Thứ Bảy, 26 tháng 3, 2022

TRUYỀN THỐNG KITÔ GIÁO VỀ CHIẾN TRANH CHÍNH NGHĨA

Thời sự Thần học – số 31, tháng 03/2003, tr. 96-109

_Lisa Sowle Cahill_

Lisa Sowle Cahill là giáo sư thần học tại Boston College ở Newton, bang Massachushetts, Hoa Kỳ. Bà là tác giả của cuốn Love Your Ennemies : Discipleship, Pacifism and Just War Theory và mới đây là cuốn Family : A Christian Social Perspective. Bà từng giữ ghế Chủ tịch Hội Thần học Công giáo Hoa Kỳ và Hội Đạo đức Ki-tô giáo Bắc Mỹ. Bùi Minh Đức dịch từ Concilium, No 290, 2001.

Giáo hội sơ khai cấm mọi tín hữu tham gia vào các vụ bạo loạn, chiến tranh và khuyến khích con cái mình không nên phục vụ quân đội. Tuy nhiên, những lời biện minh của Ki-tô giáo về chiến tranh lại nảy sinh vào thế kỷ thứ IV, dưới thời thánh Augustin và tôn sư của ngài là thánh Ambrosio. Chính thánh Augustin và thánh Thomas Aquino, vị thần học gia lỗi lạc thời Trung đại đã đặt nền móng cho học thuyết của Giáo hội Công giáo về chiến tranh chính nghĩa, được các nhà Cải cách thế kỷ thứ XVI như Martin Luther và Jean Calvin áp dụng.

I. NHỮNG VẤN ĐỀ NGUYÊN THUỶ


Thần học gia Bắc Mỹ John Courtney Murray viết về lý thuyết chiến tranh chính nghĩa rằng : “thái độ nội tại duy nhất được nuôi dưỡng bằng giáo thuyết truyền thống là ước muốn hoà bình, trong giới hạn nhất định, dẫn đến ước muốn tôn trọng giới luật tìm kiếm hoà bình bằng vũ trang. Nhưng đây là ước muốn luân lý vì nó đồng nhất với ước muốn công bằng.” Chúng ta biết rằng, ngay từ sớm, Giáo hội Công giáo không dự kiến đến việc huỷ bỏ chiến tranh. Murray viết tiếp rằng, quan điểm Ki-tô giáo về học thuyết chiến tranh chính nghĩa “còn tìm cách thoả mãn ba chức năng truyền thống : lên án chiến tranh như là cái ác, hạn chế cái ác mà nó sẽ gây ra và làm dịu bớt đến mức tối đa cách thức gây chiến.” Thế nhưng từ năm 1959, Murray đã hiểu rõ “các sự kiện trong đời sống quốc tế và những tiến bộ kỹ thuật ngày nay” có thể làm thay đổi sâu sắc khả năng ứng dụng và tính đáng tin cậy của học thuyết chiến tranh chính nghĩa[1].

Luận chứng của Murray chỉ rõ những điểm gút trong khái niệm chiến tranh chính nghĩa, nhất là khi chúng ta dựa trên đó để đối chiếu với những giá trị Ki-tô giáo. Murray tuyên bố chiến tranh hướng đến hoà bình và đôi khi cần thiết phải sử dụng bạo lực để đạt được hoà bình và công lý. Tuy nhiên, ông cũng nhận thấy cần phải hạn chế chiến tranh và lên án nó như một “cái ác”. Từ đó nảy sinh nhiều vấn đề : Liệu hoà bình xã hội có được thực hiện hoàn toàn bằng biện pháp vũ lực không ? Trong chiến tranh, liệu có ích gì khi các Ki-tô hữu tham gia giết chóc như một phương cách để đạt hoà bình ? Liệu có hạn chế được hậu quả của chiến tranh, nhất là vì sức phá huỷ đáng sợ của vũ khí hiện đại ? Lời bào chữa và việc điều chỉnh chiến tranh có được tán thành, cho phép và ngay cả khuyến khích chiến tranh không ? Một cuộc chiến “chính nghĩa” liệu có mâu thuẫn ngay trong từ ngữ không, vì chiến tranh chính là cách thức thuận lợi để kẻ mạnh giết người không vì lợi ích chung, nhưng vì lợi lộc ích kỷ của họ ?

