Thứ Hai, 1 tháng 3, 2021

HOẠT ĐỘNG CỦA GIÁO HỘI CÔNG GIÁO TRONG CHIẾN TRANH THẾ GIỚI THỨ NHẤT

Thời sự Thần học - Số 81, tháng 08/2018, tr. 75-96 

_Hieronymus Bùi Thiện Thảo, O.P._ 

Chiến tranh thế giới thứ nhất là một thách thức lớn đối với Giáo hội. Sau khi nước Ý thống nhất năm 1870, tương quan giữa Giáo hội và nhà nước trở nên căng thẳng. Trong chiến tranh thế giới thứ nhất, đức thánh cha Biển Đức XV đã không ngừng gia tăng các hoạt động ngoại giao, và những hoạt động của người nhắm đến hai mục đích chính: nhân đạo và bác ái, mặt khác người còn tìm cách lên án chiến tranh và nỗ lực tái lập hoà bình. Với hiệp ước London năm 1915, nước Ý tìm cách loại bỏ Toà thánh khỏi mọi đàm phán hoà bình nhưng điều đó lại làm cho vai trò tinh thần của đức thánh cha càng thêm quan trọng. Vào cuối chiến tranh thế giới thứ nhất, chính Toà thánh đã nỗ lực can thiệp để góp phần chấm dứt mọi xung đột vũ trang và cứu vớt đế chế Áo-Hung vốn được coi như thành trì của Giáo hội Công giáo ở châu Âu mặc dù tiếng nói của Giáo hội không được lắng nghe.
Vụ ám sát vợ chồng công tước Franz Ferdinand von Österreich-Este (1863-1914), người kế vị ngai vàng của đế chế Áo-Hung, do chàng sinh viên Gavrilo Princip người Serbia theo chủ nghĩa dân tộc thực hiện ngày 28.06.1914 tại Sarajevo (thủ đô của Bosnia) được coi như nguyên nhân trực tiếp dẫn đến chiến tranh thế giới thứ nhất nhưng cuộc chiến tranh tàn khốc này đã manh nha ngay từ cuối thế kỷ thứ XIX. Vào thời điểm này, các dân tộc ở châu Âu bắt đầu dấy lên tinh thần dân tộc. Người Pháp muốn chống lại người Đức để đòi lại hai miền Alsace và Lorraine bị nước Đức chiếm đóng từ sau chiến tranh năm 1871. Trong khi đó, tinh thần dân tộc và ước muốn độc lập của các nước thuộc đế chế Áo-Hung và Osman (tiếng Anh: Ottoman Empire) cũng ngày càng mạnh mẽ hơn. Nước Ý vừa mới thống nhất cũng muốn giành cho mình những phần lãnh thổ nói cùng ngôn ngữ đang nằm dưới quyền của đế chế Áo-Hung. Nước Đức thống nhất (năm 1871) đã nhanh chống trở thành một cường quốc công nghiệp đang tìm kiếm thị trường và nguồn nguyên liệu cũng đã nhiều lần tìm cách thế chỗ nước Pháp ở một số nước thuộc châu Phi. Vì vậy, sau vụ ám sát công tước Franz Ferdinand, quan hệ ngoại giao của nhiều quốc gia ở châu Âu vốn đã mong manh càng trở nên căng thẳng. Ngay từ cuối tháng bảy năm 1914, Áo-Hung tuyên chiến với Serbia để dạy cho nước này một bài học vì nghi ngờ Serbia đứng đằng sau vụ ám sát kéo theo nhiều nước khác bước vào cuộc chiến và hình thành hai khối đối lập. Khối Đồng minh gồm Anh, Pháp và Nga (kể từ cuối tháng 5 năm 1915 có thêm Italia), khối Hiệp ước gồm Áo-Hung, Đức, đế chế Osman và Italia trước khi nước này rút khỏi khối Liên minh Trung tâm để gia nhập khối Đồng minh.

I. Giáo hội trong chiến tranh thế giới thứ nhất


Ngay từ khi chiến tranh vừa mới nổ ra, người Công giáo thuộc các quốc gia tham chiến đã ý thức được bổn phận của mình đối với tổ quốc cũng quan trọng như đối với Giáo hội. Họ sẵn sàng liên đới với những anh em đồng bào nhưng khác niềm tin hơn là ủng hộ những anh em đồng đạo nhưng lại là kẻ thù của dân tộc mình.

1. Các tín hữu Công giáo và công cuộc bảo vệ đất nước


Ngay từ khi nước Pháp vừa tuyên bố lệnh tổng động viên ngày 01.08.1914, người Công giáo đã thể hiện thiện chí cao độ đối với lời hiệu triệu khi tổ quốc lâm nguy. Theo các tài liệu lịch sử, ngay ngày hôm sau, rất đông người vốn khô khan nguội lạnh với việc giữ đạo đã rồng rắn xếp hàng lãnh nhận bí tích hoà giải. Các thánh đường chật ních người tham dự thánh lễ. Sở dĩ người Pháp trở nên sùng đạo vì chiến tranh đã gây ra một bầu khí đầy sợ hãi và bất an. Người ta không còn biết ngày mai sẽ ra sao, vì vậy, đức tin trở thành chỗ dựa duy nhất của con người. Hơn nữa, những người tình nguyện gia nhập quân đội trước khi lên đường cũng muốn cùng gia đình tham dự thánh lễ một lần nữa. Và cuối cùng, trong chiến tranh, chuyện chết chóc là điều khó lòng tránh khỏi nên họ muốn chuẩn bị bằng việc xưng tội và tham dự thánh lễ[1].

