Thứ Bảy, 24 tháng 6, 2023

QUYỀN BÍNH VÀ DÂN CHỦ TRONG GIÁO HỘI

Thời sự Thần học - Số 45, tháng 9 năm 2006. tr. 76-92. 

_Minh Sơn_ 👨 


Dẫn nhập


Theo đại tự điển Tiếng Việt, do tác giả Nguyễn Như Ý chủ biên, và nhà xuất bản Văn Hoá Thông Tin ấn hành, ở trang 518 cho biết hạn từ “Dân chủ” có hai ý nghĩa : 1) Xét theo nghĩa tính từ : nói đến người có quyền tham gia, bàn bạc vào công việc chung, được tôn trọng quyền lợi của từng thành viên trong xã hội : quyền tự do, dân chủ … 2) Xét theo nghĩa danh từ : nói đến chế độ chính trị theo đó quyền làm chủ thuộc về nhân dân.

Như vậy, ở cả hai nghĩa (tính từ và danh từ) đều bàn đến cái “quyền” của một nhân vị trong cộng đồng họ tham dự và sinh sống.

Với hạn từ này thì Dân chủ là một trong những thể chế thực thi quyền bính lý tưởng mà mọi quốc gia trên thế giới cũng như trong nội bộ các tôn giáo đều mong muốn đạt tới. Thể chế dân chủ là một quyền bính “do dân và vì dân”. Có thể nói, thể chế này coi người dân làm trung tâm, làm đối tượng chính yếu. Nhưng để đạt được thể chế dân chủ, lịch sử cho thấy, nhân dân đã từng đấu tranh không mọi mệt, thậm chí phải hy sinh cả mạng sống, hy sinh cái riêng để đạt đến cái chung. Thời đại ngày nay khác xa so với nhiều thập niên trước đây. Ngày nay với sự phát triển cao về tư tưởng tự do dân chủ. Thế giới tiến dần đến xu hướng loại bỏ các chế độ độc tài, đàn áp và kiềm kẹp người dân. Tư tưởng dân quyền và nhân quyền trở thành nếp suy nghĩ căn bản của mọi dân tộc trên thế giới. Cũng vậy, để bắt kịp và song hành với bước tiến của xã hội trên thế giới, Giáo hội cùng phải mở tung cánh cửa để nhìn ra với thế giới, đã đến lúc phải “quét sạch những lớp bụi thiên thu vạn đại đã bám trên ngai toà thánh Phêrô”, ngõ hầu làm rõ hơn khuôn mặt sáng ngời của Giáo hội Đức Kitô.

Thế nhưng, đối với những quốc gia có thể chế dân chủ, họ áp dụng thể chế đó trong việc thi hành quyền bính một cách đúng nghĩa của hạn từ dân chủ, còn trong Giáo hội chúng ta thì sao? Thử hỏi hiện nay trong Giáo hội thi hành quyền bính theo thể chế nào? Dân chủ thực sự có hay không trong Giáo hội? Phải chăng ngoài việc thực thi quyền bính theo thể chế do dân và vì dân, Giáo hội còn dựa vào ý Chúa để quyết định thi hành quyền bính của mình?

Để tìm hiểu tính dân chủ trong việc thi hành quyền bính của Giáo hội, bài viết này trình bày dân chủ dưới lăng kính của lịch sử Giáo hội, dựa trên những sử liệu có tính cách suy tư thần học về Giáo hội.

I. Dân chủ có hay không trong Giáo hội ?


Đề cập đến tính dân chủ là nói đến việc thi hành quyền bính. Vậy, trong Giáo hội có tính dân chủ hay không, chúng ta lật lại trang sử của Giáo hội qua từng giai đoạn.

1. Giáo hội thời tiên khởi


Hiện nay, các sử gia có khuynh hướng trình tả Giáo hội tiên khởi như là “xã hội dân chủ” trong đó mọi người đều ngang nhau. Sách Công vụ Tông đồ trình thuật việc tuyển chọn Tông đồ Mathia thay Giuđa… ; việc chọn các phó tế, họ bàn họp với nhau… (x. Cv 1,15-25 ; 6,1-6) Ông Phêrô, với tư cách đứng đầu Nhóm Mười Một, triệu tập các anh em lại, để tìm người thay thế Giuđa cho đủ số mười hai Tông đồ. Việc chọn lựa quan trọng này cần thiết cho Hội thánh. Theo phong tục Do thái, người ta bốc thăm để biết ý Thiên Chúa. Chính cách chọn lựa này minh chứng Hội thánh là dân Thiên Chúa. Hơn nữa việc chọn lựa mang tính dân chủ và trách nhiệm tập thể, vì mọi người được đề cử ứng viên. Và lúc các Tông đồ còn sống thì chính các ngài chủ tọa và hướng dẫn cộng đoàn. Các ngài đã bổ nhiệm các lãnh tụ cộng đoàn ở khắp nơi, và sau các ngài đã có những người kế vị. Đầu thế kỷ thứ II, các Giáo hội địa phương đều có Giám mục đứng đầu cùng với đoàn niên trưởng và phó tế. Cách đề cử và thay thế có lẽ khác nhau, nhưng cơ cấu ấy đã trở thành phổ quát ở khắp nơi trong thế giới vào thế kỷ thứ III. Như vậy, quyền bính trong Giáo hội tiên khởi là một thể chế dân chủ.

