Thứ Năm, 17 tháng 5, 2018

NÀY CON LÀ ĐÁ

Thời Sự Thần Học – Số 39, tháng 3/2005, tr. 131-149

Quốc Văn, O.P.

TSTH số 39 ra mắt quý độc giả nhân dịp Mùa Chay và Phục Sinh, với biến cố Ngũ Tuần được coi như ngày khai sinh của Giáo hội; và cũng vì muốn viết tiếp theo bài “Thánh thể làm nên Giáo hội”, được đăng trên TSTH số trước, nên trong số này, chúng tôi muốn dừng chân giây lát để nhìn về Giáo hội, với bài viết “Này con là đá…” khởi đi từ một gợi ý rất cụ thể: Bạn nghĩ gì về Giáo hội ? Từ đó chúng ta tìm hiểu một chút về mầu nhiệm Giáo hội, để thực sự thấy được một Giáo hội của lòng trắc ẩn; và Giáo hội chính là sự quy tụ trong Thần Khí của Đức Giêsu.
Đức Giêsu đã xây dựng Giáo hội trên nền tảng đức tin của thánh Phêrô. Từ danh xưng Simon, tông đồ Phêrô đã được đổi tên là “ĐÁ TẢNG”, một tên gọi thật ấn tượng, mạnh mẽ. Và chính trên nền Đá Tảng ấy, Giáo hội đã được hình thành và phát triển, vượt qua nhiều sóng gió trong suốt 21 thế kỷ qua, và sẽ trường tồn mãi như lời hứa của Đức Giêsu : Trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội thánh của Thầy, và quyền lực quỷ thần sẽ không thắng nổi…

Nhân dịp mừng sinh nhật của Giáo hội lần này, chúng ta hãy dừng chân chốc lát để nhìn về Giáo hội là mẹ hiền của chúng ta, với lòng trân trọng, biết ơn và yêu mến.

Điểm khởi đi của chúng ta chính là câu hỏi bỏ ngỏ :

I. BẠN NGHĨ GÌ VỀ GIÁO HỘI ?


Khi bàn về Giáo hội, người ta thường nhìn Giáo hội với những cơ cấu, phẩm trật, và do vậy không ít người ác cảm với chính Giáo hội của mình. Giáo hội là ai đó chứ không phải là tôi.

Thực ra Giáo hội không phải chỉ là cơ cấu, nhưng trước tiên Giáo hội là “mẹ chúng ta” (Gl 4,26), là “hiền thê tinh tuyền của Con Chiên không tỳ ố” (Kh 19,7; 22,17), là “nhà Thiên Chúa” (1Tm 3,15), là “thành Giêrusalem trên trời” (Kh 12,17) … Hơn nữa Giáo lý Hội thánh Công giáo còn dạy rằng: ”Giáo hội là một với Đức Kitô” (Số 795).

Chúng ta được mời gọi tham dự làm nên Hội thánh và là chính Hội thánh. Trong lòng Hội thánh, tôi muốn nhìn Hội thánh như một bà mẹ. Mẹ đã sinh ra tôi, nuôi dưỡng tôi. Dù Mẹ có già nua, có xấu xí, thì đó vẫn là mẹ tôi, đáng để tôi yêu quý và trân trọng. Nếu trên mặt Mẹ có những vết nhăn, những tỳ ố, thì tôi phải có trách nhiệm làm cho khuân mặt Mẹ rạng rỡ hơn hơn.

Bản chất của Giáo hội là duy nhất (GLHTCG số 813). Giáo hội là dấu chỉ sự hiệp nhất của nhân loại, là nơi thể hiện sự khát vọng của Đức Giêsu : “Lạy Cha, xin cho chúng nên một, như Cha ở trong Con, và như Con ở trong Cha”.

Và cũng tự bản chất, Giáo hội là thánh thiện, vì Giáo hội được phát sinh và nuôi dưỡng từ chính sự sống của Đức Giêsu ; Giáo hội được trang điểm bằng một sự thánh thiện đích thực, tuy chưa hoàn hảo (GLHTCG số 825).

Hội thánh cũng là Công giáo vì được Đức Kitô sai đến với toàn thể nhân loại(GLHTCG số 831). Nếu ngày lễ Ngũ Tuần là sinh nhật của Giáo hội, thì Giáo hội ấy còn trải dài cho tới ngày Chúa quang lâm.

Hiến chế về Giáo hội Lumen Gientium số 13 quảng diễn :
“Mọi người được mời gọi gia nhập Dân Thiên Chúa. Vì thế, dân mới này, một dân hiệp nhất và duy nhất có bổn phận phải lan rộng khắp thế giới trải qua mọi thế hệ, hầu hoàn tất kế hoạch của thánh ý Thiên Chúa”.
Cuối cùng, Hội thánh cũng là tông truyền, vì hội thánh được xây dựng trên nền tảng các tông đồ, được Chúa Thánh Thần trợ giúp và gìn giữ kho tàng các tông đồ truyền lại, được chính cách tông đồ giảng dạy và thánh hóa qua các vị kế nhiệm các ngài trong nhiệm vụ mục tử (GLHTCG số 857).

Như vậy Giáo hội được tuyên xưng với bốn đặc tính : duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền. Đó là bản chất của Giáo hội, bản chất của Mẹ chúng ta. Tuyên xưng như thế để chúng ta can đảm đón nhận những sự thật chưa hoàn hảo của Giáo hội. Giáo hội vẫn còn mang thân phận lữ hành, còn cần được thanh luyện. Giáo hội ôm ấp trong lòng cả những con người tội lỗi; và chính tội lỗi đã gây ra chia rẽ, đã làm cho sự hiệp nhất của Giáo hội bị tổn thương, làm cho Giáo hội không hoàn toàn thánh thiện. Trong Giáo hội vẫn còn đó những hận thù, những tranh giành quyền lực, óc cố chấp, bè phái, trịch thượng … Thấy những vết nhăn như thế trên mặt Mẹ mình, nhưng không được quyền thất vọng. Chúa Thánh Thần vẫn đang hoạt động trong lòng Giáo hội, trong lòng mỗi người chúng ta.

Giáo hội vẫn trải dài trong thời gian, và không một thời điểm nào Giáo hội không bị thử thách. Giáo hội còn phải chiến đấu mỗi ngày, phải nỗ lực mỗi ngày để thi hành sứ mạng của mình. Giáo hội không ngừng phải trở nên Bí tích của sự hiệp nhất, vì mục đích đầu tiên của Giáo hội là trở thành Bí tích của sự kết hợp mật thiết giữa con người với Thiên Chúa (GLHTCG số 775). Giáo hội không ngừng phải trở nên thánh thiện mỗi ngày, nhờ biết canh thân và hoán cải nội tâm, để Hội thánh trở thành công cụ hữu hiệu đem ơn cứu độ cho toàn thể nhân loại. Một khi sống trọn vẹn mầu nhiệm hiệp nhất và thánh thiện, Giáo hội trờ thành ánh sáng soi chiếu mọi người và đặc tính Công giáo được hiển tỏ. Và chính lúc này, giáo lý của các Tông đồ cũng được sống động trong lòng Hội thánh và sinh nhiều hoa thơm trái tốt.