Ngay từ tháng tám năm 1914, số lượng tín hữu Công giáo ở Pháp gia nhập quân đội rất đông. Các linh mục và chủng sinh, theo luật nghĩa vụ quân sự được ban hành từ năm 1889, lần lượt lên đường nhập ngũ. Các tu sĩ cũng tình nguyện phục vụ trong quân đội. Nhiều vị từng bị những điều luật chống các dòng tu được ban hành năm 1901 và 1904 cưỡng bức rời khỏi nước Pháp để đến tá túc trong các xứ truyền giáo hoặc trong các tu viện ở những nước láng giềng (Anh, Bỉ, Thuỵ Sĩ, Ý, Tây Ban Nha…) cũng quay về phục vụ tổ quốc. Báo chí Công giáo tán dương lòng yêu nước của các tu sĩ từ nước ngoài trở về phục vụ đất nước. Theo ước tính, có khoảng 32 ngàn linh mục, nam nữ tu sĩ và chủng sinh gia nhập quân đội[2]. Không chỉ có ở Pháp, mà cả ở Ý và Anh, các Ki-tô hữu cũng rất nhiệt thành trong việc bảo vệ tổ quốc. Ban đầu, các linh mục, tu sĩ và chủng sinh chỉ phục vụ trong việc chăm sóc thương bệnh binh ở những vùng an toàn nhưng dần dần, họ cùng sát cánh bên cạnh những người cầm súng để chia sẻ những đau khổ và sợ hãi của người lính, và nhất là để động viên tinh thần và cử hành bí tích cho những thương binh hấp hối. Những người lính, bị cắt đứt với mọi liên hệ gia đình, coi các mục tử như những người thân của mình[3]. Qua những hoạt động của mình, các linh mục tuyên uý quân đội có ảnh hưởng rất lớn vì được binh sĩ ái mộ đến nỗi một số tờ báo có ác cảm với Giáo hội như tờ Bonnet Rouge (Mũ đỏ) hay tờ La Dépêche de Toulouse (Điện tín Toulouse) đã lên tiếng báo động. Các vị tuyên uý không chỉ giúp đỡ các quân nhân trong đời sống tinh thần nhưng cả trong đời sống vật chất như cải thiện điều kiện sống ở chiến trường vì họ nhận được sự trợ giúp của nhiều người.

Chính trong khi sát cánh cùng các chiến binh, nhất là những người trẻ tuổi, các linh mục tuyên uý càng cảm nhận được sự tàn phá của một nhà nước chủ trương không ủng hộ bất kỳ một tôn giáo nào (nước Pháp) vì những thanh niên này hầu như chẳng biết gì về đời sống tâm linh mặc dù họ được rửa tội ngay từ khi còn nhỏ. Năm 1916, cha Louis Lenoir đã biên soạn cuốn sách mỏng nhan đề L’Eucharistie au front (Thánh Thể ở mặt trận), một cuốn sách bỏ túi dành riêng cho các binh sĩ Công giáo để giúp họ hiểu về ý nghĩa của thánh lễ. Sự hy sinh quảng đại của các mục tử đã làm cho họ trở thành những người được công chúng kính trọng. Sau khi chiến tranh kết thúc, thái độ của người dân đối với các tu sĩ khác hẳn. Năm 1924, liên minh cánh tả được gọi là Cartel thắng thế trong cuộc bầu cử Quốc hội đã tìm cách trục xuất các tu sĩ ra khỏi các tu viện mà họ đã gầy dựng lại kể từ khi chiến tranh bùng nổ nhưng dự định này bất thành vì các dòng tu được dân chúng ủng hộ. Nhiều phong trào Công giáo ra đời bảo vệ lợi ích của Giáo hội sẵn sàng đương đầu với nhà nước phi tôn giáo khiến cánh tả phải từ bỏ ý định áp dụng các biện pháp cản trở hoạt động của Giáo hội, nhất là của các dòng tu[4].

Lòng yêu nước của các tín hữu Công giáo đã hoà giải Giáo hội với chính quyền Pháp. Tương quan giữa hai bên từng bị rạn nứt nghiêm trọng vì những điều luật cấm đoán các dòng tu và hạn chế các hoạt động tông đồ (thường được gọi là nhà nước thế tục hay luật chia cắt giữa Giáo hội với Nhà nước) được ban hành từ đầu thế kỷ. Để tỏ thiện chí của Nhà nước đối với sự nhiệt thành của giới Công giáo, ngay từ đầu tháng 8 năm 1914, bộ trưởng bộ nội vụ Louis-Jean Malvy (1875-1949) tuyên bố ngừng áp dụng các điều luật trên đây.

Ngoài sự tham gia của nhiều tín hữu Công giáo ở tiền tuyến còn có rất nhiều người khác ở hậu phương dấn thân vào các hoạt động xã hội.

2. Giáo hội và những hoạt động nhân đạo


Việc nhà nước Pháp hoà giải với Giáo hội không chỉ nhờ sự đóng góp của các linh mục và tu sĩ ở chiến trường nhưng còn nhờ sự đóng góp của các tín hữu ở hậu phương trong thời gian xảy ra chiến tranh. Ngay từ đầu cuộc chiến, giới Công giáo đã tìm mọi cách để giúp nước Pháp chiến thắng. Họ nhận thấy truyền thông đóng một vai trò lớn, vì vậy ngày 18.5.1915, Giáo hội Pháp đã thành lập Uỷ ban tuyên truyền Công giáo hải ngoại do đức ông Alfred-Henri Baudrillart (1859-1942), giám đốc Học viện Công giáo Paris từ năm 1907, làm chủ tịch. Sở dĩ giới Công giáo Pháp quyết định thành lập uỷ ban này là vì tháng 12 năm 1914, Hội đồng Giám mục Đức đã ra một thư chung phủ nhận trách nhiệm của chính phủ Đức trong việc nước này làm phát sinh xung đột vũ trang. Uỷ ban tuyên truyền này là tiếng nói chính thức của Giáo hội Pháp. Uỷ ban tổ chức nhiều cuộc diễn thuyết ở nhiều quốc gia thuộc châu Âu và cả châu Mỹ và dùng báo chí như phương tiện để truyền tải lập trường và tiếng nói của mình. Uỷ ban còn lên tiếng khơi dậy lòng yêu nước và kêu gọi người Công giáo đóng góp tiền của cho chính quyền để phục vụ chiến tranh. Georges Goyau (1869-1939), một trí thức Công giáo và là thành viên của Hàn lâm viện, trong cuốn sách của ông viết về Giáo hội Pháp trong chiến tranh thế giới thứ nhất xuất bản năm 1916, cho chúng ta thấy tinh thần dân tộc của người Công giáo Pháp rất cao. Mặc dù Nhà nước Pháp đã gây ra nhiều tổn thất cho Giáo hội, nhất là cho các dòng tu, do những điều luật gây khó khăn cho Giáo hội nhưng các tín hữu đã bỏ qua mọi oán hận để chung tay góp sức cho chiến thắng của quốc gia[5].