2. Giáo hội thời Trung cổ và Phục hưng


Do tác động của xã hội, tổ chức cơ cấu của Giáo hội cũng nhuốm màu phong kiến : mỗi chức vụ thường kèm theo đất đai, bổng lộc trước lãnh chúa, quyền tài phán trong vùng và quyền lập quân đội. Vì thế chức vụ trong Giáo hội trở thành món mồi hấp dẫn và việc tuyển chọn giáo sĩ phát sinh nhiều lạm dụng. Hậu quả của cơ chế trên thật tai hại. Có ông hoàng chỉ muốn có một Giám mục là hiệp sĩ tài ba, có ông dành ghế Giám mục cho con cháu thân thích, hoặc còn tệ hơn nữa, dành cho ai trả nhiều tiền. Tội mại thánh gia tăng, kéo theo tình trạng phóng đãng ngay trong hàng giáo sĩ….Quyền giáo hoàng gia tăng, giáo hoàng trở thành tôn sư khắp nước kitô và Giáo hội sa vào ảo vọng quyền lực.

Từ thế kỷ XVI đến cuối thế kỷ XIX hay đầu thế kỷ XX, quan niệm “Giáo hội – xã hội hoàn hảo” được đặc biệt đề cao. Trong nhiệt tâm chống lại cuộc cải cách của Luther và sự can thiệp quá đáng của chính quyền dân sự vào nội bộ Giáo hội, hầu hết các tác giả Giáo hội học và hộ giáo đã trình bày Giáo hội như một “xã hội hoàn hảo” nghĩa là một tổ chức có đủ quyền tự quyết và tự lập như bất cứ xã hội dân sự nào khác.

Để đạt tới mục đích này, dĩ nhiên cần phải khuếch trương tối đa quyền tối thượng của đức Giáo chủ. Hồng Y Roberto Bellarmino S.J., chẳng hạn, nhìn thấy nơi “quyền tối thượng tuyệt đối” của đức Giáo chủ như một khí giới thích hợp nhất cho công cuộc canh tân của Giáo hội. Trong chiều hướng đó, hình thành khuynh hướng giảm thiểu việc trình bày Giáo chủ như người kế vị thánh Phêrô, mà phải đề cao tối đa ngài như “Đại diện của Chúa Kitô”. Khuynh hướng thần học này tất nhiên dẫn đến một thứ Giáo hội học mang đậm tính chất pháp lý :

Giáo hội là một cộng đồng các tín hữu, được kết hợp do việc tuyên xưng niềm tin Kitô, do việc lãnh nhận cùng các bí tích, dưới quyền lãnh đạo của các mục tử hợp pháp, và, trên hết, của đại diện duy nhất của Chúa Kitô trên trần gian, đức Giáo chủ Rôma[1].

Với chủ trương triệt để chống lại Thệ Phản, Hồng Y Roberto Bellarmino thường trình bày Giáo hội như một xã hội tự lập, một chủ thể quyền lợi và một pháp nhân. Tính sung mãn nơi quyền bính của đức Giáo chủ và tính khả thi của Giáo hội Rôma được đề cao đến độ dám xác quyết rằng bản chất của Giáo hội cũng hiển nhiên và khả giác như là vương quốc Pháp hay là cộng hòa Venezia[2].

Đứng trên phương diện thần học, Đức Hồng Y Yves Congar cho rằng mô hình “Giáo hội – xã hội hoàn hảo” đã biến toàn thể Giáo hội vào hàng Giáo phẩm và hơn nữa hàng Giáo phẩm vào đức Giáo chủ : “Giáo hội học diễn tả và biện chính cho cơ cấu một Giáo hội được tổ chức như một Nhà nước, với đức Giáo chủ ở trên đỉnh kim tự tháp và được hỗ trợ bởi các bộ của giáo triều Rôma, làm thành do các Hồng Y và văn phòng. Hầu như tất cả các tác giả thời đó đều chủ trương rằng chế độ quân chủ là mô hình cai trị tốt nhất, với hậu ý biện minh cho những đặc quyền của đức Giáo chủ.[3]

Khuynh hướng chuyên chế nơi chính quyền dân sự, bắt đầu từ cuối thế kỷ XIV và đạt tới đỉnh cao vào thế kỷ XVI, cũng biểu lộ rõ rệt trong cơ chế Giáo hội. Suốt một thời gian rất dài, các thần học gia và các nhà giáo luật đã cổ võ chủ trương trung ương tập quyền. Đỉnh cao của nó là giữa thế kỷ XIX, nơi Công đồng Vatican I, khi giáo triều Rôma thực sự trở thành tiêu chuẩn của tất cả đời sống Giáo hội.

Việc chiến thắng của “giáo triều chủ nghĩa” (curialisme) trên công đồng chủ nghĩa” (conciliarisme) càng đẩy xa hơn chủ trương trung ương tập quyền trong Giáo hội. Quyền của các Giáo hội địa phương ngày càng giảm thiểu.

Giới giáo dân được quan niệm như là Giáo hội thụ huấn, hoàn toàn ở dưới quyền chi phối của giáo sĩ. Họ chỉ là giới tiêu dùng tựa như khách hàng trong siêu thị tôn giáo của các bí tích. Nói Giáo hội là người ta nghĩ ngay đến hàng giáo phẩm hoặc các giáo sĩ : Giáo hội bảo… Giáo hội dạy… Giáo hội tỏ rõ lập trường của mình,v.v… có nghĩa là các Giám mục và lắm khi chỉ một mình giáo chủ Rôma ! Còn khối các tín hữu khác thì chỉ là đàn chiên được chăn dắt bởi các mục tử. Đức Piô X đã quả quyết với một lời bi tráng như sau : Chỉ duy các mục tử mới có quyền hành và uy thế… Còn giáo dân thì chỉ có quyền để các mục tử dẫn dắt, và như đàn chiên dễ bảo, biết nghe theo các ngài… Nhân đức căn bản của giáo dân là vâng lời và cách thức góp phần vào công trình của Giáo hội là góp tiền của cho các cuộc lạc quyên, góp “tiền oi” mỗi Chúa nhật. Thực vậy, đối với đa số, sống đạo chỉ hệ tại ở việc xem lễ các ngày Chúa nhật và lễ buộc. Đó là bổn phận chính yếu của đời sống Kitô hữu.

