Thứ Sáu, 16 tháng 3, 2018

TÌNH CẢNH “BỊ BỎ RƠI” CỦA ĐỨC GIÊ-SU

Thời sự Thần học - số 1, tháng 01/2008, tr. 

Minh Hoàng


Theo dõi các bản văn Kinh Thánh, nhất là nơi sách Mat-thêu, và đặc biệt là bài tường thuật thương khó theo thánh Mac-cô(15, 33-39), thì diễn tiến đi tới cái chết của Đức Ki-tô đã được trình bày với những điều dường như rất phũ phàng mà chẳng ai trong chúng ta muốn luận tới: Thiên Chúa bị bỏ rơi. Thực thế, chuyện đó dường như được coi là một Tabou trong việc luận bàn về đạo nghĩa Đức Chúa Trời.
Hình ảnh Thiên Chúa bị bỏ rơi đã được miêu tả kĩ trong Sách Thánh, qua Giê-su, nơi vườn Dầu. Ở đó, Chúa đã đối diện với sự cô đơn cùng cực. Chúng ta vẫn chỉ đụng chạm nhè nhẹ tới cơn đau ấy, bằng cách bảo Chúa đã toát cả mồ hôi máu. Trượt theo khoảng thời gian bi kịch, khi nỗi cô đơn lên cùng cực. Trên thập giá, Giê-su hướng lên: “Lạy Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con?”, rồi Người nhìn xuống: những kẻ thân tín đã từng thề thốt sẽ luôn theo Người, đã chạy trốn đâu đó, chẳng thấy tăm hơi. Đó là một trong những tiền đề để người ta minh chứng rằng Chúa Giê-su đã khắc khoải, đau đớn giữa cô đơn trong cảnh “người thân kẻ nghĩa cũng hoài đứng xa”.

Với những dữ liệu cụ thể, con người đã phân tích thái độ của Vì-Thiên-Chúa–từng-chấp-nhận-mặc-lấy-xác-phàm-nhân, đã phải vật vã thế nào khi đối diện với điều cay đắng nhất, cùng tận nhất, làm hoán chuyển hoàn toàn cuộc sống con người, là cái chết. Người ta cũng cố công kiến giải ý nghĩa, cũng chỉn chu cách hộ giáo để minh chứng rằng lời Giê-su thốt ra không phải là tiếng kêu của kẻ bị bỏ rơi, đơn độc.

Trên bình diện tâm lí, người ta đã tham gia giải thích về những xao xuyến của Giê-su nơi vườn Dầu. Có thể, Giê-su đã khóc, đã buồn, đã xót xa, nhưng những xót xa ấy không chỉ vì chén đắng mà người sắp phải uống cạn, không phải vì sự cô đơn; nỗi xót xa, xao xuyến ấy ập đến khi “bóng đen Giu-đa bội phản lởn vởn trước mặt Đức Giê-su và dìm Ngài vào trong u sầu”.[1] Cho đến lúc đó, Đức Giê-su luôn vượt trên những tranh cãi của các môn đệ một cách oai vệ. Hôm nay, Ngài chịu ảnh hưởng của họ, như thể Ngài không còn chịu được cái bóng đen hằng đeo bám theo Ngài liên lỉ: “Nói xong, Đức Giê-su cảm thấy tâm thần xao xuyến. Người tuyên bố: "Thật, Thầy bảo thật anh em: có một người trong anh em sẽ nộp Thầy" (Ga 13:21-21). Sự thật này quá khắc nghiệt.

Trong sách thánh, cái chết của Đức Ki-tô thường gắn liền với sự việc Ngài đã bị trao nộp (Xc 1Cr 11,23). Ngài đã bị Giu-đa nộp cho các vị thượng tế, rồi bị Philato trao nộp vào tay người Do thái. Thực ra, theo thư Epheso[2] thì chính Người đã tự nộp mình. Khi vào thành Jerusalem, Giê-su đã nghênh mặt đi vào thành, cứ thẳng lối giữa đường tiến tới. Ở đây, chúng ta đang đối diện với một tiến trình của màu nhiệm: sự lựa chọn sống vâng phục của Người Con đến nỗi bằng lòng chịu chết, lấy cái chết cấu thành con đường mang ơn cứu độ cho nhân loại.

