Thứ Sáu, 22 tháng 6, 2018

GIẢI THOÁT VÀ GIÁC NGỘ : MỤC ĐÍCH VÀ BẢN CHẤT CỦA PHẬT GIÁO

Thời sự Thần học – Số 14, Tháng 12/1998, tr. 70-77

Vô Trú


TRI THỨC ĐÍCH THỰC, LÀ TRI THỨC ĐEM LẠI TỰ DO (Thánh Kinh Veda)

Nối tiếp Truyền thống Veda, mục đích và bản chất Phật Giáo không đưa ra một hệ thống tư tưởng Siêu Hình Học, mà chỉ là làm sao để đưa tới những PHÁP MÔN TU TẬP, hầu con người có thể hành trì mà Giải Thoát.

Làm cách mạng với Truyền Thống Veda, mục đích và bản chất Phật giáo, thay vì cầu cúng hoặc hiệp nhất với thần linh, thì lại tìm về thể hiện, đón nhận, khám phá cái THIÊNG LIÊNG SIÊU VIỆT nơi chính bản thân mình.

I. TỨ DIỆU ĐẾ : GIÁO LÝ NÒNG CỐT CỦA PHẬT GIÁO


1. KHỔ ĐẾ : Cuộc đời là Khổ. Khổ, nghĩa đen là đắng đót, khó chịu. Hiểu sâu hơn, toàn bộ Sinh, Lão, Bệnh, Tử là Khổ, nghĩa là con người hằng phải trôi nổi luân hồi trong những trạng thái đổi thay, mong manh, bất an, chao đảo, xao động, buồn phiền, lo âu, hoặc chạy trốn tìm an thân cách giả tạo hời hợt trong những thứ tạm bợ. Tất cả mọi thứ trần gian tương đối đều đắng đót, khó chịu. Phải Giác ngộ ra thân phận nghèo hèn tương đối của kiếp người.

2. TẬP ĐẾ : Khổ là quả, Tập là Nhân. Khổ là triệu chứng, Tập là căn bệnh lưu niên. Tập Đế là Sự Thật về nguyên nhân của Khổ, tức nguyên nhân đưa tới sự kéo lê thân phận mình trong giới hạn, bất an, tương đối. Giác Ngộ về Tập Đế, là giác ngộ về sự “hư hoại” đã nằm sâu trong “bản chất” con người, như “Tội Nguyên Tổ”.

“Tội nguyên tổ”, theo Phật giáo, là khuynh hướng qui ngã, bám chấp, tích luỹ, thu vén, gom góp cho mình, nên gọi là Tập. Còn gọi là Tập, vì khuynh hướng qui ngã hư hoại ấy nằm sâu ở lì trong thân phận con người.

Vậy, theo Phật Giáo, con người là kẻ nô lệ rất sâu xa. Sự nô lệ ấy ăn liền với sự hiện hữu phận người. Và cũng do sự nô lệ này, con người không ngừng thu tích, bám víu, phòng thủ, khư khư cách tuyệt đối mà ôm bám níu giữ những cái tương đối.

Có hai thứ bám chấp nô lệ căn bản :
  • Bám chấp nô lệ vào những động lực ích kỷ (nghiệp) Tham, Sân, Si, Mạn, Nghi..., khiến rong ruổi chạy theo đủ thứ tương đối “thế gian”. 
  • Bám chấp nô lệ vào những cái thấy biết của “xác thịt”, tức cái thấy biết của 6 quan năng nhận thức (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, não), cho rằng 6 quan năng ấy đã nhận thức được toàn bộ thực tại, và từ đó, bám chấp rằng những “thực tại khách quan” do 6 quan năng thu nhận được đã là toàn bộ “chân lý”.

