Thứ Tư, 19 tháng 6, 2019

FABC VÀ VIỆC LOAN BÁO TIN MỪNG TẠI CHÂU Á

Thời sự Thần học – Số 61, tháng 08/2013, tr. 171-186

_GM. Phaolô Bùi văn Đọc_ 

I. Tổng quát
II. Đại hội lần X của FABC: Kỷ niệm 40 năm
III. Suy nghĩ về Sứ điệp của Hội nghị khoáng đại lần X

I. Tổng quát


1. Từ ngữ


FABC: Federation of Asian Bishops’ Conferences - Liên hiệp các Hội Đồng Giám Mục Á Châu gồm 18 thành viên chính thức, trong đó có Việt Nam đã là thành viên đồng sáng lập; 13 thành viên không chính thức, trong đó có Macao và Hồng Kông.

2. Thành lập


Trong thời gian các khoá họp Công đồng Vatican II, các nghị phụ Á châu có dịp gặp gỡ, quen biết với nhau và cùng nhau suy nghĩ về những vấn đề của châu Á. Các ngài khám phá ra là trong thực tế các ngài đã làm việc chung với nhau quá ít, vì thế đã không đáp ứng được nhu cầu của Dân Chúa và sứ vụ loan báo Tin Mừng. Bấy giờ đã manh nha ý tưởng nên có một định chế giúp cho việc hợp tác với nhau được thường xuyên và hữu hiệu hơn.

Nhưng ý định thành lập FABC chỉ thực sự bắt đầu từ cuộc gặp gỡ lịch sử của 180 Giám mục từ khắp châu Á tại Manila, Philippines vào năm 1970, nhân chuyến viếng thăm của Đức Giáo hoàng Phaolô VI. Hội nghị các Giám mục Á châu đã ra một tuyên ngôn, khẳng định ước muốn trở nên Giáo hội của người nghèo, Giáo hội của người trẻ.

Quy chế hoạt động của FABC phải đợi tới ngày 16/11/1972 mới được Toà thánh chính thức phê chuẩn. FABC là một hiệp hội tự nguyện của các Hội đồng Giám mục Nam Á, Đông Nam Á, Đông Á và Trung Á (Statutes of the FABC, art.5). 

3. Mục đích


Mục đích của FABC là hỗ trợ các Hội đồng Giám mục tại các Quốc gia Á châu trong việc loan báo Tin Mừng, nghiên cứu các cách thức và phương tiện thúc đẩy công việc Loan báo Tin Mừng dưới ánh sáng các văn kiện Công đồng Vatican II, sao cho phù hợp với bối cảnh văn hoá và xã hội của các Quốc gia Á châu, thực hiện “Tính Đồng đoàn”của các Giám mục tại châu Á.

Ngoài ra còn những mục tiêu thực tế khác trong lãnh vực mục vụ, như giúp các Giáo hội địa phương thông tin và hợp tác với nhau, để đáp ứng tốt hơn các nhu cầu của Dân Chúa, thúc đẩy sự trao đổi và hợp tác trong các lãnh vực đại kết và đối thoại liên tôn, đẩy mạnh các sinh hoạt mục vụ cần thiết cho sự trưởng thành của Giáo hội địa phương. 

4. Tổ chức (Cơ chế) - Hệ thống


FABC hoạt động qua một hệ thống cấp bậc các tổ chức gồm có:

- Hội nghị Khoáng đại (Plenary Assemby) họp định kỳ bốn năm một lần;

- Ủy ban Trung ương (Central Committee) gồm các Chủ tịch của các HĐGM thành viên hay giám mục thay thế được chính thức chỉ định, họp hai năm một lần;

- Ủy ban Thường vụ (standing Committee) gồm năm Giám mục từ các miền khác nhau, là cơ quan hoạt động nòng cốt của FABC, do một Tổng thư ký chịu trách nhiệm;

- Ban Thư ký Trung ương (Central Secretariat) là bộ phận phục vụ điều phối của FABC;

- Các Văn phòng (Offices) liên quan đến các lãnh vực khác nhau trong đời sống của Giáo hội và xã hội (Hiện có 11 Văn phòng (VP): VP Thư ký trung ương; VP Biến đổi khí hậu; VP Phúc Âm hoá; VP Thần học; VP Đại kết và Liên tôn; VP Phát triển con người; VP Giáo dân và Gia đình; VP Truyền thông; VP Đào tạo và Giáo dục đức tin; VP Giáo sĩ; VP Tu sĩ; VP Chuyên trách linh hoạt viên). 

