Thứ Bảy, 18 tháng 5, 2013

TƯƠNG QUAN GIỮA ĐỨC KITÔ VỚI NHỮNG CON ĐƯỜNG CỨU ĐỘ KHÁC

Thời sự Thần học – Số 21 – Tháng 09/2000, tr. 41-60

Nguyễn Thái

Bản góp ý của Hội Đồng Giám mục Việt Nam gởi Thượng Hội Đồng Giám mục Á châu đã có những nhận định sâu sắc và tích cực về các truyền thống tôn giáo tại Á châu: “Giáo hội Việt Nam nghĩ rằng cần phải quan niệm lại cách thức loan báo Tin Mừng cho các dân tộc Á châu. Trước hết, vì lục địa Á châu không phải là vùng đất hoang vu mà chúng ta có thể gieo trồng bất cứ giống gì. Trái lại, đây là vùng đất của những tôn giáo và của những nền văn hóa lâu đời hơn nhiều so với Âu châu. Ở đây vốn đã sẵn có một vũ trụ quan, một nhân sinh quan và một quan niệm tôn giáo rất phong phú và còn khá vững chắc. Tại đây, phần lớn người ta không phải là không biết đến Thiên Chúa, trái lại, họ cũng đã cảm nghiệm được sự hiện diện của Người một cách nào đó và gọi Người bằng những tên khác nhau như là Trời, là Thiên, là Brahman..."

Do đó, “truyền giáo” không phải là giới thiệu một Thiên Chúa, một Đức Kitô hoàn toàn xa lạ, mà một cách nào đó, có thể nói là “làm sáng tỏ cái đức sáng” (minh minh đức) vốn đã hiện hữu tiềm tàng hay là giúp cho người ta “ngộ” được cái chân lý, mà theo Công đồng Vatican II, phần nào đã có trong các tôn giáo khác (x. Nostra Aetate, số 2, đoạn cuối), đặc biệt là của Á châu. Hãy theo cung cách của chính Đức Giêsu, nói cho người ta biết Thiên Chúa đang ở giữa họ, bây giờ và tại đây, chứ không phải tại Giêsusalem hay ở một nào khác, một thời nào khác. Nói khác đi, chính từ thứ nước uống hằng ngày mà người ta có thể khám phá ra nước hàng sống (x. Ga 4,7-26). Bởi vì chính Thiên Chúa đã sáng tạo nên vạn sự, do đó, một cách nào đó, phải nói rằng sự hiện hữu của các tôn giáo ngoài Kitô giáo cũng đều là do sự quan phòng của Người”[1]. 

Chính từ chiều hướng cới mở và trong viễn tượng đối thoại liên tôn đó, chúng ta sẽ cùng nhau suy nghĩ về mối tương quan giữa Đức Kitô với những con đường cứu độ khác. 

1. Vấn đề duy nhất tính của Đức Kitô


Trước khi đề cập đến vấn đề duy nhất tính của Đức Kitô, thiết tưởng cần làm sáng tỏ nội dung quan niệm cứu độ hay cứu rỗi. Có thể nói “cứu độ” là một quan niệm phức biệt và dị nghĩa, tùy theo mỗi truyền thống tôn giáo. Nếu được phép đơn giản hóa vấn đề một chút, chúng ta có thể tạm thu vào mấy ý chính sau đây: Cứu độ là kiếm tìm và cảm nhận cuộc sống sung mãn; đạt tới độ viên mãn, giác ngộ, giải thoát, tự thực hiện, kết hợp với Thực Tại Tối Hậu. 

Đối với truyền thống Kitô giáo, cứu rỗi trước hết là tham dự vào cuộc sống của Thiên Chúa ở đời này và kết hợp với Ngài ở đời sau. Thần học Kitô giáo xác quyết đồng thời hai quan niệm căn bản có vẻ như đối chọi nhau: ý định cứu độ phổ quát của Thiên Chúa và vai trò đặc biệt của tự do nhân loại trong việc thực hiện chương trình cứu độ. Thánh Âu-Tinh tóm lược ý tưởng trên qua một câu nói đã trở thành cổ điển: “Thiên Chúa dựng nên bạn không cần đến bạn, nhưng Ngài sẽ không cứu độ bạn nếu không có sự cộng tác của chính bạn”. Nói rõ hơn, hồng ân và lời mời gọi của Thiên Chúa luôn đợi chờ câu trả lời ưng thuận của con người. Nhưng chấp thuận có câu trả lời tự do tức là đã giả thiết khả năng chối từ. Thiên Chúa luôn tôn trọng tự do chọn lựa của con người, ngay cả trong những gì liên hệ đến vận mạng của đời họ. Dù vậy Thiên Chúa vẫn cương quyết thực hiện chương trình cứu độ của Ngài. Bất chấp mọi trở ngại, ý định cứu độ phổ quát của Ngài vẫn tồn tại, ngay cả trong trường hợp phải đối đầu với sự chối từ và lầm lỗi của con người. 

Theo quan điểm của các Giám mục Việt Nam, “đối với quần chúng Á Đông, từ “cứu rỗi” hàm ý cuộc giải thoát (libérateur) mang ít giá trị hoặc có ý nghĩa hàm hồ, họ cũng không coi trọng lắm ý nghĩa luân lý qua việc tẩy xóa tội lỗi, nhưng trong suy nghĩ của chúng tôi thì chính lòng nhân từ, thương xót của Thiên Chúa mới có tác động thực sự trên các tâm hồn(...). Mầu nhiệm Thiên Chúa làm người rất thích hợp với tâm hồn Á Đông. Một Thiên Chúa đầy lòng yêu thương nhân từ, một Thiên Chúa ở giữa loài người, chia sẻ thân phận con người và gánh vác những nỗi khổ đau của nhân loại, rất gần với niềm tin tưởng và chờ đợi của những con người vốn quen hướng tới khuôn mặt từ bi của Bồ Tát như Quan Thế Âm chẳng hạn. 

“Chính trong Đức Kitô mà Thiên Chúa muốn cho mọi người được ơn cứu độ và nhận biết Ngài là Cha của mình. Vì thế mà chúng tôi dám khẳng định rằng sự “cứu rỗi” đối với người Á Đông sẽ là một cuộc giao hòa toàn diện: thông qua phép Thánh Tẩy, con người được đưa vào trong mối tương quan với Thiên Chúa là Cha trong người Con của Ngài là Đức Giêsu Kitô; và trong sự sống thần linh thật phong phú của “tình Con” đối với Thiên Chúa, họ mở rộng và liên kết với toàn thể gia đình nhân loại trong “tình Huynh Đệ” đại đồng”[2]. 

