Thứ Năm, 11 tháng 4, 2013

TUYÊN NGÔN VỀ TỰ DO TÍN NGƯỠNG “DIGNITATIS HUMANAE”

Thời sự Thần học – Số 13 – Tháng 9/1998, tr. 40-49

Tấn Cường


Phẩm giá con người là điều mà thời đại chúng ta càng ngày càng ý thức mãnh liệt hơn, và xã hội luôn gia tăng số người đòi hỏi cho mình trong khi hành động được hưởng dụng quyền tự quyết và tự do nhận trách nhiệm... Tuyên ngôn về Tự do Tín ngưỡng Dignitatis Humanae đã mở đầu như thế. Đây là một văn kiện quan trọng trong lịch sử Giáo hội. Văn kiện này đã mở ra một kỷ nguyên mới cho mối liên lạc của Giáo hội với thế giới hiện đại. Chúng ta cùng phân tích văn kiện này theo 5 mục sau đây: 
  • Bản chất. 
  • Nền tảng. 
  • Chủ thể tác động. 
  • Chủ thể thụ động. 
  • Căn bản Kinh thánh. 

I. Bản chất 


Một điểm mới mẻ của công đồng là từ nay từ ngữ TDTN (libertas religiosa) được sử dụng cách chính thức. Trước đây, các sách thần học và văn kiện Tòa thánh chỉ nói tới "tự do lương tâm" (libertas conscientiae) hoặc "bao dung tôn giáo" (tolerantia religiosa). Công đồng muốn vượt lên não trạng của sự bao dung, xét vì danh từ này (tolerantia) mang một ý nghĩa quá tiêu cực (chịu đựng, chấp nhận, làm ngơ), và tiến tới một não trạng tích cực hơn : tôn trọng và bảo vệ tự do tín ngưỡng như là một quyền lợi của con người. 

1. Xét vì trong lịch sử tư tưởng Âu châu, đã có những chủ trương sai lạc về TDTN, cho nên ngay từ đoạn mở đầu, công đồng đã đánh tan ba điểm ngộ nhận. 

a - TDTN không đồng nghĩa với thái độ thờ ơ lãnh đạm, dửng dưng với tôn giáo (indifferentismus religiosus). Không ! con người, tự bản tính, bị thúc đẩy muốn đi tìm biết chân lý, nhất là chân lý liên quan tới tôn giáo, tới ý nghĩa sự sống. Lý trí của con người bị thúc đẩy đi tìm chân lý, cũng như ý chí của con người bị hấp dẫn về điều thiện. 

b - TDTN không có nghĩa là đạo nào cũng như đạo nào; chẳng có đạo nào thật đạo nào quấy, chẳng có chân lý nào tuyệt đối. Giáo hội công giáo tin rằng Thiên Chúa qua đức Kitô đã mặc khải cho nhân loại con đường đưa tới hạnh phúc thật. Giáo hội được đức Kitô ủy thác phải loan truyền con đường ấy. (Mặt khác, chúng ta cũng đã biết rằng công đồng Vaticano II nhìn nhận có những mầm mống chân lý ở ngoài Giáo hội công giáo nữa : LG 16; AG 3.11; NA 2). 

c - TDTN không có nghĩa là đặt lương tâm làm tiêu chuẩn tuyệt đối của chân lý. Ở số 3, tuyên ngôn bàn sâu hơn về bản chất của lương tâm. Chúng ta có bổn phận phải hành động theo tiếng nói của lương tâm; nhưng mà lương tâm phải được uốn nắn cho hợp với luật của Thiên Chúa. 

2. Sau khi đã đánh tan ba ngộ nhận về TDTN, công đồng trình bày quan điểm tích cực ở số 2 của tuyên ngôn. TDTN là một quyền lợi của con người, trong tương quan với xã hội. "Con người được quyền không bị ai khác - dù là cá nhân, đoàn thể hay quyền lực nào - cưỡng bách phải hành động trái với lương tâm; cũng như được quyền không bị ngăn cấm hành động hợp với lương tâm". Chúng ta nên ghi nhận bốn điểm sau đây: 

a. Công đồng đã trình bày TDTN như là một quyền lợi (ius), nghĩa là cái gì chính đáng công bằng trong mối tương quan xã hội (giữa con người với nhau). 