3. DIỆT ĐẾ : Diệt, hay Niết Bàn (Nirvana), có nghĩa là hết, chấm dứt, lặng tắt, vắng bặt. Ở đây, là chấm dứt Khổ, chấm dứt sự dao động lăng xăng, sự mong manh vô thường, sự bất an, tương đối. Ở đây, cũng là chấm dứt căn gốc của khổ não là kết tập, bám chấp, níu giữ, thu tích.

Phật tuyên thuyết có một trình độ tâm hồn hoàn toàn an tĩnh, hạnh phúc, viên mãn, tuyệt đối, vượt ra khỏi tất cả những tình cảm chủ quan, mọi hiểu biết thường nghiệm, vượt ra luôn cả vòng sống chết, ở bên kia sống chết. Tình trạng đó, gọi là Niết Bàn Tịch Diệt.

Như vậy, Niết Bàn vắng lặng tịch diệt, là mục đích của người hành trì tu tập theo Phật Giáo.

4. ĐẠO ĐẾ : Diệt (Niết Bàn) là quả, thì Đạo là nhân.

Đạo là con đường. Ở đây, là những con đường tu tập. Tám vạn bốn ngàn pháp môn tu tập của Phật đều qui về Bát Chánh Đạo, tức Tám Con Đường sống đúng theo Sự Thật. Sống đúng theo Sự Thật, thì được Giải thoát (Giải Thoát không phải là do “Diệt Dục” như nhiều người vẫn hiểu cách thô thiển).

Bát Chánh Đạo gồm : Chánh Kiến, Chánh Tư Duy, Chánh ngữ, Chánh Nghiệp (hành động), Chánh Mệnh (cả cuộc đời), Chánh Tinh Tấn (hăng hái nỗ lực), Chánh Niệm (nhớ, khởi tâm, chú tâm), Chánh Định (sự tập trung thống nhất toàn thể con người cách sâu xa, lặn sâu vào trong một “trực giác” và một nguồn lực).

Chánh Kiến là quan trọng nhất, là khởi đầu và kết thúc mọi hành trình tu tập. Chánh Kiến, tức THẤY BIẾT (Giác Ngộ) cho đúng Sự Thật.

- Thấy Biết đúng sự thật rằng tất cả mọi sự đều trôi chảy, biến động, hạn hẹp và tương đối (Sự thực Duyên sinh Vô ngã)

- Thấy Biết rằng mình có một KHẢ NĂNG THẤY BIẾT (Tánh Thấy, Phật Tánh) siêu việt, tròn đầy, giống như linh minh trực giác, giống như THỨC chứa chan trong toàn thể vũ trụ...

Chánh Tinh Tấn, Chánh Niệm, Chánh Định, là những điều cốt yếu làm nên những pháp môn THIỀN. Người tu thiền, là kẻ nhiệt tâm kiên trì bền bỉ, thầm thầm lặng lặng “trụ tâm vào một điểm”, nhẹ nhàng bền bỉ chú tâm vào một điều duy nhất. Nhờ Chánh Niệm cách kiên trì tinh tấn như thế, sẽ phát sinh Chánh Định, tức phát sinh một sự tập trung thống nhất cách mãnh liệtg và sâu xa. Khi Tập trung thống nhất sâu xa, vỡ oà một cuộc đảo lộn toàn thể cái thấy biết xưa cũ, nổ tung trong một cơn chết lớn, và sống lại với một cái THẤY BIẾT (GIÁC NGỘ) hoàn toàn mới mẻ.

II.TRÍ HUỆ BÁT NHÃ BA LA MẬT ĐA


Trong giai đoạn 5 đến 8 thế kỷ, 19 Bộ Phái Phật Giáo tranh luận với nhau để đào sâu giáo lý của Phật. Những lập trường bảo thủ qúa khích đã xảy ra, và nhiều điều mới mẻ được phát hiện.

