Thứ Sáu, 28 tháng 6, 2013

VÀI SUY NGHĨ VỀ HỘI NHẬP VĂN HOÁ

(Thời sự Thần học - Số 1 - Tháng 8/1994, tr. 70-73)

Mạnh Khoa


Ai chẳng biết rằng "hội nhập văn hoá" là vấn đề đã được Công đồng Va-ti-ca-nô II tha thiết. Ngày nay, trong thực trạng đất Nước và Giáo Hội Việt Nam, "hội nhập văn hoá" lại càng trở nên điều dường như cấp bách đến độ sống còn. Sao gọi là một Giáo Hội "giữa lòng Dân Tộc"? Và Dân Tộc này, sau những tang thương đổ nát, nay đang giữa những cơn lốc gọi là khoa học văn minh?

Và như vậy, để gọi là làm cuộc "hội nhập văn hoá", ta sẽ đối, sẽ chiếu, sẽ xét, sẽ dòm, sẽ phân tích, sẽ mổ xẻ. Ta đứng bên ngoài, bên cạnh, để vén tóc, để sờ tay. Dĩ nhiên, điều này cũng có vẻ hơi hơi cần thiết. 

Ta bày chiến thuật, ta đưa kế sách. Sẽ giả bộ, sẽ tảng vờ : mặc lấy ngôn ngữ này, mang lấy lớp áo nọ, có thái độ và kiểu cách kia. Và như thế, một lúc nào, ta sẽ chinh sẽ phục. Con đường "chính trị" quả lợi hại đến độ luôn trở thành cơn cám dỗ như cơn cám dỗ trong Sa Mạc sau 40 ngày. Hoặc có thể, ta mê ta mẩn, hay ta khúm núm lụy phục để lấy lòng. đến với người, nhưng ta chẳng còn tư cách. Khi người muốn nhìn muốn gặp ta, nhưng người không thấy bóng dáng ta đâu nữa. Sự đồng hoá chẳng bao giờ gọi được là cuộc hội nhập để làm cuộc tương giao, trùng phùng, hội ngộ.

Có một trái tim đến với một trái tim. Có một con người đến với con người. Dù con người đó có là Thiên Chúa và từ Thiên Chúa chăng nữa, thì trái tim Thiên Chúa cũng đã thực sự là một trái tim Người. Trái tim yêu và nhớ, trái tim rung lên và nức nở, trái tim kính trọng và tha thiết, trái tim nồng nhiệt và chân thành. Một trái tim sáng suốt. Hay một nhân cách bản lãnh, rộng rãi mà sâu dầy. Trái tim sáng suốt gọi cuộc đời và con người là Mẹ, là Cha, là Anh, là Em, là Người Yêu Muôn Thuở. 

Lời mặc lấy xác phàm hay Lời Nhập Thể là Lời đến "kết hôn" với con người. Lời đến, Tình Yêu mở ngỏ mãi ra để được gần, được gụi, được nâng, được niu, được trở thành người nhà, được trở thành "Mình ơi" tuy một mà hai, tuy hai mà một. Lời trùng phùng hạnh ngộ với con người, hạnh ngộ không phải chỉ bằng thân bằng xác, bằng chiến thuật, bằng mưu mô, nhưng hạnh ngộ bằng cả tấm lòng, hạnh ngộ đến cả tâm, cả hồn, đến cả những gì ẩn sâu trong ánh mắt long lanh của kẻ ngàn năm yêu dấu. 

Như vậy, cái gọi là "hội nhập văn hoá" thực ra, cũng chỉ là sống với một trái tim của Chúa Giê-su, trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Giê-su, mang lấy những tâm tư của Chúa Giê-su. Hội nhập văn hoá chính là Sống Tin Mừng cho sâu xa, bằng cả một bề dầy văn hoá và trong một khí quyển văn hoá.

Hội Nhập Văn Hoá trước hết, không phải là kế sách để làm một cái gì cho "người ngoài". Hội nhập văn hoá là yêu cầu tự thân của chính Giáo Hội khi Giáo Hội đứng trước Tình Yêu của Ngôi Lời Nhập Thể. Hội nhập văn hoá là hội nhập cho chính mình trước hết, để đón nhận Mầu Nhiệm Ngôi Lời của Chúa Giê-su. Chính vì để đón nhận mầu nhiệm Ngôi Lời của Chúa Giê-su, nên Giáo hội Việt Nam "làm" cuộc hội nhập văn hoá. Giáo Hội Việt Nam chỉ là Giáo Hội của Chúa Giê-su, là Giáo Hội "kết hôn" với Chúa Giê-su, một khi Giáo Hội cũng có một tâm hồn đón nhận, cũng có một trái tim yêu thương , cũng có một tấm lòng tạ ơn và đền đáp. Trái tim đó càng sâu, càng rộng, càng nồng nàn, càng trọn vẹn, khi trái tim đó ăn thông với nguồn mạch văn hoá của dân tộc, của quê hương. Nguồn mạch văn hoá dân tộc không phải là cái gì ở ngoài, ở xa, mà chính là bề dầy của tâm hồn mỗi con người và cả cộng đồng, chính là những chất liệu tinh thần ẩn sâu trong đáy lòng mỗi con người và cả tập thể. 