Mối bận tâm hàng đầu của các tác giả truyền thống là quyền tuyên chiến (jus ad bellum) còn các tác giả hiện đại lại lưu ý đến các phương tiện được sử dụng trong chiến tranh (jus in bello). Những biện pháp kỹ thuật dùng để giết người được Murray trưng dẫn liệu có phân biệt rạch ròi giữa quân sự và dân sự ? Chiến tranh có thoát khỏi sự kiểm soát, trở thành cuộc tấn công vô luân và vô lương tâm đối với những người vô tội và phá huỷ một xã hội đang đồng cư hoà hợp không ?

II. NHỮNG GƯƠNG MẶT LỚN TRONG TRUYỀN THỐNG VỀ CHIẾN TRANH CHÍNH NGHĨA


Tư tưởng Ki-tô giáo về chiến tranh chính nghĩa dựa trên tư tưởng của thánh Augustin và thánh Thomas. Các vị này đồng ý rằng chiến tranh thật khó lòng dung hoà với giáo huấn của Đức Giê-su, và trong một số ít trường hợp chỉ được phép dùng bạo lực để bảo vệ hay tái lập hoà bình. Và các vị này có những cách tiếp cận khác nhau để biện minh cho chiến tranh chính nghĩa. Thánh Augustin mong muốn đưa bác ái Ki-tô giáo vào chiến tranh, trong khi thánh Thomas lại thấy đó là đức công bằng phải thực hiện vì lợi ích chung. Mỗi vị có những điểm mạnh và giới hạn riêng của mình.

1. Thánh Augustin (354-430)


Trong khi các Ki-tô hữu, vào ba thế kỷ đầu, chỉ là nhóm người thiểu số thường bị Nhà nước La Mã xem như nhóm người chờ lật đổ, cùng tín ngưỡng mới nguy hiểm, thì các Ki-tô hữu dưới thời thánh Augustin lại được hưởng nhiều quyền lợi nhờ quyết định của hoàng đế Constantinus nhìn nhận Ki-tô giáo như chính đạo. Điều này dẫn đến sự thay đổi quan trọng trong thái độ của người Ki-tô hữu đối với chiến tranh vì nó là một phương tiện để bảo vệ Nhà nước bảo trợ họ. Các Ki-tô hữu không còn đứng ngoài vị trí chính trị, nhưng tham gia chính trường để thiết lập và duy trì bộ máy nhà nước. Nên biết thánh Augustin là một giám mục ở Bắc Phi, một tỉnh thuộc Đế quốc La Mã. Ngài quan niệm chiến tranh có thể được biện minh như là biện pháp trừng phạt hay tự vệ. Lúc còn trai trẻ, ngài từng nghe giám mục Ambrosio giảng ở Milan và giống như thánh Ambrosio, Augustin cũng tán thành quy tắc chiến tranh chính nghĩa của nhà nước La Mã. Tuy nhiên cả hai vị này đều cảnh báo ơn gọi mang tính Tin mừng của người Ki-tô hữu cấm họ không được dùng bạo lực để tự vệ cá nhân.

Một trong những tác phẩm chính của thánh Augustin là cuốn Thành đô Thiên Chúa, được viết vào cuối đời khi Đế quốc La Mã đang bị đe doạ trước hoạ xâm lăng của quân man di. Trong tác phẩm này, ngài trình bày bối cảnh trong đó việc hoà giải theo các giá trị Ki-tô giáo là cần thiết để biện minh cho chiến tranh. Người Ki-tô hữu sống đồng thời giữa hai thành đô : một ở thiên giới và một ở hạ giới. Thành đô thiên quốc được xây dựng bằng tình yêu Thiên Chúa, chỉ có thành đô này mới đem lại hạnh phúc và hoà bình đích thực. “Hoà bình của thành đô thiên quốc là niềm vui trọn hảo trong trật tự và hài hoà của Thiên Chúa và giữa người này với người kia trong Thiên Chúa. Hoà bình của vạn vật là ở yên trong trật tự.[2]” Thành đô này hiện diện trong lịch sử rất mong manh và phiến diện. Cuộc sống con người trên trần gian thường đặt dưới chế độ của thành đô hạ giới, thành đô này không được xây dựng bằng lòng thương xót và tình yêu Thiên Chúa nhưng bằng tình yêu vị kỷ, sức mạnh, quyền lực và lợi lộc[3]. Hoà bình tạm thời là mục đích cao nhất của thành đô hạ giới, nhưng nó chỉ tồn tại một cách tạm bợ. Hoà bình ấy còn hiếm hơn cả “niềm an ủi nỗi khốn cùng của chúng ta[4]”. Thế nhưng nó lại rất chính yếu cho khả năng thiết lập một đời sống xã hội có trật tự mà chúng ta phải tìm kiếm và bảo vệ cho dù phải trả giá bằng chính sự sống. Augustin từng nói với viên toàn quyền Bắc Phi Bonifacio, đừng bao giờ đánh mất mục đích của hoà bình nhưng chiến tranh có thể cần thiết để bảo đảm hoà bình.[5]