Hoạt động thứ hai của hàng giáo sĩ Pháp ở hậu phương là kêu gọi các tín hữu cho nhà nước vay mượn để trang bị cho chiến tranh vốn rất được giới lãnh đạo đề cao. Thông qua hệ thống báo chí của Giáo hội như tuần tin của các giáo phận và qua thông báo của các giáo xứ, việc kêu gọi giúp đỡ nhà nước thu lượm được nhiều kết quả khả quan. Giới Công giáo luôn tỏ rõ tinh thần yêu nước và liên đới với các quân nhân ngoài mặt trận đang cần được trang bị súng ống và có đủ lương thực để chiến đấu[6]. Những người Công giáo giàu có ở Paris cũng như khắp cả nước cảm thấy có bổn phận cộng tác với nhà nước trong lúc chính phủ gặp khó khăn. Nhờ sự hậu thuẫn của Giáo hội, việc cho nhà nước vay mượn được mọi thành phần dân chúng ủng hộ mà không cần phải áp đặt một điều luật nào[7].

3. Vai trò của phụ nữ Công giáo trong chiến tranh


Ngay từ đầu thế kỷ thứ XX, giới nữ Công giáo Pháp đã thành lập hai liên đoàn để bảo vệ quyền lợi chính đáng của Giáo hội, trong đó, Liên đoàn Phụ nữ Yêu nước (được hàng giáo sĩ ủng hộ) có số thành viên đông nhất (nửa triệu người vào năm 1913). Trước khi chiến tranh nổ ra, liên đoàn này hoạt động trong các lãnh vực giáo dục và xã hội (mở trường học, thư viện, cứu trợ…). Năm 1913, liên đoàn thành lập Hiệp hội thiếu nữ Công giáo Pháp dấn thân vào các hoạt động giáo dục, xã hội và cả chính trị và có ảnh hưởng khá lớn.

Khi chiến tranh bùng nổ, hiệp hội này dấn thấn vào các hoạt động xã hội để giúp đỡ các quân nhân, đón tiếp người di tản và nâng đỡ họ về mặt tinh thần. Bên cạnh đó, các hiệp hội thuộc phong trào xã hội của giới Công giáo cũng rất tích cực trong hoạt động xã hội như mở cô nhi viện nuôi dưỡng trẻ mồ côi do chiến tranh hay nâng đỡ những gia đình nghèo. Bênh cạnh nữ giới, các nữ tu cũng tham gia rất tích cực trong việc chăm sóc thương bệnh binh ngay cả trong nhiều bệnh viện dã chiến ở chiến trường. Trong thời kỳ này, nữ giới Công giáo đóng vai trò quan trọng trong các phong trào xã hội của Giáo hội. Hoạt động của họ đã góp phần làm thay đổi cái nhìn của xã hội về Giáo hội. Nhờ vậy, vào giữa thập niên 1920, khi cánh tả có khuynh hướng bài trừ Giáo hội đã thất bại trong việc tái lập các điều luật bất lợi cho Giáo hội được ban hành từ đầu thế kỷ như đã nói trên đây.

II. Vai trò của Giáo hội trong việc bảo vệ và chăm sóc các tù binh


1. Giáo hội và nỗ lực tìm kiếm những tù binh mất tích


Với tư cách là đại diện của Chúa Ki-tô, ngay từ khi mới xảy ra xung đột vũ trang, đức thánh cha Biển Đức XV đã tìm cách ngăn chặn những thảm hoạ của chiến tranh. Một trong những hoạt động của Người là cải thiện đời sống của các tù binh chiến tranh và giải thoát họ khỏi cảnh giam cầm. Ngay từ những tuần đầu tiên của cuộc chiến, người dân châu Âu sửng sốt trước những đoàn quân đông vô số và sức tàn phá khủng khiếp của những cổ máy huỷ diệt mà họ chưa từng biết đến. Với những trang bị như vậy, tổn thất do chiến tranh thế giới thứ nhất gây ra cũng vô cùng to lớn. Các gia đình (cả hai phía) có người thân tham gia chiến đấu đều rất ít khi nhận được tin tức từ thân nhân của mình. Điều này khiến họ vô cùng lo lắng cho số phận của những người ngoài chiến trường. Những binh sĩ được coi là mất tích có thể họ đã tử trận hoặc bị bắt làm tù binh. Những lo âu này khiến nhiều người thỉnh cầu Đức Thánh Cha, qua trung gian của các linh mục và các đức giám mục, để xin người can thiệp trong việc tìm kiếm những người lính được coi là đã mất tích. Ngay từ cuối năm 1914, mỗi ngày có hàng trăm lời thỉnh cầu được gởi đến đức giáo hoàng[8]. Theo đề nghị của ông Bellamy Storer, cựu đại sứ Hoa Kỳ ở Áo và Tây Ban Nha, ngay từ đầu năm 1915, đức thánh cha Biển Đức XV đã giao phó cho cha Dominic Reuter (1856-1933), một tu sĩ dòng Phanxicô người Mỹ, thành lập Văn phòng thông tin về tù nhân chiến tranh để tìm kiếm những người lính mất tích. Vào cuối cuộc chiến, con số thành viên của văn phòng lên đến 200 người, đa số là các linh mục (dòng và triều) và những bậc vị vọng ở Rôma. Trong số 700 ngàn lời thỉnh cầu gởi đến văn phòng, có khoảng 600 ngàn lời được giải quyết[9].

2. Giáo hội với việc trao đổi tù binh, chăm sóc những người bị thương và đau ốm


Ngày 23 tháng 5 năm 1915, nước Ý gia nhập khối Đồng minh và tuyên chiến với đế chế Áo-Hung vốn là một đồng minh của mình. Việc nước Ý thay đổi lập trường buộc đại diện bên cạnh Toà thánh của các nước thuộc khối Liên minh Trung tâm (Đức, Áo-Hung, đế chế Osman và Bulgaria) phải rời khỏi Rôma, đến đặt cơ sở ở Thuỵ Sĩ là một nước trung lập. Trước tình hình này, Toà thánh đã thỉnh cầu chính phủ Thuỵ Sĩ cho phép gởi đại diện của mình đến đây để tiện lợi trong việc liên hệ với các nước thuộc Liên minh Trung tâm và được nước này chấp thuận ngày 17.09.1915. Ngoài việc giữ liên hệ với các sứ thần của Toà thánh và đại diện chính quyền dân sự của các nước thuộc Liên minh Trung tâm ở Thuỵ Sĩ, vị đại diện của đức giáo hoàng còn lưu tâm đến những hoạt động nhân đạo, nhất là làm trung gian cho các bên tham chiến trong việc trao trả tù binh và chăm sóc y tế cho những người bị thương hay đau ốm[10].

