Thứ Bảy, 19 tháng 8, 2023

HỘI NHẬP VĂN HOÁ TRONG CỰU ƯỚC

Thời sự Thần học – Số 24, tháng 06/2001, tr. 101-119.

_Aylward Shorter_

Nguyên tác: Aylward Shorter, Toward a Theology of Inculturation8. Inculturation in the Old Testament, Orbis Book, 1997. K’Bao chuyển ngữ.

Thiên Chúa thích nghi với văn hóa


Ngày nay chúng ta đọc lại Kinh Thánh với nhiều hứng thú nảy sinh từ những hoàn cảnh thời đại. Vì thế mới có những lối đọc Kinh Thánh theo hướng cơ cấu, phân tích – tâm lý, nữ quyền hoặc môi trường và ngay cả Mácxít nữa. Các nhà nghiên cứu và các thần học gia ngày nay rất chủ trọng đến việc đọc Kinh Thánh theo hướng văn hóa, một lối đọc phản ảnh thực tại của đa nguyên văn hóa và cũng nhấn mạnh đến những viễn thượng phổ thế. Điều trên thật là dễ hiểu nếu như Giáo hội chúng ta ngày càng thực sự là một Giáo hội đa văn hóa và toàn cầu.

Do đó, mục tiêu của bài này là ghi nhận tiến trình liên văn hóa như các nhà nghiên cứu Kinh Thánh trên thế giới đã nhìn nhận, và khám phá xem chương trình cứu độ của Thiên Chúa được hoàn tất sâu xa như thế nào qua việc tương tác văn hóa đó.

“Sách Yên Ủi Israel” trong Isaia gồm những câu sau nơi phần kết luận:
Hãy tìm Thiên Chúa khi Người còn cho gặp,
Kêu cầu Người lúc Người ở kề bên.
Kẻ gian ác, hãy bỏ đường lối mình đang theo,
người bất lương, hãy bỏ tư tưởng mình đang có
mà trở về với Đức Chúa – và Người sẽ xót thương,
về với Thiên Chúa chúng ta,
vì Người sẽ rộng lòng tha thứ.
Thật vậy, tư tưởng của Ta không phải là tư tưởng của các ngươi, và đường lối của các người không phải là đường lối của Ta – sấm ngôn của Đức Chúa.
Trời cao hơn đất chừng nào
thì đường lối của Ta cũng cao hơn đường lối các ngươi,
và tư tưởng của Ta
cũng cao hơn tư tưởng các ngươi chừng ấy.
Cũng như mưa với tuyết sa xuống từ trời
không trở về trời nếu chưa thấm xuống đất,
chưa làm cho đất phì nhiêu và đâm chồi nẩy lộc,
cho kẻ gieo có hạt giống, cho người đói có bánh ăn,
thì lời Ta cũng vậy, một khi xuất phát từ miệng Ta,
sẽ không trở về với Ta nếu chưa đạt kết quả,
chưa thực hiện ý muốn của Ta,
chưa chu toàn sứ mạng Ta giao phó.[1]
Donald Senior và Carroll Stuhmueller nhìn trong đoạn văn này một lối diễn tả mà họ gọi là “Thiên Chúa thích nghi văn hóa” (God’s acculturation)[2]. Đó chỉ là một lối dùng thuật ngữ cách loại suy thôi, nhưng lại chứa đựng một ý tưởng làm nền tảng để có thể hiểu được lịch sử cứu độ. Việc sáng tạo cần đến ơn cứu độ và ơn cứu độ là một tiến trình tiệm tiến trải suốt lịch sử con người. Những giá trị tốt đẹp của các nền văn hóa nhân loại đã bị méo mó bởi tội lỗi, bởi sự yếu đuối và những thành kiến, nhưng Thiên Chúa đã có sáng kiến thanh luyện và lại hướng dẫn chúng. Điều đó gọi là Thiên Chúa ‘thích nghi với văn hóa’. Đây là một chương trình có từ đời đời, nhưng chưa được biết đến, cho tới khi, giống như một trận mưa, nó thấm đẫm trái đất và tạo nên nhiều dạng sống mới. Ngôi Lời Thiên Chúa được hình dung như một sức mạnh tái sinh, một sứ giả nhất thiết phải hoàn thành điều mà Người đã được sai đến để thực hiện.

Nhân tiện, cũng cần ghi nhớ rằng ở đây chúng ta có một tiền sử Cựu Ước của Logos hạt mầm nơi thế giới, quan niệm làm cơ sở cho lối tiếp cận theo hướng Kitô học với việc hội nhập văn hóa.

Việc Senior và Stuhmueller sử dụng thuật ngữ ‘thích nghi văn hóa’ theo lối loại suy có thể gây lẫn lộn. Chúng không nhất thiết quy chiếu những phạm trù xã hội học và thần học mà chúng ta đã nêu trên về thích nghi văn hóa và hội nhập văn hóa. Đúng hơn, chúng nói về việc Thiên Chúa tự mạc khải giữa nền văn hóa Israel vào bất cứ thời điểm nào trong lịch sử dân này, mỗi khi người Israel suy tư về ý nghĩa những biến cố lịch sử. Đó là một quan điểm hết sức gần gũi với hội nhập văn hóa. Nhưng không chú ý đến thực tại của những tiến trình tương tác văn hóa, tuy nhiên không loại trừ việc thích nghi văn hóa theo ý nghĩa xã hội học. Đó là tiếng Thiên Chúa nói giữa lịch sử một nền văn hóa.

Việc Thiên Chúa ‘thích nghi văn hóa’ là một cuộc đối thoại diễn ra giữa niềm tin Thánh kinh và nền văn hóa Israel, niềm tin này đạt được một cách độc lập qua suy tư về lịch sử Israel và việc dân này gặp gỡ những nền văn hóa khác, mà không nhất thiết phải giả định đức tin đó từ một hình thức văn hóa có trước, không phải là Israel. Do đó, quan niệm trên không chèn đức tin Thánh kinh vào nền văn hóa Canaan và cuộc đối thoại với nền văn hóa đó (hội nhập văn hóa theo nghĩa thần học chúng ta dùng). Hoặc có thể coi đó là ‘tự hội nhập văn hóa’.