Như vậy, Giáo hội thời Trung cổ và Phục hưng thi hành quyền bính theo thể chế quân chủ, trung ương tập quyền. Giáo hội này phân quyền và tài phán thuộc về hàng giáo phẩm hoặc giáo sĩ, còn giáo dân chỉ là hạng thứ nhì, thụ động. Vậy thể chế dân chủ vắng bóng trong thời Trung cổ và Phục hưng.

3. Giáo hội giữa thế giới tân tiến và hiện đại


Trong giai đoạn này, Giáo hội phải đối diện với phong trào tục hóa. Dĩ nhiên Giáo hội đã bị giảm thiểu tầm ảnh hưởng của mình trên thế giới. Mọi sinh hoạt tôn giáo bị giới hạn trong nhà thờ, các vấn đề y tế, giáo dục đều thuộc về chính quyền dân sự. “Phẩm trật, kỷ luật, trật tự mà giáo quyền đứng ra bảo đảm, những tín điều chi phối cuộc sống một cách chặt chẽ ; đó là những cái mà con người thế kỷ XVII yêu thích. Nhưng chính sự câu thúc, quyền bính và tín điều lại là những điều mà con người thế kỷ XVIII ngay sau đó chán ghét. Kẻ trước là Kitô hữu, người sau lại chống kitô giáo… Đa số nguời Pháp trước đây suy nghĩ như Bossuet ; rồi đột nhiên họ lại suy tư theo Voltaire : đúng là một cuộc cách mạng”[4].

Như thế, dần dần con người thoát ra khỏi sự giám hộ của Giáo hội và của Thiên Chúa, và họ nhận thấy ngay nơi bản thân mình đã có đủ nguồn sống và những trọng tâm để phát triển bản thân cũng như cộng đồng. Từ nay, họ không còn chấp nhận cậy dựa vào một Thiên Chúa toàn năng, không khác một nhà ảo thuật bao nhiêu. Một khi được thoát khỏi sự bảo hộ, họ không còn chấp nhận để cho Giáo hội và tôn giáo dẫn đạo nữa. Họ thử suy tư và hành động tự mình, cũng như hiểu rõ phải lợi dụng hết quyền tự do của mình để tự lập ra luật pháp và bậc thang giá trị cho riêng mình. Họ hoàn toàn gánh vác lấy thế giới họ đang sống. Nhờ những tiến bộ kinh khủng của khoa học kỹ thuật cho họ những phương tiện ngày càng hiệu quả và hiệu năng cao hơn để thống lĩnh thế giới này, họ ý thức rõ chính mình phải đảm nhận vai trò chủ nhân ông của thế giới.

Phong trào tục hóa góp công không ít dẫn các triết gia Kitô giáo và các thần học gia đến chỗ phải xác định lại và sửa chữa các suy tư của mình về Thiên Chúa trong bối cảnh văn minh hiện đại. Nó đã đóng một vai trò thanh luyện cần thiết cho người tin hôm nay. Đặc biệt nhất là nó giúp cho họ ý thức rằng Thiên Chúa của Mạc Khải Kitô giáo không phải như trong khái niệm rất phổ biến về một Thiên Chúa tối cao tuyệt đối và là chủ tể toàn năng thống trị thế giới hoàn toàn, khiến con người không còn tự do nào nữa. Hình ảnh Thiên Chúa sai lầm ấy đã bị các nhà tư tưởng Kitô giáo hiện nay kịch liệt phê bình. Họ đã nhấn mạnh đến tầm quan trọng cốt yếu của sự tự do trách nhiệm và sự tự trị của con người. Công Đồng Vatican II cũng đã khẳng định : “Sự tự do ấy những người đương thời với chúng ta rất ngưỡng mộ và hăng say theo đuổi, và họ thực có lý… Vậy phẩm giá của con người đòi họ phải hành động theo sự chọn lựa ý thức và tự do” (GS 17). Quả thật thay vì đào mồ chôn sự tự do của con người, Thiên Chúa chính là nền tảng và là bảo đảm cho sự tự do ấy.

Nhờ phong trào tục hóa, Giáo hội đã ý thức được hướng đi của mình là đồng hành, chung niềm hy vọng và âu lo với mọi người (Hiến chế vui mừng và Hy vọng), góp phần làm cho trần gian thấm nhuần ơn cứu độ của Đức Kitô và đạt tới cùng đích của nó trong công lý, bác ái và hòa bình. Giáo hội đã sẵn sàng bỏ mọi đặc quyền.

Tuy nhiên, chúng ta cũng phải đề cập đến một vài khía cạnh mang tính tích cực mà Giáo hội đạt được trong giai đoạn này như : hàng Giám mục, linh mục ý thức lại vai trò của mình và vì thế đạt đến sự hiệp nhất trong nội bộ Giáo hội. Các tuyên ngôn của Giáo hội về vai trò cuả mình qua các thời kỳ giáo hoàng như Pio IX, Leo XIII và Pio XI ; đặc biệt là sự nở rộ của đời sống tu dòng, sự trùng hưng của Giáo hội và con số các giáo phận tăng lên…, đời sống thiêng liêng đượi coi là vũ khí quan trọng để hướng dẫn mọi người tái thiết và xây dựng đời sống. Giáo hội từng bước khẳng định mình trong vai trò ngôn sứ. Vai trò ấy vượt lên trên sứ mệnh của quốc gia, nhưng không phải là để thống trị. Một khía cạnh khác đó là Giáo hội cũng từng bước chân nhận giá trị của những nguyện vọng tự do tư tưởng xuất hiện trong ngàng ngũ Giáo sĩ [5].