Cuối cùng, chúng ta nhìn về Hội thánh qua gương mẫu Trinh Nữ Maria. Mẹ chính là thành phần ưu tuyển, là mẹ Hội thánh và là chính Hội thánh nữa. Chúng ta chiêm ngắm Giáo hội trong tư cách là Mẹ, một người Mẹ đầy yêu thương lân tuất. Lời của thánh nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu như một xác tín về tình yêu tuyệt vời trong Giáo hội :
“Giáo hội có một trái tim và trái tim ấy cháy lửa yêu mến. Tôi hiểu rằng chỉ có tình thương khiến các chi thể hoạt động, và nếu thiếu tình thương, các tông đồ sẽ không loan báo Tin Mừng nữa, các vị tử đạo sẽ không chịu đổ máu mình nữa. Tôi hiểu rằng tình thương cưu mang tất cả ơn gọi, tình thương là tất cả, tình thương bao trùm mọi thời đại và mọi nơi chốn … Tóm lại, tình thương là vĩnh cửu”.
Bạn nghĩ gì về Giáo hội ? Đó là lời mời gọi bỏ ngỏ, dẫn ta vào một thực tại khác sâu thẳm hơn, là chính mầu nhiệm Giáo hội.

II. MẦU NHIỆM GIÁO HỘI


1. Tại sao các Giáo phụ coi Giáo hội là một mầu nhiệm ?


Giáo hội chỉ là một (đặc tính duy nhất của Giáo hội) nhưng rất phong phú, không một hình ảnh nào có thể diễn tả trọn vẹn được Giáo hội. Do vậy, Giáo hội được diễn tả bằng nhều hình ảnh khác nhau : Giáo hội là đoàn chiên có một người mục tử (Ga 10), là hiền thê tinh tuyền của Con chiên không tỳ ố (Kh 19,7;22,17), là nhà Thiên Chúa (1Tm 3,15)…

Các thánh Giáo phụ cũng có cái nhìn rất phong phú về Giáo hội. Thánh Clement thành Alexandre và thánh Cypriano coi Giáo hội như một người mẹ; Methodio thành Olympus lại diễn tả Giáo hội như hiền thê của Đức Giêsu, như Eva được khai sinh từ cạnh sườn của Ađam. Thánh Ambosio thành Milan và thánh Cypriano thành Carthage cũng diễn tả Giáo hội bằng hình ảnh hiền thê xinh đẹp. Đặc biệt hình ảnh Giáo hội là thân mình Đức Giêsu đã được nhiều Giáo phụ quảng diễn, bởi vì qua phép rửa tội, tất cả mọi người được trở nên một thân thể duy nhất trong một Thần Khí (Cr 12,13). Thánh Clement giải thích : theo sách Sáng Thế, Thiên Chúa dựng nên con người có nam, có nữ (St 1,27), nam đây có thể hiểu là Đức Kitô, và nữ chính là Giáo hội. Và như vợ chồng nên một với nhau thế nào, thì mầu nhiệm giữa Đức Kitô và Giáo hội cũng vậy.

Thực ra, không thể nào hiểu hết được sự phong phú của Giáo hội. Chúng ta được mời gọi để đón nhận, yêu mến hơn là mong có thể hiểu được trọn vẹn về Giáo hội. Giáo hội không bao giờ là điểm kết thúc, mà là điểm khởi đầu, là lối mở cho ta tiếp tục dấn thân, khám phá. Trong lối nhìn này, chúng ta mới hiểu được tại sao các Giáo phụ lại gọi Giáo hội là một mầu nhiệm, và mầu nhiệm này được sáng tỏ nơi Đức Kitô.

2. Mầu nhiệm Giáo hội được tỏ bày nơi Đức Kitô


Có thể nói, chỉ nơi Đức Kitô, mầu nhiệm Giáo hội mới được tỏ bày trọn vẹn. Không có Đức Kitô, lời hứa sẽ không được thực hiện và cũng không có Giáo hội. Phần lớn những hình ảnh dùng để diễn tả Giáo hội đều có liên hệ tới Đức Kitô. Không thể nói đến hiền thê, nếu không có Đức Kitô là phu quân; không thể nói đến đoàn chiên, nếu không có Đức Kitô là mục tử; không thể nói đến thân mình, nếu không có Đức Kitô là đầu… Nói cách khác, chỉ nơi Đức Kitô, và qua Giáo hội của Người, ý định cứu độ của Thiên Chúa mới được thực hiện trọn vẹn.

Tuy nhiên, chúng ta cũng phải nhìn nhận rằng nơi các Giáo phụ có một điểm độc sáng, là các ngài không coi Giáo hội như chỉ bắt đầu nơi Đức Kitô khi người gọi và chọn các tông đồ, nhưng Giáo hội bắt đầu từ muôn thuở khi tạo dựng đất trời. Giáo hội chính là sự thể hiện lời hứa từ khởi đầu của thời gian cho đến ngày tận cùng của nhân loại. Thánh Ignatio giải thích Giáo hội như là việc thông ban sự viên mãn của Chúa Cha, từ ngàn đời, thánh ý của Người đã muốn thế. Và quả thực, không ai biết được Chúa Cha mà không qua Đức Giêsu, không qua Giáo hội của Người.

Tóm lại, nơi Đức Kitô mầu nhiệm Giáo hội được tỏ bày trọn vẹn, và Giáo hội đó mang một tên gọi cụ thể: cộng đoàn yêu thương.

3. Giáo hội : cộng đoàn yêu thương


Sách Công Vụ Tông Đồ diễn tả Giáo hội như một cộng đoàn yêu thương, gắn bó, chuyên cần nghe các tông đồ giảng dạy, luôn hiệp thông với nhau, năng tham dự thánh lễ và cầu nguyện không ngừng. Đó cũng là một cộng đoàn mọi người để tất cả của cải làm của chung … (2,42-47). Người ta có thể nhìn vào cộng đoàn Giáo hội và nhận ra đó là cộng đoàn yêu thương, cộng đoàn của những người theo đạo yêu nhau. Tinh thần yêu thương này có giá trị và ảnh hưởng rất lớn đến đời sống và giáo huấn của các Giáo phụ. Thánh Âutinh trong tác phẩm “ The way of life of the Catholic Church”, đã vẽ nên bức tranh sống động về Giáo hội như một cộng đoàn yêu thương. Theo thánh Âutinh, đối với người Kitô hữu chúng ta, không có nguyên tắc sống nào khác hơn là hãy yêu mến Thiên Chúa hết trái tim, hết tâm hồn, hết sức lực ta, và yêu thương người thân cận như chính mình (Mt 22, 37-39). Cũng chính vì lẽ sống này, đường lối mục vụ của Giáo hội cũng không gì khác hơn là phục vụ mọi người trong tinh thần bác ái. Tất cả mọi công việc, mọi mối tương quan phải được xây dựng trên nền tảng đức ái này. Chẳng vậy, Giáo hội bao gồm đủ mọi thành phần, có những người thánh thiện và cũng không thiếu những người tội lỗi; nhưng mọi người đều được tôn trọng, đối xử bình đẳng và được yêu thương như nhau. Đây là một hướng mục vụ tuyệt vời được xây dựng trên nền tảng Giáo hội là một cộng đoàn yêu thương.