Mặc dù những dự kiện Cựu Ước được trình bày ở đây dưới nhiều tựa đề khác nhau, chúng ta vẫn phải giải quyết những ý tưởng và những sự kiện liên quan với nhau mà không thể tách bạch rõ ràng được. Hơn nữa, như chúng ta đã biết, ý tưởng về Thiên Chúa ‘thích nghi văn hóa’ là nền tảng, bởi vì đây là tiến trình Thiên Chúa mạc khải – ơn cứu độ trong lịch sử loài người, Thiên Chúa đưa ý tưởng và đường lối của Ngài vào nền văn hóa Israel.

Phần đông ý kiến thừa nhận Kinh Thánh có tính dân tộc trung tâm theo nghĩa văn hóa, vì chủ đề chính của Kinh Thánh là Thiên Chúa hành động đối với một dân riêng, dân Do Thái. Mặc dù người Do Thái không tránh khỏi những cám dỗ của thái độ dân tộc trung tâm, đặc biệt trong những thời kỳ cuối Cựu Ước, thì việc khái quát hóa chuyện đó lại không đúng sự thật. Nền văn hóa Do Thái chỉ là một thành tố trong tiến tình lịch sử tương tác giữa nhiều văn hóa. Từ xa xưa, ‘việc tăng trưởng phong phú’ của miền Trung Đông là một giao lộ đích thực cho nhiều nền văn hóa. Dân tộc Do Thái và những truyền thống của họ, nói theo ngôn ngữ loài người, là sản phẩm của sự tương tác văn hóa đa dạng đó, và chính họ cũng là những người đóng góp cho việc thể hiện tiến tình liên hóa.

Ugarit là một thành phố phía bắc Phênisi, ngày nay nằm ở nước Syria và được coi như là nơi tụ cư lạ lùng cho ảnh hưởng văn hóa ngoại lai. Những tư liệu lịch sử, bao gồm hơn 4000 bản viết bằng gốm, được đưa ra ánh sáng trong khoảng 1929 và 1973, và chúng tạo nên một nguồn tư liệu hết sức đa dạng. Ở đó có những thần thoại, huyền thoại, thánh vịnh, danh mục những lễ dâng, những bức thư, những ngân phiếu và những hiệp ước, v.v... Mặc dù ngôn ngữ địa phương của Ugarit là thiếng Canaan cổ, song nguồn tư liệu của nó được ghi lại không dưới 8 loại ngôn ngữ. Những ghi nhận mà chúng ta quy chiếu thì thuộc về tầng cuối cùng trong ba lớp địa tầng thời Đồ Đồng Mới và thuộc niên đại giữa phần tư thứ nhì và cuối của của thiên niên kỷ thứ hai trước công nguyên. Có khoảng 250 tên các thần trong các bản văn, từ nhiều truyền thống tôn giáo khác nhau. Trong số này chúng ta tìm thầy, ‘Thượng Đế Tối Cao’, Baal – Hadad, và thần biển, Yam, là con quái vật bị Baal – Hadad lôi lên khỏi biển[3]. Những danh xưng và những đề tài đó sau này sẽ xuất hiện trong các sách Cựu Ước, Ugarit đã chúng ta manh mối để hiểu được mức độ mà người Isarel đối thoại với nền văn hóa Canaan.

Khoảng 570 năm trước thời kỳ được tiêu biểu bằng các bản văn Ugarit, Abraham đã đi vào Canaan từ miền Mesophotamia. Hơn 400 năm trước khi bắt đầu chuỗi bản văn Ugarit, các Tổ Phụ đã có mặt tại Ai Cập. Hiển nhiên, những tổ tiên này của người Do Thái là một phần của thăng trầm văn hóa làm nên đặc điểm của miền đó. Những câu chuyện được lưu truyền về các vị thường là di sản chung cho nhiều nền văn hóa cổ xưa. Như Beauchamp đã diễn tả, đó là một kiểu ‘nghe nhau kể chuyện’ và những lối diễn tả đó đã có cơ hội thâm nhập mọi nền văn hóa Cận Đông. Đôi khi, một truyện kể lại bền vững hơn cả nền văn hóa nguyên thủy của nó. Lại có những lúc nó nắm một vai trò quan trọng trong việc tạo nên một truyền thống văn hóa[4].

Rossano ghi chú rằng bộ luật tư tế đã thừa nhận nhiều giao ước, phân biệt khỏi giao ước Môsê và giao ước Noe, một giao ước ảnh hưởng đến mọi dân trên trái đất[5]. Nỗ lực phổ thế hóa này thâm nhập những truyền thống Kinh Thánh sớm nhất, và đặc biệt là lối giải thích chúng theo nguồn Giavít, và là một bằng chứng hùng hồn cho thấy lịch sử cứu độ có tương quan đến những nền văn hóa đa biệt cũng như sự tương tác giữa chúng. Nó cũng gợi lên chân lý được ghi nhận sớm hơn trong cuốn sách này, đó là Thiên Chúa kêu gọi mỗi nền văn hóa vượt qua biên cương của mình. Nói về những thái độ Kinh Thánh đối với những tôn giáo ngoài Do Thái giáo, Rossano viết thế này:
Kinh Thánh chỉ thù nghịch đối với những tôn giáo nào thức sự đe dọa đến giao ước (Môsê), hoặc mặc lấy những hình thức đơn nguyên vũ trụ và sinh lực, hoặc lối kéo con người thờ lạy những ngẫu tượng và do đó lấy tạo vật mà thay cho Tạo Hóa. Khi Kinh Thánh gặp được những hình thức tôn giáo thuần túy hoặc những hình thức có thể dung hòa với đức tin vào Thiên Chúa của Giáo ước, Kinh Thánh tiếp nhận chúng và lấy chúng làm của mình: điều đó đã đủ để quy chiếu những trường hợp Melchisedek, Kethro, Job, những nhân vật tôn giáo tuy ngoài Do Thái giáo nhưng lại được thừa nhận và được ca tụng vì lòng tin của họ[6].