Thần học trong giai đoạn này có những bước biến chuyển nhảy vọt. Các nhà nghiên cứu Thánh kinh, thần học, đã mạnh dạn sử dụng những tiến bộ của khoa học đề về nguồn, đào sâu ý nghĩa của mạc khải, Thánh kinh, phụng vụ, các giáo phụ và thần học. Từ đó các vị xây dựng một nền thần học mới ngang tầm với những trào lưu hiện đại, “xã hội hiện sinh và tiến hóa” : Khám phá ra một Thiên Chúa vẫn hoạt động nơi các tôn giáo khác và cả nơi những người vô thần, một Thiên Chúa muốn con người phải sinh lợi những nén bạc đã được giao phó trong từng giai đoạn của lịch sử và có trách nhiệm hoàn thành ơn cứu độ của Chúa ngay từ trần gian này. Tuy nhiên, Giáo hội vẫn còn dè dặt, xét duyệt trong việc suy tư thần học, thậm chí còn cấm đoán… Nhà thần học Yves Congar là nạn nhân tiêu biểu.

Chủ xướng cho Công đồng Vatican II, là đức Gioan XXIII. Đối với Giáo hội công giáo, Công đồng Vatican II đã xuất hiện như một mùa xuân, sau những mùa đông giá lạnh và kéo dài lê thê hàng bao thế kỷ. Sự đóng góp của Công đồng cho Giáo hội không phải chỉ nằm trong bản văn, mà trước hết là những định hướng, là Giáo hội với thế giới. Chính Vatican II đã khai mở một hướng đi mới qua chủ trương đối thoại với thế giới, và con người hôm nay đồng thời cập nhật hóa Giáo hội. Trong thông điệp ngày 11.9.1962, trước Công đồng một tháng, ngài nói tới việc : “quét sạch bụi bặm trên khuôn mặt Giáo hội” và khẳng định “Giáo hội phải là Giáo hội của người nghèo”.

Công đồng Vatican II đóng góp một nền thần học về nguồn : tập đoàn tính của Giám mục, chức tư tế cộng đồng của tín hữu, việc học hỏi Thánh kinh, Giáo hội là dân Thiên Chúa và nhiệm thể hơn là cơ chế pháp lý. Từ đó dần về sau xuất hiện các hội đồng Giám mục miền, quốc gia, thượng hội đồng các Giám mục thế giới. Và một bộ giáo luật mới ra đời năm 1983 cho thấy Giáo hội có nhiều đổi thay, đáp ứng phù hợp với thế giới hiện đại.

Quả thật, điểm qua những nét chính mà Công đồng vạch ra hướng đi cho Giáo hội, ta thấy rõ ràng Giáo hội cởi mở hơn nhiều so với những thế kỷ trước, mang tính dân chủ hơn. Từ đây vai trò và tiếng nói của người giáo dân cũng được chân nhận. Đặc biệt trong Hiến chế Lumen Gentium bàn về dân Thiên Chúa ở chương II được đề cập trước hàng giáo phẩm cũng chính là nêu bật sự bình đẳng cơ bản trong Giáo hội :

“Chỉ có một Dân Thiên Chúa được Người tuyển chọn : ‘chỉ có một Thiên Chúa, một đức tin, một phép rửa’ (Ep 4 :5)... Các chi thể chung hưởng cùng một phẩm giá vì đã được tái sinh trong Chúa Kitô, cùng một ân huệ được làm con cái, cùng một ơn gọi trở nên trọn lành, cùng một ơn cứu độ, cùng một niềm hy vọng duy nhất và một đức ái không phân chia. Vì thế trong Chúa Kitô và trong Giáo hội, không còn có sự hơn kém về nguồn gốc hay dân tộc, về địa vị xã hội hay giới tính, vì lẽ “không còn chuyện phân biệt Do thái hay Hy lạp, nô lệ hay tự do, nam hay nữ, bởi anh em hết thảy chỉ là một trong Chúa Giêsu Kitô” (Gl 3 : 28 ; x. Cl 3 : 11)” (LG 32b).

Hiến chế tín lý Lumen Gentium nhấn mạnh rằng Giáo hội, trước hết, là một cộng đồng hợp thành do bởi hết thảy mọi tín hữu. Và chỉ sau đó, mới có thể phân biệt để nói đến những thành phần khác nhau như : giáo phẩm, giáo sĩ, tu sĩ..., xét về mặt cá nhân cấu thành, Đức Giáo Hoàng cũng là một phần tử trong Dân Thiên Chúa, là không hơn không kém, một tín hữu như bất cứ tín hữu nào khác. “Dân Thiên Chúa” nói lên một khái niệm căn bản : với tính cách là chi thể của Đức Kitô, mọi tín hữu đều bình đẳng như nhau. Trong Giáo hội, “mọi người đều có Đức Kitô làm Đầu” (LG 9). Những khác biệt trong Giáo hội, dù có thật, nhưng nếu hiểu theo nhãn quan của quyền bình đẳng căn bản ấy, thì cũng chỉ là phụ thuộc, và chỉ có ở trong bình diện chức vụ và phận sự. Giáo hội không phải đơn thuần là giáo phẩm, không chỉ gồm có giáo phẩm, và cũng chẳng phải là của giáo phẩm.

