giáo pháp ngài muốn chỉ dẫn cho tất cả những ai cũng muốn tìm cầu sự giải thoát như ngài.

Bằng mười “hồng danh” của Đức Phật được tán tụng trong kinh Pháp Hoa: Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phụ, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn, người Phật tử tin tưởng Đức Phật là người có đức hạnh và năng lực toàn hảo có thể gia hộ cho những ai chưa đạt được trạng thái tâm thức tự tại, có thể thành tựu; những ai chưa hiểu được nguyên nhân các ảo tưởng, có thể đoạn trừ; những ai chưa chứng đắc sự giải thoát, có thể đạt đến sự Toàn Giác như ngài.[14] Niềm tin ấy hướng người Phật tử đến giải thoát như là con đường chắc chắn mình sẽ đạt được: để khi tu tập, dù chúng ta có gặp thăng trầm thì luôn tin vững vàng, chúng ta sẽ đạt tới con đường giác ngộ mà Đức Phật đã đi.

Bạch Thế Tôn, con tin tưởng Thế Tôn đến nỗi con nghĩ rằng, ở quá khứ, ở tương lai cũng như ở hiện tại, không thể có một Sa môn, một Bà La Môn nào có thể vĩ đại hơn, sáng suốt hơn Thế Tôn về phương diện chánh giác.[15]

Thật vậy, để khỏi lạc đường, người hành giả cần tin tưởng nơi người dẫn đường. Một sự tin tưởng không hàm nghĩa mù quáng, thiếu suy xét nhưng là sự gia hộ cần thiết để tinh tấn. Để rồi, khi hành giả đã tự mình nhìn rõ cứu cánh giải thoát thì sự hướng dẫn không còn cần thiết.

b. Quy y Pháp: Sống trong tỉnh thức

“Pháp”[16] (S: dhama, 正 法) hay “Chánh Pháp” là tất cả lời dạy của Đức Phật (S: Buddha, 佛 陀) được kết tập trong kinh điển. Chánh Pháp là con đường giải thoát bằng Giới, Định, Tuệ. Mục đích của việc nương tựa Chánh Pháp là để hiểu rõ sự thật vạn pháp. Nhờ hiểu Pháp mà sinh khởi hỷ tâm và tín tâm, để vận dụng vào việc thực hành Pháp. Và mục đích tối hậu của việc thực hành Pháp chính là sự giải thoát, đoạn trừ tham, sân, si.

Những ai thuyết Pháp để đoạn tận tham, những ai thuyết Pháp để đoạn tận sân, những ai thuyết Pháp để đoạn tận si, những vị ấy là những vị y nương Pháp ở đời. Những ai thực hành đoạn tận tham, thực hành đoạn tận sân, thực hành đoạn tận si, những vị ấy là những vị khéo thực hành Pháp ở đời. (Tương Ưng IV, 1982, tr. 257).

Tin vào Chánh Pháp là Chánh Tri Kiến: thấy rõ sự thật về khổ, nguyên nhân của khổ, cách thức và con đường diệt khổ. Tin vào chánh Pháp là tin Luật Nhân Quả[17] (H: 因果侓) và Lý Nhân Duyên[18] (S: Heut-pratyaya, 因 缘 侓). Thấy rõ Lý Nhân Quả, người Phật tử sẽ nắm chắc quyền tự chủ. Cũng vậy, hiểu được Lý Nhân Duyên, người Phật tử đoạn diệt được quan niệm cá nhân ích kỷ, biết chịu trách nhiệm về mọi thành bại, đau khổ, hay an vui trong cuộc đời. Thật vậy, quy y Pháp, nghĩa là tin vào lời dạy của Đức Phật như ngọn đèn soi tỏ Vô Minh, như chỗ tựa nương vững chắc, như cứu cánh giải thoát:

Này Ananda, chúng Tỳ-kheo còn mong mỏi gì nữa ở nơi ta! Ta đã giảng dạy Chánh Pháp … Vậy nên, này Ananda, hãy tự mình là ngọn đèn cho chính mình, hãy tự mình y tựa nơi chính mình, chớ y tựa một gì khác. Dùng Chánh Pháp làm ngọn đèn, dùng Chánh Pháp làm chỗ nương tựa, chớ nương tựa một gì khác. Hãy tự làm sở y cho chính mình. Hãy tinh tấn, chánh niệm, giữ giới luật. Nhiếp thúc ý chí, bảo hộ tự tâm. Ai tinh tấn trong Pháp và luật này. Sẽ diệt sanh tử, chấm dứt khổ đau.[19]

c. Quy y Tăng: Giúp tăng trưởng niềm tin

Chúng tăng đệ tử Thế Tôn chân chánh tu hành, chúng tăng đệ tử Thế Tôn chân trực tu hành, chúng tăng đệ tử Thế Tôn chân trí tu hành, chúng tăng đệ tử Thế Tôn chân tịnh tu hành, tức là bốn song tám vị. Chúng tăng đệ tử Thế Tôn đáng được nghênh đón, đáng được cúng dường, đáng được chiêm ngưỡng, đáng được chắp tay, là phước điền vô thượng ở trên đời, cụ túc giới hạnh, được bậc thánh mến chuộng, được viên mãn không mảy mún, được vẹn toàn không sứt mẻ, không tỳ vết, không ô nhiễm, những giới hạnh đưa đến giải thoát, được người trí tán thán, không bị ảnh hưởng đến đời sau, hướng dẫn đến thiền định.[20]

Bản văn rõ ràng cho thấy, Tăng bảo là đoàn thể chúng Tăng đáng được quy y, chiêm ngưỡng và cúng dường và giúp làm tăng trưởng niềm tịnh tín của người Phật tử. Tăng bảo là một đoàn thể thanh tịnh và hoà hợp, sinh hoạt trong cùng một mục đích, một quy luật chung theo tinh thần “lục hoà”[21] (S: sadsaramya, 六 和): thân hoà chung ở; miệng hoà không tranh cãi; ý hoà đồng vui; giới luật hoà cùng giữ; hiểu biết hoà cùng giải; lợi hoà chia đồng.