Vì ý nghĩa trọn vẹn của người Ki-tô hữu là sắp đặt mọi vật trong tương quan với Thiên Chúa, cái Thiện Tối cao, Augustin giải thích việc biện minh về chiến tranh như một bổn phận của đức ái Ki-tô giáo chứ không đơn giản như một nhu cầu xã hội trên trần thế này. Augustin ý thức rằng, lời biện minh về bạo lực này có thể mâu thuẫn với giáo huấn của Đức Giê-su. Trong Bài giảng trên Núi (Mt 5, 38-48), Đức Giê-su nói với các môn đệ về việc “đưa má kia” hơn là dùng bạo lực để đối lại bạo lực ; Augustin bảo rằng không nên hiểu những lời này theo nghĩa mặt chữ. Lệnh truyền vứt bỏ bạo lực là “một giới lệnh nhắm đến việc chuẩn bị trái tim chứ không hoàn toàn thấy rõ hành vi[6].” Theo thánh Augustin, nó tượng trưng cho xu hướng bất bạo động và sự hy sinh nhưng điều đó không có nghĩa bạo lực không phải bao giờ cũng không được phép. Ngài nghĩ rằng, xu hướng yêu thương vẫn có thể tồn tại ngay cả khi phải giết chóc.

Thực ra, thánh Augustin so sánh việc giết chóc trong chiến tranh giống như hành vi sửa phạt của người cha đối với con cái.[7] Trong cả hai trường hợp này, lý do có thể là yêu thương vì một hành vi cưỡng bức đôi khi có khả năng làm cho tội nhân bỏ con đường xấu, đưa đến hoán cãi và ăn năn. Như vậy, thánh Augustin có thể xếp chung hành động luân lý giới hạn bên ngoài với luật mến Chúa yêu người và với người thân cận. Lợi điểm của lời giải thích về sự kiện giết chóc trong chiến tranh luôn đòi buộc Ki-tô hữu lượng giá hành động của mình theo tiêu chuẩn Tin mừng và tình yêu vô hạn của Thiên Chúa. Nhưng điểm bất lợi là làm cho đức ái Ki-tô giáo trực tiếp liên hệ đến việc phá huỷ sự sống con người.

Đối với thánh Augustin, nguyên nhân và thẩm quyền rất quan trọng để lượng giá chiến tranh và xác định rõ xem chiến tranh có thực sự thể hiện đức ái Ki-tô giáo đối với tha nhân hay không : “Hoà bình và an ninh của cộng đồng” là lời biện minh cho chiến tranh và bảo đảm là chiến tranh được thực hiện theo ý muốn của Thiên Chúa. Cá nhân một người lính sẽ vô tội, ngay cả khi anh ta thực hiện một “mệnh lệnh bất chính” của nhà vua, vì nhà vua là người có thẩm quyền cao nhất để xác định cuộc chiến có lý do chính đáng hay không[8]. Những tội ác trong chiến tranh không phải là những sự kiện khách quan tức là cái chết và sự tàn phá, nhưng là những cái ác thuộc về tính cách luôn đi kèm theo : “yêu thích bạo lực, trả thù tàn bạo, thù nghịch hung tợn và không khoan nhượng, kháng cự dã man, vui thú với bạo lực và vân vân.[9]” Giống như phần lớn các tác giả trước thời cận đại khác, Augustin không chú trọng nhiều đến những tiêu chuẩn làm sao để tiến hành chiến tranh cho chính nghĩa ngay khi vừa được tuyên bố. Trước tiên, ngài quan tâm nhiều hơn đến những lý do để có thể tham chiến, rồi sau đó giữ vững phong thái Ki-tô giáo ngay cả khi người ta tiếp tục sống đời binh nghiệp vì chiến tranh bắt buộc.

