Thứ Hai, 4 tháng 3, 2013

Ý THỨC VỀ HẠNH PHÚC TRONG HÔN NHÂN

Thời sự Thần học – Số 9 – Tháng 9/1997, tr. 35-41

_Nam Giao_


Có lẽ người ta không cần phải xét đến tỉ lệ ly thân, ly dị và những trường hợp bạo động giữa vợ chồng để nhận ra rằng hạn phúc trong hôn nhân không phải là điều dễ kiếm. 

Kinh nghiệm sống chứng minh là trong nhiều gia đình những vụ bất hòa, xung khắc, lạnh nhạt thường xảy ra trong cuộc sống lứa đôi. Trong những trường hợp đó, hạnh phúc đã vắng bóng dù vợ chồng vó ăn đời ở kiếp với nhau. Hạnh phúc trong hôn nhân, nếu có, là trường hợp ngoịa lệ, gia đình thiếu hạnh phúc mới là qui luật. Thật oái oăm! là còn đâu ước muốn và kỳ vọng cua rnhững kẻ yêu nhau. Khi yêu, họ nghĩ hôn nhân là mục tiêu phải thực hiện cho bằng được, là sự thể hiện thiết yếu của tình yêu đích thực. Có yêu nhau thực sự thì phải tha thiết sống chung với nhau, dù là dưới hình thức nào: Từ chối hôn nhân là chưa yêu hết sức mình, là chưa yêu đúng nghĩa. 

Đối với đa số, nếu không nói là đối với tất cả, sự liên hệ giữa hôn nhân và tình yêu là điều hiển nhiên không thể phủ nhận. Vậy vì sao mà có sự mâu thuẫn giữa ước muốn hạnh phúc và thực tế của hôn nhân? Vì sao ta ít thấy những cặp vợ chồng sống hạnh phúc với nhau. 

Bài viết này, không nuôi tham vọng tìm hiểu các nguyên nhân chủ quan lẫn khách quan của tình trạng gia đình thiếu hạnh phúc, cũng không có tham vọng muốn vạch ra con đường chân hạnh phúc mà chỉ muốn tìm hiểu một khía cạnh của vấn đề hôn nhân đó là ý-thức về hạnh phúc trong hôn nhân. Sở dĩ phải nói đến ý thức này vì ở khởi điểm của dự phòng hôn nhân, những người yêu nhau đều có một ý thức về hạnh phúc. Họ đoán chắc rằng trong hôn nhân họ sẽ sống hạnh phúc, họ sẽ có một hạnh phúc lớn hơn hoặc ít ra bằng với hạnh phúc họ đang hưởng. Trong một xã hội biết tôn trọng tự do cá nhân, những người yêu nhau sẽ không ngu dại gì mà dấn thân vào hôn nhân nếu họ biết, hay tin là hạnh phúc họ đang có sẽ giảm sút đi! Ý thức về hạnh phúc là một khởi điểm của hôn nhân. Một ý thức đúng có thể không làm cho ta thành công trong dự tính của mình, nhưng một ý thức sai lạc chắc chắn sẽ dẫn đưa tới thất bại. Nếu tôi không có một ý niệm gì về lửa, thì sẽ có ngỳa tôi bị phỏng tay vì tôi đùa với lửa. Thực tế cho thấy có gia đình lục đục lúc vừa moiứ thành hình, vì vậy ta buộc phải nhận là ý thức của những người yêu nhau đã sai lạc từ lúc ban đầu. Nói cách khác, chính vì những người yêu nhau không có được một ý thức đúng đắn về hạnh phúc trong hôn nhân nên hôn nhân không đáp đúng kỳ vọng của họ. 

Những ý thức đó sai lạc như thế nào? 

Vì hạnh phúc trong hôn nhân thuộc về tương lai vốn bất định và vì cuộc sống lứa đôi là một hoàn cảnh hoàn toàn mới lạ, nên những người yêu nhau không thể biết đích xác hạn phúc đó được đảm bảo như thế nào. Đối với những việc làm dựa vào sự tất định chặt chẽ của thiên nhiên, nghĩa là những qui luật gần như không thay đổi, ta vẫn không có được sự đảm bảo tuyệt đối là kết quả sẽ phù hợp với điều đã tiên đoán, huống nữa là những công cuộc phức tạp chỉ dựa vào nhận thức và tự do con người như hôn nhân chẳng hạn. Do đó, hạnh phúc trong hôn nhân không phải là đối tượng của một tri thức, mà là đối tượng của một niềm tin. 

Niềm tin đó ra sao? 