Qua những trình bày ở trên, chúng ta cần hiểu duy nhất tính của đức Kitô không theo nghĩa tuyệt đối khép kín, mà cũng chẳng hoàn toàn tương đối, nhưng đồng thời sẽ là thiết định, tuyệt đối và tương quan. Theo quan điểm Kitô giáo, thiết định có nghĩa là mầu nhiệm giáng sinh, chết và sống lại của Đức Kitô mang một ý nghĩa tròn đầy và phổ quát trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa đối với nhân loại. Chính nơi đây ta gặp thấy dấu ấn giữa Thiên tính và nhân tính, một gạch nối tuyệt vời và độc nhất vô nhị, mà sẽ không bao giờ bị xóa bỏ. Đây là con đường độc sáng mà Thiên Chúa đã chọn lựa để mặc khải sứ điệp tình thương và chia sẻ thân phận làm người. 

Hạn từ “tương quan” muốn nói lên cách thế trình bày và hiểu ý nghĩa phổ quát của biến cố Đức Kitô trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Đặc biệt trong viễn tượng đa phức tôn giáo, hạn từ này muốn diễn tả mối tương quan giữa “con đường độc sáng” được thực hiện nơi Đức Kitô với những “con đường cứu độ khác”, được truyền thống các tôn giáo Á châu giới thiệu cho tín đồ của họ. 

Theo thần học Kitô giáo, chỉ duy Thiên Chúa cứu độ con người. Không một người nào hay một tôn giáo nào, kể cả Kitô giáo, có sức cứu độ. Do đó “con đường” hay “những con đường cứu độ”, nếu có, là do Thiên Chúa hoạch định, chứ không thể hoàn toàn do sáng kiến hay khả năng của con người. Từ đó vấn đề căn bản sẽ được đặt ra: trong chương trình quan phòng của Thiên Chúa, ngoài “con đường độc sáng” được thực hiện nơi Đức Giêsu Kitô có còn “con đường nào khác” nữa không? Nếu còn, những con đường sau này sẽ tương quan với “con đường duy nhất” của Đức Kitô như thế nào? Nói rõ hơn, làm sao niềm tin Kitô giáo vào hiệu năng phổ quát của ơn cứu độ nơi Đức Kitô không tương phản với sự hiện diện của những giá trị tích cực và ý nghĩa cứu độ nơi các con đường khác? 

Cuối cùng câu hỏi sinh tử ở đây sẽ là tín đồ các tôn giáo khác dược cứu độ từ bên ngoài và bất chấp truyền thống tôn giáo của họ hay ngược lại được cứu độ trong chính truyền thống tôn giáo của họ? Nếu chấp nhận giải pháp thứ hai này, thần học về các tôn giáo phải giải thích như thế nào vai trò trung gian duy nhất của Đức Kitô và vai trò cứu độ của các tôn giáo khác? Nếu có nhiều con đường cứu độ khác nhau, sự kiện đa diện về cứu độ này có nằm trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa hay không? Cuối cùng khi chấp nhận sự hiện diện của nhiều con đường cứu độ phải chăng chúng ta đã tương đối hóa vai trò cứu độ của Đức Kitô? Phải chăng vấn đề căn bản ở đây là phải hiểu như thế nào “vai trò trung gian duy nhất” của Đức Kitô và đâu là mối tương quan giữa Ngài với những khuôn mặt cứu độ khác? 

Nói cho cùng, điểm khó khăn nhất ở đây chính là vấn đề Kitô học[3]. Hội đồng Giám mục Việt Nam đã nhận định rất đúng: “Nếu trong bối cảnh đa diện của các tôn giáo và các nền văn hóa ta nhận ra hoạt động của Thần khí Chúa dẫn đưa các dân tộc Á châu tới Đức Kitô và Tin Mừng cứu rỗi của Ngài, thì một trong những vấn nạn lớn nhất được đặt ra cho công việc rao giảng Tin Mừng tại Châu Á là “làm cách nào Hội thánh tại châu Á có thể giải thích về Đức Giêsu-Kitô Cứu Chúa, Cứu Chúa duy nhất, Đấng Trung gian cứu độ duy nhất, khác biệt hẳn với các vị sáng lập các tôn giáo lớn tại Á châu?”(IL. 30). 

Bản góp ý của HĐGM Việt Nam đã trả lời cho câu hỏi này nền tảng bằng cách đưa ra một quan niệm Kitô học mới: “Chúng tôi hiểu từ “duy nhất” (seul, unique) không theo nghĩa loại trừ (exclusive), nhưng trong tính ưu việt, tuyệt hảo (excellent) của nó. Như thế người Á Đông, trong vũ trụ quan và khát vọng tìm kiếm một sự hài hòa vô song giữa Thiên-Địa-Nhân, tìm thấy ơn cứu độ duy nhất và tuyệt hảo nơi Đức Kitô, vì nhờ Ngài, với Ngài và trong Ngài họ nhận lại được sự giao hòa toàn diện với Thiên Chúa là Cha, với anh em đồng loại và với vũ trụ vạn vật. Tất cả các tôn giáo và các học thuyết lớn tại Châu Á đã nỗ lực đi tìm và vun đắp sự hài hòa này và đã đạt được một số thành quả nhất định, ước gì họ tìm thấy, qua việc trình bày Tin Mừng của Đức Kitô, sự giao hòa ưu việt mà họ hằng mong ước. Một Kitô học như thế, không những không thể phủ nhận vai trò Cứu Chúa duy nhất của Đức Kitô, mà còn có thể mở ra một ý niệm hiệp thông đầy sinh động”. 

2. Có chăng nhiều con đường cứu độ? 


Cho đến những năm gần đây, thần học Công giáo còn khá nhiều do dự để chấp nhận sự hiện diện nhiều con đường, cách thế hay phương tiện cứu độ, tương tự như con đường mà thiên Chúa đã thực hiện nơi Đức Giêsu-Kitô. Nói một cách tổng quát, còn rất nhiều ngần ngại và do dự trước quan điểm cho rằng các tôn giáo khác cũng có thể là “con đường” qua đó Thiên Chúa của Đức Giêsu-Kitô tiếp xúc và chuyển giao ơn cứu độ cho các tín đồ ngoài Kitô giáo. Hầu như chỉ mới nhìn nhận sự hiện diện nơi các tôn giáo một số giá trị tích cực, nhưng dù sao các giá trị này chỉ có tính cách tạm bợ và giao thời. 