Tóm lại, chúng ta có thể tìm thấy trong tư tưởng của thánh Augustin ba tiêu chuẩn cơ bản để tiến hành một cuộc chiến chính nghĩa nhằm đạt tới hoà bình trong một thế giới bị suy sụp : nguyên nhân chính đáng, thẩm quyền hợp pháp và ý hướng ngay lành. Những tiêu chuẩn này được thánh Thomas tiếp tục triển khai.

2. Thánh Thomas Aquino (1225-1274)


Thomas Aquino sinh ở Italia dưới triều đại của hoàng đế Frédéric II. Ngài trở thành linh mục Dòng Anh em Thuyết giáo và giảng dạy ở Đại học Paris, trung tâm trí thức sôi động nhất vào thời đó. Nếu yếu tố mới mẻ dưới thời Augustin là cuộc đối thoại giữa giáo lý Ki-tô giáo với chính trị, thì vào thời Thomas Aquino, đó là liên minh giữa Ki-tô giáo với các trường đại học. Thần học và đạo đức học của Thomas Aquino dựa trên Thánh kinh, tư tưởng của Augustin và triết học Aristote vừa mới được dịch sang tiếng La Tinh. Aristote giới thiệu một cách thức đặc biệt để khảo sát bản tính con người, hành động luân lý, xã hội và chính trị như chúng được chi phối bởi những nguyên lý nội tại riêng của chúng. Vì thế muốn hiểu những điều ấy, phải nhờ đến nghiên cứu triết học chứ không chỉ dựa vào giáo huấn của Giáo hội và mạc khải mà thôi. Thomas luôn để ý đến hướng đi có tính cách tôn giáo rộng lớn hơn trong đời sống con người và tìm sự kiện toàn tối hậu của đời sống con người nơi Thiên Chúa. Ngoài ra, ngài còn đề cập đến vấn đề khác như biện minh cho chiến tranh dựa trên tư tưởng tích cực về trật tự chính đáng trong cộng đồng chính trị. Nhờ Thomas Aquino, mà có việc khai triển về đạo đức học đối với nhiều khái niệm trọng yếu trong học thuyết xã hội của Giáo hội Công giáo như lý trí, công bằng, công ích, phẩm giá cá nhân và tính liên lập của mọi người trong cộng đồng.

Bên cạnh Thánh kinh và những tác phẩm của các Giáo phụ như Augustin, một nguồn quan trọng khác đối với thần học thế kỷ thứ XIII là Bộ giáo lệnh của Gratien. Đây là một phần của bộ giáo luật. Theo Gratien, một cuộc chiến chính nghĩa phải do giới chức có thẩm quyền tuyên bố và tiến hành nhằm khôi phục một chủ quyền bị đánh cắp hay để tự vệ chống xâm lược. Thomas đồng ý với Augustin rằng mục tiêu đầu tiên của chiến tranh chính nghĩa phải là hoà bình (chứ không phải là việc báo thù) và ngài nhấn mạnh đến ba tiêu chuẩn làm nên chiến tranh chính nghĩa : nguyên nhân chính đáng (để bảo vệ lợi ích chung), do giới chức hợp pháp tuyên bố (nhà vua) và ý hướng ngay thẳng (tìm kiếm hoà bình chứ không phải chỉ để tàn phá hay thu của cải)[10].

