Thứ Ba, 17 tháng 1, 2023

HỘP XƯƠNG GIACÔBÊ : VẬT CHỨNG ĐẦU TIÊN VỀ SỰ HIỆN HỮU CỦA CHÚA GIÊSU ?

Thời sự Thần học - Số 36, tháng 6/2004, tr. 114-126 (Phiên bản 2022, tr. 129-139)  

_Lm. Giuse Trần Trung Liêm, O.P._ 


Thật là kinh ngạc hết sức, một hộp đựng xương bằng đá vôi vừa mới xuất hiện tại Do Thái mà có lẽ nó đã từng tàng trữ xương cốt của thánh Giacôbê, em của Chúa Giêsu. Chúng tôi khẳng định điều này nhờ vào hàng chữ đặc biệt được khắc vào bên hông của nó. Hàng chữ rõ nét bằng tiếng Aram: Giacôbê, con của Giuse, (anh) em của Giêsu.

Đó là những hàng chữ đầu tiên trong bài tường thuật được đăng trong Nguyệt san “Biblical Archaeology Review” (tháng 11&12,2002), trang 25-33. Bài tường thuật được viết bởi André Lemaire, một nhà khảo cổ và chuyên gia cổ ngữ người Pháp. Kể từ khi bài tường thuật được phổ biến (ngày 21 tháng 10, 2002), báo chí và các cơ quan truyền thông đại chúng đã đề cập đến và đã dùng những tiêu đề giật gân như: Chứng Tích về Chúa Giêsu được Ghi Trên Đá; Chứng Tích Khảo Cổ Xưa Nhất Về Chúa Giêsu Được Tìm Thấy tại Giêrusalem; Hộp Đá Cổ Tàng Trữ Người Em Của Chúa Giêsu… Có người còn đi xa hơn và cho rằng một ngày gần đây, với bột xương còn dính lại trong hộp, các nhà khoa học có thể tìm được DNA của Giacôbê và như vậy sẽ biết được hiện tại ai là bà con của Đức Giêsu!

Đức Giêsu, cũng gọi là Đấng Kitô là một nhân vật mà có lẽ không ai trong thế kỷ 21 này lại không từng nghe nói đến. Người đã ảnh hưởng đến biết bao người, biết bao thời đại, biết bao quốc gia suốt 21 thế kỷ qua. Hằng trăm ngàn người thà hy sinh mạng sống của họ hơn là chối bỏ niềm tin vào Đức Giêsu, là Thiên Chúa và là Đấng Cứu độ. Tuy không ai hồ nghi về sự hiện hữu của Người, nhưng không ai có một bằng chứng cụ thể nào ngoài Kinh Thánh Tân Ước về con người Giêsu, gia thế, sự nghiệp và cuộc sống của Người. Mặc dù những văn bản Kinh Thánh Tân Ước đã xuất hiện rất sớm (giữa thế kỷ I), nhưng đây là những tài liệu do những người theo Đức Giêsu viết, truyền tay nhau và lưu trữ tại các thánh đường hay tại tư gia. Dưới con mắt các sử gia hiện đại, những văn phẩm này không có giá trị khách quan nhiều lắm. Tuy vậy, khi nghiên cứu lịch sử cổ đại, rải rác đây đó tuy không nhiều, nhưng cũng có những sử gia Rôma hay Do Thái nhắc đến nhân vật Giêsu cũng gọi là Kitô này. Nhưng tất cả những chứng từ này đều là những văn chứng chứ không phải vật chứng. Như thế, nếu hộp xương Giacôbê này là thật, thì đây là vật chứng đầu tiên và cổ xưa nhất về sự hiện hữu của con người Giêsu lịch sử.