Mầu nhiệm Giáo hội thật khôn do khôn thấu. Chính nhờ các Giáo phụ là những người đã sống vào thời đầu của Giáo hội, nhờ những kinh nghiệm, suy tư và giáo huấn của các ngài, Giáo hội trải qua mọi thời vẫn được đón nhận và hiểu biết một cách đúng đắn. Càng sống xa với Giáo hội thời đầu, chúng ta càng có nguy cơ xa cách nguồn mạch và hiểu lệch lạc về Giáo hội; do vậy, việc tìm về với giáo huấn của các Giáo phụ là chúng ta đang trên hành trình về nguồn, hành trình này sẽ giúp chúng ta hiểu biết và yêu mến Giáo hội nhiều hơn. Giáo hội không phải là những cơ cấu cứng nhắc, cũng không phải chỉ là một thực tại con người không thể thấu đáo, nên gọi là mầu nhiệm; hơn thế nữa, Giáo hội còn được tỏ bày là Giáo hội của lòng trắc ẩn.

III. GIÁO HỘI CỦA LÒNG TRẮC ẨN


Giáo hội là một người mẹ mang trong mình vai trò chứng tá, loan báo cho mọi người về một Thiên Chúa yêu thương và kế hoạch cứu độ của Người. Trong thế giới hôm nay, Giáo hội đang phải đối diện với bao điều phức tạp, nhiều bậc thang trong xã hội bị đảo lộn, của cải vật chất đang lấn át đời sống tinh thần của con người, và hố ngăn cách giàu - nghèo trong xã hội ngày càng thăm thẳm. Để nên chứng tá, Giáo hội phải xác định lại căn tính, và chọn lựa một cách thế hiện hữu cho phù hợp với hoàn cảnh xã hội hôm nay.

1. Giáo hội giàu hay Giáo hội nghèo ?


Tác giả Jon Sobrino, SJ. Phân tích hai nguyên lý hình thành nên Giáo hội, đó là “nguyên lý giàu” và “nguyên lý nghèo”. Nếu Giáo hội được hình thành từ nguyên lý giàu, tự căn bản, Giáo hội đi ngược lại với mầu nhiệm nhập thể của Đức Giêsu. Thánh Phaolô trình bày cho chúng ta dung mạo của Đức Giêsu, đầu của Giáo hội:

“Đức Giêsu Kitô
vốn dĩ là Thiên Chúa
mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì
địa vị ngang hàng với Thiên Chúa
nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang
mặc lấy thân nô lệ
trở nên giống phàm nhân
sống như người trần thế “(Pl2, 6-7).

Con đường Đức Giêsu đi là con đường hẹp của Tin mừng, trái với con đường sự dữ khởi đầu bằng sự giàu sang phú quý. Của cải vất chất dễ làm tha hóa con người, đẩy con người tới lòng tham vô đáy, tôn sùng của cải như những thần tượng … Chính Đức Giêsu đã cảnh cáo thái độ này: “Không ai có thể làm tôi hai chủ được”.

Nếu Giáo hội được hình thành từ nguyên lý giàu có, thì Giáo hội khó có thể chọn lựa người nghèo, và như vậy họ sẽ bị loại ra bên lề Giáo hội. Trong khi đó, Kinh thánh cho thấy người nghèo luôn được Chúa yêu thương :

“Ta đã thấy rõ cảnh khổ cực của dân Ta bên Ai Cập, Ta đã nghe tiếng chúng kêu than vì bọn cai hành hạ. Phải, Ta biết các nỗi khổ đau của chúng. Ta xuống giải thoát chúng khỏi tay người Ai Cập, và đưa chúng từ đất ấy lên một vùng đất tốt tươi …” (Xh 2, 7-8).

Khi suy nghĩ về Giáo hội, tôi luôn tự nhủ : Giáo hội của tôi có thực sự là Giáo hội nghèo khó ? Tinh thần Bát Phúc có thực sự là kim chỉ nam cho Giáo hội tiến bước hay không ? Và chính bản thân tôi là thành phần của Giáo hội, tôi có thực sự sống khiêm hạ, nghèo khó, nên chứng tá của Tin mừng ? Nhìn vào đời sống của Giáo hội, đời sống của chính mình, tôi không khỏi bị Tin mừng chất vấn !

2. Căn tính của Giáo hội


Một trong những nét đặc trưng của Giáo hội là sự nghèo khó. Con đường của Đức Giêsu khởi sự là con đường nghèo khó : sinh ra trong cảnh nghèo (Lc 2, 1-20), lớn lên trong cảnh nghèo, rao giảng về sự khó nghèo (Mt 5,3), giao du với những người bị khinh dể (Mt 9).., và chết trần trụi không một tấm áo che thân. Chính Đức Giêsu ấy đã thiết lập Giáo hội và giáo hội của Người phải là Giáo hội khiêm hạ, yêu thương và phục vụ. Giáo hội đó phải là một dân mới của Thiên Chúa, là sự tiếp nối của một dân toàn những người nghèo của Giavê (Đnl 7,6-11).

Trong một xã hội đầy những người nghèo khổ, sự hiện diện khiêm hạ của Giáo hội như một sự đồng cảm, như lời chứng cho một Thiên Chúa luôn gần gũi, chia sẻ trọn vẹn kiếp người. Trong nghèo khó, mầu nhiệm Nhập thể của Đức Giêsu được biểu tỏ. Trong nghèo khó mọi sự dối trá đều bị vạch trần, sự thật được phơi bày dưới ánh sáng. Đó là sự thật một Đức Giêsu, một Giáo hội bị bách hại; lời Đức tổng giám mục Romeo, một người đã chịu bách hại, đã trở nên nghèo khó đến tận cùng, như một thứ ánh sáng soi dọi cho chúng ta : “Anh em quý mến, tôi vui mừng khi Giáo hội bị bách hại. Điều ấy cho thấy Giáo hội đã thực sự nhập thể trong sự nghèo hèn”.

Như vậy, nghèo hèn đồng nghĩa với sự bách hại; nghèo hèn là chứng tá, là nét nổi bật Giáo hội phải thể hiện. Theo ý nghĩa này, chúng ta có thể hiểu được Giáo hội, vì trong thực tế, xét về mặt của cải, có lẽ Giáo hội chưa thực sự là nghèo khó ! Dưới cái nhìn của tác giả Jon Sobrino, SJ, nghèo khó còn được mở ra với một nhãn quan mới :

3. Giáo hội nghèo là Giáo hội giàu lòng trắc ẩn


Từ khởi đầu đã có lòng trắc ẩn, và đây là nguyên lý chi phối cả lịch sử cứu độ của con người. Thiên Chúa cứu con người là do lòng trắc ẩn của Ngài, và lòng trắc ẩn được thể hiện qua hành động yêu thương của Thiên Chúa. Những biến cố Thiên Chúa can thiệp và cứu dân trong Cựu ước là một bằng chứng hùng hồn cho lòng trắc ẩn của Ngài.