1. Phật giáo Nam Tông Nguyên Thuỷ và Bắc Tông Đại Thừa.

Phật Giáo Nam Tông (kết tinh của 9 Bộ Phái bảo thủ, truyền Pháp theo hướng Nam An Độ, sang Miến, Thái, Lào, Miên) tự coi mình là Phật Giáo Nguyên Thuỷ, giữ nguyên theo nghĩa đen tất cả những hình thức và giáo lý Tứ Diệu Đế của Phật. Kết qủa, là Nam Tông nghiêng về chủ nghĩa vô thần, hư vô, tiêu cực.

Phật giáo Bắc Tông (kết tinh từ 10 Bộ Phái cấp tiến, canh tân, truyền Pháp theo hướng Bắc, lên Tây Tạng, sang Việt Nam, Trung Hoa, Cao Ly, Nhật Bản) tự xưng mình là Đại Thừa (cỗ xe lớn chuyên chở nhiều người), coi Phật Giáo Nam Tông là Tiểu Thừa bám chấp y theo nghĩa chữ đen của lời Phật.

2. Sự khốn cùng của Ý Thức và sự thiêng liêng của ý Thức.

Đặc sắc của Bắc Tông là trung tín sâu xa với Tứ Diệu Đế bằng cách vượt qua Tứ Diệu Đế. Qua đó, Bắc Tông nêu lên một điểm vô cùng tích cực : Nếu ý thức là điều khốn khổ của con người, giam hãm con người trong vòng nô lệ, thì đồng thời, ý thức cũng là điều minh linh sâu nhiệm nhất nơi con người, là “dấu vết thần linh” nơi con người. Con người có cái Biết. Cái Biết nơi mắt tai mũi lưỡi óc não... Đó là điều hết sức lạ lùng. Cái Biết đó, nếu chấp, thì con người trở thành khốn cùng, trở thành ngu muội ; nhưng cũng cái Biết đó, lạ lùng và kỳ diệu biết mấy. Con người nếu vượt qua những cái biết của 6 quan năng xác thịt, thì sẽ sống cái Biết trọn vẹn, thiêng liêng, mầu nhiệm.

Phật, là Biết, là “Tâm”, là ý thức. Phật Đạo, là Đạo Biết, Đạo Ý Thức.

Nếu Phật Giáo Nam Tông chỉ chú trọng đến sự giải trừ ý thức để thấy được sự mong manh vô thường của những “thực tại khách quan” trần thế, thì Phật Giáo Bắc Tông lại chú trọng đến việc đào sâu và phát triển cái Linh Minh Diệu Giác, tạm nói là cái Ý Thức Vũ Trụ, ở trong con người, làm nên con người và làm nên cả vũ trụ. Bất cứ một ai, dù nam nữ, sang hèn, giỏi dốt, hay dở, đều bình đẳng vì đều có Linh Minh Diệu Giác viên mãn, tuyệt đối, siêu việt như nhau. ĐÂY LÀ XƯƠNG SỐNG CỦA PHẬT GIÁO ĐẠI THỪA.

3.Trí Huệ Bát Nhã Ba La Mật Đa (Prajna paramita).

Linh Minh Diệu Giác này không phải thứ ý thức phân biệt đo đếm, cũng không phải những tình cảm hay cảm nghiệm chủ quan, cũng không phải thứ trực giác có thể còn đầy những thứ qui ngã sâu xa mà thô thiển. Linh Minh Diệu Giác, là cái Biết mang chiều kích vũ trụ (tạm nói như thế), cái Biết Tuyệt Đối. Chính cái Biết Tuyệt Đối này cũng là ý thức và tình cảm thể hiện ra nơi 6 quan năng, nhưng cũng chính cái Biết Tuyệt Đối này làm nên tất cả vạn hữu, và ở trong vạn hữu.