Mọi Kitô hữu đều nhận được những ân huệ khác nhau của Chúa Thánh Thần, nhưng chỉ với một mục đích chung là xây dựng Thân thể Đức Kitô và phục vụ lẫn nhau (x. 1Cr 14,3). Nhiệm vụ căn bản của Dân Chúa là sống hiệp thông trong mọi sự, chia sẻ mọi sự với nhau (x. 1Cr 12,26), để vinh quang Thiên Chúa toả sáng và để phục vụ mọi anh chị em. Hàng giáo sĩ đã lãnh nhận thiên chức đặc biệt để phục vụ. Nhờ thiên chức này, hàng giáo sĩ trở nên những “chuyên viên phục vụ” trong Giáo hội. Họ có thể sống nhờ công lao phục vụ của mình (x. Lc 10,7), tuy nhiên không phải vì vậy mà đi khai thác Giáo hội như “của riêng mình”. Giáo phẩm có phận vụ chia sẻ “bánh Lời Chúa” với anh chị em, phân phát các bí tích, cùng sống những điều kiện trong trạng huống chung của cuộc sống cộng đoàn, và tự hiến mình cho dân Chúa (x. 2Cr 12, 14-15). Như vậy, công đồng Vatican II đã tái khẳng định ý nghĩa và giá trị của sự hiệp thông trong niềm tin : tất cả các Kitô hữu đều là thành phần dân Chúa, được kết hợp trong một giao ước mới và được ký kết bằng chính máu của Đức Kitô. Điều độc đáo hơn nữa, các thành viên của dân Thiên Chúa đã được thiết lập nhờ cuộc khổ nạn và phục sinh của Đức Kitô, đều được tham dự vào chức vụ tư tế, ngôn sứ và vương giả của Ngài. Tóm lại, quyền bình đẳng trong Dân Thiên Chúa là một đặc ân cao quý phát nguyên từ sự nghiệp cứu độ phong phú của Đức Kitô đã hoàn thành, và mọi Kitô hữu đều cùng được chia sẻ.

Trong thế kỷ XX, đức Piô X và nhất là các đức Piô XI và XII đã đặc biệt quan tâm đến vai trò của giáo dân trong Hội thánh. Bộ giáo luật mới (1983) thể hiện rõ nét tính dân chủ qua : Quyền lợi và bổn phận của tất cả các tín hữu kitô : Mọi tín hữu kitô đều bình đẳng về phẩm giá và hành động. Bổn phận của mỗi người là phải giữ mọi hiệp thông với Giáo hội toàn cầu cũng như địa phương. Mỗi người được quyền bày tỏ cho các chủ chăn những nhu cầu và nguyện vọng của mình. Mọi người có quyền được các chủ chăn trợ giúp các ơn ích thiêng liêng, nhất là lời Chúa và các bí tích. Mọi người có quyền tham dự các việc phụng tự và sống cuộc sống tinh thần của mình. Mọi người có quyền sáng lập và điều hành các hiệp hội bác ái, đạo đức. Mọi người có quyền dùng cả những sáng kiến riêng để cổ võ và nâng đỡ hoạt động tông đồ. Mọi người có quyền hưởng một nền giáo dục kitô giáo để biết sống mầu nhiệm cứu độ. Mọi người có quyền tự do chọn bậc sống, không bị bất cứ một cưỡng bách nào. Mọi người có quyền giữ danh dự và quyền bảo vệ đời sống riêng tư. Mọi người có quyền được xét xử công minh trước toà án của Giáo hội và chỉ bị phạt chiếu theo luật.

Ngày nay tính dân chủ được thể hiện trong Giáo hội qua việc bầu giáo hoàng (trước đây những vị hồng y người Ý mới được), về sau việc bầu giáo hoàng được tuyển chọn bất kỳ hồng y nào thuộc hồng y đoàn, không phân biệt quốc gia, màu da, sắc tộc…. Hồng y đoàn được quốc tế hóa. Những chức vụ quan trọng trong giáo triều không còn dành riêng cho người Ý. Giới hạn tuổi làm việc của các vị có trọng trách. Những hội đồng Giám mục nói lên tập đoàn tính của các ngài và làm thăng bằng sự tập quyền của Rôma. Ba cuộc bầu cử giáo hoàng gần đây cho thấy tính dân chủ trong Giáo hội được thể hiện rõ : Đức Gioan Phaolô I, tuy là người Ý, nhưng ngài sống hòa giải và không ở trong giáo triều. Việc bầu hồng y Wojtyla ngày 16-10-1978, người Ba Lan và đức tân giáo hoàng người Đức, rõ ràng là hậu quả của việc quốc tế hóa các hồng y, khẳng định ý muốn giảm bớt ảnh hưởng quá lớn của Ý và các Giáo hội phương Tây.

Ngày nay, việc tiến cử hay bầu chọn Giám mục giáo phận : thăm dò ý kiến giữa các linh mục đoàn, ban hội đồng cố vấn, thông báo cho các giáo xứ biết, ý kiến giáo dân…vv.