Công đồng Vatican II xác quyết rằng ơn cứu độ của Thiên Chúa không những “bao hàm tất cả những ai nhận biết Đấng Tạo Hóa”, mà còn nới rộng tới “những ai vô tình chưa nhận biết Thiên Chúa một cách rõ rệt, nhưng tìm kiếm Ngài với tâm hồn chân thành và dưới sự hỗ trợ của ân thánh Chúa cố gắng sống một cách chính trực theo sự hướng dẫn của lương tâm”[4]. Tiến thêm một bước nữa, Công đồng cũng nhìn nhận những giá trị tích cực trong các truyền thống tôn giáo ngoài Kitô giáo, nhưng vẫn chưa chính thức nhìn nhận các tôn giáo này như những “con đường cứu độ”. Những bản văn chính liên quan đến vấn đề này là Hiến chế Lumen Gentium (16- 17), Tuyên ngôn về Thời đại chúng ta (Nostra Aetate) số 2 và Sắc lệnh Ad Gentes các số 3,9 và 11. 

Xem ra giá trị cứu độ tích cực được qui định cho các cá nhân, chứ không hẳn cho tập thể tôn giáo hay văn hóa, mà các cá nhân này là thành phần. Tuy nhiên một khi đã nhìn nhận giá trị tích cực nơi các tín đồ ngoài Kitô giáo, đương nhiên đã gián tiếp nhìn nhận gía trị tích cực nơi các truyền thống tôn giáo và văn hóa của họ. Từ đó sứ vụ rao giảng Tin Mừng không phải để phá đổ mà nhằm làm triển nở “tất cả những gì thiện hảo trong tâm hồn và tư tưởng con người hoặc trong các lễ nghi và văn hóa của họ” (Lumen Gentium, 17). Do đó, bất cứ những gì là thiện hảo, đã được gieo trong tâm hồn con người hay trong các tôn giáo và văn hóa của các dân tộc sẽ không bị hủy diệt, mà được thanh lọc, thăng tiến và hoàn thiện hóa (Ad Gentes, 9). 

Khi Công đồng nhìn nhận những yếu tố “chân lý và ân sủng” chứa đựng trong các tôn giáo này “như một hiện diện kín đáo của Thiên Chúa” (AG., 9) phải chăng đã gián tiếp coi các tôn giáo này như những “con đường” cứu độ? Phải chăng chính sự hiện diện của “Lời hạt giống” (AG., 11,15) trong các tôn giáo là nguyên nhân của thái độ trân trọng của Hội Thánh đối với các tôn giáo này? 

Theo hướng đi của Công Đồng, tài liệu của Văn phòng cho những người không thuộc về Kitô giáo, công bố năm 1984, đã đúc kết và khai triển những giá trị tích cực của các tôn giáo khác: “...Các nghị phụ của Công đồng xác quyết rằng, trong truyền thống tôn giáo không Kitô giáo, có những điều “chân thiện” (LG.16), những “yếu tố quí báu, tâm linh và nhân bản” (GS. 92), những “truyền thống chiêm niệm” (AG.9), “các hạt giống của Ngôi Lời” (AG.11,15), “một tia sáng của Chân lý chiếu soi mọi người” (NA.2). Theo các xác quyết minh nhiên của Công đồng, tất cả những giá trị này được qui tụ nơi các truyền thống tôn giáo lớn của nhân loại. Do đó các truyền thống tôn giáo này đáng được các Kitô hữu chú ý và trân trọng. Gia tài tinh thần của các tôn giáo là một lời mời gọi đối thoại hữu hiệu không những ở những điểm tương đồng, mà ngay cả ở những điểm tương phản”. 

Nói chung Công đồng đã khai mở một hướng đi mới không những về vấn đề cứu độ đối với những người ngoài Kitô giáo xét như là cá nhân, mà còn thiết lập một tương quan tích cực giữa Hội thánh với các tôn giáo khác. Tuy nhiên nếu Công đồng có cái nhìn lạc quan về viễn tượng cứu độ của mỗi cá nhân, hình như cái nhìn lạc quan đó vẫn chưa được chính thức áp dụng cho các tôn giáo. Ngoài ra ngôn ngữ dị nghĩa của các bản văn đã cho phép nhiều lối giải thích khác nhau, thậm chí tương phản nhau. 

Giữa khóa 2 và khóa 3 của Công đồng, đức Phaolô VI công bố thông điệp “Ecclesiam suam”(6.8.1964) trình bày lịch sử cứu độ như một cuộc đối thoại liên tục giữa Thiên Chúa với nhân loại và vai trò của Hội thánh là tiếp nối cuộc đối thoại này. Thông điệp chia cuộc đối thoại nói trên làm bốn cấp độ: đối thoại giữa Hội thánh với thế giới; đối thoại với tín đồ các tôn giáo khác; đối thoại với các Hội thánh Kitô khác và cuối cùng đối thoại trong nội bộ của Hội thánh. Đối với cuộc đối thoại với các tôn giáo ngoài Kitô giáo, thái độ của thông điệp khá dè dặt và thận trọng. Mặc dù chấp nhận “những giá trị tinh thần và luân lý của các tôn giáo ngoài Kitô giáo”, thông điệp khẳng định xác tín cổ truyền theo đó “tôn giáo đích thực và duy nhất là Kitô giáo, với ước vọng làm sao tất cả mọi người kiếm tìm và tôn thờ Thiên Chúa sẽ công nhận điều đó ”. 

Tông huấn “Evangelii nuntiandi” của đức Phaolô công bố năm 1974, được coi là một bản đúc kết nội dung của Thượng hội Đồng GM về Phúc âm hóa trong thế giới hôm nay. Trong Thượng Hội đồng có nhiều đề nghị tích cực về đối thoại liên tôn và yêu cầu xét lại thái độ của Kitô giáo đối với các tôn giáo. Tài liệu chuẩn bị Thượng Hội đồng của Liên hiệp Hội đồng GM Á châu, chẳng hạn, đánh gía rất cao các truyền thống tôn giáo tại lục địa mênh mông này. Các GM Á châu công khai tuyên bố: “chúng tôi chấp nhận các truyền thống tôn giáo Á châu như những yếu tố có ý nghĩa và tích cực trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa” (số 14). Tuy nhiên những đề nghị và ý kiến thuộc loại này hầu như đã không có một âm vang nào trong Tông huấn. 

Từ lục địa Á châu, nhiều người đã lấy làm tiếc vì quan điểm có vẻ giật lùi và khép kín này. Chẳng hạn Tông huấn đã không lấy lại quan điểm của Nostra Aetate về mối tương quan giữa Hội thánh với các tôn giáo khác; không hề đề cập đến sự hiện diện của Thánh linh trong đời sống tôn giáo của những người ngoài Kitô giáo; hoàn toàn im lặng trước những đề nghị cởi mở của các Giám mục Á châu và những nghiên cứu của thần học về các tôn giáo. Có người nghĩ rằng Tông huấn xây dựng cuộc đối thoại trên một căn bản thần học quá xưa và không còn được chấp nhận trong viễn tượng đa phức tôn giáo. Hầu như không đưa ra một câu trả lời tích cực nào cho những thách đố của sứ vụ truyền giáo bá Tin Mừng tại Á châu. 