Bằng thân giáo, khẩu giáo và ý giáo, Tăng đoàn xây dựng niềm tin đạo và niềm tin sống cho các Phật tử. Đời sống tu hành thanh tịnh, tinh cần của tăng đoàn là niềm tin của các Phật tử có nhân duyên thân cận. Bằng giảng dạy, vị Tỳ-kheo chỉ rõ cho Phật tử biết thế nào là một Phật tử có lòng tin chân chánh? Tin như thế nào? Tin những gì? Vì vậy, người Phật tử phải có niềm tin vững chắc vào ngôi Tam Bảo. Tin rằng Đức Phật đã chứng đắc Vô Thượng Bồ-đề; tin rằng Phật Pháp mà Đức Phật giảng dạy rất thiện xảo đưa con người đến ly tham, ly thủ; tin rằng chư Tăng là những người đi trên con đường giải thoát, đang sống trong sáu pháp hoà kính, là những bậc có thể chỉ đường giải thoát cho đời.[22]

3. Thực hành “tin” trong pháp môn “niệm Phật”của Phật giáo Nguyên Thủy


Trong tiếng Pali, Niệm Ân Đức Phật (H: 恩 德 佛 念) là Buddha-nussati. "Anu" có nghĩa là lặp đi lặp lại. "Sati" có nghĩa là niệm. Buddha-nussati có nghĩa là niệm nhiều lần và quán tưởng sâu sắc về chín ân đức của Đức Phật: Ứng cúng, Chánh biến tri, Minh hạnh túc, Thiện thệ, Thế gian giải, Vô thượng sĩ, điều ngự trượng phu, Thiên nhơn sư, Phật, Thế Tôn.

Trong truyền thống Phật giáo Nguyên Thủy, niệm chín ân đức Phật là phương thế định tâm trước khi đi vào Thiền Minh Sát. Mỗi lần niệm ân đức Phật, sự hiểu biết về Đức Phật, lòng thành kính, tin tưởng, biết ơn, khiêm hạ, và tâm nguyện đi theo con đường giáo pháp của Đức Phật được nhắc nhở, khơi dậy, củng cố, và tăng trưởng trong tâm chúng ta. Những tâm sở thiện này chính là nguồn sức mạnh tâm linh giúp chúng ta tinh tấn trên đường tu tập giải thoát.

Với chín phẩm ân đức, Đức Phật là bậc xứng đáng thụ nhận sự tin tưởng và lễ bái cúng dường của tất cả chúng sinh. Sự cúng dường đem lại phước báo vô lượng cho chúng sinh nếu có lòng tin vững chắc và có tâm lành với đầy đủ ba tác ý trong sự cúng dường. “Khi Phật còn tại thế hay sau khi đã nhập Niết Bàn rồi, nếu có thiện nhân nào, có tâm trong sạch đồng nhau cúng dường đến Phật cũng được phước báu như lúc Ngài còn tại thế vậy” - “Tiddhante nibbute capisanam cettam samebhale” (Kinh Dipani).

Niệm ân đức Phật trong Phật giáo Nguyên thuỷ không là sự sùng tín vào Đức Phật theo cách biểu lộ “tin” của các tôn giáo thần khải. Pháp môn “niệm Phật” trong Phật giáo Nguyên Thủy chỉ là là một loại thiền định hay thiền chỉ (Samatha) nhằm khơi dậy, củng cố và tăng trưởng trong tâm niềm thành kính và tâm nguyện đi theo con đường giáo pháp của Đức Phật. Đồng thời, giúp ngăn ngừa sự khởi phát tâm tham lam, sân hận, và si mê, phát triển tâm định, biết rõ sự sanh diệt, vô thường của danh pháp, biết rõ trạng thái khổ, trạng thái vô ngã của danh pháp dẫn đến chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế, chứng đắc thánh quả Niết Bàn.

Việc hành trì niệm ân đức Phật đem đến thiện nghiệp ngay trong hiện tại đó là sự an lạc vắng lặng phiền não, trí tuệ sáng suốt, phước thiện tăng trưởng. Tâm thức gần gũi Đức Phật, dễ dàng gìn giữ giới hạnh, dễ dàng đón nhận Chánh Pháp. Đồng thời, việc hành trì niệm ân đức Phật cũng đem lại những lợi ích trong nhiều kiếp vị lai. Khi chết, tâm hành giả không mê muội nhưng bình tĩnh, sáng suốt. Khi tái sinh sẽ có duyên lành gặp Đức Phật và giáo pháp của Ngài. Dễ dàng chứng ngộ Tứ Thánh Đế, giải thoát mọi cảnh khổ sanh tử luân hồi và chứng quả Niết Bàn.

Pháp hành tùy niệm ân đức Phật mà hành giả đã tiến hành, đã hành thuần thục, chắc chắn dẫn đến phát sanh sự tận diệt tâm tham ái, sân hận, si mê; để làm vắng lặng mọi phiền não; để làm phát sanh trí tuệ thiền tuệ thấy rõ biết rõ trạng thái vô thường, trạng thái khổ, trạng thái vô ngã; để chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế, chứng đắc Tứ Thánh Đạo và Niết bàn. (Kinh Anguttara Nikaya, phần Ekadhammavagga).