Trong giáo xứ : bầu chọn ban điều hành giáo xứ : có xứ thì được dân bầu, nhưng có xứ thì do cha xứ chỉ định (lý do là nhiều khi dân bầu nhưng người đó không có khả năng điều hành), vì vậy cha xứ lấy quyền của mình để quyết định. Trong Giáo hội, việc bầu tuyển chọn theo lá phiếu cũng chỉ là tương đối, nhưng có những trường hợp, tuy là dựa trên lá phiếu nhưng còn tuỳ thuộc vào ý Chúa. Đây là điểm khác biệt với tính dân chủ trong xã hội, nhà nước. Trong Giáo hội vừa dựa trên ý kiến của Giám mục đoàn, hồng y đoàn, linh mục đoàn và giáo dân. Nhưng những ý kiến thăm dò qua lá phiếu trong Giáo hội cũng chỉ là tương đối, vì niềm tin của chúng ta luôn lấy ý Chúa làm nền tảng cho mọi quyết định. Còn trong xã hội, việc bầu cử đại biểu quốc hội, đại biểu hội đồng nhân dân tỉnh, huyện, xã… đều phải dựa trên tiêu chuẩn phần trăm của lá phiếu và thậm chí họ còn dùng khoản tiền lớn để vận động cử tri bỏ phiếu cho họ. Chẳng hạn như ở Mỹ, các ứng cử viên làm tổng thống, họ bỏ tiền túi của mình ra để vận động cử tri, họ đưa ra những đường hướng cải cách phát triển kinh tế, tạo thêm nhiều việc làm, ổn định an sinh xã hội… nhằm thu hút cử tri bỏ phiếu cho mình. Trong Giáo hội cũng có điểm giống với bên xã hội là cũng bỏ phiếu. Nhưng khác nhau ở chỗ là bên Giáo hội còn lấy Ý Chúa, ý bề trên để xem xét. Do vậy mỗi khi trong Giáo hội từ giáo triều Rôma cho đến các cộng đoàn địa phương, có cuộc bầu chọn Giáo hoàng, hồng y, Giám mục, hoặc ban điều hành giáo xứ lên lãnh đạo thì phải cử hành thánh lễ, cầu nguyện để xin ơn Chúa soi sáng để bầu chọn ra những người có phẩm hạnh, đạo đức tốt, nhiệt thành và có khả năng để điều hành công việc chung của Giáo hội.

II. Một vài nhận định thay cho lời kết


1. Sử dụng quyền bính trong Giáo hội


Đức Kitô không trao quyền bính cho các Tông đồ để các ông thống trị dân, Ngài cũng không trao các ông quyền bính để xây dựng ‘Đế Quốc hay Siêu Cường Quốc’ hoặc “cung điện”. Nhưng Đức Kitô đã trao quyền bính cho các Tông đồ để các ông tổ chức xây dựng "Nước Trời" trong tâm hồn những con người và "ra đi" loan báo Tin Mừng cho mọi người (Mt 28,19-20). Cụ thể, Đức Kitô đã trao cho họ quyền lãnh đạo một số người Kitô hữu để họ cổ võ, khích lệ mọi người cùng chung sức xây dựng những đền thờ thiêng liêng trong tâm hồn những người "nghèo", với một thế giới "văn minh tình yêu" ; "thăng tiến con người toàn diện". Thế nhưng, không ít người trong Giáo hội hôm nay vẫn cho rằng, Giám mục là người có quyền tương đương với vị chủ tịch tỉnh, còn linh mục người có quyền hành như chủ tịch huyện. Có lẽ từ sự nhận thức sai lạc ấy, nhiều giới chức trong Giáo hội đã thi hành quyền bính Chúa uỷ thác cho họ, như một thủ trưởng trong công đoàn hoặc như một giám đốc của một cơ quan hay như một ông chủ tịch của uỷ ban. Khi đọc lại Tin Mừng ta thấy, chính Đức Kitô đã thiết lập Giáo hội trao quyền cai quản điều hành cho các Tông đồ và căn dặn họ rằng : "Anh em biết : thủ lãnh các dân thì lấy quyền mà thống trị, những người làm lớn thì dùng uy mà cai quản dân. Giữa anh em thì không được như vậy : ai muốn làm lớn giữa anh em thì phải làm người phục vụ anh em…" (Mt 20,24-27). Thật vậy, Đức Kitô đã trao quyền bính cho một số người Kitô hữu để họ phục vụ anh chị em mình, vì tất cả mọi người đều được gọi Thiên Chúa là Cha và cùng “uống” một Thánh Thần. Cụ thể hơn, Đức Kitô cùng Giáo hội đã trao quyền lãnh đạo cho các giáo sĩ và các vị bề trên để họ phục vụ, coi sóc, hướng dẫn những người thuộc quyền như người cha, người anh lo cho con em mình về mọi phương diện, chứ không chỉ lo phục vụ cái gọi là phần hồn vì "…họ không chỉ là mục tử của các linh hồn"[6]. Vì thế, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào các giới chức của Giáo hội không được phép thi hành quyền bính Chúa uỷ thác cho như một đảng viên hay giám đốc trong xã hội, nhưng họ cần phải dùng quyền bính để phục vụ những con người như là phục vụ chính Chúa Kitô ; ngược lại những thuộc quyền cũng cần vâng nghe lời bề trên hợp pháp như vâng nghe lời Chúa.