5. Đường hướng


Đường hướng cơ bản của FABC đã được đề ra từ Đại hội toàn thể lần I tại Taipei, Đài Loan, từ 22 đến 27/04/1974, có chủ đề là “Loan báo Tin Mừng tại châu Á thời hiện đại”. Đó là “đường lối đối thoại” hướng tới 3 lãnh vực: đối thoại với người nghèo, đối thoại với các nền văn hoá và đối thoại với các tôn giáo.

Đường lối này rất phù hợp bối cảnh thực tế của lục địa châu Á, nơi mà đại đa số dân chúng vẫn còn sống trong cảnh nghèo khổ, nơi có nhiều tôn giáo lớn và những nền văn hoá lâu đời.

Theo tinh thần của Công Đồng Vatican II, Giáo hội tại châu Á chọn lựa đứng về phía người nghèo, muốn là Giáo hội của người nghèo.

Đối với các tôn giáo tại châu Á rất đa dạng đã từng nuôi dưỡng đời sống tâm linh của dân chúng trong nhiều thế kỷ, Giáo hội cũng chọn con đường đối thoại, thay vì phi bác hay cạnh tranh ảnh hưởng.

châu Á là cái nôi của nhiều nền văn hoá lớn và lâu đời, rất khác biệt với văn hoá Tây phương, chính vì thế cần một nỗ lực “Hội nhập văn hoá”, để Tin Mừng được loan báo không xa lạ đối với cách suy nghĩ và nếp sống của các Dân tộc địa phương. Cần phải làm cho Tin Mừng của Chúa Kitô thấm nhập vào các nền văn hoá, biến đổi và nâng cao các nền văn hoá từ bên trong. FABC là tổ chức “phối hợp các nỗ lực của các Hội đồng Giám mục Á châu” canh tân Giáo hội tại châu Á theo những ý tưởng chủ đạo của Công đồng Vatican II: Dân Thiên Chúa, Vương quốc của Thiên Chúa; Phúc Âm hoá toàn diện; Hiệp thông và Liên đới; “Đồng đoàn”(Collegiality); Tham gia và Thông phần; Đối thoại; Canh tân Phụng vụ ; Đồng hành với thế giới.

FABC cũng nhấn mạnh đến vai trò của các “Giáo hội địa phương”, cần phải mạnh dạn đảm nhận vai trò chủ động của mình. 

II. Đại hội lần X của FABC: Kỷ niệm 40 năm


Đại hội lần X của FABC được tổ chức tại Toà Giám mục Xuân Lộc, Việt Nam, từ ngày 10- 16/12/2012. 

1. Chủ đề


Vì là kỷ niệm 40 năm thành lập và quy chế được Toà Thánh phê chuẩn vào năm 1972, nên Đại hội đã chọn chủ đề: FABC, Mừng Kỷ niệm 40 năm ngày chính thức thành lập - Đáp lại những thách đố của thời đại tại lục địa Á châu: Tân Phúc Âm hoá 

2. Nhìn lại quá khứ 40 năm


Để thực hiện đường hướng cơ bản nói trên, FABC đã nỗ lực đưa ra các chủ đề định hướng cho Mục vu: một chủ đề rõ ràng cho mỗi Hội nghị khoáng đại:
  1. Loan báo Tin Mừng tại châu Á ngày nay. Ba hướng đối thoại: với người nghèo, với các nền văn hoá, với các tôn giáo.
  2. Cầu nguyện - Sự Sống của Giáo hội tại châu Á (Prayer as Life of the Church).
  3. Giáo hội - Cộng đồng Đức tin tại châu Á (Church as Community of Faith in Asia).
  4. Ơn gọi và Sứ mạng của giáo dân trong Giáo hội và Thế giới Á châu (The Vocation and Mission of the Laity in the Church and in the World Asia).
  5. Những thách đố xuất hiện trong Giáo hội tại châu Á trong thập niên 90 - một lời mời gọi đáp trả - “là Giáo hội theo cung cách mới” (New Way of Being Church).
  6. Làm người môn đệ Chúa Kitô tại châu Á ngày nay: Phục vụ sự sống (Christian Discipleship in Asia Today: Service to Life).
  7. Một Giáo hội được canh tân tại châu Á: Sứ mạng yêu thương và phục vụ (a Renewed Church in Asia: a Mission of Love and Service); Trình bày Tông huấn Giáo hội tại châu Á (Ecclesia in Asia) của đức thánh cha Gioan Phaolô II đúc kết các đề nghị tại Thượng Hội Đồng Giám mục Á châu.
  8. Gia đình Á châu hướng tới một nền văn hoá của sự sống toàn diện (the Asian Family toward a Culture of Integral Life).
  9. Sống Bí tích Thánh Thể tại châu Á (Living the Eucharist in Asia).
FABC suy nghĩ và hoạt động theo phương pháp “phân định mục vụ” (Methodology of pastoral discernement): trước hết là phân tích tình hình và bối cảnh hết sức kỹ lưỡng, bối cảnh ngoại tại và nội tại của Giáo hội tại Á châu, tựa vào đó đưa ra một “cái nhìn” (vision) vừa phù hợp cho hiện tại vừa hướng về tương lai, sau cùng mới đưa ra những quyết tâm hay đề nghị để các HĐGM của các Giáo hội địa phương dần dà thực hiện.