III. Sự tiến triển về “Tin” trong Phật giáo Đại thừa


1. Sự hình thành giáo lý “Phật thân” (S: Buddha-kaya, 佛 身)


Phật giáo Nguyên thuỷ[23] (S: Hinayana, 源始佛教) và Thượng Toạ Bộ (S: sthaviravadin, 上坐部) xem Đức Phật như một con người, ngài vẫn bị chi phối bởi sự mỏng manh, ngắn ngủi, vô thường như con người. Nhưng Đại Chúng Bộ (S: mahasaghika, 大眾部) không tán thành quan điểm này khi cho rằng sự xuất hiện của Đức Phật trong thế giới trần gian chỉ là một sự thị hiện để chỉ ra con đường giải thoát cho thế giới và ngài đã thành tựu các phẩm hạnh Ba-la-mật trong những kiếp trước khi còn là một vị Bồ-tát. Vì vậy bên cạnh quan niệm về Đức Phật lịch sử, Đại Chúng Bộ và sau này là Đại thừa phát triển giáo lý “Phật thân” (S: buddha-kaya, 佛身) cho rằng Đức Phật cũng là một thực thể siêu phàm. Như vậy, Đại Chúng Bộ nghiêng về duy tâm hoá sắc thân Phật (S: rupakaya, 色身), trong khi Thượng Toạ Bộ nghiêng về thực tại hoá sắc thân Phật.[24] Có thể nói chính sự hình thành giáo lý “Phật thân” và “Bồ-tát thừa” đã làm thay đổi quan niệm và cách thức thực hành tin của Phật giáo Đại thừa khi Đức Phật không còn được quan niệm như một con người lịch sử, nhưng được trình bày với nhiều yếu tố siêu hình.

Theo quan điểm Phật giáo Đại-thừa[25] (S: Mahayana, 大乘佛教), Đức Phật có mặt ở khắp nơi và như thế vượt khỏi phạm trù thời gian và không gian. Thân mạng, năng lực của Đức Phật thì vô tận bởi công đức vô lượng từ nhiều kiếp quá khứ. Ngài có thể thị hiện cùng một lúc ở nhiều thế giới trong vũ trụ này để giác ngộ chúng sanh và chỉ con đường tuệ giác – “Dù sắc thân của Đức Phật bị huỷ diệt, nhưng mạng sống của ngài rất dài, bởi vì pháp thân của ngài vẫn tồn tại mãi. Không có gì trên thế giới này có thể bằng với Đức Phật. Tất cả các tướng gắn liền với ngài đều siêu việt khỏi thế giới này” (Phật Bản Hạnh Tập Kinh).

Quan điểm “Phật thân” đã được nhìn nhận trong kinh điển thời kỳ đầu của Phật giáo Đại thừa. Trong Thập Bát Thiên Tụng Bát-nhã Ba-la-mật và trường phái Trung Luận của Đại sư Long-thọ đã nói đến “Tam Thân” của Đức Phật: Sắc Thân (hay Ứng Thân), Báo Thân và Pháp Thân.

Sắc Thân (S: rupakaya, 色身) (hay Ứng Thân: nirmala-kaya, 應身) chỉ thân thể, tướng thô và tướng tế. Chính vì giải thoát chúng sanh mà ngài hiện nhiều sắc thân, nhiều nơi và nhiều phương pháp giác ngộ. Sắc thân là thân do Đức Phật ứng hiện để thành tựu lời nguyện độ sanh.

Báo Thân (S: sambhogakaya, 報身) là diệu dụng hiển hiện của Pháp Thân trong thế giới với hình thức hữu hình. Đức Phật xuất hiện như một thực thể siêu phàm, chư thiên tối thượng, là kết quả của vô lượng công đức các kiếp trước.

Pháp Thân (S: dhammakaya, 法身) là căn bản của Báo Thân và Ứng Thân. Pháp Thân là Tự Tánh Thân (S: svabhavika-kaya, 自性身), bất diệt và công đức vô lượng. Pháp Thân tràn đầy khắp hư không. “Ai dùng sắc để thấy Ta và dùng âm thanh để tìm Ta thì không thể thấy Ta, bởi vì chỉ có thể thấy Như-lai trong ý nghĩa của tự tánh pháp.” (Thập Bát Thiên tụng Bát Nhã Ba-la-mật [S: alladasasahasrika praina-paramita sutra, 十八千頌般若波密經]).

Như vậy, giáo lý “Phật thân” của Phật giáo Đại thừa cho thấy bước tiến triển rõ nét trong cái nhìn về Đức Phật. Phật giáo Đại thừa (H: 大乘佛教) bắt đầu quan niệm về Đức Phật với nhiều yếu tố siêu hình. Đức Phật được đồng hoá với thực thể siêu phàm, thị hiện trong nhiều sắc thân khác nhau để giáo hoá và cứu độ chúng sinh. Và đỉnh cao của giáo lý “Phật thân” là đồng hoá Đức Phật như thực tại Chân Như, Tánh Không, Tự Tánh Thân.

Đức Phật trong Phật giáo Đại thừa là một hiện hữu tuyệt đối, xứng đáng để chúng sinh y tựa niềm tin vào ngài. Ngài hiện hữu khắp cõi chư thiên, hằng có từ quá khứ và vị lai. Ngài hiện hữu tuyệt đối, không tách rời và dẫn dắt mọi chúng sanh ở mọi nơi, trong mọi thế giới. Mỗi Đức Phật là một báo thân của Đức Bổn Phật, có một thế giới để giáo hoá chúng sinh. Đức Như Lai Dược Sư có “hoá thổ” (kedo) của ngài tại cõi Tịnh Lưu Ly ở phương Đông; Đức Như Lai A-Di-Đà tại cõi Tịnh độ ở phương Tây; và Đức Như Lai Thích-ca-mâu-ni tại thế giới Ta-bà.[26]

2. Sự hình thành và phát triển giáo lý “Bồ-tát thừa” (S: bodhi-sattvas, 菩薩)


Theo Bách Khoa Toàn Thư Phật Học, từ “Bồ-tát” (S: Boddhisatta, 菩 薩) xuất phát từ gốc "budh” nghĩa là tỉnh thức và “sattva” rút từ “sant” là phân từ hiện tại của gốc “as” có nghĩa là một hữu tình hoặc nghĩa đen là “một chúng sanh”. Như vậy, bodhisattva nghĩa là một chúng sanh giác ngộ (hữu tình giác), một người đi tìm cầu giác ngộ hay một vị Phật sẽ thành.