Giáo Hội Việt Nam "làm" cuộc hội nhập văn hoá, tức là Giáo Hội Việt Nam trở về với chính mình, trở về với trọn tâm, trọn hồn, trọn thể xác và tinh thần của mình, với tất cả chất Việt, với tất cả hồn Việt, để đón nhận Mầu Nhiệm đức Giê-su, để đáp lại Tình Yêu của đức Giê-su, để tha thiết gắn bó với Chúa Giê-su cho "hết lòng, hết sức, hết linh hồn, hết trí khôn". 

Huống chi, chất Việt hay hồn Việt đang ngầm chảy trong lòng Giáo Hội Việt Nam lại chính là chất sâu chất lắng, chất an chất hoà, chất hiền dịu chất nhân ái, chất nghèo khó giản dị và chất ẩn nhẫn chịu đựng gian truân trong mấy ngàn năm lịch sử. đó chính là chất "Tám Mối Phúc Thật" vốn đã được thâu hoá và bồi dữơng sau những cuộc giao thoa với tinh thần nhân bản tâm linh của 3 nguồn mạch Phật, Lão, Khổng, được thử thách và tôi luyện qua những cuộc bảo vệ hồn thiêng và khí phách dân tộc trước ngoại xâm.

Một Giáo Hội Việt Nam làm cuộc "hội nhập văn hoá" sẽ là một Giáo Hội có cả hồn Việt để không ngừng đi sâu vào cuộc chiêm niệm Mầu Nhiệm Lời Chúa nơi đức Giê-su Ki-tô, một Giáo Hội cầu nguyện, một Giáo Hội lắng sâu. từ đó, thành một Giáo Hội nồng nàn, giản dị, thanh thoát, gần gụi, khiêm cung và chứa chan tấm lòng, rất nhân bản nhưng cũng sâu dầy sức sống tâm linh, tràn đầy Lời Chúa, mãnh liệt một bản lãnh Tin Mừng, toả sáng Dung Mạo của Chúa Giê-su.

Một Giáo Hội Việt Nam làm cuộc "hội nhập văn hoá" tức là một Giáo Hội sống bằng cả một tấm lòng, một tình yêu, một cuộc nhập thể của Chúa Giê-su với anh em đồng bào ruột thịt của mình. Giáo Hội như thế không bao giờ được phép đánh mất tính Ngôn Sứ, nhưng càng là Ngôn Sứ để phá hủy và tiêu diệt, thì lại càng xây dựng và vun trồng : Phá hủy và tiêu diệt những mầm mống chia rẽ, so đo, tính toán, giả trá, thực dụng, hời hợt; Xây dựng và vun trồng tinh Thương Mến, lòng Hiệp Nhất, sự Hoà Giải sâu xa tới cùng bằng Tình Yêu đi chịu chết của Chúa Giê-su.

Chúa Giê-su chẳng bao giờ là kẻ xâm lăng. Chúa Giê-su cũng chẳng bao giờ thể hiện Thánh ý của Cha bằng thủ đoạn, mưu mô, quyền lực, vật chất. Trí Huệ của Ngài càng sáng suốt, thì Ngài cứ đem cả một Tấm Lòng đơn sơ, hiền hậu, như trẻ thơ, như chim câu để dâng tặng con người. Ngài cứ trở thành người Tôi Trung hèn mọn và khổ đau để đi vào cái chết mà dâng tặng hết cho con người. Và với Ngài, chỉ "chết mới được ra lời".

Thật lạ lùng khi chúng ta cứ đến với người và đến với nhau bằng một cái đầu lạnh băng băng. Cũng thật lạ lùng khi chính chúng ta vẫn chỉ đón nhận đức Giê-su Ki-tô bằng một chút chất người hời hợt : chút ý chí, chút cảm xúc, và chất đầy những kiến thức trừu tượng xa xôi. Với đầy chật những kiến thức xây thành đắp lũy, chúng ta kêu gọi gặp gỡ, giao cảm, thương yêu...

Tiếng gọi hội nhập văn hoá chẳng qua là tiếng gọi của Chúa Giê-su từ trong trái tim Giáo Hội và trong đáy lòng mỗi người. Một lúc nào đó, chợt nghe một tiếng chuông chùa ngân nga trong buổi chiều tà, hay chợt nghe một câu hò ơ nồng nàn giữa bao la sông nước, trái tim người môn đệ Chúa Giê-su thiết tha yêu Giáo Hội và Quê Hương, bỗng còn nghe thấy như có Tiếng Gọi thăm thẳm nào của Chúa Giê-su.