1. Khám phá: Một tình cờ quá may mắn !


Từ tháng 4 đến tháng 9 năm 2002, chuyên gia cổ ngữ (chuyên môn về tiếng Do Thái Thánh kinh và Aram trong gia đình ngôn ngữ Semit vùng Đông Bắc Palestin) André Lemaire thuộc trường đại học Sorbonne, Paris đến giảng dạy tại trường đại học Do Thái Institude for Advanced Study. Lemaire tình cờ gặp một người sưu tầm đồ cổ và anh ngỏ ý mời ông đến xem đồ vật anh sưu tập. Khi Lemaire vừa thấy hình chụp hộp xương Giacôbê và hàng chữ trên đó – hàng chữ rõ nét và dễ đọc, ông đã lập tức nhận ra ngay giá trị của nó. Tập quán dùng hộp được đúc bằng đá vôi để đựng xương cốt của người quá cố đã rất thịnh hành từ khoảng năm 20 cho đến năm 70 sau Công Nguyên. Để giải quyết cho sự thiếu thốn đất đai, người ta dùng những hang động được khoét vào trong núi làm mồ. Mỗi một hang động như vậy là một nấm mồ lớn cho cả một đại gia đình. Thi hài của người quá cố được quấn trong một khăn liệm và chôn vào trong hang động này. Một năm sau, khi thi hài đã thối rữa, xương cốt của người chết sẽ được thu lượm lại và bỏ vào trong một hộp (hoặng rương) bằng đá vôi và được chôn vào lại trong hang động để dành được chỗ cho người sau. Đôi khi xương cốt của nhiều người được bỏ chung vào trong một hộp.
 
Thế là, Lemaire đã đích thân đến xem cổ vật. Hộp này ở đáy dài 50,5 centimét (20 inches) và trên miệng dài 56 cm (22 inches); rộng 25cm (10 inches) và cao 30,5 cm (12 inches). Một bên thành dài của hộp được khắc 20 chữ bằng tiếng Aram (là ngôn ngữ được sử dụng vào thời Đức Giêsu). Hàng chữ này được khắc liền nhau và theo lối khắc cổ xưa và rất cẩn thận, dài khoảng 19.5 cm (7,5 inches) và cao khoảng 0,9 cm (0,33 inch). Dòng chữ ấy mang nội dung như sau: “GIACÔBÊ, CON CỦA GIUSE, ANH EM CỦA GIÊSU.” Dựa vào kiến thức cổ ngữ Do Thái và Aram của mình đồng thời vào hình thù, cách viết chữ theo kiểu thời đại Hêrôđê và vị thế của các chữ, Lemaire khẳng định rằng những chữ viết này là xác thực và là lối chữ được sử dụng vào thời Đức Giêsu. Một điều làm ông hơi buồn đó là nguồn gốc không minh bạch của hộp xương. Chủ nhân của hộp xương cho biết anh đã mua hộp xương này 15 năm trước từ một thương gia người Ả Rập với giá vài trăm đô la và anh không còn nhớ người bán cho anh là ai nữa! Anh tin rằng hộp này đến từ những ngôi mộ ở Giêrusalem. Giá trị của hộp xương này không được mọi người công nhận vì nó không được các nhà khảo cổ đào bới lên.

2. Kiểm nghiệm


Chính Lemaire cũng hoài nghi, vì thế ông đã đã nhờ các nhà địa chất kiểm nghiệm xem có dấu hiệu nào cho thấy có sự thêm thắt hay thay đổi do con người thời đại này tạo ra không. Ngày 17 tháng 09, 2002, Bộ Kiểm Nghiệm Địa Chất tại Giêrusalem đã gởi thư trả lời và cho hay đã không tìm thấy dấu hiệu giả tạo nào nơi hộp xương này. Từ chất đá vôi, cho đến hàng chữ khắc và lối khắc chữ đều xác thực. Chất phấn của loại đá vôi từ hộp xương là loại phấn vôi phổ biến vào thời Hêrôđê. Kích thước của hộp xương cho thấy đây là hộp đựng xương cốt của người lớn. Hàng chữ và chất liệu của hộp xương đã được kiểm nghiệm kỹ lưỡng trong phòng khảo nghiệm bằng kính hiển vi tối tân. Các nhà khoa học đã kết luận rằng: “Lớp vỏ ngoài bám vào hộp không chứa đựng chất liệu hiện đại nào cả – chẳng hạn như màu nhuộm – và nó dính chặt vào mặt đá. Không có dấu nào cho thấy có sự đụng chạm nào của các dụng cụ đục đẽo hiện đại. Tóm lại, chúng tôi không tìm được bất cứ một bằng chứng nào làm suy giảm tính chất xác thực của chất liệu và chữ khắc trên hộp.” Căn cứ vào những khảo nghiệm này, hộp xương có thể được đoán hình thành vào đầu năm 60 và được sử dụng vào năm 63 – phù hợp với năm Giacôbê chịu tử đạo, năm 62.