Ý niệm Bồ-tát đều thấy xuất hiện trong kinh tạng Nguyên Thủy (H: 源始經藏) lẫn kinh điển Đại-thừa (H: 大乘經典). Nhưng giáo lý “Bồ-tát thừa” (H: 菩薩理想) chính là nét đặc thù của trường phái Đại-thừa (truyền thống Phật giáo Phát triển)[27]. Giáo lý “Bồ-tát thừa” của Phật giáo Đại thừa góp phần làm gia tăng những yếu tố siêu hình trong những qua niệm về Đức Phật. Những kinh điển quan trọng như Kinh Trung bộ, Trường bộ, Kinh tập và kinh Bổn Sanh (Tiểu bộ kinh) cho thấy khái niệm Bồ-tát có bốn ý nghĩa như sau:[28]

– Ý niệm Bồ-tát (Bodhisatta) phản ảnh cuộc đời Đức Phật từ lúc xuất gia cho đến trước khi ngài giác ngộ, nghĩa là khi ngài còn là thái tử Siddharta (Sĩ-Đạt-Đa) ở cung thành Kapilavatthu (Ca-tỳ-la-vệ) cũng bị chi phối bởi vòng sinh tử như bao con người khác.[29]

Này Aggivessana, trước khi giác ngộ, khi ấy ta còn là một vị Bồ-tát, chưa chứng Chánh đẳng giác. Ta suy nghĩ như sau: Chật hẹp là đời sống gia đình, không phải dễ khi trú ngụ trong một căn nhà để đưa đến hoàn thành con đường phạm hạnh, thanh tịnh tuyệt đối. Hãy cạo bỏ râu tóc, đắp y phấn tảo, xuất gia, từ bỏ gia đình, đi đến chỗ không gia đình? (Trung Bộ Kinh, Đại Kinh Saccaka, tập I, số 36)

– Ý niệm Bồ-tát được mở rộng từ khi thái tử Siddharta (Sĩ-Đạt-Đa, 士達多) nhập thai nơi cung lòng hoàng hậu Ma-ya (Mahayana, 摩耶) cho đến trước khi giác ngộ.[30]

Đức Phật Tỳ-bà-thi (Vipassi) như một vị Bồ-tát đã từ giã cõi trời Đâu-suất thiên, với tâm thuần tịnh và chánh niệm đã bước vào thai mẹ. Khi Bồ-tát bước vào thai mẹ, khi ấy ánh sáng huy hoàng vô lượng vượt qua ánh sáng của chư thiên, chiếu sáng khắp thế giới. Và mười ngàn thế giới trong khắp vũ trụ đã chấn động, rung chuyển mạnh. (Trường Bộ Kinh, kinh Đại bổn (Mahapadana Sutta), tập II, số 14)

– Ý niệm Bồ-tát với ý nghĩa là tất cả chư Phật nhập thai cho đến trước khi đạt giác ngộ. Điều đó đã khẳng định không phải chỉ có một Đức Phật mà là có nhiều Đức Phật. Kinh Đại bổn (Mahapadana) thuộc Trường bộ kinh cho biết có sáu vị Phật trước thời Đức Phật Cồ-đàm.

Cách đây chín mươi mốt kiếp có Đức Phật Tỳ-Bà-Thi ra đời. Cách đây ba mươi mốt kiếp có Đức Phật Thi-Khí ra đời. Trong kiếp thứ ba mươi mốt đó cũng có xuất hiện Đức Phật Tỳ-Xá-Phù. Trong Hiền kiếp có Đức Phật Câu-Lưu-Tôn ra đời. Cũng trong Hiền kiếp này có xuất hiện Đức Phật Câu-Na-Hàm Mâu-Ni. Và cũng trong Hiền kiếp này có Đức Phật Ca-Diếp ra đời, bậc A-la-hán Chánh Đẳng Giác.[31] (Trường Bộ Kinh, Kinh Đại Bổn (mahapadana sutta), tập II, số 14)

– Ý niệm Bồ-tát có nghĩa là những đời sống trước của Đức Phật Cồ-đàm. Theo thời gian tiến triển, các nhà Đại-thừa đã phát triển khái niệm Bồ-tát thành một thừa riêng biệt, gọi là Bồ-tát thừa (S: Bodhisattvayana, 菩薩乘) và phát triển phong phú khái niệm Bồ-tát của Phật giáo Nguyên Thủy. Phật giáo Đại-thừa cho rằng mỗi chúng sanh là một vị Bồ-tát, mỗi con người đều có tiềm năng, chủng tử, để trở thành Bồ-tát trong đời sống này và nhiều đời kế tiếp và trong thế giới con người có những vị Bồ-Tát phát nguyện bồ đề tâm, giải thoát hết tất cả chúng sinh rồi mới chứng quả thành Phật như Bồ tát Quan Thế Âm (S: Avalokitesvara, 觀 世 音 菩 薩) và Đức Phật A Di Đà (S: Amitabha, 阿 彌 陀佛).[32] Chính sự phát triển của giáo lý Bồ-tát thừa đã góp phần du nhập nhiều nghi lễ tôn giáo thúc đẩy người Phật tử quan niệm Đức Phật, chư thánh, Bồ-tát như một thực tại siêu hình có tha lực gia hộ và cứu độ hay để van xin tha tội, cầu mong sự ban ơn hơn là vì vì quý kính công đức và đức hạnh của các ngài.