b. Quyền này hệ tại sự tự do không bị người khác cưỡng bách mình hành động trái với lương tâm. Có thể coi thành ngữ then chốt của văn kiện ở chỗ : được thoát khỏi cưỡng bách (immunitas a coactione), được lặp đi lặp lại nhiều lần (số 1a.c; 2a.b.; 3c; 4a; 9; 12b). Sự cưỡng bách này được hiểu là về phía những chủ thể khác (coactio externa) dù là cá nhân hay đoàn thể. Một lần nữa TDTN được xét trong mối tương quan xã hội, chứ không nói tới chiều kích siêu việt. Như vừa thấy trên đây, không thể nói rằng con người được tự do khi đối diện với chân lý (muốn nhận hay không tùy ý); bởi vì lý trí bị thu hút bởi chân lý. Vì vậy, nếu một người nào chối rằng hai với hai không phải là bốn, thì không phải là một con người tự do mà chỉ là thằng ngu. Dù vậy, không ai có quyền đè cổ nó xuống để cưỡng bách nó phải chấp nhận chân lý, bởi vì làm như vậy là xâm phạm phẩm giá con người. Chân lý phải được chấp nhận qua sự diễn giảng thuyết phục, chứ không phải qua vũ lực. 

c. Ở đây, quyền của con người không bị cưỡng bách được giới hạn vào lãnh vực tín ngưỡng (in materia religiosa). Nó bao hàm hai mặt : một đàng không được phép cưỡng bách con người phải chấp nhận một tín ngưỡng trái với thâm tín của mình; đàng khác, không được phép cưỡng bách để ngăn cấm con người không được hành động phù hợp với thâm tín của mình. Khía cạnh thứ hai thì hẹp hơn khía cạnh thứ nhất, bởi vì phải chịu một số giới hạn. Thực vậy, không ai có quyền bắt tôi phải theo một tín ngưỡng trái với lương tâm của tôi : điều này có tính cách tuyệt đối. Tuy nhiên, khi nói rằng không ai có quyền ngăn cản tôi hành động theo lương tâm của tôi, thì còn phải lưu ý tới nhiều yếu tố : thí dụ tôi không thể bắt loa phóng thanh để đọc kinh vào lúc nửa đêm khi mà hàng xóm cần yên tĩnh để ngủ. Nhất là nếu lương tâm tôi cho rằng giết quân vô đạo là một điều tốt, thì chắc chắn rằng xã hội không thể nào khoanh tay để cho tôi được thao túng. Nội dung của lãnh vực tôn giáo sẽ được mô tả khi nói tới các chủ thể của quyền lợi trong các số 3-5. 

d. Sau cùng, nên lưu ý là văn kiện bàn tới quyền TDTN xét trong xã hội trần thế, như đã ghi nhận ở tựa đề : "de iure personae et communitatum ad libertatem socialem et civilem in re religiosa" (Về quyền của các cá nhân và cộng đoàn được hưởng tự do xã hội và dân sự trong lãnh vực tôn giáo). Tự do xã hội, nghĩa là tự do của con người khi sống trong xã hội (Công đồng không nói tới tự do của con người ở trước mặt Chúa). Tự do trong xã hội dân sự có nghĩa là trong xã hội trần thế (Công đồng không muốn nói tới quyền TDTN ở trong nội bộ của các tôn giáo). 

II. Nền tảng 


Văn kiện của công đồng được chia làm hai phần chính: 

- Phần thứ nhất (số 2-8) trình bày các luận cứ dựa theo lý trí, công đồng muốn đối thoại với hết mọi người. 

- Phần thứ hai (số 9-15) xét vấn đề dưới ánh sáng của Kinh thánh, dành cho các Kitô hữu. 

Khi bàn về nền tảng của TDTN, ủy ban soạn thảo đã phải nghĩ đi nghĩ lại nhiều lần trải qua các lược đồ khác nhau. Trong văn kiện được ban hành, luận cứ chính được đặt trên phẩm giá của con người bàn ở số 2; nhưng bên cạnh đó cũng còn thêm 4 lý do phụ nữa được quảng diễn ở số 3, đó là : tự do của lương tâm; sự toàn vẹn của nhân vị; vai trò của chính quyền; công ích. Chúng ta hãy điểm qua tất cả 5 lý do ấy. 