Về phương diện Thần học, FABC không chủ trương thực hiện những công trình thần học có hệ thống theo lối trường ốc, nhưng chọn phương pháp suy tư thần học dựa trên kinh nghiệm sống đức tin và bối cảnh thực tế của Giáo hội và xã hội, nhằm phục vụ cho việc thực thi sứ mạng loan báo Tin Mừng và các sinh hoạt mục vụ của Giáo hội.

Trong cơ bản, phương pháp này vẫn phải dựa trên Thánh Kinh và Truyền Thống của Giáo hội, như là những nguồn chính yếu và quan trọng nhất, vẫn tôn trọng tối đa Huấn quyền của Giáo hội. Nhưng ngoài ra còn phải dựa trên những thực tại xã hội của Á châu, dựa trên những dấu chỉ của thời đại để nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa và hoạt động của Chúa Thánh Thần, dựa vào cách sống, cách suy nghĩ và nhận thức của người Á châu tại các địa phương khác nhau, để không trở nên xa lạ với quần chúng. Phương pháp nhấn mạnh “sự hội nhập, sự tương tác, tính toàn thể; sử dụng nhiều biểu tượng và hình ảnh cụ thể; hướng tới nhiều hạng người, cả những người ở “những vùng ngoại biên” hoặc chưa đi trên cùng một con đường với chúng ta. 

3. FABC chú trọng nhiều đến những thách đố của thời đại


Trong Đại hội toàn thể kỷ niệm 40 năm thành lập, Hội nghị cũng đã nêu lên những thách đố chính yếu mà Giáo hội tại Á Châu đang đối diện:

1) Hiện tượng toàn cầu hoá về kinh tế và văn hoá kéo theo những ảnh hưởng về suy thoái kinh tế, và suy thoái cả về mặt luân lý.

2) Thách đố đặc biệt đến từ sự pha trộn các nền văn hoá, các lối sống khác nhau của thời đại, tạo ra một “văn hoá mới đang lan rộng tại Á châu và làm đảo lộn những giá trị cổ truyền, sinh ra não trạng “duy thế tục”, “duy vật thực tiễn”, “hưởng thụ”, “duy tương đối”…

3) Một thách đố lớn khác là “hố sâu ngăn cách càng ngày càng lớn” giữa thiểu số các người giàu và đại đa số các người nghèo.

4) Thách đố lớn khác là “hiện tượng di dân và tị nạn” càng ngày càng nhiều, nội tại trong một quốc gia, hay đến các quốc gia khác.

5) Thách đố từ các dân tộc thiểu số, rất đa dạng, rất khác nhau, tại rất nhiều quốc gia Á châu.

6) Dân số cũng là một thách đố lớn: nạn nhân mãn kéo theo nhiều hệ luỵ về đời sống, về đạo đức, về môi trường.

7) Thách đố về tự do tôn giáo còn nặng nề tại một số quốc gia, hay một số địa phương.

8) Vấn đề sự sống bị đe doạ là một trong những vấn đề gai góc và đau đớn nhất, khắp nơi có quá nhiều hình thức xâm phạm sự sống con người, và không làm sao ngăn cản được; vấn đề bạo lực thể lý và tinh thần còn phổ biến.