Dù rằng cách xử lý của Thomas về các phương tiện chính đáng trong chiến tranh không đầy đủ bằng các tác giả viết sau thời phát minh ra các loại vũ khí hiện đại, nhưng ngài vẫn quy trách một hình thức chiến tranh vẫn còn đang tranh cãi về mặt luân lý, đó là phục kích[11]. Giăng bẫy để bắt kẻ thù là việc có tính cách luân lý đáng ngờ, vì nó bao hàm việc đánh lừa. Tuy nhiên, Thomas biện minh cho cách thức chiến tranh này, vì trong chiến tranh cả hai bên đều biết trước điều đó ; điều này thuộc về quy ước trong chiến tranh, do vậy nó không phải là một kiểu dối trá[12]. Cả Thomas và Augustin đều không trực tiếp xem xét vấn đề chiến tranh có thể sát hại thường dân. Vấn đề này đã trở thành vấn nạn chính yếu trong Chiến tranh Thế giới II và cả sau đó nữa. Đừng quên rằng chuyện tấn công vào toàn thể thành phố không phải là hiện tượng mới có đây, vì từ thời xa xưa, người ta đã có thói quen vây hãm các trung tâm dân cư. Trong các nguồn tài liệu truyền thống, không thấy có nhiều những chỉ dẫn cho biết phân biệt lính tráng với thường dân, dù rằng những tài liệu ấy giả thiết là chiến tranh chỉ được tiến hành giữa những người lính của mỗi bên được trang bị vũ khí.

Trong tư tưởng của Thomas Aquino, cuộc tranh cãi về chiến tranh được trình bày như một việc thuộc về đức công bằng và nhằm lợi ích chung hơn là một việc thuộc về đức ái Ki-tô giáo. Lợi điểm của lập luận này là vẫn giữ được bản chất Tin mừng của người Ki-tô hữu, luôn đứng ngoài mọi dính dáng với chiến tranh và việc cướp đi sinh mạng con người. Thế nhưng kiểu lập luận này cũng giúp các Ki-tô hữu suy nghĩ về nghĩa vụ luân lý của mình thuộc hai phạm trù khác nhau vẫn còn căng thẳng với nhau. Theo thánh Thomas có ba cách, đối với việc giết chóc và chiến tranh, để giữ khoảng cách do đức công bình đòi hỏi phát xuất từ những đòi hỏi cao hơn của đức ái Ki-tô giáo. Trước tiên chúng ta hãy xem xét đề tài tranh cãi : “Gây chiến luôn có tội”. Quan điểm về chiến tranh được giới thiệu như là một sự vi phạm đức ái Ki-tô giáo, điều này giải thích đề tài xuất hiện trong chuyên luận về đức ái của ngài. Cách trình bày của ngài về vấn đề này tạo nên một lập trường mạnh mẽ lên án chiến tranh xét như một phương tiện để giải quyết những vấn đề xã hội, vì điều này hàm ý rằng chiến tranh luôn luôn là tội ác. Thứ hai, trong những trường hợp hoạ hiếm, chiến tranh có thể biện minh được, thì Thomas Aquino yêu cầu các linh mục và giám mục không nên tham gia vì ơn gọi đặc biệt của họ là phải noi gương bất bạo động của Chúa Ki-tô và phải hướng tâm trí đến những gì thuộc về Thiên Chúa[13].

Cuối cùng, thánh Thomas xem xét lời phản bác theo đó thì Bài giảng trên Núi cấm bất kỳ người Ki-tô hữu nào là không được giết người. Ngài theo chân thánh Augustin khi nói rằng, những giáo huấn này luôn luôn phải được hiểu “theo một điều kiện tốt của tinh thần”. Nhưng trong khi thánh Augustin coi điều kiện bên trong là đức mến và lấy đó làm động cơ ngầm của hành vi giết chóc, thì Thomas Aquino lại phân ra làm hai, khi ưu tiên biện minh sự kiện giết chóc bằng cách dựa vào đức công bằng và nhằm vào công ích, chứ không dựa vào lòng yêu mến đối với người mà ta giết chết. Trong khi vẫn để ý đến tầm quan trọng của lệnh truyền của Đức Giê-su là không được sử dụng bạo lực, ngài lại thêm : “Tuy nhiên, đôi khi một người cần thiết phải hành động khác đi nhằm lợi ích chung hay nhằm lợi ích của những người mà chúng ta chống lại[14]”.