Khi nhìn thấy Đức Giê-su hấp hối, những người dân Do thái đã lập luận: “Hắn cậy vào Thiên Chúa, thì bây giờ Người cứu hắn đi, nếu quả thật Người thương hắn! (Mt 27:43-43). Đây là một lối lí giải khác về cuộc khổ nạn của Đức Giê-su, một lối lí giải nhằm chôn vùi Đức Giê-su như một kẻ bị Thiên Chúa ruồng bỏ. Nếu như Thiên Chúa đã thật ruồng bỏ Đức Giê-su thì hẳn nhiên việc Đức Giê-su nhận mình là Đấng Messia chỉ là điều giả trá. Cũng trong khung cảnh này, Chúa Giê-su đã thốt ra những lời khủng khiếp: "Ê-li, Ê-li, lê-ma xa-bác-tha-ni", nghĩa là "Lạy Thiên Chúa, lạy Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con?" (Mt 27:46; Mc 15,34). Những lời này có ý nghĩa trực tiếp và rõ ràng: Thiên Chúa, Đấng dùng sự quan phòng mà điều hành lịch sử, đã không bảo vệ Đức Ki-tô khỏi tay quân thù, và cũng chẳng màng tới lời kêu cầu cất xa chén đắng của Chúa Giê-su. Thế nên, Người Con thật sự có thể thốt lên những lời kêu than về tình cảnh bị bỏ mặc trong tay quân thù.

Mặt khác, những lời này cũng là một câu trích trong thánh vịnh 21:

“Lạy Thiên Chúa con thờ, muôn lạy Chúa,
Ngài nỡ lòng ruồng bỏ con sao?
Dù con thảm thiết kêu gào
Nhưng ơn cứu độ nơi nao xa vời!” (Tv 21, 24)


Điều đặc biệt đã xuất hiện chỗ này. Cách nào đó, ta thấy rằng, lời kêu than của Đức Giê-su cũng là một lời cầu nguyện. Và chính khi thốt lên những lời ấy, Đấng cứu thế đã chỉ cho chúng ta con đường để tìm hiểu những tâm tình của người khi đó. Đó là những tâm tình đã được mô tả trong Thánh Vịnh: sự đau khổ, niềm cậy trông nơi Thiên Chúa, sự diễn tả chi tiết về cuộc khổ nạn, sự vững tin vào chiến thắng chung cuộc. Thánh Mattheu hẳn đã có một lí do đặc biệt để ghi lại những lời này của Đức Giê-su. Được trích từ Thánh Vịnh, những lời ấy giúp ta hiểu rằng hoàn cảnh được mô tả trong Thánh vịnh xưa giờ đây đã nên trọn nơi Đức Giê-su. Trong cả hai trường hợp, sự bỏ mặc không có nghĩa là ruồng rẫy, và lại càng không được phép hiểu đó là những lời oán thán. Thật vậy, người công chính không ngớt gọi Thiên Chúa là Thiên Chúa của mình, Đấng mang lại cho lời kêu than của ông một sắc thái của sự tín thác thay vì oán thán. Thiên Chúa đã bỏ mặc người công chính trong tay quân thù do một kế hoạch nhiệm màu, kế hoạch này sẽ dẫn đến kết quả là sự khải thắng như thấy trong sách Thánh vịnh, hoặc sẽ dẫn đến cuộc phục sinh như được diễn tả trong các sách Tin Mừng.

Những lời diễn tả sự bỏ rơi trên đây phải chăng còn có một ý nghĩa sâu xa hơn nữa? Chẳng phải là Đức Ki-tô đang phải đối mặt với cơn cám dỗ cuối cùng đó sao? Phải chăng Ngài đang cảm nhận một nỗi đau tinh thần, ra như là, một cách nào đó, Ngài cảm nhận nơi bản thân sự xa cách của Thiên Chúa, một sự xa cách vốn do tội lỗi gây nên? Các tác giả Tin mừng không nói thêm gì khác. Các vị chỉ tường thuật lại những lời của Đức Giê-su mà không luận bàn hay giải thích gì thêm. Có thể các ngài để như thế bởi các ngài nghĩ rằng việc giải thích là không cần thiết. Những lời ấy tự thân đã đủ rõ, tự chúng đã gợi nên nơi độc giả lời cầu nguyện của người công chính bị bách hại.