Không thể hiểu được sách Sáng thế nếu không quy chiếu những thần thoại tạo dựng cổ xưa và những thiên sử thi của Mesopotamia. Cũng vậy, cần phải xếp hạng những luật lệ của giao ước trong truyền thống các luật lệ Mesopotamia, đặc biệt của nhà Hammurabi, khoảng năm 1700 trước công nguyên, và cơ cấu của những lời sấm tiên tri của Israel rất tương tự những lời sấm được khám phá ở Mari, một trung tâm đã bị nhà Hammurabi phá hủy[7].

Trong truyện kể về Giuse và các con cháu, sách Sáng Thế cũng có những bằng chứng cho thấy đã chịu ảnh hưởng Ai Cập xưa. Những ảnh hưởng đó còn mãi trong truyền thống Israel. Một ví dụ sáng tỏ, đó là Thánh vịnh 104, rất giống với bài thánh ca Akhenaton, một pharaol ‘lạc giáo’ dám thờ lạy thần mặt trời Aton. Bài thánh ca Ai Cập và thánh vịnh của người Do Thái thì đủ cho thấy một vay mượn trực tiếp. Tuy nhiên, cũng có những khác biệt quan trọng cho thấy rằng đã xảy ra một cuộc đối thoại với những ý tưởng độc đáo của người Do Thái. Một trong những điều đó là việc nhấn mạnh đến những cơn mưa, coi đó như hồng ân của Thiên Chúa, và một sự kiện khác là Giavê cũng làm việc vào ban đêm cũng như ban ngày, đang khi mà vị thần mặt trời lại hoàn toàn vắng mặt vào ban đêm ở câu chuyện nguyên thủy Ai Cập[8].

Những ví dụ trên cho thấy sự xác tín rằng Thiên Chúa đã mạc khải, và vẫn còn đang mạc khải chính Ngài thông qua nét năng động trong việc thích nghi văn hóa. Xuyên suốt trình thuật Kinh Thánh, những vận mệnh văn hóa của dân Thiên Chúa có thịnh mà cũng có suy. Lúc này, chúng chịu ảnh hưởng một nền văn hóa đặc thù, ngoại lai, lúc khác chúng lại là chịu ảnh hưởng một nền văn hóa đặc khác. Những hình thức của Messopotamia, Ai Cập, Canaan, Ba Tư và Hy Lạp cứ lần lượt nối tiếp nhau. Mối tương quan giữa Thiên Chúa với dân Ngài thì trong từng thời kỳ đã chịu ảnh hưởng những hình thức hoặc những môi trường văn hóa nổi bật. Sự đáp ứng của Do Thái cũng bị điều kiện hóa bởi những ảnh hưởng văn hóa kế tiếp nhau. Dù nó đáp ứng tích cực hoặc tiêu cực đối với giao ước, thì cũng vẫn hòa hợp với tâm lý tôn giáo của khuôn khổ văn hóa thời đại[9].

Thách đố của chính Thiên Chúa ngay giữa lòng văn hóa Do Thái, mà Senior và Stuhmueller gọi là Thiên Chúa ‘thích nghi văn hóa’ đã trở thành một kiểu mẫu đều đặn. Trong pha đầu tiên, Israel cảm nghiệm “sự xâm nhập mãnh liệt” của Thiên Chúa, việc đảo lộn những ý tưởng và những mối tương quan sẵn có. Tiếp đến là một thời kỳ bản địa hóa, trong đó ‘bạo lực’ của Thiên Chúa đã được chế ngự, như thường xảy ra, và dân chúng cảm nghiệm sự ổn định, thành công cũng như cảm thấy có thể làm chủ vận mệnh của mình. Việc bản địa hóa chứng tỏ một nét rất nhân văn và lại cần đến ơn cứu chuộc. Do đó chu kỳ Thiên Chúa ‘thích nghi văn hóa’ cũng lặp lại, và thế là lại có cuộc đối thoại giữa đức tin và nền văn hóa trong lòng dân tộc Israel[10].

Hội Nhập Văn Hóa Với Canaan


Giữa thời Xuất Hành và thời Lưu Đày, Israel phải chiến đấu với nhiều dạng văn hóa Canaan gặp thấy tại miền Đất Hứa. Đó là một nền văn hóa có nhiều nguồn gốc khác nhau. Dần dần, Israel giải thích lại một nền văn hóa này nhờ vào cuộc cảm nghiệm riêng của mình về mạc khải – cứu độ. Đây là việc thích nghi văn hóa ở Canaan, có lẽ là quan trọng nhất trong việc hội nhập văn hóa thời Cựu Ước.

Lối hiểu của người Do Thái về đời sống sau cái chết không khác mấy so với những ý kiến phản ảnh trong các tài liệu lịch sử Ugarit. Tuy nhiên, không giống như người miền Ugarit vốn thực hành việc thờ người chết, Israel quyết liệt chống đối lại những nghi thức như vậy[11]. Tuy nhiên, những lễ nghi than khóc kẻ chết của người Canaan tiếp tục trong Israel mà không thấy các ngôn sứ lên tiếng kết án. Đề tài của dân Canaan về cuộc chiến giữa Đấng Tạo Hóa – Thiên Chúa và con quái vật biển khơi cũng tái xuất hiện trong những Thánh vịnh và trong Isaia[12], đang khi Êzêkien dường như lại dùng đến thần thoại Canaan trong tập thơ châm biếm chống lại Vua Tyrô[13].