Trước hết, những người đang yêu, tin rằng hôn nhân sẽ biến hạnh phúc của họ được trọn vẹn hơn. Niềm tin đó dựa vào cơ sở nào? Phải công nhận rằng sự sống chung đáp lại một đòi hỏi chính đáng, phù hợp với tâm lý con người. Có yêu nhau thì có ao ước được gần nhau, được sống cạnh bên nhau suốt đời. Như vậy hôn nhân tạo điều kiện để cho hạnh phúc của những kẻ yêu nhau được trọn vẹn. Ngoài ra hôn nhân còn là điều kiện của hạnh phúc về một phương diện khác. Nhờ có liên hệ hôn nhân, người vợ, người chồng thuộc về nhau, là “sở hữu” của nhau, và không còn phải lo sợ là mình có thể bị phản bội vì sự có mặt của một nhân vật thứ ba, ít ra là trong một thời gian. Dù không làm mất hết tự do của cá nhân, hôn nhân cũng là một ràng buộc đối với người vợ người chồng, trong khi đó, quan hệ yêu đương giữa đôi tình nhân không có một ràng buộc nào cả, về cả hai phương diện đạo đức và xã hội, khi còn là tình nhân, họ chưa có bổn phận gì với nhau; cảm xúc “xác thịt” họ sống qua, dù mặn nồng đến đâu nữa, vẫn không đủ khả năng cầm giữ được các tình nhân nếu vô tình họ khám phá ra một hạnh phúc mới bên cạnh một cá nhân khác. Họ không có bổn phận thủy-chung, vì trong tư thế người tình họ vẫn có quyền mưu tìm hạnh phúc cho riêng họ. (Trong một chừng mực nào đó, những người đã thành vợ thành chồng, không có cái quyền này). 

Tuy nhiên, sự sống chung không hẳn mang lại hạnh phúc trọn vẹn như những người yêu nhau vẫn mong muốn và kỳ vọng. Vì hôn nhân không phải chỉ đồng nghĩa với sự có mặt bên nhau, mà còn là một hoàn cảnh sống với nhiều ràng buộc, nhiều bổn phận, nhiều hy sinh. Ngay đến những ý thích đơn giản như giao du bạn bè hoặc chơi thể thao cuối tuần, v.v… vẫn có thể bị giảm thiểu hay biến mất khi tôi lập gia đình. Với những bổn phận và trách nhiệm mới mà đời sống lứa đôi dặt ra cho tôi, tự do của tôi chắc chắn phải bị hạn chế. Nếu tôi có một ý thức trách nhiệm sâu sắc thì tôi phải chu toàn nhiều bổn phận, đặc biệt khi tôi có con, chẳng hạn như tôi không được hút thuốc trong nhà vì khói thuốc có hại cho người thân. Nếu tôi không biết hoặc không đém xỉa đến bổn phận của tôi, thì người bạn đời sẽ nhân danh quyền của họ để nhắc nhở phiền trách tôi. Do liên hệ hôn nhân, người vợ người chồng có những quyền mà trước hôn nhân họ không có được, chẳng hạn như quyền đòi được giao hợp (Trong thời kỳ tiền hôn nhân, giao hợp là một ân huệ, chứ không phải là một thứ quyền). 

Bị hạn chế tự do trong hôn nhân không nhất thiết làm mất hạnh phúc của vợ chồng: người tìm thấy niềm vui trong việc chu toàn bổn phận mới, không phải là không có. Điều đáng nói là không phải tất cả ai ai cũng đều vui vẻ chấp nhận sự hạn chế tự do mình quen có và thấy cũng không phải mọi người đều thấy hạnh phúc trong việc thi hành bổn phận của mình. 

Đã vậy, những người yêu nhau còn tin rằng “hạnh phúc họ đang có sẽ tồn tại với thời gian” vì hiện tại họ đang sống hạnh phúc và đang ở thời điểm yêu nhau đúng nghĩa. Thoạt nhìn qua, niềm tin đó rất là xác đáng. Làm sao họ không tin vào một hạnh phcú trường tồn được một khi họ đang yêu nhau, nhất là khi người mình yêu đã thuộc hẳn về mình và cả hai đều không còn có tự do lựa chọn nữa? Theo ý chúng tôi, niềm tin đó có phần không tưởng. Thật vậy, tin vào sự trường tồn của hạnh phúc là mặc nhiên tin rằng tình yêu không thay đổi dù hoàn cảnh có đổi thay. Thật ra, cũng như bao nhiêu trạng thái tâm lý khác, tình yêu cũng có thay đổi. Kinh nghiệm cho thấy những người yêu nhau không giữ được mãi đam mê, sự say đắm của thủa ban đầu. Vì hôn nhân là hoàn cảnh trong đó người chồng người vợ thấy mặt nhau mọi ngày, do đó sự mong muốn, sự háo hức gặp nhau không còn nữa, vả lại, sự giao hợp tương đói dễ dàng hơn lúc chưa sống chung với nhau, nên tình yêu-đam mê mất dần cường độ và nhường chỗ cho một thứ tình cảm bình lặng hơn, ít sôi nổi hơn. Ngoài ra, sự sống chung dễ làm cho người vợ người chồng mất đi địa vị thần tượng lại là dịp phơi bày chung những khía cạnh, đặc biệt là những tính xấu mà trước đây, trong thời kỳ còn là tình nhân, ta không thấy hoặc có thấy cũng coi nhẹ, đôi lúc tệ hơn, biến khuyết điểm của đối tượng thành ưu điểm. Tình yêu quả có làm cho ta dễ có cái tâm lý thiên lệch đối với người mình yêu. Ca dao mô tả cường điệu thứ tâm lý đó nơi người đàn ông: 