Toà thánh không chỉ cung cấp thông tin cho các gia đình có người thân đang bị cầm tù nhưng còn tìm cách xúc tiến việc trao đổi tù binh, chăm sóc những người bị thương hay giải thoát những người cha gia đình đông con. Ngày 31.12.1914, đức thánh cha Biển Đức XV gởi một bức điện thư cho các quốc trưởng của các nước tham chiến đề nghị họ trao đổi các tù binh bị thương nặng không còn khả năng cầm súng và được đáp ứng một cách tích cực, ngoại trừ tại quê nhà vì từ sau năm 1870 tương quan giữa Toà thánh và nước Ý khá căng thẳng. Nhờ những hoạt động của đức cha Eugenio Pacelli, sứ thần Toà thánh tại München (miền Nam nước Đức) và là đức thánh cha Pius XII tương lai, hai nước Đức và Ý đã đạt được thoả thuận về trao đổi tù binh. Sau khi thoả thuận này được ký kết ngày 15.05.1915, các nghị sĩ Đức ra thông cáo bày tỏ lòng biết ơn đối với đức thánh cha, trong khi đó các đồng sự của họ tại Italia lại đe doạ phá vỡ thoả thuận nếu người Đức đề cao vai trò của Giáo hội. Kể từ mùa thu năm 1915, cơ quan ngoại giao của Toà thánh còn mở rộng hoạt động của mình đến vùng bán đảo Balkan nhưng vì Bulgaria chính thống không muốn cộng tác với Giáo hội Công giáo nên không thu lượm được kết quả như mong muốn[11].

Trong việc bảo vệ quyền lợi của các tù nhân, Giáo hội Thuỵ Sĩ đóng vai trò không nhỏ. Vốn là một nước nằm ở giao lộ với nhiều quốc gia và là một quốc gia trung lập nên không bị ảnh hưởng của các cuộc xung đột vũ trang, hơn nữa người Thuỵ Sĩ nói nhiều thứ tiếng khác nhau (Đức, Pháp, Ý) nên quốc gia nhỏ bé này đã trở thành trung gian cho các cuộc thương thuyết và giam giữ tù binh. Đầu năm 1917, có đến 28,839 tù binh của các nước Anh, Pháp, Đức, Bỉ được giam giữ ở Thuỵ Sĩ. Nhờ sự hậu thuẫn của chính phủ Thuỵ Sĩ, Toà thánh cũng thành công trong việc biến đất nước này thành nơi chăm sóc sức khoẻ cho các tù binh lẫn thường dân mắc bệnh thuộc các bên tham chiến. Hầu hết các nước tham chiến đều nhờ đến sự trợ giúp của Toà thánh trong việc chăm sóc y tế cho công dân của mình, riêng Italia vẫn thích cầu cạnh hội Chữ thập Đỏ quốc tế hơn là nhờ cậy sự trợ giúp của Giáo hội vì nhiều lý do khác nhau[12].

Ngoài những người bị thương, một trong những lưu tâm của Toà thánh đến các tù nhân, đó là những người cha gia đình đông con. Sáng kiến này do nghị sĩ người Pháp Léon Watine, chủ tịch một hiệp hội Huynh đệ các tù binh chiến tranh ở miền Bắc nước này đệ trình lên đức thánh cha vào tháng 4 năm 1916. Hiệp hội này thỉnh cầu đức thánh cha can thiệp để những tù binh là cha của ít nhất bốn người con và đã bị cầm tù ít nhất 18 tháng được chuyển đến Thuỵ Sĩ. Qua trung gian của Toà thánh, chính phủ các nước Đức và Pháp niềm nở đón nhận đề nghị này nhưng chính phủ Thuỵ Sĩ lại lo sợ việc này vượt quá sức mình.

Kể từ cuối tháng 8 năm 1917 cho đến cuối cuộc chiến, Toà thánh đã tìm mọi cách điều đình nhằm trao đổi tù binh là cha gia đình đông con giữa hai nước Ý và Áo nhưng không thành công do đại diện nước Ý quá cố chấp. Điều này khiến cho hàng ngàn tù binh Ý trên đất Áo không được tự do trước khi chiến tranh kết và nhiều người cũng mất cơ hội sống sót để trở về đoàn tụ với gia đình. Ngay cả sau khi chiến tranh kết thúc, chính phủ Italia cũng chậm trễ trong việc đưa các tù nhân trở về quê hương[13].

3. Thăm viếng các tù binh


Việc trao trả và chăm sóc các tù binh là mục tiêu hàng đầu của Toà thánh nhưng bên cạnh những cuộc trung gian điều đình, các vị hữu trách trong Giáo hội còn chăm lo đến việc thăm viếng các tù nhân để nâng đỡ họ trong đời sống tâm linh.

Mặc dù Toà thánh rất tích cực trong việc làm trung gian cho các bên tham chiến để thương lượng về trao đổi các tù binh nhưng chỉ có một số lượng rất ít tù binh được tự do, số đông vẫn bị giam giữ cho đến cuối cuộc chiến. Đối với các tù binh bị giam giữ, đức thánh cha Biển Đức XV cũng nỗ lực rất nhiều trong việc chăm lo cho đời sống của họ, nhất là đời sống tâm linh. Ngày 21.12.1914, Toà thánh yêu cầu các giám mục châu Âu cho biết về những trại giam nằm trong địa hạt của mình để chỉ định các linh mục biết ngôn ngữ của các tù binh làm tuyên uý cho họ. Các vị tuyên uý này không chỉ dâng thánh lễ và giải tội cho các tù binh nhưng còn quan tâm đến cả đời sống vật chất và làm trung gian liên lạc thư tín với gia đình họ. Đối với những nơi có ít linh mục Công giáo như ở nước Nga, Toà thánh yêu cầu các linh mục tuyên uý chọn một số tù nhân để cộng tác với mình và đề nghị này được Sa Hoàng chấp nhận.