1) Phẩm giá con người. Con người là hữu thể có lý trí và tự do, hành động có trách nhiệm; vì thế không thể bị cưỡng bách câu thúc như súc vật. Thêm vào đó, con người tự bản chất muốn tìm kiếm chân lý, và muốn sống theo chân lý. Thế nhưng việc tìm kiếm chân lý phải tiến hành theo bản tính của con người, nghĩa là chấp nhận chân lý cách tự do sau khi đã tra cứu sưu tầm, đối thoại, chứ không phải là bị áp đặt bằng vũ lực (xem thêm số 3b). 

2) Tự do lương tâm. Trong các lược đồ đầu tiên, tự do lương tâm được coi như luận cứ chính của TDTN, nhưng nay được coi như là hệ luận của phẩm giá con người. Lương tâm không phải là tiêu chuẩn tuyệt đối của chân lý; lương tâm là cơ quan để con người nhận biết luật luân lý hằng cửu để mà điều khiển các hành vi. Con người có trách nhiệm phải hành động hợp theo mệnh lệnh của lương tâm. Vì thế việc cưỡng bách hành động trái với lương tâm, hay là việc ngăn trở không được hành động theo lương tâm đều làm thương tổn phẩm giá con người (số 3a). Công đồng bàn rộng hơn về lương tâm trong Hiến chế "Vui mừng và Hy vọng" số 16-17. 

3) Sự toàn vẹn của nhân vị. Con người vừa có hồn vừa có xác, lại sống hợp quần trong xã hội. Bởi đó, con người tự nhiên muốn phát biểu ra bên ngoài điều mà lý trí đã khám phá, để trao đổi thông đạt cho tha nhân. Vì vậy, việc ngăn cấm con người phát biểu hay trao đổi tín ngưỡng là điều xúc phạm tới sự toàn vẹn của nhân vị (số 3c). 

4) Giới hạn của chính quyền. Chính quyền có bổn phận phải xúc tiến công ích của xã hội, trong đó có việc bảo đảm cho người dân được thực hành tín ngưỡng của mình. Tuy nhiên, chính quyền sẽ vượt quá giới hạn của mình khi muốn can thiệp vào nội bộ của sinh hoạt tôn giáo, bởi vì tín ngưỡng là một vấn đề vượt quá tầm mức trần thế này (số 3e). 

5) Công ích xã hội. Công ích của xã hội đòi hỏi rằng công dân không những phải được cơm no áo ấm, nhưng còn phải được thỏa mãn những nhu cầu tinh thần nữa, như : giáo dục, văn hóa, và tiên vàn là tín ngưỡng, nơi mà họ tìm thấy bí quyết hạnh phúc của họ. 

III. Chủ thể tác động 


Một khi đã coi TDTN như là một quyền lợi xã hội, tức khắc câu hỏi sẽ được nêu lên : ai có quyền đó ? (ai là chủ thể tác động) đối lại, ai phải tôn trọng quyền đó ? (chủ thể thụ động). 

Xét vì TDTN là một quyền dựa trên phẩm giá của con người, cho nên hết mọi người đều là chủ thể của quyền này, cho dù họ là người vô thần. Thực vậy, phẩm giá của con người đòi hỏi rằng không ai được phép cưỡng bách người vô thần phải chấp nhận một tín ngưỡng mà họ không thâm tín. Ngoài các cá nhân, công đồng còn liệt kê hai chủ thể nữa, đó là cộng đoàn tôn giáo (số 4) và các gia đình (số 5). 

1) Về nội dung của quyền TDTN mà mỗi cá nhân được hưởng, văn kiện kê ra như sau : được chấp nhận một tín ngưỡng; được diễn đạt niềm thâm tín của mình; được thông truyền chân lý của đạo mình; được tuyên xưng tín ngưỡng với những người đồng đạo; được điều hành cuộc sống họa theo các yêu sách của tôn giáo. Như vậy, quyền TDTN thì rộng hơn là tự do lương tâm : bởi vì tự do lương tâm chỉ giới hạn trong lãnh vực nội tại của con người (những hành vi của lý tri và ý chí); còn TDTN còn bao gồm cả những sự phát biểu ngôn ngữ cũng như hành vi phụng tự và những sinh hoạt khác nữa, nhất là khi có tính cách cộng đoàn. 

2) Các cộng đoàn tôn giáo cũng là chủ thể của quyền TDTN, bởi vì bản tính của con người là sống hợp đoàn. Một khi đã nhìn nhận cho con người có quyền TDTN thì cũng phải chấp nhận quyền của các cộng đoàn tôn giáo. Nó bao hàm những hoạt động phụng tự, giáo huấn, tổ chức, được mô tả ở số 4. 