Một số tác giả cho rằng, vào thời điểm được xác định là “giờ của quyền lực tối tăm” ấy, Đức Ki-tô thốt lên những lời "Lạy Thiên Chúa, lạy Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con?” Thì đó là vì Ngài lại một lần nữa nếm trải sự cô đơn trong nội tâm, một tình cảnh mà Người đã trải qua nơi vườn Cây Dầu. Trên thập giá, đó là một sự cay đắng không kể xiết. Có thể nói, đó là một thử thách tương tự như thử thách mà các nhà thần bí gọi là “đêm tối của tâm hồn”, tức là một cuộc đóng đinh đích thực trong tâm hồn. Nhiều tác giả lập luận rằng Đức Ki-tô phải trải qua sự thanh tẩy thụ động (passive purification) này, một việc mà đáng ra Ngài không cần phải chịu. Sở dĩ Ngài làm thế là vì trong tư cách thủ lãnh của các môn đệ, Ngài muốn đi đầu cả trong việc chịu đau khổ.

Nền thần học về thập giá này, và nhất là lối giải thích luôn nhuốm màu ảm đạm về những tâm tình của Đức Giê-su khi thốt lên những lời từ thập giá, hầu như đều cho rằng Đức Giê-su đã phải trải qua một cơn thử thách lớn lao trong nội tâm. Khuynh hướng giải thích này đã được làm nổi bật dưới ngòi bút của các nhà thần bí thuộc trường phái sông Rhin. Nó để lại ảnh hưởng sâu xa trên lối giải thích cứng ngắc mà Luther đã đưa ra để lí giải về toàn bộ màu nhiệm thập giá. Theo Luther, trên thập giá, Đức Ki-tô đã hoàn toàn thế vào chỗ của chúng ta. Trong tư cách là đầu của nhân loại, Đức Ki-tô không chỉ gánh lấy tội chúng ta, nhưng chính ngài còn trở thành sự tội và sự chúc dữ. Ngài không chỉ cảm nghiệm nỗi cô đơn nội tâm tựa như một sự bỏ rơi, nhưng chính ngài thực sự bị Chúa Cha bỏ rơi. Như thế, Luther đã đề cập tới một sự hoán vị toàn diện giữa Đức Ki-tô và chúng ta. Sự hoán vị này sẽ kéo theo một sự hoán vị khác tương ứng, mà, theo Luther, sẽ diễn ra trong việc công chính hoá của chúng ta: Cũng như con người được công chính hoá cách ngoại tại và theo pháp lí nhờ vào công trạng của Chúa Ki-tô, thì cũng vậy, trên thập giá, Đức Ki-tô đã bị phủ trùm bởi tội lỗi chúng ta đến độ thực sự trở thành chúc dữ và sự tội. Sẽ chẳng lạ gì nếu Luther lí giải tiếng kêu của Đức Ki-tô như sự diễn tả của tâm trạng hoàn toàn bị bỏ rơi của Đức Ki-tô; cũng như một số đồ đệ của ông đã hiểu tiếng kêu đó như tiếng kêu của sự tuyệt vọng: Đức Giê-su đã cảm nhận cũng một sự ruồng bỏ và cũng một sự tuyệt vọng như chính những kẻ bị kết án trầm luân. Đây là sự đảo lộn công thức nổi tiếng vốn được áp dụng cho Đức Ki-tô: simul justus et peccator: cả Đức Ki-tô nữa, Ngài một trật vừa là người công chính vừa là tội nhân.