Trong Tân ước, Đức Giêsu còn diễn tả lòng trắc ẩn đậm nét qua dung mạo của Thiên Chúa Cha, Đấng giàu lòng xót thương. Tình thương của Chúa Cha được thể hiện cụ thể qua con người của Đức Giêsu : một người Samaritanô nhân hậu chăm sóc vết thương cho người bị nạn, một mục tử tốt lành bỏ 99 con chiên nơi đồng vắng để đi tìm con chiên lạc, một người cha sẵn sàng ra nghênh đón đứa con hoang đàng trở về, và là một Thiên Chúa sẵn sàng mang thân phận tội nhân chết tất tưởi trên thập giá. Tất cả những việc làm này của Đức Giêsu đơn giản chỉ là vì yêu thương, là thể hiện lòng trắc ẩn của Người.

Giáo hội cũng được mời gọi cùng thi thố một lòng trắc ẩn như thế. Lòng trắc ẩn chính là nguyên lý và cũng là cùng đích để Giáo hội hướng tới. Thể hiện lòng trắc ẩn là Giáo hội sống nghèo, chống lại sự giàu sang phú quý; lòng trắc ẩn giúp Giáo hội đón nhận sự bách hại và chống lại những vinh quang hão huyền của trần gian; lòng trắc ẩn giúp Giáo hội biết thực sự sống khiêm tốn, thay vì một thái độ tự mãn, kiêu ngạo; và cuối cùng lòng trắc ẩn sẽ đưa Giáo hội đến mọi nhân đức.

Tóm lại, lòng trắc ẩn chính là điểm hội tụ của Tin mừng, Tin mừng đó không chỉ trình bày một sự thật cứu độ, nhưng còn loan báo tình thương và niềm vui. Lòng trắc ẩn phải là tên gọi mới của Giáo hội : Giáo hội nghèo chính là Giáo hội giàu lòng trắc ẩn; và Giáo hội giàu lòng trắc ẩn là Giáo hội nghèo khó đích thực.

Cũng trong một hướng nhìn về Giáo hội ấy, chiều kích cuối cùng trong bài viết này chúng tôi muốn đề cập tới, Giáo hội là sự quy tụ trong Thần Khí của Đức Giêsu.

IV. GIÁO HỘI : SỰ QUY TỤ TRONG THẦN KHÍ CỦA ĐỨC GIÊSU


Có thể nói ngày khai sinh Giáo hội chính ngày lễ Ngũ Tuần. Đức Giêsu đến trần gian loan báo Tin mừng Nước Thiên Chúa, mời gọi mọi người tham dự bàn tiệc Nước Trời, quy tụ muôn người và khai sinh Giáo hội. Thế nhưng Giáo hội chỉ thực sự thi hành sứ mạng của mình khi Đức Giêsu về trời và cử Chúa Thánh Thần đến với các môn đệ.

Thời kỳ của Giáo hội là thời kỳ hoạt động của Chúa Thánh Thần. Sách Công Vụ Tông Đồ là cuốn “Tin mừng” sống động Thánh Thần đã viết ra qua tay thánh sử Luca. Những trang Tin mừng sống động này đã cho chúng ta thấy sức sống mãnh liệt của Giáo hội thời sơ khai. Sức mạnh của Thần Khí là linh hồn mọi hoạt động của các Tông đồ và của cả Giáo hội.

I. Thần Khí hoạt động trong các cộng đoàn Giáo hội thời sơ khai


a. Tại Giêrusalem

Sức mạnh Thần Khí của Đức Giêsu lan tỏa nơi cộng đoàn sơ khai của các môn đệ ở Giêrusalem. Sách Công Vụ Tông Đồ cho thấy có cả ba ngàn người Do Thái xin chịu phép rửa nhân danh Đức Giêsu sau khi nghe thánh Phêrô giảng vào ngày lễ Ngũ Tuần. Đây là niềm vui, là sức sống mạnh mẽ của cộng đoàn mới mẻ này :

“Các tín hữu chuyên cần lắng nghe các Tông đồ giảng dạy, luôn luôn hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh và cầu nguyện không ngừng. Mọi người đều kính sợ vì các Tông đồ làm nhiều điềm thiêng dấu lạ. Tất cả các tín hữu hợp nhất với nhau và để mọi sự làm của chung. Họ đem bán tất cả đất đai, lấy tiền của chia cho mỗi người tùy theo nhu cầu. Họ đồng tâm nhất trí, ngày ngày chuyên cần đến đền thờ. Khi làm lễ bẻ bánh tại tư gia, họ dùng bữa với lòng đơn sơ vui vẻ. Họ ca tụng Thiên Chúa, được dân thương mến, và Chúa cho cộng đoàn mỗi ngày có thêm những người được cứu độ” (Cv 2, 42-47) .

Lúc khởi đầu, các Kitô hữu được mệnh danh là “những môn đệ trên đường phố”; với ơn Thánh Thần, họ có sức thuyết phục, lôi cuốn đám đông dân chúng quy tụ quanh mình. Tuy nhiên họ vẫn còn mang não trạng là một người Do Thái, ngày ngày vẫn lên đền thờ Giêrusalem. Như những con người theo phong trào Giêsu, họ “bẻ bánh” tại tư gia, chia sẻ Thánh Thể để tưởng niệm về Đức Giêsu trong những bữa tiệc của họ. Giữa cộng đoàn, không ai là những người nghèo, vì họ để tất cả của cải làm của chung và cũng chia sẻ với nhau. Lối sống yêu thương bác ái củahọ đã trở nên một bài giảng hùng hồn về sức mạnh của Đấng Phục Sinh, và chính nhờ lối sống chứng tá này, Tin mừng ngày càng được lan rộng. Giáo hội không còn chỉ gói gọn ở Giêrusalem nữa, mà lan rộng ra khắp nơi, và rồi sau này lan rộng đến tận cùng thế giới.

b. Vượt ra khỏi Giêrusalem

Thần Khí của Đức Giêsu đã hoạt động vượt ra khỏi phạm vi Giêrusalem, nhiều Giáo hội địa phương được thành lập, khởi đầu là những thành thị vùng Palestin. Chắc chắn phong trào trẻ trung này đã bắt đầu lôi cuốn dân ngoại (những người không phải là Do Thái). Tại Antiôkia, cộng đoàn đầu tiên được thành lập bao gồm cả người Do Thái và dân ngoại theo Đức Giêsu. Sách Công Vụ Tông Đồ cho thấy rằng : “Tại Ankiôkia, các môn đệ lần đầu tiên được gọi là Kitô hữu”(11,26), bởi vì họ là những người theo Chúa Giêsu Kitô.