3) Văn kiện đã dành số 5 cho gia đình như là một chủ thể của quyền TDTN, xét vì là một đơn vị đặc biệt của xã hội cũng như là một cộng đoàn tôn giáo đặc biệt, nơi mà cha mẹ có bổn phận và quyền lợi trong việc giáo dục con cái về mọi mặt. 

IV. Chủ thể thụ động 


Trên đây chúng ta đã xét tới những chủ thể tác động của quyền TDTN (ai có quyền ?). Xét vì là một tương quan xã hội, quyền lợi của một người này sẽ phát sinh ra nghĩa vụ nơi một người khác, gọi là chủ thể thụ động (subiectum passivum). Ai có nghĩa vụ phải tôn trọng quyền TDTN ? 

1) Số 6 đã liệt kê các chủ thể thụ động như sau : các người công dân khác, các đoàn thể xã hội, chính quyền, Giáo hội, các cộng đoàn tôn giáo khác. Như vậy, ta thấy rằng ngoài chính quyền ra, các chủ thể thụ động cũng trùng hợp với các chủ thể tác động. Tôi có quyền đòi hỏi các người khác không được cưỡng ép tôi hành động trái với lương tâm; đối lại, tôi có bổn phận không được cưỡng ép người khác hành động trái với lương tâm của họ. Ta cũng có thể nói cách tương tự như vậy đối với các cộng đoàn tôn giáo. Vì thế, ở số 7, văn kiện nói tới những giới hạn của việc hành sử quyền TDTN, đó là : bổn phận đối với tha nhân; bổn phận đối với công ích. Nói cách khác, dưới khía cạnh luân lý, việc thi hành quyền TDTN đòi hỏi tinh thần trách nhiệm : trách nhiệm phải tìm hiểu, đào sâu thêm chân lý, cũng như trách nhiệm tôn trọng tha nhân, và trách nhiệm đối với công ích. 

2) Trong số các chủ thể thụ động, văn kiện đã dành một đoạn khá dài cho chính quyền, xét vì lịch sử cho thấy quyền TDTN đã bị vi phạm nhiều lần về phía chính quyền, với vũ lực mà họ nắm trong tay. Nên biết là chính quyền không phải chỉ hiểu về nhà nước, mà còn bao hàm các quyền bính xã hội khác (thôn xã, bộ lạc, hay cơ quan quốc tế). Đối với quyền TDTN của người dân, chính quyền có bổn phận như thế nào ? Công đồng trả lời : xét cách tiêu cực, thì chính quyền không được xen lấn vào nội bộ của các tôn giáo, lại càng không thể đàn áp các tôn giáo; xét cách tích cực, chính quyền hãy thăng tiến đời sống tôn giáo của người dân, và phối trí sao cho các sinh hoạt tôn giáo được phù hợp với ích chung. 

Trong những cuộc bàn cãi của các nghị phụ, một vấn đề gay go nhất là vai trò của chính quyền đối với tôn giáo. Trước đây, các sách thần học đều nói tới bổn phận của nhà cầm quyền công giáo phải bảo vệ Giáo hội và bài trừ những tà giáo lẫn những gì xâm phạm tới thuần phong mỹ tục. Bây giờ lại nói rằng chính quyền phải cổ võ TDTN thì có phải là ngược đời hay không ? Một quốc trưởng công giáo có thể ký luật cho phép xây cất một đền thờ của tôn giáo khác hay không ? 

Để trả lời cho vấn nạn đó, ủy ban soạn thảo đã lưu ý rằng trong những thế kỷ gần đây, quan điểm về tổ chức chính quyền đã thay đổi. Trong các xã hội cổ thời, người lãnh đạo coi thần dân như con cái : vua quan là cha mẹ của dân; cho nên phải lo sửa trị chúng nếu chúng hư hỏng. Đối lại vua quan cũng phải ăn ở cho có đức để làm gương cho dân. Tuy nhiên, ngày nay, trong các xã hội dân chủ, quan điểm ấy đã thay đổi : người ta tách biệt giữa "xã hội" với "nhà nước", cũng như giữa đời công với đời tư. Nhà nước lo quản lý guồng máy công cộng, bảo đảm an ninh trật tự của xã hội. Các nhân viên nhà nước không còn phải là cha mẹ của dân nữa : người dân không cần biết đến đời tư của các người lãnh đạo, và những người này cũng không can thiệp vào đời tư của các công dân. Chính trong bối cảnh đó mà công đồng nói tới giới hạn và bổn phận của chính quyền đối với quyền TDTN của các công dân. 