3. Thực hành “tin” trong pháp môn “Tịnh Độ” của Phật giáo Đại thừa


a. Lịch sử Tịnh Độ tông

Tịnh Độ Tông (H: 凈度宗) là tông phái lấy việc vãng sinh Tịnh Độ Cực Lạc làm mục đích. Tịnh Độ chỉ cõi nước thanh tịnh, trang nghiêm bằng các công đức thanh tịnh. Tịnh Độ Tông lấy việc xưng niệm danh hiệu Phật làm pháp tu hành, chủ yếu nhờ vào tha lực của bản nguyện Phật A-Di-Đà[33] (S: Amitabha-Buddha, 阿 彌 陀佛) để được vãng sinh vào cõi Cực Lạc ở Tây phương nên còn gọi là Niệm Phật Tông.

Tư tưởng Tịnh Độ được hình thành ở Ấn Độ sau dần truyền bá vào Trung Hoa, Nhật Bản, Việt Nam và phát triển rực rỡ cho đến ngày nay. Có thể nói hệ phái Tịnh Độ A-Di-Đà đã kế thừa tư tưởng Phật giáo Đại thừa Ấn Độ và sự kết tinh tinh thần Từ Bi - Trí Dũng của Phật giáo. Hành giả tu tập theo tư tưởng Tịnh Độ chỉ cần Tín - Nguyện - Trì danh Phật A-Di-Đà là có thể vãng sinh miền Tây Phương Cực Lạc. Kinh điển Đại thừa đề cập đến Tịnh Độ Phật A-Di-Đà gồm có: Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh, Quán Vô Lượng Thọ Kinh, Phật Thuyết A-Di-Đà Kinh. Ngoài ra còn có Kinh Hoa Nghiêm (Avatasaka Sutra,華嚴經), Kinh Diệu Pháp Liên Hoa (Saddharma Pullarika Sutra, 妙法連花經), Đại Thừa Khởi Tín Luận của Mã Minh đại sĩ và Đại Trí Độ luận và Thập Trụ Tỳ Ba Sa luận của Bồ Tát Long Thọ, Vãng Sinh luận của Bồ tát Thiên Thân.

Có thể tóm kết, Tịnh Độ Tông lấy “Tam Kinh Nhất Luận” (Kinh Vô Lượng Thọ[34], Kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật[35], Kinh A-di-đa[36] và luận Vãng Sinh Tịnh Độ) làm hệ thống tư tưởng chính yếu thành lập tông phái và chủ trương lấy hành nghiệp trong tâm hành giả làm nội nhân, lấy nguyện lực của Phật A-Di-Đà làm ngoại nhân. “Nội ngoại tương ứng” ắt vãng sinh cõi Tây Phương Cực Lạc.[37]

b. Vai trò của “ tin” trong pháp môn Tịnh Độ

Đối với pháp môn Tịnh độ, “tin” là lập căn trọng yếu, là cửa dẫn vào Tịnh độ. Tịnh Độ tông hoằng dương lòng từ vô lượng của Đức Phật như một tha lực cứu độ chúng sinh theo lời phát nguyện độ tha của Đức Phật A Di Đà.[38] Pháp môn Tịnh Độ dựa trên ba tâm căn bản là: tín tâm (Tín), thành khẩn tâm (Nguyện) và chuyên nhất tâm (Hạnh). Chỉ cần lòng “tín” trung thành, lòng “nguyện” thiết tha, tinh tấn niệm Phật sẽ được vãng sinh cõi Tịnh Độ. Tin trong tư tưởng Tịnh Độ không là sự tin tưởng mù quáng nhưng tin nương theo Trí Huệ. Trước hết “tin” Lời Đức Phật dạy, “tin” sự chân chật của cõi Tây Phương Cực Lạc. Kế đến “tin” lời phát nguyện cứu độ của Đức Phật A Di Đà. Cuối cùng “tin” vào khả năng tự ngộ của bản tâm mình. Như vậy tin chính là “cửa ngõ” dẫn vào Tịnh Độ, khởi đi từ nỗ lực bản thân và đặt nền trên nguyện lực cứu độ của Đức Phật A Di Đà mà thành tựu.

Giáo lý Đại thừa một mặt nhìn nhận Phật Tính trong mỗi con người nhưng mặt khác lấy chủ thể từ bi cứu độ để triển khai tư tưởng Phật thân thường trụ. Cụ thể là Tịnh Độ tông và Chân tông khai triển về lòng từ vô lượng của Đức Phật có thể cứu độ hết thảy chúng sinh như lời phát nguyện độ tha của Đức Phật A Di Đà. Điều cần thiết phải có nơi người tu theo pháp môn Tịnh Độ là “tín sâu, nguyện thiết”: lòng tin chân thật, lòng nguyện thiết tha, hạnh tinh tấn dũng mãnh kết hợp với sự gia hộ, nguyện lực bi mẫn của Đức Phật A Di Đà để vãng sinh về miền Cực Lạc.

Tóm lại, lòng tin trong quan niệm Tịnh Độ không phải là sự tin tưởng mù quáng nhưng là lòng tin nương theo Trí Huệ. Trong ba điểm căn yếu của pháp môn niệm Phật: Tín, Nguyện, Hạnh thì “Tín” là cửa ngõ của sự giải thoát. Pháp môn niệm Phật của Tịnh Độ được xem là pháp môn cao thượng vì nương tựa vào Phật lực bằng phương pháp niệm danh Phật. Nương tựa vào Phật lực theo tinh thần Phật giáo không phải là tìm cầu sự giải thoát nhờ sự gia hộ của một Thượng Đế Tối Cao. Nhưng đây chỉ là phương pháp dùng Phật niệm thay cho vọng niệm. Niệm Phật để đoạn diệt tham dục, sân hận và si mê. Niệm Phật để hiển lộ Phật tính sẵn có trong tự tâm.