Tiếng Aram được viết từ phải sang trái và được phiên âm như sau: 
Ya`akov bar Yosef akhui di Yeshua.

Sau khi đã kiểm nghiệm sự xác thực của hộp xương, hàng chữ Giacôbê, con Giuse, anh em Giêsu nói lên cho người xem điều gì ? Nên biết Giacôbê, Giuse, và Giêsu là ba tên rất phổ thông vào thế kỷ thứ nhất. Trong danh sách các hộp xương do Levi Yizhap Rahmani phân loại, có 233 hộp được khắc tên người quá cố. Cả ba tên riêng này xuất hiện rất thường xuyên trong số 233 hộp được khắc tên: Giuse xuất hiện 19 lần, Giêsu 10 lần và Giacôbê 5 lần. Lemaire cho rằng nếu dân số thành Giêrusalem thời ấy khoảng chừng 80.000, có lẽ đàn ông vào khoảng 40.000. Trong thành Giêrusalem khoảng hai thế hệ người sống trước năm 70, có lẽ chỉ có 20 người rơi vào phạm trù: Giacôbê, con Giuse, (anh) em Giêsu. Trong số 20 người này, không biết mấy người được cải táng và xương cốt được chôn giữ trong hộp xương; và trong số những người xương cốt được chôn giữ trong những hộp xương, không biết có mấy người tên lại được khắc trên hộp xương! Có giúp gì cho chúng ta khẳng định người nằm trong hộp không, khi hàng chữ không những nhắc tên cha mà còn cả tên anh em ruột của người quá cố nữa ? Việc ghi thêm tên cha của người quá cố cũng là một việc khá phổ biến, nhưng nêu cả tên anh em ruột với người quá cố thì thật là hiếm hoi. Thêm tên của người anh em ruột với người quá cố cho thấy người thân nhân đó phải là nhân vật quan yếu và nổi tiếng. Ai là hai nhân vật nổi tiếng vào khoảng thời gian này nếu không phải là Giacôbê, giám mục thành Giêrusalem và Giêsu người anh của Giacôbê và cũng là người sáng lập ra Kitô giáo mà liên hệ anh em của họ được nói đến trong Tân Ước (Matthêu 13,55-56; Galát 1,19)! Có khoảng 6 đến 7 nhân vật mang tên Giacôbê được nhắc đến trong Tân Ước:Tông đồ Giacôbê con ông Giêbêđê (Maccô 3,17) là anh em với tông đồ Gioan,
  1. Tông đồ Giacôbê con ông Alphêô (Maccô 3,18),
  2. Giacôbê nhỏ (hay Giacôbê hậu) có mẹ tên là Maria người chứng kiến cảnh Đức Giêsu chịu khổ hình (Maccô 15,40),
  3. Giacôbê là thân phụ của tông đồ Giuđa (Tađêô) (Luca 6,6; Công vụ Tông đồ 1,13),
  4. Giacôbê là anh em với Giuđa (thư Giuđa 1,1),
  5. Giacôbê là tác giả của thư Giacôbê (1,1),
  6. Giacôbê anh em của Chúa (Galát 1,19).
Theo thánh Giêrônimô (năm 383 sau Công Nguyên), Giacôbê con Alphêô cũng chính là Giacôbê nhỏ mà mẹ tên là Maria (Maccô 15,40); vì trùng tên với Đức Mẹ Maria nên người ta đã hiểu lầm Giacôbê này là anh em ruột với Đức Giêsu như thấy trong Maccô 6,3. Như vậy, thánh Giêrônimô hiểu về anh (chị) em Đức Giêsu là những người anh chị em họ con của Maria và Alphêô. Sử gia Eusêbiô lại hiểu là anh em họ theo anh em của thánh Giuse, đó là ông Clôpat mà vợ là Maria được nhắc đến trong Gioan 19,25 (Eusêbiô, Lịch Sử Giáo hội III, 11). Michael Walsh, trong sách Hạnh Các Thánh của Butler, cũng hiểu anh em theo lối anh em họ và đồng hóa tông đồ Giacôbê con Alphêô với Giacôbê nhỏ và cũng là Giacôbê anh em của Chúa Giêsu (Matthêu 13,55; Gal 1,19). Giacôbê này cũng là tác giả thư Giacôbê. Như vậy, tuy có vẻ như có đến 7 Giacôbê, nhưng trên thực tế chỉ có 3 mà thôi: Giacôbê là cha của Giuđa (Tađêô), tông đồ Giacôbê con ông Giêbêđê, anh em với tông đồ Gioan, và tông đồ Giacôbê con Alphêô, cũng là Giacôbê Nhỏ, cũng là Giacôbê anh em với Chúa Giêsu, cũng là giám mục tiên khởi của Giêrusalem và cũng là tác giả thư Giacôbê. Các anh em Tin lành không chấp nhận lối giải thích này và họ cho rằng có ít nhất 3 Giacôbê: hai tông đồ Giacôbê và Giacôbê là em của Chúa Giêsu và cũng là giám mục thành Giêrusalem. Nếu người ta có thể chứng minh được hộp xương Giacôbê là thật, và tên được khắc trên đó chính là những nhân vật được nhắc đến trong Tân Ước, thì ít nhất có ba Giacôbê được nêu tên trong Tân Ước; và Giacôbê thứ ba này chính là con Giuse và cũng là anh em của Chúa Giêsu.