9) “Truyền thông xã hội” cũng là một vấn đề rất lớn trong xã hội hiện nay: nhanh chóng, nhưng quá vội vã, và ảnh hưởng rất mạnh trên đại chúng. Truyền thông đại chúng nhiều lúc trở thành một áp lực không cưỡng lại được.

10) Sự biến đổi môi trường sinh thái và biến đổi khí hậu là một vấn đề rất lớn. Môi trường tâm linh cũng như vật chất bị ô nhiễm trầm trọng bởi những khí thải độc hại do nền văn minh công nghiệp hiện đại.

11) Phụ nữ càng ngày càng được đề cao trong xã hội, và đang có nhiều phụ nữ đóng những vai trò then chốt trong xã hội, với những địa vị cao nhất trong một quốc gia. Giáo hội không thể không chú trọng đến chỗ đứng của phụ nữ trong việc loan báo Tin Mừng. Nhưng vẫn còn một số đông các phụ nữ là nạn nhân của các cuộc bạo hành, đối tượng của việc kinh doanh du lịch. Các thai nhi nữ vẫn còn bị giết chết, nạn nhân của sự phân biệt giới tính hay sự phá thai.

12) Giới trẻ vẫn là lực lượng đông đảo và tiên phong của xã hội, cần phải được hướng dẫn chu đáo để trở thành những người chủ động trong các sinh hoạt của Giáo hội, nhất là trong việc loan báo Tin Mừng cho người trẻ.

13) Các giáo phái càng ngày càng nhiều đang lôi cuốn các Kitô hữu, cũng là một thách thức lớn, đặt vấn đề về cách thức làm mục vụ của chúng ta, chưa đáp ứng những khao khát trong lòng con người.

14) Sự khan hiếm ơn gọi bắt đầu trở thành vấn đề cho một số Giáo hội địa phương tại Á châu. Cần ơn gọi truyền giáo, không những trong tư cách giáo sĩ, tu sĩ, mà cả trong tư cách giáo dân. 

III. Suy nghĩ về Sứ điệp của Hội nghị khoáng đại lần X


Đại hội lần X của FABC tại Xuân Lộc,Việt Nam, kỷ niệm 40 năm chính thức thành lập, đã diễn tiến và kết thúc tốt đẹp. Mọi người đều mừng rỡ hân hoan, vì lần đầu một hội nghị quốc tế, tầm cỡ lục địa, của Giáo hội Công giáo được tổ chức rất thành công tại một Quốc gia xã hội chủ nghĩa. Đó là một vinh dự cho Giáo hội, cũng là một vinh dự cho Đất nước. Nhưng điều quan trọng hơn là bầu khí hiệp thông huynh đệ trong Giáo hội và quyết tâm dấn thân mới trong việc Loan báo Tin Mừng. Sứ điệp của Hội nghị khoáng đại lần này muốn bày tỏ quyết tâm ấy: “Canh tân các Sứ giả Tin Mừng để phục vụ công cuộc Tân Phúc Âm hoá”. 

1. Sự hiệp thông giữa các Giáo hội địa phương tại châu Á


Có người nhận xét rằng Sứ điệp đã nêu ra rất nhiều điều, nhiều ước muốn và quyết tâm trong sự canh tân công việc loan báo Tin Mừng tại châu Á, nhưng không thấy được một điều gì nổi bật, không thấy được “một mũi nhọn”, hay một “sợi chỉ đỏ xuyên suốt”. Điều đó có thể đúng, vì lý do mỗi đại hội trước đây đều có một nội dung đặc thù, một chủ đề, một mũi nhọn, Đại hội lần này chỉ muốn nhìn lại thời gian 40 năm qua, từ đó rút ra những bài học cho giai đoạn dấn thân mới. Điểm nổi bật lần này có lẽ là “bầu khí Giáo hội”, sự hiện diện của Giáo hội như là Gia đình của Thiên Chúa tại trần gian, đầy ấp tình Chúa và tình người. 

2. Sứ giả Tin Mừng để phục vụ công cuộc Tân Phúc Âm hoá


Nhưng Sứ điệp cũng muốn làm nổi bật các tư cách của những con người loan báo Tin Mừng như lòng Chúa và Giáo hội mong ước, những đòi hỏi quyết liệt của thời đại đối với Giáo hội, là Chủ thể, là Tác nhân của việc Loan báo Tin Mừng cùng với Chúa Thánh Thần.