Ngày càng có đông dân ngoại chịu phép rửa, nên các tông đồ là những người Do Thái theo Chúa Kitô, đã đưa ra những vấn nạn quan trọng : Những người dân ngoại theo Chúa Kitô, trước tiên có phải gia nhập Do Thái giáo không ? Có phải giữ tất cả các tập tục, luật lệ của Do Thái giáo, kể cả việc những người đàn ông phải cắt bì ? Các tông đồ đã nhóm họp Công đồng tại Giêrusalem và quyết định “mở cửa” cho dân ngoại, họ không phải gia nhập Do Thái giáo trước khi trở thành Kitô hữu. Sau đó, phong trào những người theo Đức Giêsu ngày càng lan rộng và lan tỏa khắp đế quốc Rôma.

c. Sự tách ly khỏi Do Thái giáo

Những người Kitô hữu đã cởi mở đối với dân ngoại, không bắt họ phải gia nhập Do Thái giáo trước khi trở nên Kitô hữu. Điều này đã gây nên vết rạn nứt giữa những người Kitô hữu và những nguời lãnh đạo Do Thái giáo. Sau biến cố Đền Thờ bị quân Rôma phá hủy vào năm 70 và người Do Thái phải phân tán khỏi trung tâm là Giêrusalem, giới lãnh đạo Do Thái thấy rằng phải xiết chặt những sinh hoạt tôn giáo của người Do Thái lại. Trước đó những người lãnh đạo Do Thái giáo đã không cho phép những tín hữu Kitô gốc Do Thái được cử hành phụng tự tại hội đường với người theo đạo Do Thái. Vào thời điểm này, phong trào Kitô hữu đã tách biệt ra khỏi Do Thái giáo và trở thành một tôn giáo độc lập, đó là Kitô giáo. Tuy vậy, người Kitô hữu vẫn biết rằng, đức tin của mình được xây dựng trên nền tảng Do Thái giáo, họ vẫn tiếp tục cầu nguyện và đọc Kinh Thánh Do Thái (theo truyền thống được gọi là Cựu Ước), và ngày nay, trong việc phụng tự, người Kitô hữu vẫn đọc Kinh Thánh Cựu Ước này

2. Giáo hội : sự quy tụ trong Thần Khí


Khởi đi từ Giáo hội sơ khai và đời sống của những người theo Chúa Kitô vào những thập niên đầu sau biến cố Ngũ Tuần, chúng ta có thể xác định nền tảng của Giáo hội chúng ta đang sống hôm nay. Quả thực, Giáo hội hôm nay chính là sự tiếp nối, kế thừa Giáo hội tiên khởi trải qua cả 2000 năm lịch sử. Giáo hội này đã tồn tại, phát triển suốt 20 thế kỷ và lan rộng ra khắp các châu lục. Ngày nay khoảng một phần ba dân số thế giới là người Kitô hữu, và hơn một nửa trong số đó là người Công Giáo.

Thánh Thần đã quy tụ Giáo hội, và trải qua bao bước thăng trầm, có những lúc tưởng chừng như Giáo hội đã hoàn toàn tan rã với bao cuộc bách hại, bao cuộc phân ly, bao sai lầm và suy thoái ... Thế nhưng Giáo hội vẫn trường tồn và phát triển mạnh mẽ, vượt qua mọi sóng gió của trần gian. Chính sức mạnh của Thánh Thần đã làm lên điều kỳ diệu đó.

a. Sự quy tụ của những người tin, những người tiếp tục sứ mạng của Đức Giêsu

Dù chúng ta có nói về Giáo hội của những năm 70 hay là Giáo hội của năm 2005, thì Giáo hội vẫn là như thế. Giáo hội Kitô giáo là sự quy tụ những người tuyên xưng đức tin vào Chúa Kitô và lãnh nhận phép rửa trong đức tin đó. Và còn hơn thế nữa, Giáo hội là sự diễn tả sống động về Chúa Giêsu cho thế giới, tiếp tục sứ mạng của Người nhờ sức mạnh của Chúa Thánh Thần. Nhưng sứ mạng của Đức Giêsu là gì ? Như chúng ta đã nói ở trên, sứ mạng của Đức Giêsu là loan báo Tin mừng Nước Thiên Chúa bằng chính cuộc sống của Người, bằng sự hy sinh chịu chết và phục sinh vinh hiển. Đức Giêsu được Chúa Cha cử đến để hiệp nhất con người với Thiên Chúa và thiết lập Vương Quốc Thiên Chúa trong công lý và hoà bình trên thế giới. Như vậy, Giáo hội tiếp tục sứ mạng của Đức Giêsu nghĩa là Giáo hội trở nên công cụ cứu độ của Thiên Chúa trong lòng lịch sử.

Do đó, Giáo hội không hiện hữu cho chính mình như một thể chế, nhưng giúp cho các phần tử tiến đến đời sống viên mãn và thánh thiện. Và Giáo hội hiện hữu là cho toàn thể thế giới này, thắp lên cho thế giời ngọn lửa tin yêu, hy vọng; trở nên nguồn mạch cho sự hiệp nhất và chữa lành, giữa một thế giới đang bị xâu xé bởi chiến tranh, hận thù, chia rẽ, tội lỗi và bất công.

b. Những hình ảnh nói về Giáo hội

Giáo hội chỉ là một, là duy nhất, nhưng rất phong phú, không một hình ảnh nào có thể diễn tả trọn vẹn được Giáo hội. Do vậy, Giáo hội được diễn tả bằng nhều hình ảnh khác nhau, cho dù đó là Giáo hội địa phương hay là Giáo hội hoàn cầu.

Xin khai triển ba hình ảnh sau đây như nét đặc trưng của Giáo hội :
  • Giáo hội là dân Thiên Chúa. 
  • Giáo hội là thân thể Đức Kitô. 
  • Giáo hội đền thờ Chúa Thánh Thần. 
Những hình ảnh trên cho thấy Giáo hội là công trình của Chúa Ba Ngôi trong thực tại nhân loại.

* Giáo hội là dân Thiên Chúa. 
Chúng ta nhớ lại dân riêng của Chúa, dân Israel đã được Giavê yêu thương, tuyển chọn. Ngày nay, Giáo hội là một Israel mới cũng đang trên đường lữ thứ trần gian tiến về Đất hứa là Giêrusalem trên trời. Nếu như xưa kia dân riêng đã phản bội Giavê, thì ngày nay “dân Thiên Chúa” cũng không phải là những con người đặc tuyển, Giáo hội vẫn ôm ấp cả những người yếu đuối, tội lỗi, và có thể phản bội Thiên Chúa. Như Israel được Giavê yêu thương thế nào, thì ngày nay Giáo hội cũng được Người yêu thương và dẫn dắt, Thiên Chúa không bao giờ bỏ quên dân Người. Nếu như lịch sử của Israel như một trang tình sử giữa Giavê và dân riêng của Người, thì lịch sử Giáo hội cũng là mối tình thắm thiết giữa Đức Giêsu và Israel mới.