Lỗ mũi em mười tám gánh lông, 
Chồng yêu, chồng bảo: Râu rồng trời cho. 
Đêm nằm thì ngáy o o, 
Chồng yêu, chồng bảo: Ngáy cho vui nhà. 
Đi chợ thì hay ăn quà, 
Chồng yêu, chồng bảo: Về nhà đỡ cơm. 
Trên đầu, những rác cùng rơm, 
Chồng yêu, chồng bảo: Hoa thơm rắc đầu. 

Khổ một nỗi, hiện thực của cuộc sống lứa đôi không nuôi dưỡng hoài cái nhìn thiên lệch đó. Cái nhìn của cá nhân thay đổi và đôi lúc thay đổi một cách triệt để lúc tình yêu không còn say đắm nữa. Đã có khả năng biến khuyết điểm thành ưu điểm, ta cũng có khả năng biến ưu điểm thành khuyết điểm không thể tha thứ được: từ chỗ yêu, ta đi tới chỗ ghét. Hậu quả là một quan hệ bất hòa: vợ chồng gây gổ nhau, chỉ trích nhau, và cuối cùng là sự dổ vỡ. 

Yêu nhau xé lụa may quần, 
Ghét nhau kể nợ kể nần nhau ra (Ca dao). 

Nói tóm lại, do diều kiện của hôn nhân, tình yêu thay đổi tuy không nhất thiết biến mất hẳn. Như vậy, nếu hạnh phúc chỉ dựa vào tình yêu, thì hạnh phúc cũng có thể thay đổi theo. Niềm tin vào một thứ hạnh phúc trường tồn nhờ hôn nhân, trong hôn nhân không đặt để trên một cơ sở thực tế vững chắc. 

Còn thiếu thực tế hơn nữa khi những người yêu nhau tin rằng người mình yêu là người tuyệt vời về mọi phương diện hay ít ra, nếu có khuyết điểm thì đó là những khuyết điểm không đáng kể. Vì vậy, họ có yên trí là họ sẽ hưởng hạnh phúc trọn vẹn trong hôn nhân. 

Tin rằng người mình yêu không những tuyệt vời trong tư thế người yêu mà còn tuyệt vời trong những tư thế khác, những vai trò khác là một niềm tin không thực tế giữa cuộc đời, loại người giàu khả năng, và xuất sắc trong nhiều lãnh vực khác nhau, nếu có chỉ là thiểu số. Thông thường là hạng người kém cỏi về mặt này hay về mặt khác. Như vậy, khi nhất quyết tin rằng người tôi yêu là một người chồng, một người vợ hoàn hảo thì sẽ có một ngày, tôi bị thất vọng. Một lối cư xử vụng về với người chung quanh, một thái độ nhỏ nhen, một lời nói cộc cằn thô lỗ, một sự kém cỏi về phương diện tình dục, hay một sự thiết sót về mặt kiến thức, về cảm quan nghệ thuật, v.v… đều có thể làm cho ta thất vọng, từ đó tình yêu cùng sự kính trọng bị giảm sút. 

Có người sẽ cho rằng những khó khăn gặp phải trong cuộc sống lứa đôi không hẳn làm mất hạnh phúc gia đình vì tình yêu là yếu tố căn bản. Có tình yêu là có tất cả, và nhờ tình yêu đôi vợ chồng có thể vượt qua những khó khăn, mọi nỗi bất hòa thường xảy ra trong đời sống, vì tình yêu thừa khả năng san bằng mọi trở ngại. Tin vào sức mạnh văn năng của tình yêu là niềm tin thiết yếu của những người lựa chọn cuộc sống lứa đôi. 

Niềm tin đó có thực tế hay không? 