Những Thánh vịnh thường vay mượn đề tài, bút phát và những vần nhịp từ những Thánh vịnh của người Canaan, Thánh vịnh 29 là một ví dụ điển hình. Nó ca tụng tính cách hoàng vương của Thiên Chúa, Đấng mạc khải chính mình trong cung giọng mạnh mẽ của sấm sét. Toàn thể trái đất, núi, đồi đều run giùng trước tiếng Ngài, vì nó loan báo việc Thiên Chúa đang ngự đến. Tuy nhiên, âm thanh đó sau cùng lại là một dấu chỉ cứu độ cho dân Thiên Chúa, một dấu hiệu cho thấy sức mạnh của họ có công dụng đem lại bình an, Người ta dùng đến câu ‘tiếng của Giavê’ bảy lần trong một Thánh vịnh:
Tiếng Chúa rền vang trên sóng nước,
Thiên Chúa hiển vinh cho sấm nổ ầm ầm,
Chúa ngự trên nước lũ mênh mông.
Tiếng Chúa thật hùng mạnh!
Tiếng Chúa thật uy nghiêm!
Tiếng Chúa đánh gãy ngàn hương bá,
Chúa đánh gãy ngàn hương bá Li-băng.
Người làm cho dãy Li-băng thành như bê nhảy nhót,
đỉnh Xia-giôn khác nào nghé tung tăng.
Tiếng Chúa phóng ra ngàn tia lửa,
Tiếng Chúa lay động vùng sa mạc,
lay động vùng sa mạc Ca-đê.
Tiếng Chúa lay động cả rặng sồi,
tuốt trụi lá cây cao rừng rậm.
Còn trong thánh điện Người,
tất cả cùng hô: “Vinh danh Chúa!”
Mặc dù Thánh vịnh này có những nét đặc trưng của Do Thái mà, hơn hẳn các Thánh vịnh khác, đã quả quyết rằng Thiên Chúa được trình bày như Vị Vua ‘cai trị đời đời’, cấu trúc của nó lại quá điệu nghệ vì nó rập khuôn kiểu mẫu một thánh thi nào của người Canaan cổ hơn vốn rất giống nó. Thánh thi này được khám phá trong số những bản văn Ugarit và được sáng tác để ca tụng Baal – Hadad, thần của bão tố. ‘Baal lên tiếng vang lừng – tiếng của Người rộn rã và trái đất run giùng… đồi núi và trái đất vỡ tung. Địch thu của Baal trốn chạy vào rừng’[14].

Có lẽ việc hội nhập văn hóa quan trọng nhất đã xảy ra trong lãnh vực thờ phượng. Kiến trúc của Đền Thờ cũng rất giống nhữn đền thờ miền Syro-Phoenicia, đặc biệt là đền thờ Tell Tainat tại Syria. Chúng ta cũng nên nhớ rằng Salomon đã kiếm được những nghệ nhân người Phoenicia từ Hiram miền Tyrô để trang trí Đền Thờ tại Giêrusalem. Những việc trang hoàng, những cây cọ và các thần Cherubim; những đồ dùng như là con rắn đồng được gán cho Môsê; những con vật hy tế và cả những lối hy tế khác nhau; tất cả những việc đó đều rất gần gũi với văn hóa tôn giáo của Canaan[15].

Lại nữa, còn có rất nhiều lễ hội khác nhau trong lịch sử của Israel. Những lễ hội đó nguyên là ‘những lễ hội thiên nhiên’ hoặc những nghi thức đồng áng, được Israel giải thích lại như việc cử hành ơn cứu độ mà Giavê Thiên Chúa thực hiện. Nhưng cho dù có hội nhập văn hóa, chúng chẳng bao giờ mất đi hoàn toàn ý nghĩa nguyên thủy. Trong số những nghi thức đó, có lễ Bánh Không Men để cử hành tính thánh thiện của ngũ cốc, vì nó đến từ bàn tay Thiên Chúa. Về sau lễ này lại tùy thuộc việc tưởng niệm cuộc Xuất Hành và trở thành lễ Vượt Qua. Một nghi thức khác về thiên nhiên, đó là lễ thu hoạch Của Đầu Mùa, sau này trở nên Lễ Ngũ Tuần gợi lại niềm vui khi vào Đất Hứa. Rồi lại có Lễ Mùa Màng khi mùa gặt đã hoàn tất, lễ này sau trở thành lễ Lều Tạm, để nhớ lại chuyện người Israel đã ở trong những lều trại như thế trong thời kỳ xuất Ai Cập. Những lễ khác, và ngay cả ngày Sabát, cũng đều xuất phát từ dân Canaan[16].

Hôsê là một điển hình cho các ngôn sứ hội nhập văn hóa với Canaan. Trong thời của ông, dân chúng không phân biệt rõ ràng giữa tôn giáo thờ Baal với tôn giáo thờ Giavê. Trong cuộc luận chiến, Hôsê đã cố gắng vận động dân chúng từ bỏ những nghi thức thờ kính Baal và trọng điểm đồng áng trong tôn giáo Canaan, và đưa họ trở về Thiên Chúa của cuộc Xuất Hành. Thông qua hôn nhân thánh thiện, mà Hôsê trình bày như đối nghịch với chuyện làm điếm đền thờ trong tôn giáo người Canaan, Giavê được trình bày như Thiên Chúa đích thân quan tâm đến những vận mệnh của dân Ngài trong mọi thăng trầm lịch sử của họ. Hôsê thu tập hết những biểu tượng đối nghịch của Israel và Canaan, thử thách cả hai và làm cho cả hai nên phong phú. Senior và Stuhmuller coi những lời sấm của Hôsê như một kiểu mẫu chính xác trong việc hội nhập văn hóa của nhà thừa sai, một cuộc thích nghi với văn hóa bản địa, đồng thời cũng là một cuộc luận chiến chống lại nó.
Hôsê đã thách đố nền văn hóa Canaan đến độ những cảm nhận tinh tế của nó đã được giữ lại và được thanh luyện, và chúng có được một sức sống mới trong truyền thống giao ước Môsê. Sự buông thả nhục dục của người Canaan đã bị chống đối mãnh liệt qua việc người Do Thái hồi tưởng sa mạc Sinai và tính cách luân lý mạnh mẽ, quen thuộc của nó. Đồng thời nền văn hóa Canaan cũng có ảnh hưởng đến nền thần học giao ước bằng cách giúp cho Israel nói về tình yêu Thiên Chúa trong ngôn ngữ hiệp nhất phu phụ và trong chiều sâu thần bí của nó[17].

Việc hội nhập văn hóa với Canaan đem lại cho họ niềm tin về Giavê lối diễn tả tốt hơn, và giúp cho một dân tộc du mục, có cơ cấu thị tộc, thích nghi với nền kinh tế nông nghiệp và rồi trở nên một quốc gia.