Nói gì đi nữa thì chúng ta cũng thấy đây là lối giải thích cũng hợp lí. Và thật sự thì lối giải thích của Luther đã để lại ảnh hưởng trên một số tác giả thời nay, dù rằng đó là lối giải thích không thể chấp nhận được bởi vì nó đã vượt quá những gì mà các bản văn Sách Thánh đã nói, hoặc bởi vì nó không dung hoà được với những lời khác của Đức Giê-su trên thập giá, là những lời cho thấy một sự tín thác hoàn toàn nơi Chúa Cha và một niềm xác tín vô bờ về sứ mạng của mình. Ngoài ra, lối giải thích này còn do những lối nhìn đầy thiên kiến của Luther về mối tương quan giữa Thiên Chúa và tội nhân, và đặc biệt là quan niệm của ông về một Thiên Chúa như một kẻ độc đoán. Những lời của Đức Ki-tô trên thập giá không phải là tiếng kêu tuyệt vọng, nhưng là sự biểu lộ của nỗi khổ đau và niềm tín thác, đó là lời cầu nguyện. Trong khi Đức Ki-tô cầu nguyện bằng Thánh Vịnh thì đã lấy chính tâm tình được diễn tả trong Thánh Vịnh làm của mình.

Đức Giê-su đã không nếm biết sự trừng phạt như thể chính Ngài đã phạm tội (xc. Ga 8, 46). Thế nhưng, trong tình yêu cứu độ vốn luôn kết nối ngài với Chúa Cha(Ga 8, 29), Ngài đã đảm nhận lấy chúng ta chính trong tình trạng xa cách Thiên Chúa do tội lỗi chúng ta đến độ Ngài có thể nói thay chúng ta trên thập giá: "Lạy Thiên Chúa, lạy Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con?”

Với thần học gia Juergen Molmann, một người thuộc nhóm thần học gia nhấn mạnh “thảm kịch Thiên Chúa”, lấy tiếng kêu trên thập giá của Chúa làm cơ sở nói lên kinh nghiệm Thiên Chúa bị bỏ rơi. Với ông, dường như chuyện bị bỏ rơi ấy lại là một điều tất yếu.

Trong cuốn Thiên Chúa trên Thập giá (le Dieu crucifie) Molmann đã nhận định rằng: “Điều đã xảy ra trên thập giá là một biến cố giữa Thiên Chúa với Thiên Chúa”. Đó là cuộc phân chia sâu đậm ngay nơi Thiên Chúa, trong chừng mực Thiên Chúa bỏ rơi Thiên Chúa và tự mâu thuẫn với chính mình. Đồng thời đó cũng là một mối thống nhất nơi Thiên Chúa, trong chừng mực Thiên Chúa hòa thuận với Thiên Chúa và xứng hợp với chính mình. “Thiên Chúa đã chết cái chết trên thập giá của quân vô đạo, thế nhưng người đã không chết. Khi người ta chỉ có thể sử dụng ý niệm đơn giản về Thiên Chúa lấy từ giáo thuyết hai bản tính, người ta sẽ luôn luôn có khuynh hướng giới hạn ý niệm đó cho ngôi bị Chúa Cha, Đấng đã bỏ rơi Đức Giê-su rồi lại tiếp nhận Người; đã trao nộp Người rồi lại cho Người phục sinh. Và như vậy, thập giá thành ra trống rỗng, vắng bóng thiên tính”. Còn nếu người ta bỏ ra ngoài mọi ý niệm về Thiên Chúa sẵn có từ trứơc do siêu hình học tạo ra, người ta phải nói về Đấng Đức Giê-su gọi là Cha và tự hiểu mình là con. Lúc đó người ta hiểu được tầm quan trọng của cái chết trên thập giá giữa ngôi Cha bỏ rơi và ngôi Con bị bỏ rơi. “Chỉ khi nào thảm họa lớn nhất, là cảnh Thiên Chúa bị bỏ rơi, cái chết tuyệt đối, nỗi bất hạnh vô biên của án phạt và sự chìm đắm vào hư vô hiện diện ngay trong Thiên Chúa, thì sự hiệp thông với Thiên Chúa đó mới là ơn cứu độ vĩnh cửu, mới là niềm vui vô cùng vô tận được vĩnh viễn tuyển chọn và được sống cuộc sống. Sự phân chia nơi Thiên Chúa phải hàm chứa trong mình cuộc nổi loạn của lịch sử. Trong sự phân chia đó, người ta phải nhận ra sự ruồng bỏ, nguyền rủa và hư không. Ngôi Cha và ngôi Con nổi lên thập giá biểu tượng cho cảnh bị ruồng bỏ khắc nghiệt nhất”. Nếu ta coi định nghĩa cuộc sống nội tại của Thiên Chúa Ba Ngôi là lịch sử của Thiên Chúa, thì lịch sử của Thiên Chúa đó hàm chứa trong mình cảnh bị Thiên Chúa ruồng bỏ, tử vong và cả cảnh vắng Thiên Chúa ở vực thẳm cùng cực.