V. Căn bản Kinh thánh 


Tại công đồng, không thiếu những nghị phụ đã nại đến Kinh thánh để bác bỏ TDTN : Kinh thánh đã chẳng kết án tội thờ tà thần, và đôi khi còn cho phép phá hủy đền thờ của các tôn giáo khác đấy ư? 

Để trả lời cho vấn nạn đó, ủy ban soạn thảo nói rằng : vấn đề TDTN được đặt ra ở đây không phải là nhìn nhận cho các tín hữu được phép bỏ đạo Thiên Chúa để theo đạo khác. Vấn đề TDTN chỉ được xét trong tương quan xã hội, như là một quyền lợi của con người không bị những người khác cưỡng bách theo đạo hay bỏ đạo. Tuy vấn đề mới mẻ, nhưng ta cũng có thể tìm thấy những căn bản trong Kinh thánh, đặc biệt là trong Tân ước. Thực vậy, không những Kinh thánh đã đề cao phẩm giá cao quý của con người là được kêu gọi vào chia sẻ hạnh phúc với Chúa, nhưng còn cho thấy những mẫu gương tôn trọng quyết định tự do của con người. 

1) Dựa vào Kinh thánh, Giáo hội luôn luôn chủ trương rằng việc tin đạo và trở lại phải có tính cách tự do, không bị cưỡng chế. 

2) Trong cuộc đời dương thế, Chúa Giêsu đã dùng lời nói và việc làm để thuyết phục dân chúng, nhưng không bao giờ cưỡng bách họ. Ngài đã chọn con đường khiêm hạ, hiền lành (Mt 11,29); và không chấp nhận cho các môn đệ sử dụng gươm giáo để bảo vệ Ngài trong giờ Tử nạn (Mt 26,51-53; Ga 18,36). Ngài khuyên các môn đệ hãy kiên nhẫn, chấp nhận cỏ lồng vực trong cánh đồng, cho tới thời cánh chung (Mt 11,28-30; Ga 6,67-68). Mặt khác, Đức Kitô cũng khai mào tách rời quyền đạo khỏi quyền đời, giữa hoàng đế Cesare và Thiên Chúa (Mt 22,21), giữa vương quốc thế trần với triều đại Thiên Chúa. 

3) Theo gương Đức Kitô, các thánh tông đồ cũng đã rao giảng Phúc âm với sự dạn dĩ của tinh thần, chứ không dùng vũ lực quyền thế. Họ khẳng khái tuyên bố vâng lời Thiên Chúa hơn là tuân theo quyền bính thế gian (Cv 5,29). Thánh Phaolô khuyên nhủ phải tôn trọng lương tâm của tha nhân, nhất là của những người yếu đuối (Roma chương 14; 1 Cor chương 8 và 10). 

4) Cũng nên biết là ở số 10, công đồng không e ngại thú nhận rằng trải qua lịch sử, các con cái của Giáo hội không luôn luôn cư xử theo đường lối của Tin mừng. 

Kết luận 


Trên đây là vài nét nổi bật của tuyên ngôn về TDTN của công đồng Vaticano II, được ban hành cách đây hỏn 30 năm. Nên biết là công đồng cũng bàn tới TDTN trong các văn kiện khác nữa (thí dụ : Hiến chế về Hội thánh số 36; Tuyên ngôn về Giáo dục số 6; Tuyên ngôn về các Tín ngưỡng số 3.4.5; Sắc lệnh về truyền giáo số 13; Hiến chế Vui mừng và Hy vọng số 16.17.21.26.28.29.41.59.73.76). 

Thêm vào đó, từ sau công đồng đến nay, đạo lý về TDTN đã được đào sâu thêm, nhất là trong bối cảnh của các quyền lợi của con người. Thực vậy, không những TDTN là quyền thâm sâu nhất của con người, nhưng qua việc kiểm chứng TDTN có được tôn trọng hay không mà người ta biết được tại nước đó nhân quyền có được tôn trọng hay không. Lý do là tại vì TDTN bao gồm cả tự do tư tưởng, tự do ngôn luận, tự do hiệp hội, tự do giao lưu, v.v...