Căng Thẳng Giữa Việc Tuyển Chọn Israel Và Sứ Vụ Phổ Thế


Israel là một dân được tuyển chọn, nhưng các dân tộc khác ở nhiều nơi và nhiều thời khác nhau cũng ý thức mình được Thiên Chúa tuyển chọn. Trong số các dân tộc vùng Cận Đông thời Kinh Thánh, cả Ai Cập lẫn Mesopotamia đều cảm thấy mình được kêu gọi để nắm một vai trò đặc biệt, và coi những giàu sang phú túc và sức mạnh của mình như bằng chứng cho việc Thiên Chúa tuyển chọn. Việc tuyển chọn Israel là việc chọn lọc một dân tộc đơn độc ở giữa những quốc gia hùng cường. Hơn nữa, Giavê còn cứu vãn dân Ngài cảnh nô lệ người Ai Cập qua việc biểu lộ quyền năng mà không cần nhớ gì đến của cải hoặc sức mạnh quân sự của họ. Đầu tiên Israel là ‘kẻ xa lạ’ trong thời kỳ các tổ phụ. Rồi dân chúng bị đặt dưới ách thống trị của người Ai Cập. Sau khi vào được Đất Hứa, đã nhiều lần họ bị Thiên Chúa dùng đến những quốc gia lân bang để gia phạt họ. Rồi họ bị lưu đày, và khi cuộc lưu đày chấm dứt, Giêrusalem quả thực đã trở thành một ghetto, đang khi số còn lại của người Do Thái bị phân tán khắp thế giới Địa Trung Hải. Nếu Israel ý thức được việc Thiên Chúa tuyển chọn mình, thì đó là một sự tuyển chọn trong nghèo đói, đau khổ cơ cực.

Tuy nhiên, một dân tộc không được tuyển chọn để được tuyển chọn. Trong việc tuyển chọn đó còn có một mục đích, một ơn gọi để triển khai chương trình của Thiên Chúa và thúc đẩy ơn cứu độ trần gian. Việc Israel ý thức mình được Thiên Chúa tuyển chọn luôn bị giằng co giữa sứ vụ toàn cầu đó, và lịch sử của Israel là lịch sử của sự giằng có đó – tức là vấn đề nối kết việc tuyển chọn một dần với ơn cứu độ của muôn dân.

Trước tiên, viễn cảnh cứu độ trần gian được mường tượng thần phục dân Israel. Đó là một kiểu dân tộc tập trung cứng rắn, coi Israel như trung tâm vũ trụ, và mọi quốc gia trên trái đất bị coi như nô lệ cho nước này, tuôn chảy về Giêrusalem của cải và những vật triều cống. Việc khôi phục Israel được coi như một thời hoàng kim mới, sánh ví với thời Vua Salomon. Sau đó, tầm nhìn mang tính cách tôn giáo và phổ thế nhiều hơn, nhận ra vai trò của Israel như ‘ánh sáng muôn dân’. Hơn nữa, hồng ân Thiên Chúa cứu độ và giao ước của Ngài đâu chỉ dành cho Israel mà thôi.
Người phán: “Nếu ngươi chỉ là tôi trung của Ta
để tái lập các chi tộc Giacóp,
để dẫn đưa các người Israel sống sót trở về,
thì vẫn còn quá ít.
Vì vậy, này Ta đặt ngươi làm ánh sáng muôn dân,
để ngươi đem ơn cứu độ của Ta đến tận cùng cõi đất.”[18]
Lâu dần, việc tuyển chọn này vốn khởi đi từ đau khổ và cơ cực lại mở rộng đến toàn thế giới thông qua ‘người tôi tớ đau khổ của Giavê’. Tuy nhiên, áp lực vẫn còn đó cho tới cuối thời Cựu Ước, khi Israel bị thử thách bởi nền văn hóa Hy Lạp, và những người chủ trương một nền văn hóa tinh tuyền có thể hy vọng vào một cuộc khởi phục chính trị và văn hóa, mang đậm tính cách dân tộc trung tâm.

Như đã thấy, Israel không phải là dân tộc duy nhất ý thức được việc Thiên Chúa tuyển chọn. Họ cũng không phải là quốc gia duy nhất phản ánh tính phổ thế trong chương trình của Thiên Chúa. Trong lịch sử thế giới có nhiều truyền thống tôn giáo và văn hóa cũng mang những chiều kích phổ thế. Theo lời của Beauchamp, điểm độc đáo trong trường hợp Israel, đó là sự phối hợp giữa sự tuyển chọn và sứ vụ phổ thế[19]. Việc tuyển chọn Israel là một lời kêu gọi liên lỉ tiến đến tính phổ thế mà trong thời Cựu Ước chưa thể hoàn tất. Việc dân tuyển chọn thất bại trong việc làm trọn sứ vụ đó hẳn là một thách đố liên tục. Thực vậy, Israel thường xuyên bị cám dỗ chống lại những đòi hỏi của tính phổ thế, và thường thì những tội lỗi của dân tuyển chọn lại phát sinh bởi việc họ quá hiểu về việc mình được tuyển chọn.

Cảm nghiệm của Israel về việc mạc khải – cứu độ của Thiên Chúa, hiển nhiên là độc nhất vô nhị. Cảm nghiệm lịch sử của mỗi dân tộc đều là độc nhất và không thể lặp lại, và tôn giáo của Israel cũng mang tính lịch sử. Những cuộc can thiệp của Thiên Chúa được nắm bắt trong và qua những biến cố lịch sử, và ngay cả thế giới thiên nhiên cũng tùy thuộc lịch sử. Tính cách độc đáo trên của cảm nghiệm lịch sử nơi người Israel, xét trên lý thuyết, không thể làm hao mòn tính phổ thể trong sứ vụ của họ. Những con người xa lạ thuộc các nền văn hóa khác cũng được mời gọi chia sẻ chuyện đời Israel, đi vào lịch sử của Israel, như đã thấy. Tính phổ thế đích thực chính là chuyện phổ quát hóa một trường hợp đặc thù, chứ không phải là chuyện đặc thù hóa một điều phổ quát. Đó là chia sẻ điều duy nhất. Tự cân cốt, đó là điều mà mọi thông giao liên văn hóa đều quan tâm – tiến trình chia sẻ điều duy nhất. Thêm một lần nữa, chúng ta khẳng định rằng Thiên Chúa tự mạc khải thông qua những tương tác nơi các nền văn hóa, nhưng vì Thiên Chúa, qua việc Nhập Thể, cũng đồng hóa với một hoàn cảnh văn hóa riêng biệt, nên trong ‘tiền sử’ của Đức Kitô, tức là Cựu Ước, thì Thiên Chúa cũng đồng hóa với một nền văn hóa đặc thù. Như thế, qua các thế kỷ của lịch sử Cựu Ước, Thiên Chúa đã dùng hoàn cảnh văn hóa của dân tộc Do Thái xưa để nói với các dân thuộc các nền văn hóa khác.