Đóng góp đặc biệt nhất của đức Gioan Phaolô II cho nền “thần học về các tôn giáo” có lẽ là xác quyết sự hiện diện tích cực của Thánh linh trong đời sống tâm linh của tín đồ các tôn giáo khác. Ngay trong thông điệp đầu tiên “Đấng Cứu độ nhân loại” (Redemptor hominis) (1979), ngài tự vấn: “Phải chăng một đôi khi niềm tin kiên cường của tín dồ các tôn giáo khác – mà thực sự niềm tin này cũng phát xuất từ Thánh Thần chân lý, Đấng tác động ngay cả bên ngoài ranh giới hữu hình của Nhiệm tích- làm cho người kitô hữu phải hổ thẹn, bởi vì thường xuyên nghi ngờ chân lý do Thiên Chúa mặc khải và được Giáo hội loan truyền” (RH.6). 

Chấp nhận sự hiện diện của Thánh linh ở bên trong cũng như bên ngoài Hội thánh, đức Gioan Phaolô nhìn thấy nơi các tôn giáo khác “những phản ảnh của chân lý duy nhất, các hạt giống của Ngôi Lời” (RH.11) đang dẫn dắt nhân loại về một hướng duy nhất, bất chấp những con đường chọn lựa có khác biệt nhau đến đâu chăng nữa. 

Đặc biệt trong “Ngày thế giới cầu nguyện cho hòa bình tại Assisi”, sau khi chứng kiến sự kiện tất cả các tham dự viên cầu nguyện cho hòa bình theo căn tính tôn giáo riêng biệt, đức Gioan Phaolô càng xác tín hơn nơi sự hiện diện và sức tác động của Thánh linh: “Tất cả lời cầu nguyện đích thực đều do ảnh hưởng của Thánh linh, chính Ngài dạy chúng ta là những kẻ yếu hèn biết cách cầu nguyện, vì chúng ta không biết cầu nguyện thế nào cho phải đạo, chính Ngài cầu thay nguyện giúp cho chúng ta bằng những tiếng rên rỉ khôn tả. Và Thiên Chúa, Đấng thấu suốt tâm can biết Thần khí muốn nói gì. Thật vậy, chúng ta cần ghi nhớ rằng tất cả lời cầu đích thực đều phát xuất từ Thánh linh, Đấng hiện diện một cách huyền nhiệm trong tâm hồn mọi người” (số 11). 

Hoạt động của Thần khí trong lịch sử cứu độ được đặt nổi hơn nữa trong thông điệp về Chúa Thánh Thần (Dominum et vivificantem) (1986). Đức Gioan Phaolô II tái xác định hoạt động phổ quát của Thần khí từ trước biến cố cứu độ của Đức Giêsu Kitô và ngay cả bên ngoài phạm vi của Kitô giáo nữa. “Không thể nào tự giới hạn nơi hai ngàn năm sau cùng, kể từ biến cố Giáng sinh của Đức Giêsu. Cần phải ngược dòng thời gian, ôm choàng tất cả hoạt động của Thánh linh từ trước biến cố Đức Kitô – ngay từ khởi thủy- trong toàn thế giới và đặc biệt trong lịch sử cứu độ của Cựu ước. Thực vậy tác động của Thánh linh được thể hiện ở mọi thời, mọi nơi và trong mọi người, theo chương trình cứu độ phổ quát theo đó hoạt động của Thánh linh được nối kết chặt chẽ với mầu nhiệm nhập thể và cứu thế (...). Tuy nhiên chúng ta cũng phải nhìn xa hơn và rộng hơn, khi biết rằng “gió muốn thổi đâu thì thổi” (Ga 3,8). Công đồng Vatican II, chú trọng đặc biệt ở đề tài Hội Thánh, nhắc nhở chúng ta rằng Chúa Thánh linh cũng hoạt động “ở bên ngoài” thân thể hữu hình của Hội thánh. Công đồng công nhận Thánh linh hoạt động nơi “tất cả tâm hồn thiện chí”(GS.22) chứ không phải chỉ nơi các kitô hữu mà thôi” (số 53). 

Thông điệp Redemptoris Missio, ban hành ngày 7.12.1990, xác quyết rõ rệt rằng Thần khí đã tác động không những trong các cá nhân, mà còn nơi các truyền thống tôn giáo nữa: “Thần khí biểu lộ một cách đặc biệt trong Hội thánh và trong các thành phần của Hội thánh, nhưng sự hiện diện và tác động của Ngài thì phổ quát, không hề bị giới hạn bởi thời gian và không gian(...). Thần khí là (...) căn nguyên của nỗi khắc khoải hiện sinh và tôn giáo của con người, nỗi khắc khoải phát xuất không những từ những điều kiện bất tất mà còn từ chính cơ cấu của hữu thể nhân loại. Sự hiện hữu và hoạt động của Thần khí không phải chỉ liên quan tới các cá nhân, mà còn liên quan đến xã hội, lịch sử, các dân tộc, các văn hóa và các tôn giáo” (số 28). 

Việc chấp nhận sự hiện diện tích cực của Thần khí Thiên Chúa nơi các truyền thống tôn giáo ở trên phải chăng đã gián tiếp chấp nhận giá trị cứu độ của các tôn giáo này? Câu trích dẫn ở trên hầy như cho phép đi đến một kết luận lạc quan như thế. Tuy nhiên toàn bản văn của thông điệp có lẽ chưa cho phép chúng ta đưa ra một câu kết luận quá lạc quan như vậy. Hơn nữa, trong một số tuyên bố gần đây người ta lại có cảm tưởng là hình như đức Gioan Phaolô lại quay về với quan điểm “lý thuyết hoàn thành”, theo đó tất cả các tôn giáo gặp thấy sự “hoàn thành” trong Đức Kitô và trong Kitô giáo, qua biến cố Con Thiên Chúa làm người. 

Theo Tông thư “Ngàn năm thứ ba đang tới”, điểm khác biệt căn bản giữa Kitô giáo với các tôn giáo khác chính là biến cố Nhập thể của Đức Giêsu Kitô. “Ở đây không chỉ có việc con người kiếm tìm Thiên Chúa, mà chính Thiên Chúa đích thân nói với con người về chính Ngài và chỉ cho con người con đường tới đến với Ngài (...). Do đó Ngôi Lời Nhập thể đã hoàn thành khát vọng tiềm ẩn trong tất cả các tôn giáo nhân loại: việc hoàn thành này là tác phẩm của Thiên Chúa và nó vượt trên tất cả sự mong chờ của nhân loại, Đây là một mầu nhiệm ân sủng” (số 6). 