Sự khác nhau về cách quan niệm “quyền bính” trong Giáo hội : có nơi thì coi quyền bính từ trên xuống, nghĩa là Đức Kitô đã lập chức vụ thừa tác và bằng phương thức “thần khởi,” ban ơn cho những người đảm nhận chức vụ ấy ; nơi khác lại để giáo dân chọn những thừa tác viên và ban quyền cho họ ; cũng có nơi xác tín rằng chính Chúa Thánh Thần ban đặc sủng cho những người Ngài chọn. Qua Thánh kinh cho thấy, Giáo hội không phải là một tập hợp hỗn tạp những người Kitô hữu, song là một cộng đồng có ngăn nắp kỷ cương, có các tông đồ đứng đầu và một số phận vụ khác nhau, như trong các phong trào ở thời sơ phát và đang lớn lên ; rồi với đà tiến bộ, các cơ cấu hình thành ngày càng rõ ràng hơn cho đến giai đoạn “trưởng thành” với lề lối tổ chức được gọi là “thể chế công giáo sơ khai”. Suốt trong quá trình ấy, Giáo hội ý thức, mình phải sống trung thực với Đức Kitô và Thánh Thần. Vì vậy, khi quy trình hình thành kết thúc với việc nhận thức rõ ràng về phẩm trật ba bậc (Giám mục, linh mục, phó tế), thì Giáo hội xác tín kiên vững rằng cơ cấu này chính là do thần quyền mà có.

2. Thực tế sử dụng quyền bính và những khiếm khuyết của Giáo hội


Nhưng thực tế, nhìn vào giáo triều Rôma, người ta có thể cảm tưởng như là nhìn thấy những hình thức và thủ tục của những triều đình vua chúa ; có một thời Giáo hội nhân danh chân lý, độc quyền về ân sủng, điều này đã để lại những hậu quả đáng tiếc xảy ra. Chẳng hạn như trường hợp hành xử quyền bính thiếu đối thoại, thiếu tôn trọng, điều đó đã gây ra việc ly khai trong nội bộ Giáo hội. Gây sự phân rẽ và tuyệt thông giữa Giáo hội Đông và Tây, Giáo hội Chính thống và Giáo hội Rôma, Giáo hội Rôma và Tin lành, giữa Giáo hội Rôma và Anh giáo. Nhiều vị thời danh như ông Galilé, các thần học gia như Chenu, Yves Congar, Henri du Bac cũng từng là những nạn nhân do sự nghi kỵ và cấm đoán tự do suy tư thần học. Ngay cả những vấn đề không thuộc về bình diện chuyên môn của Giáo hội, thế nhưng Giáo hội vẫn quyết định, can thiệp, xen vào…

Đôi khi những phủ giáo phận cũng không tránh khỏi bầu khí quan cách. Muốn có uy thế lúc nói, thì phải biết lắng nghe ; một lời nói ra mà không được đón nhận, thì vô hiệu. Thánh Thần hoạt động trong tất cả, và lắm khi một cách hết sức lạ lùng. Vì vậy, giáo quyền phải biết để Thánh Thần dẫn dắt mình đi, qua những trung gian bất ngờ như thế. Hễ đã có nhiệm vụ dạy dỗ, thì nên chú ý đến những người cùng có nhiệm vụ như thế trong Giáo hội. Giáo phẩm cai quản một “gia đình” trưởng thành. Quyền bính nào cũng phải có giới hạn và phải biết đặt mình dưới sự kiểm soát của luật. Vậy, Giáo hội cũng có thể dùng phương thức ấy một phần nào, mà thực hiện giáo lý về “quyền bình đẳng trong Dân Chúa” và thực trạng hiệp thông trong trách nhiệm của tất cả đối với tất cả.

Giáo hội có một sứ mạng duy nhất và bất biến lãnh nhận từ Đấng sáng lập thần linh của mình ; nhưng Giáo hội cũng là một thực tại trần thế bước đi trong thời gian lịch sử ; kinh nghiệm hai ngàn năm qua cho thấy Giáo hội không ngừng phải mò mẫm tìm kiếm để hoàn thành sứ mạng đó trong sự thích nghi với những hoàn cảnh luôn đổi thay, với nhiều thành công cũng như thất bại và thậm chí lỗi lầm. Trong thiên niên kỷ thứ ba, qui luật đó sẽ vẫn chi phối đời sống Giáo hội và chúng ta có thể nghĩ rằng bộ mặt của Giáo hội sẽ không hoàn toàn giống như ngày nay.

Dù là “dân thánh của Thiên Chúa”, Giáo hội vẫn ôm ấp những kẻ có tội ở trong lòng mình... nên phải không ngừng tự thanh luyện mình (LG 8c). Bao lâu còn đi trên đường lữ thứ trần gian, thì bấy lâu Giáo hội vẫn còn tiến bước giữa những cám dỗ và đau thương, và hằng ý thức rằng bất cứ tín hữu nào, dù ở địa vị nào, thì cũng đều có thể sa ngã giống như Đavít hay Phêrô vậy.

Như xưa kia, Ít-ra-en thèm thuồng những nồi thịt, những củ hành củ tỏi của Ai cập ; thì ngày nay, Giáo hội cũng bị cám dỗ thèm khát những đặc quyền đặc ân của hàng quý phái, muốn có quyền bính tựa như một cường quốc, hoặc muốn giữ độc quyền về ân sủng và chân lý. Các tiên tri đã phải chiến đấu chống lại những cám dỗ ấy trong Ít-ra-en, cám dỗ thường được các tiên tri giả khích động thêm (x. Gr 23, 9-22), và Ít-ra-en đã không chịu lắng nghe các tiên tri thật (x. Is 42,18tt). Trong Giáo hội cũng có những tiên tri giả, mà Đức Giêsu đã cảnh cáo phải coi chừng (x. Mt 24,24t). Mỗi thế hệ đều có những hạng thầy giả, ăn nói bùi tai dân chúng (x. 2Tm 4,3), rao giảng một thứ phương thức cứu độ dễ dãi nhưng lại sai lầm.

