Thứ Năm, 25 tháng 9, 2014

ẢNH THÁNH ICON

(Thời sự Thần học – Số 27, tháng 3/2002, tr .58-59)

Anh Phương

Chân dung Đức Giêsu
(Icon khoảng TK VI,
bản cổ nhất còn lưu giữ)
Icon, nguyên ngữ “eikon”, tiếng Hy Lạp là hình ảnh, nhưng đúng hơn, là “Ảnh thánh”, vì nó diễn tả về Chúa, Đức Maria, các thiên thần, các thánh, các biến cố trong Kinh thánh hoặc trong lịch sử Giáo hội, bằng ngôn ngữ hội họa chìm ngập trong chiêm ngắm và suy niệm, của những miền cô tịch, tĩnh mịch, những đan viện. Nhà nghệ sĩ họa hình – xin mạn phép gọi những người họa hình icon là như thế – viết, chứ không phải vẽ Icon. Bởi lẽ, từ “nét bút” họa hình đó, đã trào vọt ra cả một thần học tập trung trên các đề tài chính về Chúa Giêsu, Đức Mẹ Maria, các thánh. Hơn thế nữa, nhà nghệ sĩ họa hình trình bày các nhân vật thánh để hướng người chiêm ngưỡng đến với cầu nguyện và lòng mộ đạo. Nếu Kitô giáo Tây phương tôn kính các thánh tích thế nào, thì anh em Kitô giáo Đông phương – Chính Thống giáo, tôn kính Ảnh thánh Icon, vốn là một thành phần thiết yếu của mình, như thế, Icon được tôn kính và đặt trên một nơi trang trọng gọi là Iconostasis trong nhà thờ. Icon thường được làm trên chất liệu gỗ, tuy ngày nay vẫn còn lưu giữ một số Icon bằng đá, một số còn được khảm chi tiết nữa.

Có lẽ, không thiếu những câu chuyện lạ lùng, ly kỳ, và thú vị về Icon. Có chuyện cho rằng Icon không phải được làm từ bàn tay con người, nhưng chính là sản phẩm từ trời cao. Có chuyện khác nói đến nhà nghệ sĩ trong trạng thái xuất thần, đưa tay thảo vài nét, thế nên, có khi phải nhiều năm mới hoàn tất một Icon, bởi lẽ, chẳng phải lúc nào cơn xuất thần mới xuất hiện cho. Rồi, còn có chuyện về Icon “hay làm phép lạ” nữa…

“Chúng tôi tuyên xưng công trình cứu độ bằng hành động và bằng lời. Chúng tôi diễn tả điều đó trong các Icon thánh” (PG 94,1256A). Thánh Gioan Damasceno trong tập “De Imaginibus Oratio I” nói đến đạo lý “thành văn” và đạo lý “không thành văn”, cả hai đều có giá trị như nhau. Icon chính là đạo lý “không thành văn” đó.

Có thể nói, Icon là thần học “trên khung ảnh”, Lịch sử cứu độ cùng các nhân vật trung tâm trong lịch sử đó được diễn tả bằng hình ảnh. Đó là một thứ “Tin Mừng để chiêm ngưỡng bằng mắt” (visible Gospel), là bằng chứng sống động những điều kỳ diệu Thiên Chúa thực hiện để cứu độ con người qua Ngôi lời Nhập Thể. Thần học Chính Thống giáo nhìn nhận “tất cả những gì được loan báo bằng lời được viết ra thì cũng tương tự như công bố bằng ngôn ngữ màu sắc trên khung ảnh” (Công Đồng năm 860). Có một sự hỗ tương giữa lời và hình ảnh. Hơn nữa, icon cũng là Kinh thánh, theo một nghĩa nào đó. “Chúng ta nghe Lời Đức Kitô nơi Kinh thánh và chúng ta được thánh hóa thế nào, thì cũng vậy, qua các icon, chúng ta trình bày con người nhân tính, các phép lạ và cuộc thương khó của Người, và chúng ta cũng được thánh hóa, được vui mừng, được chúc lành. Như thế, chúng ta thờ lạy nhân tính của Chúa Kitô. Qua nhân tính của Chúa Kitô, chúng ta chiêm ngưỡng vinh quang thần tính của Người. Bởi vì, con người – vốn gồm linh hồn (tinh thần) và thân xác (vật chất) – chỉ đạt được tinh thần qua vật chất.