Vì thế, gọi cái Biết này bằng chữ Trí Huệ Bát Nhã Ba La Mật Đa. Bát Nhã là Trí Huệ (Prajna), nói trùng điệp để tạm phân biệt với lý trí thường nghiệm vốn chỉ tiếp thu được những ý niệm là hình tướng của Bản Thể Sự Vật. Ba La Mật Đa (paramita) là vượt qua, vượt qua sống và chết, có và không, hay và dở, nhơ và sạch, dài và ngắn..., tức vượt qua (Không) mọi ý niệm hình tướng.

Hành trì tu tập của Phật Giáo Đại Thừa, vì thế, chủ yếu là thể hiện Trí Huệ Bát Nhã, bằng cách Nhiếp tâm, chú tâm, để sống Vô Phân Biệt, Vô Niệm, Vô Tướng, Vô Trụ, Vô Chấp, Vô Cầu, Vô Đắc...

4. Chân Như Phật Tánh.

Sống Trí Bát Nhã cũng là sống tinh thần Đại Bi (Yêu Thương Vô Cùng, Yêu Thương bằng “tình yêu mang chiều kích vũ trụ”, tình yêu tuyệt đối, chứ không bằng cái Tôi ích kỷ), thì con người cũng bằng Trí Bát Nhã, THẤY được Chân Như Phật Tánh, thấy được “Bản Thể” Thường Tồn Bất Biến vượt trên mọi lao xao biến đổi sinh diệt vô thường của thế gian.

CHÂN NHƯ PHẬT TÁNH có thể chính là Tuyệt Đối Không Thể Nghĩ Bàn (Tánh Không) luôn “hiện diện” nơi con người. Con người không thể “biết” được Chân Như Phật Tánh bằng lý trí biện biệt, nhưng, có thể “chạm đến”, lặn sâu xuống Chân Như Phật Tánh bằng Trí Huệ Bát Nhã Ba La Mật Đa. Sở dĩ như vậy, bởi vì, Chân Như Phật Tánh luôn xuất hiện ra công năng là THẤY BIẾT (tâm, thức, lời). Bằng “Thấy Biết, Chân Như Phật Tánh “làm ra” vũ trụ (vạn pháp duy Tâm tạo), thì cũng chỉ có thể nhờ Thấy Biết, con người mới trở về với Chân Như Phật Tánh.


KẾT LUẬN


Phật giáo Nam Tông chỉ giống như một khoa Tâm Lý Trị Liệu (Psychotherapie), dù đó là một khoa Tâm Lý Trị Liệu rất sâu xa, ở đó, con người muốn hóa giải tận căn những nguồn xung động vô thức là Tham, Sân, Si, để vươn tới bình an thanh tịnh lặng lẽ.

Phật giáo Bắc Tông Đại Thừa vừa ôm ấp chứa đựng được Nam Tông, nhưng mặt khác, đã vượt qua Nam Tông nghìn trùng. Phật giáo Bắc Tông Đại Thừa lần mò từ cái Thấy Biết của ý thức, đào sâu và đi đến cái Thấy Biết của Bản Thể Phật Tánh Chân Tâm Bất Sinh Bất Diệt. Phật giáo Đại Thừa là một con đường nội tâm tìm về Tuyệt Đối, trong “tinh thần và trong Chân Lý”, khởi đi từ việc “thực nghiệm” cái Thấy Biết nơi bản thân, nhưng luôn phải tránh những lệch lạc chủ quan (chánh niệm, chánh định, chánh kiến..; chánh đẳng chánh giác).

Với Phật giáo Nam Tông, chữ KHÔNG có nghĩa là lặn tắt, im lặng, hóa giải, phá tan...để thoát ra khỏi một thế giới vô thường, vô ngã. Phật Giáo Nam Tông như vậy, nhấn mạnh đến Giải thoát hơn.