Tóm lại, Thomas Aquino theo truyền thống xây dựng trên nền tảng của Augustin, nhìn nhận những bổn phận của đức ái Ki-tô giáo và coi tình yêu Thiên Chúa là ưu tiên, nhưng việc giết người trong chiến tranh đôi khi được biện minh là nhằm tìm kiếm hoà bình và thiết lập công bình trong xã hội chính trị. Trong khi thánh Augustin xem sự kiện giết chóc như một công việc thuộc về đức ái Ki-tô giáo, Thomas lại đặt tính luân lý của chiến tranh trong phạm vi công ích và đức công bình đồng thời cũng chú ý phần nào đến việc hạn chế các phương tiện trong chiến tranh. Trong các tác phẩm của hai tác giả bậc thầy này cũng như trong toàn bộ truyền thống Ki-tô giáo, chưa có giải pháp nào xoá tan sự căng thẳng, thậm chí mâu thuẫn giữa việc tuân theo giáo huấn và noi gương Đức Giê-su với việc sử dụng bạo lực để nhằm có được một xã hội tốt đẹp hơn. Việc biện minh cho sức mạnh cưỡng chế, bạo lực và hành vi sát hại luôn là vấn nạn muôn thuở dưới cái nhìn của người môn đệ Đức Ki-tô và luân lý Ki-tô giáo.

Đề tài chiến tranh chính nghĩa được các thần học gia và các nhà giáo luật thế kỷ thứ XVI - XVII tiếp tục tranh cãi, họ khẳng định những nguyên tắc cơ bản của truyền thống vốn có từ trước. Tu sĩ Đa Minh người Tây Ban Nha Francisco de Vitoria (k.1492-1546) bổ sung thêm cho lý thuyết về chiến tranh chính nghĩa. Theo ông, hai bên tham chiến phải có luật lệ nào đó của bên mình và cách trình bày sáng sủa của ông về các nguyên tắc của chiến tranh chính nghĩa vẫn còn được áp dụng cho đến ngày nay[15]. Những nguyên tắc này không phải lúc nào cũng được trình bày cùng một cách thức như nhau nhưng chúng thường bao gồm hai phạm trù về luật tuyên chiến (jus ad bellum) và các phương tiện đúng đắn được sử dụng trong chiến tranh (jus in bello). Phạm trù thứ nhất gồm những tiêu chuẩn như thẩm quyền hợp pháp (tuyên chiến), nguyên nhân chính đáng và mục tiêu tìm kiếm hoà bình hay công ích (đồng thời theo suy đoán có “hy vọng thành công” bằng cách dùng chiến tranh). Phạm trù thứ hai gồm những tiêu chuẩn phân biệt hay miễn trừ của thường dân, giới hạn chiến thuật và tỉ lệ thiệt hại so với lợi ích đạt được.

Ngoài mâu thuẫn cơ bản giữa đức ái Ki-tô giáo với việc giết người, một căng thẳng khác nảy sinh trong lý thuyết này là khó khăn trong việc hạn chế những thiệt hại và giữ tỉ lệ thích đáng, hay phòng ngừa những thiệt hại không chỉ đối với sinh mạng của thường dân mà còn cả cơ sở vật chất và thể chế xã hội cần thiết để tái thiết xã hội sau chiến tranh ; nói cho cùng, phải bảo đảm ý hướng có tính cách đạo đức hay không, chú ý câu người ta vẫn nói : “might makes right” (kẻ mạnh có quyền) ; xác định xem ai là “thẩm quyền hợp pháp” và có quyền tuyên chiến. Ngày nay hơn bao giờ hết, trong nhiều trường hợp, chúng ta ý thức được rằng một lịch sử thù nghịch lâu dài cho thấy các bên đều chịu một phần trách nhiệm trong cuộc xung đột. Những cuộc xung đột tôn giáo và sắc tộc thường xảy ra giữa các quốc gia và ngay bên trong biên giới của một nước. Ngày nay, những vấn đề liên quan đến an ninh quốc tế và nhân quyền đang dẫn đến cái người ta gọi là “sự xói mòn chủ quyền quốc gia”. Biên giới các nước đang xê dịch, các bổn phận đối với quốc gia bị coi nhẹ, sự hiện diện (không phải lúc nào cũng hiệu quả) của Liên Hiệp Quốc và việc liên minh giữa các vùng và các thế lực chính trị đôi khi phải sử dụng lực lượng quân sự làm cho việc định nghĩa thẩm quyền hợp pháp thành khó khăn hơn thời các ông hoàng châu Âu hay thời các Nhà nước-quốc gia là tối cao và không xác định giới hạn được một cách rõ ràng. Vì vậy, thật khó áp dụng các tiêu chuẩn để biện minh cho chiến tranh.