Sứ điệp đưa ra 10 đòi hỏi nơi người loan báo Tin Mừng:
1) Gặp gỡ cá nhân với Đức Kitô.
2) Say mê Sứ vụ.
3) Tập trung vào Nước Thiên Chúa.
4) Quyết tâm hiệp nhất.
5) Đối thoại như phương cách sống và thi hành Sứ vụ.
6) Hiện diện cách khiêm hạ.
7) Thể hiện vai trò ngôn sứ.
8) Liên đới với những người nghèo, những người đau khổ và bị áp bức.
9) Chăm sóc môi trường, các công trình Tạo dựng của Thiên Chúa.
10) Can đảm sống đức tin và sẵn sàng làm chứng và trả giá theo chân các Thánh tử vì đạo. 

3. Sứ giả Tin Mừng là người say mê Sứ vụ


Theo tôi, mũi nhọn nằm ở phần kết luận, nhấn mạnh sự “say mê loan báo Tin Mừng”: “Chúng tôi kêu gọi mọi người thuộc các Giáo hội tại châu Á hãy nuôi dưỡng niềm say mê đặc biệt đối với công cuộc Tân Phúc Âm hoá. Chúng ta không được để mình thờ ơ hoặc bi quan trước những trào lưu xã hội tại châu Á đang đe doạ cấu trúc xã hội, sự bền vững của gia đình và cái nhìn đức tin của chính Cộng đoàn Kitô hữu […] Sự mới mẻ của công cuộc Tân Phúc Âm hoá, mới trong nhiệt tâm, mới trong phương pháp và mới trong cách diễn tả, đang được đặt ra cấp thiết.” (Phần kết luận của Sứ điệp).

Chính nhờ điểm này, mà chúng ta thấy được đường lối và cách làm việc của FABC. “Mũi nhọn” của Sứ điệp FABC lần này, cũng chính là mũi nhọn của Thượng hội Đồng Giám mục Thế giới về Tân Phúc Âm hoá. Có một số Giám mục Âu châu và Mỹ châu rất thích cách làm việc và đường lối của FABC, vì cách làm việc này rất cụ thể, thực tế và có nhiều điều mới mẽ.

FABC là tổ chức thuộc Giáo hội tại châu Á, có “tâm thức sentire cum Ecclesia” (đồng cảm với Giáo hội) rất sâu đậm và rõ ràng. Nhịp tim của FABC là nhịp tim của Giáo hội hoàn vũ, mặc dù FABC nhấn mạnh nhiều đến “Giáo hội địa phương.”[1] Thực ra Giáo hội địa phương cũng chính là Giáo hội hoàn vũ tại một
địa phương. Giáo hội Á châu chính là Giáo hội Chúa Kitô tại châu Á. 

4. Một vài suy nghĩ


4.1. Có người cho rằng Giáo hội tại châu Á có hơi mặc cảm là thiểu số, và mặc cảm “Đạo Chúa bị đa số người Á châu nhìn như là Đạo ngoại lai”. Và điều này được phản ảnh trong nhiều tác phẩm thần học của các thần học gia Á châu, và ngay cả trong một số văn kiện của FABC. Ví dụ bài viết của Edmund Chia, FSC, kỷ niệm 30 năm thành lập FABC, khi nói tới thách đố nội tại trong Giáo hội tại châu Á cần phải đương đầu là “Dáng vẻ Đạo ngoại lai của Kitô giáo so với các tôn giáo khác” (FABC Papers, n.106, p.21).

Thực hư như thế nào? Chúng ta không nên vội vã phê phán. Điều có thể thấy rõ hơn đã được lưu ý trong Tuyên ngôn “Dominus Jesus”: Sự đề cao quá mức giá trị các bút tích linh thánh của một số tôn giáo lớn, như Kinh Veda, Kinh Upanishad của Ấn độ giáo chẳng hạn, có thể làm cho một số người nghĩ rằng các bút tích ấy cũng được linh hứng như các Sách Kinh Thánh của Đạo Công giáo (x. Dominus Jesus, số 8). Nhưng các HĐGM Á châu không bao giờ có thể chấp nhận một lập trường như vậy.

4.2. Cho tới nay, hai điều nổi bật nhất trong Thần học cũng như trong mục vụ của FABC phục vụ rất tốt cho công việc loan báo Tin Mừng, cho nỗ lực Tân Phúc Âm hoá là “Chủ trương đối thoại” và “Nỗ lực hội nhập văn hoá”.