3. Phản ứng


Khi bài báo về chiếc hộp xương Giacôbê này được công bố, phản ứng của độc giả không giống nhau, có khi còn trái ngược là đàng khác. Thái độ chung của giới truyền thông đại chúng thì cho rằng đây là một khám phá lớn lao của thế kỷ 21 và được so sánh như khám phá những bản thảo bằng tiếng Do Thái và Aram tại cộng đoàn Qumran ở Biển Chết, nước Palestin vào giữa thế kỷ 20. Phần lớn các nhà chuyên môn về cổ ngữ thì lại cho rằng đây là một trò gạt gẫm. Họ công nhận hộp xương là thật nhưng hàng chữ viết trên hộp không hoàn toàn nguyên thủy. James Vanderkam, giáo sư Kinh Thánh Do Thái tại trường đại học Notre Dame, Indiana, Mỹ, cho rằng có lẽ có người thời đại này đã khắc những hàng chữ lên trên một hộp xương đã có từ thế kỷ thứ nhất. Eric Myers của trường Đại học Duke, Mỹ, khi tận mắt nhìn thấy hộp xương đã nghi ngờ về tính xác thực của hàng chữ “anh em của Giêsu” và cho rằng đã có người thêm vào sau này. Dr. Rochelle Altman, cộng tác viên của Ioudaiois-L và là chuyên viên về cổ ngữ, cũng đã lên tiếng và đã chiết tự kỹ lưỡng những hàng chữ trên hộp xương cũng đi đến cùng một kết luận như Myers.