Tài liệu “Đối thoại và rao truyền” của Hội Đồng Giáo hòang về Đối thoại Liên tôn và Thánh bộ Truyền bá Phúc âm cho các Dân tộc có một cái nhìn cởi mở và tích cực hơn về vai trò của các truyền thống tôn giáo. Theo tài liệu này, mầu nhiệm cứu độ đến với tín đồ các tôn giáo khác “bằng những con đường mà chỉ duy Thiên Chúa biết thôi, dưới tác động vô hình của Thần khí Đức Kitô. Nói một cách cụ thể, chính khi chân thành làm điều thiện theo truyền thống tôn giáo của mình và sống đúng theo tiếng gọi của lương tâm, tín đồ của các tôn giáo này đã trả lời một cách tích cực lời mời của Thiên Chúa và lãnh nhận ơn cứu độ nơi chính Đức Giêsu-Kitô, cho dù họ không nhận biết Ngài và không tuyên xưng Ngài như Đấng cứu độ của mình”[5]

Ủy ban thần học quốc tế can đảm đặt câu hỏi gai góc này: Các tôn giáo có phải là những trung gian của ơn cứu độ cho các tín đồ của mình hay không? Sau khi phân tích nhiều lập trường và quan điểm đối nghịch, Ủy ban đã đi đến kết luận sau: “Nếu sự cứu độ liên kết chặt chẽ với sự xuất hiện lịch sử của Đức Giêsu thì việc nối kết mỗi người vào Đức Kitô, bằng đức tin, không thể là việc tùy nghi. Chỉ trong Hội Thánh, là sự tiếp nối lịch sử với Đức Giêsu, người ta mới có thể sống trọn mầu nhiệm nầy. Vì thế, Hội Thánh nhất thiết phải loan truyền về Đức Kitô. 

Không bao giờ có thể quan niệm có những “trung gian” cứu độ khác tách rời khỏi con người Giêsu, Đấng trung gian duy nhất. Nhưng xác định làm sao những người không biết đến Đức Giêsu mà có liên hệ với Ngài, hoặc các tôn giáo có tương quan với Ngài như thế nào, việc đó lại càng khó khăn hơn. Ở đây chúng ta phải đề cập đến những con đường bí nhiệm của Thánh Linh, Đấng ban cho tất cả mọi người khả năng kết hợp với mầu nhiệm phục sinh (GS.22); và tác động của Thánh linh cũng không thể không tương quan với Đức Kitô (RM.29). Chính trong bối cảnh của tác động phổ quát do Thần khí Đức Kitô, mà chúng ta phải qui định vấn đề giá trị cứu độ của các tôn giáo”[6]

Hiệp Hội Hội Đồng các Giám mục Á châu nói chung và Hội Đồng Giám mục Ấn độ nói riêng có thái độ cởi mở hơn nữa đối với truyền thống các tôn giáo. Đa phức tôn giáo được coi như một trong những cách thế mà Thiên Chúa đã xử dụng để thiết lập mối tương quan với các dân tộc. Nó biểu lộ tính phong phú và đa diện của hoạt động của Ngài trong lịch sử. “Bản chỉ dẫn về đối thoại liên tôn” của Hội đồng Giám mục Ấn độ, chẳng hạn, đã công khai xác nhận: “Đa phức tôn giáo là hậu quả phong phú của sáng tạo và ân sủng vô tận của Thiên Chúa. Mặc dù phát xuất từ cùng một nguồn, các dân tộc đã nhận thức về vũ trụ và đã biểu lộ ý thức về mầu nhiệm qua nhiều cách thế khác nhau và chắc chắn Thiên Chúa đã hiện diện trong công trình lịch sử này của các con cái Ngài. Xem như thế, thay vì ân hận vì hiện tượng đa phúc tôn giáo, đúng hơn chúng ta phải coi đây như một ân huệ của Thiên chúa”. 

3. Ân sủng hiện diện mặc nhiên nơi các tôn giáo


Trong một mức độ nào đó, chúng ta có thể nói rằng kinh nghiệm sống và việc mục kích kinh nghiệm tâm linh của các truyền thống tôn giáo kỳ cựu tại lục địa mênh mông này đã giúp Hội thánh Công giáo tại Á châu có cái nhìn cởi mở và tích cực hơn. Khi đọc một số văn bản của Hiệp Hội các HĐGM Á châu và những cơ quan liên hệ người ta nhìn thấy ngay sự nhạy cảm và trân trọng đối với vai trò của các tôn giáo khác trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Vấn đề nòng cốt được nêu lên là phải hiểu và giải thích sự hiện diện của nhiều con đường hay cách thế cứu độ như thế nào? Đặc biệt, nếu chấp nhận hiện tượng “đa diện” trong con đường cứu độ thì phải giải thích như thế nào vai trò “trung gian của Đức Kitô”? Phải hiểu ra sao cách thế Thiên Chúa của Đức Kitô chuyển giao ơn cứu độ qua truyền thống của các tôn giáo khác? Làm sao sức mạnh cứu độ của Thiên Chúa biểu lộ qua biến cố Nhập thể của Đức Kitô đạt tới tín đồ các tôn giáo khác? Nếu chấp nhận tác động cứu rỗi của Thiên Chúa nơi Đức Kitô được chuyển thông cho tín đồ các tôn giáo khác ngang qua “một trung gian” nào đó nơi truyền thống các tôn giáo này, như vậy phải chăng, trong một mức độ nào đó, các truyền thống tôn giáo này cũng là một thứ “con đường” cứu độ? 

Khoa nhân chủng học và xã hội học hiện tại giúp chúng ta ý thức rằng con người không phải là một hữu thể cô độc, lẻ loi mà là một nhân vị sống trong một xã hội nhân loại. Các hữu thể này trở thành con người đúng nghĩa nhờ những tương quan liên nhân vị với người khác. Chính tương quan này làm cho con người được triển nở và trở thành người hơn. Nhận định này cũng được áp dụng vào đời sống tôn giáo. Các tín đồ không hiện hữu như những cá nhân cô độc, nhưng như thành viên của những truyền thống và cộng đoàn tôn giáo nhất định nào đó. Họ trưởng thành và được đào luyện trong truyền thống tôn giáo riêng biệt. 