* Giáo hội là thân thể Đức Kitô. Đức Kitô là đầu, toàn thân thể được chia sẻ sức sống của đầu. Trong thư thứ nhất gởi giáo đoàn Côrintô, thánh Phaolô diễn tả Giáo hội như là thân thể mầu nhiệm của Đức Kitô :
“Thật vậy, ví như thân thể người ta chỉ là một, nhưng lại có nhiều bộ phận, mà các bộ phận của thân thể tuy nhiều, nhưng vẫn là một thân thể, thì Đức Kitô cũng vậy. Thật thế, tất cả chúng ta, dầu là Do Thái hay Hy Lạp, nô lệ hay tự do, chúng ta đều đã chịu phép rửa trong cùng một Thần Khí để trở nên một thân thể. Tất cả chúng ta đã được đầy tràn một Thần Khí duy nhất” (1 Cr 12,12-13).
 “Nếu một bộ phận nào đau, thì mọi bộ phận cũng đau. Nếu một bộ phận nào vẻ vang, thì mọi bộ phận cũng vui chung. Vậy anh em, anh em là thân thể Đức Kitô, và mỗi người là một bộ phận” (12,26-27). 
Theo thánh Phaolô, mỗi chúng ta là một chi thể, là một Giêsu Kitô đang sống trong dòng lịch sử. Mặc dù chúng ta có những khả năng khác nhau, có những hoàn cảnh, điều kiện khác nhau; nhưng đều được mời gọi hiệp nhất nên một. Sự thánh thiện hay tội lỗi của một người sẽ ảnh hưởng đến cả Giáo hội. Nhờ sự hiệp nhất này, chúng ta trở nên Đức Kitô cho thế giới. Nhờ việc chia sẻ Thánh Thể, chúng ta được liên kết với Đức Giêsu và hiệp nhất với nhau.

*Giáo hội là đền thờ Chúa Thánh Thần. Thánh Thần Thiên Chúa tuôn trào, và tiếp tục tuôn trào, không phải trên ngôi thánh đường bất động bằng vật chất, mà là trên ngôi thánh đường sống động bằng da bằng thịt, tức là những con người được Thánh Thần quy tụ gọi là Giáo hội. Thánh Tông đồ dân ngoại đã diễn tả rất sinh động ý tưởng này trong thư ngài gởi cho giáo đoàn Côrintô và Êphêsô:
“Nào anh em chẳng biết rằng anh em là Đền thờ của Thiên Chúa, và Thánh Thần Thiên Chúa ngự trong anh em sao ? Vậy ai phá hủy Đền thờ Thiên Chúa, thì Thiên Chúa sẽ hủy diệt kẻ ấy. Vì Đền thờ Thiên Chúa là nơi thánh, và Đền thờ ấy chính là anh em” (1Cr 3, 16-17).
 “Trong Người, cả anh em nữa, cũng được xây dựng cùng với những người khác thành ngôi nhà Thiên Chúa ngự, nhờ Thần Khí” (Ep 2,21-22).
Nên biết rằng, trước khi trở thành Kitô hữu, thánh Phaolô đã rất nhiệt tâm với Đền thờ Do Thái ở Giêrusalem, đền thờ này là điểm hội tụ của những ước mơ và hy vọng của dân tộc Israel .

Đối với thánh Phaolô, đền thờ Thiên Chúa không phải là công trình xây dựng vật chất, mà là chính cộng đoàn dân Chúa. Dân Thiên Chúa chính là nơi Người cư ngụ, là nơi Thánh Thần hiện diện và hoạt động.

c. Đức Maria, gương mẫu của Giáo hội và là mẹ Giáo hội

Chúng ta nhìn về Giáo hội qua gương mẫu Trinh Nữ Maria. Mẹ chính là thành phần ưu tuyển, là mẹ Giáo hội và là chính Giáo hội. Mẹ đã trở nên thánh thiện tuyệt với, không tỳ ố, không nếp nhăn, hoàn toàn chiến thắng mọi tội lỗi. Đó chính là niềm hy vọng, là đích điểm Giáo hội luôn hướng tới.

Đức Maria là Đấng “đầy ân sủng”. Mẹ đã hoàn toàn mở lòng cho Thánh Thần hoạt động. Mặc dù Mẹ không thể hiểu hết được Thiên Chúa hoạt động nơi Mẹ thế nào, nhưng Mẹ đã sẵn sàng xin vâng, cưu mang và sinh hạ Con Thiên Chúa cho thế giới. Như vậy, Mẹ trở nên gương mẫu để Giáo hội cũng biết mở rộng lòng khiêm tốn để Thiên Chúa hoạt động, chữa lành, yêu thương và qua Giáo hội Ngài ban tặng Chúa Giêsu cho thế giới.

Qua Đức Maria, nhân tính và Thiên tính được kết hợp trong Đức Giêsu. Qua Giáo hội, nhân tính và Thiên tính cũng được kết hợp khi các phần tử nỗ lực trở nên giống Đức Kitô, nhờ sức mạnh của Chúa Thánh Thần.

Truyền thống Công Giáo xác tín rằng vì vai trò duy nhất của Đức Maria giữa lòng nhân loại, nên sau khi hoàn tất cuộc đời dương thế, Mẹ được kết hợp với Thiên Chúa một cách trọn vẹn, không phải chịu cảnh thối nát của thân xác. Do đó, Giáo hội ban bố tín điều Đức Mẹ hồn xác về trời. Bằng cách thức hoàn toàn khác biệt với mọi người, Đức Maria được chia sẻ trọn vẹn vinh quang Phục Sinh của Đức Giêsu. Mẹ đã cho chúng ta niềm hy vọng rằng, một ngày kia, chúng ta cũng được chia sẻ vinh quang Phục Sinh ấy.

Chúng ta là một Giáo hội xinh đẹp, có gương mẫu tuyệt vời là Đức Maria, tuy nhiên, Giáo hội vẫn còn bị phân năm sẻ bảy, vẫn còn mang trong mình niềm khát vọng hiệp nhất.

3. Khát vọng hiệp nhất


Chúng ta tin rằng Đức Giêsu muốn thiết lập một Giáo hội duy nhất và Người là vị Mục tử nhân lành, Người muốn quy tụ các đàn chiên tản mác về một mối. Trong tiến trình hiệp nhất này, chúng ta đau đớn khi thấy Giáo hội đang bị chia rẽ.

a. Sự chia rẽ trong Kitô giáo

Một sự thật đau lòng là các Kitô hữu ngày nay còn đang chia rẽ nhau. Thân mình Đức Giêsu đang bị chia cắt thành hàng trăm mảnh, hàng loạt giáo phái ra đời và cũng tự xưng mình là Giáo hội. Trải qua nhiều thế kỷ, nhiều nhóm Kitô hữu đã tách ra khỏi Giáo hội Công giáo, một Giáo hội có truyền thống từ các tông đồ, với các Giám mục kế vị, dưới sự hướng dẫn của Đức giáo hoàng, Giám mục Rôma, người kế vị thánh Phêrô, vị tông đồ trưởng.