Kết luận


Kinh Pháp Hoa, phẩm “Ẩn dụ về những cây cỏ,” Đức Phật đã cho thấy mối liên hệ hỗ tương giữa tin và Trí huệ trong thực hành giải thoát của Phật giáo. Hành trình giải thoát được sánh ví như một “Cây Giác Ngộ” gồm có rễ, thân, cành và lá, ám chỉ niềm tin, giới hạnh, thiền định và Trí Huệ. Rễ là phần quan trọng nhất của cây. “Rễ” chính là niềm tin. Không có niềm tin, người ta không thể giữ giới, thể nhập tâm thức thiền định và cũng không thể thành tựu Trí Huệ.

Ngược lại, tuy rễ có mạnh, nhưng nếu thân cây bị chặt hay cành và lá khô héo, thì rễ cũng sẽ chết. Cũng vậy, nếu con người không có Trí Huệ thì niềm tin cũng bị ngưng dứt. Như vậy, con đường giải thoát của Phật giáo là con đường khởi sự bằng niềm tin và đạt đến Trí Tuệ nhờ giới hạnh và thiền định. Bốn bước tu tập giải thoát này luôn song tồn và liên hệ hỗ tương.[39]

Thật vậy, một tôn giáo chân chính phải bao gồm “tín” (niềm tin) và “giải” (sự nhận thức). Giáo lý của Đức Phật có thể được nhận hiểu bằng thực nghiệm của lý trí, hay thể nghiệm tự thân, để khi tiến bộ trong nhận thức thì niềm tin ắt sẽ sinh khởi. Trong kinh Pháp Hoa, Đức Phật đã chỉ ra tiến trình giải thoát gồm năm quan năng (pancendriyani): Tín căn - ‘sraddhendriya, Tấn căn - viryendriya, Niệm căn – smrtindriya, Định căn – samadhindriya, Huệ căn - prajnendriya. [40] Trong đó, Đức Phật cho thấy mối liên hệ bất khả phân giữa “tín” và “giải” trong việc giải thoát. Trong đó, khởi điểm giải thoát chính là niềm “tịnh tín” Tam Bảo. “Tịnh tín” Tam Bảo sẽ tạo ra năng lực thúc đẩy hành giả tinh tấn không ngừng (Tấn căn), quy hướng thân tâm vào một đối tượng duy nhất là Đức Phật (Niệm căn) với một lòng tin vững chắc, không thối chuyển (Định căn), và cuối cùng hướng đến việc giải thoát hoàn toàn khỏi ngã tướng và ảo tưởng (Tuệ căn).

Theo Phật giáo, Vô Minh là nguồn gốc đau khổ của chúng sinh. Vì vậy, dong thuyền ra cứu vớt hay cầm đuốc sáng soi đường là trách nhiệm của đạo Phật. Nhưng con thuyền chỉ có giá trị cứu độ khi những ai chìm đắm trong sanh tử biết bám lấy nó. Ngọn đuốc chỉ có giá trị soi đường, một khi những kẻ lạc đường trong đêm tối muốn tìm về nguồn sáng. Cũng vậy, Đạo Phật sẽ vô ích với những chúng sinh chấp nhận sanh tử và an phận trong Vô Minh.

Vì vậy, con đường giải thoát của Phật giáo không gì khác hơn là con đường giác ngộ. Người Phật tử sống tinh thần giác ngộ là người luôn tỉnh thức trong chánh tín, tịnh tín. Đó là biết quy y Tam Bảo, biết tin Luật Nhân Quả và Lý Nhân Duyên. Thấy rõ Lý Nhân Quả, người Phật tử sẽ nắm chắc quyền tự chủ; sống đúng Lý Nhân Quả, người Phật tử sẽ tạo dựng tương lai tốt đẹp cho chính mình. Cũng vậy, Lý Nhân Duyên là một lẽ thật, phù hợp với giáo lý Phật giáo và tinh thần khoa học hiện đại. Hiểu được Lý Nhân Duyên, con người nhận thấy vạn pháp trong thế giới hiện tượng đều liên quan chặt chẽ với nhau, không có hữu thể nào tồn hiện cách độc lập với hữu thể khác. Nhờ đó, người Phật tử đoạn diệt được quan niệm cá nhân ích kỷ, tích cực xây dựng hạnh phúc cho nhân loại. Người chánh tín là người sống bằng Trí Tuệ, là người biết chịu trách nhiệm bản thân về mọi thành bại, đau khổ, hay an vui trong cuộc đời. Ngày mai tươi sáng hay tối tăm đều hệ tại ở thiện nghiệp hay ác nghiệp của ta trong hiện tại. Sống giác ngộ giúp người hành giả có sức tự tín mãnh liệt. Có tự tín, con người mới đủ sức mạnh để thay đổi, để vươn lên trong mọi lĩnh vực. Có tự tín, sự tu hành giải thoát mới không thối chuyển. Tự tín là nguồn sức mạnh tâm linh giúp chúng ta tinh tấn và kiên trì tiến bước trên con đường tu tập giải thoát.

Thư Mục


A. Thánh điển Pali (Việt dịch)

  1. Thích Minh Châu dịch. Trường Bộ Kinh (Dìgha-nikàya).
  2. ________. Trung Bộ Kinh (Majjhima-nikàya).
  3. ________. Tăng Chi Bộ Kinh (Anguttara-nikàya).
  4. ________. Tương Ưng Bộ Kinh (Samyutta-nikàya).
  5. ________. Tiểu Bộ Kinh (Khuddaha-nikàya).