Các đức giám mục và sứ thần của Toà thánh cũng tham gia thăm viếng các tù nhân để an ủi, nâng đỡ họ về tinh thần và cả vật chất. Hồng Y Raffaele Scapinelli di Leguigno (1858-1933), sứ thần Toà thánh ở Wien (Áo) và người kế nhiệm của mình là đức cha Teodoro Valfré di Bonzo (1853-1922) từng nhiều lần thăm viếng các tù nhân người Ý bị giam giữ ở Áo. Các tù nhân người Đức bị giam giữ ở Pháp cũng được đức cha Eugène Beaupin (1877-1953), một giám mục người Pháp và là chủ tịch Hiệp hội Công giáo Thuỵ Sĩ vì tù binh chiến tranh có văn phòng tại Fribourg, thăm viếng; trong khi đó các tù binh người Pháp và Ý ở Đức lại được đức cha Eugenio Pacelli, sứ thần Toà thánh tại München và là đức thánh cha Pius XII tương lai, thăm viếng. Ngoài ra, đức cha Angelo Maria Dolci (1867-1939), sứ thần Toà thánh tại Constantinople (Istanbul), cũng có thể thăm viếng các tù binh của các nước Đồng minh bị giam cầm trong lãnh thổ của đế chế Osman. Vị giám mục nhỏ bé nhưng cương quyết này nhanh chóng trở thành niềm vui cho các tù binh vì ngoài những lời an ủi ra, đức cha Angelo còn mang đến cho họ nhiều tặng vật. Trong thời gian xảy ra chiến tranh, nhờ sự can thiệp của đức cha Angelo, chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ đã trả tự do cho một số tù nhân mắc bệnh nặng[14].

III. Toà thánh và nỗ lực cứu trợ


Trong chiến tranh thế giới thứ nhất, nước Anh và khối Đồng minh đã tìm cách phong toả đường biển và họ coi đây như một biện pháp nhằm gây hậu quả nghiêm trọng cho đối phương (các Đế chế Trung ương). Hậu quả của những biện pháp này là ngày càng có nhiều người lâm vào cảnh thiếu thốn về lương thực và thực phẩm, trong đó phụ nữ, trẻ em, người cao tuổi và bệnh nhân là những người phải chịu đựng thiệt thòi nhiều nhất. Nhiều quốc gia trung lập và các tổ chức xã hội dân sự đã tìm cách hạn chế những biện pháp trả đũa của khối Đồng minh nhưng lại gặp phải sự chống đối mạnh mẽ của các nước tham chiến. Đức thánh cha Biển Đức XV và hồng y quốc vụ khanh Pietro Gasparri (1852-1934) là những người dấn thân rất tích cực vào hoạt động tiếp tế cho các thường dân vì mục đích bác ái vốn là một đặc tính phổ quát của Giáo hội.

Ngay từ mùa thu năm 1914, ở Bruxelles đã hình thành một uỷ ban tiếp tế cho dân Bỉ đang gặp khó khăn vì chiến tranh. Hoạt động của tổ chức này khiến Toà thánh có sáng kiến kêu gọi người Công giáo Hoa Kỳ đóng góp để cứu trợ người Bỉ. Thế nhưng điều này gặp trở ngại vì đa số người Công giáo ở châu Mỹ đều là gốc Đức hoặc Ireland cho nên họ không mặn mà gì với các nước thuộc khối Đồng minh. Để vượt qua chướng ngại này, đức thánh cha đã quyết định kêu gọi lạc quyên giúp đỡ tất cả những ai đang đói kém vì chiến tranh. Từ giữa năm 1916, uỷ ban cứu trợ Bỉ đã tổ chức lạc quyên để tăng thêm một bữa ăn cho các trẻ em là những người dễ mắc các chứng bệnh liên quan đến suy dinh dưỡng. Tháng 10 năm 1916, đức thánh cha đã tặng cho những đại diện của uỷ ban 10 ngàn lire (tiền tệ Italia) nhân chuyến viếng thăm của những người đại diện uỷ ban tại Vatican. Ngoài ra, đức thánh cha còn viết thư cho hồng y James Gibbons (1834-1921), tổng giám mục Baltimore, để kêu gọi giới Công giáo và những người hảo tâm ở Hoa Kỳ ủng hộ uỷ ban cứu trợ Bỉ. Kết quả vượt quá sức mong đợi. Đến tháng 4 năm 1917, giới Công giáo Mỹ đóng góp hơn 250,000 dollars cho quỹ cứu trợ và nhiều tổ chức và cá nhân còn hứa sẽ đóng góp đều đặn cho chương trình[15].

Trong thời gian xảy ra chiến tranh, uỷ ban cứu trợ Bỉ đã cung cấp khoảng 5 triệu tấn nhu yếu phẩm mặc dù chính phủ các nước khối Đồng không nhiệt tình lắm với hoạt động của tổ chức này. Nhưng kể từ đầu năm 1917, hoạt động của các tàu ngầm gia tăng gây cản trở cho các tàu chở hàng cứu trợ. Nhờ sự can thiệp của Toà thánh, chính phủ Đức cam kết họ không nguy hiểm đối với hoạt động cứu trợ. Toà thánh còn yêu cầu cho những chuyến tàu lửa chở hàng đi ngang Thuỵ Sĩ, nơi có thể mua một lượng lớn các sản phẩm từ sữa vốn rất cần thiết cho sức khoẻ trẻ em và người cao tuổi. Sáng kiến này gặp phải sự chống đối của chính phủ Pháp vì họ cho rằng, theo hiệp ước Den Haag (La Haye) được ký kết năm 1907 về giải trừ vũ khí và đề phòng chiến tranh thì lực lượng chiếm đóng phải có bổn phận cung cấp lương thực và thực phẩm cho dân chúng. Để giải quyết vấn nạn này, Hồng Y quốc vụ khanh Gasparri phải nhờ Hồng Y Léon-Adolphe Amette (1850-1920), tổng giám mục Paris, đề nghị nghị sĩ Denys Cochin giúp đỡ. Sau đó ít lâu, chương trình được thực hiện.