Israel không vì chuyện được tuyển chọn mà tách khỏi tiến trình liên văn hóa. Như đã thấy, có nhiều việc tuyển chọn và nhiều giao ước, và tiến trình liên văn hóa không là gì khác hơn sự tương tác giữa các dân tộc, mà mỗi dân tộc lại có ơn gọi riêng hoặc mục đích thần thiêng riêng biệt. Theo một các thức đặc biệt, việc tuyển chọn Israel là một dạng thức cho mọi cuộc tuyển chọn, cũng như cuộc sống, cái chết và cuộc Phục sinh của Đức Giêsu đã trở nên một dạng thức cho tất cả những ‘cuộc nhập thể’ sau này.

Israel không chỉ dạy bảo những nền văn hóa khác trong một lề thói tích cực. Chuyện học đòi từ Israel những lỗi lầm và những bất trung cũng là điều bình thường. Ngay cả khuynh hướng dân tộc trung tâm, mà ta đã nêu lên, cũng có một giá trị sư phạm. Các nền văn hóa có thể khép kín hoặc tự mãn. Chúng có thể giải quyết những vấn đề của mình bằng bạo lực và chiến tranh, bằng việc thâu tóm hoặc thống trị. Thiên Chúa dùng nền văn hóa Israel vừa để ca tụng vừa để khiển trách. Dù người Israel có cộng tác hay không, dù họ trung tín hay bất tín, thì Ngài vẫn cứ dùng Israel như dụng cụ được chọn để giáo huấn và cứu độ cho những nền văn hóa khác. Tuy nhiên, Israel đã được chọn để có một cuộc đối thoại xây dựng với Ngôi Lời Thiên Chúa, để có một cuộc hội nhập văn hóa thực sự của Ngôi Lời đó. Như đã thấy, khi nói đến việc Thiên Chúa ‘thích nghi văn hóa’, Israel bó buộc phải luôn luôn trung tín với Giavê và để cho niềm tin đó giải thích lại nền văn hóa đương đại của họ.

Việc tuyển chọn Israel là một triển vọng cho yếu tố phổ thế cần tìm thấy nơi mọi nền văn hóa, cốt lõi cho sự thật ngay trong lòng mỗi truyền thống nhân loại. Do đó, việc Thiên Chúa tự mạc khải cho Israel là một lời chất vấn mọi nền văn hóa. Sự kiện này đặc biệt rõ ràng trong những gì mà Rossano gọi là nhiệm cuộc Khôn Ngoan[20], mà điểm quan trọng và bền vững của điều đó chính là việc gặp gỡ giữa Israel và nền văn hóa Hy Lạp.
 

Những Hàm Ý Văn Hóa Trong Nhiệm Cuộc Khôn Ngoan


Nhiệm Cuộc Khôn Ngoan qui chiếu về yếu tố chung được các nhà trước tác Kinh Thánh phân biệt nơi các nền văn hóa. Nó là giả thiết rằng các nền văn hóa được nối kết với nhau về mặt đạo đức, và Thiên Chúa nói với toàn thể nhân loại không phân biệt nhóm văn hóa đặc thù. Rossano miêu tả điều đó như sau:
Qua ‘nhiệm cuộc khôn ngoan’, tôi muốn nói đến hành vi của Thiên Chúa nhờ Khôn Ngoan được miêu tả trong một bộ tuyển tập văn chương gọi là Khôn Ngoan, nhưng cũng còn trong những chương đầu sách Sáng Thế và trong các phần của sách Đệ Nhị Luật, các sách Ngôn Sứ và những trước tác Tân Ước – mối liên kết giữa Khôn Ngoan và đời sống tôn giáo – đạo đức của nhân loại[21].

Khôn ngoan ở cùng Thiên Chúa và phát xuất từ Ngài. Khôn Ngoan hiện diện qua toàn thể việc tạo dựng và vui lòng ngự lại nơi dân tộc thuộc mọi nền văn hóa. Khôn Ngoan được ban cho mỗi con người như một sự soi minh nội tại, và đạt đến linh hồn thánh thiêng, làm cho chúng trở thành những ‘người bạn và ngôn sứ ủa Thiên Chúa’[22]. Khôn ngoan là nguồn mạch lối sống chính trực và là nguồn chính đối với những người khác. Khôn Ngoan là sự sống và bảo đảm cho sự bất tử, đã nhập thể vào bộ luật Torah của Israel theo một cách thức đặc biệt.

Sau cùng, Khôn Ngoan chính là việc Thiên Chúa tự mạc khải mình, và đã được ngôi vị hóa như một kiểu bạn đồng hành của Thiên Chúa. Từ nền văn chương khôn ngoan, người ta có cảm tưởng rằng Khôn Ngoan là ưu phẩm của Thiên Chúa được ngôi vị hóa, với sự tồn tại ngôi vị độc lập. Tuy nhiên, Khôn Ngoan lại cũng là một tạo vật của Thiên Chúa, được tạo dựng cùng với vũ trụ, nhưng nó đâu chỉ là nguyên lý cho lý tính nơi vũ trụ. Đúng ra đó là chuyện Thiên Chúa tạo dựng thì làm chứng cho Ngài trước những ai có lòng tin.