Nếu nhận định trên chính xác và nhất là nếu một số tín đồ của các tôn giáo ngoài Kitô giáo có kinh nghiệm tâm linh sâu xa về Thiên Chúa, như thế phải chăng chúng ta có thể kết luận các tôn giáo này phần nào đã biểu lộ sự gặp gỡ giữa con người với ân sủng? Nếu như chúng ta không thể dễ dàng tách rời đời sống tâm linh của các tín đồ với truyền thống tôn giáo của họ, thì càng không thể quả quyết rằng tín đồ của các tôn giáo ngoài Kitô giáo có thể đạt đến ơn cứu độ nhờ sống trung thành với lương tâm và chân thành với đời sống tôn giáo, nhưng đồng thời lại cho rằng truyền thống tôn giáo của họ chẳng có một giá trị cứu độ nào cả. 

Dĩ nhiên cần phần biệt tâm tình tôn giáo chủ quan với giá trị tôn giáo khác quan, tuy nhiên không bao giờ có thể hoàn toàn tách rời chúng. Các truyền thống tôn giáo của nhân loại phát xuất từ kinh nghiệm tôn giáo của các cá nhân hoặc của các nhóm, được tích lũy qua dài đời lịch sử. Kinh điển tôn giáo vừa bảo lưu ký ước, vừa định chế hóa các kinh nghiệm tôn giáo. Như vậy thật khó chấp nhận quan điểm cho rằng tín đồ của các tôn giáo có thể đạt tới sự cứu độ, nhưng tôn giáo của họ lại chẳng đóng một vai trò tích cực nào cả trong chương trình cứu độ. 

Để có thể hiểu làm sao truyền thống các tôn giáo có thể được xử dụng như một thứ “trung gian nào đó” cho tín đồ của mình, chúng ta phải đi ngược dòng thời gian... lên tới mầu nhiệm cứu độ của Thiên Chúa nơi Đức Kitô. Thật vậy, qua Đức Kitô, Thiên Chúa thiết lập một tương quan nhân vị với nhân loại. Ngài trở thành Thiên-Chúa-ở-với-con-người và hiện diện với một khuôn mặt nhân loại. Mỗi một kinh nghiệm đích thực về Thiên Chúa nơi Kitô hữu cũng như nơi tín đồ của các tôn giáo khác là một cuộc gặp gỡ gì đó của Thiên Chúa với nhân loại. Sự hiện diện của Thiên Chúa với nhân loại xét như là “hiện diện với”, đặt Ngài trong mối tương quan nhân vị với con người như tương quan giữa Anh với Tôi. 

Tuy nhiên, muôn đời Thiên Chúa vẫn là Đấng Tuyệt Đối, vượt bên trên và bên ngoài tất cả mọi hữu hạn và mọi khuôn mặt nhân loại, dù là khuôn mặt độc sáng được thể hiện nơi Đức Giêsu. Việc Thiên Chúa hạ cố đến với con người là hoàn toàn do Ngài chủ động và vì khoảng cách cố hữu giữa Tuyệt Đối với tương đối là một khoảng cách vô biên, cho nên hành động chiếu cố này hoàn toàn là một ân huệ nhưng không. 

Trong Kitô giáo, sự hiện diện tự thân của Thiên Chúa đối với con người trong Đức Kitô đạt đến khả giác bí tích cao nhất, minh nhiên nhất và hoàn hảo nhất. Tuy nhiên “trung gian hoàn hảo của mầu nhiệm Đức Kitô” chỉ trực tiếp chuyển thông cho các Kitô hữu, những người lãnh nhận Tin Mừng và tham dự vào đời sống phụng vụ cũng như bí tích. Đối với tín đồ các tôn giáo khác thì sao? Theo một số thần học gia, chính qua kinh nghiệm tôn giáo của họ chúng ta nhận diện được kinh nghiệm về Thiên Chúa và về mầu nhiệm Đức Kitô. Có thể nói sự thực hành tôn giáo và kinh nghiệm tâm linh biểu lộ, nâng đỡ và hàm chứa cuộc gặp gỡ của họ với Thiên Chúa của Đức Kitô. 

Trong ý nghĩa và giới hạn đặc biệt đó, truyền thống các tôn giáo là một thứ con đường hay một cách thế cứu độ nào đó cho tín đồ của họ. Phủ nhận kết luận này rất có thể sẽ rơi vào sai lầm chia cắt đời sống tôn giáo của mỗi cá nhân khỏi truyền thống tôn giáo khách quan, kết tạo bởi giáo lý, lễ nghi tế tự, giới luật, dấn thân... 

Tuy nhiên thật rất khó xác định một cách chính xác các truyền thống tôn giáo thực hiện vai trò trung gian này cho tín đồ của họ ra sao. Càng khó khăn hơn nữa khi muốn xác định xem “trong các truyền thống tôn giáo khác, những yếu tố nào trong những yếu tố này, thực sự là do ân sủng, có khả năng giúp các tín đồ liên hệ đáp lại một cách tích cực lời mời gọi của Thiên Chúa(...). Nhiều chính nhân, được Thánh linh Thiên Chúa thúc đẩy, chắc chắn đã để lại dấu tích của mình trong nỗ lực hình thành và phát triển truyền thống tôn giáo liên hệ, nhưng sự kiện đó không muốn nói rằng đương nhiên tất cả mọi sự trong các truyền thống tôn giáo này nhất thiết phải là tốt lành”[7]. 

Chúng ta có thể nói rằng chương trình cứu độ của Thiên Chúa được thực hiện dưới nhiều dạng thức khác nhau trong suốt lịch sử nhân loại. Ân sủng của Thiên Chúa, mặc dù rõ ràng là duy nhất, đã được chuyền thông cho con người qua nhiều hình thức và cách thế khác biệt nhau, không những chỉ ở cấp độ mà còn ở thể loại nữa. Do đó khi công nhận “yếu tố ân sủng” trong các truyền thống tôn giáo không có nghĩa là chủ trương rằng tất cả các truyền thống tôn giáo đó đều giá trị như nhau hoặc tất cả những yếu tố căn bản của các truyền thống tôn giáo đều hoàn hảo cả. Càng không thể đặt các giới luật và lễ nghi tế tự của các truyền thống tôn giáo này ngang hàng với các bí tích do Đức Kitô thiết lập. 

Nỗ lực tiếp cận và chân thành đối thoại với các truyền thống tôn giáo “cũng không cho phép chúng ta nhắm mắt trước những mâu thuẫn có thể có giữa các truyền thống này với mặc khải của Kitô giáo. Khi hoàn cảnh đòi hỏi, chúng ta phải nhìn nhận có sự tương phản giữa một số yếu tố căn bản của Kitô giáo và một số khía cạnh của các truyền thống này” (Ibidem,số 31). 