B. Sách tham khảo

  1. Niwano, Nikkyo. Bản Việt ngữ “Đạo Phật ngày nay” do Trần Tuấn Mẫn dịch. TP. HCM, 1997. [CD-ROM]
  2. ________. Bản Việt ngữ “Đạo Phật ngày nay, một diễn dịch mới về ba bộ kinh Pháp Hoa” do Trần Tuấn Mẫn dịch. Tp.HCM: Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, 1997.
  3. Piyadassi. The spectrum of Buddhism. Bản Việt ngữ “Phật giáo nhìn toàn diện”, do Phạm Kinh Khánh dịch. Seattle: Trung tâm Naranda, 1996.
  4. Rahula, Walpola. L’Enseignement du Bouddha d’après les textes les plus anciens. Bản Việt ngữ “Lời Phật Dạy, Tìm hiểu nguyên lý Phật giáo Nguyên thuỷ”, không rõ dịch giả. Paris: Ed. du Seuil, 1961.
  5. Taiken, Kimura. Bản Việt ngữ “Đại thừa Phật giáo tư tưởng luận” do Hoà thượng Thích Quảng Độ dịch. Sài Gòn: Viện Đại học Vạn Hạnh, 1971.
  6. Tâm Tuệ Hỷ. Danh từ Phật học thực dụng. Hà Nội: Tôn Giáo, 2005.
  7. Thích Chơn Thiện. Phật học khái luật. Tp.HCM: Tp.HCM, 1999.
  8. Thích Minh Cảnh. Từ điển phật học Huệ Quang. Tp. HCM: Tu viện Huệ Quang, 1995.
  9. Thích nữ Giới Hương. Bodhisattva and Sunyata in the early and Developed Buddhist traditions. Delhi: Eastern Book Linkers, 2005.
  10. Thích Thiện Hoa. Phật học phổ thông. Tp. HCM: Thành hội Phật giáo Tp. HCM, 1992.