Có nhiều lý do dẫn đến sự chia rẽ trong Kitô giáo : có khi do sự tranh luận về những nghi lễ, tín điều; có khi là những lý do tế nhị hơn có liên quan đến chính trị, quân sự, hoặc những xúc phạm, hiểu lầm... Thường thì những lý do trên hoà trộn vào nhau tạo nên sự chia rẽ đáng tiếc.

Những Giáo hội Kitô giáo ngày nay bao gồm : Công giáo, Chính Thống, Tin Lành (bao gồm nhiều giáo phái) và một số những giáo phái nhỏ khác. Mặc dù các Giáo hội Kitô giáo ngày nay không hợp nhất dưới quyền một vị lãnh đạo, nhưng chúng ta tìm cách để hiệp nhất với nhau hơn là chia rẽ, vì tất cả cùng diễn tả một tình yêu, một niềm tin vào Đức Giêsu. Trong những thập niên gần đây, phong trào Đại Kết đang phát triển mạnh. Công giáo, Tin Lành và Chính Thống đã bắt tay làm việc với nhau trên tinh thần xây dựng, hiểu biết và tôn trọng. Kết quả là một số Kitô hữu đã khám phá ra đức tin của mình có chung một truyền thống với nhau, tuy có những khác biệt về chi tiết, nhưng không phải vì thế mà không thể bắt tay nhau cộng tác làm việc.

Tuy chưa thể và cũng không thể xóa hết được những sự khác biệt, nhưng tiến trình đại kết là một việc làm tích cực thể hiện khát vọng hiệp nhất của Đức Giêsu. Tin mừng Gioan cho thấy sau bữa tiệc ly, Đức Giêsu cầu nguyện với Chúa Cha cho sự hiệp nhất, đó cũng chính là nền tảng cho sự hiệp nhất của Giáo hội :

“Con không chỉ cầu nguyện cho những người này (các tông đồ) nhưng còn cho những ai nhờ lời họ mà tin vào con, để tất cả nên một như, lạy Cha, Cha ở trong con và con ở trong Cha để họ cũng ở trong chúng ta. Như vậy, thế gian sẽ tin rằng Cha đã sai con” (Ga 17, 20-21).

Lời cầu nguyện đó của Đức Giêsu cả hai ngàn năm nay Giáo hội vẫn coi như là một lệnh truyền, như một khát vọng cháy bỏng để Giáo hội cố gắng đạt tới. Bên cạnh nỗ lực hiệp nhất này, Giáo hội cũng phải đối diện với một thực tại phức tạp khác, đó là sự đa phức tôn giáo trên thế giới.

b. Những tôn giáo khác

Ngoài những người có niềm tin Kitô giáo, còn cả hàng tỷ người theo niềm tin tôn giáo khác, họ là những người Do Thái giáo, Hồi giáo, Ấn Độ giáo, Phật giáo, Khổng giáo, Lão giáo và rất nhiều những tôn giáo địa phương, tôn giáo bộ lạc khác nữa. Những tôn giáo này có chứa đựng chân lý không ? Kitô giáo tương quan với những tôn giáo này như thế nào ? Họ có thấy mình cần được Thiên Chúa cứu độ ? …

Giáo hội khẳng định rằng Thiên Chúa chắc chắn đã tỏ lộ mình ra (dù không hoàn toàn) cách nào đó nơi những tôn giáo không phải là Kitô giáo này, đặc biệt là đối với Do Thái giáo và Hồi giáo, những tôn giáo có niềm tin độc thần; đồng thời Giáo hội tôn trọng sự thật Thiên Chúa đã đặt để trong những truyền thống tôn giáo của họ. Và như vậy, Kitô giáo cũng được chia sẻ rất nhiều những đức tính nhân bản, luân lý và truyền thống tâm linh nơi các tôn giáo lớn trên thế giới.

Tuy nhiên, người Công giáo chúng ta tin rằng mặc khải trọn vẹn và sự thật về Thiên Chúa đã được ban tặng cho con người qua Đức Giêsu Kitô. Qua Đức Kitô, nhân loại được cứu độ, và ngay cả những người ngoài Kitô giáo, nếu cứ theo lương tâm ăn ở ngay lành thì cũng sẽ được cứu độ, bởi vì Đức Giêsu đã sinh ra làm người và chết cho mọi người chứ không phải cho riêng biệt một ai. Thánh Phaolô diễn tả điều này trong thư ngài gởi cho ông Timôthy :

“Trước hết, tôi khuyên ai nấy dâng lời cầu xin, khẩn nguyện nài van, tạ ơn cho tất cả mọi người … Đó là điều tốt và đẹp lòng Thiên Chúa, Đấng Cứu độ chúng ta, Đấng muốn cho mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý” (1 Tm 2,1-4).

Chỉ trên nền tảng này chúng ta mới có thể chân nhận và tôn trọng thực sự những giá trị tinh tuý nơi những truyền thống văn hóa, và tôn giáo của họ. Giáo hội xác tín rằng:

“Sự hiện diện và sinh hoạt của Thần Khí ảnh hưởng đến không những từng cá nhân mà còn cả xã hội và lịch sử, các dân tộc, các nền văn hóa và các tôn giáo... Lại nữa, chính Thần Khí, Đấng gieo ‘những hạt giống Lời’ hiện diện trong các tập quán và văn hóa khác nhau, chuẩn bị chúng được trưởng thành đầy đủ trong Chúa Kitô” (Gioan Phao lô II, Thông điệp Redemptoris Missio, 28.)

Với nỗ lực hội nhập văn hóa trong truyền giáo, Giáo hội tìm cách đối thoại với các tôn giáo như một phương thế hữu hiệu để rao giảng Tin mừng. Tuyên ngôn Dominus Jesus xác định:

“Đối thoại chắc chắn không thể thay thế, nhưng đúng hơn, đi kèm theo sứ vụ truyền giáo, hướng về “mầu nhiệm hiệp nhất” từ đó mà tất cả người nam và nữ, những kẻ được cứu chuộc, chia sẻ dù cách khác nhau, cùng một mầu nhiệm cứu độ trong Chúa Giêsu Kitô, nhờ Thần Khí của Người” (Thánh Bộ Đức Tin, Tuyên ngôn Dominus Jesus, số 2)

Như vậy, trong việc đối thoại, một mặt ta phải luôn trân trọng những gì là chân thiện mỹ nơi các tôn giáo, nhưng mặt khác ta không để lãng quên hay đánh mất căn tính của mình là đem Tin mừng cho các dân tộc. Công đồng Vaticanô II định hướng rõ ràng cho việc đối thoại liên tôn là cùng nhau khám phá và làm triển nở những yếu tố “chân lý và ân sủng do sự hiện diện tiềm ẩn của Thiên Chúa nơi mọi tôn giáo” ( Cđ. Vat II, Ad Gentes, số 9).