Trên thập giá đồi Golgotha, giữa ngôi Cha và ngôi Con đã diễn ra cái chết đó. Và để từ đó, phát xuất Thần khí ban sự sống, tình thương và hạnh phúc, hầu cứu độ con người. Lịch sử cụ thể của Thiên Chúa khi Đức Giê-su chết trên thập giá đồi Golgotha hàm chứa mọi vực thẳm, thâm sâu của lịch sử con người. Lịch sử con người, dù bị tội lỗi và cái chết chi phối ở mức sâu nhất, cũng đã đượcchuyển sang lịch sử của Thiên Chúa[3]. Không có đau khổ nào mà không phải là đau khổ của Thiên Chúa trong lịch sử Thiên Chúa. Không có cái chết nào mà không phải là cái chết của Thiên Chúa tại đồi Golgotha. Thế thì, cũng không có cuộc sống, hạnh phúc, niềm vui nào mà không đựơc nhập vào cuộc sống vĩnh cửu, vào niềm vui đời đời của Thiên Chúa, nhờ lịch sử riêng của con người.

Và còn đó nhiều ý kiến nữa xoay quanh chuyện Đức Giê-su bị bỏ rơi. Dù sao đi nữa, nếu như Đức Giê-su có nếm trải tâm trạng bị Chúa Cha bỏ rơi thì Ngài vẫn luôn ý thức rằng sự thực không phải như vậy. Chính Ngài từng nói: Thầy không cô độc đâu, vì Chúa Cha ở cùng Thầy (Xc, Ga 16,32). Ơ nơi thượng tầng của tâm hồn Đức Giê-su luôn hưởng kiến nhan Chúa Cha và luôn biết chắc chắn về mối dây kết hiệp giữa ngài với Chúa Cha. Thế nhưng, trong những vùng nội tâm tiếp giáp với thế giới của cảm giác và như thế cũng có nghĩa là bị chi phối bởi những tác động, những cảm xúc và những âm hưởng gây nên bởi những kinh nghiệm thống khổ trong tâm hồn cũng như ngoài thể xác, thì linh hồn nhân loại của Đức Giê-su cũng tựa như một sa mạc; và Ngài không còn cảm nhận được sự hiện diện của Chúa Cha, nhưng thay vào đó là kinh nghiệm bi thương về nỗi cô đơn bao trùm. Trong dạng thức nghi vấn "Lạy Thiên Chúa, lạy Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con?, chúng ta có thể nhìn thấy một câu hỏi vẫn chưa có lời giải đáp, bởi lẽ những kế hoạch của Thiên Chúa thì vượt trên khả năng của bất kì tâm trí nhân loại nào; nhưng đồng thời, tất cả những điều ấy càng làm nổi bật hơn nữa tình yêu, sự vâng phục và lòng tín thác tuyệt đối của Đức Giê-su khi ngài nói: Lạy Cha, con xin phó thác hồn con trong tay Cha (Lc 23, 46).
____________

[1] Pr. Phan Hoàng Tuấn, Cssr, Đọc Tin Mừng theo Gioan, tập V. Nxb Tôn giáo, 2004, tr.132.
[2] (Ep 5:2) Đức Ki-tô đã yêu thương chúng ta, và vì chúng ta, đã tự nộp mình làm hiến lễ, làm hy lễ dâng lên Thiên Chúa tựa hương thơm ngào ngạt. 
[3] Xc. Herbert Vorgimler, Thiên Chúa luận qua các tác giả. Bản dịch của cha Nguyễn Văn Hòa, tr 329-331.