III. NHỮNG KHAI TRIỂN GẦN ĐÂY


Từ sau Công đồng Vaticanô II, vào giữa thập niên 1960, giáo huấn của Giáo hội Công giáo ngày càng đi sâu vào các sự kiện quốc tế trong bối cảnh của công ích phổ quát hay toàn cầu mà những hoạt động của các quốc gia phải chú ý đến. Dưới thời đức thánh cha Gio-an XXIII, Phao-lô VI và Gio-an Phao-lô II, quan điểm chủ hoà được tôn trọng và khả năng biện minh cho chiến tranh bị đẩy lùi. Các nhân tố quan trọng là hiểm hoạ vũ khí hạt nhân, ý thức cho rằng chỉ chuẩn bị chiến tranh mà thôi tạo ra những bất công về kinh tế, xã hội, và chiến tranh phá huỷ những điều kiện xã hội để có hoà bình. Hầu như không thể tránh khỏi, chiến tranh duy trì hận thù thâm căn cố đế, đưa đến tình trạng kẻ chiên thắng thống trị bất công và làm mất tình trạng ổn định của người chiến bại. Năm 1963, trong Thông điệp Pacem in terris, đức thánh cha Gio-an XIII trách việc chạy đua vũ trang là gây ra bầu khí sợ hãi, ngốn hết những nguồn lực kinh tế và đe doạ tàn phá một cách vô luân. Ngài kêu gọi các nước giải trừ vũ khí hạt nhân, nhìn nhận Liên Hiệp Quốc là một cơ quan quyền lực quốc tế và nhấn mạnh đến “nền hoà bình thật sự và vững bền giữa các quốc gia” chỉ có thể “dựa trên sự tin tưởng lẫn nhau”, chứ không phải là dựa trên sự quân bình lực lượng, vũ khí hay sự sợ hãi[16].

Chính đức Gio-an Phao-lô II cũng kêu gọi tình liên đới giữa các dân tộc và rất thận trọng với tính cách khả dĩ biện minh của chiến tranh. Mặc dù không huỷ bỏ hoàn toàn lý thuyết về chiến tranh chính nghĩa, nhưng ngài cực lực phản đối giải pháp dùng bạo lực trong những cuộc đấu tranh xã hội : “Tôi tuyên bố với niềm xác tín trong đức tin Ki-tô giáo và với ý thức trách nhiệm rằng, bạo lực là cái ác, bạo lực không thể được chấp nhận như giải pháp để tháo gỡ khó khăn, bạo lực bất xứng với con người… Bạo lực huỷ diệt điều mà nó tuyên bố là bảo vệ : phẩm giá, sự sống, tự do của con người[17].” Trong những thông điệp như Sollicitudo rei socialis (1987) và Centesimus Annus (1991), ngài nhấn mạnh đến những đề tài về hợp tác quốc tế, công bằng xã hội, tôn trọng nhân quyền và phẩm giá con người, đồng thời cho thấy rõ chủ nghĩa tiêu thụ, chủ nghĩa duy vật và thái độ chính trị lèo lái của các quốc gia giàu có nhất góp phần gây ra những đau khổ của nhân loại và tàn phá lợi ích chung của thế giới như thế nào.

Thế nhưng, bất bạo động trong giáo huấn xã hội chính thức của Giáo hội Công giáo không có nghĩa là chấp nhận thoả hiệp với bạo lực và bất công trong các cuộc xung đột quốc tế. Đây là một thách thức ngày càng gia tăng. Nếu lý thuyết về chiến tranh chính nghĩa hoàn toàn bị loại bỏ, thì làm sao chúng ta có thể ước lượng và ngăn chặn việc một số chính quyền và nhóm phiến quân dùng bạo lực ? Và lực lượng đôi khi vẫn được biện minh là hợp pháp có thực sự bảo vệ những người vô tội, bất chấp các mâu thuẫn và những vấn nạn cố hữu mà không cần chọn các quốc gia và các liên minh quyền lực để can thiệp vào nội vụ của những nước khác hay không ?