Trước hết là việc đối thoại: Thực sự đây là đường lối của Chúa Giêsu trong các Sách Tin Mừng. Mặc dù là Thầy và là Chúa, là “Lời của Thiên Chúa”, Chúa Giêsu không bao giờ “độc thoại”, nhưng luôn lắng nghe, lắng nghe Thiên Chúa, lắng nghe con người, rồi mới đáp lại, mới ngỏ lời với con người.

Việc đối thoại của Người hoàn toàn phát xuất từ Tình Yêu Cứu Độ của Thiên Chúa. Đó là “Đối thoại Cứu độ” được Giáo hội tiếp nối cho tới ngày nay (x. Thông điệp Ecclesiam Suam của Phaolô VI).

Trong thực tế, có những giai đoạn lịch sử, những quốc gia Kitô giáo còn thiếu trầm trọng tinh thần đối thoại ấy. Công đồng Vatican II đã nhấn mạnh trở lại sự cần thiết phải theo con đường đối thoại của Chúa Giêsu. Nhưng theo thiển ý của tôi, ít có nơi nào ngoài Giáo hội tại châu Á đã triển khai “đường lối đối thoại” ấy một cách phong phú, sinh động và mang lại nhiều ích lợi cho cả xã hội lẫn Giáo hội, và đó là nhờ công lao và sự thúc đẩy mạnh mẽ của FABC.

4.3. Dĩ nhiên trong khi đối thoại, có thể đã xảy ra một vài lệch lạc cần phải điều chỉnh. Nhà thần học Joanathan Yun-Ka-Tan cho rằng Giáo hội tại châu Á cần phải chọn một mô hình mới cho việc truyền giáo hay loan báo Tin Mừng: đó là mô hình “Missio inter gentes” (Sứ vụ giữa chư dân) thay cho mô hình cũ là “Missio ad gentes” (Sứ vụ đến với chư dân). Lý do là chúng ta đang ở giữa chư dân, chúng ta là một thiểu số rất nhỏ bé giữa chư dân. Sự hiện diện giữa chư dân là một sự hiện diện khiêm tốn, nhỏ bé, một sự hiện diện làm chứng cho tình yêu của Chúa. Vì chọn mô hình “giữa chư dân”, mà các Giám mục đang hiện diện tại Á châu một cách tự nhiên không gượng ép, và cảm thấy rất dễ chịu vì là “đang ở nhà của mình”. Còn “đến với chư dân” thì có sắc thái ngoại nhập, giống như các thừa sai Tây phương ngày xưa đến truyền giáo tại châu Á. “Đến với chư dân” còn mang sắc thái kẻ cả: chúng ta đến với chư dân để ban ơn lành cho chư dân. Mô hình “ad gentes” nhấn mạnh đến lý do của Sứ vụ (Why), nội dung của Sứ vụ (What) và chủ thể của Sứ vụ (Who).

4.4. Những điều đó, Giáo hội đã biết và đã làm từ lâu. Nhưng cho đến nay, kết quả chẳng có là bao, đó là điều ai cũng thấy, nhất là tại châu Á. Còn mô hình “giữa chư dân” thì nhấn mạnh tới “cách thế” (How): làm thế nào để thi hành sứ vụ mà Chúa đã trao phó ? Và câu trả lời là: bằng con đường đối thoại với người nghèo, với các tôn giáo, với các nền văn hoá. Mô hình “ad gentes” nhấn mạnh đến tính độc đáo, tính khác biệt của Kitô giáo, không thể nào triển khai một cách thoải mái trong xã hội đa tôn giáo như xã hội Á châu. Mô hình “inter gentes” mới là mô hình có thể ứng dụng một cách dễ dàng, vì nó sát với thực tế: mỗi người và mọi người không phải đang ở giữa chư dân đó sao?

4.5. Yun-Ka-Tan cho rằng thần học và mục vụ của FABC nghiêng về “mô hình inter gentes”, mặc dù không sử dụng từ ngữ này. Cách suy nghĩ của ông rất đáng lưu tâm, vì nhấn mạnh tới tinh thần đối thoại và sự hiện diện chứng tá của chúng ta ở giữa chư dân, như là men trong bột. Nhưng nếu nhấn mạnh quá đáng, có thể đẩy chúng ta vào một tương lai ảm đạm giống như Giáo hội tại châu Âu, vì thiếu “sức bật”, thiếu “động lực”, thiếu lý do (Why), và như thế là Sứ vụ không còn “lẽ sống”, “lẽ tồn tại”, chứ chưa nói đến phát triển. Nếu nhấn mạnh quá đáng, công việc truyền giáo sẽ bị chựng lại, như đang thấy ở một số nơi, ví dụ Đài Loan, Nhật Bản và ngay cả Thái Lan. Vả lại Chúa Giêsu đã ra lệnh quá rõ ràng cho các Tông đồ: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo” (Mc16,15).