Thái độ của phần lớn các chuyên viên cổ ngữ và các học giả Kinh Thánh đều là hoài nghi. Hộp xương có nguồn gốc đáng ngờ bởi vì nó được mua từ một con buôn tại chợ trời và lại được giữ kín tại tư gia trong suốt 15 năm trời! Căn cứ theo lời khai của chủ nhân, anh Oded Golan, thì anh mua hộp xương này khi anh chỉ có 16 tuổi – không biết anh lấy tiền ở đâu và thích thú với việc sưu tầm đồ cổ này khi nào ? Theo bài báo của Andre Lemaire trên báo Biblical Archaeology Review thì khi ông đến xem xét hộp xương, hài cốt của người quá cố đã không còn trong hộp. Thế mà, theo lời của chủ nhân hộp xương, khi trả lời phỏng vấn của tuần báo Time, số ra ngày 04 tháng Mười Một, 2002, thì khi anh mua cổ vật này, một số mảnh xương của người quá cố vẫn còn trong hộp và anh đã lấy ra cho vào một chỗ khác, cùng với những xương vụn mà anh thâu lượm được từ các hộp xương khác. Theo cha Jerome Murphy-O’Connor, O.P., một nhà khảo cổ Kinh Thánh tại trường Kinh Thánh Giêrusalem, khoảng 60% đồ mua được tại các chợ trời là giả tạo và cho dẫu hộp xương là thật, thì những hàng chữ trên hộp cũng chẳng thêm gì vào những gì chúng ta đã biết qua Tân Ước. Fr. Joseph Fitzmyer, dòng Tên, là giáo sư Kinh Thánh tại trường Đại học Công giáo Mỹ ở Washington, DC và là một chuyên viên cổ ngữ Kinh Thánh, làm việc trong những ngày đầu tiên khi các chuyên viên khảo cổ đến đào bới các hang động ở Qumran, Biển Chết, cũng công nhận cách viết chữ anh em trên hộp xương rất lạ lùng nhưng lại phù hợp với một vài cách viết của thế kỷ thứ nhất đã được các chuyên viên khảo cổ đào bới lên. Tuy vậy, cha Fitzmyer vẫn không cho rằng người ta có thể chứng minh được ba tên được khắc trên hộp xương chính là những nhân vật được nói đến trong Kinh Thánh Tân Ước.

Thực ra, có một vài nhân vật được nhắc đến trong Tân Ước đã được tìm thấy những vật chứng nói lên sự hiện hữu của họ và vai trò của họ trong lịch sử; nhưng những nhân vật này đều nắm giữ những vai trò quan yếu trong xã hội Rôma hay Do Thái. Phần lớn những vật chứng này là các đồng tiền Rôma có khắc các danh hiệu và tước vị của các hoàng đế Rôma, và cũng có cả những đồng tiền mang tên hiệu của Hêrôđê Cả (cai trị Giuđêa từ năm 37 đến năm 4 trước Công nguyên) và Hêrôđê Agripa II (cai trị từ năm 50-93 sau Công nguyên) nữa. Trong số những hộp đựng xương cốt thì phải kể đến hộp đựng xương có khắc tên “Giuse Con Caipha” được tìm thấy ở một huyệt mộ tại Giêrusalem năm 1990. Trong hộp này, các nhà khảo cổ tìm được xương cốt của nhiều người, trong đó có người khoảng 60 tuổi mà các nhà khảo cổ cho là của Caipha, Thượng tế của Giêrusalem, người tra hỏi Đức Giêsu trước khi giải Người lên cho Philatô. Trong số hơn 200 hộp xương có khắc tên mà các nhà khảo cổ đã tìm được, thì có hai hộp mang tên: “Giêsu Con Giuse” và một hộp khắc tên: “Giêsu Con Đavít”, nhưng không ai nghĩ một trong ba hộp này đựng xương của Đức Giêsu, Đấng được gọi là Kitô trong Tân Ước.