Với Phật giáo Bắc Tông, chữ KHÔNG có nghĩa là không thể suy lương, đo đếm, biện biệt. Chữ KHÔNG, với Phật giáo Bắc Tông, là một cuộc hành trình vượt qua, vượt qua mọi chia chẻ phân đôi của ý niệm và tình cảm, vượt qua mọi hình tướng bên ngoài để THẤY Bản Thể Chân Như chẳng sinh chẳng diệt, chẳng dài chẳng ngắn, chẳng dơ chẳng sạch, mà KHÔNG lý trí hay tình cảm nào có thể đo đếm được. Phật giáo Đại Thừa Bắc Tông nhấn mạnh đến Giác Ngộ hơn là Giải Thoát vậy. Muốn Giải Thoát, chỉ có thể Giải thoát trong Sự Thật Tối Hậu.

MỘT SỐ VẤN NẠN


1. Như vậy, Phật giáo là vô thần hay hữu thần ?

Vô hay Hữu, cũng chỉ là ý niệm chia chẻ phân biệt của lý trí. Thần có ngã vị theo kiểu con người, tức là chưa phải “Tuyệt Đối”. Trí Huệ Bát Nhã thì chẳng hữu chẳng vô. Nói hữuhaynói vô, chỉ là những phương tiện để phá chấp. Ông Chúa của ta có thực là Chúa không ?

Chính vì thế, dù khởi đi từ mục đích Giải Thoát, nhưng Phật giáo Đại Thừa lại là một con đường tự nhiên (không phải mạc khải) để khao khát kiếm tìm đến Tuyệt Đối một cách sâu nhiệm, “hợp lý” và vững vàng nhất. Đại Thừa, là con đường Giải Thoát trong Tuyệt Đối. Chỉ trong Tuyệt Đối, con người mới có Giải Thoát.

2. Nhưng Phật giáo không khẳng định Tuyệt Đối như thế nào...

Tuyệt Đối, hay Bản Thể Chân Như, hay Tánh Không, là KHÔNG. Không, tức VƯỢT QUA tất cả tình cảm, lý trí, biện biệt, của con người. Vượt qua mọi “biên kiến, nhị kiến, tà kiến”.

Nhưng, đây là con đường tự nhiên chắc chắn vững vàng nhất. tuy đầy gian nan. Không dựa trên tranh cãi lý luận của các học thuyết. Cũng không dựa trên tình cảm chủ quan hời hợt. Vừa có “fundamentum in re” tức chính cái THẤY BIẾT của mình, vừa phải lặn sâu xuống tận căn nguồn của cái Thấy Biết.

Cái Thấy Biết, Tâm, Thức, Lời : Đây là chỗ giao thoa tiếp hợp giữa Đạo Mạc Khải của Ngôi Lời Nhập Thể với Đạo Tự Nhiên của Đức Phật. Với Phật giáo, tất cả phải NHỜ LỜI, VỚI LỜI VÀ TRONG LỜI. Mà Lời, thì đang hiện diện ngay nơi ý thức, nơi tai, mũi, mắt... của mình.

3. Phật giáo Đại Thừa nói thế này rồi lại nói thế kia !

Để phá mọi khẳng định của ý niệm phân biệt (biên kiến, nhị kiến), để đưa con người vào Trí Huệ Bát Nhã, để PHÁ CHẤP, ngay cả chấp vào Giáo Lý nhà Phật.

Giáo lý nhà Phật cốt để phá chấp. Đã nói Giáo lý, phải dùng danh từ ngôn ngữ của ý niệm nhị biên. Mà đại đa số con người chấp vào ý niệm “Có”, nên Phật nói KHÔNG. Đến khi có người tu tập “Xịn”, chấp vào “Không”, nên Phật nói CÓ. Đến khi có kẻ chấp vào giáo lý của Phật là một hệ thống hay ho qúa, thì Phật bảo rằng “Ta chưa hề nói một lời nào cả”. Gặp Phật phải giết Phật. Không và Có đều tương đối. Giáo Lý Phương Tiện của Phật khi phải mượn ngôn từ để diễn tả, thì cũng là tương đối, phải vượt qua.