Ngày nay, hôn nhân không còn là vấn đề cha mẹ đặt đâu con ngồi đó, (ngoại trừ một vài trường hợp đặc biệt), mà hoàn toàn là một vấn đề lựa chọn: chỉ có hôn nhân khi có tình yêu. Cũng không ai phủ nhận tình yêu đích thực có khả năng giúp cho ta có thêm sức mạnh để vượt qua những giông bão của cuộc đời. Tuy nhiên, nếu có đặt hết tin tưởng vào tình yêu là có phần không thực tế, vì niềm tin đó giả thiết: 

1. Tình yêu không thay đổi: đã sống chung với nhau vì yêu nhau, thì không có lý do gì tình yêu phai lạt đi. 

2. Tình yêu không bị chi phối bởi những yếu tố tâm lý khác như tính tình, ước muốn, v.v… 

3. Những khó khăn chủ quan và khách quan gặp phải khôngbao giờ quá to lớn. 

Ba giả định (presuppotition) trên đều không hẳn đúng. 

Trước hết, tình yêu không phải là một thứ tình cảm bất di bất dịch mà có thay đổi: không phải lúc nào tình yêu cũng nồng nàn, cũng tha thiết như thủa ban đầu và giữ được mãi bản chất một đam mê. Sở dĩ, ta dễ tin tình yêu không thay đổi, là vì ta không thấy rằng tình yêu bị ảnh hưởng của những trạng thía tâm lý khác. Một cảm xúc, một ánh mắt, một lời khen tặng của một kẻ nào khác, một sự thất vọng về một hành động, đôi lúc có khả năng làm thay đổi tình cảm trong ta. 

Tình yêu còn có thể đổi thay khi có những khó khăn quá lớn lao hoặc quá lâu dài. Có những hoàn cảnh dễ tạo ra sự chán nản, chẳng hạn như lcú phải sống bên cạnh người thân thường xuyên đau yếu, hoặc sống trong cảnh túng thiếu triền miên. 

Không phải trường hợp nào tình yêu cũng sút giảm, nhưng ta phải bình tâm để nhận rằng lúc gặp những khó khăn tương tự, ta phải có đủ ý chí để quên mình, hòng phấn đấu chống trả lại sự cám dỗ của những con đường sống khác có vẻ dễ dàng hơn, suông sẻ hơn. Than ôi! ý chí, lòng độ lượng và sự quên mình không phải là năng hướng thông thường của tất cả mọi người. Con người thường dễ rơi vào chỗ yếu đuối hơn là có sức mạnh, dễ buông xuôi hơn là phấn đấu. 

Ý thức về hạnh phúc trong hôn nhân là niềm tin vào sự trọn vẹn và bền vững của hạnh phúc nhờ dựa vào tình yêu. Trước ngưỡng cửa hôn nhân, những người đang yêu, tin rằng tình yêu của họ không bao giờ lay chuyển được, rằng tình yêu của họ đủ sức mạnh trước mọi nghịch cảnh, rằng người họ yêu là người lý tưởng hay ít bất toàn nhất so với người khác. 

Phần trên, đã chứng minh là những niềm tin đó không đặt trên một cơ sở thực tế cững chắc và ý thức về hạnh phúc trong hôn nhân đã sai lạc. Nói vậy không có nghĩa là chúng ta buộc phải xem hạnh phúc là một điều không có thể thực hiện được trong hôn nhân. Chúng tôi chỉ muốn nhấn mạnh đến một sự thật gần như hiển nhiên là: hôn nhân không đương nhiên tạo nên hạnh phúc và cũng không làm cho hạnh phúc được trọn vẹn một khi ta xây dựng hạnh phúc trên tình yêu. Nếu những người yêu nhau nghĩ rằng cuộc sống chung chỉ là sự tiếp nối quan hệ yêu đương mà không đòi hỏi họ phải có một ý thức nào khác, thì họ dễ bị thất vọng và se không có được hạnh phúc mà họ mong muốn. Hôn nhân là một haòn cảnh sống có qui luật hẳn hoi, có những đòi hỏi, những thách đố riêng biệt. Vấn đề của người muốn dấn thân vào hôn nhân là phải nhận thức rõ ràng những qui luật, những đòi hỏi và những thách đố đó. 

Một ý thức đứng đắn về bản chất của cuộc sống lứa đôi là điều kiện tiên quyết, nhưng ý thức đó chỉ đưa tới hạnh phúc, nếu có kèm theo một ý chí xây dựng hạnh phúc. Thật ra, tin tưởng vào tình yêu để mong tìm hạnh phúc không phải là một niềm tin không xác đáng, nhưng cái tình yêu tạo bên hạnh phúc phải được quan niệm nhu một vấn đề ý chí, chứ không phải là một vấn đề thuần túy tình cảm. Hạnh phúc, tình yêu không phải đương nhiên mà có, đó là kết quả của một sự kiến tạo, từng giờ từng ngày trong đời của những kẻ lựa chọn thân phận lứa đôi.