Việc đối thoại theo tinh thần của Công đồng Vaticano II phải đặt nền tảng trên mầu nhiệm Ngôi Lời nhập thể. Do đó không có gì ngoài tình liên đới sốt sắng và một tinh thần vô vị lợi thúc giục Giáo hội đối thoại với những người đang tìm kiếm chân lý trong tình yêu (Xc Ecclesia in Asia, số 29). Trong viễn cảnh này, Đức Gioan Phaolô II đã ngỏ lời với các thành viên của hội đồng đối thoại liên tôn:

“Việc đối thoại liên tôn trong một mức độ sâu xa hơn, luôn luôn là cuộc đối thoại cứu độ, bởi vì chủ tâm của nó là khám phá, làm sáng tỏ và hiểu rõ hơn cuộc đối thoại vĩnh cửu mà Thiên Chúa vẫn tiếp tục thực hiện với nhân loại” (Trích lại trong Nguyễn Thái Hợp, Đường vào thần học về tôn giáo, tr 47).

Để đạt đến một cuộc đối thoại như thế, chúng ta gặp không ít những thách đố trên bình diện cá nhân cũng như tập thể vì đã đụng chạm đến những vấn đề thiêng thánh là sự xác tín, là niềm tin. Cuộc đối thoại còn là cả một hành trình dài, đòi hỏi nhiều nỗ lực suy tư cũng như sự dấn thân thực tế.

Tuy nhiên, xin nhắc lại một yếu tố quan trọng là sức sống, là nguồn mạch của Giáo hội, đó là chính Thánh Thần, Đấng quy tụ nên Giáo hội.

3. Thánh Thần hoạt động trong Giáo hội qua dòng lịch sử


Thánh Thần tuôn tràn trên các môn đệ Đức Giêsu vào ngày Ngũ Tuần, cũng chính là Thánh Thần đang họat động trong Giáo hội hôm nay, cũng như xuyên suốt qua hai ngàn năm lịch sử. Trong dòng lịch sử thăng trầm, Thánh Thần vẫn luôn hiện diện trong Giáo hội cả khi Giáo hội thịnh vượng hay là tụt dốc. Thánh Thần luôn hướng dẫn những người lãnh đạo trong Giáo hội, giúp Giáo hội lắng nghe được tiếng của thời đại, mời gọi nhiều người nam nữ quảng đại hiến thân phục vụ.

Nhiều Kitô hữu xuyên qua các thời đại đã anh dũng lấy máu đào minh chứng niềm tin, nhiều vị thánh hiển tu, bác ái … Trang sử Giáo hội đã ghi lại cuộc đời các vị thánh, họ là những thành phần trong Giáo hội, đã đi trọn hành trình đức tin. Nhìn vào đời sống của các vị, chúng ta có thể khám phá ra sức sống mãnh liệt của Giáo hội xuyên suốt dòng lịch sử.

Vườn hoa Giáo hội gồm rất nhiều bông hoa ngạt ngào hương sắc, mỗi vị thánh mang một vẻ đẹp riêng. Chúng ta không thể liệt kê ra đây tất cả các thánh, cũng như không thể bắt chước tất cả các nhân đức của các vị. Chiêm ngưỡng các vị thánh để thấy được sự đa dạng, phong phú và thánh thiện của Giáo hội. Các ngài đã đóng trọn vai trò của mình và đi hết hành trình đức tin. Mỗi vị mỗi cách thức khác nhau, mỗi hoàn cảnh khác nhau : các thánh tử đạo khác với các thánh hiển tu, khác với các thánh lo việc bác ái…, nhưng tất cả các vị gặp nhau ở một điểm, đó là lòng yêu mến: Yêu mến Chúa, yêu mến Giáo hội và yêu mến tha nhân. Đó là những tấm gương sống động để chúng ta học đòi băt chước.

KẾT LUẬN


Để kết luận, chúng ta trở về với Tin mừng như điểm quy chiếu của Giáo hội. Trong các sách Tin mừng, chỉ thấy Tin mừng thánh Matthêu nhắc ba lần từ ngữ “Giáo hội” (Xc. Mt 16,18; 18,17). Tuy nhiên các sách Tin mừng đều cho thấy rằng Đức Giêsu kêu gọi các môn đệ và muốn thành lập cộng đoàn của Người. Thánh Máccô còn muốn trình bày ngay từ lúc đầu khi kêu gọi bốn môn đệ tiên khởi (Mc 1,16), Người đã muốn thiết lập Giáo hội, để rồi từ nhóm nhỏ này, Người gầy dựng nhóm Mười Hai. Và rồi nhân rộng lên nữa, Người kêu gọi nhóm đông các môn đệ, nhưng nhóm Mười Hai không bị tách lìa hay đặt ở vị trí cao hơn, mà là được đặt nằm trong cộng đoàn môn đệ, vì tất cả cộng đoàn đều được xây dựng trên một khuôn mẫu tuyệt vời là Đức Kitô, và tất cả các môn đệ phải bước theo Người (Xc. Mc 10, 41 - 44).

Đặc biệt thánh Mátthêu còn cho chúng ta thấy Giáo hội chính là cộng đoàn các môn đệ sống theo tinh thần Bát Phúc (Mt 5, 1 -12). Giáo hội này mang trong mình sứ mạng truyền giáo theo lệnh truyền của Đức Giêsu (Mt 28, 19 - 20), sứ mạng này Giáo hội chỉ thực hiện được trong sức mạnh của Thánh Thần (Mt 10, 20).

Còn thánh Luca với Tin mừng thứ ba và sách Công Vụ Tông Đồ, cho chúng ta thấy Thánh Thần đã khai sinh ra Giáo hội, và Giáo hội đó được đặt trong dòng lịch sử cứu độ. Giáo hội chính là thời hoạt động của Thánh Thần.

Cuối cùng, Tin mừng thánh Gioan cho chúng ta cái nhìn chìm sâu trong tình huynh đệ, tình thầy trò; người môn đệ giữ vai trò đặc biệt trong việc hình thành và phát triển Giáo hội.

Quả thực, Giáo hội là một Israel mới, một dân mới được Thánh Thần quy tụ. Qua biến cố Ngũ Tuần, Thánh Thần đã tác động, thay lòng đổi dạ bao con người, biến họ nên những nhân tố sống động làm nên một Giáo hội đặc sủng, xinh đẹp, hiệp thông và phục vụ. Giáo hội này vừa hữu hình vừa vô hình, có phẩm trật và cũng mang chiều kích siêu việt.

Cuối cùng cũng cần nhắc lại rằng, dù sao Giáo hội cũng còn mang thân phận lữ hành, Giáo hội cần phải được thanh luyện luôn mãi. Giáo hội phải không ngừng nỗ lực để trở nên dấu chỉ Thiên Chúa hiện diện sống động ở trần gian, để trở thành công cụ cứu độ của Chúa, và trở nên mối dây hiệp nhất giữa mọi Kitô hữu cũng như trong mối tương quan giữa Kitô giáo và các tôn giáo khác.