Trong Tân Ước, Gioan đã nêu lên tính song hành giữa Khôn Ngoan của Thiên Chúa, đứng ra mời gọi mọi người đến đồng bàn với Đức Giêsu, Đấng khiến cho những ai đối khát đến với mình đều được no thỏa. Phaolô nói rõ về ‘Đức Giêsu Kitô, Đấng đã trở nên sự khôn ngoan cho chúng ta, khôn ngoan phát xuất từ Thiên Chúa’[23]. Gioan dường như lại muốn nhờ vào những nguồn mạch Semitic khi dùng đến thuật ngữ Logos như danh xưng của Đức Kitô, nhưng cũng là Thiên Chúa hiện hữu từ đời đời. Các nhà nghiên cứu ngày nay thường nghi ngờ về khả năng một nguồn triết lý Hy Lạp ảnh hưởng thuật ngữ của Gioan. Họ ưa coi chuyện đó liên kết với việc dùng thuật ngữ memra trong bản dịch Kinh Thánh Targums, ám chỉ mệnh lệnh hoặc lời sáng tạo của Thiên Chúa. Thuật ngữ này được dùng đặc biệt trong những ngữ cảnh nói đến mối tương quan giữa Thiên Chúa với vũ trụ. Memra sáng tạo chiếu soi như một ánh sáng trong đêm tối, trải qua khắp mặt vực thẳm[24].

Văn chương khôn ngoan của Cựu Ước và bản Targums như vậy đã tạo nên cơ sở Semitic cho Logos của Gioan. Philo thành Alexandria, sống vào khoảng năm 20 trước CN đến năm 54 sau CN dường như là người có mối liên hệ đầu tiên giữa truyền thống khôn ngoan Do Thái với Logos của nền triết học Hy Lạp. Tuy nhiên, quan niệm của ông không giống như quan niệm của Gioan. Logos của ông chiếm cứ một vị trí trung gian giữa Thiên Chúa và các tạo vật và không phải là Thiên Chúa theo nghĩa chặt của thuật ngữ. Tuy vậy, có thể tin được rằng thánh Justin vào thế kỷ thứ II, đã nối kết văn chương không ngoan với những truyền thống triết lý Hy Lạp trong quan niệm của ông về Logos Mầm Giống.

Văn chương khôn ngoan của Cựu Ước chũng cho thấy ảnh hưởng của nhiều nguồn văn hóa ngoài Do Thái, của Ai Cập, Mesopotamia, Assyri và Hy Lạp. Đặc biệt Hy Lạp được trình bày chính yếu qua cuốn Sách Khôn Ngoan, mà Maurice Gibert đề nghị như tiêu biểu cho việc hội nhập văn hóa thời Cựu Ước[25]. Tác giả Sách Khôn Ngoan chủ yếu viết cho những người đồng hương Do Thái của ông đang sử dụng ngôn ngữ cũng như văn hóa của Người Hy Lạp. Tại Alexandria, những người Do Thái được thu hút đặc biệt bởi nền triết lý, khoa học và những việc phụng tự huyền bí của người Hy Lạp. Tác giả hy vọng vẫn bảo vệ được tính chính thống của dân tộc qua cuốn sách của mình.

Sách Khôn Ngoan là một tác phẩm Do Thái của thế kỷ thứ I trước Công Nguyên được chuyển cho hậu thế qua Kitô giáo. Tuy nhiên, hình thức văn chương và cấu trúc của sách này lại hoàn toàn mang tính Hy Lạp và có một mối gắn bó tiềm ẩn với cac thể loại văn chương Cựu Ước. Thực vậy, đó là một ca tụng hoặc tán dương hoặc, nói chính xác hơn, đó là phần mở đầu cho bài tán dương. Diễn từ của nó được vạy mượn từ tư tưởng Hy Lạp, nhưng nguồn gốc của nó lại nằm trong những tư tưởng và mục tiêu Do Thái. Cuốn sách có đặc điểm tôn giáo và nói đến những biến cố thời Xuất Hành, đối nghịch người Do Thái với người Ai Cập và công kích việc tôn thờ súc vật và thuyết phiếm thần của lương dân. Đó là một sự suy nghiệm về tôn giáo của dân tộc Do Thái. Tuy nhiên, không hề có một nhân vật Kinh Thánh được nêu rõ tên trong công trình, và cũng không chỉ có ngôn ngữ, bút pháp hoặc ngữ vựng Hy Lạp. Có nhiều ám chỉ đến nền văn hóa, tư tưởng và giá trị Hy Lạp. Những hoa quả của khôn ngoan thì tiêu biểu là những nhân đức theo tư tưởng Hy Lạp là tự chủ, khôn khéo, công bằng và can đảm[26]. Tuy nhiên, điều mà tác giả chủ yếu quan tâm lại là Israel, và chúng ta thấy rằng những phạm trù Hy Lạp thường biến thái thông qua niềm tin Thánh kinh của ông. Một ví dụ tốt, đó là việc ông đã giải thích lại quan niệm của người Hy Lạp về bất tử, coi đó như một hồng ân của Thiên Chúa mà ta đã có thể được ngay trong cuộc đời này. Như Gilbert nói lên, cuốn sách là một tấm gương thành đạt trong việc hội nhập văn hóa, cuộc đối thoại giữa niềm tin Do Thái và văn hóa Hy Lạp. Do đó, nó giúp để cứu vớt cộng đồng Do Thái tại Alexandria khỏi những mối hiểm nguy là khuynh hướng hỗn hợp (syncretism).

Cuộc Gặp Gỡ Giữa Văn Hóa Do Thái Và Văn Hóa Hy Lạp


Tại Palestin, người Do Thái được phân chia theo phản ứng của họ đối với việc xâm nhập của nền văn hóa Hy Lạp. Họ không đồng ý được chuyện có nên chấp nhận hoặc từ chối nền văn hóa này, với ngôn ngữ của nó, các rạp hát của nó, thể thao cũng như các giá trị tôn giáo, niềm tin và thực hành. Trong những nhóm đạo đức thì tinh thần Hy Lạp gây nên phản ứng của nhóm Hassidim và cuộc nổi dậy anh hùng của anh em nhà Maccabe. Tuy nhiên, sau cùng những ông hoàng nhà Hasmonean đã chấp nhận phong tục của người Hy Lạp và đã có vị Thượng Tế, không bất chấp Lề Luật. Tiếp đến, điều này lại gây nên phản ứng nơi nhóm Essenes, một nhóm những người thanh tịnh Do Thái, lánh về Qumran vùng sa mạc Giuđêa.