Do đó, bao giờ Giáo hội cũng phải ý thức về thực trạng hữu hạn và tội lỗi của mình, biết rằng mình đang trên đường tìm kiếm chứ chưa chiếm hữu trọn được chân lý toàn vẹn, và cần phải tự thanh luyện không ngừng, nhờ thống hối và canh tân. Lịch sử Giáo hội ghi đậm đầy dẫy những sơ sót, phản bội, lầm lẫn, xảo trá... của các con cái Thiên Chúa ! Giáo sĩ nhan nhản “chưng bày” những ghen tị, tham vọng ; còn giáo dân thì lắm lúc chỉ biết sống đạo theo hình thức, theo lối mê tín, hoặc là cứ mãi mập mờ, vô tri vô thức trước những điểm cơ bản trong nội dung giáo lý đức tin ; rồi hai phía lại còn ngờ vực lẫn nhau ! Tuy nhiên, những người yếu đuối ấy cũng biết khiêm hạ nhìn nhận những khiếm khuyết của mình và hằng ra sức tiến lên trên đường thánh thiện. Trong Giáo hội, không bao giờ là không có những người thánh.
 

3. Những nỗ lực và đóng góp tiến đến một thể chế dân chủ trong Giáo hội hiện nay


Tuy nhiên, bên cạnh những khiếm khuyết của Giáo hội, ta thấy Giáo hội có nhiều nỗ lực “cởi bỏ bộ áo bao cấp” tiến đến một thể chế mang tính dân chủ hơn để hòa nhập vào dòng chảy chung của nhân loại. Có thể nói không ngoa rằng, từ đức Gioan XXIII đến Công đồng Vatican II và hậu Công đồng này được ví như “bộ áo dân chủ” hay một cuộc cánh mạng Copernic về Giáo hội. Đây là giai đoạn lạc quan, cởi mở và tin tưởng hướng về tương lai mà nhiều người gọi là “mùa xuân của Giáo hội”. Đây là giai đoạn năng động và khởi sắc nhất của Giáo hội Công giáo trong mấy thế kỷ vừa qua. Nhờ việc giải thích và áp dụng văn kiện của công đồng đã giúp cho Giáo hội canh tân và thích nghi, ngõ hầu tích cực rao giảng Tin Mừng cho thế giới hôm nay.

Lịch sử luôn là bài học soi chiếu cho chúng ta bước đi trong cuộc đời, nhìn quá khứ để rút ra bài học kinh nghiệm trong hiện tại, nhìn hiện tại để hướng tới tương lai tốt đẹp hơn.

Cơ cấu, phẩm trật, giáo luật của Giáo hội được tồn tại và đứng vững cho đến ngày hôm nay là nhờ những nỗ lực không ngừng, trong mọi hoàn cảnh thử thách, Giáo hội luôn dò dẫm, bước đi trên đường lữ hành đức tin để tìm ý Chúa. Như vậy, Giáo hội vừa là thực tại hữu hình nhưng cũng vừa là vô hình, Giáo hội cộng sinh ý người và ý Chúa để thực thi sứ mệnh của mình được hoàn thiện hơn.

Để kết thúc, xin trích dẫn một đoạn viết về “Giáo hội năm 2000” của hồng y Koenig, tháng 12.1974 (Jean Combay, tr. 230) :
Giáo hội trong tương lai sẽ đơn giản hơn trong nhiều điểm. Giáo hội sẽ không phê phán hay quyết định gì về những vấn đề Giáo hội không thông thạo (…)Trong tương lai, người ta sẽ có một tôn giáo của tự do, không hạn chế những đặc điểm riêng của con người, vì nơi nào có Thánh Thần của Chúa hoạt động, nơi đó phải có tự do (…).

Giáo hội của tương lai tự làm cho mình nên nhẹ nhàng để trở thành linh động. Giáo hội đó không tự trang bị cho mình những bộ máy nặng nề, như những loại xã hội chỉ có thể dựa vào sức mạnh của cơ chế… Một Giáo hội truyền giáo đòi hỏi tính sáng tạo, Giáo hội đó không để chết cứng vào cơ chế quá khứ, như thể sống chết cũng phải lệ thuộc vào nó, nhưng Giáo hội sẽ sáng tạo nên những cơ chế mới theo lời mời gọi của Thánh Thần và những nhu cầu của thời đại ; tin tưởng vào cuộc đời và dưới sự thúc đẩy của Thánh Thần, Giáo hội dám liều loại bỏ cơ cấu nếu việc phục vụ Tin Mừng đòi hỏi.

Là Giáo hội truyền giáo, Giáo hội cộng sinh với khung cảnh văn hóa và xã hội, Giáo hội chấp nhận những chân lý và giá trị của cộng đồng xã hội đó ; Giáo hội không dựng nên những pháo đài, không đào hào để tự vệ, và cũng không vũ trang để xâm chiếm[7].

[1] Yves Congar, con người và tư tưởng, Trung tâm Học vấn Đa Minh 2005, tr. 96.
[2] Sđd, tr 97.
[3] Sđd, tr 98.
[4] P. Hazard, la crise de la conscience européenne, Paris, Fayard, 1971, p.1.
[5] Xem thêm : Joseph Lortz, Lịch sử Giáo hội, q. 2, bản dịch Việt ngữ, không rõ tác giả, năm xuất bản và nơi xuất bản.
[6] Lm Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, Người Mục Tử Cộng Đồng, 1994. Tr.15.
[7] Px. Đào Trung Hiệu OP, Cuộc lữ hành đức tin, Giáo hội Phục hưng-Hiện đại-Giáo hội việt Nam, tr. 117.