Tôi tin chắc rằng FABC không chỉ chọn một mô hình “inter gentes”, mà còn lưu tâm đến mô hình “ad gentes”, bằng chứng là “Tông huấn Ecclesia in Asia”: Giáo hội tại Á châu, đã ưu tiên cho việc loan báo: Loan báo Đức Giêsu Kitô tại châu Á: Đến (Ad) và “ở giữa”, “tại” (Inter, in), (x. Tông huấn Ecclesia in Asia, ch. IV).

Tông huấn này là kết quả của Thượng Hội đồng Giám mục Á châu, tổ chức tại Rôma năm 1998, quy tụ gần 200 giám mục từ tất cả các quốc gia Á châu. FABC vẫn phải còn ưu tư rất nhiều về thắc mắc mà hầu hết các nghị phụ Thượng Hội đồng đều chia sẻ với nhau, vẫn còn được ghi lại một cách rõ rệt và đậm nét: “Quả là một điều khó hiểu, tại sao Đấng Cứu Độ thế giới sinh ra tại châu Á, mà cho tới nay, phần lớn Dân lục địa này vẫn chưa biết tới Ngài ?” (x. TH. Ecclesia in Asia, n.2). 

Các sách báo đã tham khảo

  1. Tông Huấn Giáo hội tại châu Á (Ecclesia in Asia) của đức thánh cha Gioan Phaolô II (Bản tiếng Anh, Catholic Bishops’ Conference of Malaisia-Singapore-Brunei, November 1999, Bản dịch Tiếng Việt ngày 2/6/2001).
  2. Fr. Jacob Theckanath, “The Asian Image of Jesus, FABC Papers, No. 92. Edmund Chia, FSC, Thirty Year OF FABC: History, Foundation, Context and Theology,” FABC Papers, No. 106.
  3. Jonathan Yun-Ka Tan, “Missio inter gentes: Towards a new paradigm in the Mission Theology of the FABC,” FABC Papers, No. 109.
  4. James H. Kroeger, M.M. “Dialogue: Interpretative key for the Life of the Church in Asia,” FABC Papers, No. 130.
  5. James H. Kroeger, M.M. “The second Vatican Council and the Church in Asia,” FABC Papers, No. 117
  6. James H. Kroeger, M.M. Inculturation in Asia.
  7. FABC Office of Evangelization, “Telling the story of Jesus in Asia,” Proclaim, Year VIII, No.10-12, Oct-Dec 2006
  8. Hội Thảo “A vision of faith for Asia,” FABC-OE tổ chức tại Trung Tâm Camillian, Thailand, 6-8/11/2012, HĐGMVN, UBLBTM.
  9. Synode des Evêques – XIIIème Assemblée Générale Ordinaire, “La nouvelle Evangélisation pour la Transmission de la Foi Chrétienne,” Instrumentum Laboris.
  10. Mai Tâm, “Giới thiệu đôi nét về Liên Hội Đồng Giám Mục Á Châu,” HIỆP THÔNG, No. 71.
  11. Gm Giuse Nguyễn Năng, “Tân Phúc Âm Hoá trong Thượng Hội Đồng Giám mục thường kỳ lần thứ 13,” HIỆP THÔNG, No. 75.
  12. “Sứ điệp Thượng HĐGM thế giới thứ 13 gửi Cộng Đoàn Dân Chúa,” G. Trần Đức Anh OP chuyển dịch, Radiovatican.
  13. “FABC Bishops Identify Challenges for New Evangelization,” Xuan Loc, VN. http://www.fabc.org
  14. Message of X FABC Plenary Assembly “Renewed Evangelizers for New Evangelization in Asia,” 16 December 2012, HCMcity, VN, http://www.fabc.org
  15. Giáo phận Mỹ Tho, Chúa Nhật 30/06/2013
______
[1] x. James H. Kroeger, Becoming Local Church, Quezon City, 2003.