Ở Đông Âu, do ảnh hưởng của chiến tranh cộng với khủng hoảng kinh tế, Ba Lan có nguy cơ rơi vào cảnh đói kém. Ngày 15.08.1915, theo lời mời gọi của đức thánh cha, Hội đồng Giám mục Ban Lan, Áo, Đức và Nga kêu gọi các vị giám mục trên toàn thế giới tổ chức cầu nguyện và quyên góp giúp đỡ các nạn nhân của chiến tranh. Chúa nhật ngày 21.11.1915 được chọn làm ngày cầu nguyện và quyên góp giúp các nạn nhân chiến tranh ở Ban Lan thế nhưng việc tiếp tế gặp nhiều khó khăn. Toà thánh phải can thiệp với chính phủ của nhiều quốc gia để hàng cứu trợ đến tay những người thiếu thốn. Một quốc gia nhỏ nằm giữa Nga và Ba Lan là Lithuania bị chiếm đóng từ giữa năm 1915 cũng cần được giúp đỡ. Đức thánh cha ngạc nhiên vì các tín hữu tỏ ra rất quảng đại đối với những nạn nhân chiến tranh ở Bỉ và Ba Lan nhưng hầu như không ai để ý đến quốc gia nhỏ bé này. Đức thánh cha Biển Đức XV không chỉ nhạy cảm với những nỗi khổ của các nạn nhân chiến tranh, nhất là trẻ em, tương lai của nhân loại, nhưng còn một lý do nữa khiến đức thánh cha quan tâm đặc biệt đến Lithuania, đó là đa số dân chúng ở đây thuộc Giáo hội Công giáo, nếu để người Nga chính thống cứu trợ, họ sẽ có cớ để lên mặt. Ngoài số tiền cứu trợ của mình, đức thánh cha còn kêu gọi dành Chúa nhật ngày 20.05.1917 cho việc quyên góp ủng hộ người dân Lithuania[16].

Không chỉ quan tâm đến các nước châu Âu, Toà thánh còn hướng hoạt động nhân đạo đến các nước thuộc Trung Đông như Liban và Syria là hai nước gặp nhiều khó khăn về lương thực. Theo những thông tin mà Toà thánh nhận được từ những người gần gũi với đức thượng phụ Liban, vào mùa năm 1916, có khoảng 80,000 người chết vì đói kém. Đa số các nạn nhân là Ki-tô hữu vì họ phải chịu sự sách nhiễu của chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ, một nhà nước Hồi giáo. Nhờ những người Liban sống ở Pháp, một uỷ ban cứu trợ Hoa Kỳ được thành lập với sự đồng ý của phe Đồng minh đã nhờ Toà thánh can thiệp với chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ để họ mở cửa cho việc cứu đói nhưng nước này sợ người phương Tây xúi giục dân chúng nổi loạn như những hoạt động của ông Lawrence xứ Arabia được huyền thoại hoá qua bộ phim lịch sử của đạo diễn người Anh David Lean trình làng năm 1962. Vì không được giúp đỡ kịp thời nên nạn đói gia tăng. Đầu năm 1917, đại diện của Toà thánh ở Syria (văn phòng đặt tại Beyrouth, ngày nay là thủ đô của Liban) là đức cha Francesco Giannini cho biết số người thiệt mạng lên đến 100 ngàn người. Syria là nước sản xuất lương thực khá lớn, sở dĩ có điều này là cho chính quyền thu mua lương thực và trả bằng tiền giấy, đồng tiền này bị mất giá đến 60%. Tình hình ngày càng nghiêm trọng khiến chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ buộc lòng phải cho phép phương Tây cứu trợ. Toàn quyền Syria còn hối thúc đức thượng phụ Liban cầu xin đức thánh cha giúp đỡ. Đại diện của Toà thánh ở Syria được mời làm chủ tịch uỷ ban cứu trợ. Những hoạt động nhân đạo này của Toà thánh luôn được chính phủ các nước đánh giá cao và nhờ vậy danh tiếng của Giáo hội ngày thêm rạng rỡ[17].

IV. Toà thánh và nỗ lực tái lập hoà bình


1. Lập trường không thiên vị của Toà thánh


Trong chiến tranh thế giới thứ nhất, Toà thánh rơi vào thế khó xử. Các bên tham chiến tố cáo lẫn nhau và bên nào cũng muốn Toà thánh đứng về phía mình. Các nước Đồng minh tố cáo người Đức (theo Tin lành) phá huỷ nhà thờ chính toà Reims (Pháp), hãm hiếp các nữ tu, tàn sát thường dân, nhất là trẻ em. Trong khi đó, người Đức lại tố cáo thường dân người Bỉ (trong đó có một số linh mục) đã bắn vào lính Đức và họ còn tố cáo người Pháp ngược đãi các tù nhân hay cho phép quân đội ở thuộc địa trả thù tàn bạo sau khi chiến thắng quân đội Đức như ở Cameroun. Người Anh cũng bị tố cáo gây ra đói kém cho nhiều nước vì đã ngăn chặn việc tiếp tế lương thực. Người Áo tố cáo người Nga không tôn trọng luật pháp quốc tế, bắt nhiều linh mục Công giáo đi đày ở Sibérie hay bắt người Do Thái làm lá chắn sống trên chiến trường[18]. Trước những tố cáo lẫn nhau này, làm sao Toà thánh có đủ phương tiện để thẩm định tính xác thực của thông tin trong thời gian chiến tranh? Các bên tham chiến đều mong muốn đức thánh cha lên tiếng tố cáo đối thủ của họ nhưng người không thể nào đứng về phía này để chống lại phía kia mà không làm tổn thương các tín hữu thuộc những quốc gia bị lên án. Mặc dù bị thúc ép, Toà thánh vẫn không nhượng bộ, kiên quyết giữ vững lập trường không thiên vị của mình.