Nói tóm lại mầu nhiệm cứu độ vẫn là mầu nhiệm của Đức Kitô. Tuy nhiên mầu nhiệm này đã được biểu lộ và chuyển đạt cho con người dưới nhiều hình thức khác nhau. Nếu như trong Kitô giáo mầu nhiệm này được biểu lộ một cách minh nhiên, với tất cả vẻ trong sáng và rõ rệt bao nhiêu có thể, thì trong các truyền thống tôn giáo khác chỉ dưới dạng thức mặc nhiên và ám thị thôi. 

Sứ Điệp của THĐGM Á châu bộc lộ niềm tin tưởng và lạc quan: “Chúng tôi vui mừng nhìn nhận những giá trị thiêng liêng của những tôn giáo cao cả của Á châu như Ấn giáo, Phật giáo, Do thái giáo, Hồi giáo... Chúng tôi quý trọng những giá trị luân lý trong những phong tục và những thực hành mà người ta tìm được trong giáo huấn của các hiền giả Á châu. Chúng tôi kính trọng các tín ngưỡng và tập quán tôn giáo của những anh chị em bản xứ hay các bộ tộc; lòng kính trọng của những anh chị em này đối với toàn thể thụ tạo diễn tả cho thấy sự gần gũi của họ đối với Đấng Tạo hóa. 

Cùng chung với tất cả các dân tộc Á châu, chúng tôi ao ước được lớn lên trong sự chia sẻ những điều phong phú của chúng ta và trong sự kính trọng đối với những khác biệt giữa chúng ta. Chúng tôi nhất quyết làm việc chung với nhau để nâng cao phẩm chất đời sống của dân tộc chúng ta. Chúng tôi coi đức tin của mình như kho tàng quí báu nhất và mong chia sẻ kho tàng đức tin này với tất cả mọi người, nhưng vẫn tôn trọng hoàn toàn những niềm tin tôn giáo và sự tự do của anh chị em xung quanh”[8]

4. Nước Trời trải rộng... 


Dưới cái nhìn của Claude Geffré, tính độc đáo và vẻ nghịch thường của Nhập thể nằm ở chỗ đã nối kết một cách tài tình cá biệt và phổ quát, hữu hạn với Tuyệt Đối, thời gian và Vô thường. Chính tính độc đáo này của Nhập thể cho phép ta nối kết ý nghĩa phổ quát của chương trình cứu độ nơi Đức Kitô với giá trị cứu độ nơi các tôn giáo khác. Mối bận tâm của E. Schillebeeckx là giải thích làm sao để có thể bảo vệ duy nhất tính của Đức Giêsu Kitô và đồng thời chấp nhận giá trị tích cực của các tôn giáo khác. Theo ông, “Đức Giêsu là biểu hiện duy nhất của ân huệ cứu độ đến từ Thiên Chúa cho tất cả mọi người, nhưng xét theo một phương diện nào đó cũng là biểu hiệu bất tất, nghĩa là mang tính lịch sử và do đó bị giới hạn”. Chính vì tính cá biệt và lịch sử này của biến cố Nhập thế, cho nên “mặc khải của Thiên Chúa nơi Đức Giêsu, theo như Tin Mừng tường thuật, không có nghĩa tuyệt đối thần linh hóa một đặc thù lịch sử(...). Trái lại mặc khải này dạy chúng ta rằng không một đặc thù tính nào có thể tự cho là tuyệt đối(...). Chính Đức Giêsu cũng không ngừng hướng chúng ta về Thiên Chúa, Đấng cao trọng hơn Ngài. Người ta có thể nói như sau: Thiên Chúa, ngang qua Đức Giêsu Kitô và trong Thần khí, tự biểu lộ như Đấng Tạo hóa và Đấng cứu độ, như ,một Thiên Chúa của con người, của tất cả nhân loại. Chỉ duy Thiên Chúa Tuyệt đối, và chẳng có tôn giáo nào tuyệt đối cả”. 

Trong viễn tượng đó, thần học xét như một suy tư của con người về Thiên Chúa dưới ánh sáng của đức tin sẽ đi xa hơn Kitô học. Jacque Dupuis nghĩ rằng “Đức Kitô vừa mặc khải đồng thời vừa che dấu Thiên Chúa, bởi vì Ngài xuất hiện giữa chúng ta trong một nhân tính không thần thiêng, một nhân tính của thụ tạo. Xét như là một con người, Ngài là một hữu thể lịch sử và bất tất, nên không thể trình bày tất cả vẻ phong phú của Thiên Chúa (...), ngoại trừ khi người ta phủ nhận giá trị đích thực của nhân tính nơi Ngài”. 

Charles Duquoc cũng yêu cầu chúng ta hãy trả lại siêu việt tính cho Thiên chúa và đừng triệt để đồng hóa Ngài với bất cứ một đặc thù lịch sử nào, kể cả biến có Nhập thể của Đức Giêsu. “Trong khi tự mặc khải qua Đức Giêsu, Thiên Chúa không tuyệt đối hóa một đặc thù nào; trái lại muốn nói lên rằng chẳng một đặc thù lịch sử nào tuyệt đối cả (...). Đấng “Phục sinh” vắng bóng, vị sáng lập biến đi ngõ hầu tính đặc thù lịch sử của Ngài không biến thành thần tượng. Ngài tự lùi xa ngõ hầu lịch sử của chúng ta vẫn là lịch sử. Như vậy tính đặc thù nguyên thủy của Kitô giáo đòi hỏi phải cho phép hiện diện những khác biệt và không được loại trừ chúng”[9]. 

Nói tóm lại quan niệm thần học về vai trò phổ quát của Thiên Chúa hiện diện và tác động một cách phổ quát, trước biến cố Nhập thể, ngang qua cũng như tiếp nối biến cố này. Chương trình cứu độ của Thiên Chúa chỉ là một và bao trọn tất cả lịch sử nhân loại. Biến cố Nhập thể của Ngôi Lời trong Đức Giêsu Kitô là cao điểm của tiến trình tiệm tiến qua đó Thiên Chúa đã tự mặc khải cho con người. Hành động “làm người”, cuộc sống nhân loại, giáo huấn, cái chết tức tưởi và sự Phục sinh vinh hiển của Ngài nói lên ý nghĩa sâu thẳm và tuyệt vời nhất tình yêu của Thiên Chúa đối với nhân loại. 

Tuy nhiên việc đặt nổi tính độc đáo của biến cố Nhập thể trong chương trình cứu độ không cho phép chúng ta lãng quên hay đánh giá thấp hoạt động thường xuyên của Ngôi Lời. Sức mạnh chiếu sáng và cứu độ của Ngôi Lời không bị giới hạn bởi tính đặc thù của biến cố lịch sử, trái lại luôn vượt trên tất cả những giới hạn về không gian và thời gian. Quyền lực siêu việt của Ngài cho phép chúng ta nghĩ đến tính đa diện trong cách thế can thiệp của Thiên Chúa vào lịch sử nhân loại và chấp nhận giá trị tích cực của các tôn giáo khác. 