Chú thích

[1] Tin: lòng tin tưởng nơi Đức Phật và Phật pháp. Tin là kết quả của sự suy luận, phán đoán kỹ càng, quán chiếu sáng suốt, không phải là lòng tin mù quáng. Tin vì đã thấy rõ. Người theo đạo Phật chỉ tin những điều sau khi thực nghiệm là đúng đắn, hợp lẽ phải và qua kinh nghiệm bản thân, đó chính là chánh tín. Xem trong Tâm Tuệ Hỷ, Danh từ Phật học thực dụng (Hà Nội: Tôn Giáo, 2005), tr. 150-151.
[2] Chánh tín: tin chân chính. Lòng tin có trí huệ. Niềm tin chính xác, tin hiểu chính thống, là sự tin tưởng và hành trì ngay thẳng, là sự tin tưởng và nương tựa đúng đắn. Xem trong Tâm Tuệ Hỷ biên soạn, op. cit, tr. 84.
[3] Đại Tạng Kinh Việt Nam Tăng Chi Bộ I, chương III, phẩm lớn, phần “các vị ở Kasaputa” (Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, 1996), tr. 336.
[4] Vô Minh: nhận hiểu sai lầm về con người, muôn vật. Vô minh là nguồn gốc gây nên mọi khổ đau từ đời này sang kiếp nọ trong vòng luân hồi sinh tử. Xem trong Tâm Tuệ Hỷ biên soạn, op. cit., tr. 574.
[5] Trí Huệ: trí sáng suốt nhận biết được chân tướng của mọi sự vật. Cái thấy chính xác về sự vật. Sự hiểu biết rốt ráo đúng như thật. Xem trong Tâm Tuệ Hỷ biên soạn, op. cit., tr. 84.
[6] Phật Tánh: Chân Tánh, thường hằng bất biến, mầm mống giác ngộ vốn có sẵn trong tất cả chúng sinh.
[7] Walpola Rahula, L’Enseignement du Bouddha d’après les textes les plus anciens, bản Việt ngữ “Lời Phật Dạy, Tìm hiểu nguyên lý Phật giáo Nguyên thuỷ”, không rõ dịch giả (Paris: Ed. du Seuil, 1961), tr. 25.
[8] Kinh Viên Giác cũng nói: “Các lời dạy của Kinh Sách như ngón tay chỉ mặt trăng! Nếu đã thấy mặt trăng rồi thì biết rằng cái để chỉ mặt trăng ấy chẳng phải là mặt trăng. Hết thảy mọi lời nói của Như Lai khai thị Bồ Tát đều cũng thế cả.”
[9] Piyadassi, The spectrum of Buddhism, bản Việt ngữ “Phật giáo nhìn toàn diện”, do Phạm Kinh Khánh dịch (Seattle: Trung tâm Naranda, 1996), tr. 86-87.
[10] Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Phật học cơ bản (tập I) (HCM: Tp. Hồ Chí Minh, 1999), tr. 15-16.
[11] Kinh Pháp Cú, câu 345.
[12] Tam Quy y (Quy y Tam Bảo) là trở về nương tựa với ba ngôi quý báu sẵn có bên trong chúng ta. Phật, Pháp, Tăng có mặt trong mười phương thế giới mà cũng vốn đã có sẵn trong mọi người. Xem trong Tâm Tuệ Hỷ, Danh từ Phật học thực dụng (Hà Nội: Tôn Giáo, 2005), tr. 412.
[13] DN (Dìgha Nikàya), q. III, k. 1, “Kinh Đại Bổn,” p. 20.
[14] Nikkyo Niwano, bản Việt ngữ “Đạo Phật ngày nay” do Trần Tuấn Mẫn dịch (TP. HCM, 1997), [CD-ROM].
[15] DN (Dìgha Nikàya), q. III, k. 5, “Kinh Đại Bát Niết Bàn,” p. 16.
[16] Pháp (S: dharma): là khái niệm trung tâm của Phật giáo bao gồm nhiều ý nghĩa: 1. Đạo, quy luật, nguyên lý tự nhiên. 2. Giáo pháp. 3. Lời dạy của Phật, Bồ tát, Tổ sư. 4. Những phương pháp thực tập để đạt đến sự tỉnh thức, an lạc. 5. Giới luật. 6. Nguyên lý, chân lý. 7. Thực tại, sự vật. 8. Vạn hữu, thế giới, hiện tượng. Xem trong Tâm Huệ Hỷ biên soạn, Danh từ Phật học thực dụng (Hà Nội: Tôn Giáo, 2005), tr. 336.
[17] Luật Nhân Quả: Nhân Quả là đạo lý về tương quan tương duyên của vạn hữu. Mỗi hiện tượng đều có nguyên nhân của nó. Hễ có nguyên nhân, tất nhiên sẽ có kết quả xứng hợp với nguyên nhân ấy, nhân nào quả đó. Xem trong Tâm Huệ Hỷ biên soạn, op. cit., tr. 305.
[18] Lý Nhân Duyên: Nhân và Duyên là hai yếu tố hoà hợp cấu thành tất cả sự vật. Cái này có vì cái kia có. Cái này diệt vì cái kia diệt. Vạn hữu tồn tại là do sự tương duyên, tương quan lẫn nhau trong pháp giới trùng duyên khởi.
[19] Ibid., k. 5, “Đại Bát Niết Bàn,” ch. IV, p. 26.
[20] Ibid., k. 5, “Đại Bát Niết Bàn,” ch. IV, p. 9.
[21] Lục hoà: sáu nguyên tắc sống chung hoà hợp, còn gọi là “lục hoà kính”: thân hoà đồng trú; khẩu hoà vô tránh; ý hoà đồng duyệt; giới hoà đồng tu; kiến hoà đồng giải; lợi hoà đồng quân. Xem trong Tâm Huệ Hỷ biên soạn, op.cit, tr. 251.
[22] Thích Chơn Thiện, Phật học khái luật (Tp.HCM: Tp.HCM, 1999), tr. 495-496.
[23] Mục đích của Phật giáo Nguyên Thủy là cầu chứng quả A-la-hán, thoát khỏi cảnh luân hồi sinh tử cho bản thân mình.
[24] Thích nữ Giới Hương, Bodhisattva and Sunyata in the Early and Developed Buddhist Traditions (Delhi: Eastern Book Linkers, 2005), truy cập ngày 15/03/2012; http://www. Buddhanet.net, chương VIII “Đức Phật trong khái niệm Phật Thân.”
[25] Phật giáo Đại thừa: được hình thành vào thế kỷ I Tr.cn. Đại thừa có nghĩa là “cỗ xe lớn” vì không những giải thoát cho bản thân mình mà còn giúp đưa một số lớn chúng sanh đến giải thoát. Đại thừa xuất phát từ hai bộ phái (của Tiểu thừa) là Đại Chúng bộ (Mahasanghika) và Nhất Thiết Hữu bộ (S: sarvastivada).
[26] Nikkyo Niwano, bản Việt ngữ “Đạo Phật ngày nay, một diễn dịch mới về ba bộ kinh Pháp Hoa” do Trần Tuấn Mẫn dịch (Tp.HCM: Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, 1997), tr. 443-447.
[27] Kimura Taiken, bản Việt ngữ “Đại thừa Phật giáo tư tưởng luận” do Hoà thượng Thích Quảng Độ dịch, ([Sài Gòn]: Viện Đại học Vạn Hạnh, 1971), tr. 35.
[28] Thích nữ Giới Hương, op. cit., chương II-phần “Khái niệm Bồ-tát trong Kinh tạng Pali”.
[29] Thích Thiện Hoa, Phật học phổ thông (Tp. HCM: Thành hội Phật giáo Tp. HCM, 1992), quyển II, tr. 813.
[30] Thích nữ Giới Hương, op. cit., chương II-phần “Khái niệm Bồ-tát trong Kinh tạng Pali”, mục 2.
[31] Chánh Đẳng Giác (S: samyak sambodhi): nói đầy đủ là Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, nghĩa là giác ngộ trọn vẹn hoàn toàn. Còn gọi là Chánh Biến Tri, Viên Giác, Đại Giác. Tâm Tuệ Hỷ biên soạn, op. cit., tr. 78.
[32] Kikkyo Niwano, op. cit., tr. 755-762.
[33] Phật A-Di-Đà là một vị Phật làm giáo chủ ở cõi Tây Phương Cực Lạc. Danh hiệu ngài có ba nghĩa: Vô Lượng Quang (S: amitabha); Vô Lượng Thọ (S: amitayus); Vô Lượng Công Đức. Phật A Di Đà tượng trưng cho sự sống vĩnh cửu và giải thoát hoàn toàn khổ đau. Xem trong Tâm Tuệ Hỷ biên soạn, op. cit, tr. 7-8.
[34] Kinh Vô Lượng Thọ: kinh này chép lại 48 lời thệ nguyện của Đức A-Di-Đà.
[35] Kinh Quán Vô Lượng Thọ: kinh này ghi chép 16 pháp quán và 9 phẩm để dạy người cầu được vãng sinh về cõi Tịnh Độ.
[36] Kinh A Di Đà: kinh này lược tả cảnh giới cõi Cực Lạc trang nghiêm khiến người sinh lòng phát nguyện tu theo pháp môn “trì danh niệm Phật” để được vãng sinh cõi Cực Lạc.
[37] Thích Minh Cảnh, Từ điển Phật học Huệ Quang ([Tp. HCM: Tu viện Huệ Quang, 1995], tr. 6752-6753.
[38] Kimura Taiken, bản Việt ngữ “Đại thừa Phật giáo tư tưởng luận”, op. cit., tr. 249-251.
[39] Nikkyo Niwano, op. cit., tr. 174-176.
[40] Nikkyo Niwano, op. cit., tr. 451-454.