Bức thư của Hồng Y quốc vụ khanh Pietro Gasparri gởi ông Ernest Judet (1851-1943), chủ nhiệm tờ L’Éclair (Tia chớp), một tờ báo ở Pháp, cho chúng ta thấy thái độ của Toà thánh đối với các nước tham chiến rất rõ ràng: “Trong hoàn cảnh hiện nay, đức thánh cha không thể đứng về một phía nào, vì quyền lợi của Giáo hội không cho phép Người làm như vậy [...]. Vai trò của Toà thánh trong cuộc chiến tranh tàn bạo này giống như vai trò của một bà mẹ phải chứng kiến cảnh những đứa con mình đánh nhau. Chắc chắn bà mẹ không phải là người “khai hoả”, trong khi lũ con cắn xé lẫn nhau để tìm cách chứng tỏ mình có lý, điều quan trọng nhất mà bà có thể làm là cầu xin đàn con hãy bình tĩnh và làm hoà với nhau. Cũng vậy, trong lúc này, Toà thánh không thể xem xét kĩ lưỡng những lời tố cáo lẫn nhau hay ra phán quyết bên nào sai trái, nhưng Giáo hội chỉ kêu gào hoà bình hết sức mình và vì không thể nào ngăn cản được chiến tranh, Toà thánh dùng tất cả mọi phương tiện mà mình có để hạn chế tối đa hậu quả của chiến tranh. Chỉ khi giữ vững lập trường không thiên vị mà Toà thánh có thể đạt được điều gì đó[19].”

Thế nhưng lập trường này của Toà thánh không phải lúc nào cũng được các nước đón nhận. Đức thánh cha vẫn bị nghi ngờ có thiện cảm với đế chế Áo-Hung, tiền đồn chống đế chế Nga chính thống và có ác cảm với nước Anh ly giáo, nước Pháp chống đối Giáo hội, nước Đức theo Tin lành… đức thánh cha Biển Đức XV và những cộng sự thân tín của Người từng phải chịu cảnh bị hiểu lầm lẫn nghi kị từ nhiều người thuộc nhiều phía khác nhau, đến nỗi năm 1918, trong một cuộc họp của hồng y đoàn, Hồng Y Basilio Pompilj (1858-1931), tổng đại diện giáo phận Rôma, từng thốt lên rằng: “Tất cả mọi người đều chống lại đức thánh cha[20]”.

Dù vậy, đức thánh cha Biển Đức XV vẫn kiên quyết giữ lập trường của mình không đứng về một quốc gia hay một khối nào. Chính điều này làm cho Toà thánh ngày càng khẳng định vị trí của mình trong cộng đồng quốc tế. Ngay từ thời đức thánh cha Lêo XIII (1978-1903), Toà thánh đã được nhìn nhận như một “cường quốc” về tinh thần ngay cả bên ngoài thế giới Công giáo[21]. Chính nhờ vị thế của mình được các bên tham chiến nhìn nhận và nể trọng mà Toà thánh đã mạnh dạn khởi động những hoạt động nhân đạo cũng như việc chăm sóc và trao đổi tù binh và hướng đến giải quyết xung đột nhằm chấm dứt cuộc chiến tàn khóc này càng sớm càng tốt.

2. Những nỗ lực tìm kiếm hoà bình


Ngay từ đầu cuộc chiến, Giáo hội đã tìm cách tái lập hoà bình ở châu Âu. Ngày 02.08.1914, thánh Pius X công bố một tông huấn ngắn nhưng rất cô đọng, trong đó Người mạnh mẽ lên án chiến tranh, bày tỏ lòng thương cảm đối với những nạn nhân của nó và mời gọi Giáo hội cầu nguyện cho hoà bình[22]. Có lẽ vì ưu tư nhiều về cuộc chiến này mà sức khoẻ của Người sa sút và qua đời ngày 20.08.1914. Mặc dù chiến tranh chỉ mới bắt đầu nhưng đức thánh cha Pius X đã kịp để lại một lời nói trở thành giai thoại. Vào ngày đức thánh cha công bố tông huấn kêu gọi hoà bình, đại sứ Áo, nhân danh hoàng đế Franz Joseph I (1830-1916), thỉnh cầu Người chúc lành cho quân đội Áo-Hung, đức thánh cha Pius X trả lời: “Ta chúc lành cho hoà bình chứ không chúc lành cho chiến tranh”[23].

Người kế vị của người, đức thánh cha Biển Đức XV, tiếp tục con đường kiến tạo hoà bình. Cùng với Hồng Y quốc vụ khanh Gasparri, Người đã đưa ra nhiều sáng kiến về ngoại giao nhằm hạn chế những tổn thất do chiến tranh gây ra. Ngay từ tháng 9 năm 1915, đức thánh cha Biển Đức XV tìm cách chuyển đến chính phủ Pháp một chương trình tái lập hoà bình bằng cách thoả hiệp với người Đức nhưng đã bị từ chối. Mặc dù đức thánh cha đã tỏ thiện cảm với tổng thống Pháp Raymond Poincaré khi ông vừa đắc cử vào tháng 8 năm 1913 và quân tâm đến những nạn nhân chiến tranh người Pháp nhưng những tình cảm này không đủ mạnh để thuyết phục giới lãnh đạo nước Pháp, một nhà nước chủ trương không tôn giáo ngay từ đầu thế kỷ XX, đón nhận lời đề nghị của người đứng đầu Giáo hội. Khi những lời đề nghị hoà bình bị từ chối, tất cả hoạt động của Toà thánh, từ việc cứu trợ cho đến việc xúc tiến trao đổi và chăm sóc tù binh đều hướng đến mục một tiêu duy nhất: tái lập hoà bình.

Trong thời gian xảy ra chiến tranh, Toà thánh đã chuyển biến từ việc lên án chiến tranh (thụ động) đến việc đề nghị các bên tham chiến thương lượng để chấm dứt chiến tranh (chủ động). Ngoài ra, Toà thánh còn tìm cách dùng con đường ngoại giao thông qua những cuộc thương thuyết bí mật để ngăn chặn chiến tranh lan sang những nước đứng ngoài cuộc xung đột khi chiến tranh vừa mới bắt đầu, nhưng những nỗ lực này không đem lại kết quả như mong đợi. Chiến tranh ngày càng ác liệt và lan rộng. Vì vậy, kể từ mùa xuân năm 1917, Toà thánh càng tỏ ra tích cực và bạo dạn hơn trong hoạt động ngoại giao. Chính Toà thánh chủ động đưa ra sáng kiến mở nhiều cuộc thương thuyết và mời gọi các nước tham chiến thảo luận quanh những đề nghị cụ thể. Kể từ tháng 8 năm 1917, đức thánh cha tìm cách làm trung gian để các quốc gia có thể tìm được giải pháp hoà bình[24].

Chúng tôi sẽ trở lại vấn đề này trong bài nói về đức thánh cha Biển Đức XV và vai trò của người trong việc kiến tạo hoà bình.