Khi tôi đọc lại những chỗ trong Tân Ước có nói đến anh chị em của Đức Giêsu, có một điểm làm tôi chú ý nhiều nhất. Các tác giả sách Tin Mừng luôn luôn dùng một cụm từ “anh (chị) em của Người” để chỉ về những người này mà không hề nêu danh của Đức Giêsu (Matthêu 13,56), và khi nêu danh thì chỉ nêu danh của những người được gọi là “anh chị em của Người” (Maccô 6,3 “Người này không phải là bác thợ mộc, con bà Maria, và anh em của các ông Giacôbê, Gioxê, Giuđa và Simon sao ?) Riêng thánh Phaolô thì lại dùng cụm từ “Anh em của Chúa” (1Côrintô 9,5; Galát 1,19). Cụm từ “Anh Em của Giêsu” không hề thấy trong toàn bộ Tân Ước, mà chỉ được Josephus, sử gia người Do Thái dùng mà thôi! Khi đề cập đến việc xử chết bằng hình phạt bị ném đá của một nhân vật tên là Giacôbê, Josephus thêm: “…người anh em của Giêsu, cũng được gọi là Kitô” (Antiquities of the Jews, quyển 20, chương 9, đoạn 1). Theo sử gia Josephus, Giacôbê chịu tử đạo vào khoảng năm 62, như vậy Kitô giáo đã hiện diện được gần 30 năm. Trong quãng thời gian này, các tín hữu đã tin Đức Giêsu cũng chính là Đấng Kitô và cũng là Thiên Chúa. Tên hiệu “GIÊSU” đối với họ đã là danh thánh. “Như vậy, khi vừa nghe danh thánh GIÊSU, cả trên trời dưới đất và trong nơi âm phủ, muôn vật phải bái quỳ” (Philipphê 2,10). Với một lòng kính trọng danh hiệu Giêsu như thế, dòng chữ: Giacôbê, Con Giuse, Anh Em Giêsu trên hộp xương Giacôbê khó có thể do các tín hữu thời đầu để lại.

Kết luận


Nếu hộp đựng xương cốt này là thật, phải chăng đây là vật chứng nhân tạo đầu tiên về sự hiện hữu của Đức Giêsu trong lịch sử nhân loại và vật chứng này lại chứa đựng những dữ kiện phù hợp với những gì được ghi lại trong một số văn phẩm Tân Ước ? Nếu quả thế, thì đây thực sự là một vật chứng vô cùng quí giá!

Tuy nhiên, cho dẫu tính chân thật của hộp xương Giacôbê được chứng minh rõ ràng và được mọi người, mọi thành phần công nhận thì điều đó vẫn không có nghĩa là các tên: GIACÔBÊ, GIUSE, GIÊSU được ghi trên hộp xương lại đích thị là ba nhân vật được đề cập đến trong Tân Ước. Ngay cả khi có ai đó chứng minh được ba nhân vật này đích thực là những người mà các kitô hữu vẫn nhắc đến, thì sự kiện này có làm thay đổi niềm tin của chúng ta vào Đức Giêsu, Đấng được gọi là Kitô, là con bác thợ mộc Giuse và là con Đức Mẹ Maria không ? Chắc chắn câu trả lời là không! Bởi lẽ, tất cả những gì chúng ta biết được về các nhân vật này, hộp xương chẳng cung cấp cho chúng ta. Tất cả những gì chúng ta biết được về Giacôbê, về Giuse, về Đức Giêsu đều từ giáo huấn của các Tông Đồ, các môn đồ của họ và được ghi lại trong Kinh Thánh Tân Ước. Trên thực tế, hộp xương chẳng cho chúng ta hay điều gì mới lạ cả; và nếu không có Kinh Thánh Tân Ước, chúng ta chẳng thể biết Giacôbê, Giuse, Giêsu là ai cả. Điều đáng chú ý hơn cả nơi hộp xương Giacôbê chính là việc nó đã làm sôi động lại những thắc mắc và những cuộc tranh luận về gia thế của Đức Giêsu. Những người anh chị em của Đức Giêsu được nhắc đến trong Tân Ước (Matthêu 13,55-56; Cvtđ 1,14; Galát 1,19; 1Côrintô 9,5), có liên hệ như thế nào với Đức Giêsu, anh em ruột hay anh em họ hay chỉ là bà con xa ?