Chiến tranh Vùng Vịnh là một minh hoạ cụ thể về vấn nạn luân lý của việc tự xưng là “can thiệp nhân đạo”. Nước Mỹ (một phần để bảo vệ nguồn lợi nhuận dầu hoả của mình) đã can thiệp vào đó với lý do Irak xâm lược Koweit, gây nên những hậu quả nghiêm trọng như chết chóc, tàn phá cơ sở hạ tầng ; ở Rwanda thì Mỹ và các nước khác lại từ chối can thiệp trước khi hàng triệu người bị thảm sát ; còn những cuộc xung đột sắc tộc và tôn giáo ở Đông Âu, nơi có nhiều Quốc gia can thiệp vào nhưng chỉ đạt được thành công rất “mong manh”. Vấn đề can thiệp nhân đạo – công lý, tỉ lệ cân xứng, khả năng thành công, “thẩm quyền” qua đó việc can thiệp được thiết lập, lãnh đạo và quyết định – là bước mới nhất để thực hiện lý thuyết chiến tranh chính nghĩa. Tuy nhiên, cuộc chiến giữa các Nhà nước-quốc gia và vũ khí hạt nhân vẫn chưa chấm dứt và những cuộc khủng bố quốc tế, đụng độ giữa các miền vì khác biệt văn hoá và tôn giáo tiếp tục gia tăng. Không có giải pháp đơn giản nào phù hợp với đạo đức Ki-tô giáo. Vì vậy bạo lực không thích hợp với gương Đức Giê-su và lệnh truyền yêu thương của Ngài, nó cũng không có quyền gì về mặt luân lý để bắt người vô tội phải chết và các xã hội bị hủy hoại khi tính can thiệp bằng quyền lực. Việc sử dụng bạo lực để chấm dứt bạo lực đặt ra vấn nạn nan giải, nhất là đối với các Ki-tô hữu, là làm sao tìm được các phương tiện loại bỏ binh lực, tránh chiến tranh, dấn thân vào việc tái lập hoà bình và hoà giải một khi chiến tranh xảy ra. Việc tái lập hoà bình và hoà giải là những mục tiêu để hiệp nhất các lý thuyết gia về chiến tranh chính nghĩa và chủ hoà trong kỷ nguyên mới, nơi những nguy hiểm, những thái độ cực đoan và những bất công không thể tránh khỏi trong chiến tranh mà mọi người đều thấy rõ.
 

Chú thích

[1] John COURTNEY MURRAY, sj., “Remarks on the Moral Problem of War”, in Theological Studies 20 (1959) 40-61, được trính lại trong Richard B. MILLER, War in the Twentieth Century : Sources in Theological Ethics, Louisville KY, Westminster/ John Knox Press, 1992, 260-261.
[2] Thành đô Thiên Chúa, 19, 13.
[3] Thành đô Thiên Chúa, 14, 28.
[4] Thành đô Thiên Chúa, 19, 27.
[5] Epist. ad Bonifacium, 189.
[6] De Serm. Dom. In Monte, 1.19.59.
[7] De Serm. Dom. In Monte, 20.63. Xem thêm Epist. ad Marcellin, 44.
[8] “Reply to Faustus the Manichean” 74-75, trong Writings in Connection with the Manichean Heresy, T& T Clark, 1952, 464-465.
[9] Ibid., 22.74, p. 463.
[10] Summa Theologiae, IIa-IIae, q. 40, art. 1.
[11] Summa Theologiae, IIa-IIae, q. 40, art. 3.
[12] Ibid.
[13] Summa Theologiae, IIa-IIae, q. 40, art. 2.
[14] Summa Theologiae, IIa-IIae, q. 40, art. 1, ad 1um.
[15] Xem De Indis et de Iure Belli Relactiones, Ernest Nys, Washington DC, Carnegie Institution, 1917.
[16] Pacem in terris, 126-129.
[17] Diễn văn đọc ở Dgrogheda, Ireland, 1979, Origins 9, 1979, 174.