Kết luận


Đại chiến thế giới thứ nhất đã huỷ diệt châu Âu không chỉ về vật chất nhưng còn cả về tinh thần. Các tín hữu Công giáo không thoát khỏi số phận chung của chiến tranh nhưng họ đã nhanh chóng chứng tỏ đức tin bằng hành động. Sự hiệp nhất của Giáo hội cũng bị cuộc chiến tranh này đe doạ. Mặc dù những nỗ lực kêu gọi hoà bình của đức thánh cha không được đáp ứng nhưng chính điều này đã làm cho vai trò của Giáo hội được củng cố trên bình diện quốc tế. Những nỗi kinh hoàng xảy ra trên các chiến trường khiến các quân nhân cảm nghiệm sự hiện diện của Đấng bị đóng đinh bằng chính kinh nghiệm chết chóc đầy tang thương của đồng đội. Khi chiến tranh kết thúc (tháng 11 năm 1918), bên thắng trận bị mù quáng vì quá tự tin vào sức mạnh của mình. Chiến tranh không khơi dậy lòng đạo đức của con người, nhưng ngược lại, càng làm phát sinh chủ nghĩa độc tài, báo trước những thảm kịch mới của nhân loại (Đại chiến thế giới thứ hai). Thế nhưng đại chiến thế giới thứ nhất đã mở ra một vài cơ hội cho Giáo hội: sau chiến tranh, nỗ lực đại kết nhằm tiến đến hiệp nhất của Giáo hội được gia tăng, cuộc chiến của các Ki-tô hữu nhân danh Chúa Kitô chống lại chủ nghĩa độc tài ngày càng lan rộng, sự tha thứ và từ chối báo thù cũng được các tín hữu đề cao như một nỗ lực hoà giải và hàn gắn những thương tích về tinh thần do chiến tranh gây ra.
________
[1] “Xavier Boniface: Les religions ont aidé les sociétés à tenir pendant la guerre”, bài phỏng vấn giáo sư sử học Xavier Boniface của ký giả Antoine Flandrin, Le Monde.fr (17.06.2014), tham khảo ngày 12.06.2018.

[2] Tiểu sử vắn tắt của các linh mục, chủng sinh và tu sĩ từng tham gia quân đội được tập hợp trong cuốn Livre d’or du clergé & des congrégations 1914-1922, Paris, Bonne presse, 1925, LXXXVII-1099 trang.

[3] Xavier Boniface, “L’aumônerie militaire catholique: les inspecteurs ecclésiastiques (1917-1918)”, Revue historique des Armées, 1998/3, tr. 19-26.

[4] Serge Berstein & Pierre Milza, Histoire de la France au XXe siècle, t. 1: 1900-1930, Bruxelles, Complexe, 1990, tr. 516.

[5] Georges Goyau, L’Église de France durant la guerre (août 1914-décembre 1916), Paris, Bloud & Gay, 1917, tr. 65-67.

[6] Diễn từ của cha Janvier ở nhà thờ Đức Bà Paris ngày 14.05.1916, cf. Nhật báo La Croix ngày 15.05.1916.

[7] Michael Hoffmann, “Les catholiques français et la Première Guerre mondiale. La rentrée dans la vie politique et sociale de la République laïque”, http://www.crid1418.org/ (trang web của Hiệp hội quốc tế nghiên cứu và thảo luận về chiến tranh 1914-1918), tr. 10.

[8] Francis Latour, “L’action du Saint-Siège en faveur des prisonniers de guerre pendant la Première Guerre mondiale”, Guerres mondiales et conflits contemporains, 2014/1 (n° 253), tr. 44.

[9] Cf. Alberto Monticone, “L’action du Saint-Siège pour les prisonniers de guerre et les internés civils 1914-1918”, in Kỷ yếu Hội thảo sử học quốc tế lần thứ XVII của Uỷ ban Sử học Quốc tế, tháng 9 năm 1990, t. II, Madrid, Comité international des Sciences historiques, 1992 tr. 1040-1041.

[10] Antoine Fleury, “Le Saint-Siège et les négociations de 1917. Note de recherche”, Guerres mondiales et conflits contemporains, 1993/4 (no 170), tr. 19-20.

[11] Francis Latour, art. cit., tr. 46-47.

[12] Ibid., tr. 49.

[13] Michel Ostenc, “Les prisonniers italiens de la Première Guerre mondiale”, Guerres mondiales et conflits contemporains, 2014/2 (n° 254), tr. 38.

[14] Francis Latour, art. cit., tr. 52-53.

[15] Gabriele Paolini, “Contre la guerre par la faim. Le Saint-Siège et les tentatives de ravitaillement des populations civiles des territoires occupés (1915-1918)”, Guerres mondiales et conflits contemporains, 2015/2 (n° 258), tr. 59.

[16] Ibid., tr. 62-63.

[17] Ibid., tr. 66.

[18] Latour Francis, “De la spécificité de la diplomatie vaticane durant la Grande Guerre”, Revue d’histoire moderne et contemporaine, t. 43, Avril-juin 1996 (n° 2), tr. 352.

[19] Trích lại từ F. Latour, Le Saint-Siège et les problèmes de la paix pendant la première Guerre mondiale, luận văn tiến sĩ do giáo sư G. Pedroncini hướng dẫn, Đại học Paris I Panthéon-Sorbonne, 1993, t. 2, tr. 429-430.

[20] Giuseppe Maria Croce, “Le Saint-Siège et la Conférence de la paix (1919). Diplomatie d’Église et diplomaties d’État”, Mélanges de l’Ecole française de Rome, t. 109, 1997 (n°2), tr. 800.

[21] Jean-Marc Ticchi, “Fondements et modalités de l’impartialité du Saint-Siège pendant la Première Guerre mondiale”, Relations internationales, 2014/4 (n° 160), tr. 42-43.

[22] Cf. “Exhortation aux catholiques du monde entier” trong Actes de Saint Pie X , t. VIII, Paris, Bonne presse, (không có năm xuất bản), tr. 77-78.

[23] Michel de Kerdreux, Jean XXIII, Paris, Beauchesne, 1970, tr. 67.

[24] Francis Latour, La papaute et les problemes de la paix pendant la Première Guerre mondiale, Paris, L’Harmattan, 1996, tr. 14-15.