Theo thánh Gioan, “từ nguyên thủy đã có Ngôi Lời(...). Ngài là ánh sáng thật, ánh sáng đến thế gian và chiếu soi mọi người” (Ga 1,1 &9). Ngài đã soi sáng và hướng dẫn nhân loại từ trước khi Ngài mặc xác phàm. Ngài ban thần khí không phải chỉ cho các cá nhân –Socrate, đức Phật, đức Khổng và bao nhiêu trí giả khác- mà còn cho các nền văn hóa, các truyền thống tôn giáo và triết học. Có thể coi đây là những “con đường” hay “phương tiện” được xử dụng để truyền thông ánh sáng thần linh cho con người. Giao ước giữa Thiên Chúa với Noé, chẳng hạn, là biểu tượng giao ước với các dân tộc trong khung cảnh văn hóa và tôn giáo riêng của họ. Một cách cụ thể hơn, giao ước Thiên Chúa thực hiện với Abraham và Maisen là giao ước đặc biệt với dân tộc được tuyển chọn. Chúng ta gặp thấy trong tiên tri Isaia nhiều bản văn đề cập đến sự cứu độ của các dân tộc trong bối cảnh chương trình cứu độ dân Israel (Is. 42- 66). Nhiều thần học gia đã đề cập đến một giao ước có tầm vóc vũ trụ, như triết học chẳng hạn. Công đồng Vatican 2 cũng nhìn thấy trong truyền thống các tôn giáo của nhân loại nhiều yếu tố của “chân lý và ân sủng” (AG 9). 

Khai triển hướng đi của Vatican 2, nhiều văn kiện chính thức của Hội thánh công nhận là, xét về phương diện hiện thực lịch sử, Nước Trời trải rộng ra bên ngoài biên giới của Hội Thánh. Nước Trời tới đến với mọi người trong nhân loại, hiện diện trong tất cả truyền thống văn hóa cũng như tôn giáo và dưới sức tác động của Thần khí vẫn đang tiếp tục mở rộng thêm mãi. 

Thông điệp Redemptoris Missio công nhận một cách dè dặt: “Đành rằng dưới dạng thức sơ khởi, Nước Thiên Chúa cũng có thể có mặt ngoài ranh giới của Hội thánh, giữa các dân nước ở khắp nơi trên thế giới, theo nghĩa là họ sống thật “những giá trị của Tin Mừng” và biết mở lòng đón nhận tác động của Thần khí, là Đấng muốn thổi lúc nào và bao giờ thì thổi (xem Ga 3,8). Nhưng cần phải nói thêm ngay rằng bao lâu chưa được nối kết với Nước Đức Kitô hiện diện trong Hội thánh và chưa cố gắng tiến tới mức viên mãn cánh chung, thì bấy lâu dạng thức trần thế của Nước Thiên Chúa vẫn chưa tròn đầy” (số 20). 

Hiệp Hội HĐGM Á châu nêu rõ tính ưu tiên của Nước Thiên Chúa so với Hội Thánh. Là bí tích của Nước Thiên Chúa ở trong thế giới, Hội thánh có trách vụ thông truyền cho người khác Tin Mừng về Nước Thiên Chúa đã được Đức Kitô khai mở giữa lòng lịch sử. Công tác xây dựng Nước Thiên Chúa vượt xa bên ngoài biên giới của Kitô giáo. Khi biết nhất trí dấn thân để bảo vệ nhân quyền, khi nỗ lực hoạt động cho công cuộc phát triển toàn diện mỗi người và mọi người, đặc biệt là những người nghèo và những người bị áp bức, khi hăng say cố võ những giá trị tôn giáo và tâm linh, con người đang cùng nhau xây dựng Nước Thiên Chúa: 

“Nước Thiên Chúa... hiện diện và hoạt động ở khắp mọi nơi. Ở đâu con biết mở rộng lòng để đón nhận mầu nhiệm siêu việt của Thiên Chúa tác động trên họ và biết vượt ra khỏi bản thân cá nhân mình để yêu mến và phục vụ anh chị em đồng loại, thì ở đó Nước Thiên Chúa đang thực sự hoạt động. Như BIRA[10] đã nhận định: “Nơi nào có người đón nhận Thiên Chúa, có người sống thật những giá trị của Phúc Âm, nơi nào biết tôn trọng phẩm giá con người, thì nơi đó Nước Thiên Chúa có mặt” (II,1, FABC II,423). Trong viễn tượng đó, con người trả lời tương xứng nghĩa cử của Thiên Chúa ban tặng ân sủng qua Đức Kitô trong Thần khí, và bước vào Nước Thiên Chúa qua hành vi đón nhận của lòng tin (...). 
Điều đó cho thấy rằng Nước Thiên Chúa là một thực thể phổ quát, trải rộng ra ngoài biên giới của Hội Thánh. Nước ấy chính là thực tại của ơn cứu độ trong Đức Giêsu Kitô – thực tại mà Kitô hữu và những tín hữu khác đều cùng tham dự- và là “mầu nhiệm hiệp nhất” cơ bản có một sức nối kết bền sâu kiên vững hơn là lực phân rẽ mà những khác biệt về tín ngưỡng có thể khơi dậy để chia cắt và phân ly chúng ta”[11].
____________

[1] Hội đồng Giám mục Việt Nam, Bản góp ý II gởi THĐ GM Á châu. 
[2] HĐGM, Bản góp ý lần I cho THĐGM Á Châu, C, 2,c. 
[3] Xem GM Nguyễn Văn Hòa, “Kitô học, Giáo hội học và Truyền giáo học”, Định Hướng, số 16, Hè 1998, tr. 100- 103; Nguyễn Thái Hợp, “Vấn đề cứu độ, trong viễn tượng đa nguyên tôn giáo”, ibidem,112- 122. 
[4] Vatican II, Ánh sáng muôn dân, số 16. 
[5] Đối thoại và rao truyền, số 29. 
[6] Ủy ban thần học quốc tế, Kitô giáo và các tôn giáo, số 49, c & d. 
[7] Đối thoại và Rao truyền, số 30. 
[8] Sứ Điệp của THĐGM Á châu gởi toàn thể Dân Chúa, số 3. 
[9] Ch. Duquoc, tr. 143. 
[10] “BIRA” là ký hiệu của “Bishops’ Institute for Inter-religious Affairs”, tức là ban bí thư của FABC đặc trách về vấn đề liên tôn. 
[11] Xin xem toàn bản văn trong FABC Papers, số 64, Hong Kong 1993, tr. 23- 37.