Vì người Do Thái phân tán khỏi bờ cõi Palestin, như chúng ta đã thấy trong sách Khôn Ngoan, nên có ít cơ máy chống cự lại được thế giới Hy Lạp thống trị vùng Địa Trung Hải: Hy Lạp và Bắc Phi, Syria và Tiểu Á, Hy Lạp, Sicily và miền Nam nước Ý và các đảo Cyprus và Crete. Trong các thành phố và thị trấn của Địa Trung Hải, họ tiếp nhận ngôn ngữ Hy Lạp và nền văn hóa thị thành. Họ thấm nhiễm tư tưởng triết lý Hy Lạp và một ít điều trong tâm lý tôn giáo Hy Lạp.

Việc nổi loạn chống cự hoặc tháo chạy khỏi nền văn hóa Hy Lạp là không thể được. Tuy nhiên, họ cũng thu xếp để giữ lại căn tính và đức tin Thánh kinh của mình. Đối với họ, việc hội nhập văn hóa là hết sức cần thiết, chứ không phải là điều xa xỉ. Quả vậy, đó là tối bảo vệ duy nhất có thể có được để chống lại khuynh hướng hỗn hợp (syncretism). Người Do Thái của Thời Phân Tán (Diaspora) rất trung thành với đức tin của tổ phụ mình qua việc họ có được một bản Kinh Thánh Hy Lạp. Bản Bảy Mười tạo nên một tuyển tập những cuốn sách nhiều hơn so với việc tuyển lựa bằng tiếng Hipri được người Do Thái tại miền Palestin sử dụng, và một số trong những tập sách đó lại không có nguồn gốc Semitic. Sách Khôn Ngoan là tập sách cuối cùng của bộ Kinh Thánh này. Do đó, bản Bảy Mươi không chỉ là việc phiên dịch từ tiếng Hípri. Nó là một phần trong tiến trình hội nhập văn hóa sâu sắc được thực hiện bởi những người Do Thái Thời Phân Tán.

Chúng ta đã xét đến một số đường lối mà Cựu Ước đã giúp cho suy tư thần học trong vấn đề hội nhập văn hóa: Ta đã thấy làm cách nào việc Thiên Chúa tự mạc khải thách đố và tinh luyện nền văn hóa trong Kinh thnash, và chúng ta cũng thấy cách thức việc mạc khải cứu độ thấm nhập qua hoàn cảnh giao lưu văn hóa. Chúng ta cũng ghi nhận cách thức niềm tin Thánh kinh vào Giavê đã đối thoại với những nền văn hóa khác nhau đến thống trị người Do Thái trong nhiều thời kỳ lịch sử của họ, và chúng ta cũng ghi nhận cách thức và sự đáp ứng tôn giáo của họ được diễn tả trong những hình thức văn hóa đó.

Đặc biệt là nền văn hóa Canaan, chính nền văn hóa này cũng thâu nhận nhiều ảnh hưởng của nền văn hóa khác, đức tin Thánh kinh đã gắn bó với nền văn hóa đó và điều này có lẽ đem lại cho niềm tin lối diễn tả tinh tế nhất. Chúng ta cũng thấy rằng Israel ý thức mình được Thiên Chúa tuyển chọn, và đã coi điều đó như trọng tâm của tiến trình hội nhập văn hóa. Phần đông những gì mà Israel nhận được từ kinh nghiệm đó đều chất chứa trong thứ văn chương khôn ngoan mệnh danh là nhiệm cuộc Khôn Ngoan. Ở đây chúng ta gặp được những tiền đề Thánh Kinh của từ ngữ Logos mà Gioan dùng, và sau cùng là Logos Mầm Giống trong tư tưởng các Giáo Phụ Minh Giáo, được dùng làm nền tảng để Kitô Giáo hội nhập văn hóa.

Sau cùng, chúng ta đã nhận xét ảnh hưởng của văn hóa Hy Lạp trên người Do Thái vào cuối thời kỳ Cựu Ước. Đó là kinh nghiệm liên văn hóa, chiếm một tầm quan trọng thật lớn lao cho Kitô giáo. Chính Chúa Giêsu Kitô cũng được đưa vào một khoảnh đất Palestin rất đa dạng văn hóa là Galiê, đang khi những kẻ theo Người lại phổ biến Tin Mừng khắp thế giới Hy hóa ở vùng Địa Trung Hải sau khi Ngài đã chịu chết và phục sinh. Trong những hành trình truyền giáo đầu tiên, các tông đồ đã đến với những cộng đoàn phân tán người Do Thái đang sống theo văn hóa Hy Lạp, và những người lương dân có thiện cảm với họ, và những trước tác Tân Ước bằng tiếng Hy Lạp cũng phát sinh từ những cộng đoàn mà các vị đã xây dựng trong thế giới Địa Trung Hải. Có thể nói được rằng việc hội nhập văn hóa của Kitô giáo được đặt nền tảng rất sớm, đó là việc Do Thái Giáo hội nhập văn hóa Hy Lạp.

[1] Is 55,6 -11.
[2] Senior and Stuhmueller 1983, p. 37.
[3] Dr H. Hauser, cf, also Dahood 1978; Fisher 1980.
[4] Beauchamp 1983, p.12.
[5] Rossano 1980, p.25.
[6] Ibid., pp. 25 -6.
[7] Hauser loc. cit..
[8] Ibid., citing Barucq.
[9] Rossano 1980, p.26.
[10] Senior and Stuhmueller 1983, p.40.
[11] Hauser loc, cit.
[12] Ibid.
[13] Ezk 28, 11-17.
[14] Hauser loc, cit.
[15] Ibid.
[16] Rossano 1980, p. 26
[17] Senior and Stuhmueller 1983, p. 68.
[18] Is 49,6.
[19] Beauchamp, op, cit., p.7.
[20] Rossano 1980, p.25.
[21] Ibid., pp. 25-6.
[22] Wis 7,27.
[23] 1 Cr 1,30.
[24] McNamara 1983, pp. 235-9.
[25] Gilbert 1984, p.1
[26] Rossano 1980, p.25.